TRẦN QUỐC HƯƠNG
Người Chỉ Huy Tình Báo

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ
2020


          

             1. Tuổi thơ, gia đình và quê hương
              2.  Bị Pháp bắt năm 1941
              3. Ban công tác đặc biệt của Trung ương
              4. Tham gia làm báo Đảng ở chiến khu Việt Bắc

             

5.

Vào Nam


Sau đình chiến 1954, lực lượng quân ta tập kết ra Bắc. Đối tượng của cách mạng Việt Nam thay đổi. Đảng đã nhìn thấy bàn tay can thiệp của Mỹ, nhận định là kẻ thù nguy hiểm trực tiếp. Sau khi thực hiện chuyển quân tập kết, điều chỉnh khu vực, so sánh lực lượng giữa ta và địch ở miền Nam tạm thời có sự thay đổi lớn nên cần phải kịp thời chuyển hướng chiến lược, tạm thời chuyển sang thế giữ gìn lực lượng. Trung ương Đảng chủ trương thi hành phương châm hoạt động kết hợp chặt chẽ công tác hợp pháp với công tác không hợp pháp, nhưng lấy công tác không hợp pháp làm chính “tổ chức công khai phải thật rộng rãi, còn tổ chức bí mật thì phải thật trong sạch và vững chắc. Tổ chức Đảng chủ yếu là bí mật, trong khi đó, tổ chức quần chúng chủ yếu là lợi dụng điều kiện hợp pháp để hoạt động”. Xứ ủy Nam Bộ xin chi viện cán bộ vì sắp tới có nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ lớn của công an và quân đội: đảm bảo an toàn cho các cấp ủy.

Tháng 7, tháng 8 năm 1954, lúc đất nước bắt đầu chia làm hai miền, Xứ ủy miền Nam và đồng chí Lê Duẩn cử đồng chí Lê Đức Thọ ra gặp Trung ương để bàn về chiến lược cách mạng sắp tới. Đó là lúc chiến trường cần người cán bộ có kinh nghiệm hoạt động địch hậu ở đô thị, biết công tác bảo vệ Đảng trong hoạt động bí mật như đồng chí Mười Hương. Lúc đó, Nha tình báo Trung ương mới thành lập chưa lâu. Đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị: “Nếu có thể Trung ương cho Hương đi cùng tôi trở về trong ấy.” Đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp xin ý kiến Bác Hồ. Bác nói: “Nếu miền Nam xin chú Hương đi hoạt động thì không nên phong chức sắc gì, vào đó tùy tình hình, đừng để phụ lòng Trung ương.” Bác dặn dò ông Mười Hương cũng rất đơn giản: “Công việc thì các chú giao và dặn chú kỹ rồi. Xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng Trung ương. Đi sao nhớ về vậy.” Trước đó, đồng chí Trường Chinh đã nói kỹ lắm rồi: “Khó khăn nhiều lắm đấy, đi không biết bao giờ trở lại. Phải suy nghĩ cho kỹ, nếu không đi được cứ báo cáo Trung ương. Đừng ép gì. Phải giữ bí mật tuyệt đối.”

Trước đó nữa thì ông đã gặp một người bạn khá nổi tiếng, Bùi Lâm, phụ trách tòa án quân sự Liên khu 3, người đã xử án Bảo Đại và xử bắn Trưởng Ty Công an Hà Nam. “Tôi ở tả ngạn về Văn phòng Trung ương theo lệnh gọi. Đến Nhật Lựu, cách Phủ Lý 5km thì gặp Lâm. Lâm rủ sang chỗ anh ấy ngủ một đêm. Lâm đoán tôi sẽ đi Nam nên phân tích nhiều, anh nói quan niệm về thực dân cũ, mới. Thực dân Pháp đi đến đâu “ông cha đi trước, lính tập theo sau”, tuyên truyền công giáo trước. Thực dân Anh sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan dựa vào công ty kinh tế, anh nhà buôn, tức là kinh tế luôn đi trước. Cho nên chính sách khác nhau. Còn Mỹ thì cũng khác nữa: can thiệp Trung Quốc cũng qua các nhà buôn, nó cai trị cả nước Trung Hoa, nhưng chỉ nắm thông qua bốn dòng họ lớn: Tưởng, Tống, Khổng, Trần. Bốn họ này nắm 80% tài sản Trung Quốc. Mỹ không cần hiện diện cai trị. “Pháp là thực dân cũ, nay vào miền Nam có thực dân mới, mày vào lạ nước lạ cái. Nếu mày đi, người khổ nhất là mẹ mày.” Nhớ đến đó, hình như ông Mười Hương thoáng cười vì cách nhìn thời cuộc của một người bạn xa xưa, cách nay đã nửa thế kỷ. Nhưng còn việc ông ra đi người khổ nhất là mẹ thì điều này thực sự là niềm thương xót trong ông.

“Hôm sau, tôi về thăm mẹ. Đêm đến, không ngủ, bà ngồi sờ mặt, sờ tay con. Bây giờ yên rồi, mày đưa thằng con về đây tao nuôi. Lúc nhỏ “con mẹ con cha, lớn lên là con vua con chúa”, con đi làm việc làm sao mẹ giữ được. Bà khóc. Về việc tôi đi làm nhiệm vụ, bố tôi không biết là tôi làm gì, chỉ nói: Mày đi theo anh em cách mạng đứng đắn, thế là được. Nhưng đừng để khó cho ai. Không nên khi vui thì vỗ tay vào đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.”

***

 “Cậu không tham gia cấp ủy nào nhưng có năng khiếu tình báo, công an.” Đó là lý lẽ của đồng chí Trường Chinh không chịu khi ông Phạm Văn Đồng lấy tôi về ngoại giao.

Ông Mười Hương thường nhớ lại thuở còn làm việc với các lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam với nhiều chi tiết. Và phân tích sự sáng suốt của Bác Hồ.

 “Tôi coi Cụ Hồ là một nhà tình báo giỏi. Khi hoạt động ở nước ngoài Người tự tìm hiểu mọi điều, quen thân đủ loại người. Tôi nhớ Cụ nhận xét người Anh khác hẳn với điều ta thường nghe: phớt tỉnh Ănglê. Nhưng Cụ Hồ bảo, người Anh thật ra rất dí dỏm và lanh trí đối đáp. Cái “phớt tỉnh” của họ không hoàn toàn là sự băng giá lạnh lùng, mà là sự bình tĩnh.

Chính Cụ Hồ chỉ thị xây dựng ngành tình báo chiến lược, đào tạo một số cán bộ chuyên ngành. Khi tôi đi vào Nam, Cụ Hồ dặn rất kỹ: Chú đi vào nơi khó lắm đấy. Phong cách ở miền Nam phải khác. Rồi Bác phân tích cho tôi hiểu tình hình: Mỹ xâm lược nhưng giấu mặt. Nó không muốn tính chất cuộc chiến là chiến tranh cứu nước, mà là nội chiến, là chiến tranh ý thức hệ.”

Cho đến những năm đã cao tuổi, vào năm 2006, ông Mười Hương vẫn có thể phân tích tình hình khá rõ, thời kỳ sau khi Hiệp định Genève được ký kết, các lãnh tụ cách mạng cử ông vào Nam. Sau Điện Biên Phủ ta thắng lớn lắm, nhưng nhìn tình thế vẫn là: Ai trả tiền, người ấy làm chủ. Cuộc chiến tranh này Mỹ bỏ ra 80% chi phí, vậy thì Mỹ sẽ “đòi”. Thất bại này là của cả Pháp lẫn Mỹ. Cho nên chúng ta đánh thắng Pháp nhưng chưa chắc đã kết thúc được chiến tranh đâu. Khi chúng ta mời đại diện của Anh, Mỹ chứng kiến hội nghị Genève, họ có chịu ký kết công nhận gì đâu. Họ làm cho miền Nam không thi hành. Vì thế, theo ông Mười Hương, Bác Hồ đã nhìn thấy phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh khác. Nhìn ra điều này khi chiến tranh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đâu phải dễ. Cũng chẳng phải ai tài cán bấm độn theo kinh Dịch, mà phải là một nhà chính trị - quân sự tài năng.

Mỹ sẽ phải xoay gỡ 80% tiền của họ bỏ vào đây chứ. Vì thế Bác cứ dặn đi dặn lại: Hương đi là khó lắm đấy nhé. Chú sẽ khó hai cái: cách làm việc của miền Nam khác ngoài này. Trung ương không phong chức vụ, không giới thiệu. Chú vào đó làm việc, học hỏi, nếu được chấp nhận thì làm việc, nếu không phải quay ra. Ông Phạm Văn Đồng bảo: Nếu không được, thì vào đó chỉ phổ biến chỉ thị, giúp đào tạo rồi 6 tháng ra. Bác bảo: Còn nếu trong đó cần chú, họ xin thì Trung ương sẽ cho.

Lúc đó đồng chí Lê Đức Thọ ra báo cáo tình hình và xin Trung ương cho một người có kinh nghiệm hoạt động nội thành, hoạt động địch hậu.

***

Và thế là từ giā gia đình, ông lên đường vào miền Nam cuối năm 1954, hai tháng sau đó Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về. “Tôi vào bằng máy bay địch với đoàn liên lạc đi đầu tiên”. Cuộc ra đi quan trọng và là một biến cố lớn trong đời chỉ được ông nói gọn như thế.

Nếu tìm các sự kiện trong đời, riêng về việc đi máy bay ông đã có ba lần bay lên trời thật đặc biệt. Một lần nữa, với thân phận người tù bị đưa ra Huế trên chiếc máy bay Dakota nhà binh. Khi máy bay rời Tân Sơn Nhất, ông còn nhìn xuống tìm xem căn nhà sát sân bay của một thượng sĩ quân cụ, nơi ông đã được ở đó khi mới vào miền Nam. Người thượng sĩ này lấy một cô vợ nghèo đã có một con với người chồng trước đi tập kết. Anh rất thương và nể vợ. Họ có hai con chung. Anh hay bia bọt, đời lính hết giờ nhiệm sở đi chơi, anh cũng chẳng biết ông khách được người ta gửi ở nhờ nhà mình là một ông Việt cộng phụ trách tình báo. Người vợ và mấy đứa trẻ rất quý “cậu Hai” (tên gọi của ông Mười Hương khi mới vào Nam hoạt động). Chỉ cách vài hôm trước ngày ông bị bắt, có ghé về nhà thì đứa con gái út của họ còn láu táu vui mừng dặn: Cậu Hai, Chủ nhật cậu về nhá. Cậu về, con mới được ăn thịt. Má mua vịt bảo chờ cậu Hai. “Đó là một gia đình tốt, nay vẫn ở Gò Vấp. Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, gặp lại nhau, người vợ vẫn nhớ ông, òa khóc, lúc đó cô ấy buồn vì mình là “gia đình lính ngụy” nhưng gặp lại mừng quá.”

Tất cả những hình ảnh về ngôi nhà, về tình thương yêu của người dân như thế ông bỗng nhớ lại khi máy bay cất cánh đưa người tù ra Huế để nhốt ở trại Tòa Khâm, bắt đầu cuộc chiến đấu rùng rợn trong trại giam Chín Hầm của mật vụ miền Trung của Ngô Đình Cẩn.

Lần thứ ba ngồi máy bay cũng rất đặc biệt, khi ra tù vào năm 1963 rồi được đưa ra miền Bắc. “Nếu đi đường Trường Sơn như cán bộ, bộ đội đi trong chiến tranh thì không đủ sức vì mới ra tù nên tôi được bố trí cho đi theo đường công khai. Máy bay qua Phnom Penh, sang Thượng Hải rồi về Hà Nội.”

Lần bay khỏi quê nhà, năm 1954 ấy, ông suy nghĩ gì? Không thấy ông kể. Nhưng ông đã để lại phía sau gần như tất cả cuộc đời mình: vợ con, cha mẹ, đồng đội, làng quê, tất cả, cả người cha sau này bị đấu tố trong sai lầm của Cải cách ruộng đất, chết chưa kịp gặp lại con.., để đến một miền xa lắm, chưa tới bao giờ, chưa biết có ngày trở lại hay không.

***

Sau khi vào chiến trường miền Nam, ông được đưa lên Sài Gòn. Người giao thông liên lạc dẫn ông đi là một công nhân hãng Ba Son, sau này bị sa vào tay giặc, bị đánh đến chết. “Tôi ở nhà người cậu ruột ổng cũng là một công nhân, có gia đình bên ngoại là người Hoa quê Phúc Kiến.” Họ thương ông lắm dù biết ông là người của kháng chiến. “Đó là một ngôi nhà cổ ở Phú Nhuận. Tôi trong vai ông Hai thầy giáo dạy kèm lũ trẻ. Bây giờ, sao bao nhiêu năm chiến tranh, tôi vẫn còn liên lạc được với họ. Vẫn lên đám giỗ bà cụ. Các em vẫn thương tôi lắm.”

Ông kể về gia cảnh của anh Năm, người cháu của ông già, người đã đưa ông lên Sài Gòn hoạt động: “Anh Năm có người cha cũng là thợ giỏi Ba Son. Gia đình đông con. Có nhiều người hiện đi định cư ở Mỹ. Họ thực sự là một gia đình lớn. Tôi về là bà già lại kêu các con làm cơm, coi tôi như anh Hai thật của gia đình: “Có anh Hai về, tụi bay làm gì ngon ngon cho nó ăn”. Tôi nói gì là các em nghe theo răm rắp. Cái chân thật thuyết phục được gia đình và hơn nữa, uy tín của kháng chiến lớn lắm”.

Lúc đó, ông được giao lãnh đạo một số đầu mối mạng lưới tình báo. Đó cũng là lúc nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đi theo quân đội Pháp vào miền Nam ở một tiểu đoàn công binh, bắt đầu có những móc nối trong tôn giáo Phát Diệm di cư.

Tôi bị bắt do có người khai báo. Chúng bố trí bắt tôi tại một chỗ hẹn ở Gò Vấp”. Ông Mười Hương nói về người đã khai báo để mình bị bắt với một thái độ thật ngạc nhiên: không một chút lên án, hận thù. Hình như chuyện ấy ông đã cho nó vào quá khứ nên bây giờ “moi” ra xem lại, ông như có chút gì đó muốn phân tích tìm hiểu lại cho rõ ràng và khách quan hơn.

“Về người cán bộ từ Trung ương chi viện mới vào này (ông gọi là anh Ba - TG), tính nguyên tắc trong hoạt động rất yếu. Lẽ ra vào đến đây là phải cắt hết mối liên lạc cũ, anh ta vẫn giữ liên lạc với cậu Tư ở bộ phận giao thông. Sau này, chính cậu Tư bị bể mà anh ta bị lây. Ngay trong tư tưởng anh ta cũng đã có vấn đề. Lúc đó tình hình rất khốc liệt. Tôi đã nhận hai điện báo: khu Năm tổn thất nặng, địch bắt bớ mạnh, có chỗ trắng 100%, nhiều nơi trắng 80-90%. Xứ ủy chỉ đạo phải cắt liên lạc với Trung ương để bảo đảm an toàn. Phải chờ lệnh đã. Giấy tờ cũng vậy. Anh ta có giấy do Trung ương làm rất bảo đảm, trong khi tụi này toàn giấy tờ tự làm. Vậy mà anh ta không yên tâm, vẫn trông chờ Pháp làm cho giấy tờ hợp lệ. Trong tư tưởng anh ta lúc đó có vấn đề nhận thức. Lúc ở ngoài Bắc, anh được nghe nhận định là các đô thị miền Nam phồn vinh giả tạo. Vào trong Nam, anh nhận xét: mình cứ tuyên truyền không thật, ngã tư nào cũng đèn măng sông sáng trưng, rồi máy may, xe máy, xe đạp...

Ngay chuyện gia đình, anh cũng rất nặng lòng. Làm người hoạt động bí mật, nhiều khi phải chịu đựng để đảm bảo an toàn. Anh thì khác, muốn lo chu toàn cho một gia đình tới sáu, bảy đứa con. Tôi cũng đã lo giúp hai đứa con anh ra Bắc theo đường Phnom Penh, vì năm 1958 địch đã ngăn tất cả con đường thông thương. Anh còn muốn đưa vợ ở quê lên. Anh đưa chị lên khó lắm. Hoạt động bí mật nguy hiểm. Dù khuyên nhủ vậy nhưng khi anh cứ đưa vợ lên, tôi vẫn giúp tiền để mở cửa hàng nhỏ ở xóm lao động cho họ sống chứ biết làm thế nào. Lúc nó bắt được anh ấy, nó biết anh có bà mẹ, nặng gánh gia đình nên đã gây sức ép. Anh phải khai báo bắt tôi. Chứ tôi biết, nếu chỉ bị đánh thôi, chắc anh chịu được như mọi người.”

Thế là năm 1958, ông đã sa vào tay giặc sau bốn năm hoạt động ở miền Nam. “Tôi hẹn anh Ba ba ngày sau gặp nhau để đưa đứa con anh ta ra Bắc. Hẹn qua giao thông nhưng lần ấy không thấy anh ấy đến. Theo nguyên tắc thì phải có hai lần hẹn: chính thức và dự bị. Do lần trước anh không đến gặp giao thông cho nên phòng bất trắc, cái hẹn lần hai tôi không đến thẳng nơi hẹn. Tôi đón con ông chủ nhà cơ sở để thăm dò tình hình. Con ông chủ trách tôi:

- Chú Hai hẹn với chú Ba ngày hôm qua sao chú không đến?

- Ờ, tao có hẹn gì đâu.

- Có! Chú Ba nói chú có hẹn đi mua nhà. Chú không đến, để chú Ba nằm chờ mãi.

- Thế chú Ba đi với ai?

- Chỉ đi một mình thôi.

- Sao nghe nói chú ấy bệnh kia mà?

Tôi phân vân, đến trao đổi với một anh cán bộ thẩm tra thêm. “Anh Ba bỏ hẹn giao thông, bữa sau lại đến chờ. Con anh Hai chủ nhà nói vậy, không biết có nên đến gặp không” Anh cán bộ nói nên gặp cái hẹn dự phòng đi. Nếu nó có bị bắt cũng không quay ra phản bội nhanh đến thế. Tôi phân vân quá. Mới vào hoạt động, mới gặp nhau mà bỏ hẹn thì cần thận trọng, không hay đâu. Thế nhưng tôi vẫn phải đi gặp, dù phải tăng cường cảnh giác. Theo hẹn, tôi phải đến một nhà cơ sở tại Gò Vấp. Trước khi vào nhà, tôi tạt ra chợ, gặp bà chủ mời rối rít: “Hai, Hai, ăn gì chưa, lại quán ông già đầu đường ngồi.”

Giờ hẹn gặp là 9 giờ sáng nhưng hôm đó tôi đến sớm 8 giờ 30 để quan sát tình hình ngôi nhà điểm hẹn cách đó 100m. Vào trong nhà, tôi tìm chỗ ngồi ở bếp, sát bờ rào. Tôi quan sát phía cổng và tìm xem ám hiệu của ổng khi xuất hiện có đúng không. 9 giờ, đúng hẹn, ổng xuất hiện với đúng ám hiệu an toàn: để xe theo chiều quy định. Tôi đi ra để gặp. Nhìn mặt anh thần sắc có gì đó, ánh mắt lạc đi, hình như có vẻ gì không trong sáng. Anh ta hỏi:

 - Hôm qua đúng hẹn sao anh không đến?

 - Ờ, bận. Tôi đưa tờ báo cho anh, hẹn một cuộc khác. “Thôi anh đi đi. Bà chủ nhà hôm nay không muốn ta họp ở đây”. Tôi chưa có ý nghi ngờ, tôi lấy xe đi ra. Hóa ra là anh đã khai báo, dắt chúng đến vây tôi ở đây. Một thằng xáp lại hỏi giấy tờ. Tôi vẫn ngồi trên chiếc xe Mobilét, ý tôi định thằng này mà lơ mơ tôi sẽ vọt đi. Nhưng nó cũng khôn đứng chặn bánh xe trước. Tôi bảo: “Anh cho biết anh là ai mới cho xem giấy tờ được”. Nó rút súng. Tôi cố hoãn binh cốt để anh cán bộ kia tranh thủ mà chạy thoát. Lúc đó, tôi chưa biết là anh ta khai báo bắt tôi, cứ tưởng hai chúng tôi vô tình gặp nạn. Cạnh đó có một quán cóc đông người. Tôi bảo thằng rút súng (nó là Khanh sau là Trưởng ban Mật vụ Nha Cảnh sát): “Anh không dám bắn tôi đâu. Tôi hô lên bây giờ!”. Tôi đôi co với nó hồi lâu, không được. Nó huýt tiếng còi, một tiểu đội lính kín mai phục ở đâu đó xung quanh túa ra, vây lấy tôi. Chúng còng tay tôi lại, hai thẳng kẹp nách hai bên và đẩy đi ngay. Thường mật thám dùng xe thùng đi bắt người. Song hôm ấy, bọn chúng vẫy taxi (sau tôi biết đó cũng chính là taxi của nó). Tôi không biết là tụi nào, Nha Đô thành hay Đặc cảnh miền Đông bắt mình. Đẩy tôi vào xe, chúng lập tức tròng vào mắt tôi cặp kính đã quét sơn đen không thể nhìn qua. Hai thằng ngồi kẹp hai bên. Thằng Khanh ngồi trên, nó cũng ma mãnh, đánh lạc hướng tôi “Này, ông là ông mới chở thuốc phiện về đây hả?” (Ở Gò Vấp cách đấy vài ngày có một vụ liên quan tới thuốc phiện). Tôi hoang mang, mình bị bắt vì hình sự, hay là gì đây. Tôi có đánh mắt và cố hình dung đường đi. Không thấy có vẻ gì là đi về hướng Nha Cảnh sát. Chợt thấy gió lồng lộng thổi. Tôi đoán là ra tới bờ sông. Quả đúng vậy, đó là lúc xe đi qua cầu Khánh Hội, quẹo vào Vân Đồn”

Bắt đầu từ đây là cuộc sống tù đày kéo dài sáu năm (1958-1963) của ông Mười Hương và khó khăn nhất là khi ở “nhà tù” Tòa Khâm của Ngô Đình Cẩn ở Huế. Tòa Khâm là nơi người tù chính trị bị thanh lọc, nếu không chịu “chuyển hướng” sẽ bị đày đi Chín Hẩm, Mang Cá, Lồ Ô hoặc nhà lao Thừa Phủ (Huế).

Xem tiếp:

6. Đấu trí ở trại giam Tòa Khâm, Huế