TRẦN QUỐC HƯƠNG
Người Chỉ Huy Tình Báo

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ
2020


 


Trần Quốc Hương (1954)

 

1.

Tuổi thơ, gia đình  và quê hương

 

“Mẹ tôi không biết chữ. Làm lụng như một phụ nữ nông dân đi cấy thuê, nhưng bà biết hát ví hay nhất. Như tất cả phụ nữ nông thôn ngày xưa, dù sinh trong gia đình không nghèo lắm, bà cũng không được đi học. Quê tôi ở vùng Hà Nam - Bình Lục đồng chiêm trũng, nghèo lắm. Cả làng tha phương cầu thực. Mùa nước lên, tháng 6, tháng 7 âm lịch chỉ còn đàn bà và trẻ con ở làng. Đàn ông đi làm thuê khắp nơi. Thợ hồ, thợ mộc Nam Định tài khéo có tiếng, ông chú của bố tôi, là bạn của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Ông chú học giỏi nhưng đỗ đạt không cao, được làng xã quý trọng lắm. Bố tôi làm nghề mộc, đóng xe bò rất giỏi, làm việc cho cơ sở Đông Kinh Nghĩa Thục, hiệu Đồng Lợi ở Phủ Lý. Cha tôi là con cả trong nhà, rất có hiếu với cha mẹ. Có một câu chuyện tôi không thể quên: ông làm việc ở Phủ Lý cách nhà 20 km, nhưng khi mẹ đau ốm bệnh nặng, ông sáng đi, tối về, đi bộ hàng ngày 20 km như thế về với mẹ, trông nom chăm sóc mẹ. Mà mẹ đau ốm lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Ông đi bộ hàng ngày như thế cho tới khi mẹ chết.

Làng tôi có tiếng về phong trào yêu nước của nông dân. Cụ Phan Bội Châu cũng lui tới đó vì sĩ phu ở đó cũng như ông Nguyễn Khuyến, đều không chịu ra làm quan. Phong trào do cụ Phan Bội Châu đề xướng Đông Du, các sĩ phu ở đây cũng cho con cái sang Nhật học khá nhiều, có người còn lấy vợ có họ Hoàng gia bên đó. Một ông cậu tôi làm đốc phu, thành một vị tướng có tiếng của Đề Thám, Tây bắt giam quản chế ở làng. Đến thời kỳ có các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo, làng tôi cũng có tham gia và có tiếng trong phong trào bình dân. Người giác ngộ trực tiếp đối với tôi lúc đó là anh Nguyễn Đức Quỳ, sau này là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Lúc đó anh Quỳ dạy tư, vốn bị tù ở Sơn La, người gốc Bắc Ninh, hoạt động có thời kỳ làm bí thư Ban cán sự Hà Nam. Anh dạy học con cái các ông tham, phán. Anh tự học và giỏi cả ba ngoại ngữ Pháp, Anh, Tàu. Thời kỳ chống Pháp anh là đại diện của ta ở Thái Lan. Một người nữa tên là Rốc, hoạt động dưới vỏ bọc cảnh sát, sau anh làm công tác ngay trong phòng tra ở Việt Trì. Làng tôi có một lai lịch như vậy, trong bối cảnh xã hội như thế nên tôi được giác ngộ rất sớm.”

Ông Mười Hương thường nhớ như thế về quê nhà. Sau này khi cha mình bị quy là thành phần giai cấp tư sản, địa chủ gì gì đi nữa, ông vẫn tự phân tích bản chất lao động của cha muốn: “Sau này được đọc truyện Gia đình Actamanôp của Macxim Goocki tôi liên hệ thấy yêu lao động là bản tính của cha tôi. Ông đối xử bình đẳng với người ăn kẻ ở trong gia đình. Giỗ Tết, ốm đau ma chay của họ, ông chăm sóc chu đáo nên được người ta thương. Tiếng là chủ, tính chất phong kiến bóc lột nhưng ông sống đạo đức, không để nông dân bị đối xử tàn tệ.” Sau này khi ông đưa mộ bố mẹ về quê, bà con trong làng nói: Nghe các ông đi cách mạng làm lớn cũng chưa làm được gì cụ thể cho làng. Nhưng ông bà cụ này nếu cái năm đói không đổ thóc nhà mình ra nấu cháo cho làng ăn thì còn nhiều người chết.

Lý lịch của ông Mười Hương là con nhà địa chủ kiêm tư sản, lại có hai thằng con theo giặc (khi ông Mười Hương đi miền Nam hoạt động bí mật, người ta gán cho bố ông là có con theo giặc).

Thời kỳ cải cách ruộng đất gặp nhiều oan trái, cha ông vẫn nói với vợ: Mình chẳng tiếc gì ruộng đất bị tịch thu mất. Nhưng làng quê mà đấu tố nhau thế này thì phong hóa suy đồi rồi. Thằng Mười Hương sau này có về gặp lại thì nói với nó thế!

Người làng còn kể lại lúc cốt cán nông dân chỉ mặt ông quát: Địa chủ Tân, ra cho nông dân hỏi. Ông cụ vẫn nghiêm túc trả lời: đời tôi không giết chóc, bóc lột ai. Mẹ ông kể lại: Không phải bị đấu tố mà chết, nhưng thầy mày buồn thế sự, hay nằm thở dài, mấy tháng sau thì chết ở Phủ Lý.

Người anh trai cả của ông Mười, như ông kể, “Lớn lên vừa lúc cách mạng tới, chứ không thì cũng đến đi làm cho Pháp. Anh cả tôi rất thông minh, sau làm thầu khoán các công trình làm nhà, cầu, đường. Anh kiếm khá tiền, mua được xe hơi như xe của tri huyện.” Tuổi thơ của ông Mười trải qua nhiều tình huống khắc nghiệt. Nhà ông theo phong cách quyền huynh thế phụ, quyền của ông anh trai cả rất lớn. “Hắn bắt tôi học, ngày nay tôi cảm ơn hắn, nhờ hắn mà tôi đọc nhiều.” - Ông Mười Hương nói vui khi nhớ về những ngày mình còn là chú bé bị ông anh chỉ huy. Em ngồi học đầu bàn này, anh ngồi ở đầu bàn kia, để sẵn cái roi mây. Hễ em ngủ gật là ông anh quất cho. “Mà xong bài ở trường, ông anh còn nhồi grammaire - ngữ pháp tiếng Pháp. Bài nào kiểm tra chưa thuộc, ông anh bắt quì trên gai mít. Nhiều lúc tôi thấy sao khổ quá, chỉ muốn chết cho rảnh.” Bà mẹ thấy thằng con trai bé bị anh hành hạ quá, xót con, bà nói dỗi: “Nhà tao không có mả học. Sau lớn nó có phải đi gắp cứt ăn cũng được.” Người cha thì ngược lại: Ông là nhà Nho, trọng chữ thánh hiền, “thấy rơi vãi dưới đất bắt nhặt lên.” Ông quan niệm nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, bắt con học chữ Nho để biết đạo lý ở đời, để ra đời biết làm văn tự, và ông “chê chữ Tây loằng ngoằng như rau muống.” Ông không bao giờ đánh chửi các con. Nếu con sai điều gì, lúc khác ông nhỏ nhẹ dùng các tích cổ để nói, khiến bọn trẻ thấy day dứt và nhớ lâu hơn.

“Cha mẹ tôi là hai người có cách nghĩ rất khác nhau, đều để lại dấu ấn tính cách nơi con cái sau này.” - Ông Mười đôi khi tự phân tích mình: “Cha của tôi ban đầu không tin có ai đánh được giặc Pháp, mặc dù trong hành động, ông luôn ủng hộ những người đánh giặc. Thời kỳ Việt Minh lên, ông vẫn cho rằng đánh được thằng Tây thì mặt trời mọc ở đằng Tây. Ngày xưa các cụ nhiều người tài giỏi mà đâu có làm gì được nó.” Quan niệm như thế, nhưng cụ chính là người hồi nhỏ đã từng chống thuyền đưa cụ Phan Bội Châu đi gặp gỡ lãnh tụ phong trào Văn thân trong vùng. Nhà của cụ có thời kỳ nuôi các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ như Trần Tử Bình cán bộ Xứ ủy và sau này là chỗ ở của đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Khi kháng chiến bùng nổ, cụ không ngần ngại theo lời hiệu triệu tiêu thổ kháng chiến, phá hết nhà cửa lớn của mình ở Phủ Lý để đi về quê tản cư. Khi Việt Minh đánh Pháp thắng lợi, rồi phục hồi đường xe lửa Nam Định chỉ trong ba, bốn tháng, cụ phục lắm.

Trong khi đó, tính tình cụ bà khác hẳn. Trong con mắt cụ chỉ có gia đình, chồng con là nhất. Cụ lấy việc thờ chồng nuôi con làm vinh dự, hạnh phúc. Khi mới giác ngộ, tôi đem thuyết giải phóng phụ nữ nói với mẹ, mẹ tôi chửi: Cho anh đi học, tưởng về anh nói cái gì hay ho chứ, toàn chuyện tào lao linh tinh, thôi đi, tao không nghe đâu. Đời cụ rất khổ, chồng chết nuôi con. Con đi hoạt động, nuôi cháu. Cụ là người phụ nữ nhanh nhẹn, thông tuệ và hát ví rất giỏi: “Tôi học ở mẹ nhiều ca dao, tục ngữ, cách nói ví von so sánh của dân gian. Đó thực sự là một kho tàng truyền dạy cho tôi lẽ sống hàng ngày. Cụ thường dạy con theo điều tốt: Chín bỏ làm mười, Đánh được người mặt đỏ như vang là không tốt đẹp gì. Không nên ăn thua tranh giành. Chữ nhẫn cụ đưa vào con. “Tất cả mọi người cùng hoạt động với ông Mười Hương thường nhận xét: Ức đến tận cổ vẫn nuốt xuống được, ông Hương có cái hay là thế. Ông cho rằng: “Nghị lực có được là do ảnh hưởng của cha tôi.”

Xuất thân trong một làng quê và gia đình như vậy, chàng thiếu niên Mười Hương bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1937 trong phong trào thanh niên khi học hết tiểu học, và lên Hà Nội sau đó hai năm, 1939.

 

Xem tiếp:  

2. Bị Pháp bắt  năm 1941