TRẦN QUỐC HƯƠNG
Người Chỉ Huy Tình Báo

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ
2020


          

             1. Tuổi thơ, gia đình và quê hương
              2.  Bị Pháp bắt năm 1941
              3. Ban công tác đặc biệt của Trung ương

             

4.

Tham gia làm báo Đảng ở chiến khu Việt Bắc

 

Điều kiện công tác đã đưa đến cuộc đời của ông Mười Hương rất nhiều mảng sống khác nhau. Làm ở Đội công tác đặc biệt lo cho Trung ương Đảng thời kỳ trứng nước. Hoạt động văn hóa, quen rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức lớn. Và công việc cũng đưa ông gắn liền với sự ra đời của những tờ báo Đảng trong những năm đầu. Chính Tổng Bí thư Trường Chinh và ông Nguyễn Lương Bằng giao cho ông Mười Hương đi tìm địa điểm cho tờ báo, cho nhà in, tìm những nhà in nào có thể đưa in báo. Nhiều khi ông phải lo cơ sở vật chất mà không được giao một xu.

Báo chí ngày ấy là một dẫn chứng sinh động nhất cho việc đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến. Ngày 10 tháng 10 năm 1942 Thường vụ Trung ương quyết dịnh xuất bản số 1 báo Cờ Giải Phóng. Những tờ báo ban đầu có khi chỉ vài lãnh tụ trực tiếp viết. Những tên tuổi như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Lê Liêm, Lê Toàn Thư... không chỉ là cán bộ lãnh đạo của Đảng, mà còn là những cây bút đóng góp bằng tất cả sự sáng tạo, lòng yêu đất nước, cất lên tiếng nói sắc sảo của thời kỳ đấu tranh cách mạng. Họ dùng tờ báo làm vũ khí sắc bén để tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh cách mạng.

Là một người có tham gia lo cho công việc ra báo của Đảng những năm đầu cách mạng - một nội dung của cán bộ Công tác đội, nên ông Mười Hương gần như “một người trong giới báo chí”. Ông biết khá rõ công việc ra báo Đảng như thế nào, vì cơ quan in ấn thường được Công tác đội bố trí ở sát bên Thường vụ Trung ương.

Cơ quan in bí mật của Trung ương được chuẩn bị từ khi Đảng còn hoạt động công khai thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Nhưng việc in ấn tài liệu từ thời bí mật không có hội nghị phổ biến nghị quyết mà chỉ do hệ thống giao thông bí mật chuyển đi, cho đến khi Đảng có cơ quan in ấn, nỗi khó khăn luôn chồng chất. Đảng không có tiền, cho nên ngay khi gọi là cơ quan in ấn có máy móc rồi cũng vẫn trông vào sự ủng hộ của nhân dân. Từ chỗ in bằng thạch, bằng đất sét, bằng đá hoặc giấy nến cho đến khi xuất bản số 1 các tờ Cứu QuốcCờ Giải Phóng, “nhà in” báo Đảng phải chạy giặc bao phen. Báo Đảng năm 1943 lấy tên là Cứu Quốc - tờ báo là cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, do trực tiếp Tổng Bí thư phụ trách. Cơ quan in báo Đảng thời đó không có trụ sở tòa báo bao giờ, mà địa điểm của nó nghe thật khiêm nhường và rất đặc trưng cho hoạt động của Đảng trong lòng dân. Cơ quan in báo Đảng lúc đầu đặt tại nhà bà Hai Lân ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Nếu giở tờ báo Cứu Quốc hoặc Cờ Giải Phóng sẽ thấy ghi tên nhà in Phan Đình Phùng và Trần Phú. Nhưng ngày nay, với tất cả các phương tiện in ấn hiện đại, hoặc ngay những thời kỳ trước đây, không ai có thể hình dung ra “nhà in” của báo Đảng chỉ là một cơ sở gọn nhẹ có ba người. Phương cách kỹ thuật cũng chỉ in ly-tô như cách thời đó in các tài liệu, truyền đơn. Những phiến đá mỏng được mài sạch, viết chữ ngược bằng mực đặc biệt, rồi đặt từng tờ giấy nhỏ, hẹp lên trên, rồi dùng con lăn in ra từng tờ. “Hồi ký của anh Nguyễn Lương Hoàng có nói đến anh Nguyễn Văn Trân và Lê Viên là hai người đã in số báo Cờ Giải Phóng đầu tiên. Một thời gian sau, hai anh Trân và Viên bị bắt ở Hà Đông. Cơ quan bị vỡ, hai tờ báo cũng lao đao chạy hết chỗ này đến chỗ kia. Gần một năm sau mới thành lập được cơ quan mới do anh Phạm Đức Khiêm phụ trách. Sau đó báo đã tiếp tục ra số 2, số 3 và một số báo khác như Kèn Gọi Lính, Lao Động”... “Nhà in” chuyển liên tục, khi thì ở Thượng Cát, lúc chạy tới Võng La, lúc ở nhà anh Liễu ở Liễu Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh) lúc lại chuyển sang nhà anh Diêu. Thời kỳ ở nhà ông Khán Thủ, dịp Tết Giáp Thân 1944 đồng chí Trường Chinh đã về cơ quan in trực tiếp chỉ đạo làm báo Cứu Quốc số Tết với bài vở đặc sắc. Có lúc nhà in báo Đảng chuyển về Viên Nội (Đông Anh). Trong hồi ký của chị Trần Thị Sáu - một người tiền nhiệm lo “hậu cần” cho báo Đảng thì có những thời kỳ chị đi rất nhiều nơi để tìm địa điểm trú quân cho Công tác đội, nhà in báo Đảng và cơ quan Thường vụ Trung ương. Ở Viên Nội, cơ quan báo Đảng trụ tại nhà anh Tiệm, làm nghề đậu phụ. Phải một năm sau Cờ Giải Phóng mới có một cơ quan in dã chiến sắp chữ đúc chì, đặt trang và lên khuôn. Có lẽ đó là do các đội viên của Đội công tác làm công tác vận động các hội viên cứu quốc làm việc ở các nhà in lớn của tư sản Pháp ở Hà Nội giúp. Nhờ có máy móc, vật liệu này mà báo Đảng in theo lối thủ công mà đẹp không thua các ấn phẩm báo chí của bọn Pháp, Nhật. In đẹp tới mức các anh còn nhận in thêm danh thiếp để lấy tiền sống và hoạt động. Chiếc máy in ly-tô thủ công tự tạo này có sự đóng góp lớn của hai anh Phạm Đức Khiêm và Nguyễn Lương Hoàng, nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sáng kiến chế tạo của một anh đảng viên công nhân tên là Nguyễn Trọng Kiên (tức Long) làm việc tại nhà in Viễn Đông của tư sản Pháp (anh Kiên đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp). Theo lời đồng chí Trường Chinh sau này nhớ lại thì nhà in ty-pô của Đảng ra đời trong thời gian Đại chiến Thế giới lần thứ hai, nước ta dưới hai tầng áp bức của phát xít Nhật - Pháp. Nhà in đóng ở làng Tráng Việt, huyện Yên Lãng, Phúc Yên (nay là huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc), tại nhà cụ Ngô Văn Phán - một gia đình yêu nước do đồng chí Lê Quang Đạo phát hiện từ đầu những năm 1940. Cụ Phán là một lão nông nghèo, cả gia đình, con trai, con dâu, các cháu đều có ý thức bảo vệ bí mật và đã trở thành gia đình cơ sở cách mạng vững chắc. Nơi đây, đồng chí Trường Chinh đã qua lại nhiều lần. Công tác đội đã chọn nhà người con trai cụ Phán để làm nơi ở cho đồng chí Trường Chinh khi lui tới viết bài và làm công việc của một Tổng biên tập chăm lo cho cả số báo. Nếu chúng ta biết rằng nơi ở đó không phải trên rừng thẳm làng xa, mà đó chỉ cách Phủ Toàn quyền Đông Dương - hang ổ của toàn quyền Đờ-cu, và cách đại bản doanh của tướng Tsuchibashi Tư lệnh Tập đoàn quân 38 của Nhật ở Đồn Thủy, Hà Nội chỉ hơn chục cây số đường chim bay, mới hiểu hết lòng dân bảo vệ Đảng thế nào. Những tờ báo ngày càng đẹp và phong phú. Một trong những ấn phẩm công phu nhất: được in ty-pô là “Đặc san Cứu Quốc về vấn đề hải ngoại” có đăng thư của Tổng bộ Việt Minh gửi cho các đoàn thể cách mạng của Việt kiều ở hải ngoại. Tờ đặc san đó xuất bản vào cuối tháng 10 năm 1944 với bao công sức. Đặc biệt chẳng ở xứ nào có cảnh làm báo phải “dinh” cả nhà in lên gác chuồng trâu để đảm bảo an toàn. Những bài báo do chính đồng chí Trường Chinh viết chứa đầy nhiệt huyết của một Đảng có tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén. Lịch sử cách mạng cũng như lịch sử báo chí sẽ còn được đánh dấu bằng những bài xã luận do chính các lãnh tụ cao nhất viết. “Phải tiến gấp”, xã luận đăng trên số 6 báo Cờ Giải Phóng và “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ” xã luận trên số 7 có nhận định và định hướng chính xác cho phong trào vào những thời khắc quyết định. Nó giống như những bài hịch kêu gọi trước giờ xung trận.

Đó là những hoạt động của thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mãi sau này báo vẫn ra hàng ngày cho đến khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thời kỳ 1946. Nhà nước cách mạng non trẻ bước vào kháng chiến, trong lúc gieo neo, Đảng Cộng sản phải rút vào bí mật và tuyên bố ngưng hoạt động. “Có một cuộc họp báo lần đầu tiên ông Trường Chinh ra mắt báo chí. Cuộc họp đó ở nhà Khai Trí Tiến Đức, nơi có câu lạc bộ của đám quan chức thường đến đó đánh tổ tôm. Lúc đó, anh Lưu Văn Lợi, Trưởng Ty Thông tin Bắc bộ, bảo tôi phát giấy mời. Tôi phải mời hết các đám có quan điểm không tốt như tờ báo của đám Việt Cách, Việt Nam Quốc Dân đảng. Lúc đó tờ Việt Nam của nhóm Việt Quốc in ở nhà in Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn ở Quan Thánh. Tờ Thiết Thực của nhóm Việt Cách in ở Ngũ Xá, ăn nói lời lẽ rất thô bỉ. Tôi cứ lo là họ sẽ nói năng như vậy tại cuộc họp báo nhưng may sao, cuộc họp báo cũng trót lọt”.

***

Sau khi ở Pháp dự hội nghị Fontainebleau về, Bác Hồ nhận định khi họp Thường vụ Trung ương: Ta đã cố níu kéo nhưng giặc Pháp không chịu. Nhân dân Pháp rất tốt nhưng nhà cầm quyền chắc chắn sẽ gây chiến tranh. Chính phủ sẽ phải dời đi, phải làm bí mật và từng bước. Bác cho hướng nên xây dựng căn cứ chính phủ ở đâu “Trước cách mạng chúng ta đã từ Việt Bắc mà thắng lợi, nay kháng chiến chính phủ ta cũng nên rút về Việt Bắc”. Bác dặn dò kỹ lưỡng hai việc. Thứ nhất, phải hết sức bí mật để giữ quyền chủ động, bảo đảm thế bất ngờ. Thứ hai, lên Việt Bắc bộ đội phải cùng dân tăng gia. Dân no mình cũng no. Nhưng muối mới là vấn đề gay go nhất. “Vàng bạc các chú có thể để lại. Nhưng muối thì nhất định phải mang đi. Chúng ta không biết sẽ đi bao lâu. Phải mang muối đủ cho năm năm, mười năm.” Bác giao ông Cả Nguyễn Lương Bằng là trưởng Ban Giao thông Liên lạc An toàn khu (GLA). Các thành viên khác có ông Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn và Mười Hương. Ban này lo việc “dời đô”: sơ tán nhà nước lên chiến khu Việt Bắc theo từng bước.

Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến. Chính phủ rút lên Việt Bắc, chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Ngày Chính phủ cách mạng bước vào thời kỳ kháng chiến ấy, ông Mười Hương lúc đó được giao nhiệm vụ giúp đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyển hậu cần đưa muối, thuốc, máy móc lên Việt Bắc. Trước tiên phải lo dời đồ đạc, vật tư, kho tàng lên trạm trung chuyển. “Chúng tôi đưa các thứ ra Vân Đình để tìm cách lên Tuyên Quang, rồi Chiêm Hóa, vượt sông Lô. Lúc tôi đi pháo ở pháo đài Láng bắt đầu bắn ra Hà Nội. Lúc tôi dọn chuyến xe cuối cùng đưa máy in báo Nhân Dân hơn bảy giờ tối ra đến Ngã Tư Sở là pháo nổ gần chỗ chúng tôi vừa dọn đi. Tôi cũng vận chuyển lên Việt Bắc được 2.000 tấn muối. “Thời kỳ này ông Mười Hương có một kỷ niệm với Bác Hồ. Lần ấy ông dùng ô tô đưa ông Nguyễn Lương Bằng lúc này đang phụ trách Tổng bộ Việt Minh lên kiểm tra một kho trung chuyển ở Xuân Mai - Hòa Bình. 9 giờ đã kiểm tra xong, nhưng theo nguyên tắc an toàn tránh máy bay địch phát hiện, phải đợi trời tối mới được đi. Nhìn một ngày chờ đợi trong khi công việc quá khẩn trương, anh thanh niên Mười Hương bàn tính cứ đi về vào ban ngày, bởi con đường không xa lắm, lại chỉ có khoảng 5 km đi giữa cánh đồng, còn thì toàn đường rừng.

“Xe mới phóng khỏi rừng để xuống đoạn đường đi giữa cánh đồng thì anh lái xe kêu có máy bay và phanh lại. Hai máy bay của địch xuất hiện. Tôi mở cửa bên phải để ông Bằng chạy nhào xuống. Phần tôi cũng nhảy xuống rãnh bên đường liền ngay đó. Máy bay chúi xuống bắn chiếc ô tô của chúng tôi. Đám cháy lan ra cả lau sậy bên đông, nổ lép bép, khói bốc mù trời. Tôi hoảng quá, nhỏm dậy kêu “Anh Cả ơi anh Cả”, nhìn thấy nhau an toàn chúng tôi mừng vô cùng”

Mười Hương phải ở lại để giải quyết hiện trường nhưng trước tiên phải tìm cách đưa ông Nguyễn Lương Bằng về báo cáo Bác Hồ kẻo Bác trông. Lúc này anh em ở kho cách đấy mấy cây số thấy súng nổ, khói bốc thì chạy tới. Mười Hương lấy một xe đạp để đưa ông Bằng về. Đạp xe qua đê, tới sát căn cứ gặp người bảo vệ, anh giao đưa “Anh Cả” về tiếp, còn mình thì lộn trở lại. Hôm sau về tới cơ quan, anh thanh niên Mười Hương lo quá, gặp gỡ trước một số cán bộ để thăm dò trước. Anh Vũ Kỳ dọa đùa: “Mày chết. Bác rầy ông Cả. Bác hỏi: “Chú lớn hay Hương nó lớn?” Chết rồi, ý Bác trách “Anh Cả” lớn hơn mà không cẩn thận giữ nguyên tắc, để cho Hương nhỏ hơn lại quyết định mạo hiểm. Anh Kháng thì khuyên “Mày cứ vào đi, đừng sợ! Bác nói ông Cả rồi, sẽ không mắng mày đâu”.

Lúc gặp Bác Hồ, Hương chưa dám nói gì, Bác hỏi ôn tồn:

 - Sao anh Cả về hôm qua, nay chú mới về...

- Dạ thưa Bác, xe hư.

- Xe hư sao?

Chả hiểu sao tôi cứ nói loanh quanh, dù biết là Bác đã rõ mọi chuyện. Bác ôn tồn:

- Chú chủ quan quá, suýt nữa thì cái sảy nảy cái ung, chú vội về làm gì? Nhỡ không may, hai anh em chết cả thì làm sao?

Và từ đấy tôi có biệt hiệu là “Hương chủ quan”. Chi tiết này tôi nhớ đời. Đúng là vội vã một chút gặp cái chết trong gang tấc. Có lẽ Bác cũng nhớ chuyện này rất lâu, vì tới Đại hội Đảng lần thứ Hai tại Việt Bắc, tôi gặp lại Bác ở nơi ông Trường Chinh làm việc. Khi nghe ông Trường Chinh giới thiệu “Thưa Bác, đây cậu Hương”. Bác thân mật: “Hương chủ quan đấy phỏng?”. Mãi nhiều năm sau này khi ông Mười Hương trở thành một chỉ huy tình báo ở miền Nam, bị bọn mật vụ anh em họ Ngô bắt, sau khi ra tù, năm 1964, trở lại miền Bắc gặp Bác và Trung ương, Bác nhận ra, nhìn âu yếm và hỏi đùa: “Xem thật kỹ xem có gì chủ quan không”. “Không chỉ riêng tôi, ai cũng cảm thấy Cụ là người thân thiết. Như là một người Cha.”

Trước khi ông vào Nam, Bác đã khen và vỗ vai Mười Hương, dặn: “Chú nhớ đi sao về vậy”. Bây giờ ông đã thực hiện đúng để trở về.

***

 Chính phủ sẽ rút khỏi Hà Nội, lên Việt Bắc, nhưng phải đi dần từng bước, theo hướng đi Hà Đông - Sơn Tây - Hưng Hóa - Phú Thọ rồi mới lên Việt Bắc. Ông Nguyễn Lương Bằng lo huy động các địa phương để đưa muối lên miền cao. Từ khu 1, khu 10, muối, thuốc được đưa lên.

Sau này, khi cuộc kháng chiến đã thành công, đều trở thành cán bộ lãnh đạo cả, ông Mười Hương có lần hỏi đồng chí Nguyễn Lương Bằng về đánh giá lại tình hình ngày ấy, công việc ngày ấy.

Ông Bằng bảo: Hành động chiến lược, chuyển một lượng lớn như vậy mà giữ được bí mật là thành công lớn. Ngày ấy chúng tôi quân dân dốc sức, có bao nhiêu đưa lên cho Chính phủ để chỉ đạo kháng chiến. Những năm gian khổ đó, ông Mười Hương cùng anh em đã làm đủ mọi việc để củng cố An toàn khu - hay là chiến khu Việt Bắc lúc đầu kháng chiến.

Để củng cố An toàn khu, họ phải làm cả lán trại. “Chúng tôi làm lán trại, đầu tiên ở Phú Hộ, rồi Sơn Dương, Quảng Nạp. Chúng tôi đóng rải rác ở 10 km xung quanh Trung ương. Lúc ấy ngay Chính phủ và quân đội cũng không giúp được nhiều. Lực lượng vũ trang quân đội, công an phải tập trung cho công việc, lo cho mình thôi cũng đủ mệt. Công tác đội Trung ương lúc ấy cũng phải dựa vào Đảng bộ và nhân dân địa phương giúp đỡ. Cán bộ chiến sĩ xoay trần cùng dân phát rừng mở đường, xây dựng lán trại, dù chỉ là nhà tranh, tre nứa lá, hầm hào đơn giản. Tới sau này, tại chiến khu cũng có gara sửa xe hơi, anh em còn đóng được cả xe hơi lắp ghép mới. Cũng có xưởng đúc, làm ra máy in dập cho các khu. Nhiều máy móc sau này đưa về Hà Nội khi hòa bình lập lại trở thành tiền thân của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo.”

Lực lượng kháng chiến ngoài việc làm nhà củng cố ATK (An toàn khu) còn bố trí giao thông. Báo Đảng, công văn vẫn đi các khu. Chủ yếu tới khu Bốn và một phần khu Năm. Bình Trị Thiên chưa có giao thông, nên liên hệ với Trung ương qua đài liên lạc. Bảo mật được thời kỳ đó chính là do dân. Gián điệp cũng ít, mà nếu chúng có thả lên Việt Bắc thì cũng chẳng thu thập được thông tin gì đáng kể, vì nhân dân rất cảnh giác, chấp hành tốt nguyên tắc ba không: Không nói, không biết, không làm.

Suốt thời kỳ đầu Chính phủ lên Việt Bắc vừa lo củng cố cơ sở, vừa lo đối phó với các trận càn quét của Pháp.

Ở Bắc Kạn, khi Chính phủ lên, nhân dân ai cũng biết đây là bộ đội, cán bộ các cơ quan tài chính. Vậy mà vẫn giữ được bí mật, rõ ràng là nhờ ở dân.

“Có một lần, vào thu đông năm 1947, giặc nhảy dù xuống Bắc Kạn. Ông Trường Chinh đang giảng bài cho một lớp cán bộ quân sự ở đó. Ông ở dưới hầm một ngôi nhà của Tây cũ bên sườn đồi, nó nhảy dù xuống ngay trên đầu. May mà ông bình tĩnh tìm cách thoát được. Ông chạy vào một cái hầm ở lưng chừng đồi. Trong hầm có một bà cụ và đứa cháu trai chừng khoảng bốn năm tuổi. Ông phải làm công tác trấn an để hai bà cháu yên tâm, nhất là thẳng bé đang tuổi nói. Tối chập choạng, ông mới bò xuống chân đồi, ra rừng. Gặp anh em du kích, họ đưa về. Thường vụ Trung ương lúc đó có anh Hoàng Quốc Việt và anh Lê Đức Thọ. Bác Hồ lúc đó ở một khu vực căn cứ cách cơ quan Chính phủ khoảng 5km. Trước cuộc nhảy dù ở Bắc Kạn, đồng chí Trường Chinh cũng gặp một trận bom của quân Pháp. Đó là ở dưới chân đèo Khế, ta mở trường ngoại ngữ đào tạo tiếng Anh, Pháp cho cán bộ làm ngoại giao sau này. Lớp ngoại ngữ học trong các nhà dân, đồng chí Trường Chinh đang lên lớp giảng về chính trị, nghe tiếng máy bay vội giải tán xuống hầm kịp. Máy bay ném xuống hai đợt bom.”

“Máy bay lúc đó không ghê gì, chưa hiện đại như máy bay siêu âm sau này trong chiến tranh chống Mỹ. Tuy ở khu kháng chiến gian khổ nhưng cũng no. Ăn măng rừng, rau tàu bay, tăng gia trồng thêm rau muống.”

Thời kỳ đầu kháng chiến, Đảng gặp nhiều khó khăn, Nhà nước không có tiền. “Rất may là lúc đó tôi bập được vào kho nhà đoan.” - Ông Mười Hương đã móc nối được cơ sở anh Lê Văn Đức, là xếp của kho 6 phố Hàng Vôi, vì thế có đủ cả muối, thuốc sốt rét, giấy và vải kaki may áo đội đoan. “Và ông Trường Chinh mặc quần áo may từ đó.” Bạc trắng cũng chở đi được. Anh Cả bảo đảm hậu cần cho bước đầu hoạt động của Đảng và Chính phủ rút lên Việt Bắc. “Chúng tôi được giao một cách tin tưởng, đứng trên đống vàng mà không có ai tơ hào một đồng.”

Nghĩ lại ngày ấy làm hậu cần, lo kinh tế, đảm bảo sinh hoạt cho Trung ương, cán bộ ta có rất nhiều sáng kiến và cũng “lăn lộn thị trường” - nói theo ngôn ngữ bây giờ. Thời kỳ gieo neo của nhà nước non trẻ, phải lo đủ thứ chuyện, đâu chỉ phải chuyện hậu cần. Hậu cần cũng phải theo sát các biến động chính trị.

Ông Mười Hương đã từng đứng trong cuộc mít tinh sau khi chính phủ Cụ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3. Nhờ chiến lược khôn khéo, ta loại trừ một kẻ thù nguy hiểm là Tàu Tưởng, có chút hòa hoãn với Pháp. Bởi vì phải chống hai kẻ thù một lúc, Nhà nước Việt Nam non trẻ không đủ sức. Chính vì vậy mà tụi Quốc dân Đảng phao tin là Việt Minh bán nước cho Pháp (quân Pháp được lên những điểm phía Bắc, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn, Nam Định). Cuộc mít tinh diễn ra trong sự lo lắng và căng thẳng. Ngay chính bản thân cán bộ ta cũng thấy đau lòng khi nhìn quân Pháp trở lại như vậy. “Tôi nhớ, ông Trần Huy Liệu lúc đó là Bộ trưởng Tuyên truyền, đi từ Hải Phòng lên Hà Nội đến cầu Long Biên thấy cờ Pháp “bay phành phạch, ông nói, nhìn ngứa cả mắt, gai mắt không chịu nổi”. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng mới ở miền Nam ra cũng băn khoăn nói: Cụ Hồ mời tôi tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến chống Pháp xâm lược, nay chính phủ lại đình chiến. Tôi đứng bên dưới cuộc mít tinh, nghe các ông Võ Nguyên Giáp rồi ông Trần Huy Liệu lên phát biểu, giải thích về Hiệp định Sơ bộ. Không khí quần chúng bên dưới vẫn rất lo lắng. Lúc này Bác Hồ bước ra. Tôi đã khóc khi nghe Bác nói hôm đó, Bác hỏi vọng xuống đồng bào. Nếu đánh, ta cũng phải mất dăm năm, trong khi nếu ta hòa thì Pháp phải công nhận nước Việt Nam tự do rồi năm năm sau sẽ có trưng cầu dân ý, thống nhất đất nước. Vậy đồng bào muốn sao? Tôi nhớ đại ý như vậy chứ không rõ nguyên văn. Có vài tiếng hô lẻ tẻ “Đánh” của bọn xấu cài vào. Chính ở cuộc mít tinh này Bác đã phải nói: Đồng bào hãy tin tưởng, Hồ Chí Minh thà chết chứ không bao giờ là người bán nước.”

Nhưng trong cảnh đó, ông Mười Hương còn phải nghĩ một chuyện khác, làm sao bảo đảm được an toàn cho các lãnh đạo. “Phải bỏ tiền ra mà mua một ngôi nhà kha khá mới bảo vệ được. Tôi nói với anh Cả Nguyễn Lương Bằng, rồi cố gắng tìm một căn nhà ở phố Hàng Chuối yên tĩnh. Nếu mua được ngôi nhà đó thì chúng tôi sẽ ở tầng trên. Có một phòng nhìn ra vườn sẽ để anh Trường Chinh ở, gần ngay phòng anh làm việc. Ngôi nhà đã được chúng tôi ưng ý, nhưng đến chuyện quan trọng nhất là tiền thì anh Cả bảo: Đảng làm gì có tiền. Tôi bèn nghĩ ra việc vận động anh Hà Độ lúc đó làm kinh doanh xay xát gạo. Anh đã tốt nghiệp trường bá nghệ và có lòng yêu nước, giúp kháng chiến. Anh đã bỏ ra một phần ba số tiền mua ngôi nhà.

Vì sao chúng tôi chọn cho anh Trường Chinh ở phố Hàng Chuối, một phố hầu như toàn Tây ở? Vì nhà Tây thường biệt lập riêng rẽ, có vườn cây, và cũng là vì ở như vậy chẳng kẻ địch nào ngờ. Cộng sản nào dám mua nhà ở cạnh các quan Tây? Tất nhiên chúng tôi điều tra kỹ. Tôi nhờ anh Trần Hiệu bên công an xem tụi Quốc dân Đảng có cơ sở nào ở quanh đó không. Nhờ trinh sát xung quanh, chúng tôi yên trí vì phố này cũng khá nhiều nhà tư sản Việt Nam và Tây công chức ở, có cả bác sĩ Tây làm việc ở nhà thương Đồn Thủy gần đó. Nếu có động, mình có thể vọt qua nhà xung quanh được. Cẩn thận hơn, tôi dẫn cả anh Trường Chinh đến xem nhà. Có một chi tiết nguy hiểm nhưng gặp may: anh Trường Chinh đến, gặp ngay thằng thông ngôn tòa thượng thẩm đã từng phiên dịch trong phiên tòa xử anh Trường Chinh. Nó không nhận ra anh, trong khi anh nhận ngay ra nó. Anh nói với tôi: Trước nó phiên dịch Tòa đề hình cậu ạ?

Nhớ lại về thời kỳ kháng chiến, ông Mười Hương khẳng định, giọng nhỏ nhẹ trầm ấm. “Cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính phủ cách mạng lớn mạnh trên Việt Bắc. Chúng ta mới chỉ đánh giá lịch sử về mặt thắng lợi quân sự nhiều hơn tìm hiểu kỹ về các trận đánh. Nhưng một nét rất lớn, đặc trưng của thời kỳ đó là nhân dân rất tốt, rất gắn bó với đất nước và cách mạng như một sự chuyển động xã hội lớn lao.”

Xem tiếp:

5. Vào Nam