Việt Nam: Đại chiến thượng tầng đã đến hồi hỗn loạn

Sao Băng

Một mật lệnh được phát ngầm từ các trùm sỏ trong ngành công an xuống toàn ngành: “Thịt”. Toàn dân, từ những đại gia có máu mặt, đến buôn đồng nát,ve chai đều bị lùa vào chuồng cho ngành công an “tăng gia sản xuất”.

Mật lệnh “Thịt” phát ra khi đại chiến thượng tầng không còn là cuộc chiến phe phái, mà đã chuyển sang hồi hỗn loạn, kim thiết chùy tung tóe từ tất cả các bên, không còn phân biệt cánh tả, cánh hữu, phe ta, phe nó.

Chớp thời cơ, giữa hỗn loạn, ngành công an phải lấy lại cho được những huy hoàng và kim tiền đã mất kể từ khi đại tướng Trần Đại Quang “không may” về nơi chín suối. Sau quãng thời gian buộc phải xanh mồm cùng rau dưa; thịt, triệt để “thịt” để anh em cơm lại có thịt.

Công an giao thông thì tỏa ra các nẻo đường, trấn lột từ đến 200 nghìn đồng của con mẹ buôn ve chai lỡ bước sa chân lên vỉa hè lúc đường tắc, dù không có luật nào cấm dân đi lên vỉa hè.

Công an kinh tế thì thịt chục tỷ từ thằng dạy lái xe, thằng thanh tra giao thông đến thằng đăng kiểm, thịt trăm tỷ từ mấy thằng buôn thúng bán mẹt, thịt  nghìn tỷ, chục nghìn tỷ mò đến từ thằng đại gia có máu mặt đến thằng mới nổi…Nhà nhà, người người đều trong thảm cảnh treo chờ “thịt” khi “thằng há miệng, đứa nhe nanh, máu mỡ bấy no nê chưa chán”.

Trên hết, khi ẩu đả thượng tầng đến hồi hỗn loạn, hãy nói đến kẻ hưởng lợi nhất.

Thiệp chúc mừng năm mới Quý Mão có chữ ký tươi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sực nức mùi nước hoa, thấm đẫm tinh thần yêu đời của một anh già ưa chơi trống bỏi, mãn nguyện tột đỉnh “vui bay bổng cánh diều” dù đã “tuổi già như gió mùa thu/ cái tóc thì rụng, cái cu thì mềm”.

Vi hành đến Thái nguyên, oai vệ đứng giữa đồi chè, anh già Trọng tình tứ hỏi cô công nhân mặc bộ đồ bảo hộ lao động: “Ngày nào cũng mặc đẹp thế này à” (!?)

Quanh năm suốt tháng ngồi lỳ trên ghế bành đỏ, giữa bốn bức tường vàng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy thằng cận vệ vừa lầm lì vừa nhàu nhĩ như quả táo tàu; hiến nhiên anh già này không biết đó là bộ đồ bảo hộ lao động; anh thấy đẹp vì anh gặp gái trong lúc lòng anh có nắng.

Càng thêm nhiều những người đồng chí giữa đường ngã ngựa, anh càng thấy cuộc đời thêm rực rỡ vì càng thấy sự nghiệp của anh thiên thu vạn đại. 18 ủy viên bộ chính trị vừa bớt 1 còn 17, chỉ nhăm nhăm phang vào nhau những đòn chí mạng, nhưng vẫn phải giữ lấy cột cờ, còn cột cờ thì mới còn Đảng, còn Đảng thì mới còn mình. Và cột cờ ấy là Trọng, Trọng bây giờ không chỉ là Trọng, mà Trọng là Đảng.

Trên ngai vàng, ngoài việc “gật” cho các lệnh chém giết, Trọng vô dụng. Khi trở thành công cụ cho phe phái nào mạnh; hoặc khi tất cả các bên đều lao vào quyết tử, thì Trọng mới có thể vững bền danh xưng “người đốt lò vĩ đại”. Thái bình thì Trọng không còn ngai.

Không dù chỉ một chút mảy may biết thiên hạ lầm than ra sao; không dù chỉ một chút thấu cảm đến những nỗi oán thán “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, anh già Trọng ôm ngai và phát đi những tấm thiếp chúc mừng năm mới thấm đẫm mùi nước hoa; như là nỗi khát khao át đi mùi khai khẳn của tấm thân bệnh hoạn mang sứ mệnh giữ cục diện cho cả một chính thể bệnh hoạn.

Thượng tầng hỗn loạn, vì đâu nên nỗi?

Nhiệm kỳ đại hội 12, để đuổi được Đinh La Thăng ra khỏi Bộ Chính trị, cần đến cả một chiến lược “kỳ bí”, ròng rã trong vài năm, bắt đầu với chiếc xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh. Nhiệm kỳ 13, Phạm Bình Minh rớt đài chỉ trong vài nốt nhạc. Chưa đến 365 ngày, chỉ vì vài đồng mà đối với giới quan chức Việt chỉ là “bạc lẻ”, sự nghiệp chính trị của Minh tiêu tan.

Minh điềm tĩnh, ôn hòa, không gây thù chuốc oán như Thăng dọa trảm khắp nơi; Minh chỉ trót mù quáng khi tin vào thực lực của Phạm Minh Chính mà vuốt râu Tô Lâm. (như đã phân tích trong “Cái bắt tay diệt vong”).

Dưới sự cầm đầu của Phạm Minh Chính, Chính phủ mới đi qua chưa được non nửa nhiệm kỳ mà không khác gì nghĩa trang đổ nát, 2 phó thủ tướng ra đi, một phó thủ tướng chờ chết; các Bộ trưởng tìm đủ cách tháo chạy khỏi nội các.

Hồng nhan tri ký thì bị kết án 30 năm tù và khi đã có bản án rồi, sẽ sớm bị dẫn độ về nước trong thời gian tới; thêm vào đó, sự ra đi của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã phá vỡ những thành trì kiên cố cuối cùng, uy tín cuối cùng (nếu có) của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đại tướng công an Tô Lâm, không những rửa được nhục, mà tỏ ra là Tô “bất bại”. Đã không còn là Tô tướng quân của những ngày tháng 11 năm 2021 khi sang Anh thì bị lừa ăn miếng bò dát vàng; khi trở về nước thì bị trôi lềnh bềnh trong sóng thần bôi nhọ bởi đội ngũ “quét rác” mạng của Bộ Thông tin truyền thông, thực thi theo chỉ thị của Thủ tướng: “giả mù, giả điếc”.

Phạm Minh Chính là tướng đánh trận tồi tàn, nhưng là kẻ đặc biệt quỷ quyệt lúc ngồi trong xó tối. Chỉ nhìn riêng vụ Việt Á, Chính cũng đã đầy rẫy mưu kế phòng thân.

Với uy danh của một Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cộng với kẻ cùng hội cùng thuyền khi đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tất cả các cấp các ngành không rầm rộ “vào cuộc” buôn bán kit test Việt Á mới là lạ.

Cái gọi là “đại án Việt Á”, bán ra được chừng hơn triệu kit test kit trong tổng số hàng trăm triệu test  kit đã được dùng ở Việt Nam mùa đại dịch, nhưng hằng hà sa số từ cá lớn đến cá bé và cả tôm tép đều rơi vòng lao lý. Trong cá lớn, cá bé, tôm tép, có cả người phe nó, phe ta. Vì lúc chưa xảy ra chuyện, làm gì có phe nó, phe ta? Sao có thể nói không với Việt Á một khi khi đã có dắt mối, bảo kê của cả đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương lẫn đương kim Chủ tịch Quốc hội?

Hay chuyến bay giải cứu, có đâu trên đất nước này, có ai trên đất nước này từng làm gì với cơ quan công quyền mà được miễn phí, nhất là vào lúc đại dịch như chiến tranh? Phong bì đã trở thành thứ văn hóa mà không có nó thì bị xem là vô văn hóa. Những kẻ bị bắt trong chuyến bay giải cứu, có thể kiếm được gấp ngàn vạn lần, mà lại đi tù vì- lại nói như giới quan chức Việt- mấy đồng bạc lẻ.

Và lúc kẻ quỷ quyệt cùng đường, phe nó, phe ta trong vụ đại án này đều trở thành con tin của Chính. Trong khi, quân của Phạm Minh Chính cũng giăng tầng tầng lớp lớp trong toàn ngành công an, rõ là không đủ để đồng khởi, nhưng cũng có chút sức để khống chế các con tin.

Thế cờ cuối cùng của Phạm Minh Chính đẩy chính trường rơi vào trạng thái sát phạt hỗn loạn. Đại chiến đã để đến nước một ủy viên Bộ Chính trị như Phạm Bình Minh mà còn bay ghế; các ủy viên trung ương Đảng lũ lượt đi tù; thì trạng chết chúa cũng băng hà, cháu bà nọ, ông kia, Giời cứu. Đã là đại chiến, các bên đều phải chấp nhận thương vong.

Không còn bất kỳ con đường nào dẫn đến thỏa hiệp. Nhưng tồi tệ hơn cả là những kẻ từng sát cánh bên nhau để chiến “phe nó”, lại hào hứng quay ra sát phát lẫn nhau một khi thấy đồng bọn yếu đi. Cứ có thêm kẻ ngã, bất kể ở phe nào, thì những kẻ còn lại đều có thêm cơ hội. Rồi thì, kim thiết chùy từ tất cả các bên theo thế mà đồng loạt tung ra.

Giờ đây, chỉ có 3 chữ: “Trọng thoái vị” mới may ra mang lại thái bình cho thiên hạ. Trọng thoái vị, không còn nỗi đại họa “trảm” cho tất cả các bên.

Lúc hoàng hôn, thấy đã có sao hôm Võ Văn Thưởng đang lên. Tuổi trẻ nhưng lực yếu, dù đang chém gió rất hăng hái, hùng hổ, Thưởng vẫn đầy hứa hẹn là một “ấu chúa” nhu mì cho các bên yên tâm ngồi lại cùng nhiếp chính.

Thế nhưng, xem ra đại chiến ở thượng tầng chưa rõ ngày nào mới thôi hỗn loạn.

Không chỉ toàn thể quan chức, mà cả cộng đồng dân buôn thấp thỏm dao kề cổ. Khủng khiếp hơn cả vẫn là dân đen. Họ sẽ không còn dẫu chỉ một đồng trong túi. Thịt thằng dân, bao giờ cũng dễ hơn thịt thằng quan. Mà, “mật lệnh” thì đã ban.

Tối hậu thư cho toàn dân: “Đi mà chết đi”

 

SAO BĂNG

Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 11-1-23