Nỗi Niềm Người Ở Lại

Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Ngày 7/5/1954 – 7/5/2020)

Hồi ký

Nguyễn Minh Đào

 

     Ngày 7 tháng 5 năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xăm lược lần thứ hai, miền Bắc được giải phóng. Nhưng miền Nam lại phải chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù mới…

     Hồi tưởng những tháng ngày này năm 1954, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Long Châu Hà sống trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn: Vui vì hòa bình lập lại, chấm dứt chiến tranh máu lửa, nhưng niềm vui đó sớm chùn xuống! Nỗi buồn và sự lo âu trĩu nặng trong lòng trước viễn cảnh phân ly: Kẻ chuẩn bị xuống tàu tập kết ra Bắc, chưa biết bao giờ trở về gặp lại người thân! Người ở lại miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng sống mái với kẻ thù mới, không ai có thể lường trước điều gì xãy ra! Khi ấy, tôi công tác ở Ty Thông tin Long Châu Hà, ông Nguyễn Khắc Thận làm trưởng ty, cơ quan trú đóng kinh Tư xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Các cơ quan, đơn vị bộ đội được học tập, giáo dục chuẩn bị tư tưởng sẳn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức với tinh thần “đi vinh quang, ở lại cũng vinh quang”. Tôi được đi tập kết, hy vọng có điều kiện học hành về sau góp phần xây dựng đất nước. Về nhà chuẩn bị hành trang mấy ngày, tôi trở lại cơ quan lên đường.

     Một buổi tối không trăng, đoàn xuồng các cơ quan tỉnh rồng rắn xuôi theo dòng kinh Ngay, hướng về Cái Sắn xuống khu tập kết Cà Mau. Khi đoàn xuồng vào kinh Sóc Soài chật hẹp gặp một chiếc ghe khá lớn đi cùng chiều áng giữa dòng kinh đoàn xuồng ùn lại, xuồng đi đầu yêu cầu ghe ép vào bờ nhường đoàn xuồng vượt qua. Một yêu cầu hợp lý, nhưng người trên ghe đáp lại bằng thái độ không mấy thân thiện: “Các ông đi tập kết sướng thân, bỏ dân ở lại làm sao sống được với giặc các ông có biết không?” Họ nói vậy rồi cũng nhường đường cho đoàn xuồng vượt qua. Những người chứng kiến sự việc không ai tỏ ra tức giận vì lời nói đốp chát đó, mà cảm thấy thương cảm đồng bào ở lại chưa biết cuộc sống rồi sẽ ra sao…! Về sau, tôi được gia đình kể lại: Đoàn xuồng cán bộ, chiến sĩ tập kết sau cùng rút đến đâu, lực lượng vũ trang giáo phái Dân xã - Hòa Hảo của Ba Cụt chiếm đóng đến đó, họ ly khai xây dựng căn cứ chống chánh quyền Sài Gòn, người dân phải chạy lánh nạn khắp nơi!

     Đến khu tập kết Cà Mau, đơn vị tôi trú đóng nhà dân ở Thứ Mười Một, ngày hai buổi học chánh trị, sinh hoạt tin tức thời sự, làm việc nhà giúp dân, chiều tập ca múa, tối đi giăng câu bắt cá cải thiện bữa ăn… Đồng bào vùng giải phóng Cà Mau đời sống khá sung túc, thương mến giúp đở cán bộ, bộ đội như người thân! Nói chuyện với chúng tôi bà con thường nhắc đến ngày hết hạn ở khu tập kết chúng tôi xuống tàu ra Bắc, quân đội “Liên hiệp Pháp” tiếp quản vùng này, ai cũng buồn và bồn chồn lo lắng! Chúng tôi hiểu rõ tấm lòng của đồng bào đối với cách mạng, khuyên bà con yên lòng ở lại chờ đợi sau hai năm nước nhà thống nhất chúng tôi trở về…! Nhưng phải đến mười lần hai năm, trải qua cuộc kháng chiến vô vàn hy sinh gian khổ, lời ước hẹn đó mới thành sự thật!

     Ở khu tập kết Cà Mau gần hai tháng, tôi được lệnh ở lại. Tôi buồn vô cùng, nhưng mệnh lệnh phải chấp hành, không có sự lựa chọn nào khác! Hôm chia tay lên đường, tôi cải trang như một thư sinh quá giang hai mẹ con người hàng xóm đi bán cá ở chợ Rạch Sỏi (Rạch Giá). Đi gần một ngày đến trạm Kiểm soát liên hợp Việt - Pháp ở Tắc Cậu trình giấy giới thiệu, được cấp lại giấy thông hành. Đêm ấy, chúng tôi ngủ vất vưởng tại vựa cá chợ Rạch Sỏi, sáng sớm mẹ con người bán cá đưa tôi ra chợ ăn sáng và ra bến xe về Châu Đốc. Khi tôi nói lời từ biệt lên xe, hai mẹ con người bán cá vẫn đứng chờ đến khi xe chuyển bánh, tôi thấy người mẹ lấy khăn lau nước mắt!

     Hình ảnh hai mẹ con người bán cá ở bến xe Rạch Sỏi năm nào hằn sâu trong ký ức tôi! Cũng như bao tấm lòng của người dân đối với cách mạng trên mọi nẽo đường kháng chiến tôi đi qua, mãi mãi là động lực giúp tôi vững vàng trong gian khó và vượt qua mọi nghịch cảnh đi trọn con đường cách mạng đời mình.

     Về quê nhà sống với gia đình trong cảnh bần hàn, ba mẹ tôi phải vất vã chạy ăn từng bữa. Tôi mang danh người "kháng chiến chiến thắng” trở về quê nhà, mà phải sống dưới cặp mắt soi mói, coi khinh, dè bỉu của một số bà con, láng giềng! Ba tôi dựa vào mối quan hệ quen biết với giới chức chính quyền Sài Gòn quận Tịnh Biên lo giấy tờ tùy thân họp pháp cho tôi và vận động giới chức Ban trị sự Phật giáo Hòa Hào quê tôi, mở trường cho tôi dạy học các lớp bậc dưới tiểu học, mỗi tháng họ cấp lương 100 kg gạo và 400 đồng tiền Bảo Đại, giúp gia đình tôi thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Nhưng chỉ được vài ba tháng, chánh quyền Sài Gòn đánh đổ giáo phái Hòa Hảo, tôi dạy học tư thu học phí tùy cha mẹ học sinh đóng bao nhiêu tôi thu bấy nhiêu, không lâu tôi phải nghỉ dạy học vì được lệnh chuyển công tác đi xa./-

                                                                        N.M.Đ

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-5-20