Chuyện ông Phúc, sao phải vội vả thế?

 

Nguyễn Khoa

 

Việc từ chức của ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Việt Nam cộng sản, có thể là sự kiện gây nhiều sự chú ý cho giới quan sát trong và ngoài nước nhất từ sau năm 1975 đến nay. Hầu như tất cả các tờ báo lớn ở ngoại quốc đều có bài về ông Phúc.

 

Điều làm cho các nhà quan sát ấy ngạc nhiên là sự kiện ông Phúc “bất ngờ” từ chức, và “bất ngờ” được chấp nhận, trái với thói quen kín kẽ của chính trị cộng sản nói chung, Việt Nam cộng sản nói riêng. Theo cái thói quen ấy thì tất cả các chuyện dàn xếp đều diễn ra trong phòng kín, rồi kết quả được đem ra công khai với sự “đồng thuận” tuyệt đối. Thời điểm cũng “bất ngờ”, dù rằng theo phong tục cộng sản thì đôi khi họ cũng triệu tập những cuộc họp “đặc biệt”, nhưng thường thì những hội nghị trung ương đảng (quốc hộ de facto của thể chế cộng sản), đại hội toàn quốc của đảng sẽ là nơi họ công bố các dàn xếp trong phòng kín.

 

Đảo qua các bình luận của hàng chục nhà bỉnh bút về chính trị Việt Nam, ta sẽ thấy có hai giả thuyết chính.

 

Thứ nhất là đấu đá phe phái căng thẳng quá, trong đó ông Phúc là cùng phe với hai “đàn em” bị mất chức trước đó là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Cũng theo giả thuyết này thì nhóm Phúc-Minh-Đam là kỹ trị, thân phương Tây, đang bị tấn công bởi phe thủ cựu do ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc dẫn đầu.

 

Nếu thuyết này có chút màu thuyết âm mưu, thì giả thuyết thứ hai có vẻ lạc quan hơn, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra một công thức mới cho việc cách chức các quan chức cao cấp, đó là “công khai” thú tội, và thế là “công khai hạ cánh an toàn”. Tạm gọi công thức này là công thức… bán công khai.

 

Theo tôi thì giả thuyết thứ nhất (về bộ ba Phúc-Minh-Đam) là không thuyết phục. Tôi ủng hộ quan sát của ông Vũ Hồng Lâm (Hawaii, Mỹ) đưa ra khá lâu, là các phe phái chính trị Việt Nam không bền, mà các phần tử thuộc các phe khác nhau có thể chuyển phe dễ dàng.

 

Tôi cũng không đồng ý hoàn toàn việc chia ra các phe của Đảng cộng sản Việt Nam rạch ròi thành hai nhóm, thân phương Tây và thân Trung Quốc. Một giáo sư người Việt ở Mỹ, có khá nhiều quan hệ với các viên chức đảng cao cấp trong nước, có nói với tôi rằng (nguyên văn): “Anh nào cũng bảo thủ, và anh nào cũng cấp tiến cả”. Tôi ủng hộ quan điểm này hơn. Các nhà chính trị Việt Nam có khuynh hướng giống như khuynh hướng chung của đảng cầm quyền là di dây giữa hai thế giới, phương Tây và Trung Quốc. Hơn nữa, các cán bộ cao cấp về sau này đa số được đào tạo ở phương Tây, và khuynh hướng này sẽ tiếp tục kéo dài, khi mà quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ này càng nhiều với phương Tây hơn.

 

Nếu ta nói các cán bộ đào tạo ở phương Tây như ông Đam, ông Minh, đối lập với phe “lãnh chúa”, tức là các cán bộ đi lên từ hậu thuẫn địa phương, thì có lý hơn. Điều đó không có nghĩa là các “lãnh chúa” thân Trung Quốc, mà điều khác nhau giữa họ với các quan chức từ phương Tây về, là họ có hậu thuẫn rộng rãi nên lúc nào cũng thắng thế, nhưng họ không có kỹ năng để đảm nhiệm những hoạt động kinh tế, đối ngoại,… ngày càng dính dáng với phương Tây.

 

Sự khác biệt giữa hai nhóm này, suy cho cùng là một sự khác biệt văn hóa lớn lao, giữa xã hội cộng sản khổng giáo và dân chủ mở của phương Tây.

 

Bây giờ ta trở lại với sự ra đi bất thường của ông Phúc.

 

Thực ra những đồn đoán về nguy cơ rớt đài của ông Phúc đã được râm ran từ lâu, cả nửa năm trời nay, từ những cụ già không có quyền lực chính trị gì trên đường phố Sài Gòn, cho đến những người thạo tin trong giới ngoại giao. Người ta đồn rằng các đối thủ chính trị của ông Phúc bắt lấy cơ hội vụ bê bối Việt Á có liên quan đến gia đình ông để bắt ông phải gãy gánh giữa chừng.

 

Nhưng đa số các quan chức cao cấp cộng sản thời hậu cộng sản này thường có các doanh nghiệp sân sau đằng sau lưng họ, và các doanh nghiệp sân sau này thường rất nhũng lạm dựa trên ưu thế độc quyền chính trị của người thân trong tầng lớp chóp bu. Vì thế nếu điều tra cho thấu đáo thì có lẽ quan chức nào cũng sẽ dính chàm. Trường hợp khá hiếm hoi là tới giờ này ta chưa nghe nói đến những công ty sân sau, hay những người thân ỷ thế của ông Nguyễn Phú Trọng, và vì thế cho nên ông có thể làm nhân vật đứng giữa các phe phái, và nương vào phe nào đang mạnh để diệt phe kia. Mỗi lần diệt như vậy ông và đảng nói chung lại được tiếng thơm đốt lò, mặc dầu nếu đốt cho đàng hoàng thì chắc toàn đảng cũng cháy sạch.

 

Ta cũng phải tính đến ảnh hưởng của dư luận trong dân chúng. Mặc dù trong chế độ toàn trị thì dân chúng không có quyền đi bầu thực sự, nhưng sự tức giận của họ cũng làm cho các quan chức dè chừng, nhất là ở những thời điểm được cho là điểm “bước ngoặc”, dự báo có khó khăn sắp tới, như là thời điểm hiện nay.

 

Theo ý chủ quan của tôi thì vụ “bất ngờ” của ông Phúc chính là ông xui xẻo rơi vào thời điểm mà nền kinh tế phụ thuộc quá lớn của Việt Nam vào ngoại thương đang đứng trước một tương lai bất định, thế cho nên ông Phúc biến thành một con dê tế thần. Sự ra đi của ông Phúc có thể làm những nhà nhận định duy lý của Việt Nam thấy là bất công cho ông, vì trong thời ông cai trị, kinh tế Việt Nam có khởi sắc mạnh, nhưng đối với dân chúng thì có thể đem lại sự hỉ hả, qua đó củng cố thêm một chút uy tín của Đảng.

 

Nhưng một lý do nữa mà theo tôi là quan trọng hơn là phe phái đang tranh giành với ông Phúc, mà thiên hạ đồn là ông Tô Lâm trùm công an, đang rất mạnh lên. Sự mạnh lên này có sự tiếp tay của ông Nguyễn Phú Trọng, đề cao thanh gươm và lá chắn (lực lượng công an) của chế độ, vì ông Trọng rất lo ngại tương lai Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bị nuốt chửng bởi ảnh hưởng phương Tây. Các viên tướng công an xung quanh ông Tô Lâm muốn tranh đoạt quyền lực, quyền lợi, của phe “Quảng Nam” của ông Phúc ngay lập tức. Để lâu “cứt trâu hóa mùn” không tiện, mà biết đâu lại có vụ bê bối nào khác của “phe ta” nổ ra mà ông Phúc phản công thì rất không hay. Vụ ông Lâm ăn bò dát vàng còn sờ sờ ra đó, người ta có thể kết tội ông là không kiên định lập trường đạo đức trong sạch của chủ tịch Hồ Chí Minh, chẳng hạn!

 

Trong một chế độ mà bất cứ quan chức nào cũng có thể dính tới tham nhũng, và không có một nền tư pháp độc lập, thì Việt Nam cộng sản của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn theo công thức cũ từ thời mồ ma Mao Trạch Đông, quyền lực trên đầu súng. Có thể họ đã đưa ra được công thức bán minh bạch, bán công khai trong vụ ông Phúc, theo một số nhà quan sát, nhưng theo tôi thì chưa, những người có cái nhãn cộng sản Việt Nam vẫn thích lối giành giật nhau trong phòng kín, rồi đồng thuận chỗ công khai hơn.

 

 Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 19-1-22