Thành Lập “Tổ Tư Vấn Về Văn Hóa - Giáo Dục”, Tại Sao Không?

Nguyễn Trọng Bình

 

 

       Có khá nhiều sự kiện xảy ra trong những ngày tháng 7 vừa qua, mà nếu nhìn từ giác độ văn hóa thì theo tôi là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vụ Đồng Tâm với bản kết luận được không ít người dự báo đã trở thành hiện thực: chính quyền tiếp tục “thắng” dân trong vụ tranh chấp đất đai; vụ chụp mũ và xúc xiểm GS Ngô Bảo Châu của những kẻ làm nhiệm vụ “gác cửa” với tư tưởng cực đoan và tầm nhìn hạn hẹp; vụ Biển Đông khi Trung Quốc tiếp tục dọa nạt không cho Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí dù không biết bao nhiêu lần lãnh đạo hai bên trấn an dân chúng sẽ “mãi là đồng chí tốt” và “láng giềng hữu hảo”; vụ Trịnh Xuân Thanh tự trở về nước đầu thú hay bị chính quyền “bắt cóc” làm ảnh hưởng đến ban giao Việt – Đức; rồi vụ ông Trầm Bê “cuối cùng cũng phải bắt” như cách nói của nhà báo Huy Đức..v.v và v.v… Nhìn chung, sự kiện nào nào cũng đình đám và gây xôn xao dư luận. Tuy vậy, nếu ai đó hỏi tôi sự kiện nào là trầm trọng nhất thì câu trả lời của tôi sẽ là vụ “Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” của Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình SGK ngày 27/7/2017 [1]. Vì sao tôi lại chọn sự kiện này? Rất đơn giản, tôi cho rằng: về sâu xa, dưới góc nhìn văn hóa, sự thất bại của một nền giáo dục quốc gia tất yếu sẽ kéo theo bấn loạn của con người trong xã hội và đất nước. Vì vậy, nếu công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện”  lần này đi vào vết xe đổ của những lần đổi mới trước đó thì ngoài chuyện hơn 90 triệu người Việt phải nai lưng ra trả số nợ vay 77 triệu USD điều quan trọng hơn là những bất cập và tồn tại của đất nước hôm nay sẽ không bao giờ được giải quyết một cách triệt để và rốt ráo.

Còn cụ thể và rõ ràng nhất, tôi thấy, trong chuyện này những người có trách nhiệm trong Ban soạn thảo và đổi mới Chương trình giáo dục dường như đang cố tình diễn trò và nhất là coi dân chúng không ra gì.

1.  Nếu đã quyết rồi thì xin ý kiến để làm gì?

Trong bài trả lời phỏng vấn ngay sau khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình đã ít nhất 3 lần nhấn mạnh Chương trình được thông qua về cơ bản hoàn toàn không có thay đổi gì so với bản Dự thảo công bố ngày 12/4 (nhằm xin ý kiến của các chuyên gia cũng như mọi tầng lớp nhân dân). Ông Thuyết nói rành rọt như sau: “Những nội dung lớn như định hướng phát triển chương trình, quan điểm xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt được về phẩm chất, nằng lực của học sinh, hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục ở cả ba cấp học,…đều không thay đổi. Nói cách khác, đó chỉ là một số điều chỉnh về chi tiết cho phù hợp hơn với thực tế, chứ không phải thay đổi về cơ sở lý luận.” [2].

Trước đó, khi phóng viên hỏi việc có nhiều người đề nghị lùi thời gian áp dụng chương trình mới, ông Thuyết cũng trả lời: Theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi thời hạn cũng tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác có đủ thời gian biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo một cuộc “thi đua” công bằng, góp phần nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Nếu bây giờ làm gấp thì chỉ có bộ SGK mà Bộ tổ chức biên soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và một, hai quyển SGK khác là kịp”.

Có thể thấy, tất cả những gì ông Thuyết nói đã vô tình để lộ ra một “bí mật” - cũng là một sự thật đáng buồn: hóa ra, trong khi công bố dự thảo và xin ý kiến công luận thì Bộ GD đã âm thầm tổ chức biên soạn SGK mới cho kịp tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết. Điều đó cũng có nghĩa cho dù người dân có đóng góp ý bao nhiêu ý kiến đi nữa thì ông Thuyết và Ban chỉ đạo đổi mới chương trình cũng để ngoài tai, nghe thì nghe vậy chứ sẽ không có chuyện tiếp thu, thay đổi. Nói khác đi, có thể khẳng định, ngay từ đầu vấn đề xin ý kiến nhân nhân về Chương trình dự thảo vốn chỉ là một “màn diễn” cho vui, cho “đúng quy trình” mà thôi. Bởi lẽ, khi kết thúc thời gian lấy ý kiến và nhất là sau khi đã thống kê, tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân lại, ông Thuyết và Ban chỉ đạo chương trình không một lần lên tiếng trao đổi công khai, sòng phẳng về những vấn đề mà các nhà giáo hay những chuyên gia giáo dục đã đóng góp hoặc phản biện. Ví như, ý kiến của nhiều nhà giáo dục đề nghị làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề “triết lý giáo dục” khai phóng; hay cơ sở lý luận nào để ban soạn thảo đề ra mục tiêu về “5 phẩm chất” (trước đây là 6) và “10 năng lực” cần đạt được; hay thậm chí ý kiến rất quyết liệt của nhà giáo Phạm Toàn là đề nghị tạm dừng lại chương trình để làm lại cho tốt hơn…

Tại sao như vậy? Cá nhân tôi cho rằng việc Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sau khi lấy ý kiến nhân dân nhưng không phản hồi rồi lẳng lặng thông qua chương trình là việc làm không những lừa dối mà còn xem thường và xúc phạm các tầng lớp nhân dân đặc biệt là những chuyên gia, những nhà giáo đã rất tâm huyết đã đóng góp ý kiến phản biện và xây dựng. Nếu đã như thế thì tôi đề nghị từ nay về sau GS Nguyễn Minh Thuyết cùng những người trong Ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục cứ theo Nghị quyết mà làm chứ không nên mất thời gian cho việc lấy ý kiến nhân dân về bất cứ vấn đề nào nữa. Thử hỏi, mọi chuyện đã được quyết hết rồi thì các vị còn giả vờ xin ý kiến nhân dân làm gì? Ngay cả chuyện (cũng theo lời ông Thuyết) trong tháng 8 và tháng 9 tới đây “sẽ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về chương trình từng môn học và hoạt động giáo dục, chỉnh sửa và công bố trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi như đối với Chương trình tổng thể...” cũng vậy. Thay vì mất thời gian về chuyện lấy ý kiến, tôi đề nghị GS Nguyễn Minh Thuyết cùng Bộ giáo dục và Đào tạo nếu đã tự tin về cách làm của mình hãy mạnh dạng đứng ra cam kết và chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Quốc hội và toàn thể 90 triệu dân nước Việt về khả năng THÀNH CÔNG của công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” lần này (trong đó có Đổi mới Chương trình và SGK Trung học Phổ thông). Cụ thể, hãy cam kết với dân chúng về khả năng thành công của đề án đổi mới này là bao nhiêu phần trăm? Chỉ cần cam kết vậy thôi là đủ, rồi sau đó muốn làm gì thì làm để mọi chuyện đỡ rắc rối và phức tạp hơn. Nhất là để dân chúng không có cơ hội mỉa mai, dị nghị như lâu nay họ đã từng khái quát về những chuyện tương tự, rằng: “Ý kiến đóng góp của các anh chị rất hay, nhưng thực hiện theo thì rất gay, trong khi chờ đợi tiếp thu mời quý vị cứ phát biểu hăng say, xin cho một tràng pháo tay…”

2. Văn hóa là giáo dục, giáo dục là văn hóa

Như đã nói ở trên, những ngày này, đất nước, xã hội và con người Việt Nam đang trải qua những biến cố rất nan giải, phức tạp nếu không muốn nói là vô cùng nguy hiểm. Chủ quyền và hình ảnh quốc gia đã và đang bị giảm sút nghiêm trọng trong vụ biển Đông và Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, sự xâu xé, chia rẽ tình cảm dân tộc trong vụ xúc phạm, miệt thị GS Ngô Bảo Châu (từ một số người vơi scái nhìn nhỏ nhen, thiển cận và hồ đồ) là điều ai cũng thấy. Và nếu như chủ quyền và hình ảnh quốc gia bị sứt mẻ trong vụ biển Đông và Trịnh Xuân Thanh với trách nhiệm trước hết thuộc về tầng lớp lãnh đạo cấp cao thì vụ xúc phạm GS Ngô Bảo Châu lại thuộc về số đông dân chúng. Nói khác đi, trong một cái nhìn tổng thể, từ lãnh đạo cấp cao cho đến thường dân không một ai vô can trước tình cảnh quốc gia dân tộc đã và đang bị xâu xé, chia rẽ bởi “ngoại bang thân thiết” và bởi chính những người trong cùng một nước hôm nay.

Có thể thấy, ở phương diện quốc gia, quốc thể, lẽ ra từ lâu các lãnh đạo cấp cao nước nhà phải cương quyết trong vấn đề “chọn bạn mà chơi”; hay ít ra phải phân biệt đâu là bạn bè thông thường, đâu là “bạn vàng”, “bạn thân”, “bạn chí cốt” thì đâu phải rơi vào tình cảnh khó xử như hôm nay. Ai đời, hết lần này đến lần khác, tuy bị đâm sau lưng nhưng vẫn không chịu thức tỉnh; vẫn ôm vai bá cổ, tay bắt mặt mừng gọi nhau anh em đồng chí như người trong nhà; thậm chí gần như là một sự cam chịu, lệ thuộc, chấp nhận phận “kèo dưới” một cách mê muội và nhu nhược. Không những vậy, trong vai trò lãnh đạo nhân dân, tuy miệng lúc nào cũng bảo “duy vật” đến cùng nhưng thực tế trong đầu chưa bao giờ thôi “sùng bái cá nhân”; tuy miệng lúc nào cũng nói phải “gác lại quá khứ, hướng về tương lai” nhưng đầu vẫn say sưa tính chuyện “ăn mày dĩ vãng”; mở miệng ra là rao giảng “đất nước là của Nhân Dân” nhưng thực tế chỉ thuộc về “Đảng ta” và một nhóm người tự cho mình là số một,…

Ở phương diện đại chúng, sự nhân hậu, bao dung, vị tha trong đời sống tinh thần của đại bộ phận dân chúng cứ ngày một mất đi; thay vào đó là thói lưu manh, láu cá; hoặc không thì nịnh bợ, luồn cúi trong sự cuồng tín, mê muội,... Thử hỏi, có đau không khi có không ít kẻ tuy cũng mang danh “nhà văn”, “nhà báo”, “nhà phê bình” nhưng chỉ toàn viết nhăng, viết cuội về những chuyện nhảm nhí không đâu; tự cho mình cái gì cũng biết rồi huênh hoang đăng đàn mắng chửi tất cả những ai không cùng quan điểm với mình thậm chí là một GS tài năng – người có trí tuệ mang tầm vóc nhân loại? Đạo đức cách mạng, con người mới XHCN gì mà kỳ cục vậy? Hay đạo nghĩa “đồng bào”, “con Hồng cháu Lạc”; “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” là như vậy đó sao? Tâm địa nhỏ nhen, lòng đầy hận thù và đố kỵ như thế thì sao mà “hòa giải, hòa hợp dân tộc”?

Văn hóa và giáo dục là hai phạm trù có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điều này thì không phải bàn cãi. Hay nói cho cùng, văn hóa cũng chính là giáo dục và giáo dục cũng chính là văn hóa. Từ đây mà suy, có thể nói tất cả những vụ việc trên, về sâu xa cũng là hệ lụy tất yếu của một nền giáo dục lạc hậu, giáo điều tồn tại kéo dài trong nhiều năm mà ra. Một nền giáo dục mà mục đích duy nhất của nó là bằng mọi cách thực thi nhiệm vụ tuyên truyền và nhồi nhét quan điểm chính trị một chiều nhằm phục vụ cho sự độc quyền, độc tôn về tư tưởng của một nhóm người chứ không phải vì sự tự do, văn minh và tiến bộ cho mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

Liên hệ, đề cập và phơi bày những vấn đề như thế để thấy rằng nếu công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” sắp tới đây vẫn không góp phần nâng cao dân trí và nhất là vẫn không thể khắc phục những “giới hạn văn hóa” của người Việt hôm nay thì tốt nhất là không nên làm. Còn nếu như, quyết tâm làm thì thiển nghĩ, những người đứng đầu và trực tiếp phụ trách vấn đề này nhất định phải là những người ngoài tư cách của một nhà khoa học về giáo dục thì phải là tư cách của những nhà văn hóa lớn – những trí thức chân chính, đàng hoàng và tử tế trong xã hội. Vấn đề này nếu phải diễn giải cụ thể ra thì như nhà văn Nguyên Ngọc đã có lần phát biểu như sau:

“Có thể nhận thấy điều này: ở nhiều nước và là những nước tiên tiến, bộ trưởng giáo dục hầu như bao giờ cũng là nhà văn hóa lớn. Hơn thế nữa, khi nảy sinh những vấn đề quan trọng về giáo dục, vị bộ trưởng ấy, hoặc chính thủ tướng chính phủ, thường mời một hay một số nhà văn hóa lớn, có tầm bao quát sâu rộng về xã hội, thậm chí là nhà triết học xã hội hàng đầu, làm cố vấn, nghiên cứu, thiết kế, đề xuất những dự án căn bản về cải cách giáo dục. Và nhiều nhà văn hóa lớn thường cũng là nhà giáo dục lớn. Trường hợp Edgar Morin ở Pháp là như vậy. Edgar Morin cố gắng nhận diện xã hội trước những chuyển biến có tính cách mạng của thời đại tác động dữ dội đến tư duy và cuộc sống của con người, để suy nghĩ, bàn luận và đưa ra những kiến nghị cơ bản đối với giáo dục. Như vậy, nói theo cách nào đó, những vấn đề của văn hóa và của giáo dục là một. Đó là những vấn đề con người của một xã hội, với tất cả những điều kiện để lại từ quá khứ, những hoàn cảnh hiện tại, và những thách thức sẽ đến, phải đối diện để tồn tại và phát triển. Vấn đề lớn nhất của giáo dục bao giờ cũng là vấn đề văn hóa (của xã hội) và để giải quyết văn hóa trong một xã hội, giáo dục phải lãnh vai trò quan trọng nhất.” [3]

3. Thay lời kết  

Được biết, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập “Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng” [4] nhằm giúp Chính phủ và bản thân ông đưa ra những quyết sách phù hợp và đúng đắn để vực dậy nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới. Nếu xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là “chìa khóa để thành công”, đặc biệt là nếu “kinh tế là chân ga, văn hóa là chân thắng” (vẫn là ý của nhà văn Nguyên Ngọc) thì theo tôi một “Tổ tư vấn về văn hóa - giáo dục” cho Thủ tướng trong lúc này tại sao không thể trở thành hiện thực? Nếu “Tổ tư vấn văn hóa – giáo dục” được thành lập thì trước mắt tôi kiến nghị chỉ sẽ tập trung làm một việc duy nhất đó là xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện, khách quan, khoa học mọi vấn đề liên quan đến đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” hiện nay. Có thể công cuộc đổi mới sẽ chậm lại một chút nhưng sẽ đảm bảo về một sự thành công mĩ mãn trong tương lai; thực sự góp phần khai phóng, nâng tầm nhận thức và văn hóa cho các thế hệ người Việt mai sau; từ đó xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững và tiến bộ hơn là với những gì đang diễn ra hiện nay (mà theo tôi là rất có nguy cơ 77 triệu USD của nhân dân một lần nữa sẽ đổ sông đổ bể).

---------------

Chú thích nguồn tham khảo:

1. “Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thong-qua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-386965.html

2. “Tại sao giáo dục phổ thông giảm thời gian, môn học”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thong-qua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-386965.html

3. “Nhà văn Nguyên Ngọc nói về văn hóa và giáo dục”. Xem tại: http://vietnam.ucanews.com/2012/09/06/nha-van-nguyen-ng%E1%BB%8Dc-noi-v%E1%BB%81-van-hoa-va-giao-d%E1%BB%A5c-2/

4. “Thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng”. Xem tại: http://thanhnien.vn/thoi-su/thanh-lap-to-tu-van-kinh-te-cua-thu-tuong-860302.html

Cần Thơ, 6/8/2017

NTB

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-8-17