Trò chuyện với nữ tu trẻ phục vụ Bệnh viện dã chiến giúp bệnh nhân Covid:

Chúng Tôi Đã “Đi Ra Vùng Ngoại Biên”
- Sống Một Tuổi Trẻ  Ý Nghĩa
.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Trong làn sóng thứ Tư bùng phát dịch Covid tại Tp Hồ Chí Minh - cùng với sự góp sức của cả nước - Đức  Tổng Giuse Nguyễn Năng Tổng Giám mục Tổng giáo phận Saigon đã ra lời kêu gọi tu sỹ tình nguyện phục vụ bệnh nhân Covid trong tình trạng quá tải y tế.

Nữ tu trẻ tuổi Rosa Hoàng Kim Anh, Hội dòng Đa Minh Rosa Lima, đã là một trong số tình nguyện phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 16 thuộc Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch mai.

Phóng viên (PV) có cuộc trò chuyện với cô.

PV: Khi dịch bùng phát dữ dội ở Thành phố, cả nước gồng mình chống dịch và chi viện cho Saigon, có rất nhiều khó khăn gay gắt, y tế quá tải.  Nhiều người lo lắng bối rối vì chưa bao giờ khốc liệt như vậy. Tình hình này đến với những người tu hành như thế nào?

Rosa Kim Anh: Đại dịch ào đến làm cho tất cả mọi người có cái nhìn khác về mọi thứ, không chỉ với xã hội mà ngay chính với đời người tu. Chúng tôi tất nhiên cầu nguyện sức mạnh vô hình thiêng liêng cho Thành phố đang từng ngày chiến đấu với những việc chưa từng có.

Từ nhỏ tôi đã học được từ cha mình một tình cảm đặc biệt. Không những ông không bao giờ từ chối những người đói khổ xin ăn, mà ông còn lạ ở chỗ luôn giữ một nụ cười trên môi khi người ta đã rời đi rồi. Bình thường, tôi cũng đã cùng công việc của Hội dòng đi thăm những người già neo đơn, bệnh nhân bị bại liệt, thăm các cụ già ở nhà hưu. Cho nên bây giờ nhìn thấy cả nước góp sức, các đoàn y tế, quân đội, các lực lượng chi viện, cứu trợ, chúng tôi không thể không được thúc đẩy bởi lòng thương yêu. Mình phải làm gì đó, mình có thể làm gì.

Tôi nhớ hình ảnh Chúa trên Thập giá, hình ảnh mẹ Teresa Calcutta và thấy hình ảnh bao người bệnh cô đơn sợ hãi đang chờ  được giúp đỡ.. May mắn là có bức thư đúng lúc của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, chúng tôi sẵn sàng ngay.

PV: Rồi công việc tình nguyện đã diễn ra như thế nào?

Rosa Kim Anh: Tôi có chút lúng túng vì mình không phải người thật khỏe và học Sư phạm nên không có kiến thức y khoa. Nhưng may mắn là trước khi làm việc, chúng tôi được các bác sỹ huấn luyện nhanh và khá kỹ.

Đầu tiên là việc mặc và tháo cởi bộ đồ bảo hộ khá công phu. Phải biết bảo vệ mình mới tồn tại để có sức phục vụ.  Các cách khử sát khuẩn, chuẩn bị nước muối xúc mũi họng, đồ để xông.

Bệnh viện quy mô 500 giường mà bệnh nhân rất đông, vào liên tục và cấp cứu liên tục những người trở nặng. Tôi được phân công phục vụ trong khoa Hồi sức tích cực 2 của Bệnh viện dã chiến số 16. Công việc rất nhiều, căng thẳng và luôn khẩn cấp, liên tục. Phải sau một tuần tôi mới tạm quen với tốc độ làm việc kinh khủng như vậy.

PV:  Cô đã làm những việc gì?

Rosa Kim Anh: Tôi thay drap giường, thay tã, lau rửa cho người bệnh. Đến bữa đi nhận xuất cơm và đút cho bệnh nhân không thể tự xúc ăn.  Nhiều người bị rất nặng, tiêu tiểu tại chỗ, tôi phải liên tục tháo nước tiểu trong các túi chứa.  Đổ nước vào các bình oxy ẩm, bệnh nhân gọi cần giúp gì làm nấy, liên tục không có phút ngừng nghỉ.

Khi có bệnh nhân qua đời không có người thân bên cạnh, không thể làm thủ tục gì, tôi thường lau người cho họ được sạch sẽ và đọc kinh cầu nguyện cho người bệnh.

Tôi muốn có được một thủ tục linh thiêng cho họ khi rời cuộc đời trong một hoàn cảnh khốc liệt như vậy.  Như mình  thay  người nhà đứng bên tiễn đưa âm thầm.

PV: Vậy có những giây phút để trò chuyện với bệnh nhân nào không?

Rosa Kim Anh: Chúng tôi thường xuyên, suốt ngày bên những người bệnh đầy hoang mang lo lắng và cô đơn, vừa mắc căn bệnh lạ nguy hiểm mà nhân loại còn lúng túng chưa biết cách chữa trị, vừa xa hết người thân giữa chốn xa lạ, đông đúc và khẩn trương.

Chúng tôi luôn có ý thức tìm cách trò chuyện, hỏi han, lay gọi, an ủi động viên và cho thấy chúng tôi vẫn bên cạnh sẵn sàng giúp đỡ. Điều này rất quan trọng, họ thấy không bị bỏ rơi mà luôn có người ở bên. Nhiều người vì thế đã lấy lại tinh thần để can đảm giành lại sự sống chứ không buông xuôi.

PV: Chắc cô đã chứng kiến những câu chuyện đặc biệt?

Rosa Kim Anh: Vâng. Nhiều hình ảnh sẽ không bao giờ quên được. Có câu chuyện mà cứ nhớ tới tôi lại rơi nước mắt. Khi tôi đến bên một chú bệnh nhân lớn tuổi để chăm sóc thì chú chỉ tôi hãy đi ra phía bên kia phòng để nhờ tôi chăm sóc vợ chú cũng đang nằm đó. Hai vợ chồng già cùng vào Viện khi con cái, người nhà không thể vào.

Chú đã “nhường sự chăm sóc“ cho vợ trước. Tôi liền đến bên cô xem tình hình. Hôm sau nữa thì cô phải chuyển lên phòng khác vì bệnh  đã chuyển nặng. Tôi lại tiếp tục làm người chăm sóc và “liên lạc“ cho chú biết tình hình của vợ. Lần nào chú cũng lo âu và khẩn khoản mong tôi chú ý giúp.

Ngày chú khỏe ra viện, lại nhắn gửi tôi tiếp tục chăm sóc cô giúp.

Một ngày nọ tôi thấy chân tay cô phù hết, trở nặng, người điều dưỡng bảo cô khó lòng qua khỏi đêm nay. Tôi đến bên lau mặt cho cô, thấy cô còn hơi tỉnh lại, gật đầu, dù hơi thở máy đã rất yếu ớt. Tôi sắp hết ca nhưng cố nán lại đứng bên cô cầu nguyện.

Nhưng lúc vừa ra ngoài thay ca thì nghe tin cô đã ra đi rồi. Tôi nhớ đến người chú lớn tuổi thương lo cho vợ giờ này ở đâu, gia đình họ sắp nhận tin dữ, mà không thể cầm nước mắt.

PV: Xin cảm ơn tấm lòng cô. Sau đợt phục vụ tình nguyện ấy, và sau những ngày chống dịch căng thẳng, cô thấy con người mình thay đổi những gì?

Rosa Kim Anh:  Sau một tháng trong bệnh phòng, tôi tiếp tục tháng thứ 2 giặt và xếp đồ cho các y, bác sỹ như sự phân công. Chúng tôi thấy mình đã giúp được cho bệnh viện, cho người bệnh và được những trải nghiệm chưa từng có.

Trong đời tu, đây là thời gian giúp tôi học hỏi đúng với ba lời khấn của Hội Dòng là “Khó nghèo (thoát khỏi vật chất) Khiết tịnh (sống không chiếm hữu, có tình với con người) và Vâng phục (biết lắng nghe ý Thánh Chúa).

Tôi biết sự quan trọng của mình khi có mặt lúc người bệnh lo âu, cô đơn không người thân bên cạnh, chứng kiến thấy rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Có cô bệnh nhân nói: ”Sơ ơi, giờ nhiều tiền cũng chẳng làm gì, chỉ mong được sống thôi”. Nhận ra ý nghĩa cuộc đời.

Tôi cảm nhận sâu sắc hơn câu nói của Đức Thánh cha Phanxico - vị cha chung của Giáo Hội. Ngài mời gọi các tín hữu: “Hãy đi ra vùng ngoại biên“ và chúng tôi đã đi ra khỏi nơi an toàn của mình để thấy và đến với con người.

Nếu không có dịch, chúng tôi vẫn làm những công việc phục vụ của Hội Dòng: Giáo dục trẻ, khám bệnh, làm công tác xã hội, mục vụ Giáo xứ. Nhưng chính trong đại dịch, tôi nhận ra rõ rệt tinh thần dấn thân không mệt mỏi của các chị tôi trong Hội Dòng. Cảm nhận được tình thương yêu cao cả của dân tộc mình và tôi tạ ơn Chúa đã giữ chúng tôi trong hai tháng khốc liệt ấy được bình an để làm tròn phận sự.

Chúng tôi đã “đi ra vùng ngoại biên“ và sống một tuổi trẻ phụng sự dân tộc có ý nghĩa.

PV: Xin chân thành cảm ơn cô.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (Thực hiện ).

 Phóng Viên gửi cho viet-studies ngày 16-7-22