Kể Chuyện Viết Ký Sự Nhân Vật

- “Đại Tướng Mai Chí Thọ"

 

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

 

1. Tại Sao Tôi Được Viết Ký Sự Về Đại Tướng?

        Do làm nghề báo gặp nhiều con người trên khắp đất nước có cuộc đời đặc biệt trong chiến tranh và xây dựng, tôi nghĩ rằng: Ghi danh công trạng và thành tựu thì đã có lịch sử và các ngành khoa học khác làm được, nhưng không ai có thể  ‘đưa vào bảo tàng‘  tâm hồn họ. Phải cần đến văn học nghệ thuật.

Yêu thích và theo đuổi thể loại phi hư cấu (nonfiction) vốn rất được coi trọng ở phương Tây, tôi chọn hình thức ký sự để tải hết chiều sâu nhân vật có thật, trong đó các thành tựu cuộc đời họ và bối cảnh lịch sử liên quan làm ‘background’ - cái nền cho con người nổi bật lên với tính cách, suy nghĩ và hành động.

Theo cách này, tôi đã viết được một số chân dung văn nghệ sỹ nổi tiếng như Phạm Duy, Hoàng Cầm, Hồ Zếnh, nhà ngoại giao Vũ Hắc Bồng, bác sỹ Trần Văn Bản tìm hài cốt đồng đội, và may mắn là viết những cuốn sách được tìm đọc về các nhân vật – các nhà tình báo lớn như Trần Quốc Hương, Hoàng Đạo, Phạm Xuân Ẩn và trong đó có đại tướng Mai Chí Thọ. Tôi muốn bạn đọc như được trò chuyện với họ vì tôi luôn viết dưới dạng những cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhân vật trong nhiều năm khi họ còn sống, nghe họ kể những câu chuyện gay cấn và lý thú, xúc động, hoặc chuyện đời thường của họ phản ánh được thời đại và con người họ nhiều hơn cả.

Không phải cuốn biên niên sử hay sách nghiên cứu chính trị, các cuốn sách của tôi đều viết tay thời kỳ máy tính chưa phổ biến, và bản thảo được chính nhân vật đọc, đôi khi sửa chút ít, và sách được in ra khi họ còn sống, họ được cầm cuốn sách trên tay. Đó là niềm vui lớn lao cho một người viết.

Vào năm 2005 ấy, khi Đại tướng đã ngoài 80 tuổi và đang khó khăn về sức khỏe, ông muốn tiếp tục viết một cuốn hồi ký về giai đoạn sau chiến tranh, cuốn thứ 3 sau khi chính ông đã viết xong 2 cuốn  hồi ký về hoạt động trong hai cuộc chiến. Nay ông muốn dành cho cuốn 3 này nhiều tâm sự hơn với thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh - nơi ông hoạt động hết chiến tranh rồi thời bình lại làm lãnh đạo ở vị trí trách nhiệm cao nhất (Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc Công an) trước khi ra TW làm Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên BCHTW nhiều khóa, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI..

Ở tập 3 này sẽ là quãng đời khác - đời người lãnh đạo đưa đất nước qua thử thách mới vượt những năm bao vây cấm vận đói nghèo, vượt muôn trùng gian khó bộn bề để đổi mới trong xây dựng và phát triển.

Chúng ta biết ông sinh ra ở Nam Định nhưng chủ yếu sống chiến đấu ở Nam Bộ, bị tù đày ở các nhà tù từ Nam Định cho đến Hỏa Lò  Hà Nội, Sơn La, Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo khét tiếng.

Bản lý lịch của ông thật tiêu biểu cho thế hệ Kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Những chức vụ mà chỉ cần nghe đã bao chứa cả nhịp đi của lịch sử mà ngày nay thế hệ trẻ phải tìm hiểu mới biết đó là gì.

Sau khi ra tù 1945 làm trưởng ty Công an, phó bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Rồi bí thư Mỹ Tho. Phó Giám đốc Công an Nam Bộ. Bí thư Khu Ủy, Chính ủy Quân khu miền Đông Nam Bộ (60-65), Bí thư Thành ủy kiêm Chinh ủy quân khu Sài Gòn -Gia định (1965-1975), Phó Chủ tịch UB Quân quản, Phó bí thư Thành ủy, Phó  Chủ tịch Ủy ban và Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh (1975-78) Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban TP Hồ Chí Minh (1978-1984) Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh (85-86) Bộ trưởng Bộ Công an (1986).

Bấy nhiêu chức vụ , nhiệm vụ trong chiến tranh và hòa bình xây dựng, đổi mới… ông đã trải qua trong gần nửa thế kỷ. Cuộc đời ấy  quá đồ sộ để viết sao phản ánh đầy đủ, sâu sắc và ấn tượng.

Tôi được  sự động viên giúp đỡ của gia đình nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga - người  bạn thân thiết của tôi từ nhiều năm - chị từ báo Tuổi Trẻ trưởng thành Tổng biên tập báo Người Lao Động, Nghề Báo, làm Chủ tịch Hội nhà báo Thành phố, đại biểu Quốc hội.  Chị cũng là cháu ruột được đại tướng nuôi như con đẻ.

Được sự đồng ý của Đại tướng, tôi bắt đầu thu thập tài liệu lịch sử liên quan. Tiếp đó quan trọng cực kỳ hơn nữa là tôi dành nhiều buổi nỗ lực phỏng vấn và trò chuyện lắng nghe trực tiếp - trên một phòng sân thượng trong ngôi nhà riêng của đại tướng ở đường Phạm Ngọc Thạch,  Quận 1 Tp Hồ Chí Minh.

2. Những Câu Chuyện Chạm Vào Cảm Xúc

         Những thăng trầm gian truân ngày xưa chiến tranh ta đã nghe nhiều - nó diễn ra cụ thể thế nào trong đời ông? Hòa bình thống nhất nay nó chuyển hóa vào cuộc đời mới như thế nào ở một vị lãnh đạo thành phố lớn nhất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh và giờ mới được ra tiếp xúc trực tiếp với thế giới. Chất con người - tính cách hào hùng cao quý của một thế hệ anh hùng ấy - bộc lộ thế nào với cuộc sống hôm nay. Đó thực sự là một thách đố với người viết.

Trong tôi có biết bao câu hỏi, bao điều phải khám phá. Là người viết văn, không phải viết chính trị, lý luận hay lịch sử, tôi phải tìm cho ra, gợi lại được ký ức của vị tướng bằng những câu chuyện đời, những tình cảm sâu lắng.  Bởi với người đọc hôm nay, tôi phải là ‘story-teller’ - người kể chuyện. Để cho chuyện đời tự đi trực tiếp vào xúc cảm của người đọc.

Với người  gần như cả đời ‘trôi dạt“ vào phương Nam như thế, (“Chú cũng không biết mình còn bao nhiêu phần người Bắc nữa “ -lời ông kể) vậy không biết quê hương trong ông thế nào - vì viết nhân vật, sao cũng phải có “quê hương, tuổi thơ và gia đình”. Quê ông ở Nam Định, gần Thái Bình - những tỉnh có người chết nạn đói năm 45 nhiều nhất - nhưng điều ám ảnh ông lại là… nỗi nhớ mẹ của chàng niên thiếu phải đi học xa nhà. Cứ về với mẹ đến ngày đi là nỗi nhớ ấy sống dậy và nào ngờ nó khắc vào lòng theo ông suốt đời. Nhất là khi trọ học ở Huế với những cơn mưa dầm thối đất cả tháng.

“Hình ảnh bà rất buồn. Đời bà nhiều đau khổ“ “40 tuổi đã góa chồng. Đẻ 11 lần chết 3 còn 8, ăn học thành người hoàn toàn do bà nuôi nấng dạy dỗ“ “Chân lấm tay bùn, lăn lưng với đồng áng“ “Bà còn trải qua những đau khổ kinh khủng. Không chỉ một lần, mà 2 lần trong đời, vào năm 1930 và 1940, bà chứng kiến một lúc 3 đứa con bị bắt vào tù“.

“Năm 1930 khi  các anh trai bị bắt,  tôi còn nhỏ ngủ chung với mẹ, nửa đêm thức giấc,  thấy bà một mình một bóng trước đèn, lặng lẽ khóc“.

“Còn năm 1940 thì chính tôi, anh Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện cùng bị bắt nên tôi không thể chứng kiến mẹ ở nhà ra sao “.

Ông kể về nỗi ân hận  sau 15 năm xa cách, ông từ miền Nam được ra Bắc, đóng giả sĩ quan liên lạc đi máy bay địch ra Hà Nội làm việc với TW, được ghé qua nhà: “Mẹ đang bệnh đau cột sống. Tôi mở mùng thấy mẹ ngồi nhìn thấy con, lặng lẽ khóc. Mình lại cố tỏ ra cứng rắn: ”Mẹ đừng khóc. Con về là quý lắm rồi. Còn bao gia đình tan nát..”

“Giờ nghĩ lại, dù đúng nhưng không ổn. Với người mẹ cả cuộc đời như thế… Bà luôn thương đứa trai út là tôi. Bà bảo: Chỉ còn nó là chưa gặp. gặp nó rồi chết cũng được…”.

Bà đã mất 2 năm sau đó - mà cái tin mẹ mất cũng phải thêm hai năm nữa ông mới nhận được ở Campuchia.

Câu chuyện gia đình ông cho thấy những hy sinh, ly tán của người Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thật là vô bờ bến.

Hỏi về quê hương thì ông kể chuyện về mẹ. Một người mẹ Việt Nam sinh ra các con có tới 3 người trong Bộ Chính trị và UVTW Đảng- những lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam.

Và bởi vì ông theo kháng chiến sống khắp nơi, nên quê hương ông trải ra khắp non sông này.

Trong cuốn ký sự, tôi có phỏng vấn một số chiến sỹ bảo vệ cùng đơn vị của đại tướng để làm sống lại hình ảnh đoạn đời ông trong kháng chiến. Nói là bảo vệ một vị Tướng nhưng thực chất là cùng ông sống trong rừng, đội mưa bom làm nhiệm vụ bảo vệ Cơ quan đầu não, chết hụt bao phen. ”Ông đi công tác bằng xuồng quanh vùng Cần Thơ, Phong Điền, Ô Môn, bị phục kích bắn, nay thẹo vẫn còn“.

“Ngủ nóp trong rừng. Anh Năm mặc đồ lãnh đen, có lúc phải trải cái áo ra, lấy chai cà, rận nổ rắc rắc. Có lần chạy càn, anh Năm đạp trúng bặp ngọn dừa, chân tóe máu, còn có bữa nằm trong hầm ngập nước chạy càn, nghe cả bước chân giặc sát bên“.

“Một lần anh Năm xuống họp ở Bến Cát, bom B52 thả rực trời. Nhận định thế nào giặc cũng đi càn sau khi thả bom, thế là 3 giờ đêm, anh Năm và bảo vệ lấy 2 xe đạp lên tận núi Cậu – Dầu Tiếng. Đạp xuyên đêm, có đoạn dắt và lôi xe xuyên rừng.

Câu chuyện kháng chiến thì nhiều lắm, ông kể cho nghe trực tiếp đánh trận Tua Hai, Mậu thân 68 và chiến dịch Hồ Chí Minh, chuyện hoạt động nội thành xây dựng mạng lưới tình báo ở  Sài Gòn.

Chúng ta đều biết lịch sử kháng chiến đã có những tên tuổi các nhà tình báo lớn thời kỳ này Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Huỳnh Văn Trọng, Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn… và mạng lưới mạnh mẽ hoạt động góp phần cho thắng lợi.

 Bên cạnh các câu chuyện lớn, có chi tiết vui: Một người bị bắt không chịu nổi tra tấn khi địch bắt khai chỗ ở của ông năm Xuân.  Anh này  không khai chỗ ở thật mà khai tránh ra một cơ sở nhà một bà mẹ, tưởng thế sẽ đánh động cho ông. Nào ngờ ông lại tìm về đúng nhà đó. Bà mẹ vừa bị tra tấn dã man không khai, thấy ông thì hốt hoảng: ”Trời ơi chú ơi, lính kín nó mai phục chờ chú cả tuần, vừa rút đi khoảng một tiếng. Chú ăn gì chưa, để tôi mua phở chú ăn.”

Thương quá bà mẹ tốt bụng, nhưng bà không hiểu gì. Phải đi ngay chứ “phở phung gì nữa”.

Nhưng cuốn ký sự này phải nhắm đến phần hòa bình, làm lãnh đạo thành phố lớn nhất nước trong bao vây cấm vận,”cởi trói vượt rào xây dựng nền kinh tế đổi mới thoát bao cấp“ “giữ bình yên khỏi chống phá bên trong và kỳ thị của bên ngoài, đổi mới ngành công an“ thì có những chuyện hay thế nào.

Câu chuyện “Vụ nhà thờ Vinh Sơn“ đưa ta về với ngày mới thống nhất đất nước, tại Sài Gòn tình hình trật tự xã hội phức tạp, phản động nổi dậy lập ra các tổ chức vũ trang, lấy nhà thờ làm nơi ẩn nấp, in truyền đơn, làm bạc giả, dùng súng trung liên bắn trả quyết liệt khi bị vây.

Là giám đốc Công an giải quyết bạo loạn, ông Năm Xuân cho lực lượng vây bắt, đồng thời đề nghị lãnh đạo Thành phố tổ chức cuộc họp báo cùng Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và các chức sắc tôn giáo để hiểu rõ âm mưu địch và đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc gìn  giữ an ninh, hòa bình.

Đại tướng kể: ”Ngay lúc trời còn chạng vạng, súng bắn trên nhà thờ Vinh Sơn, tôi tới kêu vị linh mục ra nói ông truyền vào lệnh đầu hàng cho bọn phản loạn.”

Trông tướng tá ông cao lớn, vị linh mục ngỡ đó là TGM Nguyễn Văn Bình tới, liền “Thưa cha bề trên“. Ông bảo: ”Tôi không là linh mục Bình. Tôi bên Công an Thành phố“.

Sau này ra Bắc nhiệm vụ Bộ trưởng, ông đi thị sát các nhà tù nhiều nhất, kiểm tra phát hiện oan sai và đổi mới ngành Công an.

Trong nhiệm vụ chủ tịch, bí thư Thành phố thời khó nghèo bao cấp, các câu chuyện của ông làm sống lại thời kỳ sáng tạo, mạnh bạo “phá rào” của Thành phố tìm con đường xuất nhập khẩu giao thương với bên ngoài, ủng hộ các xí nghiệp dám làm, thời kỳ dẫn đến “Hội nghị Đalat“ có lãnh đạo cao nhất nước như các Đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn lắng nghe, góp vào tiền đề của các chính sách Đổi mới Việt Nam.

Trong cuốn ký sự về Đại tướng có những chương “Một quyết định không giấy tờ “ và các câu chuyện kể của nhà tư sản, các giám đốc xí nghiệp cùng sát cánh với lãnh đạo…

Đây cũng là thời kỳ nhiều biến động lịch sử, việc sửa sai các chính sách kinh tế, việc thuyền nhân vượt biển, các chính sách cải tạo, quan điểm với phát triển kinh tế tư nhân và chương trình ra đi đoàn tụ…khiến Việt nam và  Sài Gòn thành điểm đến của báo chí Thế giới.Vị chủ tịch Năm Xuân trả lời phỏng vấn  không né tránh nhiều gai góc và phải “đấu lý và giải thích“ nhiều nhất.

Lịch làm việc kín mít đến mức có lần ông phải hẹn trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài vào lúc….2 giờ đêm trong dịp lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng.

 Không chỉ là nhà lãnh đạo cao của thành phố với nhiều công việc, ông Năm Xuân còn là một nhà đối thoại, người hay đặt vấn đề. không mệt mỏi với rất nhiều tầng lớp, lý giải nhiều vấn đề khó.

Ông thuộc thế hệ lãnh đạo thời đó như Nguyễn Văn Linh,Võ Văn Kiệt, thân với nhiều giới như các doanh nhân, kể cả tư sản người Hoa Chợ Lớn. Ông “đem theo” cả các nhân vật kinh doanh đi cùng các chuyến tham quan, làm việc ở nước ngoài. Nhiều trí thức lớn tranh cãi tìm hiểu chế độ, ra đi rồi vẫn viết thư hỏi ý kiến ông. Kể cả những người dân được nhờ chính sách mà lấy lại được nhà cửa, giải quyết được hộ khẩu trong thời khó khăn.

Có lần tiếp xúc với các giới tôn giáo, chịu khó trả lời cả những câu hỏi chưa hiểu gì người cán bộ Cộng sản “dễ đụng chạm“ như  một vị trong tôn giáo hỏi “tôi thấy ông là người đôn hậu, sao ông lại làm… công an?”. Đó là chưa kể những tranh cãi về chủ nghĩa xã hội, các đường lối chính sách, và đối nhân xử thế… kể cả những sai lầm do tình hình ấu trĩ của đất nước đứng trước nhiều phức tạp.

Với tư cách một lãnh đạo, có khi là người đồng chí, khi ở cương vị cao, ông bỏ ra nhiều thời gian để gặp gỡ trò chuyện nhiều ngày tranh luận và thuyết phục ngay cả một số người có công trong kháng chiến sau thành đối lập không thông quan điểm đã đi đến chống đối.

Ông  có niềm tin mãnh liệt vào sự chân thành có thể cảm hóa và giải tỏa các khác biệt. Vì thế các tầng lớp đều có những người thích được hỏi và thảo luận nhiều việc của cá nhân mình và trở thành bạn thân thiết tin cậy.

Chính vì cả một đời lăn lộn vào sinh ra tử trong chiến tranh, giải quyết bao khó khăn cùng đất nước, trong thời bình gắn bó nhân dân, mà những cái tên gọi kiểu Nam bộ như “ông Năm Xuân, Mười Cúc, Sáu Dân, Hai Hùng, Sáu Tường, Năm Nghị, Mười Hương,”… trở nên một thế hệ lãnh đạo rất thân thiết dân dã và tin cậy.

3. Kỷ Niệm Quý Từ Cuốn Ký Sự

Làm xong cuốn sách, tôi lại trở về công việc của mình và cũng ít khi gặp lại chú Năm Xuân. Ông  cũng bận rộn với các chuyến đi công tác của Ban Xóa đói Giảm nghèo của Thành phố. Khi thì họp hành, tổng kết, khi xuống cơ sở và những chuyến từ thiện. Ông từng bảo: Nghỉ hưu thích làm công tác xã hội vì đúng với lý tưởng người Cộng sản và đạo đức người Việt Nam. Dùng khả năng của mình như một người dân đóng góp cho xã hội, chẳng có gì mà hẫng hụt. Ông còn bảo: Đó chính là Xã hội Chủ nghĩa.

“Khi sống giữa dân, giác ngộ thấy thương dân tộc, lao vào chiến đấu bất kể bom đạn ngục tù, cũng vì thế, nó thấm vào người rồi”, tôi nhớ có lần ông tâm sự. Ngoài rất nhiều Huân, Huy chương trong chiến tranh, ông có Huân chương Lao động hạng Nhất trong Xóa đói Giảm nghèo .

Năm đó tôi bệnh phải nằm bệnh viện Nguyễn Trãi và một sớm thấy mọi người… nhốn nháo, tôi chưa hiểu chuyện gì. Lúc sau thì nhân viên kéo đến trước phòng tôi, theo sau là chú Năm Xuân, đại tướng Mai Chí Thọ. Tôi thật hết sức bất ngờ. Ông khá thân với báo giới, chắc ai đó hoặc chị Nga đã báo tin.

Sau một hồi thăm hỏi, trước lúc về, ông tặng tôi quà, có cả hộp sâm quý. Ngày đó thế là quà to lắm. Tôi bối rối thì chú nói vui với phong cách dân dã hài hước mà tôi đã quen thuộc:

“Người ta … bố thí cho chú, giờ cháu bệnh, chú bố thí lại cho cháu, có gì mà ngại. Cháu yên tâm đi, chữa cho mau khỏe”.

Ông ra về rồi tôi mới chợt nhớ những chi tiết là bà con, nhân dân có quà quê cũng hay cho chú. Có lần thời khó khăn nghèo đói mà một nhà tư sản xuất nhập khẩu khá thân, một hôm đem đến tặng chiếc đồng hồ  mạ vàng, giá trị lúc đó phải mấy triệu đồng. Ông hỏi thẳng, thân tình nhưng cương quyết: “Mày muốn tao làm công tác một cách xứng đáng, hay thế nào? Để tao lấy rồi không làm chủ tịch nữa sao?”

Kỷ niệm nữa-là nhờ cuốn ký sự này mà tôi tìm lại được người bạn Trung Quốc thân từ thuở bé rồi mất liên lạc.

Chuyện là, chú Năm Xuân sang Trung Quốc chữa bệnh lúc tuổi đã cao. Ông có nhờ một người phiên dịch giúp, và có tặng anh ấy cuốn ký sự. Anh phiên dịch đem về nhà thì người chị gái của anh ấy đọc, thấy tên tôi tác giả, liền òa khóc rồi kêu lên “Đây  người bạn Việt Nam thân nhất của chị, mất liên lạc đã lâu“.

Đó là chị Dùng lày Màn- một người Hoa sống ở Hải Phòng thuở nhỏ là bạn học của tôi ở trường Ngô Quyền- ngôi trường nổi tiếng mà các danh nhân như Nguyễn Văn Linh, Văn Cao đã từng học.. Chị còn là cô nữ sinh  bị ngã gãy xương khi lọt xuống hầm tránh máy bay ở trường tiểu học. Khi đó mẹ tôi-là giáo viên của Màn đã đưa học sinh của mình vào bệnh viện kịp thời.

Chúng tôi thân nhau hết tiểu học, trung học, hay đến ở lại nhà nhau. Rồi tôi lên Hà Nội học đại học, ra làm báo. Tôi luôn nhớ Màn, rất thương khi nghe tin ngày đó do lý lịch, bạn mình không được đi đại học mà phải đi làm trên cánh đồng muối ở  biển Đồ Sơn. Rồi năm 79 do những xung đột của Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc, có vụ “nạn kiều“ nghe âm mưu đồn nhảm gia đình cô ấy không hiểu gì đã sợ hãi theo dòng người Hoa bỏ về nước. Những năm ấy tôi là phóng viên đi viết bài trên biên giới, nhìn dòng người tôi luôn thương thầm  để ý hy vọng vu vơ xem có bạn mình nhưng không thấy và chúng tôi bặt hẳn tin nhau.

Nhờ cuốn ký sự, Màn đã  từ Quảng Châu bay sang tìm và chúng tôi mừng tủi gặp lại nhau tại Sài Gòn  sau bao năm đã hết hy vọng.  Đã trưởng thành và thấu hiểu nhiều giá trị.

Tôi cũng chưa kịp kể chuyện này cho chú Năm Xuân.

Nhưng nó như một phần thưởng cá nhân cho tôi thêm nhớ những ngày được làm việc cùng đại tướng, góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ hình ảnh một trong những nhân vật lớn của lịch sử nước nhà.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI.

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-7-22