Việt Nam năm con mèo

Nguyễn Quang Dy 

Năm Nhâm Dần đã qua, năm Quý Mão đã đến. Dù lo việc nhà hay quan tâm đến vận nước, ai cũng mong năm con mèo tốt đẹp hơn năm con hổ. Nhưng thực hư và may rủi ra sao, phải chờ đến cuối năm mới rõ, vì dự báo ngày càng khó, không thể dựa vào quả cầu pha lê hay lời sấm của các nhà tiên tri. Trong kỷ nguyên mới, thế giới biến động khó lường, các kênh truyền thông đầy tin thất thiệt, trong khi tư duy con người thay đổi quá chậm.      

Cách đây đã lâu, thứ trưởng ngoại giao Lê Mai khi còn sống thường khai bút đầu năm bằng bài báo “dự cảm đầu xuân”. Đó là một cách dự báo nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về các dấu hiệu khủng hoảng lúc đó đang tụ lại như đám mây đen ở cuối chân trời. Nói cách khác, muốn biết năm mới thế nào, người ta thường phải nhìn lại năm cũ và đặt vận nước vào bức tranh lớn hơn của cả khu vực, khi thế giới toàn cầu hóa ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.  

Về chống dịch và tham nhũng 

Việt Nam đã may mắn vượt qua hai năm đại dịch, không bị sa vào cái bẫy “zero Covid” cực đoan như Trung Quốc. Một là Việt Nam đã mau chóng nhận ra nguy cơ và kịp thời điều chỉnh chính sách chống dịch. Hai là Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế và đã nhập đủ vaccine đúng lúc. Ba là Việt Nam đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng kịp thời để đạt được miễn dịch cộng đồng, và may mắn có được sự đồng thuận của người dân.  

Nhưng bên cạnh bức tranh sáng đó, còn có những mảng tối tiêu cực như các vụ “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu”. Đó là hai vụ án điển hình về các nhóm lợi ích đã “ăn của dân không từ một cái gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan).  Họ đã lợi dụng chống dịch để trục lợi bằng cách thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước. Một số cán bộ tuy có năng lực chuyên môn tốt, nhưng cũng bị dính vào vòng tham nhũng như “cái bẫy hệ thống”.    

Hai vụ đại án “Việt Á” và “chuyến  bay giải cứu” là tham nhũng có hệ thống, làm nhiều quan chức các cấp ở các ngành phải “nhập lò”, đến nay vẫn chưa kết thúc. Nhưng vụ AIC còn nhạy cảm và nguy hiểm hơn vì liên quan đến lãnh đạo cấp cao nhất, kể cả “tứ trụ”. Nói cách khác, vụ AIC có nhiều ẩn số khó lường mà kết cục còn phụ thuộc vào lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và quyết định cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng. 

Y tế và giáo dục là hai ngành rất quan trọng. Sau y tế, chắc giáo dục sẽ phải “lên thớt” vì nhóm lợi ích trong nghành giáo dục lũng đoạn quá lâu, bất chấp dư luận. Họ đã lũng đoạn và trục lợi không chỉ có sách giáo khoa mà còn nhiều dự án hàng ngàn tỉ đồng để “cải cách giáo dục”. Nếu tham nhũng trong nghành y tế có thể làm nhiều người mất mạng (đột tử) thì tham nhũng trong ngành giáo dục có thể làm thui chột cả một thế hệ (đẳng tử).

Muốn chống tham nhũng nay đã trở thành hệ thống để thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước thì việc “đốt lò” phải triệt để, không chỉ “không có vùng cấm và ngoại lệ” mà còn phải cải tổ thể chế để diệt trừ tận gốc nguyên nhân của tham nhũng. Tuy tham nhũng đã trở thành “quốc nạn” và chống tham nhũng được lòng dân như “chống giặc nội xâm”, nhưng chống tham nhũng cũng được hiểu là đấu tranh quyền lực để thanh trừng nội bộ. 

Chiến dịch đốt lò triệt để cũng có thể đem lại những hệ lụy về kinh tế. Một là các quan chức lo ngại không dám làm gì, nên kinh doanh có thể bị đình trệ. Hai là các doanh nghiệp lo ngại gặp phải rủi ro trong quá trình điều tra đang diễn ra nên họ cũng không dám làm gì. Ba là các doanh nghiệp sẽ phải cảnh giác hơn trước xu hướng tăng cường kiểm soát chặt chẽ và thanh trừng nội bộ, gây tâm trạng nặng nề trong cộng đồng doanh nghiệp.  

Tuy Việt Nam đã vượt qua hai năm đại dịch Covid-19, nhưng nguy cơ vẫn còn vì sống bên cạnh Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang bước vào “giai đoạn ba” của chu kỳ bùng phát dịch như cách đây ba năm. Theo các chuyên gia y tế thì giai đoạn ba nguy hiểm nhất, vì hàng chục triệu người Trung Quốc đã đổ về quê vào dịp Tết nay trở lại thành phố. Dòng người khổng lồ di chuyển có thể làm cho dịch lan nhanh như “sóng thần”. 

Nếu trước đây các thành phố lớn ở Trung Quốc là tâm điểm của dịch thì nay nông thôn rộng lớn trở thành tâm điểm của dịch. Hệ thống y tế cộng đồng ở nông thôn kém xa thành phố, nhưng dân số quá đông. Theo Bloomberg (15/01/2022) số ca tử vong được báo cáo là “phần nổi của tảng băng chìm”. Theo Đại học Bắc Kinh, tính đến giữa tháng 1/2023, khoảng 64% dân số Trung Quốc đã bị lây nhiễm, và tỷ lệ tử vong trung bình là 0,1%. 

Tỷ lệ lây nhiễm cao vì dân Trung Quốc chưa được miễn dịch. Hai loại vaccine được sử dụng là CoronaVac và Sinopharm, sản xuất tại Trung Quốc, có thể kém hiệu quả. Khoảng 90 % dân số Trung Quốc đã được trích 2 liều vaccine này. Theo Christian Bréchot (Global Virus Network) khi có 250 triệu người nhiễm bệnh đồng loạt, thì sẽ giống như một thử nghiệm tạo ra các loại biến thể mới nguy hiểm hơn, có nguy cơ lây lan nhanh hơn.  

Theo báo chí thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không nắm được thông tin cập nhật về thực trạng dịch bệnh ở Trung Quốc, do chính quyền bưng bít thông tin, và quy mô của Trung Quốc quá lớn. Sau đại hội đảng lần thứ 20, làn sóng biểu tình chống chính sách “zero Covid” như “tức nước vỡ bò” là một bất ngờ đối với Tập Cận Bình, làm cho chính quyền Bắc Kinh phải điều chỉnh chính sách “zero-Covid”, và nới lỏng phong tỏa. 

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023, chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Tây Ban Nha, đã lập tức thực hiện các biện pháp kiểm soát, xét nghiệm Covid-19 với hành khách đến từ Trung Quốc, vì lo ngại một làn sóng bùng phát mới khó kiểm soát. Nhưng các nước láng giềng Trung Quốc có nguy cơ cao hơn. Riêng tại cửa khẩu Móng Cái ngày 8/1, có hơn 3.000 người Trung Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam.  

Về chính trị 

Gần đây, mỗi khi thấy có các điềm xấu hay sự kiện bất thường như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, người ta hay viện dẫn các nhà tiên tri như Nostradamus và Vanga để lý giải và phỏng đoán. Tại Việt Nam, người ta thường nói đến những lời sấm của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm), như Mười phần chết bảy còn ba. Chết hai còn một mới ra thái bình hay Bỉnh chúc vô minh Quang tự diệt. Trọng Ngân bạc Phúc sản tất vong. 

Trong khi nhiều người tin vào các lời sấm truyền, thì nhiều người khác lại coi đó là một cách thư giãn để giải tỏa tâm trạng bức súc của họ trước nghịch cảnh. Dù thế nào, người ta khó quy kết Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) là “thế lực phản động” và chắc không thể cấm dân lưu truyền những lời sấm đó. Nói cách khác, đó là văn hóa dân gian đã tồn tại hàng trăm năm, qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nên có sức sống dai dẳng.   

Theo thông tin chưa chính thức, không chỉ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có đơn xin nghỉ (đã được chấp thuận trước Tết), mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có đơn xin nghỉ (đang chờ xem xét sau Tết), vì còn phụ thuộc vào kết cục của vụ AIC. Sau khi hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam trở thành củi gộc “đốt lò”, thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng “nhận thẻ đỏ” rời khỏi sân. Đó là điều xưa nay hiếm. 

Vì vậy, cộng đồng quốc tế và giới đầu tư nước ngoài nói chung đã bị bất ngờ và lo ngại. Họ cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc bị mất chức “có thể mở đầu một giai đoạn bất ổn về chính trị”. Nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là chiến dịch chống tham nhũng thực sự hay là tranh giành quyền lực “kiểu Tập Cận Bình”. (Vietnam's President Phuc dismissed amid Trong's anti-graft drive, Tomoya Onishi, Nikkei Asia, January 18, 2023). 

Đã có hai phó thủ tướng mới là Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà (chứ không phải Lê Hoài Trung và Lê Minh Hưng như đồn đoán) thay ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Vì vậy, chắc không khó tìm người thay ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính. Dù đó là ông Tô Lâm hay ông Phan Văn Giang thì với cơ chế “tập trung dân chủ” và “lãnh đạo tập thể”, vai trò cá nhân không quá quan trọng như trong mô hình Trung Quốc. 

Một khi chỉ còn lại “trụ thứ tư” là ông Vương Đình Huệ để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng thì bài toán có thể dễ giải hơn sau bài học kinh nghiệm về ông Trần Quốc Vượng không được Ban chấp hành Trung ương chấp thuận. Nhưng với vụ án AIC, chưa biết ông Huệ có an toàn không. Nếu vẫn chưa có người thay thế, chắc ông Trọng vẫn phải làm Tổng Bí Thư, và có thể một lần nữa phải kiêm nhiệm Chủ tịch nước như trước đây (déjà Vu). 

Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS, Singapore), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải nghỉ vì liên quan đến vụ Việt Á, còn Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp rắc rối vì liên quan đến vụ AIC. Chỉ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được lợi vì trở thành ứng viên duy nhất có thể thay thế TBT Nguyễn Phú Trọng vào năm 2026. (Red Card for the President Vietnams Biggest Political Drama in Decades, Le Hong Hiep, Fulcrum, January 17, 2023). 

Lê Hồng Hiệp cho rằng những thay đổi về nhân sự chỉ liên quan đến chính trị trong nước, chứ không liên quan đến chính sách đối ngoại. Việc thanh trừng lãnh đạo cũ tham nhũng có thể mở đường cho lãnh đạo mới lên thay trong sạch hơn và có năng lực hơn, giúp Đảng chống tham nhũng và điều hành tốt hơn. Nếu thay đổi lãnh đạo không làm thay đổi chính sách thì sẽ không ảnh hưởng mấy đến kinh tế, vì GDP của Việt Nam vẫn tăng 8,02%.  

Theo Alexander Vuving (APCSS, Honolulu), “Có nhiều khả năng là ông Trọng sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi tình trạng sức khỏe không cho phép. Mặc dù ông có thể đã tạo ra nhiều kẻ thù, nhưng không có lãnh đạo nào khác được sự ủng hộ của đa số ủy viên TƯ. Với tình hình đó, ông Trọng vẫn là sự lựa chọn mặc định (Vietnam's Trong consolidates power with dismissals of deputy PMs, Tomoya Onishi, Nikkei Asia, January 7, 2023). 

Theo Carl Thayer (New South Wales University), ông Trọng đã không đưa được người của mình là ông Trần Quốc Vượng lên thay tại Đại hội 13 (năm 2021). Sau khi tiếp tục làm Tổng Bí thư thêm nhiệm kỳ thứ ba (chưa có tiền lệ), ông Trọng đã lặng lẽ vận động Bộ Chính Trị, Ban Bí thư và các quan chức cấp cao khác về người kế nhiệm. Trong khi chờ đợi, ông tiếp tục chiến dịch “đốt lò” vì tham nhũng đe dọa tính chính danh của đảng. 

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về ông Trọng, nhưng không thể phủ nhận được một thực tế là ông Trọng chơi cờ rất giỏi, không hề “lú lẫn”. Tuy sức khỏe kém và nguồn lực mỏng, nhưng ông ấy đã lần lượt hạ đo ván các đối thủ nặng ký mà vẫn làm chủ bàn cờ. Theo Charles-Maurice de Talleyrand (nhà ngọại giao Pháp, 1754-1838), người ta phân biệt chính khách không phải bằng việc họ đã làm gì, mà bằng hệ quả của việc họ đã làm. 

Về kinh tế 

Năm Quý Mão đã thay thế năm Nhâm Dần, và con hổ đã biến thành con mèo. Dù là hổ hay là mèo, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với khu vực. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam là 8,02 (năm 2022), nhưng sẽ giảm còn 6,3% (năm 2023). Sang năm 2023, thế giới cũng như Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới do những biến động khó lường trong nước và trên thế giới.  

Hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 2,9% xuống còn 2,7% (năm 2023). Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 2,8% xuống còn 2,2% (năm 2023). Fitch Ratings cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 1,7% xuống còn 1,4%. 

Việt Nam có bốn điểm yếu về an ninh kinh tế. Một là tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế toàn cầu suy giảm. Hai là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ (chiếm 30% kim ngạch) và không cân đối (Mỹ nhập siêu 100 tỉ USD). Ba là nhập khẩu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (110 tỉ USD). Bốn là xuất nhập khẩu Việt Nam phụ thuộc vào tàu biển nước ngoài (chiếm 90%).  

Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam đã tăng 8,02% (2022), và sẽ tăng 6,5% (2023). Theo các tổ chức quốc tế, năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn, nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thấp hơn năm trước. IMF dự báo tăng 6,2%; WB dự báo tăng 6,7%; ADB dự báo tăng 6,3%. Tuy điều chỉnh mức tăng trưởng thấp hơn, nhưng họ vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực. 

Trong năm 2022, Việt Nam về cơ bản đã thoát khỏi đại dịch Covid-19, nên một số lĩnh vực kinh tế đã phục hồi đáng kể. Trong khi các hoạt động sản xuất, giao thông vận tải và xuất nhập khẩu đã phục hồi mạnh sau hai năm bị phong tỏa, hàng triệu người đã đổ xô đi du lịch để “trả thù”. Nhưng sang năm 2023, các lợi thế nhất thời đó không còn nữa, trong khi các hệ lụy nặng nề và lâu dài của đại dịch đối với kinh tế và xã hội tiếp tục bộc lộ.  

Theo Nishad Majmudar (Moody’s Investors Service), Viêt Nam sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang rời bỏ thị trường Trung Quốc vì chính sách “zero-Covid” và sự thất vọng của các nhà đầu tư công nghệ. Nhưng vấn đề là liệu đấu tranh quyền lực trong nội bộ Viêt Nam có coi nhẹ mục tiêu phát triển kinh tế không. Muốn tận dụng cơ hội, Việt Nam phải khôn khéo và có khả năng đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư.   

Theo giới quan sát, thị trường chứng khoán Việt Nam (VN Index) đã lao dốc năm 2022. Tâm lý các nhà đầu tư Việt Nam không ổn định, thường nhảy từ cực nọ sang cực kia, từ quá lạc quan (hyper-bullish) sang quá bi quan và hoảng loạn (super-panicky). Tần suất và cường độ thay đổi theo các chu kỳ bùng phát và suy xụp (boom-bust cycles) cản trở Việt Nam tăng trưởng bình quân đầu người (per capita income) hiện nay là 3,700 USD.   

Theo nguồn “Chinhphu.vn”, Quốc hội Việt Nam đã họp (10/11/2022) để thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, và “chốt” mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là khoảng 6,5%; mức tăng trưởng bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 4,400 USD; và chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) của Việt Nam sẽ tăng khoảng 4,5% (năm 2023), do năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp.  

Về Biển Đông 

Theo Gregory Poling (Director AMTI, CSIS), tình hình Biển Đông vẫn bất ổn, nhưng lần đầu tiên trong một thập kỷ, Trung Quốc không kiểm soát thêm được gì, trong khi các nước Đông Nam Á vẫn giữ vững trận địa. Sự kiện gây ồn ào nguy hiểm là tranh chấp tại Second Thomas Shoal (4-6/2022) khi tàu dân quân Trung Quốc triển khai tại đây, làm cho Mỹ và Philippines phải tăng cường hợp tác. Mỹ đã tuyên bố viện trợ cho Manila 100 triệu USD (10/2022), và phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Manila (11/2022).  

Tuy Việt Nam giữ im lặng với Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ bớt căng thẳng. Vì lo ngại về Trung Quốc, Việt Nam đã tăng cường xây dựng các tiền đồn ở Trường Sa. Vào cuối năm 2022, “Việt Nam đã nạo vét và bồi đắp bốn đảo (Namyit Island, Pearson Reef, Sand Cay, and Tennent Reef - khoảng 420 acres). Hiện nay, Namyit và Pearson là hai tiền đồn lớn nhất của Việt Nam tại Trường Sa”. (Southeast Asia stands firm against China in the South China Sea, Gregory Poling, Asia Times, January 23, 2023).  

Việt Nam đã xây dựng thêm các hải cảng lớn tại các đảo này, có nghĩa là Việt Nam có kế hoạch triển khai thêm lực lượng hải quân và cảnh sát biển tại đây. Hà Nội tỏ ý không muốn quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, vì vậy tháng 7/2022, Việt Nam đã hoãn chuyến thăm của tàu sân bay Ronald Reagan. Theo Carl Thayer, Việt Nam lo ngại chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch hạ Viện Nancy Pelosi sẽ làm quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng.

Khi TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm Bắc Kinh (30/10/2022), dư luận cho rằng đó là dấu hiệu quan hệ Viêt-Trung nồng ấm hơn. Tuy Hà Nội giữ khoảng cách với Washington, nhưng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương vẫn tiếp tục tăng cường. Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ely Ratner đã đến thăm Hà Nội (9/2022) để đối thoại về quốc phòng. Hà Nội đã mời các công ty Mỹ dự Hội chợ Quốc phòng Quốc tế đầu tiên (12/2022).  

Có thể nói Đài Loan và Biển Đông là hai “thùng thuốc súng” ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc và Mỹ tranh chấp lợi ích chiến lược. Sau chiến tranh Ukraine, Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ vẫn đánh giá Trung Quốc là thách thức lớn nhất. Nhưng, những gì diễn ra tại Ukraine buộc Trung Quốc phải điều chỉnh ý đồ thâu tóm Đài Loan và Biển Đông. Nhưng về lâu dài, chỉ có Mỹ là đối trọng với Trung Quốc. 

Ngoài ra, Trung Quốc đã từng bước “Biển Đông hóa” tiểu vùng sông Mekong, để cạnh tranh chiến lược với Mỹ và Đồng Minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Gần đây, những dự án lớn có ý nghĩa chiến lược tại Lào và Campuchia (như sân bay Dara Sakor và quân cảng Ream gần Sihanoukville) làm cho Mỹ và đồng minh ngày càng lo ngại. Với chiến thuật “tầm ăn dâu”, Trung Quốc đã lấn sân và giành lợi thế tại “vùng xám”.   

Đến nay, Việt Nam vẫn lo ngại về cán cân quyền lực tại Biển Đông và mong muốn hợp tác thực chất với Mỹ để làm giảm thiểu sự mất cân bằng đó. Nhưng Hà Nội vẫn chưa thấy việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Washington là cấp thiết. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng các căn cứ tại Trường Sa và hợp tác quân sự có giới hạn với Mỹ. Nếu không có biến động bất ngờ nào, quan hệ Việt-Mỹ năm 2023 cũng sẽ như 2022. 

Theo đại sứ Phạm Quang Vinh, “Việt Nam không chọn bên nhưng phải dám chơi và chơi được với tất cả các bên”. Nói cách khác, Việt Nam quan hệ với các nước lớn trong Hội đồng Bảo an LHQ thế nào thì cũng phải quan hệ với Mỹ như vậy. Ngược lại, Mỹ quan hệ với ASEAN thế nào thì cũng phải quan hệ với Việt Nam như vậy. Nếu không như vậy thì không phải là quan hệ cân bằng. Đây là yếu tố để đảm bảo hòa bình và ổn định. 

Thay lời kết

Người ta nói, “chính sách đối ngoại là sự nối tiếp của chính sách đối nội”. Chính sách  đối ngoại của Việt Nam chịu sự chi phối của cả hai yếu tố có tính cấu trúc là chính trị nội bộ và chính trị quốc tế. Trong kỷ nguyên mới, thế giới biến đổi khó lường nên biến số quan trọng hơn hằng số. Nói cách khác, “ứng vạn biến” quan trọng hơn “dĩ bất biến”. Nhưng muốn “ứng vạn biến” (ứng xử một cách linh hoạt) thì Việt Nam phải đổi mới thể chế.  

Tham khảo 

1. Vietnam's Trong consolidates power with dismissals of deputy PMs, Tomoya Onishi, Nikkei Asia, January 7, 2023

2. Red Card for the President: Vietnam’s Biggest Political Drama in Decades, Le Hong Hiep, Fulcrum, January 17, 2023

3. Vietnam’s President Phuc reportedly ousted by party rivals, David Hutt, Die Welt, January 17, 2023

4. Vietnam's President Phuc dismissed amid Trong's anti-graft drive, Tomoya Onishi, Nikkei Asia, January 18, 2023

5. What Are the Fundamental Factors Behind Leadership Change in Vietnam? Thayer consultancy, Background Brief, January 18, 2023 

6. Impact of Changes on Vietnam’s Politburo and Foreign Policy, Thayer consultancy, Background Brief, January 19, 2023 

7. Southeast Asia stands firm against China in the South China Sea, Gregory Poling, Asia Times, January 23, 2023

8. Why Vietnam’s Political Shake-Up Will Not Affect Its Foreign Policy, Khang Vu, Diplomat, January 25, 2023 

9. Vietnam: The Purge, John McCarthy, Asialink, 27 January 2923

10. ĐS Phạm Quang Vinh: Không chọn bên, nhưng phải dám chơi và chơi được với tất cả các bên, Nghiên cứu Quốc tế, 22/1/2023

NQD. 28/1/2023

Ta1c giả gửi cho viet-studies ngày 28-1-23