Về quản lý nợ Doanh Nghiệp Nhà Nước

Vũ Quang Việt

 

Dự án Luật Quản lý Nợ Công nếu chỉ tập trung vào nợ chính phủ thì cũng tốt, nhưng thế nó chỉ mới xem xét một phần nhỏ của một tảng băng chìm có thể đưa nền kinh tế tới khủng hoảng lớn trong tương lai.   Tảng băng chìm (thật ra là nổi) là nợ của DNNN, nợ của Qũy bảo hiểm xã hội và Qũy bảo hiểm y tế và các quỹ tài chính khác, nợ của các đơn vị sự nghiệp công, tức là thuộc chính phủ như trường học, nhà thương, v.v.. đều là nợ tự vay tự trả của các đơn vị trên không thuộc ngân sách. Vậy nó có thuộc  trách nhiệm của nhà nước không? Và nếu là thuộc trách nhiệm thì phải làm sao để những khoản nợ của chúng không thể là các khoản tự quyết như của tư nhân?

 

Dự án cho rằng định nghĩa nợ công như trên là theo thông lệ quốc tế, và trích dẫn hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới  cho rằng  chỉ tính nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện (i) Chính phủ sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp; (ii) hoạt động thu chi của DNNN được kết cấu trong dự toán NSNN hàng năm; và (iii) Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.

 

Đúng như thế, cho đến năm 2008, trước khi Hệ Thống Tài khoản Quốc gia ra đời, khu vực công (public sector) và nợ công (public debt) đã được nhìn nhận như là khu vực chính phủ và nợ chính phủ, và do đó chỉ tính nợ tư mà chính phủ bảo lãnh vào nợ chính phủ.  Hệ thống Tài khoản quốc gia của LHQ mà Ngân hàng Thế giới cũng tham gia soạn thảo vẫn chưa áp dụng nguyên tắc mới và NHTG đã quên chữ đã ký. Do đó, cái mà Việt Nam vẫn tiếp tục thực chất vẫn chỉ là nợ chính phủ, chứ không phải nợ công. Tại sao nếu chưa áp dụng định nghĩa mới về khu vực công thì cũng nên gọi cho chính danh: đó chỉ là nợ chính phủ và chính phủ bảo lãnh.

 

Ở các nước, DNNN rất nhỏ bé, thậm chí không có. Nhưng ở Việt Nam thì cực kỳ lớn và nhận được nhiều ưu đãi cho nên cần phải có cơ quan theo dõi chúng, có thông tin minh bạch, về hiệu quả kinh doanh và về nợ. Vậy thì cơ quan nào có trách nhiệm báo cáo thường xuyên và đầy đủ về khu vực DNNN?

 

Có thể nói, hiện nay vẫn không có một báo cáo chính thức nào về nợ của toàn khu vực DNNN ở Việt Nam, cũng không thấy có thông tin minh bạch về tín dụng ngân hàng cung cấp cho khu vực này.  Ta hãy thử xem xét thông tin về khu vực DNNN này.

Nợ Doanh Nghiệp Nhà Nước

Các tuyên bố của giới chức nhà nước chưa bao giờ cho thấy tổng số nợ của DNNN. Thông tin mới nhất có thể tìm thấy là bài đăng trên Thời báo Tài chính (24/10/2016) có nói là theo Báo cáo của Chính phủ cho Quốc hội, nợ của DNNN năm 2015 là 1.5 triệu tỷ đồng, nhưng đây chỉ nợ tính cho 103 TĐ, TCT.  Và nếu cộng thêm cả công ty con của các TĐ, TCT trên thì theo báo cáo lên tới 2.8 triệu tỷ, tức là cao hơn con số thường được nói tới là 87%.  Đây có lẽ là lần đầu con số nợ của công ty con được cộng vào.

Con số nợ như thế là quá nhỏ, so với tổng số nợ dựa vào Điều tra Doanh nghiệp của  Tổng cục Thống kê cho thấy nợ của DNNN ngay trong năm trước đó là năm 2014 đã là 4.9 triệu tỷ, tính ra là 231 tỷ US, bằng 125% GDP.

Cộng thêm nợ của chính phủ và nợ của DNNN theo tôi ước tính lên đến 200% GDP, đó là chưa kể nợ của doanh nghiệp tư nhân.

Tín dụng và trái phiếu

Dựa vào các nguồn khác như tín dụng ngân hàng, vay nước ngoài và trái phiếu cũng có thể tính được nguồn chính số nợ của DNNN, tất nhiên là khó tính được các khoản phải thu cần phải tính thêm vào. Theo ông Phó Thống đốc ngân hàng, tín dụng cho DNNN chỉ còn 15-17%, tin tốt đến mức khó tin như thế chứng tỏ rằng NH đã cấp đến 85% tín dụng cho tư nhân, một vấn đề mà NHNN bị chỉ trích là ưu đãi DNNN, thế thì tại sao không công bố chính thức và thường xuyên? Không thể tìm thấy thông tin về tín dụng trên mục Thống kê của NHNN.

Thông tin thường xuyên về tín dụng ngân hàng, đặc biệt là tín dụng cung cấp cho  DNNN,  doanh nghiệp tư nhân, cá nhân và chính phủ là cần thiết để theo dõi chính sách. Mà đây là trách nhiệm của NHNN. NHNN có cung cấp cho Ngân hàng châu Á nhưng muộn 1 năm và cũng không chi tiết về tín dụng cho DNNN, nhưng thế vẫn còn đầy đủ hơn nhiều so với thông tin do NHNN phổ biến cho người VN.      

Tại sao cần biết về nợ của mọi khu vực trong nền kinh tế?

Bất cứ người làm ăn hay nhà kinh tế nào cũng biết rằng khi nợ quá đáng, người đi vay đàng hoàng sẽ ngần ngại đầu tư mới và cần tập trung dùng thu nhập để trả nợ, Nền kinh tế Nhật bị đình đốn cả hai chục năm nay cũng chỉ vì tỷ lệ nợ trên GDP quá cao, hiện nay vẫn là 250%.  Một số nước khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh này đó là Greece 183%. Mỹ cũng có lúc rất khó khăn lớn và vẫn còn khó khăn vì phải tăng nợ nhà nước để cứu khu vực ngân hàng, dù hiện nay đã giảm xuống 100% GDP. Lời khuyên chuyên gia là không nên để nợ cao hơn 90%. Lý do rất dễ hiểu là nếu như GDP tăng 5% mà nợ bằng 100% GDP thì giả thiết không có lạm phát,  lãi suất là 5% thì phần tăng GDP chỉ đủ để trả lãi nợ, trừ trường hợp dùng biện pháp lạm phát phi mã để xóa nợ. Nếu chỉ là nợ trong nước thì việc trả nợ là lấy tiền người này bỏ túi người kia mà thôi. Tuy nhiên người được tiền bỏ túi thường là giới tài chính trung gian.   Họ giầu lên trong khi người lao động bình thường nghèo đi. Đó là điều đã xảy ra trên khắp thế giới, nhất là từ 1990 đến nay. Đó là cuộc phân phối lại lợi tức chưa từng có sau thế chiến thứ hai. Lý do dân lao động Mỹ không có việc phản kháng bỏ phiếu cho Trump cũng vì thế.

Có thể thấy tình hình nợ của Việt Nam trên 200% là đã đến mức báo động. Chính phủ quyết DNNN là tự vay tự tiêu, nhưng có thật không? Và khối ung nhọt này cần được theo dõi kỹ thì việc minh bạch thông tin, và việc giao trách nhiệm công bố nợ và hiệu quả của toàn khu vực DNNN là cần thiết.     

Lời nói thêm về kỹ thuật

Vấn đề thứ nhất:  Thật khó hiểu về câu viết này: ”Các khoản nợ hoàn thuế GTGT và nợ tạm ứng xây dựng cơ bản là nợ phát sinh trong năm hoặc trong điều hành ngân sách thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Theo thông lệ quốc tế, đây không phải là khoản vay nợ vì không có bên vay, bên cho vay và không phát sinh nghĩa vụ phải hoàn trả của đối tượng sử dụng vốn. Vì vậy, không tính các khoản tạm ứng và khoản nợ tạm thời này vào nợ công.”  Thật lạ, trừ trường hợp người viết hiểu sai, thông lệ kế toán là khoản phải trả mà chưa trả là nợ và phải ghi là nợ. Đã xây dựng xong, mà nhà nước chưa trả thì phải ghi là phải trả, chứ không phải ghi vào khoản chuyển sang năm sau giải quyết.

 Vấn đề thứ hai:    Quĩ bảo hiểm xã hội là “quỹ ngoài ngân sách, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.” Ở đây không phải chỉ nói tới loại vấn đề thứ nhất, là nếu không đủ tiền trả, mà Qũi bảo hiểm xã hội mượn để  trả, thì phải ghi là nợ của Quĩ không phải của ngân sách. Lạ thật. Khi người ta đi làm việc, đặc biệt là nhân viên hành chính quân đội, đóng bảo hiểm, và có hợp đồng rõ ràng là được hưởng lương dựa vào số năm làm việc và lương những năm cuối cùng trước khi về hưu (có thể lên tới 75% lương) thì nhà nước phải trách nhiệm, trách nhiệm này kéo dài cho đến khi người nghỉ hưu mất.  Đây là vấn đề mà nhà nước Mỹ lo sốt vó vì số nợ này quá lớn. Thế mà VN không muốn ghi.  Nguyên tắc là chỉ không ghi nếu Quĩ bảo hiểm là hoàn toàn độc lập, người đóng hay không là quyền của họ, và tiền chi ra chỉ dựa vào số tiền thu được và lợi nhuận khi đem số tiền đóng góp ra đầu tư. Đây là quĩ hưu trí tư nhân chứ không phải quĩ bảo hiểm xã hội.