SBTN
5-12-16

Tương lai (gần) đầy bi đát của báo giới nhà nước

 

“Tay kiếm” Trương Minh Tuấn vẫn lạnh lùng “chém” những nhà báo nhà nước vượt ra ngoài khuôn khổ định sẵn của đảng. Vụ kỷ luật nhà báo Phùng Hiệu của báo Nhà báo và Công luận vào đầu tháng 12/2016, không những thế còn đình chỉ công tác một tháng đối với Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Niên của tờ báo này, cho thấy ông Trương Minh Tuấn đang làm đúng những gì mà ông đã rất sắt son trong loạt bài của ông trên báo Nhân Dân vào tháng 11/2016 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Từ tháng 7/2016, khi được Bộ Chính trị đặc cách cho kiêm nhiệm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, quyền lực của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã trở nên “nhất thể hóa”, và vượt hơn nhiều so với đa số trong dàn bộ trưởng còn lại của Chính phủ. Cũng từ thời điểm dó, báo chí nhà nước như lên cơn co giật trong một cuộc “chỉnh đảng” bạo liệt chưa từng có từ nhiều năm qua.

Khi Trương Minh Tuấn cùng một lúc đã kỷ luật đến năm chục tờ báo nhà nước liên quan đến vụ “truyền thông bẩn” đăng tin về nước mắm truyền thống có chứa chất arsen và làm người sản xuất Việt Nam khốn đốn, ông đã được nhiều dư luận đồng tình và cổ vũ. Nhưng không dừng ở đó, Trương Minh Tuấn còn muốn làm hơn thế: chỉ vì một đoạn bình phẩm vô thưởng vô phạt của nhà báo Phùng Hiệu trên facebook về việc qua đời của Fidel Castro, ông Tuấn lập tức dựa vào đó để ra tay về chấn chỉnh tư tưởng chính trị.

Khách quan mà xét, đoạn bình phẩm của nhà báo Phùng Hiệu về Fidel là quá “hiền”, so với hàng loạt bình luận của giới truyền thông “lề trái”, viết về nhà nước Việt Nam vi phạm luật khi tổ chức quốc tang cho Fidel, hoặc nói thẳng Fidel là độc tài và tàn bạo… Thế nhưng cứ như một kiếp nạn, báo chí nhà nước đã đến lúc phải “lên thớt”.

Sau cựu trưởng ban tuyên giáo trung ương Đinh Thế Huynh có vẻ nhu hòa, và một đương kim trưởng ban Võ Văn Thưởng chỉ bị đồn mắc bệnh ung thư mới chịu xuất hiện, ông Trương Minh Tuấn đang trở nên nổi bật về vai trò cá nhân và hơn hẳn các đời lãnh đạo tuyên giáo trung ương trước đây. Cũng không quá để nói rằng, nếu không có Trương Minh Tuấn, nghị quyết “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù có hò hét đến đâu, cũng khó mà làm cho “lũ báo giới bất trị” phải lo sợ.

Còn bây giờ, tình thế đang tự chuyển hóa khác hẳn. Không khí trong báo giới nhà nước được một số nhà báo mô tả là nơm nớp lo âu, không biết khi nào đến lượt mình bị “trảm”. Một nhà báo than thở: “…Tai quái là trước đây còn có thông báo tuần của ban tuyên giáo trung ương ghi rõ không cho đăng chuyện này chuyện nọ. Còn lúc này họ khôn hơn, không ra thông báo bằng văn bản nữa mà chỉ hãn hữu mới nhắn tin, còn lại gọi điện trực tiếp cho các tổng biên tập. Có những việc báo chí không biết có được đăng hay không, và nếu đăng thì phải đăng như thế nào. Nhưng đến khi đăng thì đám tuyên giáo lập tức kiếm chuyện…”.

Tương lai của báo chí nhà nước cũng bởi thế đang trở nên mù mịt, ít ra trong ngắn hạn. Cũng có người tự an ủi: thôi cứ để cho Trương Minh Tuấn làm mạnh một thời gian, rồi khi ông ấy vào được Bộ chính trị thì chắc sẽ mềm hơn. Nhưng nói vậy cũng như không, chẳng nhà báo nào có thể đoan chắc là sau khi trở thành trưởng ban tuyên giáo trung ương, ông Tuấn có nới tay kiếm hay không.

Giờ thì đừng có mà mơ màng đến “bất đồng chính kiến”. Thậm chí ngay cả thể hiện một chút chính kiến, với một chút khí chất phản biện, không phải trên mặt báo nhà nước mà chỉ trên facebook, các nhà báo nhà nước cũng bị dập thẳng tay.

Nguyên năm 2015 đã chẳng há miệng được. Còn nhìn về phía trước, năm 2017, tất cả cứ như úp sọt. Cứ cái đà này thì có lẽ đến phải tự khâu miệng và bỏ nghề…

Lê Dung / SBTN