Calitoday
28-4-17

 

Số phận Đinh La Thăng được định đoạt

Những đồn thổi về số phận chính trị của ông Đinh La Thăng đã được định đoạt vào chiều ngày 27/4, khi Ban Bí thư đảng CSVN họp và ra quyết định kỷ luật ông này với hình thức là cảnh cáo. Đây là mức kỷ luật được coi là nặng và ông Đinh La Thăng sẽ phải rời khỏi chức vụ đang nắm giữ hiện tại để nhường cho người khác.

Từ nhiều tháng qua, những tin tức đồn thổi nói rằng, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn sẽ buộc phải rời khỏi chức vụ hiện tại sau những đợt công kích nhắm vào uy tín của ông do Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.

Ngay sau khi đã chắc chiếc ghế Tổng bí thư sau cuộc đua đầy cam go với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu chiến dịch thanh trừng nội bộ, thâu tóm quyền lợi và quyền lực về cho phe nhóm của mình. Một loạt lãnh đạo cao cấp, những người từng là đồng minh thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng bị sờ gáy sau khi bị thanh tra, phanh phui ra một loạt sai phạm trong thời gian cầm quyền. Đáng chú ý nhất là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương.

Song, chiến dịch thanh trừng còn được gọi “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam chưa dừng ở đó, khi mà những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng bằng rất nhiều cách, kể cả việc bỏ tiền ra mua chiếc ghế Ủy viên Bộ Chính trị vẫn tồn tại. Trong số đó đáng kể nhất là Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình (Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam).

Để thanh trừng Đinh La Thăng, phe nhóm của Nguyễn Phú Trọng đã lập ra kế hoạch vô cùng công phu, tốn kém và gây chia rẽ nội bộ. Con vật được Nguyễn Phú Trọng đem ra tế thần là Trịnh Xuân Thanh, cựu phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người từng có thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Ông Thanh bị báo chí phanh phui việc sử dụng xe tư nhân nhưng lại dùng biển số xanh (biển số của xe công vụ). Rồi từ đó, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng, báo chí đồng loạt liệt kê ra một loạt sai phạm vào thời kỳ ông Thanh còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC khiến Tổng công ty này thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Cho dù những sai phạm ấy đã được rất nhiều cơ quan của chính phủ (thời ông Nguyễn Tấn Dũng) cho thanh tra và kết luận thua lỗ là do kinh doanh không được gặp nhiều thuận lợi.

Từ Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu cho bóc tách dần dần. Tiếp sau đó là một loạt lãnh đạo trong Bộ Công thương, những người đã có dính líu không ít thì nhiều đến việc bổ nhiệm, trao bằng khen và đưa Trịnh Xuân Thanh về làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Người đứng đầu Bộ Công thương là ông Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật, tước bỏ tất cả những chức vụ mà ông này đã đảm nhiệm trong một nhiệm kỳ Bộ trưởng trước đó. Dư luận coi đây là trò hề, mà chỉ có quốc gia độc tài như Việt Nam mới nghĩ ra. Vì khi bị cách chức, ông Vũ Huy Hoàng đã không còn giữ bất cứ nhiệm vụ nào trong bộ máy chính phủ. Thứ nữa, ông Hoàng có 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, nếu cách chức một nhiệm kỳ thì ông vẫn còn một nhiệm kỳ trước đó, nên tất cả quyền lợi được hưởng sau khi về hưu vẫn như cũ.

Việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng hay Trịnh Xuân Thanh hay một loạt lãnh đạo trong Bộ Công thương chưa phải là điều ông Nguyễn Phú Trọng hướng đến. Vì tất cả bọn họ đều là những con ruồi trong chiến dịch thanh trừng. Người mà Nguyễn Phú Trọng muốn thanh trừng chính là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà để làm được điều đó, trước hết phải chặt hết vây cánh của ông này, những lãnh đạo đã dùng tiền để len sâu, lèo cao vào trong bộ máy chính phủ, vào trong nội bộ đảng CSVN.

Sau khi kết thúc Đại hội đảng CSVN lần thứ 12 (28/1/2016) mà phần thất bại thuộc về phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, giới quan sát chính trị vô cùng ngạc nhiên khi thấy số lượng Ủy viên Bộ Chính trị tăng lên con số 19, và ngạc nhiên hơn trong số này lại có tên ông Đinh La Thăng. Điều càng ngạc nhiên hơn nữa là ông Thăng sau này lại được bổ nhiệm đưa về làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn, một chức vụ vô cùng béo bỡ, nơi được coi là nắm giữ túi tiền cho cả Việt Nam.

Rất nhiều tin đồn được lan truyền trong nước, theo những lời đồn, ông Võ Văn Thưởng, một phe cánh của Nguyễn Phú Trọng đã không được lọt vào danh sách Bộ Chính trị. Song, với quyền lực có được sau khi Đại hội 12 kết thúc, Nguyễn Phú Trọng đã nâng con số ủy viên Bộ Chính trị lên 19 và Võ Văn Thưởng được “đậu vớt”.

Giới quan sát chính trị thời đó cho rằng, người sẽ về nắm giữ Sài Gòn không ai khác chính là ông Thưởng. Vì ông này đã từng nắm giữ chức vụ Phó bí thư thường trực thành phố này trước khi ra Quảng Ngãi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Đó được coi là bước đệm để ông Thưởng trở về Sài Gòn nắm giữ chức vụ quyền lực cao hơn. Tuy nhiên, chiếc ghế ấy không hiểu bằng cách nào lại chọn đít ông Đinh La Thăng. Còn ông Thưởng ra Hà Nội để giữ chức Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương.

Chiếc ghế Bí thư Thành ủy Sài Gòn rơi vào tay Đinh La Thăng khiến cho nhiều người ganh tức. Vì Sài Gòn được coi là túi tiền của nhà nước Việt Nam, những khoảng tiền thuế thu được từ người dân, doanh nghiệp lên đến trên hàng chục tỷ Mỹ kim. Số tiền này sau đó phải chuyển ra Hà Nội, rồi phân bố lại cho các tỉnh thành khác, trong khi Sài Gòn chỉ được giữ lại một ít để phát triển thành phố. Do chiếc ghế Bí thư Thành ủy rơi vào tay Đinh La Thăng nên nhiều kẻ muốn hất văng ông này, để thay vào đó là một lãnh đạo khác nhằm bảo đảm quyền lợi của họ sẽ được duy trì. Trong số đó có cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trước khi ra Hà Nội làm Thường trực Ban bí thư đảng CSVN, rồi sau đó là chức Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang có thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Vào năm 2003, ông Sang bị kỷ luật đảng CSVN bằng hình thức khiển trách vì đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó đã để cho băng nhóm tội phạm Năm Cam hoạt động. Vậy nhưng, người tính không bằng trời tính, ông Sang khi ra Hà Nội lại thăng tiến thần tốc, trở thành đối thủ đáng gờm với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ngay tại Sài Gòn, vây cánh của ông vẫn còn rất nhiều nên vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng ở thành phố này. Do đó, Trương Tấn Sang muốn hất cẳng Đinh La Thăng nhằm bảo vệ quyền lợi của mình tại đây. Để làm được điều đó, ông Sang bắt tay với Nguyễn Phú Trọng tìm cách hất cẳng Đinh La Thăng.

Ngày 27/4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng chủ trì đã liệt kê một loạt sai phạm mà ông Đinh La Thăng đã vi phạm trong thời gian ông này làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009-2011. Ông Thăng bị phanh phui đã làm thất thoát, thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng. Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng CSVN đã đề nghị kỷ luật.

Số phận chính trị của ông Đinh La Thăng đã được định đoạt ngay sau khi ông Trần Quốc Vượng đọc kết luận. Vào Hội nghị Trung ương 5 của khóa 12 đảng CSVN sẽ chính thức kỷ luật, chiếc ghế Bí thư Thành ủy Sài Gòn sẽ không còn là của ông Đinh La Thăng. Theo đồn đoán, người sẽ thay chiếc ghế ấy có thể sẽ là Vương Đình Huệ, người đang là phó Thủ tướng Chính phủ.

Nguoi Quan Sat