TIẾNG DÂN
16-7-21

Một quyết định khó hiểu

Nguyễn Đắc Kiên

Chiều 13/7, UBND TP.HCM bất ngờ ban hành văn bản số 2337 yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất muốn tiếp tục hoạt động thì phải đảm bảo hoặc là “3 tại chỗ”, tức: sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ’; hoặc là “1 cung đường – 2 địa điểm”, tức: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân. Nếu không đảm bảo một trong hai điều kiện trên, doanh nghiệp phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7/2021.

Tôi suy nghĩ mấy ngày nay vẫn không hiểu được lý lẽ của quyết định tạm gọi là “3 tại chỗ – 1 cung đường” này.

Tôi băn khoăn không biết khi đưa ra quyết định này, những người có trách nhiệm đã tính toán dựa trên cơ sở nào? Dự tính áp dụng trong thời gian bao lâu? Đã tính hết khả năng thực thi và những hệ quả mà các doanh nghiệp phải gánh chịu hay chưa?

Nhưng ngay ngày hôm nay tôi đã có thể có phần nào câu trả lời.

Phản ánh trên báo Thanh Niên ngày 15/7, hàng loạt chủ doanh nghiệp đã phản ứng với quyết định này bằng những lời ta thán như: “bất khả thi”, “trở tay không kịp”, “ngã ngửa với quyết định”, “bế tắc không thể làm gì” v.v và v.v. Một bài báo chỉ chừng hơn 2.000 chữ thôi, nhưng ta có thể bắt gặp hàng loạt những lời than như vậy (1).

Và ngay trong chiều 15/7, báo cáo sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của thành phố đã cho thấy con số cụ thể: “hiện thành phố có 216 doanh nghiệp đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất, trong đó, 205 doanh nghiệp đang triển khai” (2).

Với 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại 17 KCX-KCN và khu công nghệ cao của thành phố, thì nếu tôi tính không nhầm, sau quyết định “3 tại chỗ – 1 cung đường” đã có đến 86% doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP buộc phải đóng cửa dừng sản xuất?

Với những doanh nghiệp gồng mình thực hiện “3 tại chỗ – 1 cung đường” thì sao?

Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời ông Trần Thiên Long, Tổng thư ký Hiệp hội DN KCN TP.HCM (HBA), cho biết một doanh nghiệp hội viên của HBA dưới 1.000 lao động, có nhà máy ở TP.HCM và Bắc Ninh, sau 2 tuần đã phải chi gần 10 tỷ đồng cho phương án này (3).

Vậy với doanh nghiệp hàng chục nghìn lao động thì chi phí sẽ lên tới con số nào? Đó là chưa kể, doanh nghiệp còn chưa biết quy định này sẽ áp dụng trong bao lâu nữa?

Đáng nói hơn, cũng tờ Sài Gòn Giải Phóng còn nêu trường hợp Công ty CP thiết bị nhà bếp Vina dù đã chuẩn bị sẵn sàng “3 tại chỗ” vẫn phải dừng sản xuất, vì “nhiều đơn vị cung ứng nguyên liệu cho công ty phải dừng sản xuất theo quy định phòng, chống dịch, công ty đứt nguồn cung nguyên liệu.”

Trường hợp buộc phải dừng sản xuất của Thiết bị nhà bếp Vina có thể hé lộ một bức tranh rộng lớn hơn. Việc hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM phải dừng hoạt động từ ngày 15/7 có thể tạo ra một sự đứt gãy sản xuất dây chuyền cho không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mà có thể là cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bây giờ, quay trở lại với điều kiện bắt buộc “3 tại chỗ- 1 cung đường”, quả thật, tôi không thấy cơ sở nào để khẳng định việc áp dụng quy định này sẽ hạn chế tốt hơn sự lây lan dịch bệnh trong các KCN, KCX ở trong “điều kiện hiện nay”. Thậm chí, với việc các doanh nghiệp vội vã tổ chức nơi ăn ở, sinh hoạt tập trung cho công nhân, thì nó có thể có nguy cơ gây ra tác dụng ngược, giống như với quy định cách ly tập trung F1 trước đây.

“Điều kiện hiện nay” tôi nói ở trên là điều kiện TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 16, người cách ly người, nhà cách lý nhà, tức là, về nguyên tắc công nhân dù đi xe cá nhân hay xe đưa rước cũng chỉ có một cung đường, từ nhà đến công xưởng và hết, vậy thành phố còn yêu cầu “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm” để làm gì? Đó chẳng phải là một yêu cầu thừa thãi vô lý hay sao?

Chính quyền thành phố luôn nhấn mạnh “mục tiêu kép” trong chống dịch. Tôi hiểu, “mục tiêu kép” trong việc thành phố áp dụng Chỉ thị 16 hai tuần qua là: (1) Truy vết, khoanh vùng và hạn chế lây lan dịch bệnh; (2) Đảm bảo ưu tiên duy trì hoạt động sản xuất. Khi tất cả người dân thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, về nguyên tắc di chuyển hàng ngày trong thành phố ngoài lực lượng chức năng chống dịch sẽ chỉ còn có lao động tại các KCN, KCX và lực lượng vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu hàng ngày. Nay, với quyết định “3 tại chỗ – 1 cung đường” chẳng phải thành phố tự phủ định nguyên tắc “mục tiêu kép” trong chống dịch của mình sao?

Nếu nói rằng, quyết định “3 tại chỗ – 1 cung đường” là để áp dụng lâu dài trong điều kiện thành phố sẽ gỡ bỏ giãn cách thì lại càng khó thuyết phục. Như tôi đề cập ở trên, doanh nghiệp sẽ khó có thể duy trì lâu dài việc đảm bảo chi phí ăn ở cho lượng lớn công nhân. Mặt khác, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cũng như với các diễn biến đang diễn ra trên thế giới, một phương án khả dĩ với thành phố là nhanh chóng tìm cách khơi thông dòng luân chuyển hàng hóa thiết yếu để có thể duy trì trạng thái giãn cách lâu dài mà không ảnh hưởng qúa nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân (4). Trong khi đó tiếp tục ưu tiên duy trì hoạt động sản xuất và mở cửa dần dần từng bước cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu khác.

_____

Note: Nói riêng về cách gọi “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm”, tôi cho rằng đây là những cách gọi tên mang tính hô khẩu hiệu mang hơi hướm của các hoạt động phong trào, hoàn toàn không thích hợp cho công việc quản trị một thành phố.

(1) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/co-noi-an-o-tai-cho-cho-cong-nhan-doanh-nghiep-tai-tphcm-moi-duoc-hoat-dong-1414556.html

(2) https://zingnews.vn/so-ca-nhiem-ncov-dot-dich-thu-4-o-tphcm-vuot-20000-post1239164.html

(3) https://www.sggp.org.vn/nhieu-doanh-nghiep-san-xuat-tai-tphcm-no-luc-bao-dam-3-tai-cho-746216.html

(4) https://buucablog.wordpress.com/2021/07/11/5-nhom-cong-viec-chong-dich-cua-tp-hcm/