Việt Nam Thời Báo
10-10-16

 

Sự nổi loạn trong báo chí cách mạng

 

Anh Văn

 

Bản báo cáo thường niên năm 2015, tổ chức Phóng viên Không biến giới (RSF) đã cho hay, hiện tượng quyền tự do báo chí càng lúc càng bị thu hẹp tại Việt Nam trong năm 2014 với một loạt những vụ bắt giữ, sách nhiễu giới viết blog.  

Trong đó tổ chức này nhấn mạnh, các “blogger và nhà báo – công dân, những nguồn thông tin độc lập tại một quốc gia mà báo chí hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản, là đối tượng của một chủ trương đàn áp rất khắc nghiệt. Bạo lực công an trị nhắm vào các nhà báo diễn ra thường xuyên, nhân danh Nghị định 72, điều luật nhằm giới hạn việc sử dụng Internet.” Và trong năm 2016, tự do báo chí – tự do ngôn luận Việt Nam tiếp tục tiếp nhận những “cái vút má” lịch sử từ blogger đến hệ thống báo chí nhà nước. 

Từ blogger đến báo chí thân Đảng 

Chiều 5/10, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt chủ fanpage “I love Danang” và yêu cầu phải gỡ bỏ toàn bộ nội dung xuyên tạc, vi phạm trên trang fanpage Facebook. Cũng như, có biện pháp kiểm soát và phải chịu trách nhiệm về các nội dung được đăng.Lý do, fanpage thường xuyên đăng tải hoặc chia sẻ nhiều bài báo có nội dung viết về các chủ trương của Đà Nẵng, trong đó cho đăng tải nhiều nhận xét, bình luận của người xem mang tính xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo TP.  

Trước đó, tạp chí Chim lợn chuyên bàn về chính trị - xã hội Việt Nam thu hút khá đông giới trẻ bình luận và theo dõi cũng bị đóng cửa; từ ngày 7/9/2016 một loạt fanpage của các báo như Zing, Dân Trí, VnExpress đã không còn hoạt động. Lý do, Bộ TT&TT đã yêu cầu các cơ quan báo chí phải “tăng cường kiểm duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung bình luận của người dùng trên fanpage Facebook” theo Nghị định 72 (một nghị đình mà người dùng facebook có thể bị xử lý hình sự nếu nói xấu lãnh đạo), tuy nhiên việc kiểm duyệt là bất khả thi – nên các fanpage đã chủ động dừng hoạt động.  

Sự việc không dừng tại đó, mà gần đây, cái “vút má” đầy bạo lực của CSHS huyện Đông Anh đối với phóng viên Tuổi Trẻ Quang Thế, cũng như quyết định phạt hành chính phóng viên của Công an Hà Nội dưới cái mác “hành vi không đúng mực” càng cho thấy sự xem thường tự do báo chí – tự do ngôn luận ở những người hành pháp. Trong một bình luận mang tiếng cảnh báo về nạn lạm quyền, Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Pháp luật đã có những quy định rõ ràng, không phải anh là công an thì muốn làm gì thì làm”.  

Báo Petrotimes, trang tin thân Đảng cũng bị đình bản 3 tháng, và ông Nguyễn Như Phong – Tổng biên tập bị cách chức và thu thẻ nhà báo từ ngày 3/10 vì để xảy ra “những sai phạm trong hoạt động báo chí. Lý do, trang tin này trích lại phỏng vấn với cây bút Bùi Thanh Hiếu từ Đức (còn được biết đến với bút danh Người Buôn Gió) liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.  

Còn theo facebook Cô Gái Đồ Long liên quan đến báo Lao Động và Tuổi Trẻ, trong đó báo Lao Động thì cuối tháng 9, báo này chấm dứt chuyên mục trào phúng “Tin khó Tin”, rồi ngày 5/10 thì chấm dứt nốt chuyên mục “Đừng im lặng” – chuyên mục nằm “các mục diễn đàn của bạn đọc”. Cũng theo blogger này, “sếp báo Lao Động đang tập huấn nghiệp vụ ở nước ngoài phải bỏ ngang và hiện đang trên đường về trình diện. Một sếp báo bự khác là anh Tuổi Trẻ, tin đang lan nhanh trong làng báo là sẽ chuyển…về huyện làm quan, có thể là bí thư quận 9 chẳng hạn”. 

Tất những tin tức này cho thấy, hệ thống truyền thông – báo chí đang nhận được những cái vút má đầy lạnh lùng từ chính quyền.  

Sự nổi loạn trong cơ chế báo chí 

Trong những năm gần đây, hệ thống báo chí nhà nước chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự gia nhập mạng xã hội, trong đó nổi trội là facebook. Nó làm thay đổi mạnh sự tìm kiếm nguồn tin và thụ hưởng nguồn tin từ độc giả. Bản thân các hệ thống báo chí truyền thống Việt Nam tiếp tục gặp xung đột ngay trong vấn đề mang tính đặc trưng truyền thông thể chế và chức năng – nhiệm vụ truyền thông hiện đại. 

Cụ thể, sự cạnh tranh của nguồn tin facebook dù không chính thống nhưng dần thay thế vai trò thông tin nhanh của hệ thống báo chí, lý do, nó cho phép người dùng bình luận và đăng tin mà không qua kiểm duyệt.  

Hãng tin Reuter trong bài ngày 8/10 cũng cho biết, phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một thách thức đối với các cơ quan chức năng khi tìm cách ngăn chặn bất đồng chính kiến, riêng trong năm nay cuộc biểu tình lớn liên quan đến thảm họa môi trường, huy động lực lượng biểu tình viên chủ yếu thông qua Facebook. 

Với một quốc gia mà hệ thống truyền tin bị kiểm soát như là một công cụ tuyên truyền, thì những điều facebook đem lại vô tình khiến cho hệ thống báo chí nhà nước đứng trước nguy cơ của sự xóa sổ - vì tụt hậu. 

Bản thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi còn đương nhiệm cũng thừa nhận tính nhanh nhạy của facebook và cảnh báo không thể ngăn hay cấm thông tin facebook.  

Do đó, tự bản thân báo chí chính thống cho ra đời những trang tin điện tử, và nó buộc chạy theo thị hiếu người dùng, trong đó có không ít trang tin buộc cải hóa. Nhiều trang lớn như báo điện tử Tuổi Trẻ hay Thanh Niên cho ra đời nhiều chuyên mục giải trí, hoặc tiếp cận các nguồn tin dân dã trong xã hội, hoặc đẩy nguồn tin bạn đọc qua hình ảnh hay video clip lên trở thành một nguồn cung cấp báo chí trực tiếp để cạnh tranh nhanh với các fanpage tin tức. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để khiến báo chí chính thống trở nên hấp dẫn hơn fanpage tin trên facebook, lý do – có nhiều nguồn tin vùng cấm mà báo chí chính thống không được đưa vào, bao gồm thông tin lãnh đạo, các tin thuộc về bí mật nhà nước, và sự kiểm duyệt bình luận. Tuy nhiên, khi tần suất sử dụng điện thoại duyệt tin, và mạng xã hội tăng lên, thì các trang tin nhà nước bắt đầu phá rào. Sự phá rào theo hướng “phải nhanh lẹ, kịp thời” đã khiến cho các trang tin buộc phải lấy nguồn từ những blogger, hoặc thả nổi phần kiểm duyệt trên hệ thống fanpage. Điều này, khiến các trang tin thu hút được lượng người đọc nhưng đồng thời cũng bị buộc trả giá, trong đó nổi đình đám là đình bản Petrotimes vì đưa tin liên quan đến thế lực thù địch, và đóng cửa hệ thống fanpage Vnexpress theo đúng diện Điều 5 – Nghị Định 72, Điều 258 – BLHS 1999. 

Dù thế, căn cứ theo xu hướng phát triển tin và nội dung định hướng phát triển trang tin điện tử theo đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cũng như xu hướng đẩy mạnh sự phản biện và tin tức nhanh trong hệ thống báo chí trong nước gần đây. Nhất là khi cú gạt tay vào má phóng viên Quang Thế nổi lên, và báo Tuổi Trẻ cũng như Thanh Niên lên tiếng; khi cuộc biểu tình ôn hòa được báo Thanh Niên phản ảnh thay vì chỉ trích đã cho thấy xu hướng nổi loạn ngay trong báo chí chính thống, và điều này càng làm cho nền báo chí nước nhà tiếp tục là chủ đề được bàn tán, với xu hướng kiểm soát tuyên truyền và phản kiểm soát tuyên truyền. Mà trong đó, xu hướng phản cự của báo chí nhà nước, gần gũi với facebook, và nhận nguồn tin phản ảnh nhanh, phản biện sâu xã hội sẽ là xu hướng chủ đạo của nền báo chí sắp tới.