Năm 2022 thế giới đang đi về đâu?

 

Nguyễn Trung

 

 

            Năm 2022 nên được xem như một năm định mệnh của thế kỷ 21.

 

Ngày 24-02-2022 cuộc chiến tranh huỷ diệt của Nga xâm lược Ukraine bắt đầu – đây là cuộc chiến tranh theo đuổi mục tiêu phục hồi đế chế Nga của khát vọng sa hoàng Putin, đồng thời là “tác phẩm” đầu tiên[1] của hợp tác không giới hạn giữa liên minh Nga-Trung. Quá trình toàn cầu hoá nói chung và thị trường thế giới nói riêng trước đó vốn đã bị đại dịch covid 19 làm tê liệt, nay bị những hệ luỵ của cuộc chiến tranh này làm vỡ tung thành nhiều mảng xung đột nhau. Chiến tranh lạnh II ngay tức khắc đi vào thời kỳ ác tính, trật tự quốc tế hiện hành bị đảo lộn và đi sâu vào cục diên 3 cực Mỹ, Trung, Nga với những tập hợp lực lượng mới rất phức tạp, nguy cơ chiến tranh lớn cận kề hơn bao giờ hết – Biden gọi đấy là nguy cơ một cuộc chiến của ngày tận thế (an Armageddon).

 

Về Trung Quốc: Cuối năm Đại hội 20 của ĐCSTQ (10-2022) chính thức đẩy chiến lược toàn cầu của đế chế Trung Quốc trên đường phục hưng lên cấp độ mới, với “sáng kiến chiến lược phát triển toàn cầu” và “sáng kiến chiến lược an ninh toàn cầu” như hai tay của quyền lực rắn và mềm (tuỳ tình hình và sự việc sẽ là hai gọng kìm bạo lực) vươn ra sắp đặt lại trật tự quốc tế theo mô hình Trung Quốc, có phương tiện đắc lực là chiến lược “vành đai – con đường”, có hậu thuẫn của đồng minh lý tưởng là nước Nga Putin. Đồng thời Hội nghị thượng đỉnh TQ – 6 nước Ảrập (thành viên GCC, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) trung tuần tháng 12-2022 đã kiến lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một kỷ nguyên mới chưa từng có (Tập Cận Bình) cho ảnh hưởng của TQ tại khu vực này, nội dung có nhiều ký kết quan trọng (bao gồm hàng chục dự án khổng lồ [ có nhiều dự án hàng trăm tỷ USD / dự án], với tầm nhìn 2030, 2035, 2040… và nhiều cam kết lớn khác – trong đó có cam kết về nguyên tắc “một Trung Quốc”, dùng đồng Nhân dân tệ trong quan hệ thương mại song phương, TQ sẽ có nhiều ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu của vùng này... Tiếp theo ngay sau đó là những hoạt động của Tập Cận Bình tranh thủ các nước khác trong vùng Vịnh. Báo chí thế giới bình luận: TQ đã lấp đầy khoảng trống tại đây do Mỹ để lại!..

 

Mặt nào đó có thể nhận xét: Với những bước đi nêu trên, TQ thời Tập đã trục lợi được lớn nhất, và đã tự tạo ra được cho mình thế sẵn sàng tốt nhất từ trước đến nay trong đối kháng Trung - Mỹ, đồng thời tạo ra được sự lệ thuộc ngày càng gia tăng của Nga vào TQ như một lợi thế chiến lược hiếm có cho TQ.

 

Tuy nhiên cũng phải nói ngay tại đây rồi khi có điều kiện sẽ bàn kỹ hơn: Ngay trong và sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, mặc dù đã nắm được trong tay vai trò lãnh đạo suốt đời, Tập gặp những khó khăn mới vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của ông ta, đó là:

(i)Bùng phát mới covid 19 rất khó kiểm soát hầu như đã làm sập chiến lược “zero covid” vốn đã góp phần quan trọng tạo ra vị thế hôm nay của Tập, xã hội TQ có những xáo động mới, “biểu tình giấy trắng” phản đối zero covid lần đầu tiên đưa ra khẩu hiểu đòi Tập từ chức… Xin đừng quên: Nghi ngờ đại dịch covid phát sinh từ phòng thí nghiệm Vũ Hán cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục, hôm nay sự bùng phát trở lại ở quy mô lớn đại dịch covid 10 sau ĐH 20 của ĐCSTQ đang tiềm tàng mối nguy cho cả thế giới: Đại dịch này ở TQ với cách xử lý “zero covid" như đã thực hiện có thể tiếp tục tạo ra những biến chủng tiếp không lường trước được, và có thể phát tán bệnh trở lại đối với cả thế giới!

 (ii)trong xã hội TQ và nội bộ đảng tiếng nói phản đối vị thế hoàng đế của Tập  ngày càng gia tăng, tuy trước mắt không / chưa thể tác động gì lớn đối với vai trò và vị thế  của Tập;

(iii)do triển khai từ thập kỷ 2010s “chủ nghĩa tư bản – đảng – nhà nước” (Party-State capitalism – chính thức bắt đầu từ thời Tập, 2012, các thời trước đó chỉ là chủ nghĩa tư bản nhà nước) để tăng cường kiểm soát của quyền lực toàn trị của ĐCSTQ đối với những vấn đề mới của đất nước, và đồng thời giành thế mạnh mới trong nền kinh tế toàn cầu thời CMCN 4.0 & AI, tăng khả năng tranh giành ảnh hưởng và quyền lực mới trên chính trường quốc tế. Thực tế này khiến nội trị TQ phát sinh thêm những mâu thuẫn mới[2]. Trong khi đó khủng hoảng cơ cấu kinh tế TQ ngày càng có nhiều vấn đề mới khó kiểm soát (nhất là trên thị trường bất động sản và thị trường tài chính tiền tệ TQ). Toàn bộ diễn biến này khiến TQ đang tiếp tục đi sâu vào thời kỳ tụt tăng trưởng kinh tế, từ 2 con số xuống một con số, với nhiều thách thức nội trị mới (vấn đề thất nghiệp, sự bất mãn của giới trung lưu…);

(iv)do những thất bại hiện nay của Putin trong chiến tranh xâm lược Ukraine, TQ buộc phải xem lại nhiều vấn đề chiến lược và có những điều chỉnh quan trọng (sửa đổi chiến lược kinh tế để tạo ra cân bằng mới giữa nội địa và kinh tế đối ngoại, thận trọng hơn trong đối kháng trực tiếp với Mỹ và trong vấn đề Đài Loan, song đẩy mạnh hơn tập hợp lực lượng mới và phân hoá nội bộ phương Tây)…

 

Về Nga: Như một bất ngờ từ trên trời rơi xuống,  Nga vấp phải thảm bại trong chiến lược thôn tính Ukraine (kế hoạch đầu tiên với chiến tranh chớp nhoáng của chiến dịch hành quân đặc biệt): Sau 10 tháng chiến tranh, khoảng quá nửa (ước đoán là 54%) lãnh thổ Ukraine mà Nga đã chiếm được lúc cao điểm, đã bị Ukraine giành lại – trong đó có những vùng quan trọng mang tính chiến lược như Kherson, Bakhmut, vùng duyên hải Azov… Nga bị kiệt quệ nghiêm trọng về khí tài và quân lực.., song Putin vẫn tiếp tục huy động lực lượng, chuẩn bị phản công lớn ngay trong mùa đông này (tuyên bố đây sẽ là cuộc chiến nhiều năm…). Hiện  nay Nga đang đẩy mạnh tiến công từ trên không tàn phá toàn bộ hệ thống điện, giao thông và những công trình công cộng khác khiến cho hàng chục triệu dân Ukraine không có điện và nước trong mùa đông này – nhân loại sẽ không bao giờ tha thứ tội ác chiến tranh ghê tởm này. Iran là người cung cấp chủ yếu các loại vũ khí không người lái (drones) giúp Nga thực hiện nhiệm vụ huỷ diệt. Về mặt nào đó trên thực tế đã hình thành ở mức độ nhất định một phe trục Nga – TQ – Iran và một số nước vệ tinh và lực lượng hồi giáo cực đoan khác trong đối kháng Trung – Mỹ. Trước việc Mỹ quyết định sẽ giúp tên lửa Patriot, Nga lại doạ chiến tranh hạt nhân và đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào bệ phóng tại một số nơi, tuyên bố huỷ bỏ quan điểm “không tấn công trước bằng vũ khí A”, v… v…

Putin luôn luôn doạ chiến tranh hạt nhân trói tay Mỹ, để tìm mọi cách huy động tổng lực của mình và tranh thủ sự hậu thuẫn của Iran và TQ kéo dài chiến tranh tới mức Mỹ và phương Tây phải bỏ cuộc trong việc giúp Ukraine. Ý đồ này dựa trên tính toán đến lúc nào đó Mỹ và EU sẽ không chịu đựng nổi những khó khăn đối nội - trước hết là tình trạng lạm phát cao chưa từng có ở tất cả những nước này kể từ khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1978, sự chia rẽ sâu sắc giữa Dân chủ và Cộng hoà trong nội bộ nước Mỹ (trong đó có v/đ Trump, do thua trong tranh cử ở thượng viện nên đảng Cộng Hoà đang tìm cách khoá sổ thời đại Trump), một số vấn đề lục đục trong nội bộ EU (trong đó có sự bất đồng của chính quyền Orban ở Hung thân Nga, chính quyền mới của Meloni ở Ý có xu hướng Musolini, những hệ quả của Brexit, và sự lệ thuộc của EU chưa có lời giải vào dầu và khí đốt của Nga…), xu hướng của chủ nghĩa dân tuý gia tăng tại một số nước EU – trong đó có Pháp... Tuy nhiên, có thể một lần nữa Putin lại tính sai, vì cho đến nay Mỹ và EU vẫn tiếp tục gia tăng giúp Ukraine.

 

Về Mỹ và phương Tây: Khi nổ ra chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, NATO bừng tỉnh khỏi tình trạng chết não (Macron). Những diễn tiến của cuộc chiến tranh này, các bước đi song hành của TQ, và quá trình đang hình thành trên thực tế một dạng liên minh như một phe trục (như trong chiến tranh thế giới II) giữa Nga – TQ – Iran và các thế lực Hồi giáo cực đoan… đã thúc đẩy Mỹ coi TQ là mối nguy đối kháng chính, phải điều chỉnh lại quan hệ mọi mặt với TQ. Đồng thời Mỹ và EU hợp tác mạnh mẽ hơn trong giúp Ukraine kháng chiến chống Nga, kết nạp thêm Thuỵ Điển và Phần Lan vào NATO, tăng cường ngân sách quốc phòng và củng cố lại NATO, duy trì được sự gia tăng giúp Ukraine về vũ khí và kinh tế. Sự giúp đỡ của Mỹ là lớn nhất và có ý nghĩa quyết định (đến nay với tổng số lên tới 40 tỷ USD) và thường xuyên nâng cấp độ hiện đại của vũ khí giúp Ukraine đối phó với chiến tranh leo thang (sau khi giúp pháo Himars, sắp tới sẽ là tên lửa phòng không Patriot)…

 

Mỹ và EU hầu như chắc chắn không thể bỏ cuộc được, vì một thoả thuận non tay với Nga trong vấn đề Ukraine có thể (i)lúc nào đó sẽ đảo ngược mọi thất bại của Putin hiện nay với cái giá sẽ rất đắt trước hết cho EU, (ii)sẽ tiềm tàng nhiều mối nguy lớn uy hiếp trực tiếp an ninh và nhiều lợi ích chiến lược khác của Mỹ và EU ở phạm vi toàn cầu, và (iii)sẽ gián tiếp hay trực tiếp nuôi dưỡng hay tăng cường liên minh Nga-Trung, v… v... Riêng Mỹ còn rất muốn giải quyết v/đ Ukraine ở mức sao cho Nga phải quỵ, để sau đó Mỹ có thể đối phó dễ hơn với đối thủ chính của mình là TQ. Mỹ và EU (trước hết là Mỹ, Pháp, Đức) có những cố gắng tìm giải pháp sớm kết thúc chiến tranh, có lẽ ở mức: không dồn Putin đến bước đường cùng (được hiểu là không làm cho Putin mất mặt dẫn đến nguy cơ Putin làm liều gây chiến tranh A), và đồng thời cố gắng hạn chế tối đa khả năng Putin làm chiến tranh Ukraine 2, sau đó tính tiếp... 

 

Nga tuyên bố chiến tranh sẽ còn kéo dài nhiều năm, chỉ kết thúc khi Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với 4 vùng Nga đã tuyên bố sáp nhập; còn Ukraine nói quyết chiến đầu giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình – kể cả Krym. Nghĩa là chiến tranh vẫn đang đi tiếp vào thời kỳ quyết liệt nhất phía trước!

 

 

Đến đây có thể thấy rõ:

 

(1) Cả TQ và Nga đã tính toán rất kỹ trong lựa chọn thời cơ và thời điểm cho Tuyên bố chung Trung-Nga ngày 04-02-2022 về hợp tác không gới hạn, về chiến tranh Ukraine 24-02-2022, về những bước đi của Tập trước và sau Đại hội 20 của ĐCSTQ (10-2022). Nổi bật là: Tất cả những bước đi này đều xảy ra đồng thời và tập trung vào khai thác tối đa (i)thời kỳ suy yếu nhất của Mỹ trong mối tương quan toàn cầu kể từ sau chiến tranh thế giới II đến nay và (ii)sự rệu rã chưa từng có của EU và NATO kể từ ngày thành lập.

 

(2) Song Putin đã sai (i)trong đánh giá thấp tinh thần và khả năng kháng chiến vô song của Ukraine, (ii)không thấy được cuộc xâm lược Ukraine đã kéo NATO ra khỏi cơn chết não, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chưa từng có giữa Mỹ và EU kể từ sau chiến tranh thế giới II để bảo vệ lẫn nhau trước những thách thức của đế chế Nga tái sinh thời sa hoàng Putin, và (iii)đánh giá quá cao khả năng liên minh Nga-Trung ở chỗ TQ không thể vì cứu Nga mà hy sinh những lợi ích chiến lược và chuốc thêm những trở ngại mới cho đế chế con rồng này đang trên con đường bước lên vũ đài toàn cầu thực hiện giấc mộng Trung Hoa – trong khi đó nước Nga Putin vô hình trung tự tạo ra cho mình sự lệ thuộc chưa từng có vào TQ, tiềm ẩn nhiều mối nguy chết người cho Nga trong tương lai!

 

(3) Tuy rằng nhìn tổng thể TQ trục lợi được nhiều nhất trên nhiều phương diện qua chiến tranh Ukraine, song Tập Cận Bình cũng vấp phải nhiều cái sai nghiêm trọng: (i)Thất bại  không thể ngờ được của chiến dịch hành quân đặc biệt của Putin kéo TQ vào những rắc rối mới với Mỹ và phương Tây, (ii)vị thế và bộ mặt (ảnh hưởng) của TQ chịu nhiều tác động bất lợi do thất bại của Nga và những tội ác của Nga trong chiến tranh Ukraine gây ra, (iii)mâu thuẫn trong đối kháng Trung-Mỹ tăng lên rõ rệt, chính quyền Biden đã khẳng định TQ là đối tượng đối kháng chính của Mỹ và tiếp tục các quyết sách cứng rắn đối với TQ có từ thời Trump, (iv)các bước đi của TQ vô hình trung thức tỉnh Đức và nhiều nước EU khác nhận ra không thể kéo dài việc làm ăn với TQ như hiện nay, những quốc gia này phải tính đến những biện pháp bảo hộ và bảo vệ lợi ích của họ, (v)TQ phải đối phó với thực tế mới là Đức, Pháp và một số EU khác chấp nhận ở các mức độ khác nhau chiến lược của Mỹ đối với TQ, đó là: Một mặt Mỹ coi TQ là đối kháng chính, mặt khác Mỹ sẵn sàng chấp nhận chay đua với TQ trong những lĩnh vực hợp tác; (vi)những sai lầm của TQ (i – v) cùng với những sai lầm và những vấn đề mới  trong nội tại TQ như đã nêu ở phần trên buộc TQ phải có nhiều điều chỉnh lớn; trong khi đó những vũ khí chính trị như chủ nghĩa Mác TQ hoá, CNXH đặc sắc TQ kỷ nguyên mới, sáng kiến chiến lược phát triển toàn cầu, sáng kiến chiến lược an ninh toàn cầu… của TQ đang bị cuộc sống bóc trần, nhiều nơi trên thế giới không khí mất tin tưởng hay chống TQ gia tăng… Song nhìn toàn cục, Tập vẫn chủ trương  lấn tiếp – nhất là ở Biển Đông và trong vấn đề Đài Loan.

 

(4) Tuy rằng chiến tranh xâm lược Ukraine đã thức tỉnh Mỹ và thế giới phương tây nhiều điều mang tính sống còn, nhưng có lẽ còn  phải có nhiều thời gian hơn nữa để Mỹ và phương Tây mới có thể tiêu hoá những điều mới học được – với nghĩa là có đối sách thích hợp cho những vấn đề đã ngộ ra. Cụ thể là (i)cả Trump và Biden cho đến nay chủ yếu chỉ mới xúc tiến được ở một dạng nào đấy của chiến tranh thương mại để đối phó với TQ, với kết quả rất hạn chế, trong khi đó tiếp tục thụ động và bị động về mặt chiến lược trong đối phó với TQ và gần đây là với chiến tranh Nga xâm lược Ukraine – sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ Mỹ góp phần quan trọng vảo những yếu kém mới này của Mỹ; (ii)Mỹ và phương Tây đã ngủ quá  lâu trên vòng nguyệt quế của những thành quả và những ưu thế mình đã đạt được trong mối tương quan với TQ và Nga, do đó chủ quan và trở nên lạc hậu với thực tế khắc nghiệt, để cho TQ đã có được một số điểm quan trọng vượt Mỹ (chiến lược toàn cầu, số lượng hải quân, công nhệ 5G, mở rộng khu vực ảnh hưởng…), xử lý chậm và sai vấn đề Nga nên đã gián tiếp hay trực tiếp kích thích những bước đi của Putin bắt đầu từ Tuyên bố chung Nga-Trung 04-02-2022…

Trong khi TQ với chiến lược toàn cầu của mình giành bá chủ thế giới, phần nào đó ôm chân theo sau là Nga với khát vọng phục hồi đế chế Nga sa hoàng Putin, đã đưa ra được nhiều quyết sách và chiến lược mới rất thực dụng, với những khẩu hiệu nguỵ trang mới mỵ dân rất nguy hiểm (xem điểm 3(vi) bên trên). Cho đến nay Mỹ và phương Tây vẫn khư khư với những chuẩn mực cứng nhắc và xử dụng quá tải nên đã bị hao mòn đáng kể các giá trị như dân chủ, tự do, nhân quyền, v/đ biến đổi khí hậu.., và chậm hiểu rằng những chuẩn mực này không chỉ là vấn đề của bản chất chế độ chính trị của các nước chủ nhà, mà trước hết còn là những vấn đề của phát triển ở những quốc gia này. Toàn bộ thực tế này đã và đang diễn ra từ lâu, đòi hỏi Mỹ và phương Tây một cách tiếp cận khác. Hệ quả là Mỹ và phương Tây đã để cho TQ (và phần nào là Nga) có nhiều trận địa trống để lấn sân. Mặt khác Mỹ và phương Tây, nhưng trước hết là Mỹ, đang tiếp tục phải trả giá cho những sai lầm chiến lược chết người đã phạm phải trong quá khứ: (i)sa lầy quá lâu trong chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan, khiến cho TQ có gần ¼ thế kỷ thời gian và thời cơ vàng để ngoi lên là siêu cường thứ hai chỉ sau Mỹ và đang trực tiếp thách thức Mỹ, và (ii)hai đời tổng thống Mỹ là Clinton và Obama (nghĩa là 4 nhiệm kỳ) ảo tưởng thông qua giúp TQ hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hoá để dân chủ hoá TQ, với hy vọng sẽ thiết lập được G2 Mỹ - Trung để qua đó hy vọng có thể xử lý trọn vẹn v/đ Frankenstein TQ... Vì những lý do này đang nổi lên ở Mỹ và phương Tây những tiếng nói ráo riết cảnh tỉnh Mỹ và phương Tây, đòi phải đổi mới tư duy trong tiếp cận vấn đề TQ và vấn đề Nga của sa hoàng Putin hôm nay. 

 

(5) Ngoại trừ xẩy ra chiến tranh hạt nhân, kịch bản hiện thực nhất có thể là chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc trong một thoả hiệp còn nhiều dang dở cho tất cả các bên hữu quan – vì khả năng đánh đổ chế độ Putin từ bên ngoài cho đến lúc này là không thể, việc Nga tự sụp đổ do những yếu tố nội tại lại là một vấn đề hoàn toàn khác và chưa thấy có khả năng xuất hiện. Một giải pháp hoà bình còn nhiều dang dở như vậy cho Ukraine có nghĩa sẽ tồn tại nhiều vấn đề căng thẳng thời hậu chiến cho các bên hữu quan – nhất là các nước bên thứ ba. Mặt khác đối kháng Trung–Mỹ là mâu thuẫn trung tâm chi phối thế giới vẫn đang trong xu thế gia tăng vì chưa thấy xuất hiện khả năng hạ nhiệt: Tập đang cần những bước đi mới để củng cố vị thế của chính mình trước những vấn đề mới xảy ra sau ĐH 20; phía Mỹ và phương Tây – song trước hết là Mỹ -  sau chiến tranh Ukraine càng phải củng cố hàng ngũ của mình. Toàn bộ thực tế này có thể dẫn tới cục diện thế giới (i)một mặt đối kháng Trung – Mỹ làm nguy cơ chiến tranh tiếp tục gia tăng, (ii)đồng thời sẽ diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt giành giật lẫn nhau giữa hai bên trên mặt trận kinh tế và trong những lĩnh vực khác có liên quan, sẽ tác động đến cả thế giới – trước hết là các nước bên thứ ba. Thực tế này có thể kéo dài hàng thập kỷ với những diễn biến không thể lường trước, và sẽ có thể phức tạp hơn nữa nếu xẩy ra dịch bệnh hay thiên tai mới, hoặc sẽ đổ vỡ với những hệ quả không / chưa thể dự báo được nếu chiến tranh Ukraine kết thúc trong một Armageddon hay xảy ra chiến tranh Đài Loan.

 

Theo hiểu biết và sư trải nghiệm của mình, tôi dự đoán và có niềm tin: Sẽ khó hay không thể xảy ra kịch bản của một trật tự quốc tế mới theo mô hình Trung Hoa. Nghĩa là giấc mộng Trung Hoa lúc nào đó sẽ vỡ mộng dưới một dạng nào đó, vì lẽ  sự phát triển của thế giới ngày nay đã đi quá xa cho một trật tự quốc tế kiểu Trung Hoa (with chinese model) có thể bao phủ lên hay là ôm gọn lấy. Về tầm nhìn dài hạn, sẽ khó hay không thể có một TQ dẫn đầu thế giới này với chế độ của ĐCSTQ như vai trò dẫn đầu của Mỹ đang làm – cho dù vai trò hay sứ mệnh này của Mỹ đang đi vào thời kỳ mai một; một TQ bá chủ thế giới càng không thể. Song nguy cơ một TQ của nham hiểm, tàn bạo, và trong tình hình nào đó sẽ phân rã là thường trực hơn, và có thể cũng hiện thực hơn so với các triển vọng khác.

Tuy nhiên, giấc mộng Trung Hoa đang có giá trị quan trọng cho TQ như một ngọn cờ thiêng của chủ nghĩa dân tuý Đại Trung Hoa; trong hiện tại đối kháng Trung-Mỹ và vấn đề Đài Loan vẫn đang tiếp tục nóng lên, tiếp tục tác động toàn diện cục diện thế giới hiện nay.

 

(6)  Đến đây, với quan điểm nêu trên, tôi thô thiển, và xin mạnh dạn dự báo hay dự đoán (nghĩa là với hiểu biết rất hạn chế của mình): Trong thập kỷ 2020s này hay xa hơn nữa, nghĩa là kể từ khi một vài năm tới nếu sẽ chấm dứt được tạm thời hay lâu dài chiến tranh Ukraine và trong tình huống không / chưa xẩy ra chiến tranh Đài Loan cho đến khi định hình được một khung khổ trật tự mới nào đấy, cục diện thế giới trong thời gian quá độ này sẽ có thể mang những nét chính sau đây:

 

i.                 Sẽ là một thế giới thường trực sống trong tình trạng căng thẳng bên miệng hố chiến tranh (brinkmansnhip) tại các điểm nóng trên thế giới, trước hết là trên các chiến tuyến đối kháng Trung-Mỹ. Đồng thời cuộc chạy đua sát phạt nhau của đối kháng Trung-Mỹ trong mọi lĩnh vực của cuôc sống sẽ tác động sâu sắc đến mọi quốc gia – trước hết là các nước bên thứ ba.

ii.               Những dư chấn của toàn cầu hoá đổ vỡ hiện nay, của sự tàn phá do đại dịch, của những hệ luỵ do chiến tranh xâm lược  Ukraine, của những tác động ngày càng khó kiểm xoát của biến đổi khí hậu, những tác động 2 mặt (lợi và hại) của CMCN 4.0 & AI hiện nay, sự tha hoá tự nhiên hay tất yếu của con người và của các thể chế quốc gia – khu vực – và quốc tế.., và trên hết cả là những dư chấn của đối kháng 3 siêu cường Trung-Nga / Mỹ giữa hai phe (autocracy vs democracy).., tất cả đang đẩy thế giới đi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có trong trong thế giới hiện tại, với những biến động không thể / khó lường trước được. Tất cả đang tích tụ những mâu thuẫn đối kháng hiện nay ở mức đã chín muồi cho một cuộc chiến tranh thế giới III phải nổ ra. Song nguy cơ cùng huỷ diệt lẫn nhau trong chiến tranh hạt nhân (MAD) đang biến nguy cơ CTTG III này nổ ra thành động lực phát động những cuộc chiến tranh cục bộ - ví dụ hiện nay là chiến tranh Ukraine – như một giải pháp thay thế để làm các nhiệm vụ một cuộc CTTG III phải làm hay cần làm! Hỡi các quốc gia hãy cảnh giác!

iii.             Những tác nhân nêu trong điểm i ii bên trên, cùng với sự tha hoá tự nhiên hay tất yếu của con người và của thể chế hiện nay, tất cả đang gây ra cho mọi quốc gia trên thế giới không miễn trừ bất kể nước nào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế chưa từng có, và đồng thời đặt con người trước những thách thức hoàn toàn mới của những bất cập mới to be or not to be bắt buộc phải vượt qua – để sống sót, để tồn tại, và xa hơn nữa là để phát triển tiếp.

Thực ra cuộc khủng hoảng thể chế và sự bất cập của con người và những thách thức mới như  đang nói tại đây đã xuất hiện từ lâu rồi, song đã trở nên kịch tính, đang ngày càng ác tính kể từ khi xẩy ra đại dịch covid 19 cuối năm 2019; và với chiến tranh Ukraine cuộc khủng hoảng này đang đi hẳn vào thời kỳ ác tính. Hoàn toàn có thể nhận định chắc chắn (nghĩa là gần như khẳng định): Mối nguy lớn nhất đối với mọi quốc gia và con người của nó đang nằm trong sự thiếu vắng ở những cấp độ khác nhau khả năng, ý thức và ý chí nhận biết đầy đủ cuộc khủng hoảng đã trở nên hiện hữu này ngay trong quốc gia của mình, và những bất cập, những thách thức mới kèm theo. Có thể nói: Sự vô thức chết người này mới thật là kẻ thù lớn nhất của mọi quốc gia và con người của từng quốc gia, rồi mới đến những kẻ thù physic hiện hữu khác nhau của từng quốc gia trong thế giới này! Phải nói quyết liệt như vậy, để mỗi quốc gia và con người của nó phải xây dựng ngay tức khắc cho mình tư duy thấu đáo về nhận biết kẻ thù lớn nhất này (sự vô thức, cái u minh), nhờ đó sẽ giác ngộ được sớm nhất và đầy đủ, với tất cả ý chí và nghị lực thực hiện những việc phải làm.

iv.             Cuộc CMCN 4.0 & AI đang tạo ra những bước tiến nhẩy vọt mới và những thách thức chưa từng có, đòi hỏi mọi quốc gia phải có thể chế mới để thích nghi, và có con người của mình đủ phẩm chất làm chủ cuộc cách mạng này. Bởi vì mọi ứng xử đối với cuộc cách mạng này như làm ngơ, tụt hậu, hoặc lạm dụng.., đều sẽ phải trả giá đắt, thậm chí có thể rất đắt. Thực tế này là một cú hích mới quyết liệt đối với toàn bộ cuộc sống, trước hết càng làm cho cải cách thể chế quốc giađổi mới giáo dục trở thành hai nhiệm vụ không thể / không được phép tránh né đối với bất kể quốc gia nào trong cộng đồng thế giới hôm nay. Những hệ luỵ của chiến tranh Ukraine, đối kháng Trung-Mỹ, và tác động của CMCN 4.0 & AI còn thúc đẩy nhiều nước phải đồng thời thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế và chiến lược phát triển hiện có của mình. Toàn bộ thực tế này là thách thức rất lớn đối với nhiểu nước đang phát triển – trong đó có VN, nước có nền kinh tế gia công với tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2022 bằng khoảng 1,8 lần GDP, nghĩa là gần như phần đầu vào cho nền kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài (nhập khẩu), và phần lớn đầu ra của nền kinh tế cũng giành cho bên ngoài (xuất khẩu); nghĩa là sự phụ thuộc của VN vào bên ngoài cực kỳ lớn. Nếu hình dung được những biến động và dao động kinh tế cũng như chính trị trên thế giới như đang diễn ra, sẽ thấy sự phụ thuộc này của VN nhậy cảm và nguy hiểm như thế nào nếu không sớm có cải cách thể chế quốc gia và đổi mới cấu trúc kinh tế, phát triển thoả đáng nguồn lực con người!

v.                Thực tế của cái thế giới không ít hỗn loạn, đổ vỡ, chết tróc, những thách thức mất còn hiện nay… cho thấy: Những giá trị cơ bản mang tính chất là những đòi hỏi sống còn đối với con người và mọi quốc gia là hoà bình, độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân chủ, tự do, quyền con người, bảo vệ và tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác, cùng phát triển… chẳng những không thay đổi và không được phép đánh mất đi, mà còn đặt ra đòi hỏi: Mọi quốc gia trong thế giới hôm nay – trước hết là các nước nhỏ và vừa – phải chủ động và tự giác dấn thân bảo vệ, duy trì, phấn đấu làm mọi việc, để những giá trị cơ bản này có thể (i)giảm thiểu những đổ vỡ hay sự tàn phá đang xảy ra, (ii)sẽ tiếp tục trở thành nền tảng cho một khung khổ trật tự quốc tế mới nào đó sẽ hình thành mai sau. Sự dấn thân và phấn đấu như vậy của các nước nhỏ và vừa còn là phương thức, là con đường tất yếu, để các nước nhỏ và vừa hôm nay tự quyết định lấy vận mệnh của mình, và đồng thời đối phó có hiệu quả sự lũng đoạn thế giới của các siêu cường dù là ai.

Cuộc sống được xây dựng trên nền tảng những giá trị cơ bản này mọi quốc gia phải tự giành lấy mới có được, vì trên đời này không có gì cho không! Thách thức đối kháng Trung-Mỹ của bộ ba Trung-Nga / Mỹ trong thế giới hôm nay cần được xem như một thúc giục quyết liệt cộng đồng thế giới phải chung tay xây dưng nên một phong trào dấn thân như thế của các nước nhỏ và vừa ở phạm vi toàn cầu (một mô hình tương tự đã từng có trong quá khứ là phong trào không kiên kết).

vi.             Phải chăng mọi vấn đề và những tác nhân được nêu ra trong các điểm i – v trên đây cho phép đi đến kết luận: Mỗi quốc gia và con người của nó trong thế giới hôm nay đã đến lúc phải bằng mọi cách giải phóng sức mạnh của tư duy, để có thể nhận chân cái thế giới quyết liệt hôm nay như đã nêu trong các điểm i – v trên đây, nhận thức cho kỳ được những vấn đề và thách thức mới mỗi nước và nhân dân của nó phải đối mặt cụ thể ngay tại chỗ của mình và trong khung cảnh toàn thế giới hiện hữu này, và phải tạo ra cho mình hiểu biết, trí tuệ, ý chí, nghị lực và năng lực quyết sống và tìm ra con đường sống trong thế giới hiệu hữu này…

Không một quốc gia riêng lẻ nào trên thế giới này có thể tuỳ nghi thay đổi cái thế giới hôm nay nó đang sống cùng. Cũng không một quốc gia nào dù là siêu cường Nga, TQ hay Mỹ… có thể duy ý chí sống theo ý thức hệ hay chủ nghĩa nào nó tôn thờ, hoặc vô thức với thế giới chung quanh để chỉ sống theo ý của mình, và ngoan cố thoát ly, hay làm ngơ, hay vô thức đối với sự vận động của thế giới đang diễn ra. Làm như thế sớm muộn sẽ phải trả giá, sẽ chẳng khác tự sát bao nhiêu.

Nhưng nhận thức đúng được cái thế giới mình đang sống, để tùy nội cảnh và ngoại cảnh của quốc gia mình tìm ra được cách thích nghi tại chỗ với toàn cái thế giới mình đang sống để sống – nhất là để tạo ra phẩm chất và khả năng được sống cho xứng đáng với vị thế quốc gia của mình – đó chính là cuộc sống mỗi quốc gia trong thế giới quyết liệt hôm nay đều nhất thiết phải tự đi tìm và lựa chọn, và phải tự khai phá lấy con đường phải đi, để giành lấy.

Chỉ có lấy dân chủ giải phóng sức mạnh phi thường của tư duy, mỗi quốc gia và con người của nó mới có thể làm nổi mọi việc để ra khỏi cuộc khủng hoảng và những bất cập hiện hữu của nước mình trong bối cảnh thế giới hiện nay, để mở ra con đường sống cho bản thân quốc gia mình trong thế giới hôm nay như đang trình bầy tại đây. Có thể nói chưa bao giờ cải cách thể chế quốc giađổi mới giáo dục để giải phóng sức mạnh và nghị lực sáng tạo của nguồn lực con người trở thành hai nhiệm vụ trọng đại nhất của mỗi quốc gia trong thế giới hiện tại; và dân chủ là chìa khoá để thành công.

Cục diện thế giới đầy rẫy những hỗn loạn, đổ vỡ và những thách thức, và những mối nguy mới hôm nay. Một cục diện thế giới như vậy hiển nhiên chỉ dành chỗ đứng xứng đáng cho quốc gia và nhân dân của nó ý thức được chính nó, và nhận chân được cái thế giới hôm nay nó đang sống.

 

Tới đây có thể nhận xét, năm 2022 thế giới trải qua những diễn biến và hội đủ những sự kiện cho phép rút ra 6 nhận định (i – vi) trình bầy trên đây, nhờ đó phán đoán hay làm rõ ở mức độ nào đấy định hướng và phần nào là định hình cái thế giới của chúng ta trong thế kỷ 21 này vận động như thế nào. Vì vậy, năm 2022 có thể được xem là một năm định mệnh của thế kỷ 21.

 

*

 

Là công dân của đất nước, tôi nghiêm khắc tự hỏi mình:

 

-        Đất nước ta ứng xử như thế nào với 6 nhận định nêu trên về năm định mệnh 2022?

 

Suy nghĩ lao lung, câu trả lời của tôi là:

 

-        Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của quốc gia có lẽ còn đứng rất xa bên ngoài, hay là thờ ơ với 6 điểm (i – vi) nêu trên. Nghĩa là đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang đi tiếp trên đường mòn đã và đang đi!

 

Suy nghĩ trên đây của tôi đúng hay sai, xin cả nước và toàn Đảng phát huy dân chủ, cùng nhau mở lòng phán xét.

 

Thật ra không phải chờ đến năm 2022, mà từ gần 3 thập kỷ nay, chí ít là từ bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đã đánh vật với câu trả lời trên đây; khác chăng là keo vật tôi đang lâm trận này đến hôm nay chưa dứt, tôi vẫn không bỏ cuộc, nhưng cùng với thời gian keo vật này đang ngày càng khó hơn cho tôi!

 

Song tôi không ngã lòng, còn nước còn tát, đã viết rất nhiều[3], trong những thập kỷ vừa qua đã kiến nghị đi kiến nghị lại với Bộ chính trị, và với các Đại hội Đảng XI, XII và XIII, trong đó trình bầy: Nêu rõ thực trạng đất nước, những thách thức và những mối nguy hiện hữu,  những lý do đối nội đối ngoại bắt buộc phải tiến hành cải cách đổi đời đất nước – bắt đầu từ xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức để trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc lãnh đạo cải cách (thư 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), trình bầy rõ kiến nghị dự án cuộc cải cách không thể tránh né này, được thiết kế sẽ kéo dài khoảng 10 năm, để đất nước chuyển hoá dần dần tới một thể chế pháp quyền dân chủ do nhân dân làm chủ đất nước, mở đường cho quốc gia vươn lên thành một nước phát triển... Kiến nghị như vậy không phải là câu chuyện của ảo tưởng hay là hiện thực, mà là: Giữa con đường sống và con đường chết, nhất thiết cả nước phải với tất cả ý chí và nghị lực của mình chọn con đường sống cho quốc gia!

 

Miệng đời từ mọi phía, hoặc nguyền rủa tôi là đồ ngu trung với ĐCSVN, hoặc kết án tôi là tội đồ của bọn xét lại…

 

Song tôi trước sau chỉ có một suy nghĩ nhất quán: Phải cứu Đảng này, phải xây dựng lại nó trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc để cứu nước trong thế giới đa cực hỗn loạn hôm nay! Đây không phải là ảo tưởng, mà là kết luận và sự khẳng định tôi rút ra từ mọi kinh nghiệm và trải nghiệm cả cuộc đời mình lăn lộn trong cái thế giới này, và đã chứng kiến mọi thăng / trầm  của những quốc gia khác nhau – kể cả nước ta, sự đổ vỡ của các hệ thống chính trị mọi loại, sự thành công của những quốc gia mới nổi… đã xảy ra trong thế kỳ XX! Với niềm tin không suy xuyển qua thời gian: Cải cách đổi đời đất nước là con đường sống duy nhất của nước ta trong thế giới hiện tại, và sẽ, và phải thành công!

 

Nhân năm 2022 này còn kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần nữa tôi lại chính thức kiến nghị như nêu trên với lãnh đạo Đảng. Sáu nhận định trên đây về năm 2022 củng cố tư duy của tôi./.

 

Hết

Hà Nội – Võng Thị,

Ngày 20-12-2022

 

 

 



[1] Tìm xem: Nguyễn Trung, Cuộc xâm lăng Ukraina – Cuộc chiến tranh định hình liên minh Nga-Trung -            02-04-2022   http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_XamLangUkraina.html -

 

[2] Tham khảo thêm: FOREIGN AFFAIRS 6-12-2022 “The New China Shock  - How Beijing’s Party-State Capitalism Is Changing the Global Economy” by Margaret M. Pearson, Meg Rithmire, and Kellee S. Tsai

 

 

[3] Tìm xem những bài của Nguyễn Trung về chủ đề này đã đăng trên Viet-studíes.info của Gs Trần Hữu Dũng trong khoảng 2 thâp kỷ vừa qua - http://www.viet-studies.net/kinhte/kinhte.htm