Thủ trưởng tôi

Nguyễn Minh Nhị

 

 

Trong hồi ký tôi đã kể nhiều sự việc liên quan tới ông nên tôi chỉ "bổ túc" thôi, chớ đáng lý ông phải là người tôi nhớ sau cậu tôi. Ông Chín Kiên, em ruột má tôi mà tôi đã kể nhiều trong hồi ký.

Tôi rất may mắn là những lãnh đạo trực tiếp tôi ai cũng là người tài đức, đều xứng đáng bậc thầy, cha chú, đàn anh đó là cậu Chín Kiên, anh Ba Cát, chú Sáu Cứ, anh Năm Cao, anh Tư Đen là những lãnh đạo từ những năm 1958 đến 1963 và từ tháng 3/1967 ông Tám Hoa là "Sếp" tôi lâu nhất cho đến cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Ông thông minh, học mới hết Tiểu học thời Pháp và luôn luôn tự học nên càng giỏi hơn nhiều người mà tôi biết. Ông viết, nói rất giỏi nên làm Phó ban Tuyên huấn tỉnh An Giang mút mùa kháng chiến thì ai cũng biết, nhưng nghề nông thì không ai nghĩ rằng ông thuộc hàng "lão nông". Ông rành việc cày, cuốc, cấy, gặt và từ chẻ lạt, đan rổ rá...đến một mình tự tay trói bò, trói heo và làm ra thịt luôn, thạo nghề như các tay thợ lò cạo thứ thiệt. Không nghe ông học trường nào mà nghe ông kể từng làm công tác thú y cho người Pháp trước Cách mạng tháng 8, nói toàn tiếng Tây và làm thầy trị bịnh cho người cũng rất có kinh nghiệm. Mùa Thu 1945 ông từ Cao Miên vận động Việt kiều mua được một ít vũ khí, lập một đơn vị vũ trang về nước hưởng ứng cướp chánh quyền. Hồi ấy ở Nam Bộ có nhiều người làm như ông vậy. Riêng ông, ông kể với tôi: "Tao có tham vọng về để làm chánh phủ, làm bộ nầy nọ với người ta, không dè về đến biên giới bị tước vũ khí và đưa qua làm đoàn Văn công Ngũ Yến (Bút danh nhà văn Nguyễn Nguyễn) để quản lý, theo dõi. Ông già vợ tao không biết có khoe với ai bị lộ ý đồ của tao "lố" như vậy hay không, nhưng có người đi coi hát gặp tao về nói thật hay trêu ổng không biết: Tôi biết rể ông rồi, làm kép hát". Mà ông có khiếu diễn thuyết, bây giờ gọi là khiếu nói trước công chúng rất hay. Ngay bọn trẻ ở thời ông người ta gọi là con nít mà còn mê. Có lần cũng mít tinh hay làm gì đó đông người, ông không diễn thuyết mà là người khác, bọn trẻ bỏ về và cằn nhằn: "Nay ổng không hát bây ơi". Mà nếu có làm kép hát tôi nghĩ ông chỉ làm "kép hài" chớ không làm "kép mùi" được. Nội cái tên của ông cũng dễ mắc cười.

Ông tên Nguyễn Văn Xứng, mà chưa chắc là tên thật theo khai sanh, vì bà tên Đáng nên có khi ông đặt tên ông cho cặp đôi (Xứng - Đáng) không chừng. Nhưng cái tên thường dùng là Hoa, đàn ông mà lại là hoa mới ngộ. Ông còn kể: "Hồi vô kháng chiến người ta hỏi tao bí danh? tao muốn 'làm lớn' nên nói tên Tổ, là "đồng chí Tổ cha". Sau đó tao hớ hên sao nên họ phát hiện đem ra phê bình 'có đầu óc làm cha thiên hạ', từ đó cái tên đó không xài nữa". Khi nhập tỉnh Long Châu Tiền, ông lấy tên là Lê Kim Sanh - Phó Ban trực. Tôi không nghe ông giải thích ý nghĩa tên mới nầy, vì lúc nầy tôi hay đi phong trào nên ít tới lui với ông. Mấy cha cách mạng ngày xưa lắm tên ai mà biết hết.

Hồi 1965 có chủ trương của TW Cục phát động "tố khỗ" trong nội bộ mà sau nầy mới biết là thay cho chủ trương "đấu tố" như ở miền Bắc hồi cải cách ruộng đất nhưng Bác và BCT không cho (theo như ông Võ Văn Kiệt nói với tôi - BN). Hôm đó anh Sáu Bê bí thư chi bộ đài Minh Ngữ về dự Chi bộ văn phòng Ban ở Ô Tà Sóc để rút kinh nghiệm về làm ở đài Minh Ngữ đang ở Nê-Thum. Anh kể lại là ông Tám kể khỗ rồi khóc và "lên án địa chủ, thực dân" nhưng bổng ông ngừng khóc và nói nghe ráo hoảnh: "Nhưng từ 18 tuổi về sau nầy tôi chỉ có 'tố sướng' mà thôi". Ai cũng phải gạt nước mắt theo ông mà ôm bụng cười "yếm khí" nghe khùng khụt ở cổ họng và trong lồng ngực. Vậy mà khi chi bộ Đài minh ngữ họp, anh Sáu Bê tố khỗ làm gương trước, anh đang "muốn khóc" nhưng nói: "Nó (chánh quyền Sài gòn) bắt ông già tôi đánh cái mặt sưng như cái mền". Đến đây thì không ai nhịn được cười nên cười tập thể vậy. Giữa đồng mà chỉ có 4 đảng viên nên không cần cười "yếm khi" cũng vui. Đúng là chánh trị!

Ông kể tôi nghe câu chuyện ông vào trại giam thăm người bạn thân bị tòa án Việt Minh kêu tử hình (tội gì tôi quên rồi). Khi chia tay, người tử tù chúc ông "Anh Tư ở lại mạnh giỏi" rồi khóc! Ông cũng khóc và nói lại "Thôi mầy chết cũng mạnh giỏi nghe". Rồi ông bình luận: "Tao không biết tại sao tao nói vậy. Thật lảng nhách!"

Hồi ông làm Y sĩ thú y cho tên chủ đồn điền người Pháp lớn tuổi, có lần y ta nói với ông: "Dân mầy chuyên trộm cắp của tao. Mầy coi bò của tao khi nhập về toàn là bò Bô mà nay trong bầy lộn bò Cóc trong Sóc Miên nhiều quá!" Ông nói lại: "Chú nói phải có bằng chứng, không được nghi ngờ vu cáo anh em tôi. Hôm sau, ổng kêu tao lại chỉ cho mấy công nhân  và một xe tang vật là hai ba bao đậu xanh lấy trộm rồi nói: 'mầy đòi bằng chứng, nay có đây nầy'. Tao quê quá quay qua mấy thằng đó nạt nó bằng 'tiếng nói lóng', vì tên Tây nầy nghe được tiếngViệt nhưng hiểu nghĩa còn khó: Đ.M tụi mầy, hết chuyện rồi sao mà đi 'chọt' không 'chọt' cho kỷ, để 'tè le' ra vậy? Ông ta thấy tao bậm trợn, đỏ mặt lên mà không hiểu nghĩa 'chọt', 'tè le' là sao, sợ tao làm găng hơn nên nói: Tao chỉ cho mầy bằng chứng thôi, mầy đừng giận mà đuổi nó rồi mầy thu thằng khác vào cũng ăn cắp vậy thôi!". Nhân nói chuyện nầy ông lại nói qua chuyện dịch tiếng Tây. Ông kể câu chuyện quan Chánh tỉnh người Pháp đi kinh lý mùa màng, hỏi xã trưởng qua phiên dịch là quận trưởng người Việt. Hỏi: Mùa màng ra sao? Trả lời: cũng khá. Khá là sao? Là lúa tốt? Năng suất dự đoán thế nào? Chắc cũng bộn! Trông mã lúa thế nào? Dạ cũng ròm ròm...Đến đây viên quận trưởng chịu hết nổi chữi thề: "ĐM. mầy trác tao hay sao mà lựa nói toàn những tiếng tao dịch muốn gảy họng không ra nghĩa?".  Bây giờ tôi vẫn thấy có nhiều ông, nhiều người nói một hơi mà không biết nói gì, toàn những mỹ từ và khẩu hiệu ghép lại không cần dịch giải mà cũng không hiểu ý nói gì, tệ hơn tay xã trưởng vừa nói.

 Ông có mối tình đầu với một người có đạo Thiên chúa. Người ấy bảo ông bỏ đạo nhà theo đạo bà ấy. Ông nói: "Tao nghĩ nó là đàn bà con gái mà còn biết giữ đạo, tao đàn ông sao lại thua. Từ đó chia tay mà tao thì thất tình như bị xót ruột do đói bụng. Sau đó không lâu nó lên Nam Vang gặp tao khóc nói ba nó bị khối u mà thầy Tây chạy. Tao nhớ lại hồi vào rừng nấu rượu lậu, tao có ông cha nuôi người Thượng giỏi thuốc cây lá rừng, tao đến năn nỉ ông xin ra tay giúp. Ông đội khăn đỏ hỏi: 'Ông Tà, ông Tà cho trị mà chê cái cục u nằm gần chỗ dơ (phía sau lưng, gần hậu môn), để tao đưa thuốc về mầy đấp phía trước bụng, dời nó ra chỗ sạch mới trị'. Vậy là ông trị hết bịnh. Tao lạy ổng xin bài thuốc mà không cho. Tao coi kỷ thuốc mà không biết cây gì, vì ông bầm nát ra hết. Chịu thua, nhưng tao làm được một việc với người yêu cũ nên hãnh diện lắm. Nó theo năn nỉ xin lỗi chuyện dang dở cũ, khóc rất nhiều. Nhưng ai cũng ván đã đóng thuyền rồi". Ông hàng cha chú, vậy mà có nhiều khi vắng người ông tâm sự với tôi đủ thứ chuyện thế thái nhân tình, như truyền cho tôi kinh nghiệm, kể cả chuyện tình tứ lãng mạng một thời trai trẻ của ông. Là thủ trưởng mà chân tình đối với tôi như vậy tôi chưa từng thấy. Vậy mà chuyện ông có người con riêng lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, chắc là của bà vợ hay người yêu trước Cách mạng tháng Tám thì không nghe ông hé lời. Chỉ một lần duy nhất tôi nghe Cẩm Khường, con (nuôi) chú Sáu Tố cũng hàng lãnh đạo Ban hồi trong cứ nói: "Ông Tám Hoa có vợ có con riêng". Chúng tôi cho là nói nhảm, vì tính cậu nầy "ba trợn" lắm và cũng không nghe ba nó là bạn ông Tám nói gì nên cũng bỏ qua. Vậy mà có thật. Sau hòa bình tôi đến thăm ông tại nhà và có gặp anh nầy. Đúng là "mới bị lộ"! Tôi cũng không xét lại niềm tin với ông, vì duy chuyện nầy thì là chuyện "khó nói" của các đồng chí mình - nói chung là đàn ông, kể cả các đồng chí lãnh đạo."Chưa bị lộ" tội gì khai!

Ông rất kiên quyết từ bỏ cái gì mà ông thấy có hại. Ông khuyên tôi bỏ hút thuốc lá. Thấy tôi thiếu dũng cảm ông nói: "Hồi ở Nam Vang, tao hút toàn hiệu Con mèo đen. Có hôm tao đi xe đò, chung với con đầm Pháp, tao mời nó trước khi mình hút, nó không hút mà còn tỏ ra khinh khi tao ra mặt. Về nhà tao bỏ thuốc trong khi bao thuốc mới khui còn gần đầy. Bỏ mấy ngày thèm quá, trưa bữa nọ tao tắm rửa xong, thò tay vào tủ lấy gói thuốc còn bỏ dỡ rút một điếu đưa lên môi và nhìn quanh, tự nhiên một cảm giác như đi ăn cắp mà bị ai rình thấy. Tại sao mình hút của mình mà sợ? tao lật đật để nó vào bao và cất gói thuốc vào chỗ cũ. Vậy là tao bỏ luôn". Thấy hình như tôi chưa thấm, ông kể chuyện khác: "Cũng ở Nam Vang, gần chợ Ô-Tà- Xây, bữa đó thèm xoài sống, tao ra chợ mua trái xoài tượng rất ngon, về làm chén nước mấm đường thốt lốt có dầm ớt hiểm. Đang gọt xoài mà nước miếng tao chảy ra. Tao giận quá nói thầm: tao gọt cho mầy ăn chớ ai ăn mà mầy chảy nước miếng? Nói vậy, gọt xong rồi tao rửa sạch trái xoài và đưa vào gạc-măng-rê đóng lại. Chừng hết thèm tao lại lấy ra ăn!" Tôi hiểu ông giáo dục tôi mà tôi thì thiếu dũng cảm. Tôi đã 3 lần bỏ thuốc, lần đầu được mấy tháng hồi ở Văn phòng tỉnh ủy tại Ô Tà Sóc, lần thứ hai được gần một năm khi học trường Đảng ở Hà nội. Chỉ có lần thứ ba, nay được gần hai năm rồi nhân chuyến đi thăm Sáu Tiến nguyên Chủ tịch tỉnh Tây Ninh một thời với tôi. Về đến nhà, vì ho qúa chịu không nổi. Bỏ thuốc khi còn 3 điếu, một gói lẻ còn nguyên và một cây Capri của Mỹ còn đủ 10 gói. Tôi để thuốc trước mặt cho đúng một tháng sau mới dám "tuyên bố" bỏ thuốc! Còn câu chuyện ông ăn xoài chua tôi kể lại cho người khác nghe nhiều lần, ai nghe cũng ôm bụng cười, không phải thấm ý ông truyền là "ý chí phải kiên quyết" mà vì cái duyên của câu chuyện. Có người không thích nên hay thỗi phồng: "Ông chỉ có khiếu chọc cười chớ không gây căm thù được!". Hình như gây thù chuốt oán là bản năng mà con người cởi ra rất khó nên Phật Tổ mới dạy: "Lấy ân báo oán, oán sẽ triệt tiêu. Lấy oán báo oán oán sẽ chất chồng". Đời là "bể khỗ" phải rồi.

Ông đa tài, đa tình vậy mà có lần ông than hay ông quở tôi cái gì không biết, nhưng chắc là ông sợ tôi nói láo: "Tao biết hết các chuyện, chỉ còn cái chuyện tít tít te te (VTĐ) trên trời của mầy thôi. Mầy nói sao tao phải nghe vậy". Trời đất! tánh ông ngay thẳng bộc trực, đã giỏi vậy rồi mà muốn biết nhiều hơn nữa chắc không ổn đâu! Nhưng hình như ông cũng có phần "đa nghi" nên mới nói vậy. Mà ở xứ nầy dù không có ý hại ai nhưng phải biết đề cao ảnh giác, vì ta ở gần cái đất nước có lịch sử dài lâu hơn ta, họ lấy nghi ngờ, mưu sĩ, dối trá, phản phúc và độc ác đối với nhau nên ta phải biết phòng thân.

 Tôi thấy ông có lòng tự trọng đáng để tôi học tập. Tự trọng cả với người yêu khi áp đặt ông theo đạo mới ưng vì thế là yêu không bình đẳng. Tự trọng bỏ cái mà người khác cho là thói xấu và khinh khi. Tự trọng cả với thèm khát tầm thường mà người ta dễ mắc vì cho là việc nhỏ. Còn về kiến thức, tài năng, bản lĩnh, đặc biệt là nhân cách con người thì ông thuộc hàng quí hiếm, đối với tôi là bậc thầy mà tôi tôn kính và học hỏi suốt đời!

 

Tháng 5-2015.

    NMN

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 10-3-21