Cần “chống ba phải” để có “đại đoàn kết” các dân tộc Việt Nam

Nguyễn Hữu Đổng

 

Khái niệm “chống ba phải” [1, t. 11, tr. 599], “đại đoàn kết” [1, t. 5, tr. 278] được Hồ Chí Minh nêu ra trong thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Hơn 40 năm đã qua, kháng chiến thắng lợi, đất nước hòa bình, thống nhất, nhưng tại sao vẫn cần chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam? Để hiểu được tại sao như vậy, trước hết, cần phải nhận thức rõ tính chất, bản chất, thực chất của các khái niệm này.

Ba phải, chống ba phải là gì?

Ba phải là khái niệm bao gồm ba chữ số có các hình thức như sau: chữ số “một” (1) ở bên “trái” (tính chất); chữ số “hai” (2) ở bên “phải” (bản chất); chữ số “ba” (3) ở “giữa” (thực chất).

Mô hình cấu trúc của khái niệm ba phải có thể được biểu thị như sau: bản chất (phải, đúng: nội dung, số 2) – thực chất (ở giữa, thật: nguyên lý, số 3) – tính chất (trái, sai: hình thức, số 1) .

So sánh khái niệm ba phải với khái niệm “con người chính trị” trong quốc gia cho thấy rằng, ba phải là khái niệm nói về tính chất “tư tưởng” (cá nhân: số 1), bản chất “quan điểm” (nhóm: số 2), thực chất “lập trường” (cộng đồng: số 3) của con người theo các khuynh hướng khác nhau như sau: “phải” (sự thật: đúng đắn, số 2), “trái” (thật sự: sai trái, số 1), “ở giữa” (thật: chân thật, số 3).

Theo đó, ba phải được biểu thị cụ thể trong tư tưởng (số 1), quan điểm (số 2), lập trường (số 3) theo mô hình cấu trúc như sau: phải (quan điểm: số 2) – thật (lập trường: số 3) – trái (tư tưởng: số 1).

Từ các mô hình cấu trúc nêu trên cho thấy, khái niệm ba phải gồm có ba “từ”, thì chỉ có một từ phải, còn lại hai từ kia là trái thật. Tức ba phải là nói về cá nhân, nhóm, cộng đồng người chưa nhận thức được đâu là đúng (mặt phải), đâu là sai (mặt trái), đâu là thật (mặt ở giữa phải và trái) theo mô hình cấu trúc như sau: đúng (chưa thật) – thật (chân thật) – sai (không thật).

Từ các phân tích cho thấy, ba phải là khái niệm biểu hiện thực chất tư tưởng, quan điểm, lập trường chưa hoặc không chân thật của các cá nhân, nhóm trong cộng đồng, xã hội, quốc gia. Cá nhân, nhóm chưa nhận thức được mặt phải (đúng), mặt thật (ở giữa), mặt trái (sai) nêu trên có thể do họ nhận thức kém (không khoa học); nhưng cũng có thể họ đã nhận thức được mặt thật ở mức độ nhất định nhưng vẫn cố tình giữ (bảo thủ) tư tưởng, quan điểm sai (sai trái) hay cố tình giữ tư tưởng, quan điểm không đúng (không phải), tức họ không chân thật trong quốc gia.

Những cá nhân, nhóm có tư tưởng, quan điểm ba phải tức là những cá nhân, nhóm đó không tôn trọng sự khác biệt; kiêu ngạo, hẹp hòi, thiếu chính kiến, phủ nhận các tư tưởng, quan điểm đối lập; dễ chấp nhận sự phụ thuộc vào hệ tư tưởng, quan điểm không khoa học; dễ chấp nhận “sự phụ thuộc” (nô lệ) vào kẻ thù ngoại xâm “kiểu mới” (phi truyền thống).

Điều đó có nghĩa, chống ba phải tức là chống lại tư tưởng, quan điểm chưa hoặc không chân thật (sai trái), như kiêu ngạo, hẹp hòi của các cá nhân, nhóm trong cộng đồng, xã hội, quốc gia. Chống tư tưởng, quan điểm sai trái cũng tức là chống “chủ nghĩa hình thức” [1, t. 11, tr. 473] (chống chủ nghĩa duy vật), hay chống cái “sai” (số 1: số biểu hiện tính kiêu ngạo, độc đoán, không tôn trọng cá nhân, cá thể, người dân), cái “chưa đúng” (số 2: số biểu hiện tính chưa khiêm tốn, còn hẹp hòi, chưa tôn trọng nhóm, tập thể, công dân); đồng thời, cần phải học tập cái “thật” (số 3: số biểu hiện sự thật, thật, thật sự, sự chân thật, khiêm tốn, tôn trọng cộng đồng, nhân dân) trong xã hội loài người.

Nói cách khác, chống ba phải tức là đấu tranh chống lại tư tưởng, quan điểm “sai lầm” (độc đoán, không dân chủ) trong xây dựng “chủ nghĩa xã hội” bằng phương pháp “chuyên chính” (bạo lực) mà V.I. Lênin đã có lần khiêm tốn thừa nhận: “sai lầm của chúng ta” [2] sau cách mạng tháng Mười (năm 1917) ở nước Nga xô-viết; tức cần phải chống cái sai của cá nhân, nhóm người có tư tưởng, quan điểm về “chủ nghĩa hình thức” (chủ nghĩa duy vật) trong “chủ nghĩa xã hội chuyên chính” có một Đảng Cộng sản duy nhất “cầm quyền” (cai trị) [3]. Về thực chất, chủ nghĩa duy vật “biện chứng” (bản chất: chữ số 2) của C. Mác chỉ là biểu hiện sự đối lập với chủ nghĩa duy vật “siêu hình” (tính chất: chữ số 1). Tức chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác cũng chưa biểu hiện thực chất tri thức khoa học (tri thức thật: chữ số 3) về thế giới tự nhiên và xã hội.

Điều đó cũng có nghĩa, cùng với chống (ngăn chặn) cái sai, phòng (ngăn ngừa) cái chưa đúng, là cần phải học tập cái đúng của các cá nhân, nhóm người có tư tưởng, quan điểm “duy thức” [4] (quan niệm về tư tưởng Duyên sinh và Công nghiệp của Phật giáo), và học tập cái chân thật của các cá nhân, nhóm người có tư tưởng, quan điểm về “tâm linh” (quan niệm chung về “thần linh” của các tôn giáo, như: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Cơ Đốc giáo).

Đại đoàn kết là gì?

Khái niệm “đại đoàn kết” bao gồm các từ “đại”, “đoàn” và “kết”. Từ đại được nhìn nhận là “động từ, có nghĩa “lớn, thuộc loại lớn hơn, hoặc mức độ hơn mức bình thường”” [5, tr. 278], tức từ đại là nói về bản chất của đại đoàn kết. Từ đoàn được nhìn nhận là “tập hợp người được tổ chức theo tính chất của hoạt động” [5, tr. 328], tức từ đoàn là nói về tính chất của đại đoàn kết. Từ kết được nhìn nhận là “tập hợp lại và làm cho gắn chặt với nhau” [5, tr. 487], tức từ kết là nói về thực chất của đại đoàn kết.

Theo đó, mô hình cấu trúc của đại đoàn kết có thể được biểu thị như sau: “đại đoàn” (bản chất nhóm, nội dung bên trong: “đoàn kết hai chiều”) – “đại đoàn kết” (thực chất cộng đồng, toàn diện ở giữa: đoàn kết nhiều chiều hay “đoàn kết thật sự” [1, t. 14, tr. 402]) – “đoàn kết” (tính chất cá nhân, hình thức bên ngoài: “đoàn kết một chiều” [1, t. 12, tr. 417]).

Đoàn kết một chiều là khái niệm biểu hiện tính chất “độc đoán” (không dân chủ) hay sự sai trái của chủ nghĩa “cá nhân” (tính chất hình thức bên ngoài) – chủ nghĩa vì lợi ích của cá nhân (cá thể, người dân, công dân).

Đoàn kết hai chiều là khái niệm biểu hiện bản chất còn “hẹp hòi” (chưa dân chủ) hay sự chưa đúng của chủ nghĩa “nhóm” (bản chất nội dung bên trong) – chủ nghĩa vì lợi ích của nhóm (tập thể đảng phái, tổ chức chính quyền, xã hội dân sự, dân tộc, tôn giáo, giới).

Đoàn kết nhiều chiều hay đoàn kết thật sự (đại đoàn kết) là khái niệm biểu hiện thực chất “dân chủ” hay sự chân thật của “cộng đồng” (thực chất thật ở giữa) – chủ nghĩa vì lợi ích của cộng đồng (các dân tộc, tôn giáo, giới), quốc gia (các đảng phái, chính quyền, xã hội dân sự ), xã hội loài người (các cá nhân, nhóm, cộng đồng, xã hội, quốc gia).

Hẹp hòi là một căn bệnh, bởi vì, nó là cội nguồn dẫn đến các tình trạng: “Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân” [1, t. 5, tr. 276].

Từ các phân tích ở trên cho thấy, đại đoàn kết tức là đoàn kết thật sự - đoàn kết rộng rãi, chân thành, chặt chẽ giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người.

Quốc gia Việt Nam không có đại đoàn kết các dân tộc, tức không có đoàn kết thật sự trong nhân dân Việt Nam, thì Đảng Cộng sản (đảng cầm quyền - chính quyền) đã mắc phải căn bệnh hẹp hòi, trở thành một đảng “cô độc” thực hiện “cai trị” (độc đoán) trong quốc gia; do vậy mà cũng không thể có đại đoàn kết các dân tộc, hay không thể có đoàn kết rộng rãi, chân thành, chặt chẽ, thật sự giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội trong quốc gia.

Chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam được hiểu như thế nào?

Chống ba phải và “chính sách đại đoàn kết” [1, t. 5, tr. 278] là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chính sách là gắn với mục tiêu chính trị (con người, xã hội, quốc gia phát triển), phương pháp thực hiện (dân chủ thật sự), nguyên tắc bảo đảm (pháp quyền chân thật) nhằm đạt được mục tiêu chính trị. Nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu chính trị phụ thuộc rất lớn vào chính sách đại đoàn kết giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia; bởi vì: “Chính trị là: 1) Đoàn kết. 2) Thanh khiết từ to đến nhỏ” [1, t. 5, tr. 75].

Từ các phân tích ở phần trên cho thấy, chống ba phải là gắn với phòng (phòng ngừa), chống (ngăn chặn) tư tưởng sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nói cách khác, thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam là gắn với phòng, chống những tư tưởng độc đoán, hẹp hòi, giả dối (sai lầm) của “đảng cầm quyền” (Đảng Cộng sản, Chính phủ). Tức là, cần phải ngăn chặn (phê bình, chỉ trích) tư tưởng hẹp hòi hay “truyền thống lạc hậu” [1, t. 15, tr. 294] của những đảng viên cộng sản trong Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản, Chính phủ, chính quyền, bởi vì, những người này đã và đang cấm thành lập các đảng chính trị đối lập, ngăn cản việc lập ra các tổ chức xã hội dân sự độc lập, như báo chí tư nhân, các tổ chức hội, công đoàn độc lập.

Quan điểm lạc hậu (thoái bộ) nêu trên của Đảng Cộng sản là đã trái với tư tưởng tiến bộ, văn minh của loài người. Hồ Chí Minh từng cho rằng, rất “cần thiết” phải có các đảng chính trị đối lập (phải: tương tự “tay phải”) đoàn kết với đảng cầm quyền (trái: tương tự “tay trái”) để thực hiện kiến thiết quốc gia (kiến quốc) như sau: “… Anh em lại hỏi: ở nước ta có Đảng Lao động, lại có Đảng Dân chủ, Đảng xã hội. Đảng Lao động thì đã rõ. Còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội thì làm gì? Có cần nữa không? Cần lắm… Hai Đảng ấy có nhiệm vụ rõ ràng, quan trọng và cần thiết… Bao giờ Đảng Lao động cũng cố sức giúp đỡ các Đảng anh em để cùng nhau tiến bộ, kháng chiến, kiến quốc” [1, t. 8, tr. 200-201]. Giữa các đảng đối lập (tay phải: đúng) và đảng cầm quyền (tay trái: sai), thì “đúng phải là chính, sai là phụ” [1, t. 14, tr. 186].

Điều đó có nghĩa, chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam tức là biểu hiện hình thức cuộc đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ và công lý chống lại “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” [6] và các chính quyền phản dân chủ, phản tiến bộ khác đang tồn tại hiện nay trên thế giới; bởi vì, về hình thức, các cụm từ “Nhà nước” và “xã hội chủ nghĩa” trong Hiến pháp Việt Nam đều là không khoa học (không thật, giả dối) [7]. Cuộc đấu tranh chống tư tưởng, quan điểm ba phải cũng tương tự như chống kẻ thù “nội xâm” (kẻ địch bên trong lòng mỗi con người) khó khăn hơn rất nhiều lần so với đấu tranh chống kẻ địch “bên ngoài”; bởi vì, “đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn” [1, t. 11, tr. 599].

Tại sao vẫn cần chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam khi đã không còn chiến tranh?

Khái niệm chiến tranh là đối lập với khái niệm hòa bình; tức nói tới hòa bình là vẫn còn có khả năng xảy ra chiến tranh. Việt Nam hiện nay vẫn chưa có “hòa bình thật sự” – khái niệm biểu hiện thực chất của “thái bình” [1, t. 9, tr. 355]; bởi tư tưởng, quan điểm giữa các cá nhân, nhóm về cách thức (phương pháp dân chủ, nguyên tắc pháp quyền) xây dựng một xã hội công bằng (độc lập), bình đẳng (tự do), công lý (hạnh phúc) là còn chưa được “thống nhất hoàn toàn”, “độc lập hoàn toàn” [1, t. 4, tr. 82] trong quốc gia. Hiện nay, nhiều đảng viên cộng sản, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam còn chưa nhận thức rõ thực chất các khái niệm: thống nhất, độc lập, chiến tranh, hòa bình, phát triển, dân chủ, pháp quyền.

Tư tưởng, quan điểm còn bất đồng được nêu ở trên xuất phát từ sự nhận thức chưa rõ của nhiều công dân, đặc biệt các đảng viên cộng sản kiên định theo ý thức hệ sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin, về mối liên hệ giữa tính chất “sai” (trái: vật chất), bản chất “đúng” (phải: phi vật chất), thực chất “thật” (ở giữa: ý thức) trong đời sống xã hội; hay chưa rõ về mô hình cấu trúc bản chất, thực chất, tính chất của khái niệm đại đoàn kết, đoàn kết thật sự.

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có đoàn kết một chiều; bởi vì, Đảng Cộng sản chỉ tuyên truyền theo lối “một chiều” (thông tin một chiều theo quan điểm của Đảng). Cách tuyên truyền này chỉ có thể sử dụng khi chống kẻ thù là giặc ngoại xâm, còn khi tuyên truyền trong nhân dân thì cần phải “đa chiều” (thông tin sự thật). Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ cách tuyên truyền như sau: “báo chí có thể giúp bằng cách nói lên tất cả sự thật” [1, t. 9, tr. 152]; “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” [1, t. 4, tr. 151].

Từ các phân tích cho thấy, Việt Nam hiện nay là chưa có “hòa bình thật sự” [1, t. 8, tr. 369]; bởi vì, còn đang tiếp tục cuộc đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, chưa đúng, không thật trong quốc gia; và do đó, vẫn cần chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Giải pháp nào chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam hiện nay?

Tác giả bài viết này đưa ra ba giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, thực hiện hòa giải dân tộc Việt Nam một cách thật sự.

Dân tộc Việt Nam là nói đến các cá nhân, nhóm, cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. So sánh các khái niệm hòa giải, dân tộc Việt Nam với thể trạng con người có thể nhận thấy rằng: khái niệm hòa giải tương tự như phần “thân” (tính chất, thật sự sống: mục tiêu hòa bình cho nhân dân các dân tộc Việt Nam); khái niệm dân tộc tương tự như phần “đầu” (bản chất, sự thật sống: phương pháp dân chủ thực hiện mục tiêu); còn hòa giải dân tộc tương tự như phần “cổ” (thực chất, sự sống thật: nguyên tắc pháp quyền bảo đảm đạt được mục tiêu).

Điều đó có nghĩa, không thể có hòa bình cho nhân dân các dân tộc Việt Nam (mục tiêu), nếu không có phương pháp dân chủ (bản chất) để thực hiện và nguyên tắc pháp quyền (thực chất) để bảo đảm đạt được mục tiêu. Tương tự, không thể có thật sự sống (tính chất: sự sống), nếu không có sự thật sống (bản chất: sức sống) và sự sống thật (thực chất: sống) của con người.

Hai là, thực hành dân chủ thật sự ở Việt Nam.

Dân chủ thật sự là khái niệm biểu hiện thực chất các cá nhân, nhóm, cộng đồng (nhân dân) trong quốc gia đều “là chủ” (mục tiêu: quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc); đều “làm chủ” (phương pháp dân chủ thực hiện mục tiêu) một cách “thật sự” (nguyên tắc pháp quyền bảo đảm đạt được mục tiêu).

Dân chủ thật sự là gắn với việc “mở rộng dân chủ” [8]; tức mở rộng từ phương pháp “thực hành dân chủ” (tương tự như hai từ: dân, chủ) sang nguyên tắc “thực hành dân chủ rộng rãi” [1, t. 15, tr. 622] (tương tự như ba từ: dân, chủ, và rộng rãi).

Dân chủ thật sự có mô hình cấu trúc như sau: dân chủ trực tiếp (bản chất: nhân dân bầu ra Quốc hội) – dân chủ thật sự (thực chất: nhân dân bầu, cử ra chính quyền một cách thật sự) – dân chủ gián tiếp (tính chất: nhân dân cử ra Chính phủ).

Từ mô hình cấu trúc nêu trên cho thấy, khái niệm dân chủ là gắn với khái niệm dân sự (phi bạo lực). Đối lập với dân sự là khái niệm quân sự (bạo lực). Chính quyền dân chủ là gắn với “chính quyền dân sự” – chính quyền không sử dụng bạo lực, mà chỉ sử dụng pháp luật (Hiến pháp, các đạo luật) để bảo vệ “sự thực và công lý” [1, t. 4, tr. 82], bảo đảm các quyền của nhân dân.

Theo đó, trong chính quyền dân sự ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là không thể giữ vai trò lãnh đạo; bởi vì, cụm từ “cộng sản” là không khoa học (không thật) [3]. Người sử dụng cụm từ cộng sản là người không chân thật trong tư duy (tư tưởng) và hành vi (hành động). Do vậy, Đảng Cộng sản nếu muốn tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền trong chính quyền dân sự của quốc gia thì trước hết, cần phải thay đổi tên đảng, hoặc người đứng đầu đất nước, Chính phủ (Chủ tịch nước, Thủ tướng) cần phải “đứng ra ngoài mọi đảng phái” [1, t. 4, tr. 187].

Ba là, xây dựng “xã hội dân chủ pháp quyền phát triển” bền vững thật sự ở Việt Nam [9].

Xã hội là khái niệm nói về cộng đồng người trong “quốc gia” – “nước” (tổ quốc) bao gồm các tổ chức chính trị (đảng chính trị), xã hội (xã hội dân sự), và thể chế, pháp quyền (pháp luật, chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân).

Khái niệm xã hội, dân chủ, pháp quyền, phát triển bền vững là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối liên hệ giữa chúng, thì khái niệm xã hội phát triển bền vững thật sự được nhìn nhận là mục tiêu, khái niệm dân chủ là phương pháp thực hiện mục tiêu, còn khái niệm pháp quyền là nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu.

Xã hội phát triển là khái niệm biểu hiện của tri thức khoa học (tri thức thật - chân thật); còn cụm từ “xã hội chủ nghĩa” là biểu hiện của tri thức không khoa học (tri thức không thật – giả dối). Do vậy, tên “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” xác định tại Điều 1 Hiến pháp năm 2013 cần phải được sửa đổi để bảo đảm tính khoa học (thật), từ đó có thể xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Xây dựng xã hội dân chủ pháp quyền phát triển bền vững thật sự ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện hai giải pháp một và hai được nêu ở trên. Cùng với hai giải pháp đó, giải pháp này chính là các biện pháp thật sự vừa phòng, vừa chống ba phải để có đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam hiện nay.

………………..

Tài liệu trích dẫn:

[1] CD-ROM Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va – 1978, t. 44, tr. 196.

[3] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ThanLinhPhapQuyen.html

[4] http:/www.viet-studies.net/kinhte/ChuSon_PhatGiaoMienTrung_II_1.html

[5] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng.

[6] Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

[7] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ViSaoCachMangNgaThatBai.html

[8] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/ngay-8-thang-3-ngay-phu-nu-nghi-ve-mo-rong-dan-chu-292756.html

[9] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_BaoVeChuQuyen.html