Việt Nam Thời Báo

26-9-18

 

Nguyễn Thiện Nhân sẽ ngồi vào ghế Trần Đại Quang?

Minh Quân

 

(VNTB) - Trong số những gương mặt được dư luận chung cho là có tiềm năng nhất để ngồi vào chiếc ghế của quan chức vừa qua đời Trần Đại Quang, Ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân luôn là phương án ‘sáng giá’ nhất.

Bản tính ‘ngoan hiền dễ bảo’ và có lẽ quan trọng hơn cả là tính cách ‘trung lập chính trị’ của ông Nhân đã khiến các phe phái chính trị đều tương đối hài lòng một khi cuộc đấu không thể chọn lựa được người của phe phái nào. ‘Truyền thống’ này cũng đã xảy ra ở nhiều đại hội đảng, đặc biệt trong những đại hội đã phải lựa chọn các chủ tịch quốc hội là Nông Đức Mạnh và sau đó là Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.

Vào tháng Năm năm 2017, trong bối cảnh đang ‘ủ ê’ ở cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân bất ngờ được Tổng bí thư Trọng chỉ định làm bí thư thành ủy TP.HCM để thay cho viên bí thư vừa bị phế truất là Đinh La Thăng. Buồn ngủ gặp chiếu manh - như tục ngữ Việt Nam, đó là giấc mơ quá lớn của ông Nhân, đặc biệt Sài Gòn lại là nơi mà gia đình ông ở đó. Thế là chỉ trong một sớm một chiều, Nguyễn Thiện Nhân đã ‘Tiến về Sài Gòn’.

Thế nhưng sắp tới, rất có thể ông Nhân sẽ phải khăn gói lặn lội ra Hà Nội một lần nữa để làm chủ tịch nước - một chức vụ được xem là ‘chỉ có tiếng không có miếng’ mà có thể vài quan chức được xem là ứng cử viên không mấy thèm muốn, đặc biệt là những quan chức đã ‘có miếng’ bên khối chính phủ. 

Cách đây tròn một con giáp, cũng Nguyễn Thiện nhân được điều ra Hà thành làm Bộ trưởng bộ giáo dục và Đào tạo, sau đó là Phó thủ tướng chính phủ và đã kết thúc hai vị trí này hoàn toàn mờ nhạt.

“Một bí thư thư Thành Ủy vô danh vô diện” - trong một bài viết vào năm 2017, tờ Asia Times đã rút cái tít mỉa mai chưa từng có như vậy cho một bài bình luận chính trị của nhà báo David Hutt.

“Ông Nhân được cho là không phù hợp với công việc. Thời gian làm bộ trưởng Bộ Giáo Dục nhìn chung là thất bại cho dù có những hy vọng ban đầu rằng ông có thể mang lại sự tinh tế về quản lý. Kết quả là ông ta đã bị trả về lại trung ương và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng, một vị trí có tiếng nhưng ít quyền hạn” - David Hutt nhận định và gọi ông Nhân là “người ba phải.”

Về thực chất, Nguyễn Thiện Nhân đã chuyển từ tư thế “nói nhiều làm ít” sang “khép miệng” đối với rất nhiều vấn đề nước sôi lửa bỏng trong các lĩnh vực mà ông phụ trách.

Rất nhiều người hâm hộ và ủng hộ ông trước đó đã chuyển sang tâm thái thất vọng. Sau thất vọng là chỉ trích. Ngay cả những người còn giữ được cái nhìn về một Nguyễn Thiện Nhân “trí thức” và “sạch” cũng đâm ra hoài nghi về năng lực hành động của ông.

Nếu một người đã giữ được tâm thế không dám nói hoặc dám nói nhưng chẳng dám làm gì trong suốt một thập niên ngụp lặn nơi chính trường, sẽ có lý do thúc bách nào để nhân vật đó phải mở miệng hay hành động vào cái thời “thiên hạ đại loạn” cùng rủi ro quan chức vọt đến mức cao nhất?

Có thể cho rằng ưu điểm của Nguyễn Thiện Nhân từ khi về Sài Gòn làm bí thư Thành Ủy vào Tháng Năm năm 2017 là lắng hẳn so với thói ồn ào khoa trương của đời bí thư trước là Ðinh La Thăng. Nhưng hơn một năm sau khi nhậm chức, ông Nhân lại chưa chứng minh được bất kỳ kết quả thực tế nào, ngoài vài ba tư duy quá trừu tượng như “đưa TP.HCM trở thành Thung Lũng Silicon,” “TP.HCM trở thành thành phố thông minh,” “kiến nghị nâng gấp đôi lương công chức TP.HCM”… hệt thời “đào tạo 2 vạn tiến sĩ” ở ngành giáo dục. Ngoài ra, ông còn chẳng động tay cải thiện chút nào tình hình điểm nóng khiếu tố Thủ Thiêm.

Nguyễn Thiện Nhân đến khu Thủ Thiêm 'thăm' dân oan giữa một vòng bảo vệ của công an thường phục - một hình ảnh rất tiêu biểu cho giai cấp 'tư bản đỏ'. 

Song một mâu thuẫn kinh khủng ở Việt Nam trong rất nhiều năm qua là chỉ cần “ngoan hiền dễ bảo” là “cứ thế đi lên.” Nếu trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đã có tin về Nguyễn Thiện Nhân có thể được “ngồi” ghế chủ tịch nước, sẽ không quá ngạc nhiên nếu sang sắp tới Tổng bí thư Trọng chọn ông Nhân cho vị trí này. Và nếu sự thể diễn ra đúng như thế, Nguyễn Thiện Nhân sẽ có cơ hội phát huy năng lực và cũng là sở đoản gần như duy nhất của ông từ trước tới nay: nói tiếng Anh với người nước ngoài không cần thông qua phiên dịch.

Chắc chắn là trên cương vị chủ tịch nước, Nguyễn Thiện Nhân sẽ khiến giới chính khách nước ngoài phải ngả mũ thán phục vì vốn liếng tiếng Anh ấy.