Việt Nam 2017: Họa nhiều hơn phúc

Nguyễn Quang Dy

 

Năm 2017 sắp kết thúc. Vài tuần chỉ trong “chớp mắt”, thời gian nhanh tựa tên bay. Nhanh hay chậm chắc không phải do thời gian bị rút ngắn, mà do tâm thức con người. Tư duy truyền thống không thể theo kịp các sự kiện bất thường và hệ quả bất định. Có lẽ đã đến lúc điểm lại các sự kiện quan trọng trong một năm “họa nhiều hơn phúc”, để nhìn lại bức tranh toàn cảnh với nhiều gam màu hỗn độn, hy vọng nhìn thấy lối thoát cuối đường hầm.  

Bối cảnh chiến lược

Dù tính theo “năm nhuận” (thừa một tháng) hay tính theo năm tài khóa (thiếu hụt ngân sách trầm trọng), thì năm 2017 là một năm “họa nhiều hơn phúc”, theo nhiều nghĩa. Với thế giới, đó là năm thứ nhất của tổng thống Donald Trump. Hiện tượng Trumpism là bước ngoặt lớn đánh dấu cuộc khủng hoảng thể chế chính trị trầm trọng nhất của Mỹ (kể từ thời nội chiến), đồng thời báo hiệu quá trình đảo lộn trật tự thế giới (kể từ sau Đại chiến II).

Trong khi Brexitism và làn sóng tị nạn Hồi giáo làm Châu Âu giật mình hoảng loạn, khẩu hiệu “Nước Mỹ Trước” và “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump, hay “Giấc mộng Trung Hoa” và “Một vành đai Một con đường” của Tập Cận Bình, đang làm đảo lộn trật tự thế giới, gây bất an tại Châu Á và Biển Đông. Trong khi Duterte xoay trục sang Trung Quốc, làm ASEAN phân hóa,  thì Việt Nam bỗng nhiên trở thành đối tác chiến lược “trên thực tế” của Mỹ (thay Philippines) tuy Việt Nam chưa phải đồng minh hay đối tác chiến lược của Mỹ.

Trong khi Mỹ triệt thoái khỏi sân chơi toàn cầu hóa, bỏ rơi các cam kết truyền thống với đồng minh, để quay về với “chủ nghĩa biệt lập” và “chủ nghĩa dân tộc”, thì Trung Quốc tranh thủ cơ hội lấn sân trên toàn cầu, lôi kéo các đồng minh của Mỹ, thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ tại những khu vực có tầm quan trọng chiến lược (như Biển Đông). Trump làm cho uy tín của Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Theo một khảo sát của “Pew Research Center” (trong 6 tháng 2017), tỷ lệ ủng hộ Mỹ đã giảm 15 điểm (từ 64% xuống 49%). (Year One: Trump’s Foreign Affairs, Jonathan Freedland, New York Review of Books, November 16, 2017).

Một năm qua, thế giới đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều, đảo lộn trật tự thế giới và các giá trị truyền thống, làm thật giả lẫn lộn. Bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung-Việt càng phức tạp, khi các quân cờ chuyển động bất thường, nhất là tại Biển Đông và ASEAN. Trong khi đó, luật chơi cũng đang thay đổi, làm cho nhiều người trong cuộc bị động và bất ngờ, chưa rõ bàn cờ mới là loại cờ gì (cờ vua hay cờ vây). Trong bối cảnh đó, Việt Nam năm 2017 đã sa vào thế “mắc kẹt” về chiến lược, nên phải “đối phó một cách tạm bợ” (hedging in limbo).  

Bức tranh chính trị

Về chính trị, đó là năm thứ hai kể từ Đại hội 12 của Đảng CSVN (20-28/1/2016), cho đến Đại hội 19 của Đảng CSTQ (18-24/10/2017). Đó là hai sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất tại hai nước láng giềng “môi hở răng lạnh”, ràng buộc bởi “mười sáu chữ vàng” (như cái vòng kim cô) nên “cùng chung vận mệnh” (lời Lưu Vân Sơn). Trong khi Đại hội 12 đầy kịch tính đã quyết định để ông Nguyễn Phú Trọng kéo dài thêm một nửa nhiệm kỳ tổng bí thư, đẩy mạnh chống tham nhũng và bắt đầu thời kỳ “Hậu Dũng”, thì Đại hội 19 đã khẳng định vị trí độc tôn của ông Tập Cận Bình (ngang với Mao), với “tư tưởng Tập Cận Bình” được ghi vào Điều lệ Đảng, và “CNXH với đặc sắc Trung Quốc” bước vào “kỷ nguyên mới”.

Tại Đại hội 12, trong khi phe đảng của ông Nguyễn Phú Trọng thắng thế thì phe chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng thất bại (phải về vườn làm “người tử tế”). Tuy Đại hội Đảng ủng hộ Việt Nam tham gia TPP (như một điểm sáng), hy vọng cứu cánh cho nền kinh tế (bằng ngoại lực) nhưng lại chưa ủng hộ đổi mới thể chế (bằng nội lực) như báo cáo “Việt Nam 2035”. Phát biểu của bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại Đại hội 12 về yêu cầu đổi mới (vòng hai) như “tiếng kêu cuối cùng của con thiên nga” (swan song) trước khi hạ cánh.

Vì chủ trương cải cách nửa vời, vẫn duy trì “định hướng XHCN” và vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nên “chính phủ kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ. Sau khi ông Trump quyết định rút khỏi TPP, Việt Nam mất cái phao cứu sinh, làm nguy cơ “sụp đổ tài khóa” (như ông Phúc cảnh báo) trở thành hiện hữu. Trong khi triển vọng TPP-11 (hay CPTPP) vẫn còn mù mịt, vì Canada dọa rút tại APEC Đà Nẵng, thì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin làm Đức nổi giận, triệt tiêu triển vọng về EVFTA. Cuối cùng, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng “xôi hỏng bỏng không” vì “già néo đứt dây”.       

Tranh giành quyền lực và đấu tranh phe phái vẫn tiếp diễn từ sau Đại hội 12, như những đợt sóng ngầm lên xuống bất thường, nhưng chỉ để “bắt mèo dọa hổ”, chứ chưa đụng đến mãnh hổ (tuy mất chức nhưng vẫn còn nanh vuốt). Chiến dịch chống tham nhũng tuy bắt chước Trung Quốc, nhưng vẫn nửa vời nên kém hiệu quả, cả về quy mô và mức độ quyết liệt. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (7/2017) đánh dấu một cao trào có vẻ quyết liệt, nhưng lại đặt lợi ích tranh giành quyền lực và đấu tranh phe phái (trước mắt) cao hơn lợi ích quốc gia (lâu dài). Làm mất lòng Đức là đối tác chiến lược quan trọng nhất Châu Âu, phản ánh tư duy đơn giản (du kích), với tầm nhìn thiển cận và lỗi thời (như thời chiến tranh lạnh).   

Các sự kiện bất thường

Thứ nhất là vụ khủng hoảng con tin đầy kịch tính tại xã Đồng Tâm. Từ 15/4/2017, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người (chủ yếu là cảnh sát cơ động) làm con tin để trao đổi lấy những người của họ bị chính quyền bắt cóc. Tuy cuộc khủng hoảng này đã được tháo ngòi kịp thời, tránh được xung đột đẫm máu, nhưng hệ quả của việc chiếm đoạt đất đai thô bạo và thất tín với dân vẫn kéo dài, làm mất lòng tin của dân đối với chính quyền.

Thứ hai là vụ khủng hoảng dầu khí Repsol. Từ giữa tháng 6/2017, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đối đầu với lực lượng “hải cảnh” quá mạnh của Trung Quốc tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank), khi Trung Quốc đòi Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) dừng khoan tại lô 136-03, thuộc chủ quyền của Việt Nam (bên rìa “đường chín đoạn”). Trước sức ép của Trung Quốc (đe dọa tấn công Trường Sa), Việt Nam đã phải yêu cầu Repsol dừng khoan lâu dài (24/7/2017) và chịu đền bù thiệt hại (ít nhất $27 triệu). Theo Bill Hayton (BBC), “Hà Nội đã đầu hàng vì Washington bỏ rơi Việt Nam, để mất Biển Đông vào tay Trung Quốc” (Bill Hayton, The Week Donald Trump Lost the South China Sea”, Foreign Policy, July 31, 2017).

Thứ ba là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau khi phía Đức chính thức thông báo Trịnh Xuân Thanh đã bị phía Việt Nam bắt cóc tại Berlin (23/7/2017) để đưa về Việt Nam, quan hệ ngoại giao Việt-Đức đã bị khủng hoảng. Nếu Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức, không chỉ quan hệ Việt-Đức mà cả hiệp định thương mại tự do EVFTA cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 22/9/2017, Bộ ngoại giao Đức thông báo “tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” và trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam thứ hai. 

Thứ tư là thiên tai và nhân họa nghiêm trọng từ Bắc vào Nam, vừa do biến đổi khí hậu (thiên tai) vừa do tàn phá rừng đầu nguồn, làm thủy điện tràn lan, phải xả lũ (nhân họa). Riêng cơn bão số 12 có tên “Damrey” (nghĩa là “con voi”) đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa (4/11/2017) đã làm 91 người chết, sụp đổ 1.500 ngôi nhà, đắm 1.300 tàu thuyền, thiệt hại lớn về người và của tại các tỉnh Nam Trung Bộ (theo VietnamNet, 9/11/2017). Trong khi đó, tai họa môi trường biển miền Trung do dự án Formosa gây ra, vẫn còn như một cơn ác mộng, không chỉ đe dọa hủy hoại môi trường biển, mà còn là hiểm họa lớn về an ninh quốc gia. Đó là một “quả bom nổ chậm” vẫn chưa được tháo ngòi, có thể gây ra đại họa bất cứ lúc nào.

Thứ năm là tổng thống Trump đến Việt Nam dự họp APEC (Đà Nẵng, 10/11/2017) và thăm chính thức (Hà Nội, 11-12/11/2017). Theo báo Diplomat, chuyến đi Châu Á của Trump có ba mục tiêu chính. Thứ nhất là răn đe và cô lập Bắc Triều Tiên, nhằm giảm thiểu đe dọa hạt nhân. Thứ hai là đặt nền tảng cho quan hệ thương mại song phương, nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại. Thứ ba là tuyên bố tầm nhìn mới về “khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa” (The Policy Significance of Trump’s Asia Tour, Roncevert Ganan Almond, Diplomat, November 18, 2017). Trong diễn văn đọc tại APEC, Trump đã đề cập đến tầm nhìn “Indo-Pacific” tới 11 lần. Nhưng trong Tuyên bố Chung (14 điểm) Trump chỉ đề cập đến Biển Đông ở gần cuối (điểm 13) và chỉ nhắc qua đến vấn đề nhân quyền. Nhưng “lạ nhất” là Trump đề nghị làm trung gian hòa giải tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. (Trump Is Causing Conflict by Playing Peacemaker, Bill Hayton, Foreign Policy, November 14, 2017).    

Câu chuyện Cá Voi Xanh

Tiếp theo vụ Repsol, vụ Trịnh Xuân Thanh làm bức tranh kinh tế và chính trị của Việt Nam càng ảm đạm. Nhưng một sự kiện khác còn nghiêm trọng hơn, là dự án khí Cá voi Xanh (tại lô 118) với hợp đồng ExxonMobil trị giá $10 tỷ, dự kiến công bố triển khai vào dịp họp cấp cao APEC, cũng đã bị hoãn lại. Liam Mallon (chủ tịch Exxon Mobil Development) đã thông báo trong một cuộc họp tại APEC (7/11/2017) là họ “cần hoãn quyết định cuối cùng về đầu tư đến năm 2019 để đạt được các thỏa thuận cụ thể” (“Will China Scuttle ExxonMobil’s South China Sea Gas Project With Vietnam?” Gary Sands, Diplomat, November 16, 2017).

Đó là dự án lớn có ý nghĩa chiến lược, cả về kinh tế lẫn chủ quyền quốc gia. Nếu dự án này hoạt động thì ngân sách sẽ có thêm $20 tỷ, và nguồn khí đốt cho bốn nhà máy điện mới tại Quảng Nam (dự kiến đi vào hoạt động năm 2023). Alexander Vuving cho rằng ExxonMobil hoãn triển khai là “để tìm kiếm điều kiện đầu tư tốt hơn chứ không phải đầu hàng Trung Quốc” (to seek better investment terms than a kowtow to Beijing). Vuving lập luận, “nếu họ không muốn chọc giận Trung Quốc làm ảnh hưởng tới APEC, thì chỉ cần hoãn một thời gian ngắn, chứ không phải đến tận 2019”. (If they did not want to anger China and disrupt APEC, they would postpone it for a while, but not until 2019). (Diplomat, November 16, 2017).

Tuy nhiên, theo Vuving, chính sách của Mỹ đối với Châu Á có thể “quá yếu để đối phó với Trung Quốc” (too weak to counter China). Người ta cho rằng chính sách đối ngoại của Trump dựa trên “Nước Mỹ Trước” sẽ “quá ích kỷ về kinh tế để đối phó với bá quyền của Trung Quốc đang tăng lên” (too economically self-interested to counter growing Chinese hegemony). Dù sao, dự án Cá voi Xanh của ExxonMobil cũng an toàn hơn dự án Repsol (Tây Ban Nha) và OVL (Ấn Độ) vì chỉ cách bờ biển 88km và nằm ngoài “đường chín đoạn”. Quy mô và giá trị kinh tế/chiến lược của nó lớn hơn và thế lực của ExxonMobil trên thế giới cũng lớn hơn, nhất là hiện nay Rex Tillerson (nguyên chủ tịch ExxonMobil) đang làm ngoại trưởng Mỹ. Tương lai của dự án này phụ thuộc vào chiến lược mới về “khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa”.  Trong khi tàu sân bay Mỹ sẽ đến Cam Ranh năm 2018, thì Cá voi Xanh lùi đến 2019. Trong bối cảnh đó, liệu Việt Nam và Ấn Độ có dám thách thức Trung Quốc (tại lô 118)?

Đúng lúc Việt Nam đang cần cả tàu sân bay (cái gậy) và Cá voi Xanh (củ cà rốt) để thoát hiểm, thì chiến lược “Indo-Pacific” còn đang là tầm nhìn và “giấc mơ”. Trong khi Việt Nam đang hy vọng có thể sớm khai thác dầu khí để bù đắp vào thiếu hụt ngân sách trầm trọng hiện nay, thì vụ khủng hoảng Repsol (và quyết định hoãn binh của Cá voi Xanh) làm hy vọng đó tắt ngấm. Hiện nay, bức tranh tài chính và ngân sách của Việt Nam rất nan giải, vì nguồn vay ODA ưu đãi (từ World Bank và các nhà tài trợ lớn khác) đã cạn kiệt, trong khi Việt Nam hàng năm phải thanh toán $10-12 tỷ nợ đến hạn, phải chi thường xuyên cho bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ, đầu tư công kém hiệu quả nhưng thất thoát và tham nhũng tràn lan.   

Tầm nhìn mới hay “trở về tương lai”

Sau khi Shinzo Abe thắng cử, Nhật có thể đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc chiến lược mới tại Châu Á, trong khi Ấn Độ (chính phủ Modi) và Úc (chính phủ Turnbull) cũng mạnh dạnh hơn, sẵn sàng tham gia. Ý tưởng về liên minh chiến lược bốn bên gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc có cơ hội  để hình thành (tuy là “bình mới rượu cũ”). Một lý do khiến các nước khu vực lo ngại, muốn thúc đẩy và tham gia sân chơi này, vì Trump bị ám ảnh bởi đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, và ảo tưởng vào sự hợp tác của Trung Quốc, có thể dẫn đến một thỏa thuận ngầm Trung-Mỹ (theo khuôn khổ “G2”), làm tăng thêm nguy cơ Trump sẽ nhân nhượng chứ không chống lại ý đồ bành trướng của Bắc Kinh, phương hại đến lợi ích an ninh của các nước Đông Á và ASEAN (trong đó có Việt Nam). Tại Tokyo, Abe đã cố thuyết phục Trump trở lại với TPP, nhưng Trump đã bác bỏ và chỉ muốn thương mại song phương với các nước trong khu vực (Indo-Pacific). Tuy nhiên các nước khu vực không hoan nghênh, vì lo ngại Mỹ vô hình trung (inadvertently) giúp Trung Quốc có cơ hội thực hiện ý đồ của họ (A post-American Asia looms larger on the horizon, Robert Manning, Nikkei Asian Review, November 17, 2017). 

Khi Donald Trump đọc diễn văn tuyên bố tầm nhìn mới về khu vực Indo-Pacific tại APEC (Đà Nẵng, 10/11/2017), chắc Shinzo Abe mỉm cười vì đó là ý tưởng của mình về “Đối thoại Chiến lược Bốn bên” (QSD) nay được Trump lấy làm tầm nhìn của Mỹ. Dù muốn hay không, Nhật đang “trở về tương lai” (back to the future) để phục hồi liên minh chiến lược bốn bên cũ, nhưng với một tầm nhìn mới về khu vực Indo-Pacific. Người ta mong đợi Nhật có vai trò lớn hơn trong liên minh chiến lược gồm bốn nước có cùng lợi ích và tầm nhìn, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ. Nhưng lúc này, chắc các nước đó cũng cần mềm mỏng, tránh khiêu khích làm Trung Quốc tức giận đối địch. Có lẽ vì vậy mà ông Abe đã tỏ ra mềm mỏng để hòa giải với ông Tập sau khi ông Trump tuyên bố tầm nhìn mới về Indo-Pacific tại Đà Nẵng.   

Theo Alexander Vuving, cơ sở cho một khuôn khổ hợp tác chiến lược tại Châu Á phải bao gồm ba yếu tố thiết yếu (three critical factors). Thứ nhất là phải có một hiệp định tự do thương mại (như TPP); Thứ hai là phải dựa trên pháp luật (như phán quyết của PCR về Biển Đông); Thứ ba là phải có đối tác chiến lược (làm nòng cốt cho “Asia Pivot” hay “Indo-Pacific” concept). Trong bối cảnh TPP đã bị Trump bỏ rơi, và nhân tố bất ổn định của Trump là một chuyện đã rồi (có thể kéo dài thêm 3-4 năm nữa), thì chiến lược “tham dự và phòng ngừa” (engage and hedge) cần chuyển hóa thành “tái cân bằng và chia sẻ” (rebalance and share).

Alexander Vuving cho rằng, tuy vừa rồi Tập cố gắng lấy lòng Trump, nhưng quan hệ Trung-Mỹ về cơ bản không có gì thay đổi. Quan hệ đó sẽ được thử thách tại Manila khi Trump gặp lãnh đạo bốn nước đồng minh trong “bộ tứ liên minh chiến lược” (Quadrilateral strategic alliance) với tầm nhìn “khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa”.  Tuy Nhà Trắng vẫn có thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhưng người ta hy vọng chính quyền Trump sẽ có một chiến lược nhất quán hơn cho khu vực Indo-Pacific. Trong đó, việc lôi kéo Ấn Độ tham gia chặt chẽ hơn với các đối tác chiến lược chính tại Asia-Pacific (như Mỹ, Nhật, Úc) dựa trên các giá trị dân chủ, là thiết yếu để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc. (Trump Lost Sight of His Promising Asia Vision, Hal Brands, Bloomberg, November 16, 2017).

Trong khi đó Ely Ratner tin rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn, do ba yếu tố. Thứ nhất, dù muộn nhưng chính quyền Trump đang bổ nhiệm nhân sự phụ trách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Thứ hai, chính sách về Trung Quốc đang hình thành, có hai tài liệu cơ bản đáng chú ý là “Chiến lược Quốc phòng” (National Defense Strategy) và “Chiến lược An ninh Quốc Gia” (National Security Strategy), đều coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược số một” (first and formost strategic competitor).  Thứ ba, chính trị nội bộ đòi hỏi chính quyền Trump cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nhiều nhân vật trong Quốc hội chỉ trích Trump là “hổ giấy”, không làm gì được Trung Quốc. Xu hướng chung muốn chống lại chứ không chấp nhận Trung Quốc bành trướng. (Trump’s coming hard line on China, Ely Ratner, Lowy, November 21, 2017).   

Biển Đông và hơn thế nữa

Từ giữa năm 2014 đến nay, Biển Đông đã biến thành một điểm nóng như “thùng thuốc súng”, có thể dẫn đến đối đầu và xung đột. Người ta xếp Biển Đông chỉ sau Bán đảo Triều Tiên (trên  cả Đài Loan). Nguy cơ chiến tranh Biển Đông không chỉ là dự báo, mà có thể trở trở thành hiện thực bất kỳ lúc nào (sau năm 2017).  Chỉ nửa tháng sau vụ khủng hoảng Epsol tại Bãi Tư Chính, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã vội vã đi thăm Mỹ để hội đàm với Bộ Trưởng quốc phòng James Mattis, và nhận được lời hứa của phía Mỹ sẽ cho một tàu sân bay đến thăm Việt Nam, dự kiến cập cảng Cam Ranh năm 2018, như một cách răn đe.

Việc chính quyền Trump tăng cường tuần tra Biển Đông (FONOP) tiếp tục các hoạt động tương tự của chính quyền Obama theo cách “đi qua vô hại” (innocent passage) chỉ là động tác chiến thuật, có giá trị trấn an về tâm lý (như uống thuốc an thần), chứ không có giá trị chiến lược để răn đe thực sự. Tuy Trung Quốc phản đối (chiếu lệ) nhưng các hoạt động FONOP của Mỹ tại Biển Đông không đủ răn đe làm Trung Quốc phải cân nhắc lại tham vọng và ý đồ của họ. Việc Mỹ cho tàu sân bay đến Việt Nam cũng có thể như vậy. Sau đại hội đảng 19, với quyền lực mới được củng cố, Tập Cận Bình có thể mạnh tay hơn tại Biển Đông, tiếp tục quân sự hóa các cứ điểm họ chiếm đóng tại Hoàng Sa, Trường Sa (và bãi cạn Scarborough của Philippines), đe dọa các cứ điểm của Việt Nam tại Trường Sa (và có thể cả Cam Ranh), nhằm làm vô hiệu hóa các hoạt động FONOP và tập trận của Mỹ và đồng minh tại Biển Đông.

Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, mặc dù có hơn một chục “đối tác chiến lược”, với chủ trương “làm bạn với tất cả” và “thêm bạn bớt thù”.  Thật là một nghịch lý khó hiểu và tai hại (như lấy súng tự bắn vào chân mình) khi người Việt đã làm cho người Đức nổi giận qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bất chấp chủ quyền quốc gia Đức và luật quốc tế. Hành động thô bạo đó, cũng như thái độ ứng xử vụng về và ngạo mạn sau đó, buộc Đức phải quyết định “tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam”. 

Tại sao người Việt lại ứng xử vụng dại như vậy, tuy biết Đức là đối tác chiến lược quan trọng nhất Châu Âu, có vai trò quyết định đối với EVFTA? Càng khó giải thích tại sao người Việt sợ người Trung Quốc nổi giận trừng phạt nên phải quỵ lụy trước họ về đủ mọi thứ, từ dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai, đến dự án thép Formosa làm hủy hoại môi trường nghiêm trọng, cho đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, và gần đây phải nuốt nhục dừng khoan dầu khí tại bãi Tư Chính (lô 136-03), khi họ đe dọa tấn công Trường Sa. Tại sao người Việt mình lại coi thường người Đức, trong khi sợ người Trung Quốc đến như vậy?   

Thay lời kết

Người Đức cho rằng văn hóa ứng xử thiếu văn minh đó chỉ có thể thấy trong các bộ phim hành động thời chiến tranh lạnh. Người Việt không chỉ coi thường Đức mà còn coi thường cả Mỹ. Trước đây họ dám qua mặt Obama, nhưng nay lại sợ Trump. Phải chăng giữa Obama và Trump có sự khác biệt, không phải chỉ về phong cách cá nhân, mà còn về bản chất chính trị và chính sách. Dưới thời Obama, chắc người Việt cảm thấy “dễ chơi” nên coi thường, không tranh thủ cơ hội. Đến thời Trump, chắc người Việt cảm thấy “khó chơi” nên sợ (trừ vấn đề nhân quyền). Có lẽ đó là thói quen ứng xử “mềm nắn rắn buông” và “khôn nhà dại chợ”.  

Thế giới đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Nếu ta thay đổi quá chậm và quá ít (too little too late) thì cũng vô nghĩa và vô vọng. Nếu Việt Nam tiếp tục hành xử (cả đối nội và đối ngoại) bằng tư duy và hệ điều hành đã lỗi thời, thì sẽ bị lạc trong một thế giới mới bất an và bất định. Việt Nam đang bí cờ và bị động, vừa phải đối phó với Trung Quốc, vừa phải cầu cạnh Mỹ hỗ trợ, đành tiếp tục đu dây cho qua ngày (hedging in limbo). Chưa bao giờ khẩu hiệu “đổi mới hay là chết” lại cấp bách như bây giờ. Những gì đang diễn ra tại Venezuyela và Zimbabwe là một hồi chuông cảnh báo (về quy luật “cùng tắc biến”). Nếu Trung Ương 6 vẫn cố trì hoãn để giữ nguyên hiện trạng, thì Trung Ương 7 là cơ hội cuối cùng trước khi quá muộn, để Đại hội Giữa kỳ (2018) trở thành cơ hội và bước ngoặt cho Việt Nam đổi mới “vòng hai”.

Nguyễn Quang Dy
22-11-17

Tham khảo

1. The Week Donald Trump Lost the South China Sea, Foreign Policy, July 31, 2017.

2. Trump Is Causing Conflict by Playing Peacemaker, By Bill Hayton, Foreign Policy, November 14, 2017

3. Year One: Trump’s Foreign Affairs, Jonathan Freedland, New York Review of Books, November 16, 2017

4. Will China Scuttle ExxonMobil’s South China Sea Gas Project With Vietnam?” Gary Sands, Diplomat, November 16, 2017

5. Trump Lost Sight of His Promising Asia Vision, Hal Brands, Bloomberg, November 16, 2017

6. A post American Asia looms larger on the horizon, Robert Manning, Nikkei Asian Review,  November 17, 2017

7. The Policy Significance of Trump’s Asia Tour, Roncevert Ganan Almond, Diplomat, November 18, 2017.

8. Trump’s coming hard line on China, Ely Ratner, Lowy, November 21, 2017

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-11-17