Người Việt
3 November 2018

Hớt tóc, lấy ráy tai, một nghề đang bị ‘thất truyền’ tại Little Saigon

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Với các ông gốc Việt sành điệu, đi hớt tóc không chỉ đơn thuần là đi hớt tóc. Đi hớt tóc đúng nghĩa là hớt tóc, cạo mặt và lấy ráy tai mới đủ bộ.

Là một “cao thủ” trong làng hớt tóc tại Little Saigon, ông Trần Thế bước từ vị thế thợ hớt tóc lên bậc “thầy” vì ông là một trong vài lão làng có khả năng vừa hớt tóc, cạo mặt và lấy ráy tai từ nhiều năm qua.

Vừa bước vào “Tran The Barber & Salon” của ông trên đường Euclid, Garden Grove, người ta cảm nhận ngay được không khí thoải mái, thân thiện toát ra từ ông chủ Trần Thế.

Làm mặt nghiêm trọng, phóng viên nhật báo Người Việt bước vào tiệm hớt tóc Trần Thế và hỏi ở đây có hớt tóc không. Thay vì bực bội hay khó chịu vì câu hỏi ngớ ngẩn và vô duyên, ông Thế tươi cười trả lời: “Có chứ.”

Câu hỏi kế là ông có giấy phép cạo mặt không. Ông Thế vẫn tươi tỉnh: “Dĩ nhiên là phải có giấy phép chứ.”

Và câu hỏi kế tiếp là “State board” có cho ông lấy ráy tai không. Vẫn với nụ cười trên môi, ông Thế thân thiện trả lời: “Họ không chính thức khuyến khích tui lấy ráy tai, nhưng họ không hề cấm. Anh biết đó, ở Mỹ này, làm cái gì mà ‘State board’ không đồng ý thì không thể làm lâu được. Mà tui ở tiệm này đã hơn 20 năm rồi.”

Thực ra, tiệm Trần Thế đã ở địa chỉ này 23 năm rồi. “Tui mở tiệm này hồi Tháng Mười năm 1995,” ông Thế nói.

Ông thêm: “Nhiều người ngoại quốc hỏi tui lấy ráy tai có ảnh hưởng tới màng nhĩ không. Dứt khoát là không. Vì tôi chỉ làm việc ở một phần ba phía ngoài, còn cách xa màng nhĩ tới hai phần ba.”

Tiệm ông, từ lúc mở cửa tới lúc đóng, lúc nào cũng có khách đợi. Không khoe khoang, ông chỉ cười xuề xòa: “Chẳng qua là vì tui làm chậm quá thôi. Tính tui rất cẩn thận, thấy khách đợi thì tui có sốt ruột và có muốn làm cho lẹ để khách bớt tốn thời gian mà mình thì có tiền. Nhưng tui không thể làm ẩu được. Ở đây toàn là khách quen. Người ta đã tín nhiệm mình từ hồi nào tới giờ, thử hỏi, làm sao mà mình phụ lòng họ được.”

Hớt tóc thì khu Little Saigon có vô số tiệm, nhưng để hớt tóc trọn gói kiểu Việt Nam, người ta chọn tìm ông Trần Thế. Cao tay nghề lấy ráy tai, ông được nhiều bác sĩ ngành tai mũi họng giới thiệu khách đến. “Bởi vậy mới tức cười. Nhiều ông bác sĩ có lương tâm, thấy khách cần lấy ráy tai tốn tiền quá, giới thiệu họ tới tui.”

Để xác định điều này, Linh Mục Joseph Nguyễn ở Los Angeles nói: “Lần đó, nếu đi bác sĩ chuyên khoa tai, họ đòi tôi phải trả $300 hay $400. Tôi than không có tiền, ông ấy giới thiệu tôi đến đây. Làm xong, thấy tôi là linh mục, ông Thế chỉ tính có $10. Mấy chục năm nay, dù xa xôi, tôi chỉ tìm đến ông Thế.”

Khoảng trên dưới một tháng, Linh Mục Joseph lái xe từ Los Angeles xuống Little Saigon gặp ông Thế.

Bà Abigail Nguyễn ở Garden Grove cho biết cứ chừng hai tháng, bà phải ghé Trần Thế một lần. Bà trình bày: “Bác sĩ gởi tôi tới đây cách nay sáu năm. Lúc đầu tôi rất căng thẳng vì tiệm vừa toàn đàn ông, vừa sợ đau tai. Nhưng ông Thế rất ‘mát tay,’ vừa nhẹ nhàng, vừa kỹ lưỡng. Lần nào tới đây về, tôi đều như nghe rõ ràng hơn.”

Ông Lạng Lâm ở Garden Grove chia sẻ “kinh nghiệm” bằng giọng thì thầm: “Ông này rất thích ‘gò.’ Muốn ông ấy làm nhanh, lần nào tôi cũng nói là có việc phải đi gấp. Phải vậy ông ấy mới làm nhanh. Nhanh mà cẩn thận. Ông ấy lấy ráy tai sạch sẽ lắm. Tôi đã thử mọi nơi khác, rồi phải quay lại đây.”

Tùy theo trường hợp, giá tiền lấy ráy tai khác nhau, nhưng rất hợp lý. “Những người mà bác sĩ gởi tới đây đều là trường hợp nặng, cứt ráy đầy lỗ tai, đặc cứng, dài hơn một tấc. Thường thì tôi lấy chừng $40, $50. Còn khách thường thì ít hơn nhiều, chừng $15, $20 thôi. Linh mục thì phải có giá đặc biệt,” ông Thế nói.

Rất tự hào rằng trong suốt thời gian 23 năm hành nghề, ông đều đem thỏa mãn cho khách hàng. Ông nói: “Đừng nghĩ chỉ có đàn ông Việt Nam mới ghiền lấy ráy tai nha. Đàn bà cũng tới kiếm tui hoài. Còn người ngoại quốc, hễ đã tới tui là phải quay trở lại.”

Ông kể, có những khách ngoại quốc trở thành khách quen của ông là do tình cờ. “Một ông khách Mỹ trắng, đứng bên kia, nhìn vô thấy tui đang lấy ráy tay. Ông ấy hỏi một người đi ngang là tui đang làm gì. Tò mò, ông ấy vô thử cho biết. Biết rồi, hơn 10 năm nay, cứ hàng tháng là ông ấy quay lại tui,” ông Thế kể.

“Có lần, ông chồng một người khách của tui, thấy vợ cứ đòi tới tui hoài, đậu xe sát cửa, chạy ào vô đây, tính đánh ghen. Ai dè gặp tui già khằn, mắc cỡ bỏ về rồi từ đó không thèm thắc mắc gì với vợ nữa,” ông cười nói.

“Người ta có ba loại cứt ráy, khô, ướt và nửa ướt, nửa khô. Loại ‘dốt dốt’ là loại khó trị nhất. Làm nghề này, tui mới biết, khách Mỹ trắng có ráy ướt nhiều nhất và rất nặng mùi. Vừa lấy ra là ruồi bay vô liền. Lần nào cũng vậy,” ông kể thêm.

Ông Thế cho biết ông không phải độc quyền nghề này. Ngoài ông ra, ở Little Saigon còn có ông Hùng Nguyễn và ông Sáu Linh nữa. “Hùng Nguyễn thì có tiệm ở đường Brookhurst, gần Phở Gõ. Còn Sáu Linh thì mướn ghế nên tôi không biết chỗ nhất định,” ông Thế thành thật nói.

Ông thêm: “Tôi rất muốn truyền nghề này cho người khác, nhưng chưa kiếm được người thích đáng. Nói gì thì nói, phải gặp người ngay thẳng, không giả dối thì mình mới yên tâm truyền nghề chứ.”

Khi hỏi tại sao cần tìm người ngay thẳng, ông giải thích: “Nghề này phải tiếp xúc với cộng đồng, nếu không ngay thẳng sẽ đem hại cho nhiều người.”

Ông thêm: “Đó là chưa nói đến vấn đề vệ sinh. Nếu không tự biết phải bảo vệ cộng đồng thì sẽ làm bệnh tật lan truyền.”

Ông kết: “Tui rất muốn có người tiếp nối công việc vì lo rằng khi không làm việc được, ai sẽ lo cho khách của tui.”

Hớt tóc kiểu Việt Nam, té ra, không phải chuyện đơn giản! (Đằng-Giao)