SBTN

7-11-16

 

5 năm tái cơ cấu kinh tế: Ba tuyến đột phá đã “phá” những gì?

 

Kết quả thực hiện từ ba tuyến đột phá sau 5 năm tái cơ cấu kinh tế Việt Nam (2011 – 2016) thật buồn: tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” vào ngày 12/10/2016, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam đã thừa nhận: “5 năm vật lộn với tái cơ cấu cũng là quãng thời gian khó khăn nhất trong 30 năm đổi mới. Quá trình tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.”

Ông Thiên chỉ ra, cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, khi mà cơ chế “Xin – Cho” là chính. Trong khi đó, khó khăn ngân sách đang trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Thêm vào đó, mặc dù hệ thống ngân hàng được cho là đã trụ qua cơn sóng gió, song “cục máu đông – nợ xấu” hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng có dấu hiệu tăng lên.

Ông Trần Đình Thiên cũng là một trong số ít chuyên gia nhà nước có tiếng nói phản biện, tuy chỉ dừng ở mức nêu ra một vài sự thật về thực tạng kinh tế, chứ chưa đủ can đảm phanh phui cái gốc khiến nền kinh tế ấy lụn bại.

Từ những diễn đàn kinh tế vào năm 2013 – sau 2 năm “tái cơ cấu kinh tế”, ông Trần Đình Thiên đã nêu ra vấn nạn nợ công và nợ xấu. Khi đó, giới quan chức chính phủ vẫn còn mơ màng với thành tích GDP đạt trên 7% và nợ công chỉ khoảng 50% GDP, còn nợ xấu thì được Ngân hàng nhà nước tìm cách “khoanh” lại.

Tuy thế, những “thành tích” sau 5 năm tái cơ cấu kinh tế mà đa số người dân đều nhận ra là nạn tham nhũng “vẫn ổn định” (như lời Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh vào năm 2015), nạn chi tiêu lãng phí tràn lan và phân hóa giàu nghèo trở nên kinh khủng trong xã hội Việt Nam.

Đó cũng là bối cảnh mà cơ chế xin – cho vẫn được giữ nguyên , thậm chí còn được gia cố bởi những giấy phép con kiểu mới đẻ ra từ một số bộ ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Công thương mà bị nhiều dư luận coi là “ổ tham nhũng”. Cho tới nay, mặc dù thủ tướng thay ông Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Xuân Phúc đã hô hào bỏ giấy phép con, nhưng những gì ông Phúc làm được chỉ là cực kỳ ít ỏi.

Sau 5 năm “tái cơ cấu kinh tế”, nợ công đã biến diễn ghê gớm và trên số liệu báo cáo đã tiến sát đến ngưỡng giới hạn 65% GDP. Còn trong thực tế và như tính toán của mộr số chuyên gia phản biện độc lập như Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu vụ trưởng thống kê của Liên hiệp quốc, nợ công Việt Nam phải lên đến 106% GDP, tương đương với khoảng hơn 200 tỷ USD.

Trong khi đó, nợ xấu thực tế của Việt Nam cuối cùng cũng lòi ra bởi xác nhận hiếm hoi của một vài quan chức: khoảng 25 tỷ USD. Nếu cộng cả nợ công và nợ xấu thì tổng nợ phải lên đến khoảng 225 tỷ USD. Điều đáng nói là số nợ này chưa dừng ở đây mà còn nhiều triển vọng sẽ gia tăng tiếp, đẩy nền kinh tế đến nguy cơ phá sản trong tương lai gần.

Vậy “ba mũi đột phá” trong 5 năm qua đã “phá” những gì?

Lê Dung / SBTN