TIẾNG DÂN

22-3-21

Lá cờ vàng ở đâu trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc?

Jackhammer Nguyễn

Không hề thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong các buổi biểu tình chống kỳ thị người châu Á diễn ra trên khắp nước Mỹ trong tuần qua, sau vụ thảm sát ở TP Atlanta, bang Georgia. Tôi theo dõi màn ảnh nhỏ, mạng xã hội, các kênh lớn của truyền thông Mỹ mà không thấy. Ngay cả ở những nơi tập trung đông đúc người Việt Nam như Houston (Texas), Quận Cam (California) cũng không thấy.

Trên trang báo tiếng Việt lớn nhất ở hải ngoại là báo Người Việt, có đến hai bài, một bài nói về cuộc biểu tình do một số vị dân cử người Việt tổ chức tại khu Little Sài Gòn, Nam California, bài khác nói về một cuộc đi bộ phản đối kỳ thị chủng tộc chống người châu Á, trong các hình ảnh ghi nhận được cũng không thấy lá cờ vàng.

Trong khi đó, lá cờ này lại xuất hiện rất nhiều trong các cuộc biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Trump, và đặc biệt là trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ.

Điều gì đang xảy ra?

Lá cờ vàng ba sọc đỏ, đại diện cho cộng đồng tị nạn của người Việt ở Mỹ sau năm 1975. Nó thường xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản trong nước, nhất là vào ngày tưởng niệm 30/4, là ngày Sài Gòn sụp đổ.

Hình ảnh lá cờ vàng hầu như đồng nhất với người Việt, tại các khu người Việt cư trú đông đúc, từ những lá cờ lớn treo giữa khu thương mại, cho đến những lá cờ nhỏ treo trong các tiệm ăn, cơ sở thương mại, nhà riêng… Nhiều địa phương ở Mỹ đã chấp nhận lá cờ này là đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại địa phương.

Lá cờ vàng của cộng đồng người Việt làm nên điều khác biệt so với các cộng đồng thiểu số khác, vì ta thường ít khi thấy cờ của các cộng đồng này trong các sự kiện có tính công cộng, so với người Việt với rất nhiều cờ vàng.

Bốn năm cầm quyền của Donald Trump có lẽ ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến số phận lá cờ này. Nó đã trở thành một biểu tượng hầu như riêng biệt của những người Việt Nam ủng hộ ông Trump.

Tại các cuộc biểu tình ủng hộ tổng thống Biden, trước ngày bầu cử 3/11/2020, hay sau đó vào dịp ông đăng quang tuyên thệ tổng thống, cũng có lá cờ vàng, nhưng ít hơn rất nhiều, thường là kèm trong các biểu ngữ.

Quan sát các buổi lễ chống cộng sản, các cuộc biểu tình ủng hộ Trump,  khi lá cờ vàng xuất hiện nhiều, thì những người tham gia, đa số là những người lớn tuổi, thường đã về hưu.

Các cuộc biểu tình ủng hộ ông Biden của người Việt, có nhiều người trẻ tuổi hơn, cũng như trong các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, những người Mỹ gốc Việt, đa số là thế hệ 1,5 hoặc thế hệ thứ 2, sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

Trong một bài phóng sự của kênh NBC,về sự tham gia của cộng đồng gốc Á châu ở Georgia trong cuộc bầu cử vừa qua, một nhà hoạt động dân sự người Việt nói rằng, những nơi người Việt ủng hộ cựu tổng thống Trump, người ta nghe thấy người nói tiếng Việt rất trôi chảy và tiếng Anh rất tệ. Tại các cuộc biểu tình ủng hộ ông Biden của người Việt, lại là điều ngược lại.

Như vậy, phải chăng lá cờ vàng của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa đang mất chỗ đứng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, từ đây trở đi? Thế hệ trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, và thế hệ di dân mới sẽ không còn xem lá cờ đó là đại diện cho mình nữa, một khi họ tham gia vào dòng chính của xã hội Mỹ?

Hoặc có thể đi đến một nhận định khác, là những người hay biểu tình chống cộng sản trong nước, ủng hộ tổng thống Trump tại Mỹ, không cảm thấy họ cần biểu tình để phản đối sự phân biệt chủng tộc chống người châu Á, tức là phản đối những người chống lại chính họ?

Một trong những nạn nhân người Việt trong làn sóng kỳ thị chủng tộc vừa qua lại là một người lớn tuổi, cụ Ngọc Phạm ở San Francisco, là người bị chế độ cộng sản bỏ tù cải tạo đến 17 năm, theo thông tin từ trang Meaww.

Sau vụ bạo loạn ngày 6/1, hình ảnh lá cờ vàng xuất hiện ở điện Capitol gây sửng sốt cho truyền thông dòng chính của Mỹ, và có nhiều bài viết liên quan đến lá cờ đó, vì nó thoát ra khỏi khuôn khổ cộng đồng để đi đến 1 sự kiện mang tầm vóc quốc gia và thế giới.

Giáo sư Tuấn Hoàng, là một giáo sư gốc Việt, dạy tại đại học Pepperdine, có một bài phân tích về chuyện này, trong đó ông có nói tới việc lá cờ được nhiều người Việt thuộc các thế hệ trẻ xem là di sản, căn cước của họ.

Thế tại sao nó lại không xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc chống người châu Á vừa qua?

Nếu như trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người da đen bùng nổ vào tháng 6/2020 không thấy lá cờ đó, là một điều hoàn toàn dễ hiểu, vì sự việc khá xa với cộng đồng người Việt, nhưng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người châu Á, lại là sự việc có liên quan trực tiếp đến người Việt.

Nếu như nhận xét của ông Tuan Hoang là đúng, thì trách nhiệm không vinh danh lá cờ đó thuộc về những người Việt trẻ tuổi tham gia các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, họ đã để cho lá cờ đó bị nhóm lớn tuổi, ủng hộ Trump, ủng hộ những cuộc tấn công vào nền dân chủ của ông ta, giành lấy như của riêng.

Nhưng như vậy có phải là họ không có một nhu cầu mang lá cờ đó vào dòng chính của chính trị xã hội Mỹ?

Những người Mỹ gốc Việt nói chung và người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi nói riêng, nên suy nghĩ về vấn đề này.

Sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, nhà văn người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt có bài viết trên báo Washington Post, nói rằng lá cờ vàng, cũng như lá cờ Confederate của miền Nam nước Mỹ trước kia, là đại diện cho những lý tưởng đã mất (the lost cause). Nếu ông nói đúng thì quả là điều đáng buồn.