Luật Khoa
10-3-21

Bầu cử Việt Nam những năm 2000: Vài lời với sự “ngây thơ” của một học giả người Anh

Các chuyên gia nước ngoài thường có một sự tự tin khó hiểu về chính quyền Việt Nam.

 VÕ VĂN QUẢN

Phân tích và bình luận về quá trình bầu cử Việt Nam 2021 là việc làm rất cần thiết, nhưng đôi khi nhìn về quá khứ và hiểu thêm về những kỳ vọng của “người xưa” cũng thú vị không kém.

Các sử gia thường lục lại tư liệu cũ để xem cách mà những người sống trong những năm 1900 tưởng tượng về thế giới những năm 2000. Tương tự như vậy, bài viết này mời bạn cùng nhìn lại cách mà các nhà quan sát tưởng tượng, kỳ vọng, mơ mộng hay dự đoán về tương lai của bầu cử ở Việt Nam. Bằng cách đó, ta có thể đánh giá xem điều gì đúng, điều gì sai, điều gì trở thành vọng tưởng và điều gì trở thành hiện thực.

Nghiên cứu “Party Control: Electoral Campaigning in Vietnam in the Run-up to the May 2002 National Assembly Elections” của Martin Gainsborough (Đại học Bristol, Anh) có thể giúp ta làm việc đó. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pacific Affairs năm 2005.

Trước tiên, người viết muốn phân minh rằng chữ “ngây thơ” ở tiêu đề không nhằm tấn công cá nhân Tiến sĩ Martin Gainsborough.

Gainsborough là một trong những chuyên gia người Anh hiếm hoi chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam và Đông Nam Á. Ông hiện làm việc cho Đại học Bristol, một trong những đại học hàng đầu Vương quốc Anh, và là giám đốc dự án Bristol – Mekong. Bạn có thể dùng nhiều tính từ để mô tả kiến thức của Gainsborough về Việt Nam, nhưng trong đó chắc chắn không có “ngây thơ”.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia nước ngoài đều có một sự tự tin khó hiểu về chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong trường hợp của Gainsborough khi viết nghiên cứu này cách đây hơn 15 năm, có lẽ sự tự tin đó đã dẫn ông đến sai lầm. Những sai lầm đó, theo người viết, quả là ngây thơ.

***

Năm 2002: Bầu cử “rất bản chất”?   

Theo mô tả của Gainsborough trong phần mở đầu, Việt Nam những năm 2002 được xem là một quốc gia “thị trường ngách” (niche market), quá khó để phân loại vào đâu. Cùng với Campuchia, Lào và Myanmar, Việt Nam thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu kinh tế – chính trị.

Bầu cử lại càng không phải là một chủ đề thiết yếu. Tác giả cho rằng các nhà quan sát quốc tế tập trung quá nhiều vào đại hội đảng (national congress – để biết thêm từ vựng về đảng cộng sản, mời bạn đọc tham khảo tại đây), nhưng lại bỏ qua bầu cử Quốc hội. Giả thuyết nghiên cứu (hypothesis) của Gainsborough là khá rõ: Bầu cử Quốc hội không nhất thiết phải cố định theo ý muốn của Đảng Cộng sản.

Không chỉ vậy, nền tảng lý luận của ông còn rõ ràng hơn. Ông cho rằng “dân chủ độc đảng” (one-party democracy) là hàng thật, hàng xịn, và cần được đối xử một cách công bằng hơn. Tác giả từ đó chứng minh nhận định này bằng cách phân tích bản chất giao tiếp giữa nhà nước – cử tri và ứng cử viên – cử tri (voters communication).

Luận điểm đầu tiên là không thể lấy giao tiếp giữa cử tri và các ứng cử viên trong nền chính trị châu Âu để làm tiêu chuẩn cho các giao tiếp tương tự ở Việt Nam. Hiển nhiên là phương thức giao tiếp của các nền chính trị châu Âu thì phù hợp với các lý thuyết dân chủ cấp tiến đấy, song các lý thuyết này không hẳn là luôn luôn tốt hơn những gì Đảng Cộng sản Việt Nam theo đuổi.

Đó là một bình luận có phần dũng cảm. Vậy Gainsborough có những luận cứ gì?

Tác giả tập trung vào báo chí địa phương của bốn tỉnh, thành – hai đại diện ở phía Bắc là Hải Phòng và Lào Cai, hai đại diện ở phía Nam là Cần Thơ và Tây Ninh.

Ông lý giải, Hải Phòng và Cần Thơ là hai thành phố chính yếu trong khu vực, có mức sống cao và cư dân thị thành ít nhiều đã tiếp xúc với tư tưởng chính trị phương Tây. Còn Lào Cai và Tây Ninh thì đều là những tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, Lào Cai và Tây Ninh là hai tỉnh biên giới lần lượt giáp Trung Quốc và Campuchia, hiếm khi va chạm với các luồng tư tưởng phương Tây. Nhờ vậy, mẫu nghiên cứu sẽ bao quát hết được Việt Nam với kinh nghiệm phát triển rất khác nhau.

Gainsborough chia bầu cử Việt Nam thành ba thành tố chính để tìm hiểu:

Thứ nhất là quá trình lựa chọn ứng cử viên. Các ứng viên được chia làm hai nhóm chính là những người được trung ương giới thiệu và những người phải thông qua hội nghị hiệp thương.

Thứ hai là công tác tuyên truyền. Tác giả cho rằng không chỉ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mới tham gia vào công tác tuyên truyền này, mà còn có nhiều cơ quan tổ chức khác như Sở Văn hóa Thông tin, hội đồng bầu cử địa phương và các hội đoàn khác.

Thứ ba là các buổi gặp mặt giữa ứng cử viên và cử tri. Những buổi gặp mặt này sẽ diễn ra sau khi danh sách ứng cử viên đã được chốt.

Đến đây, chúng ta bắt đầu nghe những lời có cánh của Gainsborough dành cho quá trình bầu cử Việt Nam.

Trước tiên, ông nói về công tác tuyên truyền. Gainsborough nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam dành rất nhiều thời gian và rất nhiều phương tiện để đưa thông tin đến người dân, và theo ông, đó toàn là thông tin thật và có giá trị cả (factual information – ý nói việc đưa thông tin không nhằm quảng bá cho đảng viên hay Đảng Cộng sản Việt Nam).

Một tỉnh nghèo như Tây Ninh cũng dành đến 30 – 60 phút mỗi ngày để phát loa phóng thanh hay phát sóng truyền hình về việc chuẩn bị bầu cử, quy trình, phương pháp hay thời gian bầu cử.

Theo ông, những thông tin này chỉ mang tính hướng dẫn cử tri, như phải làm gì nếu không thấy tên mình trên danh sách, hoặc số lượng người tham gia cần thiết để một buổi gặp mặt cử tri được pháp luật công nhận. Tác giả cũng khen ngợi trang mạng baucuquochoi.gov.vn vừa được ra mắt lúc đó (trang này không còn tồn tại).

Gainsborough xem xét các bài báo được phát hành cùng thời điểm và rất ấn tượng. Ông cho rằng nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh được vai trò của Quốc hội là một cơ quan đại diện nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Từ đó, thay vì tập trung vào sự đối lập giữa các ứng viên (candidacy rivalry), nhà nước Việt Nam tập trung vào việc phổ biến mối quan hệ thắm thiết giữa nhà nước và nhân dân thông qua Quốc hội.

Tình trạng giao tiếp cử tri – ứng cử viên cũng được Gainsborough bảo vệ.

Các buổi gặp mặt cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức, thường kéo dài khoảng từ hai đến ba tiếng. Trong đó, các ứng cử viên lần lượt được giới thiệu và có 15 phút trình bày chương trình hành động của mình. Sau đó, họ sẽ trực tiếp trao đổi với cử tri.

Tác giả ghi nhận, dù không có nhiều trao đổi kiểu chất vấn, những cuộc gặp này đều có động chạm đến các vấn đề “cốt lõi” như giáo dục, học phí, tình trạng nghiện ngập và vấn đề mại dâm…

Chẳng hạn, một ứng cử viên ở Hải Phòng kêu gọi bầu chọn cho mình vì ông này là một nhà khoa học, và ông sẽ đóng vai trò cầu nối phát triển giữa cộng đồng và các chính sách khoa học công nghệ.

Một ứng cử viên ở Tây Ninh thì nói rằng nếu được bầu, ông sẽ giúp giải quyết tình trạng nhiều nông dân của tỉnh này không thể vay vốn từ các ngân hàng chính sách hoặc Ngân hàng Phát triển Nông thôn vì các lo ngại về giấy tờ đất.

Hay bà Nguyễn Thị Hằng, tại thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và thuộc khu vực bầu cử Hải Phòng, dùng kinh nghiệm quản lý của mình để lập chương trình hành động liên quan đến các vấn đề cải cách tiền lương, lao động và giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.

Không chỉ ghi nhận các lời hứa khi vận động tranh cử của các ứng viên, Gainsborough còn cho rằng không thể đánh giá hệ thống bầu cử Việt Nam thông qua khả năng thực thi các lời hứa này, vì chính trị gia thất hứa với cử tri thì xứ nào cũng có.

Khi cân nhắc số liệu kết quả bầu cử, bản thân tác giả thừa nhận rằng tất cả các vị trí do trung ương giới thiệu đều trúng cử, tất cả các ứng cử viên thuộc nhóm quân đội hay công an cũng đều trúng cử.

Trong khi đó, hầu hết những ứng cử viên tự ứng cử thuộc nhóm giáo viên, chức sắc tôn giáo của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, hay một vài thương nhân… đều không được chọn vào Quốc hội, dù họ đã qua được vòng hiệp thương.

Với những thông tin như vậy, bằng cách thần kỳ nào đó, Tiến sĩ Gainsborough cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có rất ít ảnh hưởng đến quá trình bầu cử. Phương tiện truyền thông khi đưa thông tin về ứng cử viên đều rất… công bằng, không thiên vị.

Trải lòng với Gainsborough

Sau khi đọc xong nghiên cứu, người viết không biết vị Reader (từ chỉ một nhà nghiên cứu danh tiếng với học hàm tương đương phó giáo sư) đến từ Bristol có còn theo dõi các cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, và những hiện thực hài hước xảy ra sau các cuộc bầu cử đó hay không. Từ năm 2005 đến nay, Gainsborough không có nghiên cứu nào cụ thể hơn về bầu cử Quốc hội Việt Nam. Liệu ông có thay đổi tâm ý vì đã nhận thấy cái sai của mình? Hay ông vẫn giữ các quan điểm mình đưa ra trong bài viết hơn 15 năm tuổi này.

Người viết đặt ra những câu hỏi trên vì hệ thống pháp luật và nguyên tắc vận hành của hệ thống bầu cử Việt Nam gần như không có thay đổi gì lớn suốt 20 năm qua. Vẫn ứng cử viên từ trung ương, vẫn hiệp thương, vẫn mặt trận…

Nếu ông cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng và không có ảnh hưởng gì nhiều đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội, ông nên đọc bài viết về trường hợp của Đỗ Văn Đương. Một cựu quan chức tư pháp vì phát ngôn hàm hồ mà trượt Quốc hội, song vẫn nghiễm nhiên chiếm ghế phó ban Dân nguyện của chính Quốc hội, theo nguyện vọng của Đảng Cộng sản.

Nếu ông cho rằng sự đa dạng của các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội làm nên sự “công bằng” của cuộc bầu cử, ông nên xem ngân sách nhà nước chi ra cho các cơ quan, tổ chức, vốn đều nằm dưới “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, khi tham gia vào quá trình bầu cử là bao nhiêu.

Nếu ông cho rằng việc truyền thông trong bầu cử là vô cùng “chí công vô tư”, ông nên xem tỉ lệ danh sách bầu cử có bao nhiêu phần trăm là từ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt xuống, bao nhiêu phần trăm là người địa phương, và bao nhiêu người địa phương là hoàn toàn độc lập.

Nếu ông cho rằng các buổi gặp mặt cử tri là “thiết thực” và “thẳng thắn”,  ông nên tìm cách gặp mặt vài cử tri độc lập thật sự để nghe về việc họ đã bị đấu tố và trù dập trong các buổi hiệp thương ra sao.

Sau bấy nhiêu chữ nếu đó, nếu tác giả vẫn còn giữ những quan điểm của mình trong nghiên cứu này, thì chữ “ngây thơ” đầu bài thật không sai vào đâu được.