Chữ Quốc Ngữ Ơi, Ta Chào Mi !

Trương Quang Đệ

 

Mấy hôm nay thấy buồn, thấy cô đơn. Kẻ láng giềng Phương Bắc cho tàu thuyền liên tục khiêu khích ở Bãi Tư Chính, dự án cao tốc Bắc Nam có cơ rơi vào tay kẻ thầu cùng một duộc với Cát Linh – Hà Đông, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc ở trong nước họ cũng như ở Việt Nam luôn lên giọng rằng Việt Nam trước đây là một tỉnh của Trung Quốc….Trước tình hình đó dân lành buồn vì không thấy các vị chính khách nói gì, chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối lấy lệ vài câu. Lác đác có vài bài báo trên các tờ báo địa phương lên tiếng, nhưng ảnh hưởng mờ nhạt không đi đến đâu.

Thấy buồn đành lang thang ra phố tản bộ một vòng. Bỗng dưng lòng phấn chấn hẳn lên khi thấy đập vào mắt vô khối biển hiẹu bằng chữ quốc ngữ : Khách sạn ABC, Xăng dầu Petrolimex, Hớt tóc Long, Rửa xe X, Quán Ba Miền, Bún chả Hà Nội  vv. Những chữ cái thay nhau nhảy múa dưới ánh đèn Led như nhắc nhở kẻ cô đơn: “Dân Nam ơi, đừng buồn, chúng tôi còn thì các bạn còn!” Kẻ cô đơn bỗng nhận ra rằng các chữ cái kia có một sức mạnh tiềm ẩn ít ai để ý tới.

Người Âu Mỹ bình thường (không phải trí thức hay nhà báo thạo nghề) thường hình dung các nươc châu Á láng giềng với Trung Quốc nói tiếng Hoa và viết chữ Hán. Đến Việt Nam họ ngạc nhiên thấy khắp nơi dùng chữ cái mà họ quen thuộc và họ có thể đánh vần được. Hóa ra Việt Nam khác với Trung Quốc. Còn du khách Trung Quốc, bất kỳ ai cũng phải xem lại đinh kiến mà họ quen thuộc. Rõ ràng Việt Nam, với một môi trường chữ nghĩa như thế, không thể là một tỉnh của Trung Quốc trước đây được.

Các chữ cái la tinh, ngoài việc phân biệt ta với kẻ láng giềng Phương Bắc, còn cho ta nhiều thứ quí giá khác. Trước hết khi ta chuyển từ chữ Hán-Nôm sang chữ quốc ngữ, ta chuyển từ tư duy tổng hợp sang tư duy phân tích, một tư duy làm cơ sở cho hiểu biết và sáng tạo khoa học. Lấy một thí dụ trong lĩnh vực ngôn ngữ để minh họa điều đó.

Chữ Hán, cơ sở tạo ra  chữ Nôm, là chữ tượng ý. Thứ chữ này cho ta nghĩa đồng thời kèm theo ý tưởng mà các thánh nhân sáng tạo ra chữ viết áp đặt vào đầu ta.  Học giả Franḉois Cheng, người Pháp gốc Hoa, trong cuốn “Ngôn ngữ thơ Trung Hoa” – đã được Nguyễn Khắc Phi dịch ra tiếng Việt, NXB Giáo Dục, 2018 – cho ta biết một số trường hợp tạo chữ như sau:

Chữ Tâm (quả tim) ghép với  chữ Thu (mùa thu) thành chữ Sầu (buồn)

Chữ Nhân (người) ghép với chữ Mộc (cây) thành chữ Hưu ( nghỉ ngơi)

Chữ Nhân (người) ghép với chữ Ngôn (lời nói) thành chữ Tín (tin cậy, trung thực)

Các cách tạo chữ trên cho ta thấy khái niệm tín hiệu võ đoán của F. de Saussure (vê tín hiệu chữ viết, không phải tín hiệu âm) bị phá vỡ. Hệ quả là chữ Hán mang nghĩa chính kèm một nghĩa áp đặt chủ quan. Trong chữ Sầu có chữ Tâm và chữ Thu, ý rằng mùa thu gợi buồn. Cách cảm nhận này đâu phải đúng cho mọi người trên thế giới? Hay “nghỉ ngơi” có nghĩa là ngồi ở gốc cây, đâu phải nơi nào cũng vậy. Theo F. Cheng, cái lợi của chữ tượng ý gây cảm hứng cho thơ ca và nghệ thuật nói chung. Thấy chữ Hưu (nghỉ ngơi), ta liên tưởng đến một bức tranh cổ Trung Hoa vẽ một đạo sỹ ngồi dựa gốc cây thiu thỉu ngủ hay một bức họa của Van Gogh thể hiện hai người thợ gặt ngủ dưới gốc cây cạnh một đống rơm. Chính cái tính có lí do (không võ đoán) của tín hiệu ngôn ngữ tạo nên chức năng thơ ca, tức là gán cho âm hay chữ viết một ý nghĩa nào đó. Nguyễn Du trong câu Kiều

“Chữ Tài liền với chữ Tai một vần” dùng vần “ai” để tạo nên ràng buộc giữa Tài năng và Tai họa. Cũng như câu thơ Pháp “Partir c’est mourir un peu” ((Đi là chết (ở trong lòng) một ít)) thi sĩ dùng vần “ir” để nối liền cái ra đi và cái chết (trong lòng).

Đặc thù này về tính thơ ca của chữ Hán khiến một học giả tên tuổi của ta từng phàn nan rằng bỏ chữ Hán dùng chữ quốc ngữ là lựa chọn có hại. Đa số người Việt nghe phàn nàn như vậy thì rợn tóc gáy, chê trách học giả “chập mạch”. Bỏ chuyện học ba tháng là đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, trong khi đèn sách mười năm mới biết khoảng một ngàn chữ Nho để đi thi tú tài thật quả cực kỳ  phiêu lưu . Nhưng nghĩ cho kỹ vị học giả đó, đứng về phía cảm nhận nghệ thuật, phàn nàn việc bỏ các tín hiệu đậm nét thơ ca để dùng các tín hiệu trung tính thì có thể thông cảm với ông. 

Khi học chữ quốc ngữ dân ta tiếp thu một tư duy phân tích Hy La với hai bậc phân triết ngôn ngữ theo A. Martinet. Cho một câu nói, thí dụ câu của Trịnh Công Sơn "Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” trongbài “Một cõi đi về”. Bước 1 là việc phân tích câu thành các hính vị, tức là các đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Trong câu trên các từ “biết”, “nơi”, “chốn”, “quê”, “nhà” mang nghĩa từ vựng còn “nao”, “chẳng”, “là” có nghĩa ngữ pháp. Bước 2 là việc phân tích từng chữ thành các âm vị (nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm và thanh – yếu tố siêu đoạn tính). Chẳng hạn trong chữ “nao” ta có phụ âm “n”, nguyên âm “a” và bán nguyên âm “w” được ghi bằng chữ “o”. Trong chữ “nhà” ta có phụ âm “nh”, nguyên âm “a” và thanh huyền. Các chữ cái được tạo ra một cách võ đoán, tức là không có gì liên quan đến ngĩha mà chúng  thể hiện. Trong chữ “Nam” (chỉ phía Nam), các phụ âm “n”, “m” và nguyên âm “a” không có gì gợi lên phía Nam cả. Tuy vậy, lâu ngày trong quá trình sử dụng, có âm hay tổ hợp âm nào đó gợi lên một cảm xúc mơ hồ. Chẳng hạn người ta thây âm “d” (dờ) ít nhiều gây cảm giác của cái gì đó không trọn vẹn, dở dang (dở dang, dai dẳng, dở dở ương ương,, dớ dẫn, dài đặc, dàn trải vv ), tổ hợp âm “up” nói lên hình thù trên nhỏ dưới to (cụp, túp, lụp xụp, búp, úp, lúp xúp vv), âm “v” chỉ các hành động bằng tay (vá, và, vất, vặt, viết, vịn, vẽ, vo, vun, vít, vục, vuốt vv), tổ hợp “oe” gợi lên hình thù trên to dưới thắt lại (loe, chóe, khoe, lóe, xòe, xun xoe, ngo ngoe, vàng hoe vv). Dầu sao chữ viết la tinh cho ta ý thức khách quan, đánh giá sự trung tính của sự vật. Cách phân tích ngôn ngữ bằng cách đi tìm đơn vị nhỏ nhất (hình vị, âm vị, nét khu biệt…) giúp ta có đầu óc phân tích đến cùng, từ vật chất có hình dáng nhất định đến phân tử, nguyên tử, các hạt cơ bản. Ta không dừng lại ở các khái niệm khái quát âm, dương, kim , mộc, thủy hỏa, thổ như cha ông ta ngày xưa. Một lợi thế nữa của chữ quốc ngữ là có những chữ không có nghĩa nhưng ta vẫn đọc được, phát âm được. Chính vì thế kho tàng các chữ tiềm năng dư trữ rất lớn, giúp ta tạo chữ dễ dàng khi cần phiên âm tiếng nước ngoài hay tạo khái niệm mới. Với các chữ cái đ, e, n, theo thú tự đó ta có các chữ đen, đén, đèn, đẹn, đẻn, đẽn, trong đó chỉ có chữ đen và chữ đèn là có nghĩa, các chữ khác không có nghĩa nhưng ta vẫn phát âm được. Khi cần, một nhà văn nhà thơ có thể cho chữ “đén” một nghĩa nào đó. Biết đâu có ngày ta sẽ gặp câu :”Anh ấy đén lắm à?”

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-11-19