Cao Bá Quát: Nhà Thơ Tiên Tri Thời Cuộc[1]

 

Trần Nam Bình

UNSW Sydney
Tháng 4, 2018

 

1.   Dẫn nhập

 Nhắc đến tên Cao Bá Quát người ta liên tưởng ngay đến một nhà thơ xuất chúng, một sĩ khí ngay thẳng không luồn cúi, một tâm hồn phóng khoáng cao thượng, và một tấm lòng thương dân yêu nước.[2]  Vì Ông mang tội phản nghịch, bị chu di tam tộc, cho nên các tài liệu về thân thế, hành trạng, văn thơ của Ông bị hủy diệt, thất lạc rất nhiều.[3]  Ngày nay, có không ít giai thoại về tính tình kiêu hãnh, tự phụ hay tài thơ văn, ứng đối của Ông (ví dụ như câu nói bốn bồ chữ, câu thơ thi xã, câu đối cá đớp cá-người trói người, sửa câu đối vua làm, bịa thơ tài hơn vua, vv) nhưng đại đa số có lẽ là huyền thoại do người đời sau bịa đặt, thêu dệt ra.  Ba ví dụ tiêu biểu như sau:

·        Để chứng tỏ phẩm chất thanh cao, tự phụ của Cao Bá Quát, có thuyết cho rằng Ông là tác giả của câu đối ‘Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa’ (Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ, Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai).  Thật ra, đây là câu đối do Tri phủ Hán Dương Ngài Tuấn Mỹ tặng Phó sứ Nguyễn Tử Giản trong đoàn sứ bộ Vua Tự Đức phái sang triều cống nhà Thanh năm 1868.  Sự kiện này được ghi chép trong Yên Thiều Bút Lục của Nguyễn Tử Giản (1823–1890).  Tuy các nhà nghiên cứu tiền bối đã công bố tài liệu từ năm 1972, nhiều người, nhiều sách báo, kể cả sách giáo khoa, vẫn tiếp tục tương truyền câu đối trên là của Cao Chu Thần tiên sinh!

·        Để chứng tỏ Cao Bá Quát là người kiêu căng, ngạo mạn, có giai thoại nói rằng khi nghe những bài thơ của Mạc Vân Thi Xã (cũng gọi là Tùng Vân Thi Xã) do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh (con vua Minh Mạng) sáng lập, Ông bịt mũi lại và ngâm ‘Ngán thay cái mũi vô duyên, Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An’.  Chứng cớ thì sao?  Thứ nhất, văn thơ chữ Nôm của Cao Bá Quát gồm có ca trù, thơ Đường luật và phú nhưng không có thơ lục bát.  Thứ hai, theo các khảo cứu gần đây, chính Cao Bá Quát cũng là hội viên của Thi Xã khi còn ở Huế.  Thứ ba, quan trọng hơn cả, Cáo Bá Quát và Tùng Thiện Vương là bạn thơ tâm đắc.  Khi Cao Bá Quát làm giáo thụ Quốc Oai (Sơn Tây), Tùng Thiện Vương nhờ Cao Bá Quát đề tựa cho bộ thơ Thương Sơn Thi Tập.  Cao Bá Quát viết tựa hai trang, trong đó có đoạn: ‘...Tôi theo Quốc công (Tùng Thiện Vương) chơi đã lâu.  Thơ của Quốc công đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến?  Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được?  Sáng ngày mai, đứng ở ngoài cầu Đốc Sơ trông về phía Nam... đó chẳng phải là núi Thương Sơn ư?  Mua rượu uống rồi, cởi áo ở nơi bắc trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ "Hà Thượng" của Quốc công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác...’

·        Để chứng tỏ văn tài của Ông, người ta hay nhắc câu thơ ‘Văn như Siêu Quát vô tiền Hán’, tương truyền do Vua Tự Đức làm.  Nhưng chính câu này cũng đang bị xét lại tác giả có thật sự là vua Tự Đức hay không (Dân Trí, 2015)?

Là một nhân vật lịch sử, Cao Bá Quát đã được nhắc đến ít nhiều trong chính sử nhà Nguyễn.  Qua các tài liệu như Quốc triều Hương khoa lục hay bộ sử Đại Nam Thực Lục Chính Biên (ĐNTLCB),[4] chúng ta có một số dữ kiện chính thức về thi cử, hoạn lộ, chuyến công vụ của Ông sau vụ án sửa bài thi và vụ nổi loạn Mỹ Lương.  Gom góp lại các nghiên cứu về chuyến công vụ đi Hạ Châu của Cao Bá Quát, bài viết này có hai mục đích chính.  Thứ nhất, tìm hiểu xem chuyến công vụ này có ý nghĩa gì với triều đình nhà Nguyễn và Cao Bá Quát đóng vai trò gì trong chuyến đi đó.  Thứ hai, nhà thơ Cao Bá Quát đã cảm nhận như thế nào khi tiếp xúc, va chạm với văn minh tây phương.  Đây là hai câu hỏi mà những người Việt quan tâm đến lịch sử nước nhà vào thời cận đại nói chung và Cao Bá Quát nói riêng, muốn tìm hiểu kỹ càng.

Động cơ của bài viết là sự hiểu biết tương đối phiến diện, nếu không nói là ngộ nhận, về Cao Bá Quát của giới trí thức, sinh viên, học sinh miền Nam trước 1975 (trong đó có người viết).  Tuy nghiên cứu trong miền Nam về Cao Bá Quát không ít, nhưng chưa có khảo cứu thật sâu về Ông, chủ yếu vì thiếu thốn tài liệu, văn thơ.[5]  Hơn nữa, tuy Cao Bá Quát có trong danh sách các nhà thơ nằm trong chương trình Việt văn lớp đệ tam thời Việt Nam Cộng Hòa (xem Dương Quảng Hàm 1968: 357, 362-3), số lượng thơ của Ông được mang vào giáo trình rất ít ỏi, chỉ gồm vài bài hát nói tiếng Nôm (xem Dương Quảng Hàm 1962: 139-40), không thể phản ánh toàn diện, chính xác một nhà thơ hiện thực, đa dạng như Ông.  Qua hai bài hát nói trong giáo trình (Uống rượu tiêu sầuNgán đời), Cao Bá Quát bị xem là một nhà thơ có xu hướng bi quan yếm thế, thích cầu nhàn, hưởng lạc!   Trong tinh thần đi tìm hiểu đúng đắn hơn về Cao Bá Quát, bài viết này có thể xem như là là một món quà bé nhỏ kính dâng lên tiền bối Chu Thần họ Cao nhân dịp kỷ niệm lần 210 năm sinh của Ông.

Bố cục các phần còn lại của bài viết như sau.  Phần 2 giới thiệu nguồn gốc sự tham gia của Cao Bá Quát trong chuyến công vụ Hạ Châu.  Phần 3 thảo luận về ý nghĩa của chuyến công vụ Hạ Châu.  Phần này đúc kết lại các khám phá rất thú vị của nhà nghiên cứu sử học, cố Giáo sư sử học Vĩnh Sinh (2004), nhà nghiên cứu Đông Nam Á học Claudine Salmon và cố Giáo sư Việt học Tạ Trọng Hiệp (1994).  Chúng ta sẽ thông hiểu ý nghĩa của chuyến công vụ này hơn khi đặt nó trong bối cảnh lịch sử thời kỳ đó.  Dựa trên các sáng tác của Cao Bá Quát trong chuyến công vụ Hạ Châu, Phần 4 tìm hiểu vai trò của Cao Bá Quát trong lúc Phần 5 xem xét tư duy và tâm trạng của Ông trong chuyến đi xa này.  Các phân tích trong Phần 5 cho thấy Cao Bá Quát không phải chỉ là một thiên tài văn học mà còn là một trí thức tiến bộ đã linh cảm được các biến chuyển chính trị tương lai.  Trong phần kết luận, người viết suy đoán về sự liên hệ, nếu có, giữa chuyến công vụ Hạ Châu và cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương sau này.

 

2.   Vụ án sửa bài thi và giam cầm

Cao Bá Quát đỗ á nguyên kỳ thi hương[6] tại Thăng Long năm 1831 đời vua Minh Mạng, nhưng đến khi duyệt quyển, Ông bị triều đình xếp cuối bảng 20 cử nhân khóa ấy.  Ông đi thi hội nhiều lần không đậu.  Đến năm 1841 (Thiệu Trị nguyên niên), Ông được quan tỉnh Bắc Ninh (Cao Bá Quát sinh ở tỉnh này) tiến cử vào kinh đô Huế làm chức hành tẩu Bộ Lễ (tương đương với các Bộ Thông Tin và Giáo dục Đào tạo hiện nay).  Đây là một chức quan nhỏ, có nhiệm vụ truyền đạt các mệnh lệnh của vua hay các quan thượng thư.

Tháng tám năm 1841 Cao Bá Quát được bổ làm sơ khảo[7] trường thi hương Thừa Thiên (đây là ân khoa nhân dịp vua Thiệu Trị mới lên ngôi).  Lúc chấm bài thấy 24 quyển viết hay nhưng lỡ phạm húy, Ông bàn với bạn đồng sự (và đậu cử nhân cùng khóa) là Phan Nhạ lấy muội đèn làm mực chữa lại.  Sự việc bị phát giác, Ông bị tống giam vào ngục Trấn Phủ rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên năm 1842.  Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét, khép Cao Bá Quát và Phan Nhạ vào tội tử hình.  Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị thương tình đã giảm cho hai Ông từ tội chém đầu xuống tội giảo giam hậu’, tức là giam lại chờ ngày bị thắt cổ (được chết toàn thây kể như tội nhẹ hơn) (theo ĐNTLCB Tập 5: 243-4).

Trong khi Bộ Lễ xét xử, Cao Bá Quát đã bị tra tấn dã man.  Điều này được diễn tả qua bài thơ tiếng Hán Thập nguyệt thập thất nhật thừa lễ bộ nghiêm tấn hậu cưỡng bệnh mạn chí tứ thủ (Ngày 17 tháng 10, sau khi bộ Lễ tra tấn nặng nề xong, gượng đau viết luôn bốn bài).[8]  Các sáng tác của Ông trong thời kỳ, gồm rất nhiều bài thơ bằng tiếng Hán, khá phong phú về ý tứ, và giúp chúng ta hiểu thêm về hành trạng của Ông lúc bị giam cầm.

Sau cùng án đổi thành ‘dương trình hiệu lực phục vụ quân thứ’ nghĩa là xung vào lính đi nước ngoài lấy công chuộc tội.  Vào khoảng cuối năm 1843, Cao Bá Quát được triều đình phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày theo phái đoàn Đoàn Trí Phú đi dương trình.

 

3. Ý nghĩa chuyến công vụ Hạ Châu

Muốn thông hiểu ý nghĩa chuyến công vụ dương trình của Cao Bá Quát, chúng ta cần xem xét bối cảnh lịch sử chính trị thời đó, đặc biệt là vai trò của Vua Minh Mạng, ngày nay được đánh giá là hoàng đế có nhiều cải cách nhất của nhà Nguyễn, nhất là trong chính sách biển đảo.  Tuy bị xem như một hoàng đế rất bảo thủ trong tư tưởng, tôn giáo và tàn bạo trong việc đối xử với người Chiêm Thành, vua Minh Mạnh đã khuyến khích phát triển khoa học, kỹ thuật phương tây.  Vua đã có nhiều đổi mới đáng kể như cải tiến kỹ thuật đóng thuyền, phát triển hải quân, chiếm hữu biển đảo, vv.  Các cải cách này có thể xem như nguyên nhân dẫn đến chuyến công vụ mà Cao Bá Quát tham dự đầu năm 1844.

Chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) khi còn ở Gia Định vào cuối thế kỷ 18 đã triển khai việc đóng thuyền theo kiểu phương tây dưới sự cố vấn của người Pháp (Nguyễn Văn Đang 2003).  Đến thời vua Minh Mạng, việc đóng thuyền được tiếp tục với các quy trình chặt chẽ hơn, biểu hiện rõ nhất là thuyền bọc đồng và thuyền máy hơi nước.  Ngành đóng thuyền là một thành phần cốt yếu trong chính sách hải quân và kinh tế biển dưới thời vua Minh Mạng.[9]  Rất đáng tiếc, các vị vua kế tục Ông đã không phát huy được chính sách đó, đặc biệt trong lĩnh vực đóng thuyền hơi nước.  Vì thế, so với nước láng giềng như Thái Lan, dù Việt Nam đi trước nhưng lại bị tụt hậu trong việc phát triển tàu hơi nước (Nguyễn Văn Đang 2003).

Chương trình cải tiến đóng thuyền của vua Minh Mạng rất có bài bản.  Năm 1822, Vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng cũ của Pháp (Điện Dương) đưa về Huế, sai thợ đóng lại theo mẫu.[10]  Sau đó hàng loạt thuyền bọc đồng được sản xuất, chủ yếu dùng là thuyền chiến, một số còn lại dùng trong các chuyến công vụ nước ngoài.  Đến năm 1838, vua cho mua một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp, tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử.  Năm sau, xưởng đóng tầu tại Huế hoàn thành hai chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của nước ta và chạy thử thành công.  Nói tóm lại, nhiều thập niên trước 1844, Việt Nam đã có truyền thống mua tàu nước ngoài về bắt chước sản xuất hay sửa chữa lại.  Một bằng chứng về kỹ thuật đóng thuyền của Việt Nam là sau khi thất bại trong Chiến tranh Nha phiến (1839-42), các quan nhà Thanh đã đề nghị chế tạo bốn loại thuyền Việt Nam để phòng thủ các cửa sông Trung Quốc (Hồ Bạch Thảo 2017).

Thật ra, truyền thống đi nước ngoài đã bắt đầu với chúa Nguyễn Phúc Ánh vào cuối thập niên 1870 khi Chúa cần mua vũ khí và đạn dược cho cuộc chiến tranh chống nhà Nguyễn Tây Sơn (Salmon 2013: 136).  Trong hai đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, có rất nhiều chuyến công vụ dương trình (xem Salmon 2013: 136) với nhiều mục đích khác nhau, ví dụ như (Vĩnh Sinh 2004: 34):

·       năm 1832: diễn tập đi biển,

·       năm 1835: tìm hiểu tình thế cùng phong tục,

·       năm 1840: chọn mua hàng hóa, và

·       năm 1842: diễn tập đi biển và giải quyết những vấn đề chưa làm xong cho nội vụ phủ.

Về kinh tế, bản chất của các chuyến tàu công vụ này là một công cụ của nhà vua nhằm nắm độc quyền bán các mặt hàng cấm (không cho tư nhân Việt Nam bán cho người nước ngoài như lúa gạo, vàng bạc, muối, tiền, trầm hương, vv) và mua một số mặt hàng cho triều đình (Trần Nho Thìn 2009).  Cụ thế hơn, cố Giáo sư Vĩnh Sinh (2004: 34) dùng báo cáo của ký giả Isodore Hedde (đã đến Việt Nam xuân 1844) cho biết chi tiết các mặt hàng xuất nhập giữa Việt Nam và Tân Gia Ba lúc đó như sau.  Việt Nam

·       bán lụa chế tạo tại Trung Quốc và Việt Nam, trà xanh, vải trúc bâu Nam Kinh, gạo, đường, muối, quế, sừng tê giác, ngà voi, da trâu, gỗ quý, vàng bạc; và

·       mua vải lạc đà, hàng bông thường có khổ dài để may áo quần cho quân đội, thiếc, nha phiến (hàng cấm nhập cảng Việt Nam), súng ống, và một số sản phẩm Ấn Độ.

Về chính trị thì tình hình các nước chung quanh Việt Nam lúc đó như sau.  Phi Luật Tân đã là thuộc địa của Tây Ban Nha từ thế kỷ 16.  Nam Dương trở thành thuộc địa của Hà Lan vào năm 1800.  Một số thuộc địa của Hà Lan trên eo biển Malacca được chính thức nhường cho Anh quốc vào quãng 1824.  Vì thế, những chuyến công vụ xuất ngoại nói trên chắc ít nhiều có mục đích tìm hiểu tình hình các thuộc địa này và động thái của người Âu tây tại Đông Nam Á, đặc biệt là người Anh và người Hà Lan.

Theo chính sử (ĐNTLCB Tập 5: 618-9, 700 & 752), chuyến đi của phái bộ Đào Trí Phú trên thuyền Phấn Bằng[11] năm 1844 là đến Giang Lưu Ba, với mục đích chính thức là thao diễn đường thủy và nhân tiện tìm mua các vật hạng.  Giang Lưu Ba là phiên âm tiếng Việt của Kelapa (tiếng Mã Lai nghĩa là dừa) sau này bị người Hà Lan chiếm đóng và đổi tên thành Batavia, ngày nay là thành phố Gia Các Ta (Jakarta).  Các phái bộ Việt Nam có xu hướng viết gọn Giang Lưu Ba thành Ba Quốc, Ba Lăng, Ba Thành hay Ba Sơn (Salmon 2013: 141).  Chuyến công vụ năm 1844 của Đào Trí Phú bắt đầu tháng 1 và chấm dứt tháng 7 năm 1844.  Một trong những món hàng mà phái bộ mua về là chiếc tàu hơi nước cỡ lớn, trị giá hơn 28 vạn quan,[12] mà vua Thiệu Trị đặt tên là Điện Phi (nhanh như bay).

Cao Bá Quát có nhắc đến Giang Lưu Ba trong bài thơ Đề sát viện Bùi công[13] Yên Đài anh ngữ khúc hậu (Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của quan Đô sát họ Bùi) làm sau chuyến công vụ.  Bài này có câu ‘Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn’ (Từ khi vượt biển đến Ba Sơn).  Theo nhà nghiên cứu Salmon (2013: 141) thì Ba Sơn chính là Giang Lưu Ba.  Như vậy, câu dịch thoát ‘Tân Gia từ biệt con tàu’ của Trúc Khê nên sửa lại thành “Nam Dương từ biệt con tàu’.  Cụ thể hơn, hai nhà nghiên cứu Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp (1994: 134-135) đưa ra hai bài thơ thất ngôn bát cú tiếng Hán mà Cao Bá Quát làm ra ở Giang Lưu Ba: một bài trả lời hỏi thăm của một thương gia già bán vải, và một bài nhân dịp đến thăm tư gia và thư viện của Trung úy Souw Tian Pie (Su Tianbi, 1816-1870), một nhà lĩnh đạo cộng đồng người Hoa tại Java.[14]  Đây là hai bài thơ ít người biết đến.

Hai nhà nghiên cứu Salmon & Tạ (1994) đã tìm hiểu chi tiết hơn về chuyến hải trình này.  Dựa vào Chu Thần Cao Ngâm Tập (tập II, trang 441-461, bài 57-92) hiện đang lưu trữ tại thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, Salmon & Tạ (1994: cước chú 4, 125) đề xuất chuyến công vụ 1844 của Cao Bá Quát bắt đầu từ Đà Nẵng, đi ngang Bạch Thạch Cảng (Pedra Branca), ghé Tân Gia Ba (Singapore), đi ngang Liêu Cảng (Riau), quần đảo Long Nha (Lingga) phía đông của Sumatra, và cuối cùng đến Giang Lưu Ba.[15]

Trở lại tàu Điện Phi, chính sử không chép rõ là mua từ đâu, mà chỉ nói mua từ Tây dương (Vĩnh Sinh 2004; 33).  Từ Tây dương ở đây không thể là Âu châu mà hàm ý các thuộc địa của người Âu châu tại Đông Nam Á.  Trong các sáng tác của Cao Bá Quát trong thời kỳ này có bài Hạ Châu tạp thi (Thơ vặt làm ở Hạ Châu).  Điều này cho thấy chuyến công vụ của Cao Bá Quát đã đi ngang Hạ Châu.  Nhưng Hạ Châu là địa điểm nào?  Cố sử gia Vĩnh Sinh (2004: 33) lập lại lời học giả Chen Ching-Ho (Trần Kinh Hòa) cho biết Hạ Châu vào đầu thế kỷ 19 được dùng để chỉ Penang và Malacca (thuộc Mã Lai).  Nhưng khi Tân Gia Ba (Singapore) trở thành nhượng địa của Anh Quốc và khai trương năm 1819, thì Hạ Châu bao gồm cả Penang, Malacca và Tân Gia Ba, tức là các thuộc địa của người Anh trên eo biển Malacca (gọi chung là Straits Settelments). Trong bài Hồng mao hỏa thuyền ca (Bài ca về tàu hơi nước của người Anh), Cao Bá Quát có câu ‘Lặc tử châu đầu hắc vân hợp’ (Đầu bãi Lặc tử mây tụ đen kịt) mà Lặc tử là biệt hiệu của Tân Gia Ba.

Chuyến công vụ của Cao Bá Quát như vậy đã ghé đến Tân Gia Ba.  Điều này hợp lý, vì Tân Gia Ba nằm trên đường đi Giang Lưu Ba.  Sau chuyến hải trinh dài, thuyền Phấn Bằng cần ghé bến để lấy nước uống, tiếp tế lương thực, mua bán một số mặt hàng, vv.  Nhưng thơ văn của Cao Bá Quát cho thấy thuyền Phấn Bằng đã dừng lại ở Tân Gia Ba khá lâu.  Như vậy phái bộ còn làm việc gì khác ở Tân Gia Ba nữa không?

Tham khảo các nguồn tư liệu tiếng Anh, học giả Vĩnh Sinh (2004: 34) cho biết vì chiến tranh Nha phiến giữa nhà Thanh và Anh quốc, vua Thái Lan lo sợ muốn mua tàu hơi nước qua công ty của thương gia Robert Hunter.[16]  Vụ mua bán theo giá thỏa thuận ban đầu bất thành, và Robert Hunter đã tìm cách bán thuyền này cho Việt Nam.  Ông Hunter đã hoàn tất thủ tục bán tàu đó cho Việt Nam với phái đoàn Đào Trí Phú ở Tân Gia Ba.  Như vậy chiếc tàu này đúng là tàu Điện Phi đã nhắc tới bên trên.

Tuy ĐNTLCB có dành một vài trang miêu tả về tàu Điện Phi, nhất là tốc độ của tàu (Vĩnh Sinh 2004: 33), nhưng không nói rõ tàu được chuyển về Việt Nam từ đâu, dùng để làm gì và số phận sau này ra sao?  Trong thơ của Cao Bá Quát trong chuyến công vụ Hạ Châu có bài về tàu hơi nước của người Anh, nhưng có lẽ đây không phải là tàu Điện Phi mà nhà Nguyễn đã đặt mua từ công ty Hunter (vì nếu đó chính là Điện Phi, thái độ Cao Bá Quát đã không e dè như vậy).  Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán kịch bản hợp lý nhất, giống như lần trước,[17] là phái bộ Đào Trí Phú thuê người lái tàu Điện Phi từ Tân Gia Ba về Việt Nam.

Tóm lại, chuyến công vụ Hạ Châu mà Cao Bá Quát tham gia năm 1844 ghé bến Tân Gia Ba và Giang Lưu Ba, tức là những thuộc địa của người Anh và Hà Lan tại Đông Nam Á vào thời kỳ đó.  Vì đã có kinh nghiệm mua tàu từ nước ngoài, có lẽ trưởng đoàn Đào Trí Phú và phó trưởng đoàn Trần Tú Dĩnh đã được lệnh vua Thiệu Trị ghé Tân Gia Ba thương thảo và ký hợp đồng mua tàu Điện Phi trên đường đến (hay trở về từ) Giang Lưu Ba.

 

4.        Chức trách và nhiệm vụ của Cao Bá Quát

Cao Bá Quát làm chức quan nhỏ, bị tội nặng suýt chết, phải đi ra nước ngoài đoái công chuộc tội.  Như thế, Ông làm chức gì và có nhiệm vụ gì trong chuyến công vụ Hạ Châu?  Điều này không thấy nói rõ trong chính sử.  Do đó, các nhà nghiên cứu phải suy diễn ra từ các chuyến công vụ trước đây hay từ văn thơ do Ông sáng tác trên đường đi.  Suy diễn từ các chuyến công vụ trong quá khứ không dễ dàng vì khác đời vua, khác mục đích, khác tội trạng.  Diễn dịch từ văn thơ rất gian nan vì Cao Bá Quát là nhà thơ đi trước thời đại, có nhiều ý lạ và cách diễn tả mới.  Nếu chỉ chú tâm vào nghĩa đen rất dễ đi đến hiểu nhầm.

Hiện nay có hai thuyết trái chiều nhau.  Thuyết đầu do các học giả tây học như Claudine Slamon và Tạ Trọng Hiệp (1994), và Vĩnh Sinh (2004) chủ xướng.  Họ cho rằng Cao Bá Quát giữ chức vụ khá cao trong chuyến công vụ Hạ Châu.  Thậm chí Salmon và Tạ (1994) còn gọi Cao Bá Quát là sứ thần Việt Nam (L’émissaire Vietnamien) trong tựa đề bài nghiên cứu của họ.  Ngược lại, nhà dịch thuật Thái Trọng Lai (2014) lại cho rằng Cao Bá Quát chỉ là anh lính thủy thủ trên tàu. Hai thuyết ngược nhau này sẽ được lần lượt khai triển dưới đây.

Theo khảo cứu của Salmon (2013) thì truyền thống dương trình hiệu lực bắt đầu thời vua Minh Mạng.  Các danh sĩ đã từng bị cách/giáng chức đi hiệu lực như sau:

·       Năm 1829, Lý Văn Phức phạm lỗi bị triều đình kết án.  Vua Minh Mạng ân xá cho đi hiệu lực đến Tiểu Tây dương (tức là Kolkata thuộc Bengal, Ấn Độ) qua ngã Hạ Châu vào đầu năm 1830.[18]

·       Đầu năm 1832, Hà Tông Quyền (sơ suất nhỏ trong việc duyệt tài liệu) và Phan Thanh Giản (thua trận khi đi dẹp loạn ở Chiên Đàn) đi hiệu lực đến Tân Gia Ba và Giang Lưu Ba.[19]

·       Cũng năm 1832, Phan Huy Chú (bị cách chức vì tội ‘lạm quyền’) đi hiệu lực đến Giang Lưu Ba.[20]

·       Cuối cùng Cao Bá Quát đi hiệu lực Tân Gia Ba và Giang Lưu Ba đầu năm 1844.[21]  Ngoài Cao Bá Quát còn một số người khác, ví dụ như Phan Nhạ, Hà Văn Trung.

Điểm cần nói ngay, khác với các danh sĩ đi trước, Cao Bá Quát làm chức rất thấp và tội thì nặng hơn rất nhiều.

Trong chuyến công vụ Hạ Châu năm 1844, cố Giáo sư Vĩnh Sinh (2004: 33) cho biết phái bộ gồm có:

·       trưởng đoàn (chánh biện) Đào Trí Phú[22] (nguyên tả tham tri bộ Hộ);

·       phó trưởng đoàn (phó biện) Trần Tú Dĩnh[23] (viên ngoại lang nội bộ phủ);

·       thừa biện Lê Bá Đĩnh (tháp tùng);

·       tư biện Nguyễn Văn Bản và Nguyễn Văn Dao (tháp tùng);

·       thị vệ Trần Văn Quý;

·       hai người hiệu lực là Cao Bá Quát và Hà Văn Trung.

Như vậy, ngoại trừ Cao Bá Quát, phái bộ có nhiều văn quan cấp cao, khả năng Hán học cũng không đến nỗi kém.  Không thấy nói đến có bao nhiêu thủy thủ hay phục dịch.

Về chức vụ của Cao Bá Quát trong chuyến công vụ, Salmon & Tạ (1994) và Vĩnh Sinh (2004: 36) suy đoán từ hai câu thơ sau của Ông:

Nhật khiết ly cơ tam bách trản (Mỗi ngày uống 300 chén rượu)
Bất phương hoán tác tiểu tham quân (Không phương hại khi gọi làm tham quân nhỏ)

Dựa trên câu thứ hai, các học giả bên trên kết luận là Cao Bá Quát làm chức tham quân trong chuyến công vụ.  Giáo sư Vĩnh Sinh (2004: 36) giải thích tham quân là ‘văn quan được phái vào doanh quân giúp trưởng đơn vị xây dựng và chiếu đấu, hàm chánh tứ phẩm văn giai hoặc hàm tòng tam phẩm văn giai’.  Dẫn thêm câu thơ ‘Phiếm sà mạn tự đàm Trương sứ[24] (Cũng chuyện cưỡi bè, cứ nói tràn đến Trương sứ) Giáo sư Vĩnh Sinh (2004: 36) còn suy diễn thêm Cao Bá Quát được biệt phái làm tham quân chắc hẳn có mục đích thu thập thông tin về tình hình nước ngoài.  Luận cứ của học giả Vĩnh Sinh dựa trên sự kiện là chuyến đi của Cao Bá Quát là chuyến công vụ Việt Nam đầu tiên sau khi chiến tranh Nha phiến kết thúc với sự đại bại của nhà Thanh hai năm trước đó.  Nếu quả đúng như thế, gọi Cao Bá Quát là sứ thần cũng không ngoa mặc dù chuyến công vụ này không phải là trao đổi ngoại giao chính thức.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chủ xướng thuyết này không thể lý giải tại sao một viên quan lục phẩm, bị cách chức và mang tội khổ sai, lại được thăng chức tứ phẩm khi chưa hề làm gì để chuộc xong tội?  Không nhẽ chỉ có Cao Bá Quát mới có khả năng bút đàm hay thu thập thông tin trong chyến công vụ này?  Điều này còn khó tin hơn nữa nếu chúng ta xem lại chuyến đi hiệu lực của Hà Tông Quyền 12 năm trước. Hà Tông Quyền lúc đó là Hộ bộ thị lang sung nội các (tương đương với thứ trưởng ngày nay, tức là cao hơn chức Cao Bá Quát rất xa), chỉ vì sơ sót trong việc duyệt tài liệu (nhẹ tội hơn Cao Bá Quát), bị triều đình luận tội, ‘nhưng vua đặc cách ra lệnh cách chức, cho làm lính, phát đi đường biển để gắng sức làm việc chuộc tội (theo ĐNTLCB).

Nhưng nếu Cao Bá Quát đã không phải là tham quân thật sự, thì chúng ta cần thông hiểu cụm từ ‘tiểu tham quân’ như thế nào?  Nhà dịch thơ Thái Trọng Lai đã đưa ra một đề xuất, tuy không quy ước nhưng cũng không kém phần hợp lý.  Thứ nhất Thái Trọng Lai lý giải Cao Bá Quát ngẫu hứng đã sử dụng tiếng Pháp, ly cơ là âm Việt của liqueur.  Rượu liqueur là rượu mùi tương đối nhẹ (hơn rượu đế), uống bằng cốc nhỏ cho nên uống nhiều cốc vẫn chưa say, vẫn làm việc nhanh nhẹn như thường.  Quan trọng hơn, Ông Thái diễn dịch tiểu tham quân là kiểu chơi chữ của Cao Bá Quát: tiểu là mới, tham là tham gia, và quân là quân đội.  Như vậy, tiểu tham quân chẳng qua chỉ là một anh lính mới hay một thủy thủ bất đắc dĩ.

Tuy ủng hộ cách diễn giải của nhà dịch thơ Thái Trọng Lai, người viết cho rằng Cao Bá Quát nếu phải là anh thủy thủ mới, cũng chỉ là trên danh nghĩa mà thôi.  Một văn nhân cả đời như Hà Tông Quyền hay Cao Bá Quát không có thể lực hay chuyên môn để làm lính đi biển đường xa.  Vì thế, nếu Cao Bá Quát phải thật sự làm nhiệm vụ linh thủy, chắc cũng là thỉnh thoảng mà thôi.  Như vậy Ông mới có thời giờ nhấm nháp ly cơ, làm thơ đối đáp với Trần Ngộ Hiên (tức là phó biện Trần Tú Dĩnh) cũng như bút đàm và thăm viếng các doanh nhân người Hoa địa phương.

Ngoài ra, trong bài thơ đã nhắc đến trong cước chú 24, Cao Bá Quát không những đã nói đến việc đi sứ ra nước ngoài mà còn xuống bút ‘Tiêu tiêu liên mạc nhất tham quân’ (Bên bức màn sen tiêu điều có một gã tham quân).  Liên mạc nghĩa đen là màn sen, nghĩa bóng là nơi giữ các văn thư trong các bộ, viện, vv.  Nếu tham quân Cao Bá Quát chỉ là anh lính quèn, thì tại sao lại có nói về văn thư và chuyện đi sứ?  Phải chăng Ông dùng điển tích xưa để nói lên ý muốn (hay hào khí) thay vì vai trò thật sự của mình trong chuyến công vụ?  Chưa thấy nhà dịch thơ Thái Trọng Lai giải nghĩa bài thơ này.  Tóm lại, vai trò, chức vụ và nhiệm vụ của Cao Bá Quát trong chuyến công vụ Hạ Châu vẫn là một điểm cần được làm sáng tỏ hơn.

Nhà thơ họ Cao nổi tiếng là người văn hay chữ tốt, biết nhiều điển tích Trung Hoa, có lẽ là người giỏi Hán văn nhất trong phái bộ.  Vì thế Ông đã được cử ra bút đàm với các thương gia người Hoa tại Tân Gia Ba và Giang Lưu Ba.  Ông không nhấc gì đến việc thương thảo, ký kết mua bán trong các cuộc bút đàm này, có thể vì đây không phải là công tác của Ông.  Nhưng Cao Bá Quát đã biểu lộ sự quan tâm và trao đổi ý thức về thời cuộc với các thương gia nói trên.  Không rõ đây có nằm trong mục đich thu thập thông tin về tình hình các thuộc địa người Âu tây ở Hạ Châu như cố Giáo sư Vĩnh Sinh (2004) đã đề xuất?  Hay đó chỉ là cảm xúc, động thái riêng tư của Cao Bá Quát?  Nếu quả thật Ông có nhiệm vụ thu thập thông tin, chúng ta cũng không hiểu rõ Ông đã báo cáo lên cấp trên như thế nào?

 

5.        Quan sát, cảm nhận và tư duy của Cao Bá Quát

Tâm tình Cao Bá Quát trong chuyến công vụ Hạ Châu ắt hẳn là vui buồn lẫn lộn, tuy rằng vui nhiều hơn buồn.  Vui mừng vì được thoát cảnh ngục tù tra tấn và được cơ hội đoái công chuộc tội.  Hơn nữa, được xuất ngoại cũng có thể là điều Cao Bá Quát hằng yêu thích vì tính tình Ông thích đi đây đi đó và đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước.  Buồn vì thân vẫn mang trọng tội, cách xa vợ con, không biết đến bao giờ mới được về quê tái ngộ gia đình.

Trước khi lên thuyền đi công vụ, trong bài Phát vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu thân thức (Bị đầy đi nước ngoài, qua biển Đà Nẵng, viết vội cho người thân), Cao Bá Quát viết

Đà Giang dao vọng nhật đông biên (Biển Đà Nẵng trông xa về phía đông)
Đảo dữ, thương mang lô kì thiên (Đảo cồn muôn lớp sóng, đường đi nghìn trùng)
Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng (Mây khói kinh thành, ban trưa thường nằm mộng)
Thiên nhai cầm kiếm thị đinh niên (Việc cầm kiếm bên trời, chính là lúc trai tráng này)

 

Như vậy, đi chưa xa, thân mang còn tội nặng, tâm sự ngổn ngang trăm mối, tâm hồn Ông đã dậy lên niềm vui phơi phới, hào khí ngất trời!

Nói chung, từ suy nghĩ và cảm nhận của Ông bộc lộ trong các bài thơ tiếng Hán làm trong chuyến công vụ Hạ Châu, chúng ta có thể suy diễn là nói chung Cao Bá Quát hào hứng và phấn khởi trong chuyến dương trình hiệu lực này.  Những bài thơ làm sau chuyến công vụ cho thấy Cao Bá Quát rất hài lòng về các kiến thức thu thập được trong chuyến hải trình Hạ Châu.

Chúng ta cũng không có nhiều bằng cớ về sự kham khổ của Cao Bá Quát trong chuyến đi này.  Nhưng lênh đênh trên biển nước hơn sáu tháng cũng không phải là chuyến đi thoải mái cho bất kỳ ai, nhất là cho một anh lính mới.  Qua bài thơ Thuyền hồi quá Bắc Dữ, dư bão bệnh sổ nhật hĩ, dạ bán đăng trường tứ vọng, thê nhiên độc hữu hương quan chi cảm, nhân giảnTrần Ngộ Hiên (Thuyền về qua đảo Băc Dữ, ta đã bệnh mấy ngày rồi, nửa đêm lên chỗ cột buồm trông ra bốn phía, chạnh lòng nhớ quê, viết đưa cho Ông Trần Ngộ Hiên), chúng ta biết Cao Bá Quát đã bị đau ốm ít nhiều trong chuyến công vụ Hạ Châu. Trong bài Đáp Trần Ngộ Hiên (Trả lời Trần Ngộ Hiên) Ông tiết lộ thêm: ‘Đa bệnh cánh trì khu’ (Nhiều bệnh chạy ngược xuôi).  Điều này phù hợp với các bài thơ khác cho biết Ông bị bệnh tiểu đường kinh niên.

Vì Cao Bá Quát là danh sĩ Bắc Hà, chúng ta cũng có thể suy diễn rằng Ông đã được các thành viên của phái bộ đối xử tử tế, không phải làm việc cực nhọc.  Chứng cớ hiển nhiên nhất là Ông đã làm khá nhiều thơ đối đáp với phó biện Trần Ngộ Hiên.

Qua 46 bài thơ tiếng Hán trong Chu Thần Cao Ngâm Tập, Cao Bá Quát đã biểu lộ rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc và nhận định khi tiếp xúc với văn minh nước ngoài, nhất là văn minh Âu tây.  Trong phần sau, chúng ta sẽ lần lượt phân tích các đề tài sau đây:

·       sự lạc hậu của lối học Á đông và mở mang kiến thức khi xuất ngoại,

·       khác biệt của người nước ngoài, nhất là phụ nữ phương tây,

·       kinh ngạc trước văn minh kỹ thuật của các nước Âu tây,

·       sự cảm thông với người Trung Hoa, và

·       linh cảm bất an về tương lai nước nhà nói riêng và văn minh Á đông nói chung.

5(i)       Lối học tụt hậu và kiến thức hẹp hòi trong nước

Là một người nổi tiếng thông minh khi còn bé, văn chương trác tuyệt, tham vọng có thừa, nhưng lại bị lận đận trong khoa cử, chắc hẳn Cao Bá Quát không ít thì nhiều đã tự đặt câu hỏi về sự thích hợp của lối học và thi cử nho giáo trong việc tuyển chọn hiền tài ra giúp nước trị dân.  Trong bài Hạ dạ vấn bốc đồng Hành Phủ (Đêm hè cùng Hành Phủ xem bói), Ông viết: ‘Ngô nghi dĩ quyết thập niên sơ, Nhất tiền bất trị văn chương sự’ (Ý ngờ của ta đã quyết mười năm trước, Chuyện văn chương không đáng giá một đồng tiền).

Nhưng dù sao, trước khi xuất ngoại, chắc hẳn Cao Bá Quát cũng khá tự tin về sự hiểu biết của mình, tiêu biểu nhất là việc Ông thường dùng điển tích, danh nhân hay sự kiện (có nguồn gốc Trung Hoa) trong văn thơ của mình.  Tuy thế trong bài Nhị thập nhị nhật đắc phong hí trình đồng châu (Ngày hai mươi hai thuận gió, viết đùa, trình các bạn cùng thuyền), Cao Bá Quát đã thẳng thắn tự phê bình như sau:

Hoạn du tỉnh thức ngư thiên lý (Có cuộc hoạn du mới biết cá lớn nghìn dậm)
Ngu kiến chân thành báo nhất ban (Hiểu biết hẹp hòi như thấy beo có một vằn)

Đây không phải là lần tự phê biết người biết ta duy nhất.  Sau chuyến công vụ Hạ Châu, Ông lại trực tiếp đả kích lối học từ chương, giọt dũa câu văn, dồi mài kinh sử của nước ta thời đó trong bài Đề sát viện Bùi công Yên Đài anh ngữ khúc hậu với một đoạn như sau:

 

Ta ngã bế hộ điêu trùng, xỉ khẩu giảo văn tự (Ta đóng cửa, nhai văn, gậm chữ bao lâu rồi)
Hữu như xích hoạch lượng thiên địa (Khác nào con sâu đo trời đất)
Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn (Từ lúc vượt bể qua Ba Sơn)
Thuỷ giác lục hợp hà mang mang (Mới hay sáu cõi rộng mênh mang)
Hướng tích văn chương đẳng nhi hí (Chuyện văn chương thật trò trẻ con)
Thế gian thuỳ thị chân nam tử (Bậc tài trí trong thế gian này)
Uổng cá bình sinh độc thư sử (Sao lại mụ người đọc sách sử)

Trúc Khê dịch:

Nhai văn nhả chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu.
Tân Gia từ vượt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời,
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai.

Trong việc phê phán lối học từ chương, thi cử lạc hậu, nêu ra các nhược điểm của giáo dục Khổng nho thời nhà Nguyễn, Cao Bá Quát có thể xem là người đi tiền phong cho các đề xuất canh tân của các nhà nho tiến bộ như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện sau này (xem Nguyễn Thị Tính 2015: 107).

 

5(ii)      Nhận xét về người nước ngoài

Qua các sáng tác trong chuyến công du, Cao Bá Quát chứng tỏ cái nhìn tinh tế và không thiên kiến về con người và văn hóa nước ngoài.  Ông mau chóng nhận thức những khác biệt về ngoại hình, ăn mặc, thói quen, cử chỉ, tư duy, hành xử và đời sống giữa người Á đông và nước ngoài, đặc biệt là người Âu tây.

Về ngoại hình của người phương tây, Cao Bá Quát có vài quan sát hiển nhiên, ví dụ như ‘Ba Tư cao kỳ tỵ’ (Người Ba Tư có sóng mũi cao) trong Quan Hải[25] tam thập lục vận thư trình Ngộ Hiên (Ba mươi sáu vần thơ Quan Hải trình Trần Ngộ Hiên).  Tuy không trực tiếp ca ngợi nhan sắc của phụ nữ Âu tây, Cao Bá Quát có một câu thơ chứng tỏ Ông yêu thích vẻ đẹp của người đàn bà da trắng: ‘Dương nữ như hoa thướng xa khứ’ (Cô gái Tây đẹp như hoa lên xe đi).

Về người thổ dân Hạ Châu, Cao Bá Quát có nhiều nhận xét chi tiết hơn có thể vì Ông có cơ hội quan sát họ gần và nhiều hơn như trong bài Man phụ hành (Bài ca về cô gái Hạ Châu):

Trường sạn thôn đầu man tiểu cô (Trên lối đi bắc cây gỗ ở đầu xóm có cô gái nhỏ)

Lũ trư như diện tất như phu (Mặt như lợn nái, da (đen) như sơn)

Bản kiều du biến mộ quy khứ (Dạo chơi khắp các cầu ván, chiều quay về)

Tiếu hoán tân nhân tán cố phu (Cười to gọi bạn mới về giúp chồng cũ)

 

Thật là khác biệt với mẫu hình người con gái Việt Nam theo quy ước Khổng giáo!  Về dung, cô gái Mã Lai hay Nam Dương có nhan sắc kỳ lạ, mặt mập, nước da đen đủi.  Về công, thay vì ở trong nhà thêu thùa may vá, cô gái Hạ Châu đi chơi khắp nơi, đến chiều tối mới quay về nhà.  Về ngôn, cô nói to cười lớn chứ không nhỏ nhẹ ý nhị.

Trong bài Dương phụ hành (Bài ca về người đàn bà phương tây), như một họa sĩ thần kỳ, Cao Bá Quát đã tóm gọn sự khác biệt giữa phụ nữ Âu tây và Á đông trong vài nét chấm phá thật sinh động.  Thứ nhất, về thái độ đối với người chung quanh, Ông viết:

Độc bặng lang kiên tọa thanh nguyệt (Tựa vai chồng dưới ánh trăng sáng)
Khước vọng Nam thuyền đăng hỏa minh (Nhin sang thuyền Nam thấy lửa sáng)

Bối cảnh là hai thuyền đậu gần nhau trong một tối sáng trăng, thuyền Cao Bá Quát thắp đèn le lói.  Nếu là người vợ Việt Nam thì đã e thẹn, khép nép trốn trong phòng, hay cùng lắm là len lén nhìn sang.  Đắng này, người vợ tây lại dựa vào vai chồng nhìn thẳng sang thuyền Việt, quan sát người lạ.

Thứ hai, về trang phục và thức uống, Ông tả

Tây dương thiếu phụ y như tuyết (Người đàn bà phương tây áo trắng phau)
….
Nhất uyển đề hồ thư lãn trì (Tay cầm chén sữa một cách uể oải)

Thật là đối nghịch với đàn bà Việt Nam.  Phụ nữ Việt Nam thời đó chỉ mặc đồ trắng trong tang lễ, nhất quyết không thể mặc quần áo trắng khi xuất hiện với chồng.  Về thức ăn, phụ nữ Việt Nam chỉ uống nước hay nước trà, chưa biết uống sữa.

Về đối xử vợ chồng, Ông tả tiếp:

Bả duệ nam nam hướng lang thuyết (Níu áo chồng nói chuyện ríu rít)

Dạ hàn vô ná hải phong xuy (Đêm lạnh không chịu nổi gió biển)
Phiên thân cánh thiến lang phù khởi (Nghiêng mình lại đòi chồng nâng dậy)

Theo phong tục Việt Nam thời đó, vợ trong nhà phải cung kính, phục tùng chồng, ra ngoài phải giữ ý tứ đứng xa chồng.  Như vậy hành xử của thiếu phụ phương tây này (như tựa vai, kéo áo, nói chuyện rì rầm, đòi nâng dậy) dưới sự chứng kiến của đám người Nam đã phá bỏ lễ nghi chồng vợ theo truyền thống Á đông.

Không rõ Cao Bá Quát nghĩ gì về sự ‘phá lễ’ nói trên nhưng Ông kết thúc bài thơ như sau:

Khởi thức nam nhân hữu biệt ly (Đâu biết người nam đang chịu cảnh biệt ly)

Nhà thơ họ Cao đã không phê phán phụ nữ phương tây theo quan điểm Khổng nho.  Phải chăng Ông cũng khát khao, chờ đợi được vợ mình nũng nịu, quấn quýt như thiếu phụ người Âu?

Về tư duy kinh tế, Cao Bá Quát dễ dàng cảm nhận sự năng động của người phương tây.  Quan sát thuyền bè của các nước Âu tây đi lại trong vùng Hạ Châu, Ông nhận xét như sau:

Tây tra phát hán lộ (Chiếc bè phương tây phát hiện ra đường sông)
Khai nguyên đãng nan thu (Mở nguồn lợi khó thu lại hết)

Hiệp thử vạn lí du (Coi nhẹ cuộc đi xa vạn dặm)

Điều này trái ngược với tư duy văn hóa và kinh tế của người Việt Nam. Người Việt thích gắn bó với làng xóm, xem thường buôn bán (ức thương) và không thích phải ‘tha hương cầu thực’.  Trong khi đó, người Âu tây không ngại di chuyển, sẵn sàng phiêu lưu tìm đất mới, chiếm hữu tài nguyên hay buôn bán kiếm lợi.

Về đời sống tâm linh, Cao Bá Quát đã gặp gỡ những tín đổ Hồi giáo trong chuyến công du Hạ Châu.  Ông ghi lại hình ảnh những người linh da đen cầu nguyện như sau:

Ngốc phát ban cân tam ngũ nhi (Năm ba gã trai trẻ đầu trọc đội khăn rằn)
Tụ đầu tán giảng mạn thanh trì (Chụm đầu rầm rì chậm rãi tụng lời kinh giảng)

Phương pháp tụng kinh Hồi giáo này rất xa lạ với người Việt vào lúc đó và đã gây ấn tượng không ít cho Cao Bá Quát.

Cuối cùng, trong bối cảnh Hạ Châu là thuộc địa của Anh quốc và Hà Lan, Cao Bá Quát không thể làm ngơ trước sự bất bình đẳng giữa người da trắng và người da mầu.  Trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Hạ Châu tạp thi Ông kết

Thiết ly vô tỏa quy xa nhập (Rào sắt không khóa, xe trở về cứ đi vào)
Cá cá ô nhân ngự bạch nhân (Đánh xe cho người da trắng toàn người da đen)

Trong khung cảnh trù phú của Tân Gia Ba, Cao Bá Quát đã chứng kiến cảnh người thổ dân hầu hạ (giữ cổng, đánh xe, vv) cho các chủ nhân phương tây.  Khi làm hai câu thơ trên, rất có thể Cao Bá Quát cũng đã liên tưởng đến cảnh tương tự khi người Âu tây xâm nhập Việt Nam.

5(iii)     Văn minh kỹ thuật Âu tây

Như thảo luận bên trên, thơ văn Cao Bá Quát đã mô tả khá phong phú và chi tiết những cảm nhận của Ông về sự khác biệt giữa ngoại hình, tư duy và hành xử của người Âu.  Nhưng cái thật sự làm Ông kinh ngạc và ngưỡng mộ là các phát minh và thành quả của văn minh kỹ thuật trời Âu.

Theo Nguyễn Thị Tính (2015: 104), Cao Bá Quát đã ngạc nhiên, sửng sốt khi được thương gia Hoàng Liên Phương cho xem thử chiếc kính viễn vọng.  Qua kinh nghiện này, Cao Bá Quát thông hiểu người tây đã biến huyền thoại ‘thiên lý nhãn’ thành hiện thực.

Không phải chỉ có những sản phẩm riêng lẻ, mà kiến trúc Âu tây cũng gây ấn tượng mạnh cho Cao Bá Quát.  Trong Hạ Châu tạp thi Ông mở đầu như sau:

 

Lâu các trùng trùng giáp thủy vân (Ven bờ nước lầu phố trập trùng)
Tùng âm lương xứ dị hoa xuân (Hoa xuân lạ khoe sắc dưới bóng thông)

 

Lúc đó Tân Gia Ba đang là nhượng địa của người Anh.  Chúng ta phỏng đoán có những khu dành cho các ông chủ người da trắng, nhà cửa, vườn tược xây cất theo lối Âu tây.  Các lối kiến trúc khác lạ này đã gây chú ý nơi Cao Bá Quát và được Ông thi hóa như trên.

Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất của văn minh kỹ thuật Âu tây đối với Cao Bá Quát là tàu hơi nước mà Ông đã mô tả kỹ lưỡng trong Hồng mao hỏa thuyền ca.  Đó không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.  Sự khác biệt giữa thuyền buồm và tàu hơi nước có thể xem như tiêu biểu nhất cho sự tụt hậu của văn minh kỹ thuật Á đông so với thế giới Âu tây lúc đó.  Hai năm trước chuyến công vụ Hạ Châu, các chiếc thuyền lỗi thời của nhà Thanh đã bị đại bại trước các chiến hạm hơi nước của người Anh trong chiến tranh Nha phiến.  Sau nhiều ngày tháng lênh đênh trên mặt biển bằng chiếc thuyền buồm, Cao Bá Quát ắt hẳn cảm nhận sâu sắc việc này hơn bao giờ hết.

Các từ bãi Lặc tử và bến Bạch Thạch trong bài thơ cho thấy Cao bá Quát có thể làm bài này khi ở giữa Tân Gia Ba và Mã Lai, có lẽ khi gần cặp bến Tân Gia Ba.  Từ trên boong thuyền Phấn Bằng ông đã thấy tàu hơi nước qua luồng khói bốc lên từ xa:

Cao yên quán thanh không (Khói bốc tuốt trời xanh)  
Tả tác bách xích đôi (Đùn lên trăm thước liền)
Yêu kiều thuỳ thiên long (Ngoằn ngoèo như rồng lượn)
Cương phong xuy bất khai (Gió mạnh thổi vẫn đứng)

 

Thật là một quang cảnh nhân tạo đầy ấn tượng! Khi chiếc tàu chạy veo veo đến gần, Cao Bá Quát miêu tả con tàu kinh dị này khá chi tiết:

Nguy tường ngật lập ngũ lạng tĩnh (Cột tàu cao chót vót, con quay gió đứng yên)
Tu đồng trung trì phún tác yên thôi ngôi (Ống khói ở giữa phun khói lên cao ngất)
Hạ hữu song luân triển chuyển đạp cấp lãng (Dưới có hai bánh xe xoay chuyển đạp ngọn sóng)  
Luân phiên lãng phá ân kỳ sinh nộ lôi (Guồng quay, sóng đánh tung tóe ầm ầm như sấm rền)

 

Không phải chỉ có cấu trúc kỳ lạ, chiếc tàu hơi nước có tốc độ và chuyển hướng thật kinh hồn mà không thấy người chèo lái:

Hữu thì hoành hành đảo tẩu tật bôn mã (Có lúc đi ngang, chạy ngược, nhanh như ngựa phi)
Vô phàm, vô lỗ, vô nhân thôi (Không buồm, không chèo, không người đẩy)

 

Không kém phần kinh ngạc cho Cao Bá Quát là sự dễ dàng trong việc điều khiển con tàu này:

Long Nha, Xích Khảm bách lý ngoại (Long Nha, Xích Khảm ngoài trăm dặm)[26]
Đàn chỉ tảo khước kinh lan hồi (Chỉ búng ngón tay, vượt qua những làn sóng kinh người)

Hoán nhi ủng tỵ đàm tiếu lai (Họ gọi trẻ đến, vểnh mũi cười nói)
Tuyết khố nga cân nhiễu tường lập (Quần trắng mũ cao, đứng vây quanh cột buồm)

Làm chủ một con tàu thần kỳ như thế, mà không vất vả nhọc nhằn, vẫn ung dung cười nói, sang trọng trong đồng phục.  Thành tựu khoa học kỹ thuật của Âu tây thật đáng nể!

Kết quả của tinh thần phiên lưu mạo hiểm, quan điểm trọng thương và các thành tựu khoa học kỹ thuật là đời sống vật chất trù phú, sung túc.  Đây là một điểm cực kỳ quan trọng trong tư duy của Cao Bá Quát vì Ông vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không dư dả.  Khi ra làm quan, lương bổng ít ỏi, Ông lại bị bệnh tiểu đường, tốn kém thuốc thang, cho nên vợ con phải buộc lòng đi khắp chợ quê tìm kế mưu sinh (Thái Trọng Lai, 2014).  Trong thơ văn của Ông, ta không ngạc nhiên khi thấy xuất hiện nhan nhản giới lao động, người đói nghèo ví dụ như Cái tử (Người ăn mày), Đạo phùng ngã phu (Đi đường gặp người đói), Hiếu lũng quán phu (Thợ tát nước trên đồng cao buổi sáng), Mộ kiều quy nữ (Cô gái về qua cầu chiều), Phụ tương tử (Người vác hòm), Quan chẩn (Quan phát chẩn), vv.

Trái ngược với xã hội lao động nhọc nhằn Việt Nam, Cao Bá Quát quan sát đời sống giàu sang của người tây ở Hạ Châu với nhà lầu nguy nga, xe ngựa rập rình (Hạ Châu tạp thi).  Thật là một thế giới sầm uất, sung túc, người người qua lại trên xe đông vui, náo nhiệt và cuộc sống ung dung, nhàn hạ.  Ông đã ghi lại kinh nghiệm đó như sau:

Song song phù lạp hạ triêu tinh (Hai thuyền song song cập bến vào một buổi sáng đẹp trời)
Phiến phiến hồng kì chiếu thủy thanh (Từng lá cờ đỏ chiếu trên nền nước trong)
Dương nữ như hoa thướng xa khứ (Cô gái Tây đẹp như hoa lên xe đi)
Kỉ hành huề thủ sấn du minh (Mấy hàng người dắt tay nhau vui chơi trong sáng mai)

5(iv)    Sự cảm thông với người Trung Hoa

Cao Bá Quát thấm nhuần Hán văn (chữ viết, thi phú, sử ký, vv) ngay khi còn nhỏ.  Đến khi xuất ngoại, vì không biết tiếng nói nước ngoài, Ông chỉ có thể bút đàm bằng chữ Hán với các nhân vật gặp gỡ trong chuyến công vụ Hạ Châu.  Người bạn tâm đầu ý hợp nhất với Ông có lẽ là thương gia Hoàng Liên Phương, người đã được nhắc đến nhiều lần bên trên.  Ý thức ‘đồng văn đồng chủng’ với người Trung Hoa được biểu lộ rất rõ trong các bài thơ liên quan đến thương gia họ Hoàng.

Trong bài Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự triếp hữu sở cảm tẩu bút dư chi (xem thêm cước chú 24) Cao Bá Quát bày tỏ niềm vui được gặp gỡ và tâm sự với Hoàng Liên Phương về thời thế:

Vạn lý yên ba do tác khách (Khói sóng muôn dặm ta vẫn là khách lạ)
Tam xuân phong nguyệt thặng phùng quân (Trăng gió ba xuân nay được gặp gỡ ông)

 

Trước nạn tây xâm (mà Cao Bá Quát nói bóng là tây phong), Ông xem số phận Việt Nam và Trung Quốc gắn liền nhau (Vĩnh Sinh 2004: 37).  Chính vì quan niệm đó nên Ông đã kết luận như sau:

Ngã thị Trung Nguyên cựu nhân vật[27] (Ta chính là người Trung Thổ cũ)
Tây phong hồi thủ lệ phân phân
(Quay đầu hướng gió tây, nước mắt tuôn ràn rụa)

 

Ý niệm cùng văn hóa, cùng chủng tộc, cùng số phận còn được thể hiện trong những trường hợp khác, ví dụ như khi xem hát tuồng tại Tân Gia Ba.  Trong bài Dạ quanThanh nhân diễn kịch trường (Đêm xem người Thanh diễn tuồng) Cao Bá Quát phê bình người Hoa ở Tân Gia Ba đã vô tư xem diễn hát bội mà quên đi cái nhục thua trận trong chiến tranh Nha phiến.  Đặc biệt, Ông đã trách cứ khán giả như thể họ là người cùng nước:

Xuất thế khởi vô chân diện mục (Ra đời há không mắt, mặt thật)
Phùng trường lãng tiếu cổ y quan (Đến nhà hát cười tràn áo mão xưa)
Hổ Môn
[28] cận sự quân tri phủ (Chuyện Hổ Môn gần đây anh biết chưa?)
Thán tức hà nhân ủng tị khan (Đáng trách cho người nghếch mũi xem!)

Bản dịch của Vị Chử và Hóa Dân:

Tai mặt đời đâu toàn bộ giả

Áo xiêm xưa cũng thật trò cười

Hổ Môn biết việc gần đây chửa?

Ngán nỗi ai kia nghếch mũi coi!

 

Các câu thơ như ‘Áo xiêm xưa cũng thật trò cười’ và ‘Ngán nỗi ai kia nghếch mũi coi!’ của Cao Bá Quát không khỏi làm chúng ta nghĩ đến bài Vịnh tiến sĩ giấy 2 Hội tây của nhà thơ hậu bối Nguyễn Khuyến nhiều thập niên sau này.

Kết quả của chiến tranh Nha phiến là nhà Thanh phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng Nam Kinh (1842) và Hổ Môn (1843).  Sự thất bại quân sự của nhà Thanh không ít thì nhiều cũng đã làm giảm niềm tin của các nước lân cận, kể cả Việt Nam, vào sức mạnh của ‘thiên triều’.  Cao Bá Quát đã thay người Trung Hoa mà than thở:

Giang hải thôi di thế mặc hồi (Sông biển chuyển dời không trở lại)

Y Xuyên dã tế sử nhân ai (Điền miếu Y Xuyên ngẫm tủi thay!)

Tự tùng Hán mã thông Tây khí (Từ độ tàu Tây hơn ngựa Hán)

Thùy chướng cuồng ba vạn lý lai (Sóng cuồng muôn dặm tính sao đây?)

5(v)     Linh cảm xấu về tương lai nước nhà và văn minh Á đông

Qua văn thơ sáng tác trong chuyến công vụ Hạ Châu, chúng ta thấy Cao Bá Quát lộ ra hai thái độ khi tiếp xúc với văn minh phương tây.  Thứ nhất, sự cảm phục, nếu không muốn nói là ngưỡng mộ các thành tựu khoa học, kỹ thuật, đời sống kinh tế sung túc của người Âu tây (tại các thuộc địa).  Thứ hai, sự bất an, nếu không muốn nói là hoảng sợ, cho tương lai nước nhà nói riêng và văn minh Á đông nói chung.  Điểm thứ nhất đã được thảo luận trong các tiểu phần 5(ii) và 5(iii).  Trong tiểu phần này, chúng ta sẽ khai triển điểm thứ hai.

Là một nhà trí thức ưu thời mẫn thế, lại có cơ hội tiếp xúc văn minh Âu tây, Cao Bá Quát đã sáng suốt nhận ra hiểm họa tây xâm qua các sức mạnh cứng và mềm của nền văn minh này.  Về sức mạnh cứng, ông đã tận mắt chứng kiến thành tựu của khoa học, kỹ thuật phương tây như đã ghi lại trong Hồng mao hỏa thuyền ca.  Cộng thêm vào khả năng quân sự là ý đồ xâm lấn của người da trắng, ví dụ như nỗ lực của người Anh, đe dọa tiếp tục xâm lăng nhà Thanh:

Hổ Môn tân chiến sự như hà (Tin chiến sự mới ở Hổ Môn ra sao?)

Liệt trận dương thuyền xuất một đa (Tàu tây dàn trận nhiều, thoắt ẩn thoắt hiện)

Kiến thuyết ô binh nhật thao luyện (Thấy nói lính da đen luyện tập hàng ngày)

Thì thì hương vụ hướng minh ca (Cò trắng chi tiền luôn hát ca đến sáng)

 

Nếu chính nhà Thanh không thể chống đỡ nổi nạn tây xâm, thì số phận của nước nhỏ Việt Nam rồi sẽ ra sao?  Có lâm vào cảnh người Việt hầu hạ chủ nhân da trắng như ở Hạ Châu hay không?

Ngoài sức mạnh súng đạn của người tây, Cao Bá Quát còn nhận ra các sức mạnh mềm của họ, đầu tiên là kinh tế.  Cụ thể là buôn bán hàng hóa:

Mao đầu nhất khí vô nhân thức (Một hơi gió thổi đầu cờ Mao không ai biết)

Dương hóa do thông Bá Lý Đan[29] (Hàng hóa người tây còn lưu thông là nhờ Lý Bá Đan)

 

hay là di dân, xây cất nhà cửa:

Ma Cao thủ nạp vũ (Ma Cao bắt đầu bị kinh nhờn)

Bành Hồ diệc bao tu (Bành Hồ cũng chịu nỗi hổ thẹn)

Toại sự xà thỉ kiêu (Bọn rắn lợn sinh lòng kiêu ngạo)

Quận trạch la Thương Châu (Xây nhà la liệt ở Thương Châu)

 

Ớ đây chúng ta cần lưu ý thái độ khác nhau của Cao Bá Quát đối với Trung Quốc và Tân Gia Ba.  Đối với Trung Quốc thì Ông tỏ lòng căm phẫn việc người tây xây cất nhà cửa, trong khi đối với Tân Gia Ba thì Ông lại lên tiếng ngợi khen lầu các nguy nga, đường phố nhộn nhịp.  Rất có thể là Cao Bá Quát không cảm thấy đồng văn đồng chủng với thổ đân Hạ Châu, và đã chứng kiến Hạ Châu tận mắt, do đó có cái nhìn khách quan hơn chăng?

Sức mạnh mềm của văn minh Âu tây không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại mà còn bao trùm văn hóa, lối sống, động thái và hành xử mới.  Khả năng cuốn hút ghê gớm của văn minh Âu tây đã khiến Cao Bá Quát rất bi quan về văn minh  đông và phải thốt lên:

Thỉnh quan thí vấn châu tiền nguyệt (Hỏi ông mặt trăng ở phía trước)

Hà sự niên niên cảnh hướng tây (Cớ sao hết năm này đến năm khác lại cứ hướng về phía tây)

 

hay là

Hải thế hạ tây cực (Thế biển bị hạ thấp về cực phương tây)

Nộ quyền Côn Lôn khâu (Sự tức giận cuộn về gò Côn Lôn)

 

Cao Bá Quát đã nhận thấy Âu tây đang đe dọa, xâm lăng Á đông bằng mọi hình thức như quân sự, kinh tế và văn hóa.  Đáng sợ hơn nữa, Ông không thể nghĩ ra một phương sách đối phó với hiểm họa mất nước trong tương lai gần.  Âu lo cho viễn ảnh nước nhà, bế tắc trong biện pháp đối phó, Ông kêu gọi sức mạnh siêu nhiên để xua đuổi quân xâm lăng.  Chúng ta không hoàn toàn ngạc nhiên khi Cao Bá Quát kết thúc bài thơ Hồng mao hỏa thuyền ca như sau:

Quân bất kiến (Các ngươi chẳng thấy)

Vỹ Lư chi thủy hối Ốc Tiêu[30] (Khi nước từ vũng Vỹ Lư rót về tảng đá Ốc Tiêu)

Kiếp hỏa trực thượng thanh vân tiêu (Ngọn lửa khủng khiếp sẽ bốc lên tận mây xanh)

Khai châm đông khứ thận tự giới (Khi kim la bàn chỉ về phía đông thì hãy coi chừng)

Bất tỷ tây minh triêu mộ trào (Thủy triều sớm chiều không giống như biển tây đâu!)

 

Không tìm được giải pháp trong cõi thật, Cao Bá Quát đành đi vào cỏi ảo.  Trong một bài thơ mộng mị, hồn Ông đi khắp cõi tiên, gặp nhiều đối tượng, từ Ngưu Lang đến Thiên Tôn, từ người đến động vật, nhưng tất cả đều không có giải đáp cho nỗi sợ hãi của Ông (xem Nguyễn Ngọc Quận 2015).  Chỉ có con chim đại bàng là tỏ vẻ quan tâm cho câu hỏi của Ông, nhưng cũng chỉ biết ‘nghiêng cánh nhìn mây đỏ’!  Bài thơ này phản ánh tâm trạng bi quan, bế tắc của Ông trong việc tìm kiếm hướng đi cứu nước.

Cảnh giác của Cao Bá Quát về mưu đồ xâm chiếm của người phương tây đã ghi khắc vào tâm trí của Ông.  Sau khi về nước, trong bài Thập ngũ dạ đại phong (Ngày rằm gió to), với tinh thần bất khuất muôn thủa của người Việt, Ông ước mơ có ngọn gió đông nam của Chu Du ngày xưa để đuổi sạch chiến hạm Âu tây ra khỏi bờ cõi:

Nhất dạ trường phong hám hải đài (Suốt đêm gió thổi làm rung chuyển hải đài)
Thuận An môn ngoại lãng như lôi
[31] (Ngoài cửa Thuận An sóng gầm như sấm sét)
Thiên thu thượng tác Chu Lang khí (Hùng khí của Chu Du từ ngàn năm trước)
Yếu đả hồng mao cự hạm hồi (Đánh tan tàu chiến hồng mao chạy ngược về)

Cái hào hùng của bài thơ, nhất là câu cuối, không khỏi làm người đọc liên tưởng đến bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam), bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam thời tiền Lê, với câu kết ‘Nhữ đẩng hành khan thủ bại hư’ (Chúng bây rồi xem, sẽ bị thua tan tành).

Nói tóm lại, qua thi văn trong chuyến đi Hạ Châu và cả sau này, Cao Bá Quát đã chứng tỏ mình là một nhà thơ độc đáo, một trí thức tiến bộ, đã tiên giác (khả năng thấy sớm hơn những người cùng thời về các việc chưa xẩy ra) được tương lai u ám của đất nước.  Tiên giác đó và thái độ âu lo đi tìm giải pháp càng làm rõ nét sự tương phản giữa nhà thơ yêu nước Cao Bá Quát và giới lĩnh đạo có quyền năng, chịu trách nhiệm với vận mệnh non sông.  Vị trí của Ông như một nhà thơ tiên giác trong Việt sử đã được khẳng định.

 

6.        Kết luận

 

Sự nghiệp Cao Bá Quát bắt đầu thật bi thảm.  Ra làm quan chưa lâu, Ông mắc vào vòng lao lý, bị tra tấn dã man, bản thân suýt chết. Nhưng trong cái rủi lại có cái may.  Nhờ mang tội nặng mà Ông được xuất ngoại, có cơ hội tiếp xúc với các nền văn minh phi Khổng nho, bao gồm cả văn hóa Đông Nam Á lẫn văn hóa Âu tây.

Chuyến công vụ Hạ Châu là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời ngắn ngủi của Cao Bá Quát.  Chuyến đi xa này không những đem đến cho Ông những quan điểm, nhận thức hoàn toàn mới mà còn giúp Ông làm sáng tỏ một số điều mà Ông đã nghi ngờ từ lâu.  Là một nhà thơ bén nhạy, với nhãn quan tinh tế, tinh thần phóng khoáng, ngòi bút điêu luyện, Ông đã khéo léo phác họa những điều tai nghe mắt thấy, trải nghiệm, cảm xúc của mình trong chuyến hải trình hơn nửa năm này.

Qua các sáng tác khi xuất dương và sau khi về nước, Cao Bá Quát đã bộc lộ những tư tưởng rất tiến bộ so với các sĩ phu Việt Nam đương thời.  Như học giả Vĩnh Sinh (2004: 38) đã nhận định, Cao Bá Quát không phải chỉ là một nhà thơ tài hoa, mà còn là một trí thức mẫm cảm trước các biến chuyển lịch sử.  Ông là một người đi tiên phong trong việc cảm nhận mối họa tây xâm từ nhiều khía cạnh (không phải chỉ từ mặt quân sự) và sự lỗi thời của khoa cử nho giáo, một chế độ nhấn mạnh quá nhiều vào từ chương và hư văn.  Đây đúng là hai đề tài nóng bỏng cho nước Việt trong suốt hơn một thế kỷ dài sau đó.

Tuy nhiên, nhận thức mới lạ của Cao Bá Quát cũng chỉ do va chạm, cọ xát bên ngoài, chưa phải là sự thâm nhập vào hệ thống giá trị và tư tưởng phương tây, và do đó chưa thể vượt qua những giới hạn tất yếu và đương nhiên của thời đại Ông. Thứ nhất, vì những nhân tố khách quan như mục đích chuyến công vụ, địa điểm tiếp xúc, điều kiện thời gian, chức vụ, nhiệm vụ, hạn chế ngôn ngữ, vv Cao Bá Quát không có khả năng đưa ra những nhận xét tổng quan, có hệ thống về cơ cấu xã hội, thể chế chính trị, tổ chức kinh tế, vv của những nước Ông đi qua.  Từ những nhận định thiên về cảm tính, Ông không thể đưa ra những đề xuất mạch lạc, cụ thể cho việc canh tân đất nước.  Điều này phải chờ các nhà trí thức đời sau như Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Thứ hai, như những nhà nho Việt Nam đương thời (và sau này), Cao Bá Quát chỉ nghĩ về độc lập nước nhà, mà không nghĩ đến sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) giữa các quốc gia.  Hệ luận của lối suy nghĩ này là giải pháp đề kháng, chống đối bằng võ lực, quân sự thay vì cộng tác, thỏa hiệp qua kinh tế, giáo dục.  Một bài học quý báu cho người Việt là chính sách ngoại giao mềm dẻo, ngoại thương khôn khéo của Thái Lan.  Trước hiểm họa ngoại xâm, vua Rama III đã mau chóng hiện đại hóa hải quân, ký kết các hiệp ước thương mại với Anh quốc và Hoa kỳ, phát triển ngoại thương với đội tàu hơi nước, vv.  Nhờ vậy, Thái Lan đã giữ được tự chủ cho đến nay.  Nhưng nói cho công bằng, cho một nước với kinh nghiệm một ngàn năm bắc thuộc, đề kháng có lẽ là chọn lựa tất nhiên và duy nhất.

Thứ ba, vì Hạ Châu phần lớn là thuộc địa của đế quốc Anh (và một phần cũng vì chiến tranh Nha phiến), Cao Bá Quát tập trung rất nhiều văn thơ về việc phản kháng thực dân Anh.  Trong khi đó, Pháp mới chính là nước chiếm đóng và đô hộ Việt Nam.  Không rõ Ông có biết sự kiện năm 1841 (lúc Cao Bá Quát mới ra làm quan), tàu Pháp vào vụng Sơn Trà (Đà Nẵng), đã ngang nhiên cho linh đổ bộ, lại còn cho bắn 80 phát đại bác thị uy (Vĩnh Sinh 2004: 35).  Như những nho sĩ Việt Nam đồng thời, Ông không hiểu mối tương quan giữa các đế quốc thực dân.

Để kết thúc bài này, người viết xin đề cập thật ngắn gọn đến vụ nổi dậy Mỹ Lương.  Tùy theo quan điểm cá nhân, có người cho rằng đây chỉ là một cuộc nổi loạn không hơn không kém, trong khi có người lại cho rằng đây là một cuộc khởi nghĩa.  Giải thích chủ đạo cho rằng Cao Bá Quát là người có tài lỗi lạc đến mức ngông cuồng, lại không thành công trong khoa cử, không được trọng dụng, nên sinh ra chán nản, bực tức và nổi loạn.  Nhưng nếu chỉ vì bất mãn cá nhân mà làm loạn, gây hệ lụy thê thảm cho bản thân, vợ con, anh em, dòng họ, thì cũng không phải là thuyết dễ dàng lý giải.  Ngoài bất mãn cá nhân, Cao Bá Quát có thể còn động cơ nào khác chăng?

Một hướng giải thích khác, có thể bổ sung cho thuyết chủ đạo nói trên, nhắm vào nhân sinh quan tích cực, xã hội của Cao Bá Quát.  Đó là một thái độ phản kháng trước thế lực thống trị nhưng lại cũng là ‘cái nhìn tràn đầy yêu mến đối với nhân dân; có con mắt nhìn rất sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống muôn vẻ, nhưng Cao lại cũng biết nhìn khái quát về tình trạng bi phẫn nói chung của hiện thực đương thời’ (Nguyễn Huệ Chi 1961).  Phải có một cái nhìn tinh tế của một nhà xã hội học cùng với tấm lòng nhân ái bao trùm khắp làng quê thôn xóm như Cao Bá Quát mới có thể làm thơ về những khốn cùng của dân nghèo lam lũ đói khổ.  Phải chăng nỗi uất hận cá nhân cộng thêm nhân sinh quan xã hội và tiên giác về họa ngoại xâm đã là những nhân tố dẫn đến cuộc nổi dậy Mỹ Lương?

Một nhà nho vừa ngang tàng vừa là tiên giác, đi trước thời đại với tầm vóc quá khổ, khó tránh kết cục bi thảm.  Thi hào Cao Bá Quát không là trường hợp ngoại lệ!

 

Tài liệu tham khảo

 

Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia (2018), Cao Bá Quát, truy cập 11/03/2018 <https://vi.wikipedia.org/wiki/Cao_B%C3%A1_Qu%C3%A1t>

Dân Trí (2015), ‘Nghĩa lý và cuội nguồn hai câu thơ: “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”’, Sông Hương, truy cập 25/02/2018 <http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n19207/Nghia-ly-va-coi-nguon-2-cau-tho-VAN-NHU-SIEU-QUAT-VO-TIEN-HAN-THI-DAO-TUNG-TUY-THAT-THINH-DUONG.html>

Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung Tâm Học Liệu in lại lần thứ 10, Sài Gòn.

Dương Quảng Hàm (1962), Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển Quyển 2, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, in lại lần thứ 8, Sài Gòn.

Hồ Bạch Thảo (2017), ‘Sau khi Chiến tranh Nha phiến thất bại, Trung Quốc có ý định dựa vào Việt Nam’, Phần 3, Diễn Đàn Forum, truy cập 24/02/2018 <https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/sau-chien-tranh-nha-phien-that-bai-trung-quoc-co-y-dinh-dua-vao-viet-nam-3>

Kiều Văn (tuyển chọn) (2000), Thơ Cao Bá Quát, Nhà Xuất bản Đồng Nai, Biên Hòa.

Mai Quốc Liên (2012), Cao Bá Quát Toàn Tập – Tập 2, Nhà Xuất bản Văn Học, Hà Nội.

Trúc Khê Ngô Văn Triện (1940), Cao Bá Quát Danh Nhân Truyện Ký, Tân Dân, Hà Nội.

Nguyễn Huệ Chi (1961), ‘Tìm hiểu nhân sinh quan tích cực trong thơ Cao Bá Quát’, Nghiên Cứu Văn Học 6, 21-36.

Nguyễn Ngọc Quận (2015), ‘Mộng mị và ảo giác trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát’, Tạp Chí Đại Học Sài Gòn, Bình Luận Văn Học, truy cập 21/03/2018 <http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-vi%E1%BB%87t-nam/6550-m%E1%BB%99ng-m%E1%BB%8B-v%C3%A0-%E1%BA%A3o-gi%C3%A1c-trong-th%C6%A1-ch%E1%BB%AF-h%C3%A1n-cao-b%C3%A1-qu%C3%A1t.html >

Nguyễn Thị Tính (2015), ‘Cái nhìn tiến bộ trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát’, Tạp Chí Khoa Học Xã Hội Việt Nam 8(93); 102-107.

Nguyễn Văn Đăng (2003), ‘Vài nét về ngành đóng thuyền theo kiểu phương tây triều Minh-Mạng’, Huế Xưa và Nay 56: 56-63.

Salmon, Claudine (2013), ‘The Hạ Châu or Southern Countries as observed by Vietnamese emissaries (1830-1844)’, Cahiers d’Archipel 85:135-140.

Salmon, Claudine & Tạ, Trọng Hiệp (1994), ‘L’émissaire Vietnamien Cao Bá Quát (1809-1854) et sa prise de conscience dán lé “Contrées méridionales”’, Bulletin de l’École Française d’Ẽtrême-Orient 81:125-149.

Thái Trọng Lai (2014), ‘Gian nan việc dịch thơ Cao Bá Quát’, truy cập 13/03/2018 <http://havuvhp.blogspot.com.au/2015/01/gian-nan-viec-dich-tho-cao-ba-quat-thai.html>

Trần Nho Thìn (2009), ‘Ý nghĩa của chuyến đi dương trinh hiệu lực với tư tưởng Cao Bá Quát’, Tạp Chí Văn Hóa Nghệ An, 19 tháng 11, truy cập 21/03/2018 <http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/y-nghia-cua-chuyen-di-duong-trinh-hieu-luc-voi-tu-tuong-cao-ba-quat>

Trung Tâm Quốc Học (2009), Cao Bá Quát Toàn Tập – Tập 1, Nhà Xuất bản Văn Học, Hà Nội.

Viện Sử học (2007), Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Nhà Xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, truy cập 11/03/2018 <https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-thuc-luc>.

Vĩnh Sinh (2004), ‘Thử tìm hiểu thêm về chuyến công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát’, Diễn Đàn Forum 137: 33-38, truy cập 24/02/2018 <https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-137/pdf-137/view>



[1] Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Vũ Dũng đã đọc và nhuận sắc bài này, đặc biệt là đã đề nghị thay đổi bố cục Phần 3, giúp bài viết gọn và hợp lý hơn.

[2] Tuy nhiên, trong Trần Tình Văn (Bài Trần Tình), Cao Bá Nhạ, con trai Cao Bá Đạt (anh song sinh của Cao Bá Quát) phê bình Cao Bá Quát chú mình là người cậy tài, ngông cuồng, rượu chè, kinh doanh trục lợi, cãi lời bạn bè và anh ruột, vv.  Vì bài biểu này được Cao Bá Nhạ viết ra khi đã bị đi tù với mục đích đổ lỗi cho chú và minh oan cho mình, nên mức dộ khả tín và khách quan rất giới hạn.

[3] Tuy đã có nhiều khảo cứu, hiện nay vẫn có ít nhiều tranh cãi về năm sinh, tên tự, năm mất và cái chết của Cao Bá Quát.  Dựa trên bài Thiên Cư Thuyết (Chuyện Dời Nhà), Cảm tácTặng Di Xuân do Ông sáng tác, các nhà nghiên cứu kết luận Ông sinh năm 1808 tuy rằng cũng có nơi ghi sai là 1809.  Thật ra, trong một số bài thơ, Cao Bá Quát tự xưng là Nguyên Long (rồng đầu đàn), hàm ý Ông sinh năm Mậu Thìn 1808.  Có học giả cho rằng Chu Thần là tên tự (qua tên tự liên tưởng được tên thật), nhưng cũng có học giả lại cho đó là tên hiệu (danh hiệu hay bút hiệu) của Ông.  Căn cứ theo điển tích trong sách Luận Ngữ, Chu Thần (bầy tôi nhà Chu) đúng là tên tự của Ông.  Về năm mất của Ông, có học giả viết là 1854.  Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên (ĐNTLCB), Ông mất tại trận tiền tháng chạp năm Giáp Dần, mà tháng này hoàn toàn rơi vào năm 1855.  Về cái chết của ông cũng vẫn còn nghi vấn.  Theo chính sử nhà Nguyễn, Ông bị ‘suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Vua Tự Đức hạ lệnh bêu đầu ông khắp các tỉnh miền Bắc rồi bổ ra ném xuống sông’ (ĐNTLCB).  Theo dã sử và truyền thuyết văn chương, thì Ông bị bắt giải về Hà Nội rồi đưa vào giam ở Huế trước khi đem ra chém đầu.  Cũng có thuyết cho rằng Ông bị chém đầu cùng với các con tại quê làng Phú Thị.  Căn cứ theo hậu duệ dòng họ Cao Bá thì Cao Bá Quát không chết trận và cũng không bị chém đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chứng cớ gì ủng hộ giả thuyết đào thoát này.

[4] ĐNTLCB là bộ sử biên niên viết bằng chữ Hán do các sử quan nhà Nguyễn biên soạn từ 1820 (thời vua Minh Mạng) đến năm 1909.  Bộ sử này, chia thành tám kỷ (phần), ghi chép các sự kiện lịch sử từ khi Nguyễn Ánhm chúa (1778) đến đời vua Đồng Khánh (1887), sau này được viết thêm đến đời vua Khải Định (1925).  Bản dịch chữ Việt mới nhất được xuất bản từ năm 2002 đến 2007.

[5] Về phương diện tiểu sử, hầu hết các nghiên cứu này dựa vào Cao Bá Quát Danh Nhân Truyện Ký của Trúc Khê Ngô Văn Triện (1940), một tác phẩm có xu hướng tiểu sử hóa giai thoại, dùng đó làm cơ sở đánh giá, nhận định Cao Bá Quát.

[6] Thời nhà Nguyễn và trước đó, thi hương gồm có bốn kỳ (còn gọi là tứ trường).  Nếu đỗ ba kỳ được gọi là tú tài (hay sinh đồ).  Nếu đỗ cả bốn kỳ được gọi là cử nhân (hay cống sĩ).  Đỗ đầu kỳ thi hương được gọi là giải nguyên, đỗ thứ nhì là á nguyên.  Chỉ có cử nhân mới được đi thi hội.  Cử nhân có thể được bổ làm quan, và tú tài có tư cách đi dạy học (gọi là ông đồ).

[7] Chấm sơ khảo tức là chấm điểm các thí sinh trong một, hai kỳ đầu của thi hương.  Người làm chức vụ này được gọi là đồng khảo thí.

[8] Theo cước chú (1) của bài thơ dịch, Cao Bá Quát bị tra tấn thân thể dập nát, máu me đầm đìa, khiêng về ngục hai trống canh (bốn giờ) sau mới hồi tỉnh; xem Kiều Văn (2000: 57).

[9] Cải tiến kỹ thuật đóng thuyền không chỉ phục vục mục đích giao thương, kinh tế mà còn nhằm xây dựng lực lượng hải quân hùng hậu, có sức mạnh trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo.  Vua Minh Mạng đã phát triển hải quân Việt Nam qua các biện pháp cụ thể như: hiện đại hoá các chiến thuyền, xây dựng pháo đài phòng thủ trên một số hòn đảo trọng yếu, soạn sách dạy thủy chiến, tập bắn và tuần phòng trên biển.  Về chủ quyền biển đảo, theo ĐNTLCB, năm 1834 vua Minh Mạng đã sai đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc kích thước, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo.  Bên cạnh việc khai thác tài nguyên, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng chùa, miếu, trồng cây, dựng cột và bia chủ quyền tại một số đảo.  Vua cũng cho quân đồn trú, tiến hành thu thuế, bảo vệ ngư dân, tuần phòng trên biển, cứu hộ các tàu thuyền không cứ của nước nào gặp nạn trên vùng, và đánh đuổi cướp biển.

[10] Chiếc thuyền bọc đồng được sản xuất đầu tiên là thuyền buồm Thụy Long.  Đây là chiếc thuyền đã dược sử dụng trong chuyến công vụ đi Giang Lưu Ba năm 1840 của Đào Trí Phú và Trần Tú Dĩnh (xem thêm cước chú 17).

[11] Một loại thuyền bọc đồng, buồm giăng ngang, mà nhà Nguyễn dùng để đi buôn bán với nước ngoài thời ấy (Vĩnh Sinh 2004: 33).

[12] Một quan (nói trại từ quán) tương đương với 10 tiền hay 600 đồng.  Sáu trăm đồng xếp trong một thước bằng một quan.

[13] Bùi Ngọc Quý, từng đi sứ nhà Thanh đời vua Tự Đức.

[14] Hai bài này, đánh số (91) và (89), được in lại trong phần phụ lục của Slamon & Tạ (1994:148).  Vì người viết không đọc được tiếng Hán cho nên không suy ra được tên của hai bài thơ này.  Nếu hai bài thơ này đã được dịch ra tiếng Việt, chắc sẽ có trong Cao Bá Quát Toàn Tập; xem Trung Tâm Quốc Học (2009) và Mai Quốc Liên (2012).

[15] Khi Salmon và Tạ (1994) xem xét Chu Thần Cao Ngâm Tập, thì tập thơ này chỉ có 36 bài tiếng Hán.  Nhưng theo các tài liệu gần đây hơn, ví dụ như Mai Quốc Liên (2012), Chu Thần Cao Ngâm Tập hiện nay có tổng cộng 46 bài thơ.

[16] Robert Hunter là hậu duệ của các nhà buôn Tô Cách Lan đã kiếm được rất nhiều tiền trong việc buôn bán rượu rum và thuốc lá giữa Mỹ và châu Âu trước chiến tranh Độc lập.  Ông Hunter đã sống ở Vọng Các cùng gia đình vận hành bốn con tàu buôn bán giữa Thái LanTân Gia Ba.  Ông trở nên có quyền hành và thế lực ở Thái Lan, nhưng sau vì bất đồng với vua Thái Lan trong việc mua bán tàu hơi nước (một phần vì Việt Nam được xem là địch thủ của Thái Lan), Ông bị trục xuất ra khỏi Thái Lan, tuy sau đó được trở lại Vọng Các thu hồi tài sản.  Ông Hunter trở về Tô Cách Lan và mất năm 1848.  Một điểm khá thú vị là chính Ông Hunter này đã ‘khám phá’ ra cặp song sinh dính liền (Siamese twin) Cheng và Eng Bunker năm 1829, và ký hợp đồng với cha mẹ của họ để tổ chức trình diễn Cheng và Eng vòng quanh thế giới.

[17] Theo ĐNTLCB (Tập 5: 781 & 794), năm 1840 vua Minh Mạng sai Đào Phú Trí và Trần Tú Dĩnh đi thuyền Thụy Long ra nước ngoài mua tàu hơi nước cỡ nhỏ.  Đào Trí Phú đã thuê người tây mang tàu này về Việt Nam.

[18] Sau chuyến công vụ, Lý Văn Phức đã để viết ra các tác phẩm như Tây Hành Nhật Ký (đã thất lạc), Tây Hành Kiến Văn Kỷ LượcTây Hành Thi Lược.

[19] Hà Tông Quyền viết tập thơ Mộng Dương Tập trong khi Phan Thanh Giản để lại Ba Lăng Thảo. 

[20] Phan Huy Ích đã tường trình chuyến công vụ của Ông rất chi tiết trong Hải Trình Lược Chí.

[21] Cao Bá Quát đã làm ra Chu Thần Cao Ngâm Tập nhắc đến bên trên.

[22] Mười năm sau (1854) bị xử lăng trì vì bị kết tội có liên quan đền việc mưu đoạt ngôi vua của Nguyễn Phúc Hồng Bảo (cùng cha khác mẹ với vua Tự Đức).

[23] Đi công vụ về bị giáng chức vì tội buôn lậu (mua hàng về nước mà không khai báo) nhưng không biết buôn lậu hàng gì (Vĩnh Sinh 2204: 35).

[24] Đây là câu thứ năm trong bài thất ngôn bát cú Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự triếp hữu sở cảm tẩu bút dư chi (Cùng Hoàng Liên Phương nói về việc ở hải ngoại, có điều cảm xúc, viết nhanh đưa bạn).  Hoàng Liên Phương (Huang Lianfeng) là một thương gia người Hoa có kho hàng ở Tân Gia Ba, nhiều lần tiếp chuyện và làm thơ cùng Cao Bá Quát, và có mời Cao Bá Quát đến thăm tư gia.

[25] Có thể chỉ lầu Quan Hải, một tòa nhà cao xây năm 1834 tại Trấn Hải Thành, cửa biển Thuận An, trên đường đi của Cao Bá Quát (xem thêm cước chú 31).

[26] Long Nha (Lingga) nằm về phía đông của Sumutra nhưng Xích Khảm thì không rõ.  Xích Khảm có thể là Sakam, thuộc địa của Hà Lan trước đây, hiện nay thuộc thành phố Đài Nam, Trung Hoa Dân Quốc.

[27] Tức là hai nhân vật Trương Khiên (Trương sứ) và Ngũ Viên trong hai câu thơ bên trên.

[28] Nhắc đến chiến tranh Nha phiến (1839-42) giữa nhà Thanh và Anh quốc.  Hổ Môn là nơi Lâm Tắc Từ ra lệnh đốt thuốc phiện lậu do thực dân Anh xuất cảng qua Trung Quốc.  Đây cũng là nơi ký hiệp ước bất bình đẳng Hổ Môn năm 1843 tái khẳng định nước Anh được hưởng chế độ tối huệ quốc và quyền tài phán lãnh sự.  Ngoài ra nhà Thanh Thanh còn phải mở các hải cảng cho người Anh tự do mua bán.

[29] Chưa thấy giải thích Bá Lý Đan là điển tích gì!

[30] Việc Cao Bá Quát trích dẫn các điển tích trong sách Trang TửDưỡng Sinh Luận cũng cho thấy Ông phóng túng, không muốn ép mình vào khuôn thước nho giáo của Ông (Vĩnh Sinh 2004: 37).

[31] Trấn Hải Đài do vua Gia Long xây cất tại cửa biển Thuận An năm 1813 với mục đích kiểm soát và điều khiển lưu thông tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào cửa biển này, cũng như phòng thủ cho kinh thành Huế.  Trấn Hải Đài được vua Minh Mạng củng cố thêm rất nhiều lần và đổi tên thành Trấn Hải Thành năm 1834.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-4-18