Trần Hữu Nghiệp

Nhà Giáo Nhân Dân

Ông Trần Hữu Nghiệp có bút danh là Hằng Ngôn. Sinh ngày 15-3-1911 (Tân Hợi) trong một gia đình trung nông tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con trai thứ ba của ông Trần Văn Nghĩa (1865-1927) và bà Phạm Thị Phường (1877-1954).

 Vì năm Tân Hợi này là năm nhuận (có đến hai tháng 6) nên lúc ở nhà, cha mẹ cũng thường gọi tên ông là Nhuần.

 Năm lên 10, khi đã biết đọc biết viết (nhờ cha dạy tại nhà) ông được gởi vào học tiểu học ở trường huyện Ba Tri, sau đó chuyển lên học tiếp ở trường tỉnh Bến Tre.

 Năm 1926, vì tham gia vào lực lượng học sinh sinh vìên tổ chức lễ truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng trong phong trào Duy Tân nên ông đã bị đuổi khỏi trường công của Bến Tre. Ông lên Sài Gòn, xin vào trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh và học nhảy lớp.

 Năm 1928, ông thi đậu Brevet élémentaire với điểm cao (hạng nhì) nên được ông Huỳnh Khương Ninh, lúc ấy là hội đồng thành phố Sài Gòn, vận động xin cho học bổng và vào học tiếp ở trường Chasseloup Laubat.

 Năm 1931, sau khi đổ tú tài, ông thi đổ và vào học Đại học Y khoa ở Hà Nội.

 Năm 1937, tốt nghiệp Bác Sĩ và được sang Paris (Pháp) để tu nghiệp thêm.

 Năm 1939, ông trở về nước, hành nghề, mở phòng khám bệnh tư tại thành phố Mỹ Tho.

 Năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, ông tham gia công tác tuyên truyền ở Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho.

 Ngày 23-9-1945, tiếng súng kháng chiến của Nam bộ nổ ra đầu tiên ở Sài Gòn, và một tháng sau đó (23-10-1945), giặc Pháp đưa quân tái chiếm tỉnh Mỹ Tho, thì ông cũng chính thức thoát ly gia đình, rời bỏ cuộc sống giàu sang ở thành thị để ra đi theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp với công tác đúng ngành nghề của ông là cứu chữa các chiến sĩ vệ quốc đoàn.

 Tháng 3-1946, trong lúc đang phụ trách công tác cứu thương ở mặt trận cù lao An Hóa (lúc này còn thuộc tỉnh Mỹ Tho), ông được gọi về khu, tham gia một phái đoàn của miền Trung Nam bộ (khu 8), cùng với ông Ca Văn Thỉnh và bà Nguyễn Thị Định của Bến Tre, được cử ra Hà Nội gấp để báo cáo tình hình với Chính phủ Trung ương và xin chi viện vũ khí cho Nam Bộ.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị khẩn trương, vào một ngày cuối tháng 3 năm 1946, chiếc thuyền chở đoàn, xuất phát từ Cồn Lợi (thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre), giong buồm chạy xa ra ngoài biển Đông để tránh những tàu tuần tiểu của Pháp, rồi hướng thắng về phía Tây bắc.

Đoàn đã đổ bộ lên Phú Yên, lúc này vẫn còn là vùng giải phóng của ta, theo xe lửa ra Quảng Ngãi, gặp Bộ Tư Lệnh khu 5, được Tướng Nguyễn Sơn tiếp đón và tổ chức cho đi tiếp ra Hà Nội.

Tại thủ đô, đoàn đã được lãnh đạo của chính phủ và quốc hội đón tiếp chu đáo thân tình, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp thăm hỏi trò chuyện. Sau đó ông được giữ lại công tác ở Cục Quân Y Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Trong những tháng ngày này, Nhà nước Công Nông đầu tiên và còn non trẻ của ta đang phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách bởi thù trong giặc ngoài.  Vì vậy theo yêu cầu của tình hình nhíệm vụ cách mạng lúc bấy giờ, ông đã được động viên để nhận thêm nhiệm vụ tham gia vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam vừa mởi được thành lập để làm nơi tập họp giớỉ nhân sĩ trí thức và các nhà công thương tiến bộ, gia nhập vào mặt trận kháng chiến cứu nước, chống thực dân Pháp.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) ông rời Hà Nội, vào thanh tra công tác Quân Y ở Liên khu 4, Bắc Bộ (Thanh-Nghệ-Tỉnh). Một thờỉ gian sau đó, theo nguyện vọng, ông được tiếp tục lên đường trở về chiến trường Nam bộ với chức vụ Tổng Thanh Tra Quân Y Việt Nam.

Giữa năm 1947, ông cùng vớí bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, vừa từ Sài Gòn mới ra chiến khu, bắt tay xây dựng ngành dân y, đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên y tế.  Ông được cử làm Phó Giám Đốc Sở Y Tế Quân dân Nam bộ, trực tiếp phụ trách các tỉnh thuộc khu 8. Ông đã mở nhiều lớp đào tạo y tá, cứu thương, hộ sinh cho các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, và các đơn vị bộ đội thuộc khu 8. Ngoài công tác huấn luyện dạy học, ông còn trực tiếp tham gia điều trị cứu chữa thương binh, bệnh binh ở Quân Y Viện Trung đoàn 99 và Quân Y Viện II - khu 8.

Năm 1951, chiến trường Nam Bộ được phân chia lại thành 2 phân liên khu (miền Đông và miền Tây) ông được chuyển về miền Tây - phụ trách đào tạo cán bộ y sĩ cho ngành.

Năm 1954, Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, hiệp định Genève về Việt Nam được ký kết, ông tập kết ra Bắc.

 Năm 1955, ông được giao chức vụ Trưởng Ban Huấn luyện Bộ Y Tế nước VNDCCH và ủy viên Ban biên tập tạp chí Y học thực hành.

 Tháng 9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận.

 Năm 1956, ông được bổ nhíệm làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y Tế Trung ương ở Hà Nội. Đây là Trung tâm đào tạo và bổ túc cho cán bộ trung, cao cấp dân y lớn nhất của cả nước lúc bấy giờ.

Năm 1958 ông lại được kiêm nhiệm thêm chức vụ ủy viên cố vấn Bộ Y Tế.

Trong những năm sống ở miền Bắc, ông đã có nhiều lần được cử đi công tác hoặc tham quan tu nghỉệp thêm ở các nước bạn: Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Tiêp Khắc ...

Đến năm 1964, ông được chuyển sang làm Phó Chủ Nhiệm khoa Nội của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đây cũng là nguyện vọng của ông, là bước tích lũy thêm thực tế kỹ thuật điều trị lâm sàng, để qua năm sau (1965) ông lại lên đường về Nam, chiến trường chính của cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt của quân dân ta chống quân xâm lược Mỹ đang bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam.

 Trở về Nam, ông được phân công làm Hiệu Trưởng Trường Đào tạo Cán bộ y tế trung và cao cấp của Miền, đồng thời tham gia hướng dẫn điều trị tại Bệnh viện dân y Hoàng Lệ Kha.

 Nãm 1966, trong dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập Nhà nước VNDCCH (Quốc khánh 2-9-1966), ông đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ tiền phong của giai cấp công nhân. Lễ kết nạp ông vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, được tổ chức tại một vùng căn cứ của Mặt trận dân tộc gíải phóng miền Nam Việt Nam ở miền Đông Nam bộ.

 Tháng 6-1969, khi Chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam ra đời, ông được chỉ định làm Cố vấn cho Bộ Y Tế.

 Trong những năm hoạt động ở chiến khu trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), rồi chống Mỹ (1955-1975) ông luôn hòa nhập vào cuộc sống đầy khó khăn gian khổ, thậm chí có lúc cực kỳ ác liệt, mà mọi người cán bộ, chiến sĩ cách mạng phải chịu đựng.

 Ngoài công tác lãnh đạo và giảng dạy, ông cũng từng phải đào hầm trú ẩn chống máy bay địch đánh phá. Ông cũng từng phải cuốc đất trồng rau, chăn nuôi heo gà, giăng câu, bẫy thú để góp phần cải thiện bữa ăn cho gia đình và các lớp học trò của ông.

 Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975) đất nước thống nhất một nhà, về lại Sài Gòn ông vẫn tham gia giảng dạy bộ môn Tâm lý Y học và Y đức học ở Trường Kỹ thuật Y Tế và Trường Quản lý ngành Y Tế phía Nam cho đến khi về nghỉ hưu năm 1979.

 Là một bác sĩ y khoa, ông Trần Hữu Nghiệp còn tham gia viết nhiều sách, báo.  Quyển sách văn học đầu tiên là một tập ký, nhan đề “Hồ Chủ Tịch trong lòng dân tộc” với bút hiệu Hằng Ngôn, gồm 20 bài ghi chép những điều tai nghe mắt thấy về uy tín của lãnh tụ và mối quan hệ gắn bó giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân trong chuyến đi từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam năm 1946-1947 của ông. Sách đã được Đoàn văn hóa kháng chiến tỉnh Bến Tre xuất bản năm 1948.

 Ngoài những tập sách truyền bá kiến thức y học như “Phép nuôi con” (NXB Khoa học phổ thông ở Sài Gòn 1943), “Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc” (xuất bản ở Hà Nội năm 1962, sửa chữa và tái bản ở TP Hồ Chí Minh năm 1975), “Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình” (NXB TP Hồ Chí Minh năm 1978), “Nói chuyện với người uống rượu” (NXB TP Hồ Chí Minh năm 1981), “Nói chuyện với người hút thuốc” (NXB TP Hồ Chí Minh năm 1983), ông còn có tập ghi chép “Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài” năm 1990, “Lịch sử phụ nữ ngành Y Tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” năm 1991, “Thời gian trong mắt tôỉ” (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh năm 1993).  Ngoàì sách ra còn rất nhiểu bài báo của ông được đăng tảí trên các báo: Đại Đoàn Kết, Pháp Luật, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Văn Nghệ ...

 Xét công lao của ông đã đóng góp cho ngành y tế ngay từ Cách Mạng Tháng Tám - 1945, nhất là trên lãnh vực đào tạo cán bộ, mà một số khá nhiều học trò của ông đã trở thành những người đảm đương trọng trách y tế ở nhiều cấp nhiều địa phương, có người là Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua, là Thầy thuốc nhân dân, Thấy thuốc ưu tú, có người trở lại chiến trường bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở cách mạng, nêu cao tấm gương kiên trung, bất khuất v.v. . . Hội Đồng Nhà Nước đã phong tặng cho ông danh hiệu “Nhà Giáo Nhân Dân” ngành y tế năm 1988, cùng với nhiều huân huy chương cao quý khác, trong đó cố huân chương Chiến Thắng hạng nhất, Kháng chiến hạng nhất, Độc lập hạng nhì v.v. . .

 Về đời riêng, ông đã có hai lần hôn nhân, lần đầu năm 1939 với bà Lê Thị Nhi, người ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, có được 3 con (1 gái. 2 trai) và lần sau với bà Nguyễn Thị Lê cũng người Tân Hào, có được 3 con gái. Tất cả các con cháu ông đều trưởng thành, thành đạt và có cương vị trong xã hội.

 Trong cuộc sống đờì thường, ông là một con người bình dị, cởi mở, tính tình thẳng thắn, có nếp sống cần kiệm, liêm khiết, với đạo đức trong sáng. Ông cũng là một thầy thuốc giỏi, có nhiều kinh nghiệm, với quan điểm và tấm lòng thương yêu, tận tụy vì bệnh nhân, học nhiều, hiểu rộng, có trí nhớ tốt. Ông cũng là một nhà giáo có kiến thức uyên thâm, có phương pháp sư phạm khoa học, luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, giữa kỹ thuật với y đức, tác phong giảng dạy sâu sát nhiệt tình với cách thức phong phú sinh động, đôi khi dí dỏm, khiến ngườí nghe khó quên những bài giảng lý thú của ông.

 Cuộc đời ông là tấm gương tiêu biểu cúa người trí thức yêu nước, chân chính, đã gác bỏ tất cả danh vọng giàu sang để gắn bó đời mình với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã tận tụy dồn hết tâm trí mình cho sự nghiệp trồng người để chăm lo giáo dục đào tạo đội ngũ những người thầy thuốc tốt, hết lòng phục vụ cho kháng chiến, cho sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân.

 Chẳng thế mà, đồng nghiệp và học trò của ông đã nói về ông như sau: “... hoặc như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, quê ở Bến Tre, ông là thầy của các bậc thầy giỏi.  Suốt mùa kháng chiến chống Pháp, ngoài giờ lên lớp, chúng ta không thể không xúc động khi thấy ông ở trần, mặc quần tiều, nhổ bông súng, vớt bèo nuôi heo, góp sức tự lực cánh sinh, cải thiện miếng ăn cho thầy và trò.  Từ lúc kháng chiến chống Pháp rồi xây dựng hoà bình trên đất Bắc, ông luôn đảm trách công việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành y tế.  Học trò của ông, khi nhớ lời thề Hyppocrate và đạo đức, quan điểm phục vụ của Hải Thượng Lãn Ông, đều không thể quên được người thấy - chú Chín - bác sĩ Trần Hữu Nghiệp...”

Trích bài "Vâng - Khó nhưng phải làm"
của Vũ Kim Sa - Báo Tuổi Trẻ ngày 31 - 8- 1999

 Đánh giá giới trí thức nhân sĩ, trong đó có ông đã tham gia cách mạng, Cố vấn Võ Văn Kiệt - Nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam - Nguyên Thủ Tướng Chính Phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã phát biểu trong cuộc họp với các nhà văn tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25-8-1999 để phát động cuộc vận động công tác viết về những nhà trí thức nhân sĩ đến với cách mạng, trước mắt là trong thời kỳ Nam bộ kháng chiến và Cách Mạng Tháng Tám.

 ... Tôi đi cách mạng thì không có gì để mất ... nhưng với các đồng chí ấy - những nhà trí thức, địa chủ, chức sắc tôn giáo ... phải nói là họ đã có những hy sinh rất lớn mà vẫn đi suốt cuộc đời với cách mạng.  Bỏ tất cả, hiến tất cả để ra đi.  Điều đó lớn lắm, tiêu biểu bản sắc và truyền thống của một miền Nam anh hùng luôn đi trước về sau, cũng như cho cả một cuộc chiến đấu của dân tộc, cũng là thể hiện vai trò và khả năng tập họp lớn của Đảng, yếu tố quyết định cho sự thành công của sự nghiệp cứu nước...”

Trích bài " Khó - nhưng phải làm"
của Nguyễn Đông Thức - Báo Tuổi trẻ ngày 26-8-1999.

 Có lẽ các ý  kiến trên đây, cũng đã khái quát nói lên những phẩm chất đáng quý đồng thời ghi nhận sự cống hiến đáng trân trọng - mà đó cũng là tấm lòng của ông bác sĩ Trần Hữu Nghiệp Nhà Giáo Nhân Dân, người con ưu tú của quê hương Bến Tre đối với đất nước, dân tộc trong suốt chặng đường tham gia cách mạng hơn nửa thế kỷ vừa qua.

Ngày 10 Tháng 01 Năm 2001
Bác sĩ Trần Văn Lễ