Từ cõi “Den mơ”

Trần Chiến

 

Viết về ai đó, tôi không thích “bình giảng” chen vào, mà chỉ kể, tránh cái chủ quan của mình ảnh hưởng đến người đọc. Thực ra sự kể gì, không kể gì cũng đã đầy chủ quan rồi.

Trong trường hợp cụ thể này, tôi lại muốn đặt một tiêu đề hẳn hoi kiểu “Đánh giá rất cao vai trò hư cấu”. Nguyễn Xuân Khánh không ưa lý luận, thỉnh thoảng “đánh rơi” quan niệm của mình, một cách chả hùng hồn gì. Không thích lập ngôn kiểu “sứ mạng nhà văn là này nọ”, ít khi chê bai bạn văn, nhưng nhiều câu khen làm tôi ngờ ngợ, nên phải chen vào một ít cho rõ.

“Tưởng tượng kém”, bình luận về một quyển sách. Về tác giả khác: “Ông ấy chỉ bê lại Toàn thư”.

Về “Hồ Quý Ly” của mình: “Chỉ khi Sử Văn Hoa xuất hiện, mọi thứ mới sinh động, thanh thoát hẳn lên”. Ra ý với những nhân vật có thực kia, ông bị bó tay phóng tác.

Trong tiểu thuyết trên, ông rất thành công với vai cô gái (quên tên rồi) ở trại mai. Nhiều ám ảnh, đẹp một cách đặc biệt. Tất nhiên ông bịa ra cô này để thỏa cái mê của mình. “Nói cho đoan trang”, Xuân Khánh yêu phụ nữ lắm, yêu phần đàn bà của họ, nên mới có những cô kia hay bà Ba Váy thật duyên. Đường Thanh niên những năm sáu mươi mới làm, đặt ghế đá ngoảnh hướng xe cộ đi, cho những đôi thơm nhau dưới ánh đèn bớt nồng nàn. Xuân Khánh, Phạm Toàn tức mình hỳ hục xoay cả loạt ghế ra bờ hồ, miệng lẩm bẩm “Phí một đời con gái”. “Bóng đêm nói được nhiều điều hơn ánh ngày”, viết những câu đại loại thế.

*

Tôi ngờ là vì thích hư cấu, thấy hư cấu mới “phiêu” được, Xuân Khánh ít viết truyện ngắn – thường phải tiết kiệm chữ, gạn từng chi tiết. Hoặc giả “chơi” tư tưởng đồ sộ, ông phải bay trên cánh đồng mênh mông mới thỏa. Giờ thì chả thể hỏi có phải vậy, vì ông đã đi vào cõi “Den mơ” - như cách bà vợ gọi căn bệnh làm trí nhớ rụng lả tả. Nhưng ông hay giục tôi hai điều, học tiếng Anh và viết tiểu thuyết. “Nhà văn phải viết tiểu thuyết chứ!”. Tôi thất bại toàn tập với tiếng Anh, nhưng mười năm qua có vẻ thành công với quan niệm “nhà văn” như trên, ít ra về số lượng. Với sự thúc ép thủng thẳng của ông, tôi cày được tiểu thuyết, ngộ ra vài thứ như có thể rẽ ngang thũng thẵng rồi quay lại mạch chính, hoặc tô đậm một tình huống. Quả là thể loại này cho mình quyền phóng túng vô cùng, nhưng cũng thử thách khủng khiếp, khiến trờn trợn khi để trí tưởng tượng được tự do. Nhưng tôi cũng chưa có cái trạng thái “viết tiểu thuyết như chạm vào trời xanh” mà ông nói lúc trả lời phỏng vấn

Lại ngờ ông không thích kiểu “hiện thực nghiêm nhặt”, cho là nó đã cũ rồi. Hồi trẻ ở Văn nghệ Quân đội (ít người biết điều này) ông lao đao, cuối cùng phải ra đi vì mê những “dòng” mới, như Roger Garaudy với “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến”. Dị ứng với hiện thực xã hội chủ nghĩa – có nhiệm vụ “phản ánh cuộc sống theo hướng đi lên” - đã đành, Xuân Khánh còn không thích người thực việc thực. Ông có được giao đi viết về các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tích cực như nhiều nhà văn cùng tạp chí không, thì không rõ. Nhưng chắc coi “Tấn trò đời” của Balzac đã là cũ, muốn đổi kiểu đi. Đây là giai đoạn văn chương nhiều tầng đa nghĩa không được khuyến khích, thậm chí e ngại, coi là xỏ xiên. Những trường thiên tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng ra đời. Tôi còn nghe rằng vài nhà văn lãnh đạo không muốn dịch dòng Hiện thực huyền ảo Mỹ La tinh, cứ “chơi” Pháp với Nga cổ điển. Trong môi trường quân đội, chàng thanh niên Xuân Khánh tí toáy tìm cái mới, khó thay. Ông đã viết – không biết nhớ có chính xác – tiểu thuyết “Rừng sâu” 300 trang rồi lại bỏ. Không thỏa mãn. Cứ vật vã. Phải chuyển ra ngoài (lại chả biết có “án” hay không) làm báo Thiếu niên. Ông cùng trà với “lũ” thanh niên Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Lê Bầu… rất không “kiên định”, bị ảnh hưởng xu hướng “Xét lại”. Đấu tranh chính trường dằng dai đến khi lãnh đạo quyết tâm làm chiến tranh, phái “Giáo điều” cầm chịch, họ đều phải trả giá. Nhưng không đến nỗi thành “chống đảng” như đàn anh văn nghệ Lê Liêm.

*

Đỗ tú tài toán, học dở trường Y Hà Nội, ra kháng chiến năm 1953. Ở pháo binh, về trường Lục quân dậy văn hóa, rồi về tạp chí Văn nghệ Quân đội (thời ông Chính Hữu thì phải). Xuất thân thế thì khó “công nông binh” quá. Tôi ngờ vì thế mà sau này ông chọn “Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon để dịch cho tủ sách Tinh hoa, tái bản đâu đã hơn chục lần, mà nào có dễ đọc.

 Xuân Khánh không kể mấy về thời ở số 4 Lý Nam Đế, chắc đóng cấp úy. Chỉ nghe lại, nhà thơ Thu Bồn từ miền Nam ra có đến thăm và bảo “con vi trùng cốc làm người ho lao có nhu cầu tình dục cao”.

Ông mê Phân tâm học của Frớt và kinh Phật. Nguyễn Tự Huy bên điện ảnh tặng bạn biệt danh “Phrật”, anh Phạm Toàn kể trong hội thảo Nguyễn Xuân Khánh của nhà xuất bản Phụ nữ. “Phải có tư tưởng rồi mới viết”, điều này được quán xuyến “quá”, khiến tôi chả hiểu mấy những ý tứ ông gửi trong giai đoạn “sau quân ngũ”.

*

Xuân Khánh có tính cách từ tốn, không đồng ý gì chả gân cổ lên tranh luận. Hình như có vai trò hai chữ “Nhẫn” và “Nghiệp” của đạo Phật. Lại hình như có chữ “chả bõ” đâu đó. Sự im lặng của ông có khi hùng hồn hơn cố tranh thắng. “Tao không thích cái thằng này”, nói nhỏ với tôi về họa sĩ A. hôm ăn nhà ông Vân Long. “Ông ấy không thoát được chính sử”, “thả” thủng thẳng. “Ba quyển (tiểu thuyết) của tao được một tỷ nhuận bút rồi”. Tôi nghĩ câu này đùa, ông cũng chả “cặn kẽ” thêm. Rồi Phụ nữ xác nhận kỷ lục này. Nhà xuất bản này báu ông lắm, lần tái bản nào cũng làm bìa mới, trình bầy lại để khỏi bị in lậu. Nhưng đoạn ông sư bị dìm xuống hố cứt (nguyên mẫu là cư sĩ Thiều Chửu) hồi Cải cách ruộng đất trong “Đội gạo lên chùa” bị cắt thì đến giờ chưa phục sinh được.

Nhưng lần khác thì không vậy. “Em nói với một ông già, rằng anh là người kể hay nhất bây giờ. Ông ấy bảo “Có bằng Tô Hoài không?”, tôi nói, tránh tên ông kia vì biết Xuân Khánh không thích. “Tao mà kể á!”, đáp rất “đanh đá”. “Nhưng anh cũng phải kể rồi mới nói được cái ý của mình chứ”, tôi cãi thì ông “Ừ”, vẫn kiểu tránh tranh luận không cần thiết. Nghĩ lại, đối với tôi, “kể” đơn thuần là một phần của văn. Nhưng giai đoạn Xuân Khánh là “cây bút trẻ”, lối viết đa tầng đa nghĩa bị kiêng kỵ. Phải rõ ràng, dễ hiểu mới là “phục vụ”, hướng về  đại chúng, chưa kể tránh được sự phê bình (nay gọi “quy chụp”) tới từ bất cứ đâu, lúc nào. Ngay “ông trùm” Nguyễn Đình Thi còn bị ‘úp’ khi viết kịch “Con nai đen” nữa là… Tức là Xuân Khánh đã bị quan niệm viết nệ thực nó đè nén đến thế nào mới ghét vậy. Tôi đoán là với tính cách của mình, lúc đó ông không gân cổ cãi, càng chẳng đem học thuật ra tranh biện lại. Nhưng mà “ngoan cố” giữ. “Tổ chức” vẫn biết!

Tôi cũng từng được “nhắc nhở thân ái”. Hồi tôi làm nhà xuất bản Quân đội, đại tá giám đốc hỏi “Sao lại viết cái câu ấy như thế?”. “Vì nó… phải thế ạ”, tôi lúng túng. “Lần sau đừng viết vậy, tiếng Pháp gọi là equivoque”. Đúng là tôi đã viết thế, chả có ý thức. Còn Xuân Khánh, giữa không gian văn nghệ đương thời, thì đấy đã thành bút pháp, với kĩ năng câu chữ thành thục.   

*

“Nguyễn Huy Thiệp là bá đạo, Bảo Ninh vương đạo”.

“Kể chuyện ngủ với trẻ con, vô đạo đức!” – về Lolita của Nabokov.

*

Sau Tết, nhạc sĩ Dương Thụ mời một lũ khách lên nhà anh ở Tiên Sơn Bắc Ninh. Đám trung niên lăng xăng chụp ảnh, dòm ngó, bóc hành muối, bánh chưng. Trên cái sân cao, Lê Đạt, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Lưu Hậu, Dương Tường ngồi im lìm như bốn ông La Hán. Lạ thật, ít ra cũng ba ông phải can qua, chả nhẽ không có chuyện gì để nói?

Nguyễn Hùng Vĩ dậy Dân gian ở khoa Văn Tổng hợp đón về quê Hưng Nguyên Nghệ An. Cả đêm đi xe không ngủ được, Xuân Khánh, gần tám mươi, vẫn theo được bọn “choai” sáu chục. Tinh mơ đến Vinh, bắt taxi vào trại trong núi, ăn cháo gà, gà gật đến sáng bảnh lại thăm vườn chanh, con suối có đám ngổ rậm rạp, lên đồi lác đác thông, ông lừ lừ chả bỏ chỗ nào. Nhưng ngã rất đau, mặt đập xuống đất không đỡ được.

Sáng sau Phan Thắng (tạp chí Văn hóa Nghệ An) xin được chuyến xuồng cao tốc ngược sông Lam lên Nam Đàn. Chỗ sông La trộn vào thấy nước hai mầu rõ rệt, làng cũ của Vĩ bên Hà Tĩnh bị lở giờ nằm dưới ấy. Tuyệt vời, nhưng tôi run lên vì lạnh. Xuân Khánh chỉ áo vét hở cổ ngồi ghế đầu, hứng gió tơi bời không chịu đổi chỗ. Đến Nam Đàn ăn thịt me chấm tương rồi quay về Vinh, Phan Thắng lái xe qua phố Hồ Quý Ly, tôi “A a” reo, lát sau ông mới “Tao cứ tưởng nó đùa”. Tối ấy tôi quá mệt, ông còn tiếp chuyện ông Nguyễn Thế Quang – đến tặng sách, cho chè. Rồi ngủ yên hơn tôi, hôm sau lại dong xe nằm ra Hà Nội ngon lành.

“Bằng anh, chả biết em có được thế này”. Tôi bảo, không hay ông đang đi từng bước vào cõi “Den mơ” tịch mịch. Vài năm sau thôi, ông nói “Tao định viết một tập về bạn bè, ông (Bùi Ngọc) Tấn ông (Dương) Tường ông (Phạm) Toàn, mới xong cái Hoàng Hưng. Nhà xuất bản đặt rồi. Nhưng chắc không được…”. “Thì anh chả cần cấu tứ, cứ nhớ gì kể nấy như Nguyễn Công Hoan, chả cần cụ thể về ai”, tôi nói.

“Không được. Tao mệt quá rồi”. Tức là sức nhớ sức nghĩ đã chậm, chán ngay cả chữ mình? Kinh thật! Nhưng vẫn tiếc là ông anh không thích “kể”, cứ “tư tưởng trước đã’.

*

Tôi chơi với Hòa Vang khi đọc những chuyện “giả cổ” của anh: “Sự tích ngày đẹp trời”, “Nhân sứ”… Rồi qua anh được biết Nguyễn Xuân Khánh. Bấy giờ ông đang qua vận hạn, “đẻ” được Hồ Quý Ly. Tôi thích quyển này đến độ khi một người hỏi đâu là hai chục tiểu thuyết hay nhất sau năm ’75, đã xếp ngay nó vào, bên cạnh Sông Côn mùa lũ, Nỗi buồn chiến tranh. Văn hay lắm. Đắm đuối. Sếch xy. Thuần Việt. Hai cuốn sau cũng hay nhưng dài, mà một bị cắt khi đưa in. “Em không thích anh cho hai thằng Tây bàn về bản tính người Việt, nó lộ”, tôi “phê bình”. “Ừ!”.

Tôi ngủ cùng buồng Xuân Khánh ở Đồ Sơn hai đêm, bên điện ảnh phát động viết kịch bản 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông kể gì đó mà Hòa Vang bảo “Mẹ, tôi ghen với cậu”.

Nhưng đọc Trư cuồng, truyện con lợn điên bản chưa in, tôi không thể yêu được. Văn lục cục. Hòa Vang kể lời Xuân Khánh, có cả ngữ điệu: “Cái thằng Chiến, thế mà nó không hiểu tao”. May là ông không chấp. Tôi mất vài người bạn vì “có lúc có nơi” không yêu văn họ. 32 năm sau khi viết, tiểu thuyết được ra với tên “Chuyện ngõ nghèo”, sớm tái bản. Lại Nguyên Ân cho đây là quyển hay nhất của Xuân Khánh, nhưng tôi ngờ hiểu, để mà yêu được nó thì không nhiều. 

 *

Xuân Khánh có những quan hệ lọ mọ khó ngờ. “Miền hoang tưởng là viết về (nhạc sĩ) Dương Thụ. Thụ nó còn đào cả ao thả cá hồi dậy học trên Tuyên Quang”. Chỉ ông có vẻ bộ đội thời kháng chiến đến chơi nhà “Thằng này nó đi tù rồi đấy”, rồi cười ngặt nghẽo “Thằng điên”.

*

“Nhà văn Tây nó toàn tiến sĩ triết học”. Tôi chả đồng ý với câu này nhưng không cãi. Triết học thì đi viết tiểu luận gì đó chứ.

Nhưng ông đọc “khủng” so với nhiều nhà văn ta, những người chả hề thiếu tài năng mà “tắt” sớm hoặc lặp lại. Sự đọc nhiều xu hướng cho ông bền bỉ bơi, phong phú và không hụt hơi. Nhưng căn bệnh bóc đi từng mảng trí tuệ trong đầu lại ngắt cái mạch này.

“Sao anh lại chuyển từ Chuyện ngõ nghèo, Hoang tưởng trắng rất khó đọc sang những Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn,  Đội gạo lên chùa được tái bản liên tục thế?”. Câu này tôi không kịp hỏi. Nhưng chắc chắn ông đã thay đổi tâm thế, không quá quan tâm đến thời tiết chính trị, xã hội nữa. Mà là văn hóa, lịch sử, tôn giáo, căn tính dân tộc. Có lẽ nó cũng ảnh hưởng cả tính tình, ứng xử từ tốn hơn. Cho đỡ mệt mỏi chăng?

*

Xuân Khánh, Hòa Vang, Trần Chiến hay ăn sáng quán bún riêu đậu rán trên đường Xuân Diệu. Rượu rất dở, đậu vừa nghi ngút nóng đã nguội ngắt, nhưng nhìn ra ngoài thấy vườn quất đỏ ối, ao Láng Quảng Bá mỗi lần lên bị lấp dần dần, rồi thành đống bê tông. Chuyện lúc sôi nổi lúc rời rạc, hoặc chả ai nói gì. Đột nhiên Hòa Vang ăn mắm tôm vào diễn xướng dậy mùi, trêu Xuân Khánh “Người đi hai tay ve vẩy, như có mây vờn đẩy đằng sau”, ông cười tít mắt. Nghĩ thấy đúng quá. Nhưng tôi không hiểu sao bạn cùng trà tặng ông biệt danh Khánh “toét”. Cái ảnh ôm đàn ghi ta trên báo Tuổi trẻ, lúc già rồi, còn tìn tìn phết. Rồi Hòa Vang mắc ung thư, bữa cuối, chỗ “trên bình dân” hơn, chỉ ôm chai nước khoáng và đòi trả tiền. Tôi còn được vài buổi với Xuân Khánh nữa.

*

Tôi từng ở với vài “mảnh” văng ra từ các cuộc tranh đấu nội bộ: Đặng Đình Cần (Xét lại), Vũ Sắc, Minh Giang (Nhân văn). Ở nhà xuất bản Quân đội, họ ăn lương chuyên viên chứ không mang hàm, biên tập nhiều, khá lặng lẽ. Xuân Khánh sẽ ra sao nếu ở lại quân đội, khó tưởng tượng lắm. Chả bao giờ kể về Nguyễn Khải, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi hay Thu Bồn. Có vẻ “ưa thích” giai đoạn Thiếu niên tiền phong, khi treo trong nhà bằng Kỷ niệm của báo này, cạnh chân dung, tượng của mình. Chúng thật chả hùng hồn giữa đống tạp hóa con dâu bán. Mà ông từng buôn muối, làm thợ may, nuôi lợn, mắc ho lao và… bán máu nuôi bốn (?) con trai lớn lên. Còn làm công tác khu phố, hình như cả bên chi bộ mới lạ. Bà vợ rất mộc mạc, chăm chỉ nhưng tôi đồ rằng không giỏi kiếm tiền thời gian khó.

*

Huyện Đan Phượng gặp mặt “người văn nghệ” sau Tết, thơ ca tưng bừng, ông lôi tôi ra ngoài. Hồi ức giai đoạn “thanh niên xét lại” hiện lên: “Chả biết hồi ấy tao bị chấp pháp, nay gọi công an điều tra - mang ra hỏi chỗ nào. Chỉ nhớ vài hôm, cái nhà giữa đồng…”. Rồi vui lên khi về quê Quang Dũng, Tô Hiến Thành. Những mảnh vụn ấy còn vương vãi đâu, với ai? Tiếc thật. Chỉ biết chúng từng đè ép, bắt ông cúi xuống đọc, viết, rồi cho ra những Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn…, dai dẳng như cây cỏ tồn tại trên đá.

Nhà văn ít người hùng hồn, nhiều khi câm, nhìn vào ông thì nghĩ vậy.

*

Vài năm nay, Nguyễn Xuân Khánh làm một đứa trẻ ít lời, ngoan ngoãn canh tivi. Ông về quê Cổ Nhuế với con trai, bà từ Trần Khát Chân lên hỏi “Tôi nhớ ông lắm, ông có nhớ tôi không?”, thì “Không”. Bạn bè chỉ nhớ Dương Tường, chứ Phạm Toàn mất chả biết. Hôm nhận giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội, nhìn ông đi phải dìu, có nữ sĩ không biết trách “Còn xuất hiện làm gì, mất cả hình ảnh”. Tôi đến nhà, ông không nhận ra nhưng áy náy, cố đứng lên tiễn, con trai không nhanh tay đỡ thì ngã.

Thôi thì gieo vào thiên hạ đã ngần nấy.

 

                                     Từ tháng 1/2021

 

 Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 10-8-21