Trong đục tâm linh

Trần Chiến

 

 

Cuối năm là mùa trả lễ, thiên hạ lục tục chọn ngày, soạn sửa, thuê xe, dọn mình sạch sẽ… Nhờ đám “ô sin” kháo chuyện, tôi biết được sự nhiêu khê của tục lệ này. Mỗi người một “địa chỉ tâm linh”, chỉ lui tới chỗ ấy. Vụ trưởng này hành lễ ở đền Bảo Hà Lào Cai, nhà thơ ấy và tiến sĩ mới nọ cất công vào đền Ông Hoàng Mười – vốn hay độ trì cho dân văn nghệ, trí giả - bên bờ sông Lam. Phủ Tây Hồ gần gụi tiện cho bà ngồi chợ. Bộ trưởng, ủy viên nọ yên tâm kê cao gối ngủ, mấy tháng trước đã bỏ cả lạng vàng vào bụng pho tượng Phật nghe nói là lớn nhất Đông Nam Á rồi. Ngoài ra là những Thác Bờ Hòa Bình, Bắc Lệ Lạng Sơn.

 Ngạc nhiên là Z. lại không đi. Đền Bà Chúa Kho vay ba thì trả mười, nhưng năm nay Z. làm ăn thua thiệt, là không được Bà Chúa độ. Nhưng vay rồi mà không trả, chả hóa ra quỵt a, Z. không trả lời mà bảo “Còn khối chỗ, ra giêng tôi đi đền Trần hay hội Phủ Dầy dưới Nam, Đức Thánh Trần Bà Chúa Liễu phóng tay hơn nhiều”. Ơ hay cái nhà anh doanh nhân này, thay Thánh như thay áo rứa thì có kính tín không, chẳng biết sợ à, ông bà trên bàn thờ ở nhà không độ thì cũng thay các cụ chắc…, nghĩ thế nhưng không dám nói ra.

Z. không đi thì “chợ” vẫn đông. Tưởng tượng ra cảnh nườm nượp, rừng rực, nhang đèn mù mắt, người nọ vái lưng người kia, kẻ đứng xa không đành, cả nắm nhang, vàng mã phi qua đầu phía trên vào lò thiêu hương. “Đêm kính tín” tàn, núi rác mọc lên, đất trời khét lẹt, hành lễ lấy được vậy thì tục nhỉ, không khéo cái họa biến đổi khí hậu đang đe cả thế giới là từ đây. Mặc lòng, làng Phúc Am Thường Tín sớm khuya sản xuất voi ngựa tiến sĩ giấy và bằng cấp, ô tô, tủ lạnh ti vi giấy đời mới nhất. Làng Đông Hồ Bắc Ninh “chuyển đổi mũi nhọn” từ tranh dân gian sang vàng mã. Sống khỏe vô cùng. Một đêm lễ Phủ Dày đốt cả trăm triệu đồ mã, chưa kể tiền thật đặt lên từng nấy ban, hầu đồng, công đức…

 Trần sao âm vậy, có cúng có thiêng có kiêng có lành, thật là tốn kém, mệt nhọc. Nhưng cái day dứt nhất không phải những gì nhìn thấy được, mà là về đức tin con người ta đang nhao lên. “Tâm linh” là cái chi chi, hình dáng ra sao, tra từ điển tiếng ta chả rõ nào, nên đành giãi ra, tất nhiên không được rành rọt…

*

 

Tôi không rành về tôn giáo. Kinh Thánh kinh Phật đọc lốm đốm, nhìn vào các “hệ” tôn thờ rất chóng hoa mắt. Nhưng bảo mình là “vô thần” thì bán tín bán nghi, trong đầu chỗ này báng bổ giải thiêng chỗ nọ sợ sệt tránh né. Có những câu hỏi vu vơ, không trả lời chả chết được: sao thiên hạ chỉ thờ một đức Jesus hay Ala mà ta Nho Phật Đạo – khác nhau xa chứ - lại “đồng nguyên” được? Vì kém biết, có lần tôi viết bài phê chùa chiền đang biến tướng, thêm vào gian thờ Mẫu bên cạnh, bị họa sĩ Lương Xuân Đoàn chê, bảo nó như vậy từ lâu chứ chả mới mẻ gì. Sau này nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết thêm những kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh” hay “tiền Thánh hậu Phật” ở ta đã có rất xưa. Lạ nhỉ, các đấng bậc, nhân thần hay thiên thần lại có thể chung một địa chỉ thờ, bên dưới xì xụp câu trước “con Nam Mô A Di Đà Phật” câu sau “con lạy Thánh Mớ Bái”. Rồi nhà sư cúng giải hạn tại chùa hay đến tận nhà, là “đụng hàng” hay làm thay việc của thầy phù thủy đây? Nghe nói ông Trương Hán Siêu đời Trần chê tăng lữ “ăn bám”, ừ thì là do thời buổi Nho – Phật chen nhau. Nhưng lại nghe Thiều Chửu, cách nay chỉ trăm năm còn nói nặng nề hơn: “đục khoét”. Và cụ tu tại gia chứ không vào chùa, thì không thể không sắc mắc là con người dày công truyền bá Phật học ấy có phải yêu Phật mà ngờ ngợ sư hay không… Rất nhiều nỗi cắc cớ vầy vậy vướng vất trong đầu.

Năm 2017, Phan Cẩm Thượng, vốn được biết đến là nhà nghiên cứu mĩ thuật, ra sách “Tập tục đời người – văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 – 20” có mầu xã hội học, dân tộc học. Nói thế vì nó rất khác những cuốn về tập tục khác. Đối tượng nêu chủ yếu là con người đồng bằng, trung du Bắc Bộ, cách viết thì tung tẩy bay lượn chứ không hẳn chặt chẽ “kiểu khoa học”. Nhưng Phan Cẩm Thượng chưa chắc đã lấy khuôn khổ trên làm chuẩn. Ông còn là một nghệ sĩ, lối ấy giọng ấy không gò bó cảm hứng, lợi cho bút lực ông mà người đời cũng dễ đọc. Có những nhời nhẽ về đức tin, hành đạo pháp làm tôi chấn động.

“… Phật giáo Việt Nam hiện tại ngày càng mang màu sắc Đạo giáo, vì các vị tu hành thích khoái lạc hơn khổ hạnh, Phật tử thích được phù hộ hơn là giác ngộ, và bản thân Đạo giáo cũng có những cơ hội phục hưng bởi tâm lý và tâm linh vừa huyền hoặc vừa thực dụng của con người đương đại” (trang 332).

“Người Việt không chỉ tin, và tin tương đối vào những thần linh từ bên ngoài đến, và dễ dàng thêm vào đó vài vị thần của mình, nếu họ không hiểu các vị thần bên ngoài, thì suy diễn những vị đó tương tự như những vị nào trong bản địa. Họ không quan tâm đến triết lý, về triết lý thì sống hiện thực đơn giản thế là đủ, còn lại phó mặc cho thần thánh và số phận, đã là thần thánh thì sẽ cứu vớt, phù hộ độ trì, việc của người là kính lễ, dâng lễ và chờ mong…” (418).

Có nghiệt ngã quá, đến chỗ bất kính không? Sách của Phan Cẩm Thượng giới thiệu tư liệu riêng của cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho biết cây tâm linh ở ta đang xum xuê thế nào: ngoài những hệ lớn có 91 hiện tượng tôn giáo, gốc nước ngoài gốc Kitô gốc Phật giáo đủ cả, lại giao thoa, bổ sung nhau. Người “lập đạo mới” càng phong phú: nguyên cán bộ, công nhân, đảng viên, giáo chức, y sĩ, hưu trí, tiểu thương… Không ít “giáo” thờ Vua Hùng, Cụ Hồ. Xem cứ chóng cả mặt, và lung lay cái gì đó tưởng đã rất cố thủ trong lòng mình rồi. Phan Cẩm Thượng liên hệ đến cỗi rễ đa thần giáo từ xửa xưa của ta, khi con người bị nát dưới sức mạnh của sấm sét lũ hạn. Tôi không tường cái xưa ấy, nhưng lên miền ngược thấy người dân tộc họ cúng thần sông suối, để chỗ đất thiêng, kiêng làm uế tạp đầu nguồn nước… rất thành kính, thực thà, tử tế. Có tin mới vậy được.

Chùa Cổ Lễ dưới Nam có câu chuyện quyên góp đúc chuông, người ăn mày nọ chỉ cúng một tiền, làng chê ít vứt đi, rồi chuông đánh không kêu. Cái chữ “Tâm” ở đây tưởng mong manh mà được xem trọng làm sao. Chứ đâu có lối bố thí ăn mày và tham nhũng, làm từ thiện và không cứu người gặp nạn, vô thần và mê tín… Mâu thuẫn thế e là vừa tham ác vừa sợ, “giải” tội nợ xong tha hồ tham tiếp. Trốn trong ánh sáng, giữa đám đông thật an toàn. Rồi đi tu như một nghề, điện thoại xịn xe sang ăn mặn ngủ mặn lộc lá chả từ chối thứ gì. Mà lại sang trọng, ngoài ba mươi nghe bà lão sáu chục “Bạch thầy, con…” cứ phe phé hơ hớ. Đâu có nhẽ các thầy đều vậy? Cứ nghĩ ngợi, suy bì kiểu này mình hóa ra cái giống miệng không dám báng bổ nhưng lòng chả còn tin vào đâu đâu, trừ trong gia đình, tình mẹ cha đối với con cái...

*

Mặc lòng ai nghĩ ngợi, ngoài kia trống chiêng đang thập thùng. Ra giêng là mùa hội, con người ta tắm gội trong truyền thống, lại làm truyền thống oặt vai gồng gánh những gì mình muốn. Vậy nên mùa hội còn là mùa xin sau khi đã trả lễ cuối năm. Đền phủ chùa miếu tấp nập đổi tiền lẻ, cầm tập năm trăm tha hồ dắt tay pho Nghìn mắt nghìn tay rồi xin nghìn nghịt. Ra Văn Miếu kính bậc Vạn thế sư biểu[1] tiện thể bỏ hẳn tờ to vào hòm kính đựng di vật sự học. Giàu sang, chức tước, quyền lực, bằng cấp…, có tiền âm phủ, vàng mã hay tiền vàng thực đều trao đổi được, chả phải là đút lót Thần Phật a.

Chừng như là chứng kiến cảnh chợ búa trên, người xưa thốt lên “Nhân tự liễu tâm nhân tự độ / Suy nhân quy Phật Phật quy ma”, hiểu thô thiển là người tự biết mình sẽ tự cứu mình, chứ bám vào Phật thì thực ra là bám vào ma thôi.

Mà chữ “ma” đây viết hoa hay không chả biết…

 



[1] Khổng Tử

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-1-20