Đi ăn kiểu Mỹ

Trần Chiến

 

Lâu nay trong nhiều công ty, văn phòng, cơ quan… thường tồn tại sinh hoạt “đi ăn kiểu Mỹ”. Những nơi đó không có bếp tập thể, về nhà thì xa, buổi trưa nhân viên mang cặp lồng cơm nhấm nháp xong ngả lưng ra bàn chợp mắt đợi buổi làm chiều. Cách xơi này tiện là tiết kiệm tiền bạc lẫn thời gian, sạch sẽ do “của nhà trồng được”, nhưng mỗi ông mỗi góc khua thìa xúc xúc quẹt quẹt khí không được hùng dũng, có vẻ hợp với loại đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành hay đang dành tiền mua sữa cho con. Nhân viên, nhất là thanh niên, không thích thế, bèn rủ nhau ra hiệu ăn, bình dân thôi mà hòa hợp, tếu táo được, tất nhiên ngon miệng hơn. Nhưng trưa nào cũng “họp” thì phát sinh vấn đề ai trả, cái người đến lân trả thì ốm bận gì đó, hoặc anh này gọi bia anh kia coca anh thứ ba chả động gì không khỏi phát sinh tâm trạng mà khó nói. Chuyện tiền nong ngày nào cũng chạm vào thì chả thể đùa. Nên sinh ra “ăn kiểu Mỹ”, cả mâm chia đều tiền thanh toán, chi li nữa có thể ai nhai nuốt thêm món gì thời trả lấy.

Tại sao lại là “kiểu Mỹ”? Chắc người ở Mỹ mang về lối này. Mà người Âu cũng vậy, trừ khi họ mời nhau. Có câu mời tức cứ vác miệng đến (thường cả vợ chồng) thôi không lo phải móc tiền ra . “Ăn kiểu Mỹ” thì tự do lắm, chỉ cần vân vê túi mình mà chọn món không cần nhìn nét mặt đồng sự đồng nghiệp đồng mâm. Có lẽ suất “cơm phần” trong Nam có họ hàng gì đó với kiểu ăn này chăng? Không phải so bì “dàn hàng ngang cùng tiến” sợ người nào đấy cho mình kẹt sỉ hay lắm tiền chơi trội. Đấy là về nguyên tắc thôi, ít nhất cũng có nguyên tắc, chứ lúc ăn uống mà rạch ròi cứng cáp quá e mất ngon.

“Ăn kiểu Mỹ” có tên khác là “campuchia”, “lệ quyên” hay “dưa góp”, thường tồn tại trong lớp trẻ, theo “đội hình” hợp nhau và cũng sàn sàn về kinh tế. Làm sếp thì khó trộn vào đây lắm, mình bao thì chết, mà để chúng nó trả cũng chả nỡ, đâm cứ quân ra quân tướng ra tướng. Công ty, văn phòng tứ chiếng tất phải khác các hội đồng hương đồng khói họ tộc, nơi thể nào cũng phải có một “đại ca” hào sảng “thằng nào định trả tiền thì bước qua xác tao nhá”.

Thế mà từng có một hội lụ khụ, lại toàn nổi danh ăn chơi kiểu Mỹ trước thiên hạ. Chừng hai chục năm trước quán bia Halida phố Lý Thường Kiệt đôi chiều mỗi tuần, KAMA lại họp, những ông Ngô Quân Miện, Vân Long làm thơ, Phan Kế An họa sĩ, Hòa Vang, Băng Sơn viết văn… KAMA là “Không Ai Mời Ai”, các đấng bậc chỉ cốc rưỡi đã phê lòi nhưng nhất trí bình quyền bình đẳng không muốn nợ nhau, có lẽ do thấm chất thị thành từ “hồi thằng Tây còn mặc quần thủng đít”. Rất Hà Nội đấy. Thỉnh thoảng một “cháu” kính các cụ tuần bia hay đĩa lạc, nhờ “bồi” mang đến, người được mời ngồi tại chỗ giơ cốc lên ra điều cảm ơn, không cần ra lời.

KAMA không họp nữa. Hội viên “đi xa” theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, còn ai con cháu cấm tiệt xe máy – kể cả ngồi sau thằng xe ôm, đành ở nhà đi mây về gió với cốc nước lọc pha loãng.  

“Ăn kiểu Mỹ” như thế, ra điều có nhiều nguyên tắc ngược với lối truyền thống, “của quê ta”, nơi nhất thiết phải định vị bên mời và bên được mời. Đằng này lo tất, đằng kia chỉ lo cái miệng ăn uống và nói, xong xuôi còn được mời tăm và có phần mang về, thế mới sang cả, chứ sòng phẳng ai trả nấy e là chi ly đến bần tiện. Ích kỷ, cá nhân quá, còn gì là cộng đồng, tình cảm xóm làng họ tộc hay đồng chí đồng sự. Không mời ai cũng không được ai mời (tức là KAMA chứ gì!) đích thị là chỉ có tư cách mõ, hèn hạ ai cũng khinh được.

Lối nghĩ này bắt đầu từ cấu trúc khép kín của làng xã. Sau mỗi lũy tre là một tập tục, nếp sống riêng. Nhỏ bé, kín mít, có tưng nấy nhà nên tối lửa tắt đèn có nhau, người này có việc thì những người khác xúm lại. Như đám cưới đám tang, hàng xóm góp cây tre dựng rạp, thúng gạo nếp, rau cỏ, buồng chuối, chai rượu… Những quan hệ qua lại ấy giờ vẫn diễn ra ở nơi xa xôi, từng thôn bản cô độc, cắt đứt với xung quanh. Sự giúp đỡ ấy là một truyền thống đáng quý, tình nghĩa. Nhưng dần dần nó ngả mầu sang có đi có lại mới toại lòng nhau. Nợ nhau miếng ăn thì rất phiền, con ông cưới tôi đến thế mà lân con tôi ông lại lỉnh, chửi cho mất mặt giữa đình đám là thường. Nhiều đám hỷ vừa tàn, tân lang tân nương lập tức ghi sổ ai cho ai góp gì xong đã rồi mới được động phòng. Đám hiếu, đưa bố mẹ ra đồng về anh em lập tức kiểm “phần của mình”. Giờ thì quy ra phong bì, khí tiện.

Làng xã là cộng đồng khép kín, tôn ty thứ bậc chật ních, không có chỗ cho cá thể. Đứa trẻ vừa ra đời đã có trách nhiệm “chống gậy” hay truyền giống, thuộc gia đình, họ tộc, chi nhánh, phe giáp này thì dứt khoát phải làm tưng nây phận sự, không thể phạm những cấm kỵ khác. Cái đó cũng là truyền thống, chúng đè lên lưng một con người đến hết đời, khác đi phải chịu thị phi. Dư luận là lưới trời, vô hình nhưng điều chỉnh các thành viên nghiêm ngặt, vừa giúp anh ta khỏi làm điều xấu, vừa thít cho không còn cá tính.

Tỉnh thành thời phóng khoáng hẳn. Không còn tấm lưới phẩm bình, con người ta được là mình, hành động như ý, ăn mặc nói năng mỗi anh mỗi kiểu. Xung đột cũ - mới hay nhà tỉnh – nhà quê đôi khi xảy ra khi phải sinh hoạt chung. Ăn cỗ cưới thật vô phúc cùng mâm với bà hay gắp, cái tốt bụng lo cho cả mâm đã biến thành xâm phạm sự riêng tư. Thế mới biết miếng ăn là cái cần được riêng tư nhất. Ăn “kiểu Mỹ” có ý nghĩa giải phóng biết bao mà kể. Nhưng nó chưa thể và cũng chưa nên triệt để, sốc văn hóa rất khó liền sẹo, tán em như này mất điểm mất cả mặt.                                       

 

Dạo mới được giải Fields, về nước, Ngô Bảo Châu là đối tượng “không cho chúng nó thoát” của báo chí. Có một câu hỏi khá cắc cớ “Anh có yêu dân tộc không?”, ý hẳn có “thâm niên ăn cơm Tây” rứa thì eng còn nhớ gì quê nhà không? “Có, nhưng không phải theo nghĩa máu mủ”, câu trả lời khá mơ hồ. Nhưng là  người sống lâu ở Âu Mỹ, chịu nhiều ảnh hưởng bên ấy, chắc Châu muốn nhấn mạnh tính chất công dân của một con người, nghĩa là  được bình đẳng bình quyền như ai ai, đồng thời cũng chịu bấy nhiêu ràng buộc của luật pháp, các thiết chế xã hội. Chọn lựa đúng thì anh hưởng, sai thời phải chịu, không lôi họ hàng làng tổng người quen ra gánh chung (giống các bác bị cảnh sát phạt) được.

“Ăn kiểu Mỹ” thì mọi sinh hoạt khác cũng rưa rứa như nớ. Cùng mặc đồng phục, đeo thẻ, ngồi ca bin nhưng nghĩ ngợi, giải trí, thẩm mỹ không giống nhau, rời cơ quan là mỗi anh mỗi thế giới rồi. Lương thưởng ai biết người nấy, làm việc có cộng tác nhưng không phải tập thể chịu trách nhiệm, dàn hàng ngang cùng tiến. Ở nhà thì không phải tất cả đều “quán triệt” tinh thần gia trưởng của bố mẹ, ông bà, nhất là khi con cái tự túc được, có hẳn buồng riêng với phương tiện nghe nhìn của mình. Nhiều người kêu quản con khó nhưng biết làm thế nào được khi “trót” công nhận sự độc lập của cá thể trong phạm vi toàn xã hội rồi. Và khi anh em tách ra “kiến giả nhất phận” không còn trông nhau kiểu con đàn nữa, ai cũng năng động, tích cực hơn. Có những ví dụ hay hay, như khi được bố mẹ yêu cầu góp tiền điện, con cái ra khỏi phòng thời tắt hết đèn quạt mà chả phải nhắc nhở gì. Những tấm gương gia đình “văn hóa mới” ba bốn thế hệ cộng sinh hiền hòa kém vằng vặc đi, ai có điều kiện là tách luôn ra.

Nhiều truyền thống dân tộc được bảo lưu là một vốn quý của Hà Nội. Nhưng chất làng đậm đặc quá, thông qua những luật bất thành văn như “người nghèo do phải kiếm sống nên không có lỗi khi vượt đèn đỏ”, hoặc “làng anh vụ này họ chú viện kia”, thành thử khó sòng phẳng, thói xin - cho vẫn nặng. Thanh niên sinh trưởng “đất Thánh” lắm người vào Sài Gòn lập nghiệp, có nhiều lý do, mà một là “ở trỏng thoáng, cái gì cũng rõ ràng”. Một tinh thần đô thị không sinh ra từ những chiến dịch được phát động liên miên, phong trào luôn luôn “dấy lên”, càng không phải từ loa phường chõ vào giường ngủ nhân sinh tuyên truyền lấy được, mà nhiều khi từ những chuyển động chả có tên như ủng hộ hay phản đối “ăn kiểu Mỹ”. Và trước nhất, nó hình thành từ việc “nhỏ nhoi” như đối xử thành thực, việc làm không “chửi bố” lời nói…

 Trần Chiến

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 16-11-16