thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
9

Những ngày tôi làm thầy thuốc riêng cho Bác Tôn

 

Năm 1955 mùa Đông đến sớm ở miền Bắc, chưa hết tháng 11 mà đã rét rất dậm. Tôi đang làm thành viên đoàn cải cách ruộng đất tại một xã ven sông Hồng, thuộc huyện Khoái Châu.

 

Là dân sinh ra và sống ở đồng bằng sông Cữu Long vừa tập kết ra, phải dũng cảm phi thường tôi mới đủ sức từ ổ rơm tung chăn ra khi nghe gà gáy hừng đông, để chuẩn bị theo bà con nông dân ra đồng tới xế chiều. Mắt nhắrn mắt mở tôi ngồi vào mâm cơm buổi sáng, gạo thô có bữa độn khoai đồng ca với nước mắm cáy hay nước tương và rau luộc nhiều loại: rau muống kể như gặp hên, bởi có bữa là lá khoai lang hoặc lá bí rợ già còn lông tơ nhám lưỡi.

 

Nhiệm vụ của tôi là đi lao động cùng bà con, rồi “xâu chuỗi luồn kim, bắt rễ” được bần cố nông, nghe kể khổ, rồi phát động tư tưởng họ, tìm cho ra một địa chủ có thật hay giả định nào đó đưa ra đấu tố.  Muốn làm được việc ấy, tôi đành xé rào, vi phạm nội quy của đội: lận lưng theo một đường tán, để đối phó với hội chứng bệnh học “cơn hạ đường huyết” xảy ra vào trưa, tình trạng mà có một nhà thơ cổ gọi là “Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da”.  Tất nhiên vì lý do chính trị, tôi phải tìm cách nuốt đường vụng, khi giả bộ đi tiểu hay ngồi nghỉ xả hơi trong bụi cây, làm bộ ghi ký chú.

 

Số đường tán cất kín tận đáy ba lô vừa cạn, tôi đang hoang mang lo lắng thì có sứ giả từ Hà Nội xuống mang công văn gởi đội xin cho tôi về, bởi có công tác đột xuất quan trọng ở Bộ Y tế.

 

 

Sáng sớm hôm sau, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch tự lái xe đến đưa tôi đi ăn sáng; và trước khi đi lên bệnh viện A làm việc, anh dặn tôi đến Văn phòng Bộ lấy giấy giới thiệu đi may áo quần mới, đóng giày. Tôi được cử làm thầy thuốc riêng tùy tùng Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, sang Đức chúc thọ Chủ tịch Vin hem Pick tròn 80 tuổi, rồi về Liên Xô lãnh Giải thưởng Hòa bình Lênin mà Bác Tôn vừa được tặng. Thật là khoái chí tử, đáp ứng đúng mong ước của tôi là trở lại thăm Âu châu sau 16 năm, từ lúc về nước hành nghề, để xem sau chiến tranh thế giới có gì mới.  Tuy nhiên, cũng phải đẩy đưa vài lời lấy lệ:

 

“Tôi chưa phải Đảng viên, cũng chẳng phải bác sĩ được phân công theo dõi sức khoẻ Bác Tôn, làm vậy các anh chị em khác có thắc mắc không?”.

 

Bác sĩ Thạch liền trợn mắt “mày tao” với tôi ngay: “Đừng có giở trò chín hấu mại hơi”! Quen nhau lâu trước ngày đi kháng chiến, tao biết rõ tẩy của tụi mày.  Nếu để tao quyết định thì mầy còn đi cải cách mút mùa, mới rũ sạch được cái nợ đã sống quá sung sướng trước Cách Mạng tháng Tám. Nhưng tao phải thi hành lệnh của Cụ Hồ, theo đề nghị cụ thể của Bác Tôn.  Bác sĩ theo dõi sức khoẻ của hai Cụ chính là tao! Nói cho mày biết: Bác Tôn chẳng có bệnh tật gì cả, còn rất khoẻ. Cử mầy đi theo Bác tức là đưa mày đi du hí ăn hút. Nhiệm vụ Bộ giao chỉ có hai việc: tránh nhiễm lạnh và can Bác nhậu ít ít thôi.  Rõ chưa cha nội?”.

                        

Bỗng nhiên tôi nhớ lại chuyện cũ ở thị xã Mỹ Tho 10 năm về trước, khi tôi còn làm bác sĩ có phòng mạch tư.

 

Cuối tháng 9-1945, Sài Gòn đã lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng thành phố Mỹ Tho vẫn hưởng cảnh thanh bình. Cũng như mọi người hằng ngày đọc bản tin “ta thắng, giặc thua”, phía nam Sài Gòn có đệ tam sư đoàn oai hùng của Nguyễn Hòa Hiệp trấn giữ, chưa kể một sư đoàn theo tin đồn dàn sẵn ở Bến Lức – Gò Đen, làm sao giặc Pháp dám kéo xuống. Nào ai ngờ về sau, tôi chạy chết bởi giặc Pháp đánh úp theo đường sông Tiền.

 

Một buổi sáng anh Ba Nguyễn Văn Tiếp chủ tịch tỉnh đến nói với tôi: “Có anh Hai Thắng là bạn chí thân của tôi về đây.  Nhà anh rộng, cho tôi gởi ở đậu ít bữa và xem anh Hai có bệnh gì thì chữa luôn giùm” .

 

Tôi dành cho Bác Tôn một buồng, sáng Bác đi sớm sau điểm tâm, chiều mới về ăn cơm với tôi và ngủ. Khám qua sức khoẻ, tôi thấy chẳng có vấn đề gì phải lo. Tôi chỉ tranh thủ chích cho Bác mấy ống Campolon, thuốc bổ rất hiếm thời ấy. Chiều chiều, Bác Tôn về cùng tôi lai rai la-ve với khô mực hay nem chua, trước khi cầm đũa. Đâu độ một tuần Bác ra đi luôn do có người đến đón. Tất nhiên là dù tôi còn làm tư, ai lại đá động bạc tiền trường hợp này, xem kỳ cục quá.

 

Đề nghị cho tôi đi Tây chơi cùng Bác khì tôi vừa ở chiến trường Nam Bộ ra Hà Nội, rõ ràng, sau 10 nărn Bác vẫn nhớ tôi! Câu chuyện sau đây đủ minh họa rằng trong suốt đời hành nghề bác sĩ dài nửa thế kỷ, chưa bao giờ tôi gặp một thân chủ nào thù lao cực kỳ hậu hỉ đến như thế, kể cả các tỉ phú ở Âu châu đối với những danh sư lừng lẫy tiếng tăm.

 

 

Thời ấy, đi Tây phải theo đường xe lửa đến Bắc Kinh trước, rồi đổi tàu. Tổ chức mua vé cho Bác Tôn trong một cabin, đáng lẽ dành cho bốn người nằm thành hai tầng. Chúng tôi những người theo phục vụ gồm, ngoài tôi, còn có phiên dịch tiếng Đức, lính lê dương sang hàng ngũ ta từ 1946 và có vợ Việt Nam, phiên dịch tiếng Nga và thư ký riêng của Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, suốt trên các đoạn đường, bác Tôn bảo tôi qua nằm chung cabin cho vui, đến nói chuyện Nam bộ thời chống Pháp đủ loại vui buồn, gồm cả tiếu lâm, Tam Quốc Đông Chu, và tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, theo trí nhớ.

 

Mấy ngày lưu ở Bắc Kinh, Bác Tôn là khách của thị trưởng Bành Chân, kiêm phó chủ tịch Quốc hội. Tại khách sạn quốc tế gần Thiên An Môn họ dành cho Bác ba buồng, gồm cả phòng khách và phòng làm việc. Tôi là kẻ “ăn theo” sát nhất, với tư cách là bác sĩ riêng của Chủ tịch, có riêng một buồng, với kẹo, nho, táo, thuốc hút, trà Thiết Quan âm.

 

Ngày xưa, bên Tàu, thời Tam Quốc, khi Quan Công phò nhị tẩu sang Hứa Đô, Tào Tháo muốn mua chuộc “Ông” nên xử sự cực kỳ lịch sự. “Năm ngày bày đại yến, ba bữa lại tiểu diên”.  Tôi phò Bác Tôn đi Bắc Kinh còn sướng hơn Vân Trường nhiều, bởi ngoài yến tiệc linh đình, thời xưa “Ông” phải cưỡi ngựa Xích Thố đi trong phố, còn tôi ngồi xe hơi Mercedès êm như ru, xem bình kịch, Việt kịch và nghệ sĩ kinh kịch Mai Lan Phương biểu diễn, và có lần dự tiệc trưa trên Vạn Lý Trường Thành mà thời Quan Công cũng đã có, nhưng “Ông” chưa hề được đến xem bao giờ!

 

Hồi còn nhỏ, đọc truyện Càn Long Du Giang Nam, tôi từng nghe kể đến những món ăn đặc sản của Trung Hoa, mang nhiều tên hấp dẫn, lạ lùng. Vua cải trang thành anh lái buôn Cao Thiên Tứ vi hành cùng con nuôi Châu Nhật Thanh khắp nơi, đã mấy phen choảng nhau với bọn cường hào địa phương do giành gíật nhau ăn trước các món ăn cao lâu. Nếu không có thần linh kịp đi gọi người đến cứu giá chắc vua Càn Long đã chết trước ngày ký chiếu chỉ phong vương cho Quang Trung!  Giờ đây nhờ núp theo Bác Tôn, các món ăn lịch sử đó mà tên được phiên dịch đọc ra từ thực đơn mỗi bữa lần lượt diễu hành trước mặt tôi, tha hồ húp, nếm, kể ra không xuể. Ví dụ cái món “bách điểu qui sào” (trărn con chim quay đâu về ổ) nó như thế nào? Đó là một dĩa to, gồm đúng một trăm đầu chim sẻ rô ti, từ cổ trở lên đồng hướng mỏ về ổ.  Ổ chim kết bằng củ cải trắng bầm nhỏ ở giữa có một đống “trứng chim” là dưa củ kiệu gọt thật tròn! Các món “Nam Hải long hổ hội”, lúc bưng lên chỉ là rắn hầm thỏ. Các bạn mê Đường thi chắc còn nhớ câu bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” và tưởng tượng ra thứ rượu gì cao quý lắm. “Bồ đào” tức là nho, và mỹ tửu ấy thua xa các mác chát đỏ danh tiếng của Pháp bán ở Sài Gòn ngày trước!

 

Từ ấy, tôi hiểu thế nào là lựa tên để khoa trương khoác lác, lòe bịp ai nhẹ dạ cả tin, trong nghệ thuật bán buôn ở Tàu mà ta vẫn còn bắt chước!

 

Làm khách của Bành Chân được một tuần lễ, đoàn lên đường đi Liên Xô.  Thời ấy, chặng đường Bắc Kinh – Mátxcơva đòi hỏi thay chuyến xe từ đường rầy hẹp một thước hai sang đường một thước tư.  Lòng chúng tôi vui sướng tràn ngập khi đi khỏi thị trấn Mãn Châu Lý của Trung Quốc đọc bằng chữ Nga trên băng rộng “Liên bang Cộng Hoà Xô Viết kính chào và chúc sức khoẻ các bạn”.  Lần đầu, tôi đứng trên đất nước Lênin.

 

Một tuần lễ dài trên xe, hết ăn lại nằm, bên ngoài là tuyết phủ trùng trùng, rừng thông điệp điệp, xen lẫn với bạch dương trụi lá.  Phải hằng trăm cây số mới có một nhà ga mà khách đi xe rất ngại xuống, bởi phải chuẩn bị kỹ mũ, áo rét, để từ 20 độ dương trong toa xe bước ra gặp ngay 20 độ âm.

 

Bác Tôn nói vắn tắt ý kiến, rồi bảo tôi dựa vào ý đó viết sẵn vài bài đáp từ bằng tiếng Pháp, nhỡ có ai đón và đọc lời chào mừng, ta khỏi bị động.  Sau đó, đưa văn bản cho bạn sử dụng nếu họ cần.  Do việc ấy mà tôi biết rằng tiếng Pháp Bác Tôn còn nắm rất vững sau 17 năm tù ở Côn Đảo. Bác đã “sửa lưng” tôi, một tú tài Tây từng viết luận án y khoa bằng tiếng mẫu quốc, ở nhiều đoạn dùng chữ không chính xác.  Ví dụ: khi tôi dịch câu “nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình” ra thành aỉmant la paix”, bác gạch bỏ chữ “aimant la” và thay vào “épris de paix”… Thấy tôi ngượng quá, Bác Tôn an ủi: “Tại anh ít đọc báo chính trị đó thôi.  Ngôn ngữ chính trị khác hơn nói chuyện”.

 

 

Đến thủ đô Mátxcơva 10 giờ tối, ngày chủ nhật. Trong chuyến này Bác Tôn chỉ là khách mượn đường đi Béclin, cho nên không có cuộc tiếp rước công khai nào, không đăng báo - Trung ương Đảng bạn chỉ xem Bác như người trong gia đình, đi xa về. Ngay buổi tiếp xúc đầu tiên, hai đồng chí Ủy viên Trung ương ra đón Bác tại sân ga đã tỏ ra ngay tình cảm giản dị mà đậm đà.  Không có diễn văn, thiếu nữ dâng hoa gì cả, rnà sau khi ôm hôn Cụ thắm thiết, một đồng chí nói qua phiên dịch: “Biết hôm nay đồng chí đến và ở Việt Nam ai cũng  thích ăn cá hơn thịt, nên suốt ngày tôi đã đục băng ngồi câu cá giữa sông, tóm được mấy con béo lắm.  Tôi đã giao cả cho bà quản gia, đồng chí muốn ăn cách nào bảo cho đầu bếp nấu”.  Ai cũng biết ở Âu châu, giữa mùa rét, cá thịt treo ngoài cửa sổ không báo giờ ươn.

 

Chúng tôi được bố trí ở một biệt thự riêng cua tổ chức Đảng. Bà quản gia già là một đồng chí tóc bạc trắng, ngày xưa từng phục vụ cho Lênin, theo bà nói lại. Sau khi cùng chúng tôi dùng cơm tối, các Ủy viên Trung ương ra về, để lại một cán bộ tổ chức tên Pôpốp, nói đợc tiếng Pháp để luôn theo phục vụ Bác Tôn. Bạn nói: Chúng tôi có đầu bếp, nhưng các anh muốn ăn theo Việt Nam thì nấu.

 

Sáng hôm sau, khách đến gõ cửa xin gặp Bác Tôn đầu tiên là anh thợ hớt tóc, xách theo thùng nhỏ đựng dao kéo, tongđơ.  Kế đó là bác thợ may, đề nghị cho kiểm điểm lại áo quần xem đã đủ và bao đảm chống rét chưa.  Cuối cùng là hai nữ bác sĩ, dù tôi được giới thiệu là thầy thuốc riêng của Bác Tôn, vẫn cứ lờ đi mà lo đo huyết áp, nghe tim phổi, rồi làm điện tâm đồ, lấy phân và nước tiểu mang về xét nghiệm.

 

Sau nhiều ngày ăn cơm Tàu rồi ăn theo Tây trên xe lửa, suy bụng ta ra bụng người, tôi nghĩ rằng chắc Bác Tôn cũng muốn dùng cơm ta. Trong nhà bếp của biệt thự, có đủ loại nguyên liệu cần thiết: gạo, rau, củ hành, dấm. Cô gái Nga, tuy tốt nghiệp Đại học nấu ăn, cũng trố mắt ra nhìn tôi thao diễn nấu cơm theo Việt Nam, rồi nồi canh chua cá măng với cà chua và dấm. Thay cho món mắm tôi dùng trứng cá đen (caviar) chế biến. Thật vui sướng khi Bác Tôn ăn, khen là ngon miệng, khen tôi khéo tay và dồi dào sáng kiến.

 

Ôi!  Bác sẽ còn vui biết bao nhiêu nếu rõ rằng, sau nhiều năm kháng chiến ở Nam bộ, phải lo tự sống để công tác tốt, với hai giạ lúa và một cân muối hằng tháng như mọi anh chị em thời ấy, tôi đã thông thạo thêm rất nhiều nghề chưa hề có ai dạy ở trường đại học, nào phải chỉ riêng kỹ thuật nấu ăn!  Như nuôi heo, chèo xuồng, xay lúa, giã gạo, bửa củi, cắm câu, đặt ống trúrn, dặm cù, bắt ba khía. Rồi về sau thời chống Mỹ ở R, tài nghệ đưọc bổ túc thêm bằng cách biết bẫy cheo, bắn khỉ, tát suối, phát hiện ra măng tre, măng le trước khi nó lồi lên khỏi mặt đất mà gây sự chú ý của kẻ khác.

 

Tổ chức Đảng ở Liên Xô đã giữ Bác Tôn lại đón lễ Nôen 1955, bởi sinh nhật Chủ tịch Vinhem Pick ngày 3-1-1956. Tất nhiên là trong những ngày ở Mátxcơva rất ấm cúng, không nghi lễ gì cả, lúc nào bạn cũng sắp xếp cho đi xem nơi này, nơi nọ. Trước mắt là viếng lăng Lênin, thời ấy còn có Xíttalin nằm kế cận, chỉ ba bốn năm sau cụ Xít mới được đưa ra chôn bên tường Kremlin ­ như các lãnh tụ khác.  Thăm các cung điện, nơi làm việc của Lênin v.v… Nơi người sống những ngày cuối cùng ở ngoại ô phía Nam thành phố.  Bác Tôn lặng lẽ đứng trước giường nằm, trên tường treo tấm lịch ghi ngày 21 tháng 1 năm 1924, tuyển tập Jack London, mà cụ bà đang đọc cho người nghe ở chuyện Tình yêu cuộc sống.  Có lẽ Bác Tôn đang nhớ đến bác gái ở nhà đã chung thủy với Bác cũng như thế.  Bạn còn mời xem vũ kịch, xiếc với các diễn viên nổi tiếng khắp thế giới như nghệ sĩ Ulanova và vua hề Pôpốp.  Chúng tôi nhớ mãi “ông già” rất tâm lý và đầy lòng nhân hậu.  Khi tuyết rơi quá dày và bên ngoài giá lạnh, cụ xin ở nhà; nhưng lại đề nghị bạn Liên Xô cứ đưa anh em chúng tôi đi chơi: “Dễ gì có dịp sang đây, sẵn có xe hơi và vé ngồi chỗ tốt trong rạp! Có sức đi, thì cứ đi”.

 

Sau đêm Nôen hết sức thân tình với đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bác Tôn lên xe lửa đi Béclin ngày 27 tháng 12. Xe lửa lại đổi đường ray từ­ rông sang hẹp hơn tại Brest, để đi vào nước Ba Lan. Cảm động xiết bao khi đi ngang thủ đô Vácsava, vào lúc 11 giờ đêm, trời rất lạnh và đang có tuyết rơi mà đã sẵn một số người chờ đón chào Bác: Đoàn Chủ tịch Quốc hội và nhiều Ủy viên Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan.  Hầu hết người ra mừng Bác đều nói thạo tiếng Pháp, nên cuộc tiếp xúc chủ và khách vô cùng thoải mái, khỏi phiên dịch. Một tiệc rượu tẩy trần đã dọn sẵn trong phòng khách nhà ga.  Đoàn xe rời Vácsava chậm mất nửa giờ, sau mấy đợt còi thúc hối inh ỏi nhưng không dám lăn bánh. Những lời đáp từ tôi viết sẵn lại không được dùng, bởi sẽ lố bịch khi cuộc gặp gỡ diễn ra chân tình, cởi mở từ cái bắt tay đầu tiên, không có ai trịnh trọng giấy tờ gì ráo.

 

 

Qua sông Oder vào lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Đức, Bác Tôn đã trở thành quốc khách. Ngay từ ga đầu ở biên giới, đã có đại diện cho Đảng và Mặt trận dân tộc Đức đến đón cùng đi chung về Béclin.  Chúng tôi đón giao thừa tại nhà khách Chính phủ sau khi dự một buổi ca nhạc vũ nhạc mừng năm mới 1956, và đoàn thiếu nhi tặng hoa chúc thọ Bác Tôn.  Theo tục lệ ở nước này, ngày mồng một ăn toàn cá chép luộc và chiên, với món canh quý nhất là súp ruà nhập từ Nam Mỹ.  Tiếc rằng không ai mời tôi nấu ăn nữa, khi đã “đổi chất” thành khách Chính phủ. Tổ chức ở vô cùng chu đáo, trong buồng ngủ ngoài vật dụng hàng ngày như xà bông, dầu thơm, dao cạo, bạn còn nhớ đến đồ cắt móng tay và dây giày để thay.  Hai hôm sau, buổi lễ chính thức chúc thọ 80 tuổi Chủ tịch Vinhem Pick diễn ra trọng thể tại một Đại hội trường, gần cổng lớn phân chia Đông và Tây Béclin, một dịp cho phe xã hội chủ nghĩa biểu lộ sự đoàn kết xung quanh nước Đức mới.  Trừ Thống chế Vôrôsilốp thay mặt cho Liên Xô và Chu Đức thay mặt cho Trung Quốc, đại biểu các nước khác phải thu xếp nói xong trong 10 phút trở lại, buổi lễ không kéo dài quá ba tiếng! Bài Bác Tôn đọc bằng tiếng Việt ngắn, gọn và súc tích, nhưng rất chậm rãi, các đại biểu nghe trực tiếp bằng ống riêng, thông qua những phiên dịch ở hậu trường. Tôi biết trước điều này, bởi Bác Tôn đã có lần dặn tôi: “Khi anh nóí cho người ta dịch, phải chậm rãi hết sức, và gọn ý.  Phải nhớ rằng tiếng Việt đơn âm, còn tiếng Âu đa âm, để nói ra chỉ một chữ, ví dụ chữ “bạn” dịch thành “ami” (hai âm).  Cho tới nay còn khối cán bộ khi ra nước ngoài vẫn chưa biết điều kỵ này, tỏ vẻ hùng biện phát biểu như gió bay, rốt cục thiệt cho mình, bởi phiên dịch chỉ tóm tắt mà bỏ rơi ý chính.  Tôi muốn nhắc lại nơi đây lời Bác Tôn từ thuở ấy mà tôi còn nhớ mãi.

 

Tặng phẩm của các đoàn, các đại biểu đoàn thể chất đống trước lễ đài.  Quà tặng của Việt Nam là một bức sơn mài to, ngoài ra còn tặng phẩm của cụ Hồ là ảnh Bác sơn mài nhỏ.  Chủ tịch Vinhem Pick tràn ngập hạnh phúc khi các trưởng đoàn đại biểu lần lượt đến ôm hôn.

 

Tối đến, có chiêu đãi dạ hội lớn ở Phủ Chủ tịch.  Bác Tôn và tôi (không phải là bác sĩ tuỳ tùng nữa mà là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được bầu lên tháng 9-1955 ở Hà Nội) – được mời dự.  Và đây là lần đầu tiên, theo lời dạy của Bác Tôn, tôi phải mang huy hiệu kháng chiến Nam Bộ được thưởng năm 1951 và huân chương kháng chiến gắn ở Cà Mau ngày 2-9-1954 từ tay Chủ tịch Phạm Văn Bạch (lúc ra đi từ Hà Nội, bác đã nhắc ai có phải đem theo!).

 

Chủ tịch nước Đức mới khai mạc dạ hội ngắn gọn: “Cám ơn tất cả các đồng chí đã mang đến cho nhân dân Đức, Đảng và cá nhân tôi niềm vinh dự và vui mừng hôm nay. Thức ăn, rượu và nước giải khác đều dọn sẵn trên bàn.  Chúng ta sống chế độ Cộng sản Chủ nghĩa: ai thích gì thì cứ dùng, lúc nào cũng được.  Xin mở đầu cuộc khiêu vũ với cô gái trẻ nhất, Ủy viên Trung ương Đoàn Thanh niên”.  Một thiếu nữ ăn mặc vừa đẹp vừa sang bước ra, cười chạy ra như cháu gái đến ông.  Giàn nhạc giao hưởng khởi đầu.

 

Từ bàn dành cho các Trưởng đoàn, Bác Tôn đến bảo nhỏ tôi: “ Tôi không biết nhảy đầm, anh cố gắng ra quây ít vòng với bạn, cho có mặt Việt Nam”.

 

Đã có lệnh Bác, tôi phải bước ra khi một phụ nữ trung niên rành tiếng Pháp đến mời: đó là phu nhân Bộ trưởng Công nghiệp đã nhiều năm sống ở trại tập trung phát xít khi chồng còn công tác bí mật.

 

Sau ngày lễ, các bạn Đức còn mời Bác Tôn ở lại trọn ba tuần lễ, cùng các lãnh tụ bạn đặt tràng hoa trên mộ Karl Leebknecht nhân dịp kỷ niệm ngày hy sinh vị anh hùng của giai cấp công nhân Đức thập kỷ 20, đưa Bác đi thăm nhiều nơi, nhiều thành phố khắp nước; dừng chân lại đặc biệt ở các thành phố mà phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh nhất, như Cácmácstadt. Ở Dresden,  chúng tôi vào thăm trường dành cho thiếu nhi Việt Nam ở ngoại ô, nơi đây hầu hết đều là các cháu cha mẹ còn ở lại miền Nam hay là con liệt sĩ. Tại trại giam Buchenvald của phát xít lừng danh trên thế giới chúng tôi tham quan lò thiêu ngưòi, viện bảo tàng trưng bày vô số vật dụng gia đình và trang sức làm bằng da người.

 

Ấn tượng rùng rợn mang ra một buổi xế từ trại giết ngừơi phát xít rộng mấy mẫu, chỉ vơi đi khi chúng tôi được tiếp đón niềm nở ở thành phố Weimar gần đó, tối đến xem biểu diễn nhạc kịch sau bửa cơm chiêu đãi. Đây là thành phố cổ kính, có thời từng làm thủ đô, với bao nhiêu di tích lịch sử. Phải ngắm các lâu đài hằng trăm năm tuổi xây bằng đá xám xịt với đủ thứ tượng người đội tuyết trắng long lanh mới cảm thụ được cái mỹ lệ của kiến trúc cổ.

 

Tất nhiên là như mọi khách từ xa đến, chúng tôi xuống hầm ngôi nhà mộ chôn Gớt (Goethe) và bạn thân là thi sĩ Sile (Schiller).  Bên ngoài âm u trời đất, nhưng ở đây ấm và ánh sáng chan hoà.  Anh bạn Đức hướng dẫn đoàn chỉ ngọn đèn trên ngôi mộ đại văn hào và nói cho biết, bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, đèn này cũng không bao giờ tắt.  Rồi anh kể cho chúng tôi nghe: một đêm đông nărn 1832 khi thi sĩ Gớt già 83 tuổi hấp hối trên giường đã luôn miệng kêu gào: “Hãy đem đến cho ta ánh sáng, nhiều ánh sáng hơn nữa.”

 

Buổi thăm viếng này càng về sau tôi nhớ mãi, không phải vì uy vũ của người nằm trong mộ – (thời còn đi học tôi đã viếng mộ Napôlêông, đến Pantêôn ở Pháp – mộ xây bằng vàng nén của hàng chục Giáo hoàng ở Vatican), thập tam lăng về sau này của các vua nhà Minh, mà là bởi lời bình của Bác Tôn.  Trên đường về khách sạn, Bác hỏi: “Anh làm bác sĩ, giải thích tại sao người sắp mất cứ đòi ánh sáng?”.  Tôi chịu “bí”, bởi không có sách y học nào nói đến.  Tôi trả lời: “Đây là trường hợp cá biệt của một đại văn hào, một triết gia lớn, một trí thức uyên thâm nhất ở Âu châu thời ấy.  Suốt đời, bao nhiêu tác phẩm để lại, ta thấy ông đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, làm sao để vươn tới “chân - thiện - mỹ”, nhưng cuối cùng vẫn không tìm được lối ra cho suy tư”.  Bác Tôn có dáng trầm ngâm suy nghĩ, rồi vỗ vai tôi nói: “Trí thức dầu lớn đến cỡ nào, học vấn uyên thâm quảng đại bao nhiêu, mà chưa được ánh sáng của chủ nghĩ Mác – Lênin soi đường, thì mãi mãi đi trong đêm tối”.

 

Câu nói giản dị ấy đã lưu lại ký ức tôi một vết hằn sâu sắc.  Về sau, trong đời làm thầy thuốc ở rừng, tôi không muốn cho những tấm lòng cao cả vì dân vì nước, những đại trí thức của thời đại Bác Hồ và Bác Tôn, vĩnh biệt chúng ta trong bóng tối.  Đêm 7 tháng 11 năm 1968, người Bộ trưởng kính mến của chúng tôi, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vừa trở về Nam Bộ ba tháng trước đó để nắm tình hình y tế sau Tết Mậu Thân, đã hấp hối trong một túp lều giữa rừng dày của huyện Tân Biên (Tây Ninh) sau một cơn bệnh cực kỳ hiểm nghèo.  Rồi đến tháng 4 năm 1972, ở bệnh viện dân y gần Sóc Chùa trong một khu rừng ở đất bạn, kỹ sư Cao Văn Bổn, Bộ trưởng Kinh tế Tài chính trong Chính phủ Cách mạng lâm thời, thở những nhịp cuối cùng sau một thời gian dài mắc chứng ung thư phổi.  Nếu hồi ký này được các em y sĩ, y tá ở buổi trực đêm ấy đọc, thì xem đây là lời tôi cám ơn các em đã ngoan ngoản chạy tìm tập trung tất cả đèn bão lại, đốt làm sáng lên cả một góc rừng mà chẳng thắc mắc tìm hỏi lý do, bởi nếu máy bay Mỹ đến thình lình làm sao tắt kịp.  Do tìm ánh sáng cho đất nước, cho đồng bào mà các anh đã lià bỏ gia đình ở thành và cảnh giàu sang,  Không có ai là người thân vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, tôi muốn tiễn các anh ra đi trong ánh sáng, như Gớt đã đòi hỏi ngày xưa.

 

Sau Vaima, chúng tôi đến Lai Xích (Leipzig) thành phố lớn thứ hai của Đức.  Sinh viên Việt Nam ở trường đại học Các-Mác đã đón Bác Tôn đến thăm, vô cùng cảm động.  Thăm khu hội chợ quốc tế.  Và, cũng như ở các nơi khác, dự cuộc mitting chào mừng của nhân dân.

 

Thị trấn Bốt-xđam (Potsdam), phía nam thủ đô, tuy không rộng nhưng là nơi phong trào các cháu thiếu nhi ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Kỳ công mỗi cháu tính ra bằng con số lon không, vải, giấy vụn thu nhặt bán lấy tiền tiếp sức cho kháng chiến Việt Nam từ 1946. Thành tích ấy ở Việt Nam vẫn biết, và hôm nay Chú tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng đã đến đây để nhận chiếc khăn quàng đội viên danh dự thiếu nhi Bốt-xđam và ôm hôn đại diện các cháu.  Tiếp theo đi tham quan một số nơi lịch sử, như phòng họp lãnh tụ tam cường Anh-Pháp-Xô mùa hè năm l945.  Chiếc ghế ngồi của Xít-ta-lin còn đó, nhưng đã bị cưa mất chỗ tựa bởi một kẻ trộm lọt vào, sau đó đem bán đấu giá ở Mỹ.

 

Những ngày ở Béclin, tôi mãi mãi cám ơn lòng tin cậy và sự tế nhị của Bác Tôn ủy nhiệm tôi, một trí thức còn ở ngoài Đảng, từ nhà trường tư sản đào tạo ra, đi một mình tới bệnh viện Charilé mấy lần, tiếp xúc rộng với đoàn chuyên gia bạn sắp sang làm việc ở Việt Nam. Sau đó, cũng một mình đi lên miền Bắc nước Đức, tiễn đưa từ cảng Rostock đoàn thủy thủ bạn chở dụng cụ trang bị máy móc đi Hải Phòng giúp xây dựng bệnh viện hữu nghị Việt Đức.  Phiên dịch cho theo tôi là một cô gái Đức cán bộ ngoại giao bạn, nói tiếng Pháp nhanh như chim hót, khi tào lao riêng tư không ngần ngại sử dụng với tôi cả “tiếng lóng” của Paris, tức là như chúng ta nói với nhau mà dùng các từ ngử Việt Nam kiểu nh­u “cà chớn”, “hết sẩy”, “thấy mồ”.  Vào thời đó một cử chỉ như Bác Tôn có lẽ hiếm.

 

Sau khi về Hà Nội độ một tuần, Bác Tôn có mời gia đình tôi đến nhà riêng ăn bữa cơm đặc biệt miền Nam với cá lóc nướng trui, canh chua nêm ngò om, mắm kho có rau ghém bắp chuối để “mầng công”. Chủ tịch Vinhem Pick viết thư riêng cám ơn Bác Hồ và Cụ cho Bác hay cuộc chu du của đoàn ở Đức đã mang kết quả lớn cho phong trào nhân dân bạn ủng hộ Việt Nam. Ở ngành y tế, chúng tôi thấy quá rõ điều ấy, bởi ngoài bệnh viện Việt Đức xây dựng cho Trung ương, về sau bạn còn trang bị cho tất cả phòng y tế huyện dụng cụ y khoa phòng xét nghiệm, kính hiển vi, vv..  Kể cả tủ thuốc, ghế bàn làm việc và xe môtô cấp cứu! Các trường y sĩ cũng có đủ mô hình cơ thể học dùng trong giảng dạy từ Đức gởi tặng. Bữa cơm nặng tình quê hương do Bác gái nấu lấy đã khẳng định rằng vài ba lần nói chuyện của tôi trực tiếp bằng tiếng Pháp với các đồng nghiệp ở Béclin có tiếng vang. Tôi đã nói rõ với bạn cảnh công tác ở chiến trường Nam Bộ thời chống Pháp: mổ thiếu thuốc tê, cưa chân tay bằng dụng cụ thợ mộc, giữ thuốc trong chỗ mát bằng cách để dưới đáy giếng sâu, bó xương bằng bẹ chuối, nẹp cau. Lạ lùng nhất cho bạn là chuyện bệnh viện lưu động trên những chiếc ghe xuồng, khi giặc càn ta rút vào rậm; giặc rút ta lại trở về chỗ cũ: điều mà du kích Âu châu chưa hề tưởng tượng ra.

 

Từ các tỉnh thành mà Bác Tôn đã đến thăm, quà tặng cho đoàn 1ần lượt đưa về thủ đô đủ loại: vải  sồ, quần áo ấm cho trẻ em, thuốc men, máy móc, mỹ nghệ phẩm kể cả đồ sành sứ. Kê ra cả tấn, phải giao lại cho Đại sứ quán mới thành lập để đưa về nước sau, làm của Nhà nước. Riêng cá nhân tôi cũng được bạn tặng một máy ảnh và máy đo huyết áp.  Máy ảnh về Hà Nội nộp lại cho Văn phòng Bộ y tế, chỉ giữ lại cho mình dụng cụ khám bệnh.

 

Từ Hà Nội lúc ra đi, đoàn đã chuẩn bị quà lưu niệm nhân viên bạn phục vụ cho mình, từ cán bộ quản lý nhà khách đến anh lái xe, chị hầu buồng, nhân viên nấu bếp, Bác Tôn căn dặn không nên để quên sót một ai.  Mà nào có tốn hao gì lắm đâu, bởi nếu làm theo cụ Đồ Chiểu trong thơ Lục Vân Tiên thì

 

Trai thời mành trúc làm đầu

Gái có bướm bạc làm câu lưu tình!

 

Mành trúc có hình Tháp Rùa, chùa Một Cột, cậu bé cưởi trâu bên bụi tre, rất khác nhau, nhưng cùng một giá bán là ba hào.  Bướm bạc đắt tiền hơn, giá hai đồng tặng cho các chị cài trước áo hay ghim vào tóc.  Những cái hôn lúc chia tay nhau thì chia đều cho tất cả, nam nữ già trẻ như nhau.  Ấy thế mà các chị, các bà đều rướm lệ khi đoàn ra xe về nước.

 

Sắp hết tháng giêng 1956, gần Tết bên nhà.  Sau khi các giáo sư Đức khám lại sức khoẻ Bác Tôn toàn diện tại bệnh viện, Chính phủ Đức đồng ý cho bác sử dụng máy bay, không có ngại gì.  Thế là một chuyên cơ bạn đưa đoàn đi Mát-xcơ-va vào một buổi sáng, tuy rét nhưng trời rất tốt.

 

Trở lại thủ đô Liên Xô lần này, Bác Tôn là khách của Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới đến nhận giải thưởng. Cuộc tiếp đón ở sân bay khác hẳn lần trước, với đầy đủ nghi lễ, tiếp tân, có thiếu nữ tặng hoa.  Nơi cư trú là nhà khách Chính phủ ở trung tâm thủ đô, khách sạn Soviet Kaia.

 

Lễ trao giải thưởng Lênin tổ chức trọng thể trong điện Kremlin, có diễn văn nêu công lao đóng góp của Bác Tôn cho phong trào hoà bình từ ngày còn là lính trên tàu đế quốc ở Hắc Hải.  Và tất nhiên là Bác Tôn có lời đáp cám ơn các bạn bè quốc tế.

 

Sau tiệc chiêu đãi của ban tổ chức cuộc lễ, Bác Tôn với tư cách Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến chào nguyên soái Vôrôsilốp, Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên xô.  Hai cụ đã quen nhau, nóí chuyện với nhau vài lần khi còn ở Đức.  Thời gian ấy, chúng tôi đi các cửa hàng bách hoá sử dụng món tiền một trăm đồng rúp (thời ấy là 1.000 rúp cũ) bạn mới tặng cho mỗi đoàn viên.  Theo lời khuyên của sứ quán từ trước, nên mua mỹ nghệ phẩm kỷ niệm để giữ thể diện quốc gia, nên về phần mình tôi chỉ mua một đồng hồ báo thức, nước hoa về xức tóc cho vợ, búp bê cho con, nho khô và thuốc lá cho bạn.  Cái tư tưởng mang về đồ nặng, như đầu máy may, tủ lạnh, Tivi… thời ấy chưa có ở cán bộ đi nước ngoài, mà chỉ xuất hiện từ ngày hoà bình trở lại sau một thời gian dài chịu sự thống trị của vitamin B12, thuốc lộc nhung Pantocrin, bàn ủi, cối xay thịt và quạt tay voi!

 

Thời gian lưu lại ở Matxcơva lần này chỉ có ba ngày, nhưng tôi đã vướng phải một rắc rối lớn. Phước đức lớn cho tôi là được Bác Tôn làm trưởng đoàn bằng không thì biết đâu hôm nay, già về hưu, tôi đã bị một điểm đen ghi trong lý lịch. Xin viết ra đây để  các bạn rút kinh nghiệm sau này nếu có dịp đi công tác nước ngoài.

 

Sáng hôm sau ngày Bác Tôn nhận giải thưởng Lênin, một phóng viên Đài phát thanh Liên Xô nói thạo tiếng Pháp đi với một nhân viên sứ quán Việt Nam đến khách sạn, xin phỏng vấn ghi âm. Đưa câu hỏi ghi sẵn cho Bác, người bạn Nga nói chuyện chơi với tôi bằng Pháp ngữ. Khi biết tôi quê từ Nam Bộ tập kết ra Bắc, anh bạn hỏi tôi thời còn đánh Pháp có quen một người Nga tên Thành không? Tôi mừng quá, trả lời ngay: đó là trung đội trưởng khẩu pháo 35 ly của tiểu đoàn 307, bạn của ở Bến Tre, lần nào về quân y viện cũng đến chơi với tôi. Đồng chí ấy cho biết: Thành đổi tên ra Platon, hiện nay làm việc chung với anh ở Đài phát thanh Mátxcơva, bộ phận tiếng Việt. Nói xong, anh đến quày điện thoại, và sau một tràng tiếng Nga ngoắt tay bảo tôi đến có người muốn nói chuyện. Đúng là tiếng nói của Thành, chú rể tỉnh Bến Tre mà gần 10 năm trước chúng tôi đã lo vợ cho.

 

Rồi luôn luôn có quan hệ bạn bè, cho đến năm 1951 khi quân khu 8 bị giải thể và tôi về công tác ở miền Tây Nam Bộ. Thành tiếc rằng tôi phải đi theo Bác Tôn bằng không kéo tôi về nhà ở ngoại ô, cách 40 cây số.

 

Sau khi khách ra về với bài phỏng vấn, thư ký riêng của Bác Tôn đến cho tôi biết, hôm sau, phải đưa tôi đến Đại sứ quán làm bản tự kiêm điểm, bởi tự tiện giao dịch với người nước ngoài mà không xin phép sứ quán trước và báo cáo là sẽ nói cái gì. Tôi vừa bực dọc, vừa run sợ, bởi từ ngày tham gia Cách mạng năm 1945, chưa hề có ai đòi tôi đi kiểm điểm. Sau khi nghe tôi than thở, Bác Tôn nổi nóng: “Anh sẽ không đi đâu cả, bảo tôi không cho đi, tôi là trưởng đoàn. Người ta gọi anh, tất nhiên anh phải nói chuyện. Anh nói chuyện với Thành bằng tiếng ta, tôi có mặt ở đó.  “Nó” cũng ngồi đó nghe và hiểu cả, còn giở trò gì đây? Đại sứ Nguyễn Lương Bằng vừa về nước có việc; ở đây, tôi là cấp ủy Đảng cao nhất”.

 

Thế là việc đưa tôi ra kiểm điếm về ý thức tổ chức, kỷ luật kể như “xù”.

 

Giải thưởng Lênin bằng tiền là 10 vạn rúp cũ. Nhưng ngoài số tiền đó, bạn Liên Xô còn tặng cho Bác mười ngàn rúp cũ để mua quà đem về tặng gia đình, bầu bạn. Chỉ còn một ngày nữa là phải đáp chuyên cơ­ về Bắc Kinh, nhưng số tiền lớn Bác nhờ tôi giữ giùm còn nguyên. Tôi nhắc Bác mua quà về cho bác gái, muốn thứ gì tôi sẽ ra Gum (cửa hàng bách hóa tổng hợp) mua đủ. Bác suy nghĩ hồi lâu, mới bảo tôi:

 

- Tánh tôi ưa ăn nhất là món cá kho tộ, bỏ nhiều tiêu.  Chiều nào bà ấy cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén đá, văng tùm lum ra ngoài. Ba lại kém mắt rồi nên cứ mò mò tìm từng hột bỏ vô lại. Vậy anh cứ tìm mua cho tôi một cái cối xay tiêu đem về tặng. Chắc bả mừng lắm.

 

Tôi đã chọn cối quay tay đẹp nhất bằng gỗ ở Gum, nhưng cũng chỉ mất có bảy rúp. Còn lại 9.993 rúp đem về trao lại cho Bác Tôn.

 

Chuyên cơ của Chính phủ Liên Xô đưa chúng tôi đến sân bay Iệt-xcút (Irkoutxk) là chiều tối. Tổ chức Đảng thành phố đã đến chào, và chiêu đãi cơm tối, để sáng hôm sau máy bay đi Bắc Kinh. Bác đã giao lại gần nguyên vẹn số tiền túi bạn lãnh ở Mátxcơva, nhờ trả lại cho tổ chức. Bác bảo chúng tôi cũng làm như vậy bởi không được đem ngoại tệ về nước. Các đoàn viên khác đã rỗng túi, tôi may còn ít đồng chưa kịp mua thuốc lá ở sân bay vì quá vội.

 

Việc tặng “cối xay tiêu” để cho bác gái đỡ nhọc khi nấu ăn, gợi tôi nhớ lại câu chuyện mà một bệnh nhân của tôi, quê làng Vĩnh Kim, đã thuật cho tôi nghe khi còn có phòng mạch ở Mỹ Tho.  Suốt thời gian dài chồng bị đày ở Côn Đảo, bác gái tần tảo nuôi hai con gái bằng cách hàng ngày mua trái cây và gà vịt chở lên Sài Gòn hoặc thị xã Mỹ Tho bán.  Sau ngày Cách Mạng tháng Tám thành công, Bác Tôn đến Vĩnh Kim vào lúc đỏ đèn.  Bác gái đang đi mua gà ở xóm trên, nghe tin chồng bương bả chạy về nhà, buông cả mấy con gà đã trả tiền rồi đang xách trên tay xuống chạy mất.  Bác gái nhìn chồng xa nhau 17 năm, nghẹn ngào, không nói được một lời nào, chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc,  Từ điển tiếng Việt (của nhà xuất bản Khoa học xã hội) định nghĩa: “Khóc là chảy nước mắt vì đau đớn hay thương xót”.  Không đúng hẳn! Còn có cái khóc của nỗi mừng đột ngột đến, cái khóc lúc trùng phùng của người nông dân nặng tình chung thủy.  Sau khi cụ Hồ mất, Bác Tôn được bầu lên làm chủ tịch nước.  Khi đó đồng nghiệp từ Hà Nội mới vào rừng, tôi hay hỏi thăm sức khoẻ Bác. Có anh em kể chuyện bác gái bệnh, vào nằm ở viện 108.  Hôm nào Viện nhận điện thoại rằng bác trai chiều hôm ấy sẽ vào thăm và chuyển tin cho bác gái, thì cụ bà cũng vội thay quần áo mới để đón chồng.  Khó mà không xúc động khi thấy một vị Chủ tịch 80 tuổi ôm hôn thắm thiết vợ như đôi lứa còn xuân xanh, tóc bạc ấp ủ lên tóc bạc.  Khác hẳn với Lương Hồng thời xưa bên Tàu khi gặp vợ Mạnh Quang cửa án tể mi.

 

Tôi từng đọc bao nhiêu tiểu thuyết tả lại nhiều cảnh trùng phùng khác nhau của những vợ chồng xa nhau lâu, nói lên những mối tình già. Chưa thấy nhà văn nào viết lên cảnh này, dù đấy là việc hoàn toàn chân thật đã xảy ra trong xã hội Việt Nam.

 

Bác gái mất năm 1974, thọ 76 tuổi, lúc chúng tôi ở chiến trường Nam Bộ.

 

 

Phi cơ Liên Xô đáp xuống sân bay Bắc Kinh lần này, Bác Tôn trở thành khách của Chủ tịch Quốc hội Lưu Thiếu Kỳ. Thời gian dừng chân chỉ vài ngày, trong đó có một buổi chiều Bác đến chào Mao Trạch Đông, Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Chiều hôm sau, có bữa cơm thân mật tại nhà riêng Lưu Thiếu Kỳ ở Trung Nam Hải.

 

Phía Trung Quốc có ba người: vợ chồng họ Lưu và một người nữa mà tôi quên tên. Khách Việt Nam được mời chỉ có 4: Bác Tôn, Đại sứ Việt Nam, tham tán Đại sứ quán Châu Lượng (ngày còn trẻ là bạn học cùng lớp Nhất A ở trường tỉnh Bến Tre của tôi dưới tên thật là Trần Văn Minh), và tôi. Phiên dịch chính là Đại sứ, có khi là tham tán. Rượu Mao Đài ngà ngà, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ phát biểu một câu làm tôi sửng sốt: “Đảng các đồng chí thành lập sau Đảng chúng tôi, mà mới 15 năm đã giành được chính quyền. Nay nếu phải chờ năm mười năm nữa mới thống nhất đất nước, cũng là rất sớm”.

 

Xin nhắc lại, những lời này nói ra hồi đầu tháng 2-1956, khi mà chúng tôi đang tin rằng theo đúng hiệp định Giơ-ne-vơ, chỉ còn có nửa năm nữa là tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc. Đại sứ ta không thể dịch sai ý. Do đó, trên xe đi về chỗ ngụ, tôi hỏi Bác Tôn lúc nãy có nghe rõ câu ấy không, tôi ngạc nhiên thấy lần đầu Bác đưa ngón tay trỏ lên trước mặt tôi, bảo: “Cái gì đã nghe qua nên bỏ ngoài tai; về nhà anh phổ biến ra tùm lum sẽ bị kiểm điểm và thi hành kỷ luật đấy”.

 

Gần 10 năm sau, năm 1965, trong bữa cơm nhà Bác và chị Tám Lựu, với tư cách là người đồng hương, tiễn tôi tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, tôi vui mừng nhắc lại câu nói của Lưu Thiếu Kỳ, Bác Tôn cười: “Bây giờ anh không nói ra thì ai cũng biết cả rồi!”.

 

Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã cho đoàn xe lửa riêng đưa đoàn chúng tôi về nước. Chưa bao giờ tôi được sống trên toa tàu sang như thế, có nhà bếp và người nấu ăn, người phục vụ riêng, phòng khách rất sang, và phòng ngủ cá nhân với chăn hoa nệm gấm. Một nhân viên Văn phòng họ Lưu đưa chúng tôi đến ga Bằng Tường, nơi có sẵn ô tô từ Hà Nội lên đón Bác Tôn, và anh Dương Bạch Mai báo cáo cho Bác giờ họp mítting to trước nhà hát lớn do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ chức để chào đón Bác trở về với giải thưởng hòa bình quốc tế. Đứng ra đọc diễn văn chào mừng Bác chiều hôm ấy là đồng chí Xuân Thuỷ, ủy viên Chủ tịch đoàn kiêm Tồng thư ký Mặt trận.  Bác Tôn xúc động báo cáo vắn tắt công tác vừa hoàn thành.  Hàng vạn con người hò reo vang dậy khi Bác tuyên bố xin hiến tất cả số tiền đi kèm theo giải thưởng Lênin là mười vạn rúp cho Phong trào bảo vệ thiếu nhi thủ đô.

 

Chúng tôi đã sum họp gia đình đúng vào ngày trước Tết âm lịch. Đấy cũng là lần ăn Tết duy nhất của đời tôi được đến chơi với bạn bè, tặng nho khô và kẹo sôcôla, trong bộ âu phục đẹp và sang nhất mà tôi từng được mặc. Sáng mùng ba tới Bộ Y tế, đã được cán bộ Văn phòng đến báo tin rằng Bộ Tài chính vừa điện thoại bảo phải lập tức đem nộp trả ngay tất cả các quần, giày, nón đã sắm cho, kể cả sơmi và quần áo ngủ, va li .

 

Con đường vinh quang của kẻ sĩ thời xưa khi được làm quan thái thú đất Kinh Kha đối với tôi thế là đã chấm dứt. Có điều khác là đây không phải chuyện xảy ra trong mộng khi nồi cơm kê đang chín, mà đúng là sự thực kéo dài hơn hai tháng nhờ tà tà theo bóng Bác Tôn.

 

 

Sáng 18 tháng 5 năm 1975, tại thành phố Sài Gòn rực rỡ cờ hoa, tôi trút bỏ bộ quần áo vải xanh lá mạ xung xình và đôi dép râu của một anh cán bộ tiếp quản, ăn diện khá sang trọng, cổ thắt cavát, đội nón Panama của bạn hữu vừa cho, hòa vào giòng người đổ xô đến trước Dinh Độc lập. Tôi muốn làm nhà tư sản để quan sát trong chi tiết và bắt mạch đúng tâm lý quần chúng Sài Thành qua cử chỉ nói năng riêng tư của họ với nhau.

 

Xa xa trên lễ đài đầy khách, có tiếng loa vang lên. Bác Tôn râu tóc bạc trắng, tướng đi đĩnh đạc. Bên cạnh là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trong tiếng hò reo, vỗ tay ầm ĩ, tôi không còn để tâm nghe diễn văn khai mạc. Trí nhớ tôi đang vướng vít trong hai cảnh cũ ở Hà Nội năm nào, hôm nay bỗng chốc xuất hiện lại.

 

Cảnh thứ nhất: Câu lạc bộ Ba Đình, tháng 8 năm 1958. Một nhóm khách, đông không quá vài trăm, được Phủ Chủ tịch mời đến dự lễ gắn “Huân chương Sao vàng” cho Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng nhân dịp mừng thọ thất tuần. Tôi được đến với tư cách là ủy viên Trung ương Mặt trận và đồng hương với Bác Tôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói mấy lời, nêu thành tích và công lao cua Bác Tôn, gắn huân chương và ôm hôn giữa tiếng vỗ tay vang dậy.  Hôm ấy, Bác mặc bộ đồ kaki giản dị. Trước tim, bên ngực trái, là Huân chương Sao Vàng vừa gắn, lóng lánh dưới đèn điện. Phía ngực phải, là huân chương nước ngoài theo quy ước quốc tế, trong đó Huân chương Cách Mạng tháng Mười của Liên Xô.  Mắt Bác như rướm lệ, tay run run khi nâng chén rượu mừng, và đáp từ:

 

“Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân Nam Bộ, từ lúc nhỏ đã lên Sài Gòn học nghề để tha phương cẩu thực. Chưa lần nào tưởng tượng ra được cái vinh dự tuyệt đỉnh của chiều hôm nay. Không biết nói gì hơn là từ đáy lòng, xin mãi mãi ghi ơn Đảng, Hồ Chủ tịch và sự có mặt của tất cả các đồng chí đến chúc mừng tôi”.

 

Cảnh thứ hai: Mùa hè năm 1965, Bác Tôn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trung ương, đã nhận được đơn xin từ chức Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc của tôi, bởi lần đi công tác này chắc chắn là phải sẽ kéo dài nhiều năm, không hẹn ngày trở lại.

 

Một buổi chiều, chị Tám Nguyễn Thị Lựu, phó Tổng thư ký Mặt trận, mời tôi đến trụ sở Mặt trận dùng bữa cơm thân mật tiễn đưa. Thực vậy, bởi ngoài chị Tám chỉ có thêm hai người dự là Bác Tôn và đồng chí Trần Hữu Duyệt, Tổng thư ký Mặt trận. Xong, Bác tiễn tôi ra tận cổng 48 phố Tràng Thi, giọng nói run run, chậm chạp, đây xúc động như năm nọ lúc nhận huân chương:

 

- Anh về trong, nói giùm với đông bào Nam Bộ và tất cả đồng chí, anh em, rằng tôi rất nhớ quê hương, chỉ mong đợi ngày về. Nhưng sắp đến 80 rồi, còn có ai cho đi nữa.

 

Từ buổi gặp lần chót ấy, đến hôm nay 18-5-1975, trước sinh nhật lần thứ 85 của Bác Hồ một ngày, thấm thoát đã mười năm.  Tóc tôi cũng bạc rồi. Tôi vui mừng vì được gặp lại Bác, thấy Bác còn khỏe, dù nhìn từ xa, thì ít, mà nhiều hơn là bởi Bác được thỏa lòng ước mơ chờ đợi, thiết tha từ hàng chục năm qua: gặp lại đồng bào Nam Bộ.

 

Kìa, lồng lộng trên lễ đài, đứa con quang vinh của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, anh thợ Ba Son năm xưa, đang đứng đó, tươi cười vẫy tay chào đồng bào, chiến sĩ. Cách nay gần nửa thế kỷ, con ng­ời vĩ đại hôm nay cũng ra đi từ chỗ này, chỉ cách đây vài trăm thước, bên kia đường Nguyễn Du, từ Tòa án đại hình đế quốc thực dân, tay bị còng, áo vai tù xanh, chân đất, với cái án chung thân khổ sai Bác Tôn trở lại nơi cũ, với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tột đỉnh của vinh quang, xem các binh chủng diễu hành điệp trùng trong tiếng nhạc.

 

Dọn đường cho ngày trở về của Bác, ba mươi năm trời đồng bào chiến sĩ phải tốn bao nhiêu mất mát hy sinh, xương máu, tài sản. Phải đổ bao nhiêu nước mắt và mồ hôi mới hoàn thành tấm thảm hoa dài vạn trượng, rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Lòng tôi rộn lên một niềm vui sướng. Dệt xong tấm thảm đỏ, đầy hào quang kia cũng có phần đóng góp của mình, dù chỉ làm cái công việc ít vất vả nhất là chuyển tay cho những ai đó một vài sợi chỉ mỏng manh: hành nghề bác sĩ!

 

Viết ngày.30 tháng 4 năm 1988

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Tôn

(Bài đã đăng trên Báo Văn  Nghệ An Giang)

 

 

 Trở lại mục lục