thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
22

Chuyện đời xưa... và chuyện thời nay

 

Tại cuộc gặp gỡ đại biểu văn nghệ sĩ ngày 7-10 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có đề nghị: “Sáng tác đụng chạm đến “nhà” quan liêu mệnh lệnh nào đó đương chức đương quyền là điều khó… Có khi phải mượn chuyện đời xưa để nói, làm cho ai có tật phải giật mình, phải thấy nhột”.

 

Chuyện đời xưa hay nhất, nhiều nhất là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Xin kể hai chuyện sau đây, làm đường cong nói nhiều sự thật.

 

1.     Mến con, lo cho cháu, là đại nghĩa

 

Nước Lỗ nhỏ và yếu. Tề lớn mạnh thừa thế cử quân đánh Lỗ. Đến biên giới, tướng tiên phong trông thấy một người đàn bà, tay bồng một đứa bé, tay dắt một đứa bé khác, khi thấy quân Tề kéo đến, vội vàng bỏ đứa nhỏ đương bồng xuống đất, bồng đứa đang dắt lên tay bỏ chạy trốn vào rừng. Đứa bé bị bỏ rơi khóc la ầm ĩ, nhưng người đàn bà cứ chạy, không ngoảnh lại. Viên tướng Tề cho vây bắt, hỏi: “Đứa bé nàng bồng là ai, đứa bẻ bỏ lại là con ai?” Chị phụ nữ trả lời: “Đứa tôi bồng chạy trốn là cháu, rất thông minh; đứa bỏ lại là con ruột tôi. Không thể bế cả hai đứa mà chạy nên đành vì nghĩa lớn, cứu cháu bỏ con, dù lòng đau xót. Làm người vô nghĩa thì không thể vác mặt sống trong nước Lỗ được đâu”.

 

Viên tướng nghe, cho dừng quân lại, cấp tốc về tâu vua Tề: “Nước Lỗ chưa đánh được đâu, bởi một người đàn bà bình thường ở ngoài biên giới mà cũng biết trọng nghĩa, hy sinh con, thời quan lại sĩ phu phục vụ triều đình còn tôn thờ đại nghĩa bậc nào nữa?” Vua Tề cho là phải, truyền rút quân. Vua Lỗ biết chuyện này, tặng cho bà mẹ nọ một trăm tấm lụa và phong hai chữ “nghĩa cô”.

 

Thời còn kháng chiến chống Mỹ, nhiều thanh niên nam nữ hưởng ứng câu thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lại”, ồ ạt “đi B” (tức là đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam). Nhưng cũng không ít cậu con trai ông này, bà nọ, tới tuổi nghĩa vụ quân sự, giỏi lánh né, lại được dễ dàng cấp hộ chiếu sang Tây du học dài hạn. Anh em còn kháo nhau: Có một vị nọ, tiêu chuẩn, cấp bậc, ngang Bộ trưởng, khéo léo thế nào mà cả ba đứa con đều được đi Tây; đứa thứ tư đang chuẩn bị giấy tờ thì bị rủi ro phát hiện ra bệnh tâm thần, nên phải “ách” lại.

 

Trong rừng rậm miền Nam, các chuyện “kháo” nhau giữa một số người am hiểu, không hề dội đi xa; vì “lý do chính trị”, phải giữ mồm mép. Trái lại, cần nêu gương anh dũng hy sinh của các “cậu ấm” khác tại chiến trường, như nhà thơ Lê Anh Xuân (con cụ Ca Văn Thỉnh); Nguyễn Văn Lộc, con trai của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (lúc ấy là Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), vân vân…

 

 

2.     Sáng việc chung mà tối việc riêng là tự gây cho mình tai hoạ

 

Trịnh Trang Công có chuyện bất hoà với mẹ là Khương Thị, nên đem bà an trí tại ấp Dĩnh. Rồi thề: “Từ rày mẹ con muốn gặp nhau phải xuống suối vàng”. Dân nước Trịnh trách vua bất hiếu; vua cũng hối hận. Dĩnh Khảo Thúc biết chuyện, đem lễ vật dâng Trịnh Bá rồi được giữ ở lại ăn cơm. Khảo Thúc chọn món ngon để riêng không ăn, nói để đem về dâng cho mẹ già ở nhà.

 

Thấy chúa Trịnh sa nước mắt, Khảo Thúc hỏi lý do. Vua nói muốn gặp mẹ, nhưng đã lỡ lời thề rồi, khó xử. Khảo Thúc hiến kế nên đào con đường hầm làm suối vàng, dắt đến nơi mẹ ở. Vua rất ưng ý, bá tánh đều khen ngợi có bầy tôi đa mưu túc trí lo việc nước tuyệt vời. Rõ ràng, họ Dĩnh là một người sáng suốt việc lớn, khéo hiến kế an dân, giữ yên đạo lý.

 

Nhưng sau một cuộc diễn tập, vua thưởng một lộ xa cho cả hai người, là Khảo Thúc và Công tử Ái. Cậy có quyền thế và được tin yêu hơn, Thúc giành cả xe về mình. Do đó, trong một trận giáp chiến với quân nước Hứa, Khảo Thúc bị công tử Ái lén bắn chết khi leo thành, bởi ghét tật tham lam, trục lợi. Người đời lại chê cười: tranh xe, giành của làm chi mà toi mạng?

 

Ông cha ta ngày xưa đọc lại chuyện này, rồi thấm. Cụ Hải Thượng Lãn Ông được Trịnh Sâm mời về Thăng Long chữa bệnh, đã từ chối danh vị Thái y, ròi khi được trọng thưởng cho phép trở về quê, chỉ giữ lại 10 quan đủ ăn đường đi Hà Tĩnh. Về sau, khi hay tin cả gia đình quận Huy, người đỡ đầu đã cất nhắc mình bị sát hại, cụ ghi mấy hàng này để lại cho cháu con trước khi chấm dứt cuốn Ký sự lên kinh: “Ta đã lọt vào chốn danh lợi mà không để danh lợi mê hoặc; miễn cưỡng mà đến, nghênh ngang mà đi. Chẳng bị người đời chê cười chẳng qua nhờ ở cái lòng không biết tham thôi” (dịch nguyên văn). Sau cụ Lê Hữu Trác 60 năm, người đồng hương Nguyễn Công Trứ, suốt một đời dài làm quan vào Nam, ra Bắc, lên voi xuống chó nhiều phen, từ Tuần phủ An Giang bị cách chức và đi làm lính thú ở Quảng Ngãi, rồi trở thành Thừa Thiên Phủ Doãn trước lúc về hưu. Nhưng cụ đã sống một cuộc đời vui thú, ung dung thanh thản tới 81 tuổi. Bí quyết cụ để lại cho chúng ta là câu thơ: “Duy thân giả hoạn hải, ba đào vô nộ tái không chu”. Xin dịch: Bể hoạn dù có sâu mấy đi nữa, sóng gió cũng chẳng bao giờ giận dữ chiếc thuyền không chở món gì”.

 

Nghị quyết Bộ Chính trị báo hiệu sẽ có mưa dông, điều cần thiết cho xã hội bớt oi bức, không khí dịu mát đi, mầm non tươi đẹp nhú lên tô điểm đất nước. Đối với một số cán bộ nào đó có thể là cơn ba đào sắp khởi đầu. Nhưng theo lời cụ Nguyễn Công Trứ vào lúc cuối đời: Lo gì sóng gió nếu khách ngồi trên thuyền “được mắt dương dương người thái thượng” (trích bài thơ “Ngất ngưỡng”) và con thuyền lướt nước vẫn nhẹ tênh, trống không, chẳng chuyên chở cái gì bất chính hay quá nặng nề (như vàng cây, xe cúp, tủ lạnh, tivi… hay bồ nhí, em cưng!)

 

Đã đăng Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1989.

 

3. Lại kể chuyện đời xưa

 

Nào phải chỉ mới từ Nguyễn Trãi mà tổ tiên ta biết rằng “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân cứu nước trước cần trừ bạo… đừng đến nỗi nhân dân phải oán, phản” (Bình Ngô đại cáo).

 

Trước đây hàng ngàn năm, người ta đã hiểu: Muốn cho đất nước hanh thông, lòng người thoả mãn, thì phải có kỷ luật đối với kẻ làm hại dân, cất nhắc khen thưởng người có đức, có tài, trung thực, thẳng thắn. Chuyện Chiến Quốc kể:

 

Uy Hậu nước Triệu rất thân với vua Tề, Tề vương sai sứ giả đem thư hỏi thăm bà.

 

Uy Hậu không mở thư, hỏi sứ giả: Chung Li Tử bên ấy vẫn bình yên mạnh khoẻ chứ? Sử sĩ ấy có ăn lương vua hay không, có được áo mặc hay không? Hay vẫn thế, khuyên vua lo cho dân mà đến giờ vẫn chưa được ra làm quan? Còn Nghiệp Dương Tử, thương xót kẻ quan quả, chẩn tế kẻ khốn cùng, sao chưa được triệu ra làm quan? Người con gái Bắc Cung là Anh Nhi Tử, hiền thục có tiếng, không ưa trang sức, sao vua chưa mời vào chầu để nêu gương đức cho mọi người đàn bà trong nước?

 

Thằng Tử Trọng ở Ô Lăng vẫn còn đấy chứ? Đó là một tên gian manh, không trị được vợ con, chuyên làm điều vô dụng cho dân, sao Tề Vương chưa giết đi?

 

Sứ giả rất không bằng lòng, tâu lên Uy Hậu: “Kẻ hạ thần vâng lệnh vua sang thăm Thái Hậu, sao Thái Hậu chưa xem thư mà lại cứ hỏi thăm về những người khác, thế chẳng tôn trọng triều đình và Vua Tề hay sao?”

 

Uy Hậu trả lời: “Dân còn tức phiền, thì đâu có điềm lành cho vua. Nước dân là gốc, triều đình là ngọn. Đấy là ta phải hỏi thăm sức khoẻ chúa ngươi từ gốc trước mà đi lên đó thôi. Trong thư chắc không hề nói điều ta vừa hỏi, vội gì mở ra đọc?”.

 

Suy diễn giản đơn từ chuyện xưa ấy khi có cán bộ từ Trung ương đến, có anh chị em ở địa phương này nọ hay hỏi: “Ông A, ông B “thôi giữ” chức vụ bộ trưởng, cục trưởng, bây giờ làm việc gì? Anh X, chị Y.. có sai lầm đã bị kỷ luật gì chưa, hình thức ra sao? Hỏi vậy cũng chẳng sao! Nhưng sao không hỏi đầu tiên những điều đang làm cho dân là điều gì? Như Uy Hậu nước Triệu, đó chỉ là lòng lo lắng cho triều đình Tề quốc của nhân dân mà thôi: Đã sử dụng hết nhân tài, loại ra bọn cơ hội chưa?

 

Sách Lã Thị Xuân Thu lại chép:

 

Vua Chiêu Vương nước Kinh có bầy tôi tên Thạch Chữ làm quan rất công minh, chính trực, Vua và dân đều thương mến.

 

Một hôm đang đi tuần trong hạt, nghe có kẻ giết người. Thạch Chữ đuổi theo, gần vây bắt được, mới biết can phạm chính là cha mình, bèn quay xe lại, chạy đến trước vua xin được lãnh án chém. Thạch Chữ tâu: “Làm người phải nêu gương trung hiếu để dân noi theo. Con bắt cha là bất hiếu, nhưng làm quan mà bỏ phép vua đâu còn phải tôi trung? Xin vua cho chém đầu tôi làm gương cho ai muốn làm trái phép, giải toả cho gia đình”.

 

Vua rất thương, nói: “Nhà ngươi có đuổi theo, nhưng việc bắt không được, thì có tội gì? Rồi lại tự đến trước vua nhận tội tức là biết giữ phép. Thôi, cứ yên tâm giữ chức vụ cũ, tiếp tục làm quan”.

 

Thạch Chữ lại thưa: “Bao dung, rộng lượng đối với bầy tôi là đấng minh quân, là ơn của Chúa hiền. Nhưng trái phép mà không chịu tội, thì đâu còn là phận tôi trung!”.

 

Thạch Chữ bèn bái vua, bước ra ngoài, cầm gươm tự sát. Chắc là do lòng trung, không muốn cho triều đình do chiếu cố mình mà bị nhân dân chê trách thiếu nghiêm minh. Ngày nay, làm cán bộ lãnh đạo, mà chạy chọt vận động cho con mình mắc tội buôn lậu được tha, có cần biết chuyện cũ ấy chăng?

 

Đời nay, ở Hà Nội độ nào, có một bà lớn, nhân viên Ngân hàng Nhà nước, được giao nhiệm vụ đem tiền mới đổi tiền cũ, tiền rách cho nhân dân rồi thủ tiêu loại giấy rách cũ ấy đi. Nhưng bà ta không đốt đi mà đem tiền cũ đổi lại. Chồng bà ta lại ở trong Ban lãnh đạo Ngân hàng. Khi công an xét hỏi, ông trả lời “Tôi không hề hay biết vợ đã tham ô một món tiền quá lớn và làm quá lâu như vậy!”. Phần anh em công an không phải giỏi nghề bói toán gì mà truy ra được giấy bạc cũ không hề bị đem thủ tiêu, mà chỉ đổi địa phương đem xài ở nơi khác. Công an chỉ tìm câu giải đáp thắc mắc cho một công nhân vệ sinh đổ rác. Tại sao gia đình ấy, tháng này sang tháng khác vẫn hàng ngày ăn những bữa cơm quá sang, lưu lại dấu vết trong thùng rác: lá chuối bó lụa luôn cả cây to, lông gà thiến, xương vịt tiềm, vỏ tôm he lột kho riêm, mu cua gạch, vân vân.. tráng miệng lưu lại là vỏ vải thiều, vỏ lê, táo Tàu, giấy bạc bọc phômát, sôcôla, v.v…

 

Thông thường, muốn hưởng dài dài hằng trăm bữa cơm gia đình “đạm bạc” thế ấy lương bổng của nhà phải nhân lên mấy chục lần. Thế mới có thơ đăng báo, “Chuyện của bà làm ông không biết”. Sách sinh lý học giải thích: Loài người cổ hoặc ở rừng từ lúc lọt lòng, lưỡi và mũi rất thính, có thể đoán được người quen, chỉ nhờ mùi để lại. Càng văn minh, phải thành thạo, hai giác quan ấy cứ lì. Theo cách hiểu biết ấy, cán bộ càng lên cao mà càng quan liêu thì độ tinh nhạy khi vào bàn ăn phải mất dần dần, nên hỏng việc. Hay là chỉ làm ngược lại chuyện Thạch Chữ, người lãnh đạo gương mẫu đã làm?

 

4.     Nói sự thật theo đường cong

 

Tự cổ chí kim, những lời sàm tấu, rỉ tai báo cáo lên trên, thời nào cũng có cả.

 

Nhưng lịch sử phân biệt ra nhiều loại. Có những sàm tấu dễ dàng bỏ qua, nhưng cũng có những thứ “thầy dùi” mà ai cũng ghét.

 

Tôi xin kể lại chuyện Tàu.

 

Trong Tây Hán, Hàn Tín cầm thơ giới thiệu của Trương Lương tìm đến Lưu Bang. Do lòng tự trọng của một đại trí thức, anh ta chưa vội đưa thơ. Bên cạnh Hán Trung Vương đã có lời lẽ ra vào bất lợi mà Phàn Khoái, một người thân tín, cũng hùa theo. Đại để nội dung bàn tàn như sau: Tài năng gì tên đó? Ai cũng biết có lúc không tự làm ra được miếng ăn, nó phải đi xin cơm ở chợ Hoài Âm. Anh hùng gì mà chịu đi lòn trôn một thằng bán thịt!

 

Nghĩ mà thương Thừa tướng Tiêu Hà, một lòng vì dân vì nước, không sợ bị chia ảnh hưởng quyền hành, nhiệt tình tiến cử. Sau mấy tháng nằm chờ “công tác”, Hàn Tín bỏ Hán ra đi. Tiêu Hà hay tin bươn bả đến nhà, chỉ còn đọc bài thơ đề trên vách, mở đầu là hai câu:

 

Anh hùng lỡ vận bước long đong

Thà chịu an thân khỏi thẹn lòng!

 

Hoảng hốt, thừa tướng cưỡi ngựa băng qua rừng lội suối đuổi theo, quên ăn bỏ uống. Gặp lại nhau dưới bóng trăng mờ cuối đêm tại bến Hàn Khê, Tiêu Hà năn nỉ “Xin túc hạ vui lòng quay lại, chờ tôi tâu lên trên một lần nữa. Nếu không ai tin, lần này tôi cũng xin bỏ quan về làng, chẳng ở đất Bao Trung này nữa!”.

 

Đọc truyện không ai chê trách Phàn Khoái, bởi về sau, dũng anh tướng này hết lòng phục thiện. Xuất thân là một anh bán thịt cầy ở chợ Bái, theo Lưu Bang từ ngày đầu, lại mang thêm máu “Công thần” từ ngày dám “đánh ngón bài liều” với Hạng Võ ở Hồng Môn hội yến, làm sao họ Phàn có đủ trình độ kiến thức nhận xét về con người họ Hàn xuất chúng tài năng?

 

Đến lượt Trần Bình, một mưu sĩ xuất sắc nhất, bỏ Sở đến Hán Trung. Lời “rỉ tai” của Chu Bột, một cận thần bên cạnh Lưu Bang, lại thuộc phạm vi sinh hoạt: “Nghe đồn y ta đã ngủ với chị dâu!”. Trong truyện không nói rõ Trần Bình tìm đến chị dâu, hay chính bà chị dâu goá chồng tìm đến anh ta trước. Chu Bột về sau cũng thôi nhắc chuyện đó. Duy vật biện chứng gặp duy vật lịch sử giúp chúng ta hiểu rằng xuất thân là một nông dân ở chế độ phong kiến Tàu, Chu Bột tất nhiên mang theo trong đầu óc đạo đức luận của Khổng Mạnh. Mà nào phải chỉ thời xưa! Trong tác phẩm A.Q chính truyện, Lỗ Tấn đã kể cho ta nghe chuyện anh A.Q bị mọi người rượt đánh, chỉ vì mon men đến gần Vú Ngô, một phụ nữ góa chồng còn đang hừng hực lửa xuân.

 

*

*          *

 

Nhưng đến chuyện Chinh Đông, thì ai cũng căm ghét tên Trương Sỹ Quí. Là một trí thức quan văn to, mỗi lời tấu của y cùng vua Đường Thái Tôn về Tiết Nhân Quý đều có mưu đồ chính trị của một kẻ gian manh. Họ Trương vừa doạ họ Tiết rằng vua Đường có thành kiến với anh thanh niên mang bạch giáp, bạch bào sau một giấc chiêm bao, vừa muốn sử dụng lâu dài tài trí của người vui lòng giữ chức “anh nuôi” hòng mưu lợi cho riêng mình. Chính trị gia thời nay gọi đó là thủ đoạn “cây gậy và của cà rốt” của một thằng cơ hội. Với tâm địa ấy, nó sẽ phản nước hại dân lúc cơ mưu xấu xa bị Từ Mậu Công khéo léo vạch rõ khi giao cho việc đi đánh Ma Thiên Lãnh.

 

*

*          *

 

Bên Tây, thời xưa cũng có chuyện như thế. Và đây không phải hư cấu, mà sử ghi chép rõ ràng.

 

Tại nước Ý, thời phục hưng, hoạ sĩ Coregiơ (Corrège), ở thành Pácmơ (Parme), dựa vào chân thực, vẽ tranh Đức Mẹ với nụ cười âu yếm khi bế Chúa Hài Đồng. Có kẻ ganh tị, tỉ tai tâu lên Giáo Hoàng: “Không vẽ Đức Mẹ với gương mặt đứng đắn trang nghiêm, tức là nó không ngoan đạo!”. Ở thời ấy, một nhận xét kiểu đó thì coi như bị bôi đen lý lịch suốt đời, không ai dám gần.

 

Đến cuối hế kỷ 18 ở Tây Ban Nha, hoạ sĩ thiên tại Gôia (Goya) vẽ nhiều ký hoạ về cảnh khổ của nhân dân, nên bị báo cáo lên trên là cố ý bôi đen chế độ nhà vua. Đến bức hoạ “Nàng Maja khoả thân”, ngày nay đáng giá hàng chục triệu đôla, thì Goya rõ ràng là định bêu xấu cả triều đình, lại vi phạm đạo lý. Bởi ai ai cũng nhận ra người phụ nữ loã lồ kia là một người trong hoàng tộc đang cầm quyền.

 

Cũng vào thời ấy, sử ghi: Khi Napôlêông ngồi đánh bài tại điện Tuylơri (Tuilories) bọn được ban cho chức tước cao lại đứng “chầu rìa” sau lưng. Khi hoàng đế chơi một lá bài hay thì họ giành nhau cúi xuống hôn tay. Cũng như ngày nay có thứ “quân sư quạt điện” sẵn sàng nức nở khen thủ trưởng mình “Thưa anh kính mến, ý kiến anh, em thấy hay thật”. Xét cho cùng kiểu cách nịnh bợ này thật quá chất phác. Chỉ đáng trách những ai vẫn khoái và thích nghe. Người trí thức cơ hội thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ranh mãnh hơn nhiều. Chúng ta sẽ thử phác hoạ vài chân dung trong một bài sau.

 

5.     Kẻ cơ hội thời nào cũng có

 

Trong “Nhật ký” của Lép Tônxtôi, có viết một câu não ruột: “Cuộc sống vươn tới văn minh nằm trong trưởng thành như những cây non cùng lớn lên. Nhưng bao giờ con người mới được như những cây cối trong thiên nhiên đang vươn lên giành ánh sáng? Đó cũng là sự đấu tranh, nhưng cuộc đấu tranh trung thực, đơn giản và đẹp. Còn nơi con người thì lắm khi hèn hạ, làm cho tôi căm thù”.

 

Cũng dễ hiểu, trong thiên nhiên, con người là sinh vật duy nhất biết tư duy. Chính tư duy sản xuất ra các khái niệm đã làm đẹp cuộc sống như trung hiếu, tự do, lập trường, quan điểm.

 

Nói đến trí thức,là nói tới tư duy. Họ có thể hy sinh cuộc đời cho một khái niệm cao quý, thì họ cũng có thể vay mượn các khái niệm ấy làm thang leo nhằm lợi ích riêng tư. Kẻ cơ hội thời nào cũng có.

 

Chẳng phải không tính toán trước mà năm 1803, Đặng Trần Thường, tên trí thức cơ hội nhất thời Tây Sơn, chọn sân đền Văn Miếu giữa đất Thăng Long để căng nọc Ngô Thời Nhiệm và rỉ tai bảo thủ hạ đánh cho tới chết. Trên đất thủ đô Paris đúng mười năm trước đó, một nữ chiến sĩ cộng hoà, bà Rôlăng (Roland), đã la to khi bước lên đoạn đầu đài: “Ôi, tự do, tự do! Nhân danh tên mi, đã xảy ra bao nhiêu tội ác”. Vào thời nay, có bao nhiêu anh cơ hội khoác áo đỏ như kỵ sĩ thời Trung Cổ, tự che thân với mũ giáp sắt khi ra trận, đã lợi dụng chữ “bảo vệ lập trường, quan điểm” trong mưu cầu tiến thân, nhằm gạt ra rìa kẻ khác có tài hơn. Gần 100 năm sau Lép Tônxtôi, nhà văn lớn Liên Xô I. Bônđarép gần đây mượn lời nhà đạo diễn phim tài năng Crưmốp, một sĩ quan cực kỳ dũng cảm thời chiến tranh chống Phátxít, than: “Trong xã hội, có hai loại người khổ: đó là người lương thiện trung thực và trí thức có tài năng”.

 

Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, cần quyết tâm phen này làm giảm bớt số người khổ ấy. Muốn vậy, không phải chỉ cần một trái tim rực lửa, mà còn phải có đôi mắt chim ưng, để nhìn vào quá khứ cả chục năm qua, và hành vi hiện tại của mỗi con người. Do bài báo có hạn, xin chỉ giới thiệu ba tác phẩm văn học Liên Xô và Việt Nam mới ra gần đây để ai chưa đọc thì tìm đọc, ai đọc rồi sẽ suy nghĩ thêm: Đó là Thao thức của A.Krôn, Trò chơi của I. Bônđarép và Gương mặt cuộc đời của Hoàng Lại Giang (NXB Văn nghệ TP. HCM). Đấy là những chuyện xảy ra ở hai viện khoa học tự nhiên và một cơ quan văn hoá nghệ thuật, nghĩa là môi trường trí thức 100%.

 

*

*          *

 

Trong Thao thức, có gần một chục trí thức khoa học khác nhau với những tình tiết khác nhau, nổi bật hơn hết là bộ mặt điển hình của phó tiến sĩ Vđôvin. Lợi dụng làn gió chính trị đang dậy lên trong sinh học ở Liên Xô với học thuyết Lưxencô về tính di truyền, y đã sớm ngoi lên cao và trở thành Bí thư Đảng uỷ, thư ký Hội đồng nghiên cứu khoa học của Viện Sinh lý bản thể. Anh ta đã cho ra khỏi viện nhiều trí thức trẻ mà tài năng đầy hứa hẹn, nhưng không ăn cánh. Ăn cháo đá bát, y đã gạt được tiến sĩ Yudin – một nhà khoa học chân chính đã từng thương y chạy vạy khéo mà “gà” cho toàn bộ luận án phó tiến sĩ – ra khỏi danh sách đại biểu đi dự hội nghị quốc tế ở Paris. Lý do báo cáo lên trên là: Tuy là con một nhà cách mạng Nga sống lưu vong ở Pháp, nhưng Yudin, lập trường chính trị chắc gì kiên định. Tất nhiên, người đi thay là Vđôvin, dù y không nói được một câu tiếng Pháp. Phải đợi nhiều năm về sau, khi Lưxencô không còn là chủ tịch Viện Hàn lâm nông học và học thuyết của ông bị phá sản hoàn toàn trước thế giới, giáo sư viện sĩ Uxpenxki sau thắng lợi rực rỡ của Yudin trong một hội thảo quốc tế khác, cũng ở Paris, chân tình tâm sự lúc ngà ngà hơi men: “Năm ấy, đúng ra anh đi thì có lợi cho viện ta nhiều, do hiểu biết rộng và nói tiếng Pháp như mẹ đẻ. Nhưng chắc anh cũng thông cảm: tôi lúc ấy cũng lâm vào “thế kẹt”, mất chức giám đốc viện như chơi!”.

 

Bài báo này viết vào lễ kỷ niệm 70 năm Cách Mạng tháng Mười. Mong toà soạn cho phép tôi “lạc đề” một đoạn, tìm hiểu “cái kẹt” vừa kể.

 

Ngày 16.7.1987 vừa qua, Toà án Tối cao Liên Xô công bố huỷ bỏ án quyết trước năm 1940 đối với 15 nhà khoa học, vì bị xử oan, bắt đi đày ở Xibia rồi qua đời cả ở đó (theo báo Tin tức Matxcơva ngày 16.8.1987). Ai trong số này là bạn chí thân của Uxpenxki, để cho lương tâm viện sĩ day dứt đến ngày cuối cùng vì không dám dũng cảm đứng ra bảo vệ? Phải chăng là nhà bác học canh nông Tsaiamốp, cố vấn của Lênin thời chính sách tân kinh tế, rồi đến khi phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ào ào lan rộng, bị kết tội đã viết quá nhiều sách dạy cho nông dân Nga cách tốt nhất để phát triển kinh tế gia đình phụ bằng cách trồng cây gì, nuôi con gì… Điều mà hôm nay Đảng ta gọi là mô hình VAC.

 

Trong Trò chơi của I. Bônđarép, gương mặt của Pexcarép, Phó chủ tịch Uỷ ban điện ảnh chỉ xuất hiện có một lần, nhưng cũng đủ để cho ta hiểu được con người trí thức ấy. Tình cờ giáp mặt nhà đạo diễn Crưmốp vừa mang về cho Tổ quốc huy chương vàng từ Paris với một phim xuất sắc, lấy đề tài bảo vệ thiên nhiên và chống ô nhiễm môi trường, nhà lãnh đạo Paxcarép vì thọt chân từ bé mà khỏi ra mặt trận ngày nào thời chiến tranh, nói: “Riêng tôi, chưa bao giờ ưa thích kịch bản của anh cả. Anh không động viên thanh niên để xây dựng ở Xibia, mà cứ bắt họ trăn trở với câu hỏi muôn thuở: Lương tâm là gì, sống có lý tưởng như thế nào?” Song nổi bật nhất vẫn là Balabanốp, giám đốc xưởng phim. Không chịu nổi tài nghệ tuyệt vời của Crưmốp, anh ta đã tìm cách “hạ” anh trí thức này để vu khống về sinh hoạt, dùng đủ ngón “ném đá giấu tay”. Phao tin Crưmốp “lập trường” không vững, để cho biết đi Mỹ ký hợp đồng, cần có giám đốc xưởng phim đi theo (!). Có phải chăng bọn cơ hội ấy đã đẩy Liên Xô vào hoàn cảnh bi thảm từ 1989?

 

Trong cuốn Gương mặt cuộc đời của nhà văn Hoàng Lại Giang, viện trưởng Trương Ngộ gợi lại gưong mặt viện trưởng Uxpenxki trong Thao thức và phó tiến sĩ Trần Thăng nhắc lại thủ đoạn để ngoi lên của Vđôvin, nhưng có khác là anh này được bạn bè kêu bằng “phó tiến sĩ hữu nghị”. Dù sao, trí thức cơ hội chủ nghĩa ở nước ta cũng có nét đặc thù của nó. Như nữ kỹ sư Phương cầm nhầm tại căng tin gói đường của người khác nặng hơn chỉ 4 lạng, và chuyển trộm nửa ký sinh vật ra ngoài cho con buôn nhằm “cải hoạt gia đình”. Đặc biệt ai đã từng vượt Trường Sơn về Nam thời chống Mỹ sẽ hứng thú đọc truyện về kỹ sư Định, chồng bà Phương ấy. Một cán bộ được cử đi học, làm bí thư chi bộ, thi đỗ ra trường mà không “tình nguyện đi B” thì “khó coi” – Nhưng trước lúc mang ba lô thượng lộ; đã chuẩn bị sẵn sàng để cưới vợ ba tháng sau. Chứng “đau dạ dày” bỗng nhiên xuất hiện trên đường đi. Và tất nhiên, đoàn sẽ gởi anh về Hà Nội điều trị. Thời kháng chiến, có kẻ đặt tên đấy là “bệnh B quay”. Nếu bệnh xuất hiện sớm hơn tại trường 105 khi số gạch bỏ vào ba lô để tập leo núi tăng dần, với các triệu chứng thấp khớp, yếu tim, yếu phổi, thì xin phép mượn lại một danh từ của đồng chí Tổng Bí thư ngày 8-10 vừa qua dùng với văn nghệ sĩ, mà gọi đó là “bệnh sọc dưa”!

 

Nghị quyết 3, của Ban Chấp hành Trung ương khoá 7 Đảng ta, là nhằm sửa chữa cái “lộn xộn” từng có trong quá khứ, đưa đất nước tiến lên.

 

(Bài đã đăng trên báo SGGP)

 

6.     Không phải chỉ “từ rốn chở xuống”

 

Mọi công dân có thiện chí đều vui mừng khi hay tin tỉnh Minh Hải vừa quyết định khai trừ khỏi Đảng và truy tố 5 giám đốc cơ quan cấp tỉnh, đã lợi dụng chức quyền để thu lợi cho cá nhân hằng trăm triệu đồng tài sản của Nhà nước. Thế là năm phần tử “tư sản có thẻ đảng viên trong túi ngực”, theo cách nói của Lênin, đã bị tước thẻ; một số tên “tư sản đỏ” được tắm rửa, và đối với nhân dân trong tỉnh, thì không phải chỉ “từ rốn trở xuống” như một số người từng thở than, mà nước tẩy màu đã dám dội tới mặt! Có thể xem đấylà tiếng chim hót báo hiệu khởi đầu mùa xuân, đi vào đợt vận động làm trong sạch hàng ngũ cán bộ cách mạng mà Bộ Chính trị vừa ban hành.

 

Ở Liên Xô, theo lời kêu gọi của Lênin và Ủy ban Trung ương Đảng năm 1921, nhằm gạt bỏ những kẻ “lạ mặt chui vào Đảng để mưu tìm đặc lợi quyền”, số đảng  viên bị khai trừ chiếm hơn 24% tổng số đảng viên, nhờ có sự tham gia tích cực của quần chúng công nhân và nông dân ngoài Đảng.

 

Cũng vào thời điểm ấy, Lênin nêu ra “ba kẻ thù chính” trong hàng ngũ những người cộng sản. Đó là: Tính kiêu ngạo cộng sản, sự dốt nát làm chỗ đứng cho quan liêu, và tện nạn hối lộ. Nếu Đảng muốn thực hiện được chính sách kinh tế mới thì phải đấu tranh chống lại ba kẻ thù ấy ở mọi lĩnh vực.

 

Ở nước ta, thắng ba kẻ thù kia bằng cách nào mau lẹ nhất, và tỷ lệ người cần rút thẻ đảng viên lại là bao nhiêu cho sát tình hình và “hợp quy luật”, chúng ta sẽ xem sét.

 

*

*          *

 

Quy luật ấy, cách đây 140 năm, khi Mác và Ănghen còn trẻ dấn thân vào con đường cách mạng cải tạo xã hội, đã phát hiện ra trong tác phẩm bài học đầu tay về “Hệ tư tưởng Đức”… Hai ông viết: “Giai cấp nào đang là lực lượng vật chất chiếm địa vị thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần có địa vị thống trị”.

 

Trong lịch sử, nông dân rất hăng hái, dám hy sinh khi chống ngoại xâm như ta từng thấy thời Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, nhưng lại không có ý thức hệ giai cấp đặc thù, mà chỉ theo phong kiến hay tư sản về ý thức. Xong việc, chỉ mong được chức quyền, hay phất lên làm giàu. Nên không lạ gì những con người tư sản đỏ, quan lại đỏ, cường hào đỏ, lại “tái xuất giang hồ” từ hàng ngũ của giai cấp vô sảng tưởng đã chinh phục được họ dưới lá cờ đỏ. Xã hội XHCN chỉ có thể xây dựng được với ý thức hệ của giai cấp công nhân, nên rút thẻ Đảng họ lại là điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

 

Tư tưởng phong kiến - đặc biệt ở phương Đông – mang theo nhãn quan khinh rẻ phụ nữ. Và cường hào đỏ lắm khi dắt đến chuyện cướp vợ người, hoặc cưỡng dâm như trường hợp giám đốc Nguyễn Hộ đối với hàng loạt nữ công nhân ở một nông trường cao su ở tỉnh Côngtum. Còn nhớ thời mà đất Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp, chị em xứ này từng có một vũ khí không gây thương tích bao giờ nhưng cường hào từ quan chủ quận, thầy cai, tới thầy hương quản đều rất ớn: đó là một xấp lụa hay lãnh đen may thành quần đập vào mặt ngay tại chỗ đông người. Theo luật hình thuộc địa Pháp thời ấy, đó không phải là ý đồ cố gây thương tích mà chỉ là một sự “lăng nhục” (outrage), dù xử nặng cũng cao nhất là 6 tháng tù. Nhưng thường có bà con thương tình, góp tiền mượn thầy kiện giỏi cãi, nên lắm khi chỉ còn mười lăm ngày hay một tháng tù. Việc ở nhà bà con đừng ra lo liệu cả, “can phạm” có thể yên tâm.

 

Nhắc lại chuyện cũ, người viết chỉ muốn nhắc nhở: Cường hào mới! Hãy cảnh giác, có loại thương tích vô hình đến chết vẫn mang theo và miệng đời mãi nhắc.

 

(Bài đã đăng trên Báo SGGP)

 

7.     Bàn về “kẻ sĩ” trong thiên hạ

 

Thời nào bọn “kẻ sĩ” cũng có ý kiến nhiều cùng nhà cầm quyền. Ý này, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - bạn thâm niên của tôi – nói lên trong một bài báo gần đây.

 

Thời Chiến Quốc, Lỗ Trọng Liên cũng bảo Mạnh Thường Quân: “Phải trọng mọi “kẻ sĩ”, bởi dù trăm con ngựa đều ăn lúa ngon không phải con nào cũng là kỳ lân”. Quản Trọng, ngày mới về giúp Tề Hoàn Công, cũng cảnh cáo: “Cái nguy cơ lớn nhất của kẻ muốn có sự nghiệp là biết kẻ sĩ hiền mà không dùng, và khi dùng, họ nói lại không chịu nghe”.

 

Đời sau, viết lời bình Chiến quốc sách, sử gia có phân biệt 4 loại “kẻ sĩ” khác nhau, lợi hại nguy hiểm khác nhau. Thứ nhứt có học sĩ. Như nho gia, Mặc Tử, Lão Tử, đi du thuyết khắp nơi, truyền lên học thuyết của mình. Nhưng chẳng ai thèm dùng, vì lý luận trừu tượng trên mây.

 

Hai là thực sĩ, rất đông và tạp loại, đi theo làm tân khách cho các quí tộc như Bình Nguyên Quân, Mạnh Thường Quân cho họ cơm ăn, áo mặc, xe đi.

 

Ba là phương sĩ, những chuyên gia về y, về nông, nghiên cứu âm dương, luyện đan. Ngày nay ta gọi là những cán bộ khoa học kỹ thuật. Họ không nhiều trong Chiến quốc sách, chỉ có vài ba lần nhà vua hỏi ý kiến họ như khi Triệu Xa, chuyên gia về quân sự, giảng giải cho vua Triệu tại sao phải tăng binh lực. Nhưng có người phải tức giận bỏ đi, dù đầy thiện chí. Y sư Biển Thước yết kiến Tần Vũ Vương, xin trị bệnh. Kẻ tả, hữu liền can: “Đại Vương đau trước tai dưới mắt, sao không trị lại cho thuốc uống. Liệu có tin được chăng, nhỡ ra hoá mù, trở thành điếc thì làm sao?”.

 

Vũ Vương đem lời đó nói lại với Biển Thước. Vị Thần y nổi nóng, xé nát đơn thuốc, tâu lên: “Đại vương vốn bậc trí giả, thông thạo việc làm của mình, rồi lại nghe lời khuyên của kẻ chẳng hiểu mô tê gì về y thuật. Chính trị của nước Tần này sắp hỏng rồi, thần xin đi thôi”.

 

Đời nay, người hay xuyên tạc gọi “kẻ tả hữu” ấy là “thầy dùi”, hay “quân sư quạt mo”, không hề tinh thông nghiệp vụ cụ thể ở một lĩnh vực nào cả, nhưng bất cứ ở việc gì cũng có ý kiến được, sống theo khẩu hiệu: “Ba anh thợ rèn giỏi hơn một ông Gia Cát Lượng”. Sử gia gọi họ là biện sĩ hay sách sĩ, thuộc nhóm “kẻ sĩ” thứ tư, đông hằng hà sa số, do xã hội nông nghiệp còn lạc hậu, khoa học kỹ thuật phát triển nhất cũng chỉ khéo tay nuôi bò, dê hay thiến heo, tạo ra xe gỗ xung trận, thang dây leo thành, ngăn dòng nước chảy. Tuy nhiên, nếu ví dụ mỗi tỉnh trong nước ta ngày nay như một nước nhỏ thời Xuân Thu, “biện sĩ” vẫn có. Ai ai cũng biết chuyện, có người khuyên miền Đồng Tháp nên nghiên cứu đắp đê chống lụt như đồng bằng sông Hồng; và ở miền Bắc độ nào đã có ý kiến đưa nông dân lên núi cất nhà; lấy nền trồng tỉa, và có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội với “mo cau cơm, mấy quả cà”! May mà chưa trễ.

 

Ở vào thời mà sức sản xuất còn quá cổ lỗ, nhân dân không biết đọc và không có sách, loại biện sĩ sống về nghề buôn nước bọt ấy được nhiều vua chúa tin nghe nhằm mưu đồ tranh giành quyền lực, mở mang lãnh thổ. Do đó, tai ương họ gây ra cho sanh linh vô kể: Bạch Khởi trong một đêm giết chết 40 vạn người, già 70 tuổi còn bị bắt lính, cha mẹ đói quá phải ăn thịt con, v.v….

 

*

*          *

 

Biện sĩ là ai? Từ đâu ra?

 

Hầu hết đều xuất thân từ giai cấp bình dân, và được goị là “sách sĩ” bởi tự học là chính, tìm đọc rất nhiều sách, thông minh và có quyết tâm thành đạt trên con đường phú quý công danh bằng bất cứ giá nào. Họ học rất “gạo”; điển hình là Tô Tần đọc sách buồn ngủ quá dùng dùi đâm vào vế tới chảy máu để tỉnh lại mà học. Do đó chuyện kim cổ đông tây chi họ cũng thông, nói ra vua chúa nghe bùi tai có khi luôn ba ngày ba đêm không biết mệt, ăn cùng mâm, ngồi chung xe, đi đâu cũng cho theo.

 

Tuy nhiên con đường tiến thân của họ lắm khi rất cam khổ. Bởi “mật ít ruồi nhiều”. Và khi được “thủ trưởng” tin dùng rồi, phải đề phòng đồng liêu cưa chân ghế, gièm pha hòng đưa ra rìa. Lúc tranh giành nhau quyền lực cũng giở đủ mánh lới hãm hại nhau, dụng “văn” hay dụng “võ”.

 

Trong kỳ tới, ta sẽ kể laị một số vụ việc tiêu biểu nhất về cách nói sao cho “thủ trưởng” nghe mình, các mưu mẹo đấm đá nhau giữa triều đình.

 

Kể lại các chuyện xưa bên Tàu này có hệ thống, tôi không hề muốn theo “mốt thời đại” chiếu phim Võ Tắc Thiên đang tràn lan, mà chỉ mong, trong lúc học tập Nghị quyết 4 của Bộ Chính trị về “trong sạch hoá” hàng ngũ đảng viên, góp phần lau cặp mắt kiếng cho anh chị em quá trẻ hay thuộc các cơ sở công nông còn thật thà nhìn vào giới cán bộ trí thức với tư duy sắc sảo, với kinh nghiệm lịch sử phương Đông. Có người bảo: “Lịch sử chỉ là một trò diễn đi diễn lại”. Câu ấy có thể đúng về tâm địa con người bọn cơ hội chủ nghĩa dù sống cách nhau trên vài ngàn năm.

 

8.     Lại bàn về kẻ sĩ trong thiên hạ

 

Bọn biện sĩ - tức là “thầy dùi” thời Chiến quốc thành công nhất trên con đường mưu cầu chức quyền và lợi lộc, là kẻ biết chọn “thủ trưởng” để nương nhờ, và nhất là hiểu tâm lý họ trước khi phát biểu. Cũng như triết gia thực dụng nổi tiếng Mỹ Cácnêgi (Dale Carnégie) từng dạy cho trí thức cơ hội ngày nay ở phương Tây sáu cách gây thiện cảm và 12 cách dẫn dụ cho người khác nghĩ theo mình trong sách Đắc nhân tâm, ngày xưa Hàn Phi đã nêu ra qui tắc cho kẻ sĩ muốn thành công trong bài “Thuế nan”. Có dịp khác, chúng ta sẽ tóm lược ý chính ở một số chương của các sách dạy khôn này, để nhiều bạn còn ít kinh nghiệm hiểu mánh mung của kẻ nịnh bợ xưa và nay.

 

Hàn Phi viết: “Du thuyết khó, nhưng không phải khó ở chỗ ít trí thức, hay khẩu tài kém khi phát biểu, mà khó ở chỗ chưa biết rõ tâm lý đối phương, xem họ đang muốn gì để nhằm vào gãi cho đúng”. Tô Tần không sớm hiểu lẽ đó nên sau khi đút lót “hết trăm lượng vàng và chầu chực đến nỗi rách áo hồ cầu” và được vào yết kiến vua Tần mười lần, dâng kế “liên hoành” đều bị gạt, thất bại phải ra về. Nằm nhà nghiên cứu lại sách vở một năm. Rồi quay ngược quan điểm chính trị đúng 180 độ, sang Triệu mách kế “hợp tung” chống Tần. Lần này Tô Tần thành công to, trở thành giàu sang cực độ. Ngày nay, câu chuyện về “mèo trắng hay mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột” chỉ là bản chép lại mánh mung của biện sĩ thời xưa, đẩy phe này đánh phe kia, đâm bị thóc thọc bị gạo trên phạm vi thế giới.

 

Cũng như ở mọi chính quyền thoát thai từ chế độ nông nghiệp lạc hậu, kẻ sĩ đấm đá nhau đủ cách để tranh giành địa vị, quyền hành. Xin kể lại việc sau đây trong vô số việc điển hình, góp phần minh hoạ.

 

Cam Mậu làm tể tướng nước Tần, nhưng vua Tần lại yêu Công Tôn Diễn, hứa riêng chờ cơ hội sẽ đưa Diễn lên làm tướng quốc. Một thư lại của Cam Mậu tình cờ nghe được lời vua, về báo lại chủ. Biết tính vua ghét người bép xép, nói lộ bí mật riêng, Cam Mậu vội vã chạy đến gặp vua chúc mừng: “Nước Tần sắp có tướng quốc giỏi”. Vua hỏi: “Ai bảo ngươi thế?”. Trả lời: “Chính Công Tôn Diễn đến nói với thần”. Vua Tần nổi giận, đuổi Diễn ra khỏi triều đình, đại vị Cam Mậu được củng cố từ đó.

 

Trâu Kỵ là tể tướng. Điền Kỵ làm tướng quân, vốn không ưa nhau, bằng mặt không bằng lòng. Kẻ sĩ Công Tôn Hãn bày mưu cho Trâu hạ họ Điền để nắm hết quyền hành. Trâu Kỵ đến bày cho vua Tề sai Điền Kỵ đi đánh vua Nguỵ để lấy thêm thêm đất, tính rằng nếu Điền Kỵ thắng thì mình được vua thưởng vì có công tiến cử, nếu hắn thua sẽ tâu vua trị kẻ bất tài, đằng nào mình cũng có lợi.

 

Họ Điền đánh giặc ba lần đều đại thắng. Kẻ sĩ Công Tôn Hãn lại bày kế, cho người tín cẩn mang vàng đến tìm thầy bói thân tín của vua, giả bộ như không biết gì, tự xưng là gia nhân của Điền Kỵ, được chủ nhà sai đi xem bói coi đã tới lúc hạ bệ vua, đoạt ngôi chưa. Tất nhiên, tin ấy nhanh chóng được thầy bói báo cho vua biết. Điền Kỵ chỉ còn cách chạy trốn, giao hết quyền hành lại cho Trâu Kỵ như y vẫn hằng mơ ước. Khi bậc trí giả định “chơi nhau” thì họ có kế hoạch từng bước, tính toán chi ly.

 

Tư tưởng “công thần” cũng là sản phẩm tinh thần của một xã hội nông nghiệp lạc hậu. Tiêu biểu nhất có lẽ là chuyện Giới Tử Thôi, hờn Tấn Văn Công lúc thành đạt rồi quên ngày sống chung gian khổ mình đã tận tâm phục vụ nên cõng mẹ vào rừng ở. Vua Tấn hay, mời không về, nên lập kế đốt rừng. Óc công thần nặng đến nỗi kẻ sĩ này thà chịu chết thiêu, chớ không ra chầu vua.

 

Biện sĩ khi đắc sủng, cũng nơm nóp lo có kẻ khác gièm pha với “thủ trưởng”, cưa dần chân ghế mình đang ngồi để lên thay. Mánh mung tự vệ, phòng thủ cũng có nhiều cách: Ví dụ: Bàng Thông kể vua nghe chuyện cọp ở chợ. Thiên hạ đồn tùm lum cho người ta chạy, sự thật cọp chẳng hề có. Cam Mậu khéo hơn, thường kể chuyện mẹ Tăng Sâm, biết rõ con mình đức độ hiền từ, vẫn bỏ cửi chạy trốn khi đến người thứ ba cho bà hay Tăng Sâm mới sát nhân. Bàng muốn nói mình không có gì đáng sợ như lời đồn, còn họ Cam bảo khéo đừng có nghe ai.

 

Mưu chước của thầy dùi để đá ngầm nhau, giành giựt ô dù che chở mình, thật muôn màu muôn vẻ. Muốn thấy rõ phải luyện đôi mắt chim ưng mới có cái nhìn chính xác về con người.

 

Trên đường mưu tìm danh lợi cho mình, kẻ sĩ cơ hội có thể lên nhanh như diều gặp gió, kiểu Tô Tần, Trương Nghị, Phạm Tuỵ. Nhưng đừng tưởng luôn luôn bở béo, hậu vận lắm khi rất đen tối. Thương Ưởng có thời là người có quyền hành nhất ở Tần quốc, nhưng khi hết thời cũng bị dân Tần bắt nộp và phân thây. Tô Tần tột đỉnh vinh  hoa, nhưng cũng khôn lanh quỷ quyệt lắm cũng không tự cứu mình được ở Tề quốc. Thức thời nhất là Phạm Tuỵ, biết rút lui đúng lúc khi có bạn bè khuyên nên bảo toàn thân danh. Bởi vậy, đối với trí thức xưa cũng như nay, chỉ có trung thực thật thà, vô tư thẳng thắn không sợ mất lòng bề trên là “ăn chắc”. Gương Bảo Thúc tiến cử Quản Trọng cho vua Tề mà không sợ mình mất quyền, gương Yên Tử khiêm tốn, thuỷ chung với bạn và vợ, vẫn còn đó cho đời sau suy ngẫm.

 

9.     Bàn về ô dù

 

Bên châu Âu từ ngày chế độ tư bản phát triển, hai tiếng “ô dù” gần như đồng nghĩa với chữ “hũ rượu nho” (pot de vin) tức là nhận đút lót, ăn hối lộ. Ở xứ ta lý giải rập khuôn theo cách ấy lắm khi không đúng! Có trường hợp cấp trên bao che cho dưới, hay chạy chọt lo liệu giúp người quen thân đang lâm nguy trước ngành nội chính, chẳng phải do có liên quan nhau trong kinh tế hay sinh hoạt thiếu lành mạnh, mà chỉ vì hai chữ “nghĩa tình”.

 

Có người đã sử dụng khái niệm ấy hầu biện minh cho thái độ của mình khi giương lọng, mở dù. Trong thời gian qua, Ban tâm lý Viện khoa học giáo dục đã tổ chức một cuộc hội thảo về “Bản sắc dân tộc Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia văn hoá, sử học. “Trong tâm lý dân tộc hay tính cách dân tộc, có cả mặt tích cực và tiêu cực” (giáo sư Hà Văn Tấn). “Tinh thần cộng đồng làng xã từ xa xưa dẫn đến mặt tiêu cực: Địa phương bè cánh nặng về tình cảm, không duy lý, không lôgic, không có tinh thần pháp luật, linh động quá mức” (báo cáo tổng kết của giáo sư Phạm Hoàng Gia). Rõ ràng, với quyết tâm “đổi mới” hiện nay của ta, cái thứ “tình nghĩa ô dù” đó là điều nên loại trừ  ra khỏi đời sống của một xã hội muốn vươn lên dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

 

Mặt khác, cũng không kém phần quan trọng, phần tiêu cực trong bản sắc dân tộc, còn kết hợp với những nét tiêu cực khác của chủ nghĩa phong kiến quan liêu phương Đông (báo cáo tổng kết).

 

Hiện tượng ấy, trong đời sống của nhân dân ta mang đến hậu quả tai hại mà báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ 6 đã chỉ rõ.

 

Ở Hà Nội ngày xưa, nếu tôi nhớ không lầm, phố Hàng Lọng cũng là nơi bán nhiều “tiến sĩ giấy”, nhất là mùa Trung thu. Ở đất Sài Thành này, trước Cách mạng tháng Tám, có một giới người cũng thích được tôn lên làm “sư phụ” hay “đại ca” như trong truyện Tàu. Cũng trong cuộc hội nghị khoa học nói trên, các học giả đã phân tích: “Trong hiện tượng nặng tình hơn lý, hình thức tư duy rộng rãi là tư duy cụ thể, tư duy hình tượng”.

 

Theo tôi nghĩ: “hình tượng cụ thể” mà nhiều người chúng ta đã tiêm nhiễm là: hễ làm “sư phụ” dù tu hành đắc đạo không còn muốn chấm mút gì ở chốn hồng trần đang tràn ngập hàng hoá ngoại nhập này, vẫn phải “hạ sơn” cứu lấy đệ tử lâm nguy như chư vị lão tổ trong truyện. Được tôn làm “đại ca”, tất nhiên phải “tư duy” theo hình tượng Đơn Hùng Tín, Tống Giang ở Lương Sơn Bạc, tìm mọi cách giải vây cho bọn “tiểu đệ” thoát khỏi vòng tù tội, đang có “sự cố” với ngành công an, viện kiểm sát.

 

Trước 1945, danh từ “đại ca” và “tiểu đệ” tôi hay nghe dùng trong một vài giới ở Sài Gòn. Nhất là trong giới “phụ lơ” (aide chauffeur) tranh nhau “bắt dế” (tức là giành nhau hành khách đi xe đò) ở hai bên hông chợ Bến Thành, thời ấy là bên xe đi miền Đông và miền Tây, “đại ca” của họ ngồi trong quán nước, sẵn sàng can thiệp khi cần vũ lực bàn tay. Hoặc giới em út được phân công canh các song bạc của hai thầy Sáu (Sáu Ngọ và Sáu Nhiều), “đại ca” của họ trực tiếp giao dịch với thầy Sáu để nhận tiền thưởng, là một “yên hùng hảo hớn” nổi tiếng ở xóm Cầu Muối hay Bàn Cờ trong nghệ thuật sử dụng dao búa.

 

Bẵng đi một thời gian dài ba mươi năm, xung quanh tôi ở rừng không còn nghe kiểu xưng hô ấy. Trở về sống lại ở thành phố từ 1975, tôi dần dần lại nghe cách xưng hô ấy ở một vài nơi, và bất hạnh thay, lần này lại tại một số cơ quan Nhà nước Cách mạng, từ miệng một số cán bộ.

 

Cho nên tôi nghĩ: Muốn giảm dần cảnh ô che, dù phủ, bênh cạnh nhiều việc phải làm, cũng nên làm ngay một việc nho nhỏ: có lẽ ở cơ quan ta nên sử dụng danh từ “đồng chí” hoặc “anh, chị” và “tôi” bớt dần chuyện “anh anh, em em”. Có thể cũng nên tránh đi hai từ trong câu “Thưa anh kính mến”; cái đuôi “kính mến” thường chẳng cần thiết, mà ta lại tiết kiệm được một tí mực và một tí công lao động. Rồi như đoạn trên đây đã lý giải, quá nhiều “kính mến”, biết đâu chẳng trở nên chất vô hình kéo dài “căn bệnh ô dù” đang lộng hành trong xã hội, ngăn cản bước ta đi.

 

Đã đăng SGGP.

 

10.     Câu chuyện quà Tết

 

Mang theo những kỷ niệm sống động ở chiến trường lúc nghe lời thơ của Bác Hồ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp mọi nhà”, tôi có cảm giác bị xúc phạm khi mới đây nghe một người bạn ngâm:

Xuân này thua hẳn xuân qua

Khách đến tay không, chẳng thấy quà!

Tất nhiên đó chỉ là câu nói đùa, để nhắc đến thông tri về tiết kiệm, và nhất là chỉ thị cấm việc quà cáp biếu xén cho thủ trưởng nhân dịp Tết.

 

Dù sao, đối với ông bạn “xuyên tạc” lời thơ trong xuân 1968 này để đùa, tôi cũng trả lời nghiêm chỉnh: “Khách mà đến tay không” biết đâu lại chẳng mang quà, mà lại là thứ quà quý nhất! Như thói quen kể từ hôm đồng chí Tổng Bí thư đề nghị ngành văn nghệ cứ mượn chuyện đời xưa để viết ra cái gì khó nói thẳng đời nay cùng người đương chức đương quyền, tôi kể lại hai chuyện sau đây đều xảy ra vào thời Xuân thu chiến quốc.

 

Theo sách Hàn thi ngoại truyện, có Công Tôn Hưu, làm tướng cho Mục Công nước Lỗ, là người công minh giữ phép, không cùng dân tranh lợi. Ông thích ăn cá chép. Một hôm gần Tết, có người đem cá đến biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ hỏi: “anh thích ăn cá chép, người ta đem cho sao lại từ chối?” Công Tôn Hưu trả lời: “Khách đem cá cho chắc có ý sau này cần ta cái gì đó. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Nếu lỡ trái phép thì mất chức. Mà mất quan, mất lương, thì sau này đến cá mua ta cũng không có đủ tiền. Cho nên ta không nhận cá biểu hôm nay, làm muốn còn được ăn cá mua dài dài về sau đó thôi”. Lão Tử xưa đã có câu rằng: “Để thân mình lại sau, thế mà thân mình vẫn đứng trước; gác thân mình ra ngoài thì thân mình vẫn còn”. Thế chẳng phải là càng không có lòng riêng một lúc thì càng được thỏa lòng riêng lâu bền đó ư?

 

Chiến quốc sách lại kể:

 

Mạnh Thường Quân làm tướng quốc nước Tề, hòa hiệp có tiếng, luôn luôn nuôi cả ngàn tân khách trong nhà. Phùng Huyên được ông đãi làm thượng khách nhưng trong một thời gian dài, không giúp cho ý kiến gì. Do đó, một hôm gần Tết, Mạnh Thường Quân nhờ họ Phùng về ấp Tiết mà ông làm chủ, thu tô và đòi nợ giùm.

 

Phùng Huyên hỏi: “Thu tiền xong, tôi phải mua gì đem về?”. Trả lời: “Anh ở lâu biết rõ, nhà tôi đang thiếu gì thì mua thứ đó cho tôi”.

 

Đến ấp Tiết, Phùng Huyên tập hợp dân lại, tuyên bố: “Năm nay thất mùa, Tướng công bảo không nên thu tô ai cả. Số nợ vay cũ cũng xóa; văn tự đây xin trả lại cho bà con đem đốt”.

 

Trở về, Mạnh Thường Quân hỏi đã mua được gì mà không có tiền. Họ Phùng đáp: “Tôi mua về cho Tướng công món quà quí nhất ta đang thiếu là nhân tâm, sự kính phục và lòng biết ơn của nhân dân”.

 

Nghe nói thế, Mạnh Thường Quân làm thinh. Ít lâu sau, thất sủng, ông bị bãi quan về ở ấp Tiết. Dân làng đua nhau ra đón rước đầy đường, vui mừng hớn hở. Thấy Mạnh Thường Quân rất được lòng dân, vua Tề lo sợ, sai sứ đến triệu về cho làm quan như cũ. Thường Quân ngoảnh lại nói với Phùng Huyên, một trong số vài ba tân khách còn theo ông, từ khi mất chức ở triều đình: “Bây giờ tôi mới hiểu món qùa xuân tiên sinh mua cho tôi độ nọ là quý báu nhất đời!”.

 

Như vậy, theo cách nghĩ của người xưa, đến chúc Tết mà không có quà, dù khách dư sức mua sắm, có khi là tặng món quà quý nhất, tức là tiếng thơm vừa “nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị cấp trên”, vừa “trong sạch, liêm khiết”. Có vị phu nhân nào thắc mắc, mày châu ủ mặt, cứ đem tích ấy kể lại bà nghe để đổi buồn làm vui, êm ấm gia đình. Rồi cũng như người xưa, khi gặp nhau đầu xuân, thường thay cho quà tặng là đọc cho nhau nghe những bài thơ, nên moi tìm trong sách một bài thơ cũ nào đó, chép ra cho bạn bè đọc chơi. Bỗng phát hiện ra rằng thơ vịnh Tết Nguyên đán nhiều nhất là ở trong Hồng Đức Quốc âm thi tập, nhưng hầu hết đều để tán tụng đức Quân vương, tô hồng chế độ.

 

Ví dụ câu:

 

Chín trùng chểm chểm ngôi hoàng cực

Năm phúc hây hây dưới thứ dân

 

Mà lạ thay bài nào cũng ký tên “Vô danh thị”. Hình như linh tính báo trước cho các thi sĩ thuở ấy rằng văn thơ làm ra để ca tụng vị nguyên soái của Tao Đàn, nhà thơ lớn và đồng thời là nhà có nhiều quyền hành trong nước, sẽ không được các thế hệ sau hoan nghênh, cho là văn thơ cơ hội chủ nghĩa. Nên họ muốn giấu tên trước mọi người, trừ Lê Thánh Tôn và đồng liêu.

 

Tôi đọc lại bài “Đêm trừ tịch” của Nguyễn Trãi lúc về hưu ở Côn Sơn, man mác nỗi buồn về những điều đang hàng ngày mắt thấy tai nghe, Tết đến cũng không được ai tặng lịch như thời còn ở triều, để biết tháng giêng ngày đủ hay thiếu. Cứ trích bốn câu này thì rõ:

 

Chong đèn chực tuổi, cay con mắt

Đốt trúc, khua na, trái lỗ tai.

Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi

Ươm xem vầng nguyệt: tiểu hay dài?

 

Đành phải viết lại tặng bạn câu thơ cổ nhất, ra đời vào một ngày xuân cách đây gần 900 năm, mà cũng là thơ hay nhất theo ý tôi, khuyên mọi người hãy tin vào cuộc sống vĩnh cửu của nhân dân, nhìn vào thế hệ mới tiếp bước cha anh, tin vào tuổi trẻ:

 

Đừng tưởng xuân tàn, hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai

 

Thiền sư Mãn Giác, người tôi hiền thời Lý Nhân Tông, viết ra câu thơ đầy lạc quan ấy khi đã về hưu, có tuổi cao và nhiều bệnh tật. Nhắc lại ý thơ xưa ngày Tết, để ta cùng vui lên trước chén trà xuân cùng khách đến không mang quà.

 

(Đã in ở SGGP Xuân 88).

 

 

  Trở lại mục lục