thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
20

Nhớ lại và suy nghĩ

 (Tuỳ bút viết nhân ngày miền Nam giải phóng 10 năm, tháng 4-1985)

 

Thân ái kính tặng anh chị em tri thức miền Nam.

 

Vào Xuân 1985 này, tôi tròn 74 tuổi!

 

Với thành tựu hiện nay của y học, câu thơ “thất thập cổ lai hy” của Đỗ Phủ quả đã lỗi thời. Nhưng ở một nước như Thuỵ Điển, hai trăm năm rồi nhân dân chưa hề nếm mùi chiến tranh, kinh tế phát triển cao, tổ chức y tế rất tốt, đời sống trung bình con người cũng chỉ dài 72 năm. Vậy tôi có thể trên bình diện toàn cầu, xếp mình vào nhóm “homosapiens” được thiên nhiên ưu đãi nhất.

 

Xét về chiều dài của một dân tộc có 4000 năm lịch sử, trừ Thục An Dương Vương thọ đến 80 tuổi (chưa chắc sử gia đã ghi đúng), còn hơn 100 vua chúa đều chết lúc trẻ hơn tôi nhiều, trong đó 80% dưới tuổi 60. Ông vua sống dai nhất là Trần Nghệ Tôn cũng chỉ thọ 73 năm, có lẽ nhờ sớm đi tu và sống cuộc đời thanh đạm. Cho nên tôi không có gì phải ao ước được làm vua!

 

Nhà buôn bán nhỏ, vào buổi chiều của một ngày tàn, nhẩm tay tính xem từ buổi sáng đến giờ, làm ăn lời lỗ ra sao. Tôi cũng đến cảnh hoàng hôn của cuộc đời rồi, có lẽ nên làm cái “bilăng”, tính xem sau những thập niên vừa qua, mình đã “được” và “mất” cái gì. Tôi sẽ thành “dân xạo hết chỗ nói”, nếu lên gân cổ, lặp lại ý của Mác: Làm cách mạng, giai cấp vô sản chúng ta không sợ mất gì cả, chỉ mất đi xiềng xích. Bởi lẽ trước khi đi với cách mạng, tôi không hề làm người vô sản, mà cũng chẳng mang xiềng xích bao giờ. Tất nhiên, từ “xiềng xích” phải hiểu theo nghĩa trắng; tức là sợi lòi tói sắt buộc mình vào những kẻ cùng đinh khác, lê bước đi nghe lẻng kẻng. Bác sĩ Faust, trong bi kịch của Goethe, đã ký thác linh hồn cho con quỷ sống Méphisto nhằm đổi lấy khoái lạc trong đời sống vật chất. Đó là một xiềng xích không ai nhìn thấy, nhưng thật nặng nề khi vào cuối đời mới vỡ lẽ ra.

 

Ngồi vào “bàn kiểm kê”, tính xem “lời lỗ” trong làm ăn của cuộc đời tôi nhất thiết phải có. Bởi đó không phải là riêng cho cá nhân tôi, mà may ra có thể giúp ích cho người khác mà cuộc sống còn dài, để anh em mạnh dạn đầu tư vào.

 

Tôi nhớ: Có lần ăn mặc xềnh xoàng, đạp xe lạch cạch, tôi đến chơi nhà một bạn thân, từng quen nhau ngoài 40 năm về trước. Bà chủ chất phác đôn hậu, mà tình cảm đối với tôi không thể nghi ngờ, có lần hỏi tôi với giọng buồn thương: Anh bỏ nhà ra đi kháng chiến 30 năm mới trở về, hỏi anh có được gì hơn người ta không? So sánh với cảnh sống trước ngày ra đi ở thành phố này của anh - hồi đó?

 

Nhiều đồng chí cao niên của tôi cũng thú thật rằng họ đã từng nhận được câu hỏi na ná như thế, từ miệng những người thân cận nhất trong gia đình.

 

Câu trả lời của tôi giản đơn thôi: Được nhiều lắm chớ chị! Trước đây mình không có Tổ quốc, và trên đầu là thằng Tây. Bây giờ mình quả thật có Nước rồi, đầu không còn đội ai. Trước kia, anh chị cũng như tôi, có xe hơi riêng, có bồi bếp. Nhưng chị biết không? Nhìn vào đó khối người ghét mình, còn bây giờ, tôi đảm bảo với chị là không còn ai ghét tôi, sống dễ chịu hơn nhiều chứ!

 

*

*          *

 

Tại sao tôi lại lôi chuyện xe hơi và thương ghét vào đây? Bởi tôi nhớ lại, cách đây 16 năm, sau Tết 1969, tôi được lịnh vắng mặt ở khu rừng Tây Ninh ít ngày, lên Phnom Pênh thăm bệnh anh Nguyễn Văn Hiếu, đại sứ của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Campuchia. Xe hơi sứ quán về đón tôi là một xe thùng cũ mèm chở sách báo và hàng hoá linh tinh khác từ Hà Nội gởi vào, đang đậu gần đồn biên phòng Tà Súa, bên ngọn sông Vàm Cỏ Đông. Xe qua nhiều đường nhỏ xuyên rừng, tới Kompông Trạch, lên Soai Riêng, rồi theo quốc lộ I bon bon đến phà Nhiết Lương trên Cửu Long giang.

 

Trời nắng như đổ lửa. Đồng chí tài xế, một công nhân và dĩ nhiên là đảng viên cộng sản rủ tôi xuống đứng trước đầu xe hóng gió, chờ phà bờ sông bên kia qua. Phà cập bến, một xe du lịch rồ máy vọt nhanh lên, bụi tung mịt mù. Giật mình bất thình lình tôi nhảy sang ngang để tránh suýt té bên đường. Anh tài xế nổi nóng, chửi: “Đồ tư sản, làm phách chó, coi thường mọi người!”. Leo lên xe xuống phà để tiếp tục đi, anh cứ chửi lầm bầm. Trong khi ấy, tôi tuy cũng bực mình chốc lát, nhưng rồi trở lại thản nhiên ngay. Phải chăng vì tôi đang khoái chí, được ngồi xe hơi, qua sông lớn, sau mấy năm nghẹt sống với hầm hố giữa rừng sâu? Suy nghĩ mãi tôi thấy lý do lại là khác. Cái xe hơi Peugeot đen bóng loáng kia, nhảy vọt lên với thái độ miệt thị, mục hạ vô nhân, giống hệt cái xe tôi bỏ lại ở thành ngày xưa khi tôi đi theo kháng chiến. Cũng hiệu ấy, màu sơn ấy… và con người dáng trí thức, cầm tay lái, đeo kính râm, mặc áo sơ mi lụa ủi thẳng nếp, thắc ca-vát màu mà đồng chí tài xế công nhân đang rủa kia, chính là tôi 24 năm về trước, khi từ chiếc phà từ Mỹ Tho tôi phóng xe vọt lên bến Rạch Miễu, giữa hai hàng người đợi phà đang tránh né khép nép. Tình cảm thản nhiên của tôi, không giận, không ghét, nếu đối chiếu với tình cảm của đồng chí công nhân chính hiệu, quả thật có chỗ không giống nhau, còn “cái gì chưa ổn”! Dù tôi đi với cách mạng đã hơn hai mươi năm rồi!

 

“Suy bụng ta, ra bụng người”. Trong nhóm anh em trí thức nhiệt tình yêu nước, thực thà ở lại với chế độ mới của miền Nam từ 10 năm nay, chắc đôi lúc cũng có phút “tình cảm thưa thật ổn”, ghét thương chưa dứt khoát, ân oán chưa rạch ròi, như cá nhân tôi trong chuyện vừa kể. Bài này viết lên cũng để tâm tình cùng anh chị em ấy, với mong muốn “người đi trước, rước người đi sau” với kinh nghiệm chính bản thân mình.

 

*

*          *

 

Tôi nhớ lại: G. Dimitrov, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Bungari anh em, từng đưa ra một hình ảnh ngộ nghĩnh về chúng ta, những người trí thức xuất thân từ các nhà trường tư sản: Đó là những đứa con bị dính liền vào bụng mẹ bằng dây rốn. Nó cố vùng vẫy, giãy dụa, nhưng vô ích bởi không có dây rốn tiếp máu cho là chết. Phải chăng đó là quá khứ của nhiều anh em ta, trong chế độ cũ luôn luôn “phản đối, kiến nghị”. Có người ví cách mạng như một cuộc sinh nở. Đứa bé được thoát khỏi lòng mẹ kêu la, bởi mới đột ngột thay đổi sinh môi. Hiện nay, có người chủ trương nên để các chị ngồi đẻ trong bồn nước ấm cho đứa trẻ “đỡ khổ”. Dù sao, trẻ sơ sinh cũng bắt đầu thở trong không khí, ô-xy của máu mẹ không cần thiết cho nó nữa. Dây rốn sẽ khô, teo dần, rồi rụng. Bà mụ nào dốt nát mới thô bạo giật mạnh dây, còn rượm máu, bắt tách rời ngay khỏi núm rốn, cho nó mau giống các trẻ khác. Cũng như chỉ có ai ngây thơ, đãng trí, mới bất chấp mọi quy luật của cuộc sống, muốn người trí thức từ chế độ cũ ra có ngay “lập trường, quan điểm, tác phong” một đại diện kiểu mẫu của giai cấp công nhân, đòi hỏi họ quá nhiều về kiểu cách sinh hoạt.

 

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, hít được không khí của môi trường mới, như cây từng ngày từng ngày được nuôi với nhựa tinh thần mới của chính đất mẹ quê hương, sống và làm việc cùng nhân dân lao động, cây nào rồi đây cũng sẽ lớn lên, cành lá sum suê, chỉ sớm hay chầy, nếu cây chịu bám đất, sẽ đứng vững khi gặp cơn gió lốc.

 

Thật sớm, hay chầy tuỳ bản thân từng người. Một bạn thân của tôi, thuộc giới trí thức cỡ bự, có lần hay nói nửa đùa nửa thật với anh em: “Mấy ông chính trị chuyên về công tác tư tưởng rất “ngán” bọn trí thức mình, bởi lẽ do cấu tạo đặc biệt, chúng mình là “tiểu tư sản bẩm sinh”. Rồi anh giải thích: không còn làm chủ ruộng đất để thu tô, không còn nhà máy hay hãng buôn thu lợi nhuận về hình thức trông thấy được, anh tư sản, đã đổi xong thành phần xã hội rồi! Còn người trí thức “mang tư liệu sản xuất” trong đầu, không có cách nào công hữu hoá được để phục vụ cho xã hội nếu anh ta không đồng ý và tự giác trao cho. Đấy là “chất xám”, dự trữ trong 14 tỷ tế bào thần kinh, bao nhiêu kiến thức về khoa học kỹ thuật, ở lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên. Và như mọi người đều biết, khoa học kỹ thuật bản thân nó là một lực lượng sản xuất vô cùng quý báu cho xã hội, có tính chất quyết định cho thịnh suy của Tổ quốc.

 

Thực vậy, anh chị em chúng ta có thể bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, mỉa mai nhìn vào người lính hải quan lục khám va ly với ý nghĩ thầm: “Sức mấy mà anh giữ lại, tịch thu được cái gì! Tài sản của tôi, hàng hoá quý nhất của tôi là kiến thức, giúp tạo ra của cải vật chất và tinh thần đều nằm cả dưới xương sọ đây rồi”. Tôi ăn nói có lỡ lời, thiếu tế nhị, anh em bỏ qua cho! Chớ rõ ràng với ý nghĩ đó, vô hình trung chúng ta coi cái đầu của chúng ta cũng là một thứ “hàng hoá” mang đi bán được ở thị trường nào cao giá nhất, ở các nước tư bản có nền công nghiệp và kinh tế phát triển. Còn đồng bào ta nghèo quá, tuy cần thứ hàng hoá đó lắm và rất thèm nhưng chỉ đủ tiền để trả giá quá thấp! Còn đâu là thuở nào lòng tự hào của ông bà cha mẹ ta, sự vui lây của bà con hàng xóm ta, khi nhận được tin ta bước chân vào đại học, hoặc xuất dương đi “thỉnh kinh” phương xa! Mọi người đều nói: “Nó sẽ về giúp đỡ quê hương”. Và dặn với ta “Nhớ nghe cháu! Đừng lấy vợ đầm rồi ở luôn bên đó!”. Rồi chúng ta vào đại học, hoặc sang Tây, Mỹ, Nhật, lòng thanh niên lâng lâng niềm kiêu hãnh sẽ trở thành hữu ích cho quê hương. Hơn nữa, thành “rường cột quốc gia”, trên đó lợp rộng mái nhà cho toàn dân đi đến sung sướng. Trừ ra một số thật nhỏ những kẻ mất gốc “tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”, như lời một bài thơ Đường xưa, mà không biết rơi lệ khi nghĩ đến cái thân phận mình (độc sảng thiên nhi thế hạ) cam tâm sống với cái lý lịch “vô Tổ quốc” tức apatride của Tây (thơ Trần Tử Ngang).

 

Tất nhiên, có thể tự an ủi: Sống mãi ở nước họ, tuân theo pháp luật họ, tay làm hàm nhai, lâu rồi cũng nhập được quốc tịch (ở Mỹ là 5 năm). Nhưng làm sao nhập luôn được màu da, lỗ mũi, cặp măt cho vợ ta, con cháu ta? Hàng ngày tránh sao được cách nhìn, lối nói, mà con người biết tự trọng nhận ra ngay. Ở một nước, có tiếng là dân chủ và ít phân biệt chủng tộc nhất trong thế giới tư bản, là nước Pháp, văn hào Jean Pierre Chabrol gọi đó là “chủ nghĩa màu da êm dịu” (racisme adouci). “Êm dịu” như có mật ngọt làm giảm vị đắng của một thang thuốc đầu độc cho những ai tự cho mình còn may mắn, nên trong cái bậc thang tạo hoá sắp xếp cho loài người, mình chỉ thua Tây, Mỹ da trắng. Còn da vàng có thể hơn da nâu, da đỏ; chắc chắn là hơn da đen đương bị hội “Ku Klux Klan” (3K) săn lùng để giết lén.

 

Kết luận chỉ có thể như sau: Ở trong nước, ta nghèo thật, còn thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng khi ra nước ngoài, bất cứ ở nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đi tham quan học tập hay công tác, ta không mảy may chút mặc cảm nào cả. Trái lại, với tư thế hiên ngang “ai cũng như ai”. Đôi khi nhìn thấy ta cầm hộ chiếu với hình quốc huy “Việt Nam” in lên trang bìa, biết đâu lại không gặp một ai đó mỉm cười để gây thiện cảm với ta.

 

Đổi lấy cái vĩnh cửu đó cho ta và con cháu, tránh sao khỏi có người trong giới chúng ta, thỉnh thoảng chịu một trận “điên cái đầu” khi, sau một cảnh bực dọc nào đó, gặp phải nơi làm việc; ngoài xã hội, tự mình phải trả lời cho mình vào lúc đêm khuya thao thức hoặc khi đối diện tranh cãi với người thân nhất mà vũ khí đáng sợ là hai hàng nước mắt rưng rưng? Làm sao cho mọi người đều hiểu rằng, sống ở nước ngoài, người Việt cũng khó tránh hội chứng tâm thần “Din Kai Dao” (tức là “điên cái đầu” đọc theo kiểu Mỹ) mà nhà văn Stephens Peters mới đây mô tả khá sinh động trong cuốn sách Công viên trung tâm (Central Park) về người Việt di tản sang Mỹ.

 

Bệnh “Din Kai Dao” của người Việt di tản đi các nơi chắc khó trị lành. Nhưng hội chứng “điên cái đầu” ở trong nước, qua kinh nghiệm bản thân của nhiều anh em chúng tôi thời kháng chiến chống Pháp, dứt khoát là sẽ trị lành, khi dần dần ta tiếp xúc với chủ nghĩa Mác-Lênin, hiểu rõ quy luật chi phối tư tưởng và tình cảm con người, quy luật thúc đẩy xã hội ta đi tới. Gia đình ta sẽ “gần đèn thì sáng” khi tiếp xúc với người dân cách mạng chân chính.

 

Qua kinh nghiệm của tôi, chúng ta sở dĩ “điên cái đầu” trong giai đoạn đầu tiếp xúc với cách mạng, là bởi đầu ta nhiễm quá nhiều thành kiến, sách vở, lối suy nghĩ của nhà trường. Trong y học, có liệu pháp “vi lượng đồng căn”, nghĩa là dùng chất gốc để trị bệnh do chất đó gây ra (homéothérapie). Nói cách khác, chúng ta sẽ dùng sách vở mới để trị bệnh sách vở cũ, cùng loại nhưng khác màu, vì sách làm thuốc màu đỏ giải thích mọi vấn đề hóc búa nhất là cuộc sống tinh thần, tình cảm và xã hội, theo nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, theo quan điểm nhân văn mới. Trả lời câu hỏi chị bạn: “Anh được cái lợi sau bao nhiêu năm kháng chiến?”, đáng lẽ tôi nói thêm: “Trong thời gian ấy, trí năng tôi sáng ra rất nhiều, hiểu được vô số điều trong cuộc sống vô vàn phức tạp, trong quan hệ giữa người với người, trong vận mệnh của một quốc gia, nhờ biết được học thuyết Mác-Lênin”. Tôi không nói ra câu ấy, bởi sợ mang tiếng “tuyên truyền chính trị” cho cả người không thích nghe nói chính trị.

 

Mặc dù, xét cho cùng, chính trị chính là vận mệnh cuộc đời của con người, cho cả những thông minh tuyệt vời.

 

Tôi nhớ: Cách đây 50 năm, sách gối đầu giường nhiều anh chị em trí thức là cuốn “Con người, cái không biết được” của Alexis Carrel (L’homme, cet inconnu). Tác giả được chúng tôi ngưỡng mộ là một nhà khoa học xuất sắc, được giải Nobel y học, tiếng tăm lừng lẫy. Ông đã thành công trong việc tìm ra môi trường thích hợp nuôi cấy tổ chức tế bào sống giúp cho nó mãi mãi trường tồn trong ống nghiệm. Nhưng ông lại mù quáng về chánh trị, không hiểu được quy luật đời sống xã hội, dân tộc mình. Ông chấp nhận ra làm Bộ trưởng cho chính phủ Pétain, theo đuôi phát xít Đức, để rồi cam chịu chết trong vô danh. Cùng lúc ấy, từ đài phát thanh Mátxcơva nhắn về Pháp, thạc sĩ sử học Jean Richard Bloch, quả quyết rằng đến năm đó, lối mùa đó (hè 1944) phát xít Đức sẽ bị tống cổ khỏi nước Pháp. Nói đi nói lại, cả trăm lần mà nhiều trí thức lớn không tin.

 

*

*          *

 

Trí tuệ tôi sáng ra nhiều, nhờ tin theo Đảng. Tôi nhớ lại: Năm 1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, một số anh em trí thức chúng tôi quyết định vác ba lô đi về Nam tiếp tay cùng anh em đã đi trước từ lúc mở đường Trường Sơn. Ra đi, nhưng phải hỏi đôi điều. Gặp đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn trong buổi họp thân mật hẹp, anh em đề nghị đồng chí trả lời cho ba câu hỏi sau đây:

 

Thứ nhất: Liệu rồi thằng Mỹ có ném bom nguyên tử ở nước ta không? Kho dự trữ của nó có rất nhiều loại vũ khí huỷ diệt đó.

 

Thứ hai: Nó cứ tăng quân hoài, đến hai ba triệu lính, mình chịu sao thấu?

 

Thứ ba: Chúng tôi về phải ở rừng, bao giờ liệu mới trở về thành, hay là cứ sống mãi như vậy?

 

Đồng chí cười đáp:

 

      1.   Mỹ không bao giờ dám dùng bom nguyên tử. Điều ấy chắc chắn.

 

      2.   Lính Mỹ có thể đưa vào miền Nam tối đa là trên nửa triệu thôi! Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, vì nó không thể bỏ các nơi đang chiếm đóng khác. Mà tổng động viên ở Mỹ là điều không thể được. Với nửa triệu quân Mỹ ta chịu nổi, nếu đủ quyết tâm.

 

      3.  Theo tôi biết, từ hồi lập quốc đến nay chưa bao giờ Mỹ trực tiếp tham chiến quá bốn năm, kể cả hai cuộc chiến tranh thế giới và gần đây là chiến tranh Triều Tiên. Lần này nó ngoan cố hơn nhiều, có thể kéo dài lâu hơn; nhưng bốn năm sẽ có thay đổi. Nó không thể cắm đầu đánh mãi.

 

Lời tiên đoán đó, ngày nay rõ ràng là chính xác. Mỹ ồ ạt vào miền Nam năm 1965, tới 1969, phải chịu ngồi vào bàn hội nghị với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tính kế rút lui. Và đến năm 1973, thì rút lui thật, bỏ mặc cho nguỵ.

 

Cuối đời nhìn lại, trước cán cân hạch toán “lỗ lời”, tôi phải ghi vào khoản thu một món lời đặc biệt quý. Đó là thoả mãn tốt nhất một nhu cầu cơ bản của sự sống: nhu cầu tự khẳng định mình trong xã hội.

 

Ai cũng rõ: thú vật nào muốn sống đều phải thoả mãn bốn nhu cầu cơ bản là ăn, uống, thở và ngủ. Giống nòi muốn tồn tại, còn phải có nhu cầu tính dục. Có học thêm, ta biết nhu cầu thứ sáu là vui chơi như chó đùa với mèo, bê nghé nghịch giỡn. Nhu cầu tự khẳng định đã manh nha ở một số súc vật cấp cao, bởi có những con xông ra đón lấy hiểm nguy cho cả đàn. Đến loài người, con vật linh thiêng nhất, tự khẳng định trở thành nhu cầu bức thiết cho đời sống: ăn, uống, thở, ngủ, chơi.

 

Nhưng tự khẳng định cách nào, đó là ranh giới giữa hành động có lương tri người hay không, hay nói theo Khổng Tử, phân biệt quân tử khác tiểu nhân. Gieo hạt trên cánh đồng lương tri loại giống nào, để cuối mùa vui mừng với thu hoạch, sau những ngày vất vả nắng sương, chịu gió to mưa lớn. Muốn trở thành “sếp” một băng côn đồ hay mong làm chiến sĩ thi đua trong đơn vị, cũng đều nhằm thoả mãn nhu cầu tự khẳng định cả, khác nhau chỉ là sống theo bản năng của súc vật, hay theo đạo lý làm người muôn thuở.

 

Đứng nhìn lại vết chân mình trên cánh đồng lương tâm trong hành trình 40 năm vừa qua, và thu hoạch cuối mùa đời, tôi rất bằng lòng đã đổ mồ hôi. Và nếu phải bắt đầu đi lại cuộc đời, con đường đã theo là duy nhất đúng. Tôi cứ làm như vậy. Không nghi ngờ.

 

Trong thế giới động vật, con người là động vật duy nhất khi đang đói, trước thức ăn ngon, vẫn từ chối không ăn, nếu cảm thấy đó là nhục. Do đó, khi trên mặt đất hằng tuần có cả triệu người chết, chết tự nhiên hay do tai nạn, lương tâm loài người chỉ xúc động khi hay tin có người “nhịn ăn” để chết. Như chuyện xảy ra ở Bắc Ái Nhĩ Lan trong nhà tù chính trị có người đang tuyệt thực đòi quyền con người. Tôi từng được sống bên những con người như vậy. Đó là một vinh hạnh mà không phải bất cứ ai cũng được nếm qua trước khi nhắm mắt. Vì có người dám tìm cái chết mà dân tộc trường tồn.

 

Tôi nhớ lại: thời gian tôi vắng mặt ở Sài Gòn đã có ba nhà trí thức tên tuổi tự treo cổ chết. Bác sĩ Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, và nhà báo triết gia Tam Ích. Hai người trong số họ, nếu sống dậy được, chắc sẽ cực lực phản đối chế độ cũ đã dùng tên họ để đặt tên đường. Họ nói: “Chúng tôi tự tử là bởi nhận ra cái bế tắc, cái sai lầm của cuộc đời, hết biết tin vào cái gì. Chớ nào phải “ tuẩn tiết” bởi còn tin vào một thứ đạo lý nào đó, như Ngô Tùng Châu, Võ Tánh hay Phan Thanh Giản đâu mà các ông còn bày ra cái trò quỉ quái muốn cho đời sau bắt chước, đi theo dù phải chết như vậy?”.

 

Tôi bằng lòng với mình, vì tới nay và cho đến chết đã được hưởng một kiếp người luôn luôn tin tưởng và lạc quan yêu cuộc sống.

 

Tôi nhớ lại: mùa hè 1947, giữa Đồng Tháp Mười đang độ nước lên, tôi gặp lại, vừa bạn cũ, vừa đồng hương, luật sư Trần Văn Khương, ở Pháp mới về đã tìm đường vào bưng, bỏ giày dép, áo quần Tây để đi chân đất với bộ đồ bà ba đen của thời kháng chiến chống Pháp. Anh mừng quýnh, ôm hôn tôi, và câu nói đầu tiên là: “Ở Paris, anh em nghe tin bác sĩ Thủ và mày mà cũng đi kháng chiến được, ai ai cũng lấy làm lạ lùng”.

 

Lạ lùng có lý do. Từ trường phổ thông dạy thi tú tài, hai chúng tôi đã học trường Pháp: anh Nguyễn Văn Thủ, ở Paris, học chung trường với hoàng đế Bảo Đại; còn tôi ở Sài Gòn học trường trung học Chasseloup laubat (Lê Quý Đôn ngày nay) dành riêng cho Tây, đầm thật, lai hoặc gốc Chà-và cùng với một số người Việt mà khi về nhà cũng nói chuyện tiếng Tây với cha mẹ. Cái tật đó, đến năm 1945 và chắc chắn đến ngày nay, Bảo Đại vẫn chưa bỏ, như trong cuốn hồi ký của cụ Phạm Khắc Hoè gần đây nói rõ. Anh Bảy Thủ có lẽ là học sinh Việt duy nhất, hơn cả Bảo Đại, hay về nghỉ hè ở Vĩnh Long bằng đường máy bay, vô cùng tốn kém. Năm ngoái (1984) anh đã vĩnh biệt chúng ta, lên yên nghỉ trên nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức, mang theo đủ loại huân chương cao, để lại một tên đường, công lao của hai thời kỳ kháng chiến tại Nam Bộ. Anh không còn nữa để thuật lại chuyện anh. Tôi xin kể chuyện tôi.

 

Lúc hai chúng tôi còn ở Paris, anh Trần Văn Khương muốn đủ sống và tiếp tục học, phải đi làm giám thị (pion) cho lũ “nhóc” Tây ở các trường trung học nội trú. Chiều, tôi hay đến ăn cơm ta có nước mắm và ớt khô tại trụ sở “Ái hữu người Annam”, phố Beauvais, khu la tinh, nơi anh Nguyễn Đạt Xường làm hầu bàn để được bao ăn và khỏi trả tiền! Anh Xường là giáo sư hoá học tên tuổi ở Pháp, mấy năm rồi có về thăm quê nhà ở Trà Vinh và tặng y tế ta nhiều thuốc men do anh phát minh, sản xuất. Tóm tắt, xin thú thật: chúng tôi không hề “gian khổ” chút nào! Mùa hè đi Ý, Thuỵ Sĩ chơi, và thứ bảy, chủ nhật đi xem vũ kịch với sự hiện diện của các minh tinh sân khấu đương thời.

 

Nhưng điều anh em ở Paris không hiểu là, với vỏ ngoài hào hoa sung túc đó, bên trong mang tủi nhục âm thầm. Hai chữ Việt Nam chưa có ai biết trên thế giới. Và lạ thật, chữ “Nước” với định nghĩa là quốc gia, Tổ quốc cũng không có trong bộ Tự điển tiếng Việt duy nhất thời ấy, do các học giả Việt của Hội khai trí tiến đức Hà Nội biên soạn. Họ lờ đi, hay cố ý “quên”?

 

Khi có dịp, thuê xe đạp cùng anh em đi chơi nông thôn, hình như gà, ngỗng, bê, cừu, xứ người cũng kỳ thị màu da, bỏ chạy tán loạn, chó đón sủa um sùm. Trong khi trước đó, bọn Tây đầm qua đường thì chúng vẫn được yên. Bực nhất là bọn Tây con, gọi mẹ ỏm tỏi: “Má ơi, ra coi thằng chệc!” (Chinetoque). Sin-tốc, hay “chệc” là danh từ sỉ nhục.

 

Thời gian tập kết ra Bắc, tôi cũng có trở qua Âu châu ở một thời gian dài hơn một năm để “cập nhật hoá” kiến thức, trung tu chất xám, chuẩn bị vác ba lô trở lại rừng. Cũng mấy lần vào chơi nông thôn các nước xã hội chủ nghĩa như Tiệp Khắc, Hunggari, Balan, mà cảnh tượng như trên không bao giờ gặp, trái lại được mời ăn trái cây hay nếm thử “rượu nho nhà” vì là bạn Việt Nam.

 

Thời còn đi học, nếu có những phút tự hào về người mình, chỉ là chuyện vặt vãnh như khi nghe chuyện xảy ra giữa bác sĩ Phạm Hữu Chí và một bệnh nhân đầm. Mụ ta được vào bệnh viện Claude Bernard. Anh Chí đến xin khám, bị mụ ta ngoe nguẩy xua tay từ chối: “Tôi không muốn một thằng ngoại di đáng khinh (mélèque)”. Bác sĩ lặng thinh, bỏ đi. Chốc lát sau, chị y tá trưởng trở lại trao cho bà ta giấy xuất viện: “Xin mời bà ra đi cho! Người hồi nãy xin khám là bác sĩ Phạm, chủ nhiệm khoa chúng tôi”. Anh Chí là phụ giảng và học trò cưng của giáo sư Lemierre, viện sĩ y học hàn lâm. Anh từng đỡ đầu đám sinh viên nội trú bệnh viện.

 

Vậy còn lạ gì nữa, khi nhiều tri thức từ thành phố, “ham vui theo bè bạn”, cùng nhân dân đánh lại bọn từng miệt thị nòi giống mình. Nhất là từ 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch đã khẳng định trước thế giới rằng có một nước Việt Nam độc lập từ Nam Quan tới mũi Cà Mau. Chúng tôi, cũng phải “tự khẳng định” rằng mình là dân nước đó. Những thích thú lặt vặt như trước kia nghe chuyện có người An Nam dám bạt tay Tây không còn nữa, vì có cái thú vị hơn là cầm súng đuổi Tây đi. Đấy là do một nhu cầu, một tình cảm thúc đẩy thật sự, chớ không phải là một cuộc “dấn thân” theo triết học “hiện sinh”. Tôi nghĩ rằng, mới gần đây thôi, hồi còn Mỹ-Thiệu, khi nghe tin có ai đó bạt tai Tây ngoài phố, mười phần chắc chắn là một thằng Mỹ, ai trong chúng ta cũng thấy khoái khoái. Còn hiện nay, ta sẽ bất bình: việc gì đi nữa, còn có công an. Làm như thế, người ta sẽ nói dân mình không văn hoá. Chuyển biến tình cảm ấy xác minh là ta sống trong một Nước thật sự độc lập, tự chủ dù trong tâm tư còn mang theo nhiều thắc mắc với việc chợ búa hàng ngày, va chạm anh này chị nọ.

 

Tôi nhớ lại: nhiều anh chị em trí thức đi theo kháng chiến thuộc giới “hành nghề tự do” kiếm khá bộn tiền: luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư, nhà văn, nhà giáo. Với một phòng mạch tư và dưỡng đường tư đắt khách, tôi từng tự hào mình không làm công cụ cho bộ máy thực dân, vào thời mà có kỹ sư tốt nghiệp điện cơ xin đi làm tri huyện; thậm chí có một kỹ sư cầu cống kiêm khoa học cử nhân, kiêm luật khoa tiến sĩ, mở văn phòng ở đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là cố để dễ làm mật thám cho Pháp trong giới trí thức. (Luật sư L.V.K, sau ngày Nhật đảo chính Pháp đêm 9-3-1945, đã tự sát vì sợ Nhật tra tấn và trả thù).

 

Rồi một hôm, tình cờ đọc một bài trong tạp chí tiến bộ Tư Tưởng (La Pensée) của Pháp, tôi vỡ lẽ ra rằng “hành nghề tự do” cũng chẳng tự do tí nào. Lần đầu tiên, danh từ này xuất hiện ở Âu châu là thời đế quốc La Mã. Theo gót César, bọn đi chinh phục nước người bắt đem về vô số tù binh để biến thành nô lệ. Nhưng nếu xiềng xích trí thức Hy Lạp có học vấn chung với nông dân để bắt lao động chân tay thì bất lợi, bởi năng suất của họ không bao nhiêu. Tốt nhất là mở xiềng họ ra cho làm “nghề tự do”, miễn là giảng luật La Mã, trị bệnh cho quý tộc La Mã, về nhà, nặn tượng cho người La Mã. Cho nên “tự do” đây là khi so sánh số phận mình với người cùng nòi giống, còn đối với bọn chủ nô cũng chỉ là đám “nô lệ đặc biệt”, hưởng chế độ ưu đãi hơn nhân dân lao động đồng bào, nhằm phục vụ cho chủ tốt hơn. Cái ý này đã có từ 1848 trong bản Tuyên ngôn Cộng sản do Marx và Engels thảo ra, cô đọng hơn trong lời văn.

 

Nhớ lại: Thời xưa đời nhà Châu, hai nghĩa sĩ núi Thú Dương là Bá Di và Thúc Tề, ghét vua Châu nên không ăn thóc cấy trên đất Châu, chỉ sống nhờ rau vi. Khi được chị nông dân “giác ngộ” cho rằng rau vi cũng mọc trên đất Châu, hai người chịu nhịn đói mà chết.

 

Tri thức nào dại dột chết bậy bạ như thế nếu có khả năng ăn gạo không còn phải của vua Châu? Cộng với 6 năm kinh nghiệm thầy thuốc tư ở thành thị, càng thấy rõ nghề “tự do” là một ảo tưởng. Tôi nơm nớp sợ mất thân chủ, nhất là các gia đình giàu có. Tôi sợ nghỉ ngơi dài hạn, thân chủ sẽ đổi “đốc tơ”. Đến chiều tối, thì mệt quá rồi, để đọc thêm sách. Anh em nào từng làm tư cũng phải nuốt cái vị đắng cay này nếu quả trung thực, như bác sĩ Cronin nước Anh viết trong quyển Thành trì (The Citadel). Tôi không ngạc nhiên khi trở về thành từ 1975, đến chơi một số bạn đồng nghiệp quen biết cũ còn ở Sài Gòn hay các tỉnh lỵ, nhìn vào tủ sách chuyên môn của các anh chỉ thấy toán sách cũ rích; sự hiểu biết về các trị liệu mới ở các anh cao niên đó (nói xin lỗi, nhưng là sự thật!) không vượt xa hơn các tờ quảng cáo giới thiệu hàng và cuốn “công thức” bỏ túi (formulaire). Các anh không có thời giờ đọc sách.

 

Không có gì lạ cả khi người trí thức theo kháng chiến cư nhích lần tới chủ nghĩa Mác-Lênin, dù anh ta vào Đảng hay vẫn đứng ngoài Đảng. Trên thế giới, ai cũng công nhận rằng, tuy suốt đời không phải đảng viên Cộng sản, nhưng Ivan Pavlov, Mitchourine đã đóng góp nhiều vào kho tàng kiến thức Mác-Lênin, phục vụ đắc lực cho chủ nghĩa xã hội. Ở nước ta cũng thế ở tất cả mọi ngành.

 

Trên kia tôi có nhắc đến bác sĩ Phạm Hữu Chí mà con đường phía sau bệnh viện Chợ Rẫy đang mang tên. Nếu anh còn tới ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi chắc chắn rằng trong cuộc hành trình từ Sài Gòn vào khu kháng chiến, rồi từ khu đến với Đảng lãnh đạo về mặt tư tưởng, đã có mặt anh. Đó là người thầy thuốc giỏi nhất về nội khoa, cũng như giáo sư Tôn Thất Tùng về ngoại khoa, mà thế hệ chúng tôi biết. Anh có đủ thời gian để tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bởi nếu sống tới hôm nay anh chỉ tròn 80 tuổi, xấp xỉ tuổi bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng thân yêu.

 

Người trí thức lỗi lạc đó từ chối giàu sang danh vọng nơi quê người, hiện nay đang yên giấc ngàn thu tại nơi chôn nhau cắt rốn, gần chùa Long Hoa, quận Long Điền cũ (Bà Rịa). Anh sẽ nghĩ gì khi biết rằng một số anh chị em đang hoặc sẽ là giáo sư của nước Việt Nam độc lập, từ chối ở lại phục vụ đất nước và xin được ra đi? Đến nơi ở mới, đối diện với lương tâm vào buổi hoàng hôn của cuộc đời cầu thực tha phương, khi những tình cảm lắng sâu trong tiềm thức trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết, lòng nhớ đất nước quê hương, bao nhiêu kỷ niệm ngây thơ với xóm làng, bạn bè bà con, họ sẽ suy nghĩ ra sao?

 

Từ đây đến đó, đất nước sẽ vượt qua chông gai mà tiến lên hơn nữa. Trong 40 năm qua, từ thuở bác sĩ Phạm Hữu Chí bị bác đơn xin một chân giảng viên trường thuốc Hà Nội với nước Việt Nam chưa ai biết là có, đến hôm nay nhiều trí thức ta đã có chân viện sĩ thông tấn ở Viện hàn lâm một số nước Đông và cả Tây Âu (bác sĩ Tôn Thất Tùng có chân trong Viện Hàn lâm phẫu thuật). Con đường vượt qua thật dài ở mọi lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá, nghệ thuật. Điều ấy thực hiện trong khi ta phải thắng đế quốc Pháp rồi Mỹ và các chư hầu, chưa kể gần đây là bọn bành trướng. Diễn đạt ý kiến theo toán học, ta đã đi từ con số không tới + N để rồi tiến đến vô cùng +. Tổ quốc “tự khẳng định” nhanh chóng hơn bao giờ cả. Trong con số đại lượng ấy, tôi tự khẳng định có đem cuộc đời của mình mà góp vào một vi số Epsilon, tuy gần sát với zêrô, nhưng không phải là zero; và phải được đánh dấu bằng dấu cộng (+) vào quá trình lịch sử đi lên vô tận + của Tổ quốc. Tôi đã thoả mãn một nhu cầu cơ bản, bức thiết của đời sống; nhu cầu tự khẳng định một cách đúng và tốt nhất.

 

Nếu không kể Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười, trên thế giới, hàng chục thế kỷ trôi qua, chưa có một thế hệ nào của một nước nào mà với ngần ấy thời gian, đã làm được từng ấy việc! Dù là nước Ý vào thời đại Phục hưng, nước Pháp sau Cách mạng tư sản dân quyền, nước Nga thời Pie Đại đế, hay nước Nhật thời Minh Trị Thiên Hoàng. Vua Hùng dựng nước cách đây bốn ngàn năm, nếu tính thời gian tham gia việc chung của một đời người là 40 năm, tới nay vừa đúng 100 thế hệ. Tôi tưởng tượng vua Hùng đứng trên đỉnh núi Tam Đảo suốt thời gian nhìn xuống đám cháu con, chắc phải chấm thế hệ chúng ta trong 40 năm qua là “số dách” của dân tộc trong cuộc giữ nước.

 

Cho nên cuối đời nhìn lại, tôi tự hào thuộc vào thế hệ những con người đó. Ngoài kiến thức Mác-Lênin để hiểu lịch sử, hiểu triết học, hiểu các quy luật chi phối tư tưởng, tình cảm và hành động của con người, tôi chứng kiến một thời kỳ nhảy vọt trong khoa học tự nhiên, biết được mật mã di truyền sinh học, trên mặt trăng có gì, khả năng con người đi vào vũ trụ và chinh phục thiên nhiên, v.v.. Tôi đã lời, lời nhiều lắm!

 

Tất nhiên, trong 40 năm qua, từng nơi từng đợt tôi cũng có nhiều thắc mắc. Trong bộ máy quản lý nhà nước vẫn còn một số kẻ “cơ hội” trong giới trí thức. Họ xưng là “mácxít” mà quên rằng khi trả lời cho câu hỏi của con gái “bố ghét cái gì nhất”, Marx nói ngay: “Thói nịnh bợ”, theo chiều gió mà mở miệng và múa may. Nhưng tôi tự an ủi mình bằng câu nói của một danh nhân Mỹ, sống cùng thế hệ với Marx. Tổng thống Abraham Lincoln nói: “Có thể lừa dối số ít người trong thời gian dài, hoặc số đông người trong thời gian ngắn, nhưng không thể qua mắt mọi người mãi mãi”. Chỉ có tổ chức Đảng như chúng ta biết mới có khắp mọi nơi, và sẽ lâu dài tồn tại để chứng kiến cây kim trong túi lâu rồi cũng sẽ lòi ra. Ai xấu sẽ bị đào thải.

 

Thắc mắc của tôi, âu cũng là một bệnh thường có, do tố bẩm trí thức. Vào một thời thịnh trị nhất của lịch sử, với ông vua anh minh Lê Thánh Tôn, Ngô Sĩ Liên được giao phó công việc quan trọng nhất là soạn xong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, lại được có tuổi thọ rất cao – 98 tuổi! – Cũng có thắc mắc than vào lúc cuối đời: Vua hay nghi kỵ giới tri thức, còn tri thức thường ngờ vực nhà vua. Có lẽ người trí thức nào cũng thấy mình không được tin dùng sử dụng thật trọn vẹn, ý kiến mình là đúng mà “bề trên” không nghe theo đúng với mong muốn của mình. Thời nay, lãnh đạo không phải là vua nữa, mà là Đảng. Nhưng cái cố tật ấy của trí thức chắc còn. Tôi tự xét mình như thế, nên mọi thắc mắc rồi cũng tan đi, chờ thực tế chứng minh đâu là sự thật. Và đón chờ một thắc mắc mới tất yếu sẽ có.

 

*

*          *

 

Từ độ trở về Sài Gòn, có mấy lần tôi tìm vào nghĩa trang sang trọng nhất của thành phố. Không phải vì có người nào trong gia đình tôi đang nằm ở đó, mà để viếng mộ một số nhân vật tôi quen biết, từng “vang bóng một thời”, khuất đi trong thời gian tôi còn kháng chiến. Sau mỗi lần đi như thế, ôn lại cả cuộc đời và sự nghiệp của họ mà tôi biết, tôi về với biết bao chuỗi suy tư.

 

Nhiều người quen đang nằm đó, nếu gặp cảnh thuận lợi nước nhà thật sự độc lập, cảnh nhân dân, do thông suốt mục tiêu chung nên lao động tự do nhằm hướng tới tương lai huy hoàng, chắc chắn đã để lại sự nghiệp được đánh giá bằng dấu cộng (+), dù chỉ là cộng nhỏ như chúng tôi, trong sự nghiệp chung của đất nước, tổ tiên. Tiếc rằng, công bằng mà nói ra, nhìn trên khía cạnh dân tộc, dấu vết lắm người đã khuất lưu lại là con số zero, có khi là dấu trừ vì đã góp phần cùng kẻ địch hãm hại bước đi lên của Tổ quốc trong một thời gian.

 

Một hình ảnh tái hiện lên trong ký ức.

 

Thời còn ở Hà Nội, vào thời điểm hữu hảo nhất của quan hệ Việt-Trung, tôi may mắn được làm thành viên trong phái đoàn sáu cán bộ y tế sang khảo sát tham quan cơ sở bảo vệ sức khoẻ theo lời mời của Bộ vệ sinh Trung Quốc, thời bà Bộ trưởng Lý Đức Toàn. Suốt cả mùa hè, chúng tôi đi qua nhiều tỉnh và thành phố lớn, từ Hoa Bắc đến Hoa Nam. Trạm dừng chân chót là Hàng Châu, nằm trên bờ sông Tiền Đường, bao bọc Tây Hồ.

 

Bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, dưới những cụm liễu xanh rủ lá thướt tha như ôm ấp, vuốt ve, có ba ngôi mộ cổ từ 800-900 năm rồi vẫn được nhân dân chăm sóc, tu bổ, xem như gia bảo thiêng liêng.

 

Thứ nhất là mộ Tô Tiểu Tiểu, để lưu niệm mãi sự có mặt của nhà thơ lớn Tô Đông Pha, khi bị Vương An Thạch, tể tướng đày ra làm quan nơi đây vì bất đồng chánh kiến. Ông từng hết lòng yêu mến nhân dân, làm thuỷ lợi, lập ra nhà thương công cộng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, cho sưu tầm toa thuốc hiệu nghiệm phổ biến ra cho dân hưởng.

 

Thứ hai là của giang hồ nghĩa sĩ Võ Tòng, căm ghét cường hào ác bá, anh hùng đánh cọp cứu dân.

 

Thứ ba, trước một đền thờ, mộ đôi cha con Nhạc Phi và Nhạc Vân, hết lòng vì nước, chống giặc Kim xâm lăng nhưng bị gian thần sát hại, do hiểu sai bốn chữ “Tinh trung báo quốc”. Trước mộ cha con họ Nhạc là tượng vợ chồng tên gian thần Tần Cối quỳ gối gục đầu, như sám hối ăn năn vĩnh cửu. Tuy nhiên nhiều thế kỷ trôi qua từ đời Tống, nhân dân nào có tha cho. Đầu của đôi vợ chồng hắn tuy bằng đá xanh, vẫn bị lở loét dơ dáy. Người hướng dẫn giải thích: đá mòn đi bởi nhân dân thế hệ nào đến đây cũng khạc nhổ trên đó.

 

Tôi sực nhớ lại cảnh đó, khi vừa rồi, trước khi hết hạn bốc mộ ở nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi  của Công ty vệ sinh thành phố đăng báo, tôi trở lại viếng lần chót. Mộ anh em Diệm Nhu còn đó: hai tấm xi măng lớn, phẳng, không ghi tên tuổi, nằm cao hơn mặt đất chỉ một lóng tay. Xa xa kia là mộ “thống chế” Lê Văn Tỵ, sừng sựng sau lưng tấm bia đá khổng lồ, ghi tên 20 binh chủng nguỵ quân mà y đã chỉ huy dưới hai thời kỳ Pháp-Mỹ để đánh phá cách mạng.

 

Dưới bàn tay của bộ ba Diệm – Nhu - Tỵ, bao nhiêu người con trung hiếu nhất của dân tộc đã bị sát hại trong tra tấn ngục tù, bao nhiêu làng mạc dân lành bị đốt phá giết chết. Số gia đình phải mang khăn tang, chiụ đau khổ, tính ra hàng chục vạn. Nhưng đến ngày cuối cùng trước khi Công ty vệ sinh ra tay dứt điểm biến nghĩa địa thành “công viên Lê Văn Tám”, mồ mả họ không bị ai nhục mạ, phá phách. Nhân dân ta lành thật! Không ưa báo oán trả thù.

 

Tôi nhớ đến nghĩa trang liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp ở Huyện Sử (Minh Hải), nơi đó có chôn hai đồng nghiệp tôi là Nguyễn Văn Ba, y sĩ cao cấp hy sinh năm 1953 ở Long Mỹ và bác sĩ Văn Thuỳ (tức Lê Văn Trí) mất năm 1951. Tất cả hài cốt chiến hữu nơi đó đều bị tay sai và lính của Diệm - Tỵ đào lên năm 1957 vứt cả xuống kinh cho dòng nước cuốn đi. Sau năm 1975, Sở Y tế Quân dân Nam Bộ có làm lễ cải táng cho hai người, xây mộ với bia tại nghĩa trang Bến Tre và Cao Lãnh. Đó là hai ngôi mộ giả, quách trống không chẳng có xương người; chỉ làm nơi tưởng niệm của bạn hữu và gia đình.

 

Hai đồng nghiệp xấu số của tôi không hề là đảng viên Cộng sản. Cũng như bao liệt sĩ khác ở nghĩa trang, họ chỉ muốn làm lại công việc của ông cha, từ Thủ Khoa Huân, Trương Định tới Nguyễn Trung Trực.

 

Tại sao lại đào mộ mà vứt xương đi?

 

Hết một đời dài, tất nhiên con người phải mất. Như vào buổi thu tàn, lá phải lìa cành. Nếu lá biết nói, chắc chắn lá muốn rơi ngay tại gốc cây đã nuôi dưỡng nó xanh tươi, để “tự khẳng định” rằng nó không hề mất mà sẽ trở thành phân bón cho các mùa tới, nhiều mầm non lại mọc trên cành, tiếp tục quá trình quang hợp cho cành cội phát triển không ngừng.

 

Tìm lại được cho mình một đất nước để tự hào, thu hồi được thiện cảm của bà con xóm làng và nhân dân lao động, tiếp xúc được với trí tuệ thời đại là ý thức hệ Mác-Lênin, thoả mãn được nhu cầu cơ bản tự khẳng định mình theo kiểu cách mà con cháu mai sau không phiền trách; đó là bốn cái lợi lớn mà một trí thức đào tạo từ nhà trường tư sản đã thu được khi đứng nhìn ngoái lại bao nhiêu năm tháng vừa qua (1945-1975).

 

Tháng 4 – 1985.

 

 Trở lại mục lục