thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
2


NHỮNG NGÀY HOẠT ĐỘNG
TRONG MẶT TRẬN VIỆT MINH
TỈNH MỸ THO NĂM 1945

 

Đầu năm 1941 cụ Hồ về nước, ở miền Bắc đã thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh để tập hợp tất cả những người yêu nước đấu tranh giải phóng tổ quốc khỏi áp bức Pháp, Nhật, nòng cốt đấu tranh là Đảng Cộng sản. Do đó trong phong trào phá kho thóc Nhật để cứu đói cho dân, đồng bào ở khắp đồng bằng Bắc Kỳ đều biết đó là chủ trương của Việt Minh. Thời bấy giờ, ở Nam Kỳ thuộc địa, bị bưng bít mọi nguồn tin tức, ít ai biết mặt trận Việt Minh và chương trình hành động ra sao. Điều ấy cũng dễ hiểu, bởi nếu Cách mạng tháng Tám có sự lãnh đạo của vỏn vẹn năm ngàn Đảng viên cộng sản trong cả nước, thì ở Nam Kỳ gồm 21 tỉnh, lúc ấy chỉ còn trên dưới 200 đảng viên (theo lời kể của đồng chí Dương Quang Đông, xứ ủy viên).  Nhiều tỉnh chỉ còn có một Đảng viên, sau thất bại và đàn áp khủng khiếp của Pháp sau cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm1940.  Bù đắp vào cái thế yếu ấy, sau khi Nhật lật đổ hoàn toàn chế độ cai trị của Pháp đêm 9-3-1945, tổ chức Thanh niên tiền phong mà thủ lãnh là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra đời ở Sài Gòn rồi lan ra ở khắp mọi nơi. Cũng lạ là thời ấy không ai nghĩ đến rằng cờ vàng có ngôi sao đỏ của TNTP mà hàng ngàn thanh niên quỳ gối tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, chỉ là một biến thể "lá cờ đỏ sao vàng" của Việt Minh.

 

 Nhắc lại bối cảnh lịch sử ấy để hiểu tại sao việc cướp  chánh quyền tại Mỹ Tho, sau Tân An và Sài Gòn một vài  ngày, là do lực lượng thanh niên thị xã, thành lập trước đó vài tháng, đứng đầu là thầy giáo Diệp Tư với hai phó đoàn là anh Phạm Chung, thầy ký Nhà giây thép (chưa ai hiểu chữ bưu điện là gì) và Ngô Ngọc Sáng một sinh viên trường luật nòng cốt tham gia. Hồi đó, phòng mạch tư của tôi nằm ở trung tâm các cơ quan chính quyền tỉnh, từ Tòa bố, Tòa  án bót lính kín cũ và bót ông Cò, nên nhìn thấy việc đoạt chính quyền của anh em thanh niên thật là dễ ợt. Đốc  phủ Nguyễn Văn Quí, được bọn Nhật đưa lên làm tỉnh trưởng thay Pháp rút lui không chút cự nự.  Luật sư Bùi Văn Thinh từ Sài Gòn được khâm sai Nguyễn Văn Sâm phái xuống làm Chánh án thay Nguyễn KhắcVệ dân Tây, cũng dắt vợ về Sài Gòn. Anh này về sau làm Bộ trưởng, rồi đại sứ ở Nhật Bản dưới trào Ngô Đình Diệm. Đốc phủ Nguyễn Văn Tâm, khét tiếng đàn áp cộng sản, bị bắt ở Cai  Lậy và giải về Mỹ Tho, được lệnh của Sài Gòn, địa phương đưa hắn về giam tại Khám lớn, nhưng y được sẩy để về sau trở thành thủ tướng Nam Kỳ tự trị.

 

Rồi một buổi sáng, anh Trần Văn Hiển, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đến tìm tôi, rủ vào ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh. Lúc ấy đã có chương trình cụ thể dán khắp nơi. Cùng đi với vị Tỉnh trưởng mới có một người trắng trẻo nhỏ thó, hơi lùn, ít nói, tên Dương Khuy, mà mãi sau này tôi rõ đó là Bí thư Tỉnh ủy đương thời.

 

Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh mới có thêm hai trí thức nhân sĩ "lô can", luật sư tập sự Lê Văn Chất và tôi, cộng thêm một vị linh mục vui tính là cha Hiển.  Về sau tôi biết tin ở nhiều tỉnh trong Nam Bộ có nhiều anh em trí  thức được mời vào Ủy ban Mặt trận Việt Minh, một số được  đưa làm Chủ tịch UBND tỉnh (như Long Xuyên) hoặc Phó Chủ tịch (Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau gẫm lại tất cả anh em ấy như tôi, không phải giác ngộ cách mạng sâu sắc gì, mà ưu thế căn bản vẫn là hành nghề tự do, làm thầy thuốc hoặc thầy kiện không dính dấp với chính quyền thuộc địa, lại được khen là "bình dân", không bắt bà con gọi mình là "quan lớn" hay "quan đốc (đốc tờ, đốc công, đốc học). Khi đó ít ai hiểu rằng đã là bác sĩ có phòng mạch tư, luật sư có văn phòng tư... mà còn ưa thân chủ tôn mình là "quan lớn" quan trạng (trạng sư) như một số đồng nghiệp trong bộ máy chính quyền thích thú được gọi, thì nên sớm "dẹp tiệm" cho khỏi thua lổ khi mần ăn. 

 

Tôi được anh em chỉ định vào Ban tuyên truyền Mặt trận tỉnh. Công việc không khó khăn lắm, bởi chỉ mất một vài buổi chiều trong tuần tổ chức nói chuyện tại rạp hát Thầy Năm Tú, cho đồng bào đến nghe, đa số là công chức, thân hào ở thành phố. Nội dung là đưa tin tức từ Hà Nội và Sài Gòn gởi về, rồi từ ngày 23-9-1945 khi tiếng súng kháng chiến nổ, đưa tin sốt dẻo từ mặt trận về, nếu cần thì "cương" lên chút ít cho thính giả phấn khởi. Rồi vạch ra tội ác của thực dân Pháp từ ngày đến chiếm nước ta. Tôi còn nhớ ý kiến thuyết phục nhất là nói: "Chưa có độc lập thì mọi người chúng ta đều như kiếp ngựa trâu", bằng cớ là ai thời ấy muốn đi đâu cũng phải có "bài chỉ" lận lưng với dấu mộc xã trưởng nhận là đã đóng xong thuế thân trong năm.  Nếu không sẽ bị bắt giam. Mức thuế thân hàng năm tuy chỉ trên dưới 4 đồng bạc, nhưng là gánh nặng với dân  nghèo, bởi công cu li mỗi ngày là hai cắc, một gói xôi to giá chỉ một xu. Vì lẽ đó, nhiều người trốn thuế bởi không đóng nổi để mua cuộc sống.

 

Vào 11 giờ đêm ngày 23 tháng 10 thình lình nghe tiếng súng nổ hướng sông Tiền, có tiếng chạy và la lên ngoài đường rằng tàu Tây đã đến và đang đổ bộ, thì ra giặc Pháp lập lại chuyện đô đốc Page đã làm 85 năm về trước. Chỉ ít bước, tôi nhảy rào vào bệnh viện tỉnh có nhiều người quen biết, đến phòng ngoại khoa, lên giường đắp mền nằm ngủ như một bệnh nhân. Sáng hôm sau, tiếng súng êm bặt. Đàn bò thịt Tây chở theo được thả lên bờ, ung dung nhai cỏ bên lề đường. Tôi mượn áo bờ-lu, đội mũ thầy thuốc của bệnh viện, tay xách cặp da, đường hoàng bệ vệ theo đường lớn ra khỏi thị xã tiến lên Vòng Nhỏ. Dọc đường gặp lính Tây gác, hỏi tôi đi đâu. Tôi trả lời: Bác sĩ bệnh viện đi cấp cứu một bệnh nhân ở xóm trên. Tất nhiên là bằng tiếng Pháp, kèm theo điệu bộ rất Paris! Tên trung úy Pháp trẻ tuổi mở cặp da tôi ra xem, thấy có ống nghe, hộp thuốc chích, bông băng. Nó xin lỗi, đứng chào tôi "cái rụp" và mời: "Xin mông-xừ Đốc tờ cứ đi tự do". 

 

Đêm ấy, cụ Tôn Đức Thắng cũng mắc kẹt trong thành phố, cũng ra đi kiểu đó nhưng với tư cách là một bệnh nhân được xuất viện về nhà, đầu quấn đầy bông băng, nếu Tây có kiểm tra ông cụ tóc bạc sẽ thấy quả thật có vết mổ chưa lành: một u nước lành tính ở mé tóc. 

 

Lội bộ lên tới Rạch Gầm, tôi nhờ xuồng đưa qua sông, ngủ một đêm, ăn cháo gà tại nhà thân chủ quen ở Phú Túc. Chiều 25 tháng 10 tôi đã đến Phú An Hòa, nơi trạm cứu thương mặt trận số 3 đặt sẵn vài ba tuần rồi nhưng chưa có thương binh, dù đã có sẵn bác sĩ Võ Văn Cẩn thường trực, cũng như trạm số 2 ở mặt trận Chợ Gạo có bác sĩ Nguyễn Văn Bửu đang chờ.

 

Từ ấy tôi lao vào kháng chiến, làm cán bộ y tế quân và dân của khu 8, không còn là "ủy viên tuyên truyền Mặt trận Việt Minh" tỉnh Mỹ Tho nữa. Duyên nợ tôi với công  tác Mặt trận chấm dứt chỉ sau hai tháng. Bởi vậy tôi có phần ngạc nhiên khi tập kết ra Bắc, tôi được mời dự Đại  hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 9 năm 1955 do Hồ Chủ Tịch chủ trì. Tôi được giới thiệu để được bầu làm ủy viên Trung ương Mặt trận, trong sơ yếu lý lịch có ghi: Nguyên ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho.  Ai biết chuyện này? Có thể là Bác Tôn, bởi đầu tháng 10-1945, anh Nguyễn Văn Tiếp đưa tới nhà tôi ở đậu ít lâu "Anh Hai Thắng, bạn rất thân, cũng từ Côn Đảo về" để nhờ tôi chỉnh tu sức khỏe. 

 

Gần 50 năm qua kể từ ngày thị xã Mỹ Tho nổ tiếng súng đầu tiên chống ngoại xâm, đồng chí Trần Văn Hiển, Chủ tịch UBND thị xã hy sinh ngay đêm 23-10-1945, sau đó là đ/c Dương Khuy cũng hy sinh. Anh Ba Tiếp lên thay để lãnh đạo tỉnh nhà. Những anh em trí thức nhân sĩ mà các anh đưa vào tỉnh bộ Việt Minh lúc sơ khởi, vào chính quyền tỉnh hay ứng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho (Diệp Ba, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Phi Hoanh) đều đi theo cách mạng đến ngày cuối cùng của cuộc đời, không có một ai bỏ về thành. Ở Mỹ Tho, các bác sĩ Cẩn, Bửu có các chị ra rước về, cũng rất tốt, chữa trị chu đáo các bệnh nhân tôi gởi từ khu về và giữ bí mật cho cách mạng. Nhân kỷ niệm ngày lịch sử thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, chúng tôi nay còn sống sót đốt lên một nén hương lòng nhớ lại "những ngày lưu luyến" ấy đã đưa tôi vào con đường đời đây vinh hạnh.

 

Bài đã đăng báo "Ấp Bắc" Tiền Giang
số kỷ niệm 60 năm thành lập MTDTTN Việt Nam

 

 Trở lại mục lục