thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
19

 

Suy nghĩ về thơ và văn của Hải Thượng Lãn Ông
nhân ngày giỗ lần thứ 200 của Y Tông

 

 

Gia tài y học dân tộc của cụ Lê Hữu Trác để lại thật là đồ sộ: bộ Y tông tâm lĩnh gồm 60 quyển, đi vào nhiều lĩnh vực của y khoa: nội, nhi, phụ sản, vệ sinh, dược liệu v.v…

 

Học tập nghiêm chỉnh, khảo nghiệm, thừa kế và sử dụng kho tàng ấy là chuyện của người thầy thuốc. Tôi không đề cập đến trong bài viết này, mà chỉ nhắc tới Hải Thượng Lãn Ông nhà thơ với tác phẩm Y lý thâu nhàn, và nhà văn với thiên ký sự dài “Kể chuyện lên Kinh”.

 

Tuy nhiên, nhà văn cũng như thầy thuốc, đều thuộc khái niệm “nghề lao động trí óc tự do”, làm kỹ sư cho tâm hồn và kỹ sư cho thân thể, nên chắc có nhiều điểm tương đồng về đạo đức hành nghề. Do đó, những điều Lê Hữu Trác viết ra trong Y huấn cách ngôn có lẽ các nhà văn cũng nên tham khảo, tìm ra cái gì đóng góp được vào Văn huấn cách ngôn, nếu có một bản như vậy.

 

Sau Cách mạng Pháp năm 1789, một trong những việc làm đầu tiên của trí thức tiến bộ là năm 1792, phục hồi chủ nghĩa nhân văn Hippocrate. Họ bắt buộc sinh viên Đại học y khoa ra ngành nghề phải giơ tay trước mặt các thầy, đọc lên “lời thề Hippocrate” (Serment d’Hippocrate), hứa sẽ trong sạch, tuân theo suốt đời, bằng không sẽ đáng cho đồng nghiệp khinh bỉ, người đời nguyền rủa.

 

Ai ai cũng biết là từ ấy đến nay, hai thế kỷ đã trôi qua, lời thề đó được lấy làm cơ sở cho y đức học Âu Mỹ mà bác sĩ phải thuộc lòng (còn có làm theo hay không lại là chuyện khác!)

 

Một tạp chí y khoa Pháp Concours Médical, khi nghiên cứu mười điểm của Hải Thượng, từng nêu lên trong “Y huấn cách ngôn”, khẳng định ở “Y huấn” ngoài những điểm giống như “Lời thề Hippocrate”, có phần đầy đủ hơn để đi sâu vào lòng người. Ví dụ, ở điều thứ chín, Hải Thượng dặn “Chớ nên dùng nhân thuật làm chước dối lừa, đáng lẽ đem lòng lo cho người đời thì lại đổi ra lòng buôn bán, thu nhiều tiền, sống chết mặc bay”. Một số nhà xuất bản văn nghệ ngày nay với “ê kíp” kỹ sư tâm hồn cung ứng hàng hóa tinh thần cho dân, có lẽ cũng nên suy gẫm lời dạy của bậc Đại y tông này.

 

Trong quan hệ với phụ nữ, Hải Thượng rất nghiêm túc, tế nhị tôn trọng và tràn lòng nhân ái. Điều khuyên thứ ba của Y huấn là: “Đối với đàn bà, con gái, goá phụ, ni cô, phải có người nhà đi theo bên cạnh mới bước vào buồng mà khám bệnh; để tránh mọi sự nghi ngờ, dù cho là con hát, gái điếm cũng vậy, phải đứng đắn xem họ như người tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính”.

 

Ở lĩnh vực văn học, Lê Hữu Trác để lại tập thơ Y lý thâu nhàn gồm vỏn vẹn 29 bài thơ, hầu hết là thơ 8 câu. Số lượng hơi ít, nhưng vẫn gấp đôi số thơ bà Huyện Thanh Quan để lại cho chúng ta, đó là chưa kể Félix Arvers của Pháp hơn một thế kỷ rồi vẫn lưu danh dù chỉ có duy nhất bài “sonnet” Lòng ta chôn kín mối tình. Thơ Hải Thượng toàn thuộc loại “tức cảnh sinh tình”, phảng phất mùi đường thi. Nhưng không phải với giọng chán đời, cô đơn, mà là lời lẽ của một người nhập thế, lo cho đời, cho người, tìm thú vui trong hành động. Đơn cử vài ví dụ:

 

Thi sĩ Trương Kế đời Đường, trong bài “Phong Kiều dạ bạc” cảm thấy vô cùng buồn bã cô đơn khi nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn trong cảnh “Trăng tà, sương toả, quạ kêu”; và thở than “Giang phong ngư hoả, đối sầu miên!” Lương y Hải Thượng trong bài “Nhàn hứng”, trước cảnh “y gia tựa thiền gia”, nhắn lại cho đời sau khi nghe tiếng chuông chùa:

Việc chi mà phải nện chày?

Lòng thanh niềm tục là tiêu lòng tà

(Nguyên văn chữ Hán: “Bất thị chung thanh thôi vạn niệm – Thanh Tâm dưỡng chính khả khu tà”).

 

Tiếng thơ trung thực từ cõi lòng là Tình, nhưng cũng là quan niệm riêng về cuộc sống, là nhân sinh quan, dù là người thời xưa hay thi sĩ thời nay. Hãy nghe vài câu trích trong bài thơ “Cảm hứng” của bậc thầy thuốc tài ba ấy:

Khuy vọng Hiên Kỳ trấp tải dư

Hàn ôn khẳng phóng án đầu thư

… Công danh đại bệnh thâm nan liệu

Đạo đức y ngô kiện khởi cư…

Tạm dịch là

Học y mấy chục năm trời

Đông qua hạ lại chẳng rời sách hay

Công danh là bệnh khó thay

Giữ mình đạo đức ngày ngày khoẻ vui.

Nhờ đâu mà Hải Thượng, sống vào một thời loạn lạc, lắm người xuống chó lên voi, mất quyền, mất chức trong chốc lát, lòng vẫn luôn luôn thanh thản để “Ngày ngày xem bệnh vừa xong, đêm đêm tựa bóng trăng trong gảy đàn”? (Bài thơ “Sơn ca dật hứng”). Cụ đã mách bảo cho ta trong hai câu thơ cuối cùng của tập Y lý thâu nhàn (Bài Đề Phúc Sơn Tự):

Hết mình chữa trị cho người ta

Ngoài ra tất cả đều là mây trôi!

(Nguyên văn chữ Hán: Xả ngã tư nhân ngoại, Phù vân tổng thị nhàn).

 

*

*          *

 

Con người có “Tình người” bao la ấy cũng là con người hết sức thâm trầm sâu sắc trong tình cảm riêng tư đối với bạn bè cũ, người yêu xưa. Cứ đọc lại quyển Ký sự lên Kinh, kể chuyện cụ chống gậy từ Hương Sơn ra Thăng Long, ở gần một năm chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán, theo chiếu triệu lai kinh. Một chuyến đi cụ không muốn có, nhưng chẳng dám từ, sợ mắc tội khinh quân.

 

Tư tưởng và cảm hứng chủ đạo trong Thượng Kinh Ký Sự là tinh thần thoái thác công danh. Trở lại Thăng Long đầu năm Nhâm Dần (1782), sau hơn 30 năm xa cách, cụ mang theo một ấn tượng không bình thường đối với nơi mà cụ đã sống hơn 20 năm trời để ăn học, sống đời “cậu ấm” trong một gia đình nhà quan nối tiếp nhiều thế hệ. Trước cảnh sống xa hoa của giai cấp thống trị, trước nhiều bộ mặt như cùng một vẻ của những kẻ đang đứng trong bộ máy chính quyền, ham sống để hưởng thụ gái và tiền, cụ muốn được mau mau trở về nông thôn. Cùng cảnh xa cách Hồ Tây sau bao nhiêu ngày mới trở lại, Bà Huyện Thanh Quan rung cảm nhớ lại cảnh sống ngày xưa, khi vịnh bài “Thăng Long thành hoài cổ” với những câu “dấu xe ngựa cũ hồn thu thảo”. Người trí thức thứ thiệt (vì ông, cha, anh, chú đều là tiến sĩ) tức Lê Hữu Trác - chỉ buồn vì:

Phong cảnh vẫn nguyên phong cảnh cũ

Bâng khuâng vắng những bạn bè xưa

(Ký sự lên Kinh)

Dưới ánh sáng của triết học Mác-xít, ta hiểu dễ dàng tâm trạng khác nhau ấy. Một người khi xa quê cũ, vào sống trong cung đình vua quan nhà Nguyễn ở Huế; người kia suốt gần nửa đời người đi làm lương y trị bệnh cho nông dân. Cách nhìn khác nhau ấy không thể đem ra tranh cãi, bởi nó do môi trường xã hội tạo thành.

 

Nhà văn Lê Hữu Trác, nhờ đó thấy rõ cái hiện thực khách quan trong xã hội phong kiến đương thời. Nhưng khi hồi tưởng lại bạn bè xưa, những kỷ niệm thời trẻ còn đi học, đi chơi chung, cái nhìn có ý nghĩa phê phán của cụ chuyển sang một cái nhìn đầy rung cảm, rất trữ tình.

 

Minh hoạ cho ý trên, xin trích dịch lại mấy câu chuyện, mấy vần thơ sau đây:

 

Vừa bước chân đến Thăng Long, cậu công tử đất thủ đô ba mươi năm trước, cảm thấy mình trở thành một ông nông dân quê mùa, rụt rè, ngại ngùng trước cảnh xe ngựa rộn ràng, y quan sang trọng:

Phiêu bạt giang hồ mấy chục niên

Chiếu đòi, một sớm đến Trường Yên

Lâu đài, đình quán bên trời ngất

Văn vật y quan giữa cõi truyền

Sơn dã đã từng quen tính tục

Ngọc đường nay tới thẹn cung tiên

Đất nầy thuở nhỏ từng du hí

Gặp lại ngày nay đã biến thiên…

Nhưng rồi một hôm tình cờ gặp lại một bạn cũ, đến nhà chơi, nhìn trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt, cùng nhau ngồi thâu canh uống trà nhắc chuyện xưa, cụ Hải Thượng lại làm bài thơ sau:

Chén trà lồng bóng nguyệt

Sắc trăng tựa băng thanh

Mộng tỉnh người thiên lý

Chuyện tàn, quá nhị canh.

Lời nghe sao thích thú

Trà cạn cứ phong phanh

Tinh tú chuyền nhau thơ

Ngắm xong muốn cưỡi Kình!

 (Chú thích: phong phanh là nấu nước – Lý Bạch tự xem mình là khách “cưỡi kình”).

 

Cảm động nhất là lần được phủ Chúa cho nghỉ phép năm ngày, trở về thăm quê nội ở huyện Khoái Châu, sáng sớm đã ra khỏi thành để qua đò Thanh Trì, sang sông Hồng. Nhà nội tổ cụ ở Liêu Xá, bên kia bến Bát Tràng. Người thân gặp đầu tiên là bà chị dâu, tuổi ngoài bảy mươi, tóc bạc như tơ. Chị em gặp nhau sau hàng chục năm xa cách, vừa cười vừa khóc trong nỗi nghẹn ngào.

 

Bà con thôn xóm hay tin, kéo đến thăm đầy nhà. Đám nhi đồng thuở nào cùng cụ chơi diều, đánh đáo, thì bây giờ đều tóc bạc răng long, tên tuổi cụ nhớ lung tung. Đây là bản dịch một bài thơ “cảm hứng”.

Một chuyến thăm làng cũ

Buồn nầy sao kể xong?

Chơi bời thuở xưa ấy,

Lưu lại bao tình nồng

Chùa mới, khóm trúc rậm

Đình xưa, hoa cỏ lồng!

Nhi đồng cùng lứa gặp

Tên cũ nhớ lung tung!

Rồi cụ đi chơi rong, thăm bà con, làng cũ nay đã chia thành hai thôn, nói liền bởi một cái cầu gỗ bắc qua khe nước. Và lại ngâm bài thơ “Hoài cổ”, dịch như sau:

Chốn ấy xưa du ngoạn

Nhìn trong lòng ưu phiền

Lá vàng bao độ rụng

Dòng nước trắng cứ tuôn

Cầu bắc xưa vẫn đứng

Lan can tựa đã xiên

Sau năm tháng cách biệt

Bao thân bằng không còn!

Rồi nhà thơ sực nhớ tới người anh, mỗi lần tắm suối đùa giỡn, thường bảo: “Ta còn nhỏ, hãy vui chơi cho thoả; sau này lớn lên đi xa, làm sao có thể trở lại bơi lặn vui đùa như bây giờ”.

 

Hơn nửa thế kỷ sau, thi sĩ Pháp Lamartine có bao vần thơ cho đến ngày nay nhiều anh chị em chúng ta còn thuộc lòng khi nhà thơ lãng mạn tả tâm trạng lúc trở lại thăm cảnh cũ vật xưa ngày tóc đã nhuộm sương, nhìn như mọi thứ đều chứa một tâm hồn ràng buộc cùng mình (Objets inanimés, avez-vous donc une âme? Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer!) Từ bao đời nay, văn học ta, dân tộc ta, vẫn cảm thông và trân trọng tình cảm thiêng liêng ấy. Chỉ có ai vừa quá ngu si vừa không còn nhớ cội nguồn Việt Nam mới có ý nghĩa cho rằng do kinh tế khó khăn mà ta vẫy tay kêu gọi Việt kiều rải rác bốn phương trở về thăm lại quê cha, dù chỉ một lần, tắm lại giòng nước mình đã từng quen thời còn chừa chỏm, như Hải Thượng đã làm 200 năm xưa trong mấy ngày sống lại bên bờ sông Nhị.

 

*

*          *

 

Tập Ký sự lên Kinh lưu lại một chuyện cảm động về tình yêu. Hải Thượng thuật: Thuở nhỏ ta cầu thân với con gái quan Tham Chính ty Sơn Nam, ở xã Huệ Cầu, đã nạp lễ vấn danh và lễ hỏi. Nhưng rồi sau đó, do thời cuộc đẩy đưa, cản trở, ta phải hồi cư về Hương Sơn lập nghiệp, cưới vợ. Mấy năm sau, nghe nói vị quan đã từ trần và người con gái ta quen có một công tử đến cầu hôn, nạp đủ sính lễ. Thế rồi, lần này trở ra Thăng Long, chữa bệnh cho chúa Trịnh, có hai ni cô già đến xin gặp khuyến hoá chút tiền về đúc chuông chùa Huệ Cầu. Thì ra một trong hai sư nữ đó là người yêu xưa của công tử nhà họ Lê. Sau khi cha tạ thế, ông anh cô ép gả cho một sinh đồ trong làng, nhưng cô không thuận, cắt tóc đi tu đã gần 40 năm rồi.

 

Nghĩ làm sao bây chừ? Trước mắt đã mờ lại còn đẫm lệ của cụ lang y già, nhưng nhìn ra người yêu cũ vẫn còn đẹp như xưa. Nỗi lòng của Hải Thượng gói ghém trong mấy câu thơ như sau:

Mình đã hại người, chẳng hiểu ra!

Nhìn nhau càng thấy bao xót ra,

Tuy cười tình bạn mà rơi lệ,

Hai mắt xuân tàn vẫn thấy hoa!

Cuộc sống anh em xin kết nghĩa,

Kiếp sau mong ước được chung nhà.

Ta không phụ bạc mà thành phụ

Ai biết làm sao xin giúp ta!

Hải Thượng mời ni cô Huệ Cầu đi vào Châu Hoan tu, nơi gia đình cụ có sẵn một cái am, để cụ được chăm sóc, lo cho cái ăn cái mặc hầu báo đáp sự cao tiết của người yêu xưa và chuộc lại lỗi mình.

 

Bà sư già từ chối: “Không đi được, vì không thể lo cho mình mà bỏ lại Huệ Cầu, mồ mả tổ tiên không ai lo. Nếu quan nhân còn nghĩ đến tôi, nghe nói Hoan Châu có nhiều gỗ tốt và rẻ, xin về nhờ mua giúp một cỗ quan tài để dưỡng già trong những năm còn lại ở chùa”. Về sau, khi trở về Hà Tĩnh, Hải Thượng đã tìm mua được gỗ quý gởi ra tặng và luôn luôn viết thơ thăm hỏi, tặng biếu thuốc men.

 

*

*          *

 

Sau mùa xuân 1975, nhiều người trong chúng ta đã gặp lại bạn bè thuở nhỏ, có khi là người mà hàng chục năm xưa cùng mình từng yêu trộm và mong sẽ kết bạn trăm năm. Rồi Cách mạng mùa thu đã đến, rồi kháng chiến chống Mỹ lâu dài. Anh em đồng chí ta ra đi với bao kỷ niệm bền vững về cảnh cũ người xưa. Ngày hoà bình trở lại, từ bưng biền và rừng xanh trở về, lòng chúng ta cũng như lòng Lê Hữu Trác ngày trở lại Thăng Long, xôn xao một thoáng buồn man mác khi hỏi thăm lại từng người, và biết rằng họ đã không có nhiều hạnh phúc trong cuộc sống. Có kẻ vì bị cát bụi thị thiềng làm mờ đi một phần nhân cách, nên ngại ngùng gặp lại ta để gợi lại chuyện thiếu thời.

 

*

*          *

 

Theo cách gọi truyền thống Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông là điển hình “kẻ sĩ”. Theo định nghĩa của Bùi Huy Bích (trong Lữ trung tập thuyết): “Sĩ phu là người mà sinh ra ở thời nào thì làm theo cho hết Đạo với thời ấy”. Từ ngày bước vào hành động xã hội, đi ngược lại với bao nhiêu con đường của trí thức đương thời, cụ đã viết trong bài tựa Y huấn cách ngôn “Đạo bao la khắp chỗ, đâu chẳng có, từ việc nhỏ đến việc lớn. Đấy là làm tất cả cái gì giúp cho con người, và đất nước yên vui”. Đạo của dân tộc ta là thế!

 

Ngay vào thời ấy, giới trí thức Việt Nam cũng “đa nguyên, đa đảng”. Có người hiểu “Đạo” là tôn thờ vua Lê, kẻ lại hiểu “Đạo” là nên theo chúa Trịnh. Cùng theo chúa Trịnh cả, nhưng lại chia ra phe phò Trịnh Khải, phe ủng hộ thế tử Trịnh Cán theo lời trăn trối của Trịnh Sâm. Do đó, tai hoạ cho đất nước tất nhiên khó tránh, sinh đại loạn kiêu binh. Bọn tự xưng là “trung thần không phò nhị chúa”, chạy theo quân Tàu là Lê Chiêu Thống bị Nguyễn Huệ tống cổ ra khỏi bờ cõi Việt Nam, với hy vọng sẽ “chuyển lửa về quê nhà” một ngày nào đó nhưng không chuyển nổi, đảnh sống nhục nhã trên đất khách mà ăn nhờ và gởi xương nơi chốn quê người.

 

Triều Mãn Thanh thời Càn Long, cũng như bọn xâm lược trong lịch sử, lại bắt tay với người đã thắng họ, vì quyền lợi, và không có cách gì hay hơn là nối lại bang giao với Quang Trung.

 

Chứng kiến những diễn biến lịch sử xã hội ấy, Hải Thượng để lại cho con cháu mấy lời khuyên ở trang cuối cùng của tập Thượng Kinh ký sự. Tôi xin chép lại dưới đây, gần như nguyên văn những lời dạy ấy để làm kết luận cho bài viết này:

 

“Ví phỏng ý nguyện ta lúc đầu là được một quan chức gì có quyền, có thế, thì ngày nay danh chưa thành thân đã mang nhục, dù có hối hận, cũng đã muộn rồi. Ta may mắn giữ được lời thề với quê hương, tuy từng lui tới chốn danh lợi mà chẳng để cho danh lợi mê hoặc. Triều đình mà mời thì bẽ bàng mà đến, nghênh ngang mà đi, ngủ trước hoa, mơ màng trong mộng. Chợt nghe như có lời nói văng vẳng: muốn suốt đời khỏi bị ai chê cười, thì nên giữ cho lòng không tham, tham quyền thế hay tiền của. Mai sau, con cháu xử thế phải nhớ điều nầy, nếu muốn noi gương sáng: biết tuỳ duyên thủ phận, biết tự kiềm chế, tự ngừng, tránh tìm cái vinh trong tham lam, thủ đoạn, xu thời”.

 

(Bài đã đăng trên tạp chí Văn TP. Hồ Chí Minh).

 

 

 Trở lại mục lục