thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
17

Người bác sĩ anh hùng mang “hồn dân tộc”

 

“Dân tộc hồn” là ba chữ vàng mà quần chúng Thượng Hải thêu trên cờ đỏ tặng Lỗ Tấn cuối năm 1936 khi tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhân dân Nam bộ có thể dùng ba chữ ấy để thêu trên bức trướng để mừng thọ bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng ngày 22 tháng chạp 1990 vừa qua tròn 85 tuổi; bên cạnh quà tặng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (một xấp lụa Hà Đông), và quà biếu của đồng nghiệp học trò.

 

Năm 21 tuổi, Lỗ Tấn sang Nhật Bản xin vào trường Y, xuất phát từ ý muốn dùng y học để cứu nước, trước hết là cứu những người vì dốt nát mê tín mà phải chết sớm như cha ông. Cũng năm 21 tuổi, cậu tú Nguyễn Văn Hưởng xin vào trường thuốc Hà Nội vì nhớ đến cái chết thê thảm của mẹ, của ông nội và bao nhiêu bà con làng xóm năm anh mới năm tuổi, trong một phen dịch tả bạo hành. Đó là một gia đình nho phong nền nếp ở Cù lao Giêng trên sông Tiền. Khi thấy con dâu hiếu thảo lâm bệnh lúc tuổi còn quá trẻ, Nguyễn Văn Nhứt vừa làm ruộng, vừa dạy chữ Nho và nghề võ (ông nội bác sĩ Hưởng) đốt đèn ngoài sân, suốt đêm cầu trời cho mình được thế mạng dâu để chị sống mà nuôi con. Trời đã không đáp ứng lời cầu xin, ngược lại một tháng sau, khi bắt luôn ông đi theo bàn tay chúa ôn.

 

Cho đến năm 1935, hệ bác sĩ ở trường Y Hà Nội, chỉ là chi nhánh của Y khoa Đại học Paris, năm cuối cùng phải sang Pháp học tiếp rồi thi tốt nghiệp. Chính các bệnh dịch hàng năm hoành hành ở vùng châu thổ sông Cửu Long giải thích tại sao bác sĩ Hưởng đi sâu vào vi trùng học, và trở thành “cựu sinh viên Pasteur” mong sẽ góp phần giải quyết nạn dịch trời cho quê hương. Sau khi về nước năm 1932, ông không mở phòng khám tư để mau làm giàu mà xin vào làm ở Viện Pasteur Sài Gòn.

 

Pasteur từng nói: Khoa học không hề phân biệt xứ sở. Nhưng ở đất thuộc địa, sự phân biệt ấy quá rõ ràng. Công trình khoa học của người bản xứ khi muốn in lên tập san phải để tên sau một bác sĩ Pháp đỡ đầu, mà sự thật là cướp công trắng trợn. Cùng việc như nhau, nhưng chức vụ và lương bổng phải thấp hơn một vài bậc, dù là lương phát từ một Viện phi chánh phủ. Không thể tự do lo cho dân mình khi mình là người mất nước.

 

Cách mạng tháng 8 -1945 đến, đáp ứng khát vọng yêu nước, thương dân của người thầy thuốc Tây y mà ngay thời Pháp thuộc đã được sự kính trọng của đồng nghiệp, bởi lòng tận tụy với nghề, không mảy may vụ lợi, cũng như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Bởi vậy sự “ra đi kháng chiến” của hai anh đã kéo theo sự “ra đi” của nhiều bác sĩ khác. Và đa số những người ở lại do hoàn cảnh gia đình đều ngầm ủng hộ Cách mạng, dù hai Thủ tướng đầu tiên của Nam kỳ quốc đều là bạn đồng nghiệp quen biết (Nguyễn Văn Thinh rồi Lê Văn Hoạch). Là một môn đồ suốt đời sùng bái Pasteur, Nguyễn Văn Hưởng nhớ rằng nhà bác học vĩ đại này cũng từng nói: Nhưng nhà khoa học nào cũng có một tổ quốc.

 

Lỗ Tấn ngày xưa học thuốc xong chuyển sang văn nghệ, bởi ông nghĩ rằng chữa bệnh thể xác cho từng người không quan trọng bằng lo thức tỉnh tinh thần của một dân tộc bị tha hóa. Được cách mạng giao cho nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho quảng đại nhân dân lao động, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng suy nghĩ tìm ra cách chữa trị đơn giản, không tốn tiền với phương tiện lúc nào cũng có tại chỗ cho hàng nghìn, hàng vạn bệnh nhân. Thời chống Pháp, anh đã phổ biến: toa thuốc căn bản và nghiên cứu, luôn luôn bổ sung với hàng trăm dược liệu tại chỗ cho nhiều bệnh khác nhau. Người bác sĩ trở lại con đường mà dân tộc đã phát hoang từ Tuệ Tĩnh đến Lãn Ông, để giúp Ngô Sĩ Liên sống khỏe và lao động tới 98 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm tới 94 tuổi. Anh xây dựng “phương pháp dưỡng sinh” từ tác phẩm “Vệ sinh yếu huyết” của Lê Hữu Trác kết hợp với kiến thức hiện đại về sinh lý học. Anh cố gắng làm cho mọi người theo khẩu hiệu cách mạng của Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam dân” và tin vào khả năng chống bệnh tật bằng ý chí và nghị lực của mình dựa trên một số hiểu biết cơ bản.

 

Đối với tuổi già, điều đáng lo nhất không phải là cái ăn, cái ở mà là “hội chứng cô đơn”. Mời du khách đến thành phố Hồ Chí Minh một sáng sớm bình minh chim hót, hãy đến các công viên lớn. Bạn sẽ gặp hàng trăm cụ già nam, nữ từng tốp vui đùa và thao tác dưỡng sinh theo phương pháp bác sĩ Hưởng.

 

Tết năm nay, rơi đúng vào ngày giỗ lần thứ 200 của cụ Lê Hữu Trác. Chúng ta nhớ “bài tựa” cuốn Y huấn Cách ngôn của Hải Thượng thuật lại cuộc gặp gỡ của cụ với Tân Thủ Khoa họ Trần, một ngày xuân nọ, đến thuyết phục cụ nên ra làm quan, viện lẽ rằng Việc làm thuốc chỉ là một nghệ thuật mà thôi, không chính thức là nền tảng đạo lý của người đời. Và cụ đã thở dài, đáp: Cái lý của Đạo trong trời đất bao la đầy khắp, từ cái nhỏ đến cái to kể ra không xiết. Đó là làm cái gì giúp cho người ta yên vui. (Trích bài Tựa).

 

Bạn đồng thời của cụ là nhà văn, nhà nghiên cứu Huy Bích từng định nghĩa sĩ phu chân chính là người ở thời nào thì làm hết Đạo với thời ấy. Họ Bùi cũng đau lòng trước cảnh nghèo khổ, dịch bệnh của nhân dân. Nhưng do cái khái niệm “đạo lý” không rõ ràng (vì ai? Cho ai?) nên khi nhà Trịnh mất, ôm u uất mà sống nốt 30 năm cuối của cuộc đời dài ngót 75 năm.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là một sĩ phu của Cách mạng tháng Tám, đang sống siêng năng vui về, hòa hợp với người đi trước, làm gương sáng cho đồng nghiệp đi sau. Sáng tập thở, luyện Yoga, rồi đến bệnh viện Y học dân tộc mà anh là cố vấn. Chiều, sắp xếp, tra cứu bao nhiêu toa thuốc gia truyền các nơi gởi đến, bởi đang thực hiện “Đạo” theo lời dạy của Bác Hồ trong Con đường Kách Mệnh và lời của người xưa:

 

Lánh đời Y – Đạo quyết tâm theo (Hải Thượng Lãn Ông)

Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm (Nguyễn Đình Chiểu).

 

Anh vẫn nhanh nhẹn, thanh thoát; tay chưa run, mắt không mờ. Với tin Xuân vui này gởi cho tất cả anh chị em ngành y tế Việt Nam chúng tôi chắc chắn rằng bốn năm nữa, sẽ có dịp dùng hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trích trong bài “Cảnh nhàn lúc tuổi già” tặng người “anh hùng lao động” thầy thuốc nhân dân:

 

Chín mươi thì kể xuân đà muộn

Xuân ấy qua ngày, xuân khác còn.

 

(Bài đã đăng báo Đại Đoàn Kết ngày Thầy thuốc Việt Nam – 1991)

 

Trở lại mục lục