thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
11

Qua những ngày Tết trong kháng chiến,
tôi hiểu thêm thơ Tết của người xưa

 

Từ xưa đến nay, đã có bao nhiêu bài thơ viết ra để “Mừng Xuân” hay “Vui Tết”. Nhưng cảm xúc của tác giả chưa hẳn đã có thật.

 

Tình cảm phản ánh hiện thực khách quan thông qua đợi chờ, mong ước của con người. Nói một cách khác, đó là phương trình toán học y = ax, trong đấy y là xúc cảm sinh ra, a là nhu cầu cá nhân và x là hiện thực khách quan. Năm nào cũng vậy, x ở đây là “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh” thì rõ ràng xúc cảm y hoàn toàn bị lệ thuộc vào a có được thoả mãn hay không, để biến chất thành ý thơ xuân chân thực.

 

Chỉ có trẻ con, mới mong chờ Tết đến để được ăn ngon, mặc quần áo mới, mới thực sự vui mừng. Nhưng các cháu lại chưa biết làm thơ, và làm sao hiểu được cái lo lắng băn khoăn của mẹ cha, khi năm qua Tết đến.

 

Ngay đến cụ Nguyễn Công Trứ, suốt đời chiếm một địa vị xã hội mà biết bao nhiêu người đương thời thèm muốn, dù cho con đường làm quan của cụ có lúc thăng trầm “khi xuống chó lúc lên voi”, bình thường vốn lạc quan, yêu đời và quyết tâm hưởng thú vui của cuộc sống đến hết ngày chống gậy rụng răng, thơ xuân của cụ vẫn đượm mùi chua chát:

 

Chiều 30, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa

Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà,

 

Hành động “bồng ông Phúc vào nhà” chỉ là ảo giác của người say, nghĩa là không hề có Phúc nào cả. Cũng như “đạp thằng Bần ra khỏi cửa” giống quét sạch nhà chiều ba mươi để kiêng động hào tài vào buổi đầu Xuân. Nhưng xong Tết rồi, rác rưởi lại nhiều thêm, và càng túng thiếu do bạc bài, chè chén.

 

Cũng lắm khi thơ Tết chỉ phản ánh cái tâm trạng khó chịu bực bội, như trong câu đối này của Tú Xương:

 

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi

 

Bởi chưng cái lý do ấy, cho nên muốn cho Tết của ta thật vui, Xuân đem đến hào hứng cụ thể, thì “hiện thực khách quan” trước mắt ta không phải là chữ x quá bé nhỏ, mà là X hoa thật to, bao trùm cả đất nước quê hương. Mong chờ a cũng không thể gói ghém vào cái ăn, cái mặc, cái vui riêng cho gia đình hay cá nhân mình, mà là nhu cầu A của rất đông đảo người. Từ đáy lòng, không thể nảy ra rung động nào cả để chuyển thành ý thơ xuân hay nếu như lời một nữ thi sĩ, chỉ có:

 

Đĩ nhởn mơ chiếc váy sồi đen nhức

Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm!

 

Tôi đã hiểu ra điều ấy qua hai cái Tết phấn khởi và vui vẻ nhất của đời tôi, mặc dù về phương diện “cơ sở vật chất” (rượu, thịt, bánh, trái) và “trình độ tổ chức” (nằm ở giữa rừng) kém thua rất xa bao nhiêu cái Tết mà tôi đã sống qua.

 

Tết thứ nhất là năm Mậu Thân (1968) cách nay vừa đúng một con giáp.

 

Buổi chiều cuối cùng của năm Mùi, trong rừng trời tối sớm, dù cũng như tư thất của mọi cán bộ, nhà tôi bốn về không vách, và nóc lợp nilông xanh, vẫn để ánh sáng khó lọt vào. Tôi tranh thủ lúc nhá nhem, hí hoáy dán giấy màu lên mấy chiếc lon thiếc đựng cát, trong đó cắm hoa hoang dại vừa hái. Y tá đến gọi: “Mời chú đúng 7 giờ đến hội trường họp, quan trọng lắm, có đặc phái viên của Trung Ương cục đến”.

 

Trước giờ định, tôi đã có mặt tại phòng họp lợp bằng lá trung quân chống lửa, trang trí khá đẹp. Tôi nóng lòng muốn biết vị “đặc phái viên” ấy là ai mà lại đến vào lúc chính ông Táo trong nhà cũng còn chưa về.

 

Thì té ra là anh sáu M…, trưởng phòng quản trị mà hằng ngày anh em vẫn thường tìm để xin thứ này thứ nọ. Nếu như mọi lần khác, gặp anh trong bộ quần áo bà ba xám nhuộm bằng ruột pin Con Ó hay con Dê, dép râu quai không móc vào gót, thế nào tôi cũng chào đùa một câu. Nhưng hôm nay trông anh nghiêm nghị và oai vệ quá, mặc đồ chính quy vải kaki Nhật Bổn bóng nhoáng, mang giày da đàng hoàng, thành ra tôi ngán, không dám thốt ra lời tếu!

 

Buổi họp khai mạc, không phải chỉ với sự có mặt của cán bộ bệnh viện Hoàng Lệ Kha, mà còn có tất cả anh chị em bệnh nhân ráng đi được, toàn là cán bộ trung cao cấp của Mặt trận. Ánh sáng của ba chiếc đèn bão, vặn lồi tim hết mức, toả lên lá cờ Đảng rộng lớn và mới tinh, rõ ràng là cờ của “đặc phái viên” mang theo. Trên chiếc bàn phủ vải bông, có ảnh Bác Hồ sau một lọ hoa tươi.

 

Sau khi chào cờ, anh Sáu bước lên, giọng dõng dạc nhưng rõ ràng là xúc động. Anh tuyên bố “Lệnh”! Chúng tôi đợi chờ, im phăng phắc, nhìn anh rút trong túi áo ra một tờ giấy và chậm rãi đọc từng tiếng một. Đó là lệnh của Trung ương cục, phát động toàn Đảng, toàn quân dốc toàn lực vào cuộc Tổng phản công Xuân Mậu Thân sẽ mở màn trong những giờ sắp tới!

 

Mấy ngày Tết sau đó, tin chiến sự nổ ra dồn dập, niềm hân hoan phấn khởi tràn ngập mọi tấm lòng, minh hoạ cho thơ của Bác Hồ đọc lên trong lúc giao thừa “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp mọi nhà!”.

 

Đây là một cái Tết mà không ai còn thiết tha với những bài ca cải lương hay nhạc. Mọi lỗ tai đều như nghiêng về máy thu thanh bán dẫn, nhặt tin từng giờ của đủ cả mọi nguồn: đài ta, đài địch, đài BBC, đài Úc, đài Nhật, đài Mỹ Tiếng nói Huê Kỳ. Nghe tiếng Việt chưa đủ thoả mãn, anh em bệnh nhân còn phân công nhau để canh cả các buổi phát thanh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, xem họ có nói gì thêm không.

 

Ông Khổng Tử bên Tàu ngày xưa đã nói sai khi dạy học trò: “Ba ngày không nghe nhạc thì ăn cơm không ngon”. Vì mấy ngày Tết năm ấy không ai thèm nghe nhạc, chỉ thèm nghe tin tức và lời bình luận, mà bệnh nhân lại ăn cơm rất ngon, không phê bình món ăn nào dở, làm cho y tá và chị nuôi đều phấn khởi. Mấy bộ mông sưng lên vì tiêm quá nhiều thuốc không còn kêu đau nữa khi ráng trỗi dậy nghe đài. Trên nhiều gương mặt xanh xao vì sốt rét và thiếu ăn gậm nhấm cơ thể lâu ngày, đã thấy hiện ra nhiều nụ cười sung sướng. Triệu chứng mô tả trong sách bệnh lý học dường như thay đổi, đảo lộn. Các lỗ tai lùng bung, ù lên, vì thuốc kí ninh nên không còn nghe rõ, sao lại mỉm cười một cách bao dung khi anh bạn bên cạnh đã không chịu đáp ứng yêu cầu mình nêu “này, này, nó vừa nói gì đó, thuật lại cho tôi nghe với”, còn lại trả lời một câu cụt lủn: “Im đi nào, để người ta nghe nốt!”. Bình thường đáng lẽ phản ứng “cáu gắt, dễ nổi xung” phải là tất yếu ở kẻ suy nhược thần kinh và bị viêm gan do sốt rét!

 

Từ đấy mà suy, tôi hiểu rõ tại sao, từ đáy lòng của một người luôn luôn ốm đau, bệnh hoạn, lại có thể vang lên những vần thơ xuân rất yêu đời và tràn ngập niềm vui:

 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai

 

(Mãn giác thiền sư –

Nguyên văn bằng chữ Hán, Hoài Thanh dịch).

 

Tôi cho rằng: Nhà sư làm bài thơ này Xuân năm Đinh Tỵ (1077) cách đây đã nghìn năm. Vì đây là lúc Lý Thường Kiệt đang đại thắng quân Tống xâm lăng, bên ta hy sinh không tới một vạn chiến sĩ mà theo sử sách, thiệt hại của quân Tống lên quá 30 vạn người; tính riêng một trận Ung Châu đã có sáu vạn quân xâm lược bị diệt.

 

Thiền sư vui thực sự, bởi nhà vua đang trị vì, Lý Nhân Tôn, từng làm học trò của cụ khi còn là Thái tử Càn Đức; cụ còn là cố vấn được tin nghe của Thái Phi Ỷ Lan nhiếp chính. Trong cái hãnh diện chung của cả dân tộc, cụ phải hết sức vui khi nghe đồng bào bắt đầu hát, cũng kể từ Xuân ấy:

 

Nực cười châu chấu đã xe

Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.

 

*

*          *

 

Thơ Xuân của Nguyễn Trãi thường không vui. Ngay cả khi cụ lấy đề là “Đầu xuân đắc ý” (bài thơ số 193 trong Quốc âm thi tập), hoặc cầm đuốc đi chơi Xuân:

 

Tiếc Xuân cầm đuốc mảng chơi đêm

Những lệ xuân qua tuổi tác thêm

Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ?

Một phen liễu rủ một phen mềm

 

(Đêm trừ tịch – bài thơ số 194)

 

Tuy nhiên, có một lần, Nguyễn Trãi đã thấy “Xuân cười”, và cụ cùng cười với Xuân:

 

Một đoá đào hoa khéo tốt tươi,

Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười.

 

Trong Quốc âm thi tập, bài thơ này đánh số 227. Nhưng tôi nghĩ rằng ý thơ đó đã nảy ra trong một cái Tết mà tổ tiên ta vừa thắng quân nhà Minh xâm lược sau một cuộc đọ sức và đấu trí thông minh. Không phải bởi cái lý do là thơ Nguyễn Trãi khi về hưu thường chứa nỗi u hoài, mà chính vì cái tâm trạng viết ra trong bài thơ “Hoa đào” trên đây cũng là tâm trạng của tôi trong một dịp Tết khác: Tết năm 1973, sau khi vừa ký hiệp định Paris giữa ta và Mỹ.

 

Xế chiều 30 tháng chạp, chúng tôi từ biệt khu rừng Sóc Chùa, chuyển bệnh viện về ngã ba Lò Gò, nơi giáp mối tỉnh lộ 13 và 20, để tiện đón đưa khách ra vào thị xã Tây Ninh. Đường rừng quanh co, lổm chổm rễ cây và ổ gà. Chiếc xe vận tải chở đồ đạc và người cứ chồng chềnh, lắc lư. Nhưng thật là khoái chí, vì đây là lần đầu sau nhiều năm “trai tịnh”, tôi được ngồi trên chiếc ô tô thơm giòn hơi xăng!

 

Đám thanh niên mang súng theo bảo vệ cũng hào hứng đến chỗ trở nên tếu: mỗi lần tránh hay qua mặt một chiếc xe khác dù lạ hay quen, họ cũng chào nhau bằng mấy “ra phan” tiểu liên cho nổ lên trời, gọi đó là pháo đón ông bà. Quả thật Xuân đang cười mà đến. Và tôi cùng cười với Xuân, một cái Xuân hồng, đương phủ lên thân thể mọi người một chiếc áo hồng bụi bặm: Rừng đất đỏ miền Đông ở mùa khô nắng mà!

 

Xe trục trặc phải ngủ lại giữa một quãng đất rộng hàng chục mẫu, chờ sáng xem máy lại rồi sẽ đi tiếp. Vả lại, đã có nhà cửa gì đâu mà vội về cho sớm?

 

Đêm giao thừa, đón Xuân giữa đồng thơm mùi cỏ khô, xa hẳn xóm làng, nhưng tôi không cảm thấy hiu quạnh chút nào. Lòng lại rộn lên một niềm vui chưa bao giờ có. Rót ra từ một chiếc “bình tong lật úp”, vừa làm bình vừa làm ấm, mà chỉ có anh chiến sĩ miền Đông mới biết dùng rất khéo léo tinh vi, chén trà đầu tiên trong năm mới ấy mang hương vị ngọt ngào khác thường. Chúng tôi bàn nhau sẽ xây cất “bệnh viện” như thế nào để cho các anh chị em trí thức quen ở Sài Gòn ra chơi có chỗ nghỉ ngơi thoải mái, rước đón ra sao cho anh em cảm thấy không khí mát mẻ, đậm tình. Cũng như chúng tôi đang căng lồng ngực ra mà hít cái không khí dễ chịu của cánh đồng khô, về đêm lộng gió bốn bề, không còn thở cái ngột ngạt của rừng dày vào lúc đêm khuya. Phải chăng cũng với tâm tình na ná như thế, mà Nguyễn Trãi đã viết ra một bài thơ xuân đề vịnh “cây mai”:

 

Càng thuở già, càng cốt cách

Một phen giá, một tinh thần

 

Nhưng Tết kháng chiến nào chỉ dạy cho tôi hiểu thơ Xuân vui, thơ Xuân thanh thản của người xưa! Còn có thơ buồn, thơ bực… cũng viết lên trong dịp Tết.

 

Cụ Nguyễn Xuân Ôn, thời vua Hàm Nghi, nhìn thấy nhà vua làm lễ sóc trong ngày mồng một Tết, đã kêu lên:

 

Bày trò cốc sóc có ra gì?

Thành quách nhân dân khác mọi khi…

…Cười nói trong cung nghe rả rích

Lom khom sân trước để làm chi?

 

Tôi cũng từng mang cái tâm trạng đó ở một dịp Tết cách nay đã 34 năm, cái Tết đầu tiên tôi xa gia đình sống theo kháng chiến.

 

Tết năm Tuất ấy (1946), giặc Pháp từ thị xã Mỹ Tho, vượt qua sông Tiền, đánh về hướng An Hoá, Bến Tre, ngay buổi đầu Xuân. Uỷ ban tỉnh đóng tại thị trấn Mỹ Lồng. Tôi từ bệnh viện, rời cấp tốc khỏi Phú An Hoà về Phong Nẩm, chạy ngang qua đó một buổi chiều ảm đạm buồn hiu: tử thi của mấy chiến sĩ ta vừa được đưa từ tam bản, cất lên bờ sông, chờ làm lễ an táng. Bầy ruồi khốn nạn vo ve trên vết máu chưa khô; các bà mẹ dung khăn rằn ướt đầm nước mắt đuổi đi không xuể.

 

Sáng hôm sau, tôi theo xuồng về Hương Điểm, rồi từ đó phóng xe đạp ra bờ Hàm Luông, quyết sang sông đi tìm anh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đương cư ngụ tại làng Minh Đức, thuộc huyện Mỏ Cày.

 

Lòng nặng trĩu và hoang mang, tôi xiết bao bực tức khi nhìn thấy, dưới bóng râm của giàn bầu, có những chị em cười cười nói nói, vô tư ngồi chơi bài tứ sắc hay đánh ở trên đệm. Ở một sân đình, dưới tàn cây đa, có một đám đông kẻ đứng người ngồi hình vòng tròn; và từ đó vang lên các tiếng hò la đầy sảng khoái, nghe nhức óc, chối tai: “Con Điều bị thương ở mắt rồi! Bên gà Chuối phóng mười ăn năm đây, ai bắt? Nào, xáp đại vô đi con, Chuối!” Đến nhà anh Bảy Thủ, tay bắt mặt mừng chúc năm mới cho trên một chục anh em bác sĩ, dược sĩ cùng tập trung nơi đây để ăn Tết với anh Thạch, như bác sĩ Nguyễn Văn Tân, đương kiêm giám đốc Sở y tế Nam bộ, bác sĩ Mạch Dùng, Nguyễn Xuân Bái v.v… lòng tôi khuây khoả rất nhiều. Nhưng khi chỉ còn một mình anh Tư Thạch, đi bộ tiễn tôi ra đến gần chợ Tân Hương, tôi kể lại cho anh nghe những điều đã thấy và kết luận: “Như thế này, nhắm còn mần ăn gì được hay không?” Anh đáp: “Những cái “toa” thấy vẫn là số ít. Họ còn thờ ơ là vì chưa hiểu hết, chứ không phải xấu”. Anh lặng lẽ đi thêm ít bước, rồi tiếp: “Nhưng thế nào rồi trong đám anh em mình tập họp nhau hôm nay cũng có người bỏ cuộc. Nhưng dù đi hay ở, miễn là anh em giữ được liên lạc tốt với mình. Đối với “toa”, “moa” cũng thành thật dặn như vậy. Đi hay ở là tuỳ, nhưng hãy giữ liên lạc, đừng có tự ái hay sĩ diện”.

 

May cho tôi là đã giữ được liên lạc chặt chẽ với anh Tư Thạch, cho đến ngày anh trút hơi thở cuối cùng trong một túp lều tranh giữa rừng xanh trước mặt chúng tôi, khóc vì đớn đau và bất lực trong khoa học. Hôm ấy cũng vào buổi tối của một ngày Tết, nhưng là cái Tết mở đầu cho mùa Xuân của khắp nhân loại cần lao. Đó là bữa mồng 7 tháng 11 – 1968, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười 1917.

 

“Đi hay ở là tuỳ, nhưng hãy giữ liên lạc!”. Lời dặn dò Tết năm xưa của một nhà trí thức lỗi lạc đã quá cố, Xuân Canh Thân (1980) này tôi xin viết lại để gởi cho anh chị em trí thức còn ở xa hay đã ra đi. Bởi vì theo cái phương trình bậc một y = ax nêu ra từ đầu bài hồi ký này, những cái nhu cầu A của giới trí thức chúng ta là vô cùng phức tạp, rất nặng về trí tuệ và tinh thần, chớ đâu phải là những loại a cấp thấp, chỉ xa hay gần lệ thuộc vào các bản năng, như nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, không bị ai quấy rầy. Bởi vì ở đất khách quê người, dù có đủ nguyên liệu để tự tay làm ra bánh tét và thịt kho dưa giá trong ngày xuân, làm sao đáp ứng được cái nhu cầu A luôn luôn đặt ra cho người có tư duy sôi nổi: “Ta đang làm việc cho ai đây? Với cái lý lẽ nào mà ta vui sống?” Có một nhà khoa học lớn, hình như là Louis Pasteur, đã nói: “Khoa học không có Tổ quốc, nhưng nhà bác học thì có!”. Cụ Tú Xương ngày xưa, thích “tối rượu sâm banh sáng sữa bò” là thế, mà trong một bài thơ Tết, vẫn đặt ra câu hỏi như vầy cho các bạn tri âm:

 

Dám hỏi những ai lòng cố quốc

Rằng Xuân, Xuân mãi thế ru à?

 

(Báo Đại Đoàn Kết – Xuân 1980).

 Trở lại mục lục