TIA SÁNG 10/2004

(Lần đầu trên Tạp chí vn2k
1/2002)

 

HIỆN ĐẠI HOÁ, TOÀN CẦU HOÁ

VÀ VẤN ĐỀ CHẢY MÁU CHẤT XÁM 

Trần Hữu Dũng

      Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, hiện tượng “chảy máu chất xám” (từ nước này sang nước khác) là một hiện tượng được nhiều người, trong chính quyền cũng như ngoài xã hội, đặc biệt quan tâm.  Ngay các quốc gia tiền tiến Tây Âu và Canada thỉnh thoảng cũng bộc lộ nhiều lo lắng về chất xám của họ di cư sang Mỹ.  Và chính ở Mỹ, trong vài năm gần đây, do hậu quả những luật lệ cấm đoán một số đề tài nghiên cứu sinh y học tại nước này, cũng bị thất thoát nhiều khoa học gia sang Anh.  Tuy nhiên, cho đến nay, sự chảy máu chất xám trầm trọng nhất vẫn là từ các quốc gia nghèo, kém phát triển Á, Phi, Mỹ La Tinh (và mới đây là Đông Âu) sang các quốc gia giàu, đã phát triển, ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

    Để có một chính sách đúng đắn đối với hiện tượng này, và cụ thể hơn là để cá nhân chất xám có những quyết định sáng suốt cho tương lai bản thân và gia đình, những lý do thường viện dẫn để giải thích cái “không tốt”, hoặc “tốt”, của sự chảy máu chất xám, cũng như những phản luận, cần được khám định cặn kẽ và khách quan.

1.  Tại sao nên quan ngại?

     Có hai ý kiến thường được nêu ra để giải thích cho sự “không nên có” của chảy máu chất xám. Ý kiến thứ nhất thì cho rằng chất xám chảy ra nước ngoài là một mất mát cho những nước nghèo, đã tốn nhiều nguồn lực quốc gia trong hàng chục năm đào tạo chất xám ấy, để rồi lại bị các nước giàu chuổn mất.  Ý kiến thứ hai thì cho rằng sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của người trí thức chuyên viên tại quê huơng họ là rất cao và cần thiết hơn ở các nước đã phát triển, sự vắng mặt của họ là một thiệt thòi lớn cho những nước vốn dĩ đã lạc hậu, nghèo nàn.

     Song có nhiều nghi vấn cần được đặt cho những ý kiến này.  Thứ nhất, phải so sánh đóng góp (cho quê hương họ) của cá nhân liên hệ trong toàn cuộc đời đương sự, không chỉ trong một số năm nhất định nào đó sau khi xuất ngoại và thành tài.  Trong khoảng đời dài đó là những số lượng kiều hối, và những đóng góp sau khi họ có thể trở về nước sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài v..v..  Sự phát triển kinh tế thần kỳ của các nước Đông Á (trước hết là Hàn Quốc, Đài Loan, hiện nay là Ấn Độ và hầu hết các nước trong vùng) phần đáng kể là do những chuyên viên các nước ấy mang tài năng, vốn liếng về đóng góp, sau nhiều năm sinh cơ lập nghiệp tại các quốc gia tiền tiến, nhất là Mỹ.

    Và trên hết phải nhận định rằng năng suất làm việc của họ ở môi trường quê huơng có thể rất khác môi trường nước ngoài, tùy vào ngành nghề và trình độ phát triển của xứ sở.  Nói cách khác, năng suất có thể là rất cao của họ trong việc làm tại các quốc gia tiền tiến không thể dễ dàng “bứng rễ” hồi hương, dù họ có trở về.  Sự đóng góp của một người Việt ở nước ngoài và trong nước, tuy hình thức có khác nhau, không nhất thiết phải là một đàng thì nhiều, một đàng thì ít.

     Thứ hai, chất lượng của chất xám không phải hoàn toàn là sở hữu của cộng đồng, là kết quả đầu tư của nơi họ sinh trưởng.  Một phần đáng kể là do những nổ lực cá nhân của chính họ, không chỉ là do tiền của đóng góp cho sự giáo dục của họ thuở thiếu thời.  “Có công nuôi dưỡng” là một cụm từ cần phải xác định cho rõ.

2.  Tại sao không nên quan ngại?

      Đối với nhiều người khác thì cái gọi là chảy máu chất xám không là một vấn đề cần quan ngại, chẳng phải chỉ vì lý luận của những người cho nó “xấu” (như nói trên) là sai, nhưng còn vì một số lý do tích cực khác.

      Một là, trên bình diện kinh tế khách quan, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, thì những luồng chảy chát xám chỉ là một cục diện của những giao lưu kinh tế thế giới: các “đầu vào” (inputs) luôn có khuynh hướng “chảy”  từ những công nghiệp, những địa phương có thu hoạch thấp đến những công nghiệp, những địa phương có thu hoạch cao.  Theo kinh tế học tân cổ điển thuần tuý, những dòng chảy này càng thông thoáng thì tài nguyên nhân loại càng được phân bố hợp lý, đưa vào những sử dụng có hiệu năng tương đối cao nhất.  Nói cách khác, sự di cư chất xám chỉ là hậu quả của quy luật kinh tế, không có gì đáng quan ngại, cần ngăn trở.

      Hai là, nhìn từ quan điểm người sở hữu chất xám thì sự di cư từ một quốc gia kém phát triển, thậm chí có thể đang trong bom đạn chiến tranh, đến một quốc gia tiền tiến, an bình, có mức sống cao, rõ ràng là tăng phúc lợi cho bản thân và gia đình họ, và qua kiều hối, đóng góp cho quốc gia gốc.  Sự di cư đó là một phần của tự do, dân chủ, quyền căn bản của con người

      Song, cũng chính lý thuyết này, nếu đi sâu hơn, sẽ nêu ra hai dè dặt. Thứ nhất, khi toàn bộ cơ cấu kinh tế còn nhiều “méo mó” (distortions) − chẳng hạn khi còn những công nghiệp độc quyền − thì sự hoàn thiện hơn ở một mảnh nhỏ thị trường (ví dụ như lao động) không phải bao giờ cũng tăng mức độ hoàn mỹ của toàn bộ kinh tế.  Đó là định lý “cái tốt bật nhì" (second-best theorem) nổi tiếng trong kinh tế học hiện đại. 

     Thứ hai, lao động nhiều chất xám là một thứ lao động đặc biệt, không giống những lao động tầm tầm khác, bởi vì nó gây những lợi ích ngoại vi, không phản ảnh hết trong thu nhập của cá thể lao động chất xám ấy.  Thế nên sự di chuyển của nó theo những tín hiệu lợi hại nhìn từ cá thể sẽ không chắc ăn khớp với những lợi hại cộng đồng.   Nói lý thuyết hơn thì hiện tượng này thuộc phạm trù lý thuyết về ngoại ứng (externalities).  Theo lý thuyết này (mà người khai sáng là Ronald Coase, Nobel 1991) thì sự sản xuất hoặc tiêu dùng một sản phẩm hay dịch vụ có thể ảnh hưởng đến những người chung quanh (tốt hoặc xấu) ngoài tác dụng (lợi hoặc hại) cho chính người mua hoặc bán những sản phẩm hay dịch vụ đó.  Nói cách khác, có sự chênh lệch giữa lợi ích (hoặc phí tổn) cá thể và lợi ích (hoặc phí tổn) cộng đồng. Và đối với những loại sản phẩm và dịch vụ có ngoại ứng như thế thì cơ cấu thị truờng thuần tuý sẽ không đem đến sự phân bố tối ưu.

     Thứ ba, nhìn từ quan điểm cá nhân, mỗi người đều cư xử hợp lý khi phản ứng theo những tín hiệu thị trường: dời đến nơi nào, làm công việc gì, cũng là để tối đa hóa thu nhập vật chất và tinh thần của người ấy.  Tuy nhiên, để giải bài toán “tối ưu hoá” đó cho thật đúng, người quyết định cần ý thức rằng hành động của mình có thể (dù rất gián tiếp và vô tình) tăng thêm những chênh lệch bất công giữa các quốc gia, cũng như giữa các tầng lớp xã hội trong một quốc gia, nhất là sự phân hoá giàu nghèo tại quốc gia gốc của họ.

     Để giải thích điều này, nên thử hỏi tại sao có sự chênh lệch quá lớn về lương bổng giữa người làm việc cho các công ty nước ngoài và công ty trong nuớc (đùng nói chi đến cán bộ, công chức).  Theo lý thuyết kinh tế tân cổ điển, lương lao động (nói rộng hơn là tiền bù trả cho mọi loại đầu vào) là tuỳ thuộc vào hai yếu tố chính: (1) năng xuất biên tế lao động (marginal labor productivity) và (2) giá trị thu nhập biên tế (marginal revenue). Yếu tố thứ nhất giải thích một phần sự chênh lệch lương bổng là phản ảnh khả năng cao của những người làm việc cho các công ty nước ngoài: ngoại ngữ họ thành thạo hơn, khả năng vi tính của họ tốt hơn, phong cách giao tiếp của họ năng động hơn, v..v..  Song yếu tố thứ hai nhắc ta nhớ rằng một phần sự chênh lệch lương bổng là hậu quả của thế lực thị trường (mà có thể xem như một hình thức “bốc lột”) của các công ty ngoại quốc.  Nói cách khác, mọi mặt bằng nhau (ceteris paribus) thì công ty độc quyền sẽ trả lương cao hơn công ty cạnh tranh, vì nhân viên trong công ty ấy chia sẻ phần nào lợi nhuận độc quyền đó.  Như vậy, khi nhận lương cao ở các công ty đa quốc gia ngoại quốc, người sở hữu chất xám vô tình đóng góp phần nào vào sự bốc lột bất công trong chính xã hội của họ.

3.   Vài lời cuối

     Xin kết luận bằng một tóm tắt và vài ý kiến riêng.

     Thứ nhất, những hậu quả không tốt của chảy máu chất xám một phần là do những lỗ hổng, những bất toàn, thất bại thị trường (và do đó là cơ cấu kinh tế) trong nước cũng như toàn cầu.  Những lỗ hổng này cần đựơc nhà nước sửa chữa (trong chừng mực có thể) tự cội rễ, một cách toàn bộ, không thể chỉ băng vá qua loa một hậu quả (tương đối là nhỏ) của nó là sự thất thoát chất xám.

    Thứ hai, bản thân người có chất xám phải ý thức được khả năng đóng góp thật sự của mình (và những thu nhập tinh thần cũng như vật chất do sự đóng góp đó) trong những quyết định nghề nghiệp và cuộc sống của họ..

    Quyết định tối hậu phải do người sở hữu chất xám, với ý thức đầy đủ và sâu rộng hậu quả sự chọn lựa của mình.  Đối với nhiều thế hệ trước đây (khi cơ hội tái xuất ngoại là rất khó) thì đây là một quyết định bản lề cho cả đời: giữa quê huơng và thế giới, giữa cá nhân và cộng đồng, cho suốt cuộc đời của người lựa chọn.  Ngày nay, trong hoà bình độc lập, tình trạng đã ít bức bách hơn, song vai trò của người công dân trí thức trong xã hội chậm tiến, lạc hậu thì vẫn còn là quan trọng hơn những đồng nghiệp, đồng song của họ trong một quốc gia đã phát triển.  Nghĩ cho cùng, sự đóng góp vào đời sống cộng đồng là hệ trọng, không phải vì đó là nghĩa vụ mang tính hi sinh, nhưng là một cơ hội để chính bản thân người trí thức có những thu nhập tinh thần cao quý cho chính mình, những thu nhập không thể có được trong xã hội nước người. Và tuy đóng góp ấy không nhất thiết đòi hỏi sự hiện diện trên xứ sở, nó sẽ là khó hơn nếu sống xa quê huơng.

     Hầu như mọi người đều đồng ý rằng nước ta cần phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và niềm ao ước chung là mỗi người Việt Nam, nhất là những người trẻ ở hải ngoại, hoặc là du học hay sinh trưởng ở nước người, sẽ đóng góp được phần nào vào sự nghiệp đó.  Song, ao uớc suông như vậy  là chưa đủ: Vai trò đó, muốn thực tế, phải diễn ra trong cuộc sống và con đường tăng tiến nghề nghiệp của từng người, trong bối cảnh cơ hội mà Việt Nam và thế giới tạo ra cho họ.  Một sự dung hoà, đồng bộ, tương thích là cần thiết

     Một cái nhìn như phác hoạ trên đây, theo người viết bài này, sẽ là hợp tình hợp lý nhất: nó không phủ nhận những khía cạnh không tốt của sự chảy máu chất xám, nhưng đồng thời nó cũng tôn trọng tự do cá nhân căn bản của mỗi người.  Điều cần nhất là phải hoàn chỉnh những cơ chế kinh tế xã hội trong nước cũng như hợp tác với cộng đồng thế giới để sắp xếp lại tương quan kinh tế toàn cầu.  Đồng thời, mỗi cá nhân may mắn sở hữu chất xám phải tự trách nhiệm xác định toàn thể khả năng đóng góp tối đa của mình - và đừng quên những đóng góp đó sẽ có đền bù, dù là tinh thần - trong cộng đồng nhân loại, rồi tự chọn con đường mình đi trong ý thức đó.

Trần Hữu Dũng

Dayton
15 tháng 12, 2001

 

Đọc thêm:

 

Tu chỉnh: 20-8-07