Diễn Đàn
Thư từ Mỹ tháng 7, 2005

 

Về chuyến đi Mỹ của thủ tướng Phan Văn Khải

 

Trần Hữu Dũng

 

Bạn quý,

 

Hẳn bạn đã biết sự kiện nổi bật nhất ở Mỹ trong tháng 6 vừa qua có liên hệ đến Việt Nam là chuyến viếng thăm chính thức của thủ tướng Phan Văn Khải từ ngày 19 đến 25, gần như đúng mười năm sau ngày (11/7/1995) Clinton bình thuờng hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam.   Tuy chuyến đi này đã được nói đến từ lâu, theo báo Los Angeles Times thì Mỹ chỉ chịu mời ông Khải sau khi Việt Nam có những cam kết, vào tháng 4 vừa qua, về tự do tôn giáo.

 

Trước khi rời Hà Nội, ông Khải cho báo Washington Post một cuộc phỏng vấn khá dài.  (Bài này có được “trích dịch” trên báo trong nước, chẳng hạn như VnExpress.  Tuy nhiên, nếu bạn có thì giờ thì nên xem nguyên văn trên Washington Post để thấy những chỗ mà báo Việt Nam không dịch, cũng thú vị lắm!).  Trong cuộc phỏng vấn này, ông Khải nói rõ năm mục tiêu của chuyến đi.   Xin trích VnExpress (18/6/2005): “Thứ nhất là đặt ra khuôn khổ cho mối quan hệ lâu dài trong thế kỷ 21. Thứ hai, tôi mong muốn Tổng thống Bush tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ ba là thiết lập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO). Thứ tư là công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường với việc dỡ bỏ đạo luật bổ sung Jackson-Vanik (bác bỏ quy chế tối huệ quốc với những nước không cho phép di cư tự do). Thứ năm là giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ chiến tranh. Chúng tôi muốn Mỹ có những hình thức trợ giúp thích hợp để xóa bom mìn và giúp các nạn nhân chất độc da cam. Đó là những vấn đề nhân đạo với Việt Nam.”

 

Như vậy, ngoài mục tiêu “chung chung”, trọng tâm của chuyến đi này là thương mại và kinh tế.  Phái đoàn có hơn trăm doanh nhân tháp tùng (mà báo chí Việt Nam cho biết ông Khải đã đích thân chọn lọc rất kĩ!).  Theo tôi thì lộ trình của ông Khải là khá tốt cho mục đích của ông.  Đặt chân xuống Seattle (bang Washington) sáng chủ nhật 19/6, ông Khải khởi đầu cuộc viếng thăm nước Mỹ từ một bang nổi tiếng về công nghệ tân tiến (trụ sở Microsoft, xưởng ráp máy bay của Boeing, v.v), tự hào là ngưỡng cửa quay ra Châu Á Thái Bình Dương của nước Mỹ.  (Ngoài ra, hai nông sản chính của bang này là táo và lúa mì mà châu Á là một thị trường đáng kể.)  Trong ngày đầu tiên, ông Khải đã đến thăm một gia đình Việt kiều.  Hẳn đây là dụng tâm gởi một “thông điệp” (có phần lộ liễu!) đến người Việt ở nước ngoài, tiếc là nó không tái diễn khi ông Khải đến những thành phố khác (ít ra là theo các nguồn tin công cộng mà tôi được biết).   Nhân dịp thăm Boeing, phái đoàn cũng công bố thoả thuận mua bốn chiếc Boeing 787.  Song có lẽ điều làm nhiều người “nhướng mày” là bài phát biểu của ông Khải khi gặp Bill Gates.  Nếu rảnh thì bạn nên đọc bài này (có đăng lại trên nhiều báo Việt Nam trên mạng), tôi không cần nói thêm!  Dù gì thì có thể xem hai ngày ở Seattle là cách ông Khải bấm gởi một “thông điệp” ngầm cho công luận:  Việt Nam muốn phát triển, muốn công nghệ tân tiến.

 

Tối thứ hai 20/6 thì ông Khải đến thủ đô Washington D.C., và gặp ông Bush sáng thứ ba 21/6.  Tôi đoán là bạn đã xem video về cuộc gặp này, có thể bạn cũng đã đọc thông cáo chung của Việt Nam và Mỹ sau cuộc họp.  (Thông cáo này hẳn đã được thỏa thuận trước, nhiều chi tiết hơn những trao đổi giữa hai ông trước mặt báo chí.)  Tôi chỉ xin ghi lại vài nhận xét trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ.

 

Thứ nhất, ông Khải được Bush hứa là Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập WTO, nhưng nên để ý là Bush không hứa là sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng gia nhập.  Theo tờ Wall Street Journal, điều này đã làm nhiều quan chức Việt Nam hơi thất vọng.   Cũng nên nhớ là một khi Việt Nam kết thúc đàm phán thương mại song phương với Mỹ thì cũng phải chờ quốc hội Mỹ phê chuẩn đạo luật cho hưởng quy chế Liên hệ Thuơng mại Bình thường Vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations) trước khi đi xa hơn nữa. Theo luật Mỹ thì quy chế này là một điều kiện để Mỹ chính thức ủng hộ nước nào đó gia nhập WTO.  Do đó, tuy được Bush hứa, việc Mỹ chính thức ủng hộ chưa chắc sẽ mát mái xuôi chèo, nhất là với sự “khó tính” hơn của quốc hội Mỹ gần đây trong việc phê chuẩn các thoả ước thương mại (Bush vẫn chưa thuyết phục được quốc hội thông qua Thoả ước Tự do Mậu dịch Trung Mỹ - CAFTA).  Hơn nữa, trong trường hợp Việt Nam, chắc chắn các thành phần bảo thủ Mỹ sẽ đem vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền ra truy vấn.  Công nghiệp dệt may của Mỹ cũng rục rịch chống đối vì ngại sự cạnh tranh của Việt Nam.

 

Thứ hai, nhiều người ngạc nhiên là trong thông cáo chung, cũng như trong phát biểu ngắn sau khi gặp ông Khải, ông Bush chỉ nói một cách gián tiếp, và phớt qua, về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.  Theo báo chí Mỹ, điều này làm đa số người Việt chống cộng ở Mỹ khá thất vọng.  Họ cũng không vui vì Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và Bush nhận lời mời sang Việt Nam vào năm tới.  Ngược lại, cũng không biết là ông Khải đã nói gì với Bush, hay không, về bồi thường cho nạn nhân chất độc màu da cam, hoặc chuyện tôm, chuyện cá ba sa.

 

Thứ ba, về vấn đề an ninh và quân sự thì có nhiều thoả thuận tuy nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa.  Nổi bật là việc Việt Nam sẽ tham gia vào chương trình Giáo dục và Huấn luyện Quân sự Quốc tế (International Military Education and Training – IMET) của Lầu Năm Góc (theo đạo luật thành lập chương trình này, nó là dành cho “học viên đến từ các nước đồng minh và thân thiện”!), trao đổi tin tức tình báo trong chiến tranh chống khủng bố và tội phạm quốc tế.  Như những tài liệu ngoại giao khác, tuyên bố chung của hai nước chắc chắn sẽ được vô số các nhà bình luận mổ xẻ để “giải mã”.   Đã có vài phân tích cho rằng nhiều câu trong đó là nhằm “trấn an” phe “bảo thủ” ở Hà Nội, và Bắc Kinh.  Đây là những chuyện ngoài tầm hiểu biết của tôi, chả dám lạm bàn!

 

Sau hai ngày ở Washington D.C., phái đoàn ông Khải lên New York.  Ở đây, ông tiếp tục gặp các giới tài chính Mỹ, rung chuông khai mạc sàn giao dịch chứng khoán ở Wall Street sáng 23/6 (lại gởi một “thông điệp ngầm” nữa).  Sau đó ông lên Boston gặp hiệu trưởng Đại học Harvard và viện trưởng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).  “Thông điệp” cuối cùng của chuyến đi: Việt Nam chú trọng đến giáo dục.  Rồi cả phái đoàn rời Mỹ, bay sang Canada.

 

Có hai cách nhìn chuyến đi này của ông Khải.  Thứ nhất, tất nhiên, là vị trí của nó trong tiến trình quan hệ song phương Việt Mỹ, nhất là từ khi liên hệ ngoại giao được bình thường hoá.  Nhưng thứ hai, và có lẽ đáng chú ý hơn, là vị trí của nó trong loạt viếng Nhà Trắng gần đây của các lãnh tụ Đông và Nam Á: hai tháng trước của thủ tướng Nhật, tháng rồi của tổng thống Indonesia, và tháng sau của thủ tướng Ấn Độ.   Về quân sự, phải nhớ rằng vần đề không phải là chỉ giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng quan trọng là bối cảnh chiến lược của Mỹ ở châu Á (và rộng hơn là toàn cầu).  Chẳng hạn, không phải tình cờ mà trong báo Mỹ gần đây có nhiều bài ca tụng Ấn Độ, cụ thể là về nền kinh tế của nước này (so với Trung Quốc).

 

Trớ trêu là chuyến đi này của nhà lãnh đạo Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hầu như hoàn toàn do các đại công ti Mỹ đỡ đầu.  Vì ít thì giờ, hoặc ngại an ninh, hay lí do nào khác, ông Khải không có tiếp xúc nào với người Mỹ ngoài phố, cũng không trao đổi rộng rãi với Việt kiều, hay phát biểu cách bài bản trước các trí thức có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ.   Nhưng có lẽ chúng ta kì vọng quá nhiều.  Dù sao đây cũng là chuyến viếng Mỹ đầu tiên của một lãnh tụ một nước Việt Nam thống nhất, chắc chắn sẽ có nhiều viếng thăm qua lại nữa, trước mắt là Bush sang Việt Nam năm 2006. (Trong cuộc phỏng vấn dành cho CNN, ông Khải cho biết là ông không thấy là hợp thời để viếng Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington lần này, ông sẽ dành nó cho lần viếng thăm khác!)

 

Nói chung, dư luận Mỹ về chuyến đi này của ông Khải cũng không rôm rả gì lắm.  Tường thuật của các báo thì khá giống nhau, đa số viết lại những bản tin của hảng thông tấn Associated Press.  Mười năm trước, khi Clinton bình thường hoá quan hệ, hoặc gần đây hơn, lúc kỉ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh, thì báo chí Mỹ bàn tán rộn rịp hơn nhiều.  Kì này, hầu như không báo nào có những bài xã luận dài hoặc của các nhân vật danh tiếng (chỉ trừ ông Kissinger, có lẽ sợ bị bỏ quên, phải mượn đài BBC để nói vài câu hơi ngược dư luận).   

 

Về bầu không khí của cuộc hội kiến Khải-Bush thì, tuy mọi cảm tưởng phải là chủ quan, hầu hết báo Mỹ đều cho rằng có hơi phẳng lặng, thậm chí lạnh lẽo.  Nhiều kí giả cho đó là phản ảnh sự lưỡng lự của Mỹ:  không biết phải đối đải ra sao với một quốc gia không còn là thù nhưng cũng chưa thật là bạn, một quốc gia mà theo họ vẫn là độc tài chuyên chế, nhưng Mỹ cần, và cần Mỹ.  Sự kiện bà Condoleezza Rice (ngoại trưởng Mỹ) vắng mặt ở Washington D.C. lúc ông Khải đến vì đang đi hô hào dân chủ ở Trung Đông cũng gây ấn tượng là chính sách của Mỹ thiếu nhất quán.

 

Rõ ràng chuyến đi của ông Khải là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam, và hợp với quyền lợi của Mỹ trong chừng mực mà họ muốn “gài” Việt Nam vào liên minh các nước bao quanh Trung Quốc.  Đúng hay sai, ấn tượng này sẽ đặt ra một thử thách lớn cho tài ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc trong những ngày sắp đến.  Riêng đối với ông Bush và đảng Cộng Hoà, đây cũng là cách họ lấy điểm (hoặc trả ơn) các đại công ti Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam. Thất vọng, chí ít là hoang mang, có lẽ là những người gốc Việt chống cộng ở Mỹ:  sao Bush lại có thể thân thiện với một nước cộng sản độc tài đến thế?

 

Khó phủ nhận rằng chuyến đi này là một diễn biến lớn của lịch sử, đánh dấu một giai đoạn mới (như ông Khải nói) trong bang giao Việt Mỹ, nhưng cũng phải nhận rằng đây là một chuyến đi “nặng phần trình diễn”, một cuộc viếng thăm nhiều tính xã giao.  Không một thỏa ước quan trọng nào được kí kết.   Song có thể như vậy là ông Khải đã làm tròn nhiệm vụ của ông.  Không hơn không kém.

 

Thư này được viết vội để Diễn Đàn kịp lên khuôn.  Hi vọng trong thư sau tôi sẽ có dịp báo cáo những chi tiết hiện chưa biết về chuyến đi này của thủ tướng Phan Văn Khải.  Từ giờ đến đó, xin chúc bạn và gia quyến một mùa hè thư thái, an bình.

 

 

(kí Tiểu Hằng Ngôn)
25/6/2005