Diễn Đàn 7-1-14

http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nho-vinh-sinh

 

 

Nhớ Vĩnh Sính

 

Trần Hữu Dũng

 

 

Có những tin về một người vừa qua đời làm mình phải thảng thốt vì chẳng những người ấy quen với mình mà còn vì người ấy quá gần với mình, về độ tuổi, về nghề nghiệp, về công việc, về sở thích và, chắc nếu nghĩ thêm, còn nhiều mặt khác nữa.

 

Khi nghe anh Vĩnh Sính qua đời (trễ mấy ngày, vì tôi bận đi xa, ở một nơi không có Internet), tôi thảng thốt vì anh Vĩnh Sính đối với tôi là như vậy.

 

Lạ một điều là tôi chỉ mới gặp anh khoảng giữa thập niên 90, khi chúng tôi cùng tham dự vài cuộc hội thảo trong nước.  Cùng tham dự, nhưng anh và tôi không thằng nào có báo cáo, cứ ngồi ở cuối phòng họp mà cười rúc rích với nhau như hai thằng con nít. Té ra anh rời Việt Nam đi du học cùng lúc với tôi (năm 1963) nhưng anh đi Nhật còn tôi thì đi Mỹ. Chúng tôi có rất nhiều bạn chung.

 

Sau những buổi hội thảo ở Hà Nội, tôi và anh thường ra vùng bờ hồ uống bia và nói chuyện trên trời dưới đất (nhất là những chuyện về các phong trào sinh viên hải ngoại thời chiến tranh).  Không hiểu sao anh và tôi hợp “ jeux ” quá sức.  Hợp đến độ thích “nhậu” nhưng không bao giờ đi quá trớn (cùng ghét karaokê, bia ôm, hay những trò tương tự). Tôi nhớ mỗi khi về nơi trọ (ở nhà nghỉ Ban Việt kiều Trung ương lúc ấy) chúng tôi hay mua vài con mực khô rồi xuống nhà bếp ngồi nhâm nhi, nhưng anh không bao giờ quên đem ra cho anh bảo vệ ngoài cổng một chút “mồi” và chai bia “lấy thảo”.  Anh Vĩnh Sính là như thế ấy.

 

Song đừng tưởng anh ấy luôn luôn “xuề xòa” nghệ sĩ như thế mà lầm, vì trong vấn đề nghiên cứu học thuật thì ít ai nghiêm túc, chi li, chỉn chu bằng anh Vĩnh Sính. Tôi biết rõ điều này khi chúng tôi và nhiều bạn khác làm tờ Thời Đại Mới. Tôi nhớ, có lần anh gởi bài đăng trên một tạp chí khác, khá uy tín, nhưng họ đặt vài cái ảnh trong bài không đúng chỗ, thế là anh nhờ tôi đăng lại bài ấy trên viet-studies, với những cái ảnh ấy đặt vào những chỗ đúng hơn. Anh thường rộng rãi chia sẻ kiến thức (hết sức to lớn của anh) với bạn bè, giải thích rốt ráo, sâu sắc, nhưng luôn luôn với giọng điệu vui vẻ, nhẹ nhàng, không bao giờ khoa trương.

 

Về những đóng góp học thuật của anh Vĩnh Sính thì có lẽ nhiều bạn khác sẽ nói rõ hơn tôi. Nhưng có thể đoan chắc rằng anh là chuyên gia hàng đầu về Phan Châu Trinh, và cũng là một học giả hàng đầu về thời Minh Trị của Nhật Bản và, điều này ít người biết, anh Vĩnh Sính cũng mê văn Nguyễn Ngọc Tư như tôi.

 

Tôi biết anh đã qua nhiều cơn bệnh nặng khoảng mươi năm nay, nhưng không bao giờ nghĩ anh lại có thể ra đi đột ngột như thế này. Là người cùng lứa với anh, mất anh, tôi mất một phần của chính tôi. 

 

Vĩnh Sính, một học giả thuần thành, một nghệ sĩ tài hoa, một người bạn tâm giao, tôi sẽ không bao giờ quên anh.

 

 

Trần Hữu Dũng

7-1-14

 

 Một số bài khác của Trần Hữu Dũng