Thời Báo Kinh Tế Sai Gòn

Số Tết Dương Lịch 2009

 

 

Về kinh nghiệm phát triển:

Đọc Rodrik và Chang, hai kẻ nghi ngờ

 

Trần Hữu Dũng

 

Không thể phủ nhận rằng phần lớn nhân loại (nhất là châu Á) đã có nhiều thành tích phát triển kinh tế đáng kể trong vài thập kỷ vừa qua.  Những nguyên tố của sự thành công này đã được vô số sách báo nói đến: thương mại và đầu tư quốc tế, tiết kiệm cao, dân chúng cần cù làm ăn, chính sách thích hợp, v.v..  Cụ thể hơn, đa số các nhà kinh tế (nhất là ở phương Tây) cho rằng “phương thuốc” mầu nhiệm là cái gọi là “sự đồng thuận Washington”:  tự do hóa thương mại, giải tỏa điều tiết (deregulation), tư nhân hóa, cải cách thuế má, giảm chi tiêu nhà nước, và thả nổi lãi suất, v.v...   Những “bài học” này được các tổ chức quốc tế (như Quỹ Tiền tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới...), các nước Tây phương đi rao giảng khắp nơi, nhất là ở các nước cần vay tiền nước ngoài.

 

Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều người trong giới kinh tế đã đặt hai nghi vấn: (1) Có thật “đồng thuận Washington” (nói chung là kinh tế học thị trường) là phương án duy nhất để thoát cảnh chậm tiến? (2) Có thật là các nước tiên tiến đã “thành đạt” nhờ những chính sách mà họ hiện rao giảng, “cố vấn” cho các nước hậu tiến phải noi theo?  Người có nhiều suy nghĩ về câu hỏi thứ nhất là Dani Rodrik, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là giáo sư kinh tế đại học Harvard (Mỹ).  Người trả lời thẳng thừng nhất cho câu hỏi thứ hai là Ha-Joon Chang, gốc Hàn Quốc, hiện tùng sự ở đại học Cambridge (Anh).

 

 

Trước hết, Rodrik.  Ông nhìn nhận, như mọi nhà kinh tế khác, rằng có những việc mà quốc gia nào muốn phát triển đều phải làm, đó là: (1) ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, (2) hội nhập vào kinh tế thế giới, (3) cho các nhà đầu tư niềm tin rằng quyền sở hữu sẽ được bảo đảm và các khế ước sẽ được bắt buộc thực thi, (4) giữ một chừng mức nào đó sự cố kết (cohesion) và tình đoàn kết trong xã hội. Rodrik cũng nhìn nhận phải cho những đơn vị kinh tế các khích động (“incentives”) dựa vào thị trường, nhà nước ít nợ, và có một chính sách tiền tệ khôn ngoan...

 

Như vậy, Rodrik hoàn toàn đồng ý về những nguyên tố “chung chung” để phát triển.  Nhưng ông đi xa hơn và vạch ra một sự thật: “liều lượng” của những biện pháp này, và tỷ lệ giữa chúng với nhau, có vô vàn cách biến thiên: biện pháp nào mạnh, yếu, trình tự áp dụng ra sao, thì muôn hình vạn trạng!  Chính vì thế mà chưa nghiên cứu thực nghiệm nào chứng minh được liên kết chặt chẽ, phổ quát, giữa những điểm trong “đồng thuận Washington” và tăng trưởng kinh tế!

 

Rodrik nhắc lại hai điều mà ai có học kinh tế bài bản đều biết:

 

Một là, kinh tế học tân cổ điển là rất “linh động”: nó có thể được dùng để biện hộ hầu như cho bất cứ chính sách nào!  Thực vậy, một nhà kinh tế “khôn lanh” có thể biện minh cho bất cứ sự can thiệp nào của nhà nước vào thị trường bằng cách đem vào mô hình phân tích những hiện tượng ngoại ứng (externalities), hoặc hiện tượng thị trường không hoàn hảo (imperfect markets), hoặc tính tiết kiệm nhờ quy mô (economies of scale), v.v., đừng nói chi đến tình trạng thiếu thông tin mà không xã hội nào tránh khỏi.  Nói khác đi, bảo là kinh tế (tân cổ điển) bao giờ cũng bắt buộc hoàn toàn buông lỏng thị trường, tự do hóa thương mại... là không biết kinh tế học.

 

Hai là, đa số các nước đã phát triển thành công đều theo những chiến lược khác nhau: Đài Loan thì tài trợ xuất khẩu.  Singapore thì ưu đãi vốn nước ngoài.  Ở Bostwana thì nhà nước tiêu tiền rất nhiều, còn Chi-lê thì quốc hữu hóa công nghiệp chủ chốt của họ (là công nghiệp đồng) ... Ngược lại, một quốc gia như Haiti, cắt thuế quan sát ván và bỏ quota nhập khẩu từ những năm 1990 (theo bài học “đồng thuận Washington”) thì vẫn nghèo mạt, trong lúc Việt Nam (Rodrik nêu đích danh Việt Nam!) tiếp tục thuế quan cao, kìm chế nhập khẩu, và nhà nước can thiệp rất sâu vào kinh tế lại phát triển nhanh chóng, thu hút đầu tư “như điên” (“like crazy”, chữ của Rodrik!).  Từ những kinh nghiệm ấy, Rodrik nhận xét, không nên mong chờ một “viên đạn thần” mà chỉ cần linh hoạt áp dụng một số nguyên tắc kinh tế vào hoàn cảnh đặc thù của mỗi quốc gia.

 

Nếu không thể dựa vào “đồng thuận Washington” để lập một gói chính sách cụ thể thì phải làm gì?  Rodrik cho rằng phát triển kinh tế thật ra là không khó, lý thuyết “chuẩn” trong kinh tế học hiện đại khá “linh động” để giúp tìm giải pháp.  Điều hệ trọng, và mới thật sự là khó, là làm sao để duy trì sự tăng trường ấy cho lâu dài và không gián đoạn.  Nói gọn, cốt yếu là làm sao để tăng trưởng được bền vững. Theo Rodrik, muốn tăng trưởng như thế đòi hỏi “cải cách thể chế cho thật đàng hoàng” (sound institutional reform).  Theo cách dùng của Rodrik (cũng như đa số các chuyên gia về kinh tế phát triển hiện nay), cụm từ này bao gồm sự giám sát tài chính (financial supervision), quản lý xí nghiệp (corporate governance), chuẩn lao động, quan hệ giữa nhà nước và kinh doanh, ít tham nhũng, an sinh xã hội, và tất nhiên cũng gồm quản lý khôn ngoan các chính sách thuế má, công phí, và tiền tệ... 

 

Rodrik cho rằng chẩn đoán việc cần làm thì không khó. Sai lầm thường thấy là những người làm chính sách (và nhất là các cố vấn nước ngoài) thiếu linh động trong việc áp dụng những “liệu pháp” ấy.  Rodrik lấy Hàn Quốc làm ví dụ: khi IMF đặt điều kiện để “giải cứu” nước này khỏi khủng hoảng tài chính năm 1997 thì những điều kiện họ đặt là hoàn toàn phản ánh “đồng thuận Washington”, đúng như ước muốn của giới tư bản Mỹ.  Ngay đến việc “cải cách thể chế” (mà bây giờ ai cũng đồng ý là quan trọng) thì cũng phải thích ứng với hoàn cảnh địa phương: chính sự thiếu linh động thích ứng ấy đã khiến các cải cách này không đem lại kết quả như mong ước ở nhiều nước.  Chẳng hạn như các tổ chức tài chính quốc tế, khi họ khuyến cáo cải tổ thể chế, thì họ cứ ngầm cho rằng thể chế lý tưởng là thị trường kiểu Mỹ.  Qua nhiều ví dụ, Rodrik cho rằng cải cách thể chế phải là thế nào thì tùy ở địa lý và lịch sử của một quốc gia, nhất là khi quốc gia ấy đã qua một thời kỳ thuộc địa. 

 

Có thể nói rằng Rodrik là tiêu biểu của một thế hệ kinh tế gia mới.  Theo họ, đã qua rồi thời cãi nhau là nên “mở cửa” hoặc “đóng cửa”, nhà nước “can thiệp” hoặc “không can thiệp”. “Đóng” hay “mở” không còn là một lựa chọn, cũng như không quốc gia nào có thể hoàn toàn thả lỏng nền kinh tế của mình.  Như Rodrik nói, chúng ta phải tiếp cận vấn đề với một tinh thần “cởi mở” (không theo một trường phái này, hoặc trường phái kia), thực tiễn: cố tìm ra lý do đã kìm hãm sự phát triển của một quốc gia: Có phải vì hạ tầng hụt hẫng? Vì giáo dục yếu kém? Vì quá nhiều quy định, điều tiết? – rồi tìm kiếm những đối sách thích hợp. Ông gọi tiếp cận này là “phép chẩn đoán tăng trưởng” (growth diagnostics)

 

Trong khi Dani Rodrik công kích toa thuốc “đồng thuận Washington” vì những áp dụng cứng nhắc của nó thì Ha-Joon Chang chỉ trích toa thuốc này từ hai hướng khác: hoặc là nó phản ảnh cái “đạo đức giả” của các nước tư bản phương Tây, hoặc là những cố vấn phương Tây (những người biện hộ nó) “cố ý” quên, hoặc thật tình không biết gì về lịch sử. (Một nhận xét nhỏ của người viết: Tuy là người gốc Hàn nhưng sở dĩ Chang có ảnh hưởng khá lớn trong giới kinh tế gia Tây phương hiện nay vì, ngoài kiến thức sâu rộng và lý giải chặt chẽ của ông, Chang sử dụng tiếng Anh tuyệt vời!)

 

“Đạo đức giả” bởi vì, theo Chang, thâm tâm các chính phủ Tây phương không muốn các nước khác phát triển, và họ đề nghị những chính sách loại “đồng thuận Washington” chỉ vì lợi ích của họ.  Song, phải nói, Chang không hề cáo buộc cá nhân các “cố vấn” kinh tế phương Tây có “ác ý” đối với các nước kém phát triển; ông nhìn nhận hầu hết những người này quả có hảo tâm giúp đỡ người khác (samaritans), chỉ có điều họ là những nhà hảo tâm ... “tồi” (“bad samaritans” – tựa một cuốn sách của ông).  Họ giúp đỡ, nhưng họ cũng rào đón, hạn chế những chính sách mà quốc gia đang phát triển được phép theo đuổi.  Những hạn chế đó là: “giới hạn khả năng của các nước này để kiểm soát đầu tư từ ngoài vào, một sự ám ảnh quá đáng đối với tư hữu hóa, giới hạn sử dụng sở hữu trí tuệ, “phóng đại” tầm quan trọng của ổn định tài chính, quá chú ý đến tham nhũng và sự thiếu dân chủ và, cuối cùng nhưng không phải là kém quan trọng nhất, quá nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa.”

 

Mô hình phát triển mà Chang nghiên cứu rất kỹ là mô hình đưa đến sự “cất cánh” của Hàn Quốc từ những năm 1960 đến những năm 1980.  Theo Chang, sự thành công này diễn ra trong khi Hàn Quốc hoàn toàn không theo những nguyên tắc thị trường tự do...  Hàn Quốc đã tích cực bảo hộ các công nghiệp non trẻ của họ bằng hàng rào thuế quan, và tài trợ những công nghiệp có triển vọng phát triển.

 

Theo Chang, có một “bí mật” mà ít người dám nói: hầu như mọi quốc gia phương Tây mà bây giờ đã phát triển (ngay cả Anh và Mỹ) cũng theo con đường (bảo hộ công nghiệp) như Hàn Quốc!  Lấy trường hợp nước Anh chẳng hạn, bây giờ thì những người sùng bái tự do mậu dịch thường đan cử nước này như là tiên phong rộng mở thị trường (và nhờ thế mà phát triển như ngày nay), nhưng nhìn kỹ lại (và Chang, một chuyên gia về sử kinh tế, quả đã nghiên cứu rất kỹ!) thì Anh quốc chỉ cắt giảm thuế quan sau giữa thế kỷ 19, nghĩa là sau khi công nghiệp của họ đã vững vàng, các đối thủ cạnh tranh đã bị đánh gục!  Tương tự, trong suốt thời kỳ nước Mỹ công nghiệp hoá thì thuế quan của Mỹ là khá cao.  Thế thì, Chang hỏi, tại sao các nước đã phát triển này lại buộc các nước nghèo ngày nay chọn một con đường khác để phát triển?  Nói cách ấn tượng, Chang ví những nước tiền tiến ngày nay như những kẻ sau khi dùng cái “thang bảo hộ” để trèo lên cao thì “đá” cái thang này đi để những nước khác không trèo theo họ được!

 

Phải nhìn nhận rằng có lẽ Chang đã đi quá trớn khi có ý cho rằng các nước chậm tiến cần có chính sách trái ngược những khuyến nghị của IMF, WB, WTO.  Đặc biệt là cách ông chỉ trích sự nhấn mạnh đến việc bài trừ tham nhũng.  Tuy nhiên, khuyến nghị của Ha-Joon Chang là rất đúng:  Các tổ chức quốc tế không nên bó buộc chặt chẽ các nước đang phát triển phải theo một con đường nhất định nào đó.  Các nước này sẽ có nhiều vấp váp, lỗi lầm, đành thế, nhưng há đó chẳng là cái “giá” của sự độc lập mà mọi người đều phải tôn trọng đó sao?

 

 

Như vậy, Rodrik và Chang, tiêu biểu cho một nhóm không ít kinh tế gia kinh điển hiện nay, nhấn mạnh đến sự đặc thù của từng quốc gia: không nước nào giống nước nào, do đó không một “liều thuốc” độc nhất nào là thích hợp cho mọi trường hợp.  Đối với Rodrik, điều này chứng tỏ những phương thuốc trong “đồng thuận Washington” không phải là bao giờ cũng đáng nghe theo, và làm sao phát triển bền vững mới là quan trọng.  Còn đối với Chang thì toa thuốc đó cũng không đáng nghe theo vì lý do khác: nó là phản ảnh thái độ đạo đức giả của các nước tiền tiến, hoặc là nó chứng tỏ các “cố vấn” mà các tổ chức quốc tế, các nước tiền tiến phái sang các nước chậm tiến là không biết gì về lịch sử, dù cho những người này có “thiện chí giúp đỡ” đến cỡ nào.

 

Trần Hữu Dũng
Dayton
12 tháng 12, 2008

 

Sách điểm trong bài này:

 

(1) Dani Rodrik, 1997, Has globalization gone too far?, Washington DC: Institute of International Economics.

(2) Dani Rodrik, 2007, One economics, many recipes: Globalization,institutions and economic growth, Princeton: Princeton University Press

(3) Ha-Joon Chang, 2003, Kicking away the ladder – Development in historical perspective, London: Anthem Press.

(4) Ha-Joon Chang, 2003, Globalisation, economic development and the role of the state, Penang: Zen Books.

(5) Ha-Joon Chang, 2008, Bad samaritans – The myth of free trade and the secret history of capitalism, New York: Bloomsbury Press.