Diễn Đàn
Số 149 - Tháng 3, 2005

 


 

Nhìn lại vụ tôm

 

Trần Hữu Dũng

 

Đầu tháng giêng 2005, sau hơn một năm kiện tụng (từ ngày 31-12-2003), DOC (Department of Commerce -- Bộ Thương mại) của Mỹ đã ra phán quyết tối hậu về thuế quan áp đặt trên tôm nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam, Trung Quốc, Brazil, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan.  Có thể ghi lại những mốc chính của vụ này như sau:

 

(1) Phán quyết sơ bộ về thuế quan của DOC ngày 6-7 đối với tôm Việt Nam và Trung Quốc, và vào ngày 29-7 đối với tôm Brazil, Ecuador, Ấn Độ, và Thái Lan.  Thuế “chống bán phá giá” này có suất từ 12,11% đến 93,13% đối với tôm Việt Nam và 0,04-112.81% đối với tôm Trung Quốc. Đối với Brazil thì là 0- 67,8%, Ecuador thì 6,08-9,35%, Ấn Độ là 3,56-27,49%, và Thái Lan từ 5,56-10,25%. Như vậy, trừ Brazil và Trung Quốc (trung bình), mức thuế đối với các nước kia đều thấp hơn Việt Nam.

 

(2) Sau khi đến thẩm tra tại chỗ, ITC (International Trade Commission -- Ủy ban Thương mại Quốc tế) của Mỹ cho ra phán quyết ngày 30-11 đối với Trung Quốc và Việt Nam, và ngày 20-12 đối với bốn nước kia.  Phán quyết này đem lại nhiều lạc quan bất ngờ cho Việt nam.  Theo đó, mức thuế đối với tôm Việt Nam giảm đáng kể so với quyết định sơ bộ của DOC đưa ra hồi tháng 7 (4,13-25,76% thay vì 12,11-93,13% trước đây).  Về các nước khác thì chỉ có Thái Lan là bị nặng hơn phán quyết trước.

 

(3) Phán quyết cuối cùng của ITC ngày 6-1-2005, đối với cả sáu nước, không khác nhiều so với phán quyết tháng trước.  DOC đã chính thức thực hiện phán quyết này vào ngày 26 tháng 1.

 

Thế là trước mắt, trên thị trường tôm ở Mỹ, Việt Nam sẽ đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ Ấn Độ và Thái Lan.   Đáng lo ngại nữa cho Việt Nam là các doanh nghiệp chịu mức thuế cao của Thái Lan và Ấn Độ hiện có thị phần không đáng kể, trong khi doanh nghiệp đã có thị phần lớn của hai nuớc này lại được hưởng thuế suất tương đối thấp.

 

Nhìn lại toàn bộ vụ này, vài sự kiện đáng ghi nhớ. Một là, Mỹ chia những nước bị kiện làm hai nhóm.  Một nhóm, gồm Việt Nam và Trung Quốc, thì Mỹ xếp vào loại kinh tế “phi thị trường”, được phán quyết riêng (và trước) nhóm thứ hai gồm các quốc gia được coi là có kinh tế thị trường.  Cách định thuế cho nước phi thị trường thường là “tuỳ hứng” hơn cho các nước thị trường (Mỹ chọn một nước thứ ba, cho Việt Nam là Bangladesh, để làm chuẩn).  Mức thuế khác nhau cho mỗi nước có khi là do các yếu tố bất ngờ (chẳng hạn như cuối cùng Thái Lan và Ấn Độ được nhân nhượng phần nào vì họ là nạn nhân của trận tsunami vừa qua).

 

Hai là, suất thuế cho từng công ty ở mỗi nước cũng khác nhau, tùy theo phí tổn do công ty khai báo (các công ty không cung cấp đủ thông tin thường là bị thuế nặng nhất).  Vì loại hình (tư doanh hoặc doanh nghiệp nhà nước) và tầm cỡ của các công ty này rất khác nhau, ở những miền khác nhau (chẳng hạn miền trung và miền nam nước ta), cho nên chênh lệch thuế quan sẽ có ảnh hưởng đến chênh lệch phát triển khu vực ở mỗi nuớc, và đến cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp của nước ấy.  Nói cách khác, có thể xem thuế quan này như sự can thiệp gián tiếp của Mỹ vào nội bộ các nước khác. 

 

Về “phía Mỹ” cũng không đơn giản. Trong giai đoạn chuẩn bị kiện thì hai hiệp hội người đánh tôm ở Mỹ đã tốn nhiều thì giờ tranh cãi trước khi đồng ý đứng chung đơn kiện.  Theo tin báo chí thì một hiệp hội ở Louisiana đã tố cáo hiệp hội ở Texas là đã nhận tiền của chính phủ Mê-hi-cô để không kiện Mê-hi-cô (và quả là cuối cùng nước này không có trong danh sách các nước bị kiện).  Hơn nữa, công nghiệp tôm ở tám tiểu bang liên hệ cũng khác nhau.  Chẳng hạn, ở Texas thì tôm được nuôi nên trang chủ ở đây có những lo âu (như về luật lệ chống ô nhiễm môi trường) khác ở Louisiana là nơi tôm được đánh bắt ngoài biển cả.  Ngư dân Louisiana lo nhiều hơn về phí tổn xăng dầu, bảo hiểm ghe tàu, vv.  Một chi tiết cũng khá thú vị là số rất lớn người đánh bắt tôm ở Louisiana (có thể đến 80%) là gốc Việt Nam (và nhiều người nắm chức vụ cao trong Hiệp Hội Tôm Miền Nam, một thành viên phe đứng kiện).  Yếu tố chủng tộc này luôn luôn ngấm ngầm trong tranh chấp nội bộ các hiệp hội tôm.  Một điều nữa là tuy số ngư dân gốc Việt là đông, nhưng doanh thu thì thấp, còn về Mỹ ... gốc Mỹ thì là các công ty lớn.  Do đó, một biến chuyển đáng chú ý vừa xảy ra (tháng 2 này) là các ngư dân Mỹ đề nghị nhà nước tạm ngưng cấp thêm giấy phép đánh tôm, ý muốn loại trừ những người đánh tôm tùy thời (mùa tốt thì ra biển, mùa xấu thì đi làm nghề khác). Các ngư dân Mỹ gốc Việt thì phản đối đề nghị này, vì đa số ngư dân tùy thời ... chính là họ.

 

Cũng về phía Mỹ, không chỉ có những người đánh tôm đi kiện, song còn nhiều hiệp hội, tổ chức khác chống vụ kiện này.  Thực vậy, chính những hiệp hội, tổ chức ở Mỹ đã hăng hái và hữu hiệu làm áp lực chống thuế quan hơn cả những nước bị kiện.   Họ không những gồm những nhà nhập khẩu và phân phối hải sản, hiệp hội những nhà hàng (quán ăn), nhưng sau này còn có hiệp hội đậu nành Mỹ (American Soybean Association), và bất ngờ hơn nữa là các công ty sản xuất mỹ phẩm.  Hiệp hội đậu nành rất có thế lực ở Mỹ (số thành viên của họ là gấp mười số thành viên hiệp hội tôm) nên tiếng nói của họ rất có ảnh hưởng.  Họ nhảy vào vụ này sau khi Thái Lan và Trung Quốc hăm doạ sẽ cắt số lượng đậu nành nhập khẩu nếu hai nuớc ấy vì bị thuế mà phải giảm sản lượng tôm (bột đậu nành là một nguyên liệu nuôi tôm).  (Sự thật là, ai cũng biết, Thái Lan và Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ.)  Các công ty mỹ phẩm của Mỹ cũng phản đối thuế tôm vì một trong những nguyên liệu chế tạo mỹ phẩm là phó sản của tôm.  Nếu giá tôm tăng thì phí tổn sản xuất mỹ phẩm cũng tăng.

 

Một yếu tố nữa cũng nên để ý là vai trò của tu chính án Byrd (Byrd amendment) của Mỹ trong vụ kiện. Theo luật này (mà tính hợp pháp quốc tế là rất đáng nghi ngờ) thì tiền thu từ thuế quan sẽ được chính phủ Mỹ chia lại cho các nhà sản xuất nội địa.  Theo nhiều nhà phân tích, đó mới là động lực chính của vụ kiện tôm.  (Một điều oái oăm nữa là các tiểu bang miền nam dùng tiền trợ cấp của chinh phủ liên bang Mỹ cho nạn nhân thiên tai để tài trợ người đánh tôm trong tiểu bang họ “lobby” cho thuế quan!).  Nói cách khác, các người đánh tôm Mỹ không muốn cấm hẳn nhập khẩu tôm (vì như thế thì còn đâu tiền thu thuế quan để chia nhau?), họ chỉ muốn tối đa hóa tổng thu nhập của họ từ hai nguồn: doanh thu do bán tôm và tiền chia thuế quan.  Thực vậy, theo nhiều mô hình kinh tế (một bài của người viết sẽ đăng trên Journal of International Economics) thì suất thuế quan tối hảo cho mục đích này là thấp hơn suất thuế quan tối hảo cho phúc lợi nuớc Mỹ! Nói cách khác, nếu Mỹ muốn tận dụng sức mạnh thị trường của mình thì nên đánh thuế cao hơn suất thuế do hiệp hội tôm đề nghị (nhưng phải phân phối cho người tiêu dùng một phần tiền thu thuế quan ).

 

Nhìn lại, thuế quan tôm do Mỹ áp đặt đã không ảnh hưởng quá nặng nề đến Việt Nam như nhiều người lo ngại khi vụ kiện bắt đầu.  Đúng là nó đã làm giảm đáng kể đà tăng doanh thu xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2004, nó cũng gây thiệt hại nhiều cho một số hộ nuôi tôm ở Việt Nam.  Song thị trường tôm gần đây có vẻ ổn định trở lại và, bởi lẽ trong thương mại quốc tế chính sự bất trắc là tai hại nhất, sự ổn định này là một điểm đáng mừng.

 

Trần Hữu Dũng

Dayton

27-2-2005