Báo Tia Sáng tháng 9/2003 

Mỹ, Trung Quốc, và đồng nhân dân tệ

Trần Hữu Dũng

           Trong thời gian gần đây, nhiều đoàn đại biểu Mỹ đã sang Trung Quốc để kêu gọi Trung Quốc thay đổi chính sách kinh tế tài chính hầu đối phó với những vấn đề song phương giữa hai nước.   Nổi bật nhất là chuyến đi của bộ trưởng ngân khố Mỹ John Snow sang Trung Quốc vào đầu tháng 9, nhằm đòi hỏi nước này phải thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ.   

Có hai biểu hiện cho thấy giá đô la của đồng nhân dân tệ hiện đang dưới mức quân bình của nó.  Một là, số lượng đô la dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng rất nhanh (hiện lên đến 345 tỷ, chỉ kém Nhật Bản), chứng tỏ có sự bất bình thường trong thế mạnh xuất khẩu và sức thu hút đô la của Trung Quốc.  Hai là, giới đầu cơ ngoại hối đang đổ tiền vào Trung Quốc, phản ảnh sự đồng thuận của thị trường là giá của đồng nhân dân tệ hiện là quá thấp, sớm muộn sẽ tăng.

Theo nhiều phân tích, đồng nhân dân tệ có thể đến 40% dưới tỷ giá đáng có của nó so với đô la. Theo nhận định của Mỹ, Trung Quốc giữ cố định tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đô la (hiện 8,28 nhân dân tệ ăn 1 đô la) là để hổ trợ xuất khẩu.  Hậu quả là thị phần của hàng hoá Trung Quốc ở Mỹ ngày càng cao, tạo thất nghiệp ở Mỹ và làm mất quân bình cán cân thương mại giữa hai nuớc.

Hai câu hỏi cần được đặt ra.  Một là, những khó khăn của Mỹ hiện nay có phải là "lỗi" của Trung Quốc, cụ thể là chính sách tỷ giá hối đoái của nước này? Hai là, Trung Quốc, vì quyền lợi của họ, có nên nghe lời Mỹ?

Ảnh hưởng tỷ giá đồng nhân dân tệ đến nền kinh tế Mỹ

Thứ nhất, cho rằng Trung Quốc đang tích cực theo đuổi chính sách "trọng thương" (đẩy mạnh xuất khẩu, kềm chế nhập khẩu) không chắc là đúng.  Dù cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có nghiên về Trung Quốc (số thặng dư của Trung Quốc lên đến 100 tỷ đô la mỗi năm), song Trung Quốc bị thâm hụt chút ít trong cán cân thương mại giữa họ với toàn thế giới..

Thứ hai, số lượng đô la dự trữ dồi dào của Trung Quốc (và nhiều nước Đông Á khác) không phải chỉ là hậu quả của tình trạng siêu xuất của họ, song còn do chính sách kềm giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ (đòi hỏi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bán nhân dân tệ mua đô la).  Và Trung Quốc đã dùng đô la này mua công khố phiếu của Mỹ (160 tỷ đô la trong sáu tháng đầu năm nay) .  Nhờ thế, lãi suất ở Mỹ được giữ ở mức thấp.  Nếu không được nước ngoài mua công khố phiếu thì, với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng của Mỹ hiện nay, lãi suất ở Mỹ sẽ rất cao.  Nhờ lãi suất thấp, ít ra là thị trường bất động sản của Mỹ còn tương đối sáng sủa, trong khi những khu vực kinh tế khác của Mỹ đang khốn đốn, trì trệ.

Thứ ba, dù giá đô la của đồng nhân dân tệ có tăng lên thì ảnh hưởng của nó đối với mức thất nghiệp ở Mỹ cũng không chắc là lớn.  Bởi lẽ, trong trường hợp đó, Trung Quốc có sẽ xuất khẩu ít hơn sang Mỹ, song họ cũng sẽ nhập khẩu ít hơn từ những nước khác.  Những nước này, do đó, sẽ có ít đô la hơn, và sẽ giảm nhập khẩu hàng hoá Mỹ.  Vòng ảnh hưởng đầu tiên sẽ có lợi một ít cho các công nghiệp Mỹ đang phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, nhưng sẽ thiệt thòi cho những công nghiệp Mỹ đang xuất khẩu sang các nước khác ở châu Á.  Tổng cộng hai hiệu ứng nghịch chiều ấy trên mức thất nghiệp Mỹ sẽ là rất nhỏ.

Thứ tư, trong tình trạng toàn cầu hoá hiện nay, nhiều công ty Mỹ có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc.  Do đó, không phải công ty Mỹ nào cũng muốn Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ .  Trong khi một số công nghiệp Mỹ (như dệt may và bàn ghế) bị thiệt hại, thì cũng nhiều công nghiệp Mỹ khác (như giày dép, máy tính cá  nhân, vv..) đang có lơi vì tỷ giá đồng nhân dân tệ được giữ ở mức thấp.

Nói tóm lại, có lắm nghi vấn về ảnh hưởng của tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đô la, ngay đối với nền kinh tế Mỹ.  Vì thế, đa số người quan sát cho rằng đòi hỏi của chính quyền Bush là chỉ nhằm thỏa mản sức ép chính trị trong nội bộ Mỹ, nhất là từ phía các công đoàn, và các địa phương mà đảng Cộng hoà và Bush cần phiếu trong mùa bầu cử sắp đến.

Trung Quốc có nên nghe lời Mỹ?

Về phía Trung Quốc, thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ lúc này rõ ràng là có nhiều hiểm nguy.

(1) Một là, Trung Quốc rất cần đẩy mạnh xuất khẩu để tạo công ăn việc làm cho dân chúng, nhất là trong tình trạng số người thất nghiệp đang gia tăng như hiện nay. 

(2) Hai là, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đang có nhiều nợ xấu (ước lượng có đến 500 tỷ đô la).  Nếu tự do hoá ngay lập tức thị trường ngoại hối, cho phép dân Trung Quốc giữ bất cứ ngoại hối nào tùy sở thích, thì dân Trung Quốc sẽ ồ ạt rút tiền từ trương mục của họ để mua ngoại hối ấy.   Tình trạng này chắc chắn sẽ gây khủng hoảng cho đồng nhân dân tệ, hệ thống ngân hàng, và nền kinh tế Trung Quốc (rồi lan ra các đối tác thương mại của Trung Quốc, kể cả Mỹ).

Cụ thể, nhà cầm quyền Trung Quốc đang lo lắng về cái gọi là "tiền nóng" (hot money) -- tức là tiền chảy nháy mắt xuyên biên giới, có khả năng tạo nên những hoạt động đầu cơ trục lợi nhất thời làm chấn loạn nền kinh tế (như cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á những năm 1997-1998).  Cho đến gần đây thì đa số quan sát viên tin rằng với một nền kinh tế lớn, Trung Quốc sẽ khó bị các dòng "tiền nóng" gây khủng hoảng tài chính như các nước Đông Á đã gặp phải. Song, trong bảy tháng đầu 2003, ngoài khoản hơn 30 tỷ đô la đầu tư chính thức từ nước ngoài, đã có hơn 37 tỷ chảy vào thị trường nhà đất và các thị trường đầu cơ khác (chính vì các nhà đầu tư dự đoán là nhân dân tệ sẽ lên giá ) ở Trung Quốc, tức là 45% hơn số cùng kỳ năm ngoái.  Cũng trong thời gian này, số tiền cho vay của các ngân hàng Trung Quốc vọt lên đến 238 tỷ, một con số cao hơn cả tổng cộng hai năm trước đây.   Rõ ràng là hệ thống tiền tệ và ngân hàng của Trung Quốc đang cận kề nhiều hiểm nguy.  Hơn nữa, do tình trạng kém phát triển của hệ thống ngân hàng nhà nước, Trung Quộc hiện chưa đủ công cụ (như các nước phát triển) để đối phó với những hiểm nguy ấy.  Do đó, ngày càng nhiều lo ngại là Trung Quốc có thể lâm vào khủng hoảng như Đông Á đã bị vào những năm 1997-1998.

Chính vì sợ những dòng tiền nóng có thể làm hỗn loạn hệ thống tiền tệ (và nền kinh tế) Trung Quốc mà nhà cầm quyền nước này đã không dám hoàn toàn buông thả thị trường ngoại hối.

Phản ứng của Trung Quốc

Với những phân tích trên, không ai ngạc nhiên được biết chính phủ Trung Quốc đã "lể phép" từ chối yêu cầu của Mỹ.  Hơn nữa, các nước APEC cũng đã ủng hộ quyết định này của Trung Quốc.  Tuy nhiên, Trung Quốc có hứa là "sẽ" thả nổi đồng nhân dân tệ trong tương lai, dù không nói là lúc nào.  Trung Quốc cũng cam kết nới lỏng thị trường tài chính của họ hơn, ví dụ như cho phép người nước ngoài mua cổ phiếu Trung Quốc, và cho phép vài thành phần nhà đầu tư Trung Quốc mua trái phiếu nước ngoài.  Trung Quốc cũng hứa tạo cơ hội để doanh nghiệp của họ tăng gia đầu tư ở nước ngoài.  Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều chỉnh công thức định giá nhân dân tệ, căn cứ trên một số ngoại hối ngoài đô la.  Vì các ngoại hối khác cũng đã lên giá so với đô la, biện pháp này phần nào sẽ nâng tỷ giá nhân dân tệ so với đô la Mỹ.

Nhìn rộng hơn, nhiều người cho rằng Mỹ đã không thuyết phục được Trung Quốc vì Trung Quốc biết rằng Mỹ cần Trung Quốc giúp giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, và cần Trung Quốc tiếp tục mua công khố phiếu của Mỹ.  Cũng nên để ý là trong lúc công khai làm áp lực với Trung Quốc, Mỹ không đả động gì đến Nhật Bản là nước cũng rất tích cực can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá Yen - đô la ở mức thấp nhằm nâng đở xuất khẩu.  Mặt khác, không chỉ có Mỹ là đổ lỗi cho Trung Quốc về những khó khăn kinh tế của họ.  Nhật, chẳng hạn, cũng thường chỉ trích  Trung Quốc đã "khoét rỗng" công nghiệp chế xuất của Nhật, và ngay cả Mêhicô cũng than phiền là nhiều công ty đa quốc gia ngày càng dời các cơ sở sản xuất từ Mêhicô sang Trung Quốc vì lương lao động ở Trung Quốc thấp hơn.

Trần Hữu Dũng
8 tháng 9, 2003