Viết cho Tia Sáng tháng 7/2004

 

Đọc “Sau đế quốc”

của Emmanuel Todd

 

Trần Hữu Dũng

 

 

Từ khi Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, và nhất là sau các trận chiến ở vùng Vịnh, A Phú Hản, Iraq, sự lộng hành khắp nơi của Mỹ đã làm nhiều người (dù trước đây thân Mỹ) phải đặt câu hỏi: có quả là Mỹ đã trở thành một đế quốc không nước nào có thể đối kháng?  Một trong các tác giả trả lời câu hỏi này là Emmanuel Todd qua cuốn “Sau đế quốc(1), một quyển sách đã gây nhiều sôi nổi ở Âu Châu trong hai năm qua, và vừa được dịch ra tiếng Anh.

 

Emmanuel Todd là một nhà xã hội học và dân số học người Pháp có được nhiều người biết vì năm 1976, khi mới 25 tuổi, ông là người đầu tiên công khai tiên đoán sự tan rã của Liên Xô qua cuốn “Sự sụp đổ cuối cùng”,(2) căn cứ vào những dữ kiện dân số học, và những xu hướng xã hội và kinh tế dựa vào thống kê.   Vậy là sau khi bàn về sự tan rã của liên bang Xô Viết, bây giờ Todd quay sang tiên đoán sự sụp đổ của Mỹ.

 

I

 

Todd cho rằng sự suy tàn của đế quốc Mỹ không phải sẽ xảy ra, nhưng đã bắt đầu.  Ông nêu ra ba hụt hẫng của “bá chủ” Mỹ.

 

(1)  Về quân sự, sau những thất bại ở Việt Nam, Lebanon, Somalia, Mỹ không còn tin tưởng ở quân lính của họ, mà chỉ trông cậy vào sức mạnh của vũ khí.  Chẳng những thế, dù với những vũ khí không nước nào bằng, Mỹ ngày nay chỉ dám tấn công các đối thủ hạng ruồi, không có khả năng trả đũa.  Nói như Todd, từ một “đế quốc nửa vời”, Mỹ đã  trở thành một “đế quốc tiếm danh”.

 

(2)  Về mặt kinh tế, Todd có hai nhận định.  Thứ nhất, Mỹ là một quốc gia tiêu dùng nhiều hơn sản xuất.  Mỹ thu hút hàng hóa, dịch vụ, và vốn từ các nước khác, mà không có gì cống hiến lại cho thế giới.  Cho đến gần đây thì một phần thế lực kinh tế của Mỹ là nhờ đồng đô la được nhiều nước khác dùng làm tiền dự trữ.  Tuy nhiên, sự thâm hụt kinh tế của Mỹ đã hăm doạ vai trò này của đồng đô la.  Thứ hai, Todd cho là “toàn cầu hóa” (theo kiểu Mỹ) chỉ là cách để Mỹ áp đặt “tự do thương mại” có lợi cho Mỹ.

 

(3) Về mặt ý thức hệ, Todd cho rằng Mỹ thiếu nhất quán.  Nội bộ xã hội Mỹ không bình đẳng, và người Mỹ kém hiểu biết những xã hội, những nền văn minh khác.  Todd cho rằng nền dân chủ Mỹ ngày càng bị lũng đoạn vì quyền hành ngày càng tập trung trong tay một thiểu số thống trị.  Thiểu số này không ngần ngại sử dụng vũ lực đối với các nước khác.  Todd khẳng định là “cái ác” mà Mỹ nhìn thấy ờ những nước khác chỉ là một ảo giác phản chiếu “cái ác” thực sự ở chính nước Mỹ: bạo lực, bất công, bất bình đẳng.

 

Là nhà dân số học, Todd chú trọng đặc biệt đến những thành tựu giảm tỷ lệ sinh sản của hầu hết các nước, và nhờ thế nâng cao mức sống của họ. Theo Todd, sản lượng của thế giới (ngoài Mỹ) ngày càng lớn, trình độ học vấn ngày càng cao, trong lúc Mỹ càng ngày lại càng xuống.  Do đó có một thay đổi ưu thế so sánh giữa Mỹ và các nước khác (đặc biệt là Nga và châu Âu)

 

Nói cách khác, theo Todd, về kinh tế thì Mỹ đang nương tựa vào các nước khác, còn về chính trị thì Mỹ cũng không có ích gì cho ai.  Tình huống này có hai hậu quả. Một là, Mỹ trở thành một “kẻ săn mồi” lùng kiếm những “triều cống” kinh tế từ khắp nơi trên thế giới, mà hệ thống triều cống này ngày càng khập khễnh, lung lay.  Mỹ không còn khả năng gắn liền lợi ích của mình với tiến triển kinh tế ở các quốc gia khác. Thứ hai, càng suy yếu thì Mỹ càng tuyệt vọng, càng sừng sộ để bảo tồn vị thế bá chủ của mình.  Theo Todd, đó là lí do khiến Mỹ sinh sự với Iraq, Iran, và Bắc Triều Tiên.

 

Tất cả những sự kiện nói trên (can thiệp chính trị khắp nơi, hùng hổ quân sự, và nền kinh tế quá tuỳ thuộc vào các nước khác), Todd khẳng định, sẽ đưa đế quốc Mỹ vào chỗ suy tàn.   Ông ta cho rằng ngày càng nhiều quốc gia lìa khỏi, hơn là đi vào, vùng ảnh hưởng của Mỹ.  Mỹ muốn thiết lập cái gọi là “đế quốc phóng khoáng” nhưng sẽ thất bại, vì ngày càng nhiều quốc gia nhận ra rằng họ không cần Mỹ.

 

 

II

 

Todd có nhiều nhận xét đúng, và đúng nhất là tiền đề của ông, rằng đế quốc Mỹ đang trên đường đi xuống.  Tuy nhiên, ngoài vài phân tích dựa trên các xu thế dân số, cuốn sách của Todd không có gì mới.  Những luận chứng ông đưa ra thiếu sức thuyết phục, và phần lớn là manh mún. Đáng tiếc hơn cả, có những bằng chứng vững chắc hơn cho kết luận của ông mà Todd không biết, hoặc không dùng.

 

(1) Về mặt kinh tế, để chứng minh rằng Mỹ yếu, Todd bảo là Mỹ không sản xuất được gì cho nhân loại, chỉ biết thu hút tài nguyên của các nước khác.  Đây là một lý luận theo thuyết trọng thương (mercantilism) đã lỗi thời từ nhiều thế kỷ.  Todd cũng biết là những lý luận này của ông là phản lại học thuyết chuẩn về thương mại kinh tế dựa trên lợi thế so sánh, nhưng ông chỉ dè bĩu mỉa mai mà không đưa một học thuyết nào để thay thế.

 

(2) Todd dựa vào thuyết “quá khả năng đế quốc” (imperial overstretch) do sử gia Paul Kennedy(3) đề xuất vào năm 1987.  Theo thuyết này (đã từng gây nhiều sôi nổi) thì Mỹ, cũng như mọi đế quốc trong lịch sử, sẽ có ngày không đủ tài nguyên duy trì đế quốc rộng lớn của họ.  Nói chung chung thì không ai có thể phủ nhận tiên đoán này (một định luật tự nhiên về sự thăng trầm của lịch sử), song cái khó khăn là xác định thời điểm mà giai đoạn suy tàn của đế quốc Mỹ sẽ bắt đầu.  Ngay Paul Kennedy, đối mặt với những thành công của Mỹ sau 1987, đã quay sang tán tụng đế quốc Mỹ trong những năm gần đây. Tất nhiên, Todd có quyền cho ý kiến của Kennedy năm 1987 là đúng, nhưng nếu thế thì ông phải trả lời những phản biện đã đặt ra cho ý kiến ấy.  Todd im lặng về những nghi vấn này.

 

Todd cho rằng với những xu hướng đang thấy về dân số, giáo dục ...  nhiều nước (châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật) sẽ dần dần phất lên, và chống lại Mỹ.  Đây là một lý luận quá đơn giản về tương quan lực lượng, không để ý đến những liên minh và cạnh tranh chiến lược giữa những nước này với nhau, trong đó có khi Mỹ là một đồng minh.

 

(3) Để giải thích sự yếu kém ý thức hệ của Mỹ, Todd viện dẫn sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ, đặc biệt là ý niệm “giai cấp trên” (“overclass”) lấy từ Michael Lind(4)  (một khái niệm khởi thủy từ Gunnar Myrdal(5)). Theo Lind, quyền lực của nước Mỹ ngày nay là nằm trong tay khoảng 20% người Mỹ.  Đó là những người làm chính trị, những chuyên viên, những nhà quản lí có bằng cấp đại học.  Những người này  ̶  mà Lind gọi là “giai cấp trên”  ̶  đã dùng mọi mánh khóe để lái nền kinh tế Mỹ về hướng quyền lợi của họ.

 

Tuy nhiên, thuyết “giai cấp trên” của Lind đã bị nhiều học giả Mỹ phản bác, cho là quá đơn giản, không đúng với thực tế.  Dường như Todd chẳng hề biết những ý kiến phản bác này.  Sự thiếu quen thuộc của Todd với những phân tích sâu sắc hơn về xã hội Mỹ là đáng tiếc, bởi lẽ những phân tích này có thể còn làm mạnh hơn kết luận của Todd về sự rệu rã bên trong của đế quốc Mỹ. Kevin Phillips, chẳng hạn (trong cuốn Của Cải và Dân Chủ(6)) đã nhận định rằng sự phân hoá giàu nghèo ngày càng gay gắt ở Mỹ là một quả bom nổ chậm của nước này.  John Judis và Ruy Teixeira, đằng khác (trong quyển Xã Hội Dân Chủ Đang Lộ Diện(7)) đã đưa ra nhiều thống kê cho thấy những người tiến bộ ở Mỹ về lâu về dài sẽ là đa số.  Đúng là đế quốc Mỹ sẽ có ngày tàn, và có thể là nó đang trên hướng xuống, nhưng Emmanuel Todd chưa đi đủ xa để biện chứng cho kết luận này.  

 

 

Trần Hữu Dũng

Dayton

14-6-2004

 

Chú thích

 

(1) “Après l’empire – Essai sur la décomposion du système américain”, NXB Gallimard, 2002

(2) “La chute finale -- Essai sur la décomposition de la sphère soviétique”, NXB Robert Laffont, 1976

(3) “The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000”, NXB Vintage Books, 1987

(4) “Next American Nation”, NXB Free Press, 1996

(5) “An American Dilemma: The Negro Problem and Modern Democracy”, NXB Pantheon, 1975

(6) “Wealth and Democracy”, NXB Broadway Books, 2003

(7) “The Emerging Democratic Society”, NXB Scribner, 2002