CÁCH CHO CỦA GIÁO SƯ TRẦN ĐỨC THẢO

 

Hoàng Ngọc Hiến

 

            Có những sự việc giản đơn và rất thật in sâu trong ký ức.

 

            Khoảng đầu những năm 80. (Nhớ lại những ấn tượng gặp tôi thời gian này, Trần Đăng Khoa nói: “Dạo ấy trông thầy như đói ăn và thiếu ngủ”). Một buổi sáng, tôi đang lúi húi bên một tủ “phích” ở Thư viện Khoa học xã hội, bỗng có người vỗ vai và nói với tôi: “Cậu hay đọc báo Nga, có bài nào hay nhờ cậu làm lược thuật cho tôi…”. Tôi nhận ra ông Trần Đức Thảo. “ – Tôi sẽ trả tiền cho cậu”, - ông nói tiếp.

 

            Tôi cười và nhận lời, nghĩ bụng “đúng tác phong châu Âu”. Sau đó ông mời tôi đi uống nước. Ông đưa tôi vào một cửa hàng giải khát cạnh rạp Tháng Tám. Đến quầy bán, ông gọi hai cốc sữa và trả tiền. Một việc hết sức bất ngờ đối với tôi; ông đưa cho tôi một sấp tiền và nói: “Tôi ứng trước tiền cho cậu”… Sau này, không bao giờ ông hỏi tôi bài lược thuật. Tôi ngẫm ra sự việc này đơn giản. Ông Trần Đức Thảo không muốn đặt tôi vào tình thế người được giúp đỡ. Và ông bày ra chuyện nhờ làm lược thuật. Ông có thể đưa tiền cho tôi ở ngay thư viện, nhưng ông đã đưa tôi đên một cửa hàng giải khát, có lẽ như vậy kín đáo hơn. Ông Trần Đức Thảo là người quan tâm đến cách cho.

 

            Năm 1958, trong đợt đấu tranh tư tưởng ở trường Đại học Tổng hợp, tôi đã phê phán Trần Đức Thảo hết sức gay gắt trong một bài tham luận. Cũng như mọi triết gia, ông Trần Đức Thảo là người độ lượng. Ở nhà trí thức lỗi lạc này, tôi còn cảm nhận một điều gì đó lớn hơn sự độ lượng.

 

Hoàng Ngọc Hiến

Nguồn: báo Văn Nghệ

 

Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục"

Cám ơn Lã Thị Hải Yến đã chép lại bài này