NHÀ TRIẾT HỌC TRẦN ĐỨC THẢO

 

Hàm Châu

 

            Trong một đợt đi công tác ngắn hạn tại Pháp, không may lâm bệnh, mặc dù được Đại sứ quán ta và bạn bè Pháp tận tình chăm sóc, giáo sư Trần Đức Thảo đã qua đời hồi 8 giờ 10 phút (giờ Paris) tại Bệnh viện Broussais, thọ 76 tuổi.

 

            Giáo sư Trần Đức Thảo mất đi để lại sự thương tiếc trong đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài - đặc biệt là trong giới trí thức sinh viên – và cả trong bạn bè quốc tế.

 

            Cuộc đời giáo sư Trần Đức Thảo là cuộc đời của một người trí thức yêu nước, một nhà triết học uyên thâm, một người mác-xít thuỷ chung, xác tín.

 

            Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc trong một gia đình viên chức nhỏ. Đỗ tú tài vào loại xuất sắc, anh vào học Trường Luật tại Hà Nội một thời gian, rồi sang Pháp ôn luyện để chuẩn bị thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm. Đây là một trong mấy “trường lớn” của nước Pháp tuyển sinh rất khó, học bổng rất cao. Nhiều chính khách nổi tiếng, nhiều nhà bác học lỗi lạc lấy làm tự hào nếu mình là “cựu sinh viên” trường này. Năm 1939, anh thanh niên Bắc Kỳ Trần Đức Thảo đỗ rất cao vào trường này. Năm 1942, anh tốt nghiệp cao học với luận án Phương pháp hiện tượng học của Husserl. Năm sau, anh đỗ thạc sĩ triết học hạng nhất, ở tuổi 26. Lúc bấy giờ, một số tờ báo ở Pháp và ở Đông Dương đã coi đó là một sự kiện nổi bật, một biểu hiện rực rỡ của tài năng thiên phú. Ngay sau đó, vị thạc sĩ trẻ đăng ký viết luận án tiến sĩ về hiện tượng học của Husserl.

 

            Lúc bấy giờ nước Pháp và nhiều nước châu Âu đang nằm dưới ách thống trị phát-xít. Giới triết học dân chủ phương Tây hy vọng có thể khôi phục tinh thần của văn minh qua việc nghiên cứu Hegel và Husserl. Edmund Husserl là một nhà triết học Đức nổi tiếng bị bọn phát-xít cấm giảng dạy ở các trường đại học. Người hướng dẫn Trần Đức Thảo là giáo sư Jean Cavaillés đi tham gia kháng chiến. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà triết học Việt Nam trẻ tuổi.

 

            Năm 1944, nước Pháp giải phóng, Thạc sĩ Trần Đức Thảo được cử làm báo cáo viên chính trị tại Đại hội kiều dân Đông Dương họp trong toà thị chính Avignon, nơi mà thị trưởng là một người cộng sản. Trước Đại hội, ông trình bày một bản dự thảo cương lĩnh đòi thiết lập nền dân chủ ở Đông Dương.

 

            Cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam càng khích lệ ông hăng say hoạt động xã hội. Ông viết truyền đơn, tổ chức các cuộc họp báo để ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Hồ Chí Minh. Theo báo chí Pa-ri tường thuật, thì trong một cuộc họp báo, khi một nhà báo Pháp hỏi: “Người Việt Nam sẽ đón tiếp ra sao lúc quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ?”, thạc sĩ Trần Đức Thảo đã trả lời ngắn gọn mà đanh thép: “Nổ súng!”

 

            Tháng 10-1945, ông và 50 kiều bào ta bị nhà cầm quyền Pháp lúc đó bắt giam về cái “tội” gọi là “vi phạm an ninh nhà nước”. Báo L’Humanité (Nhân đạo) và báo Les Temp Modernes (Thời đại ngày nay) đăng bài phản đối hành động đó.

 

            Ba tháng nằm trong xà lim khiến cho ông thấm thía nhiều điều. Ra tù, ông liên tiếp viết bài cho các báo Pháp, bác bỏ những luận điều vu khống đối với Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

            Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp (năm 1946), ông bày tỏ với Chủ tịch nguyện vọng sẽ trở về nước tham gia cách mạng ngay sau khi viết xong luận án tiến sĩ. Và ông đã làm đúng như vậy. Tháng 8 – 1951, cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng  dày 368 trang của ông được Nhà xuất bản Minh Tân in ở Pa-ri, thì mấy tháng sau, ông rời nước Pháp trở về Tổ quốc qua đường Luân Đôn – Praha, Mát-xco-va - Bắc Kinh- Tân Trào.

 

            Ông trở thành một giáo sư đại học ở chiến khu, và năm 1953, làm việc tại Văn phòng Tổng Bí thư, dịch các tác phẩm của đòng chí Trường Chinh ra tiếng Pháp.

 

            Ông còn được cử làm Uỷ viên Ban Văn-Sử-Địa, tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay, phó giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, rồi chủ nhiệm Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

           

            Trong những năm 1958-1960, ông tập trung nghiên cứu các sách kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, và trở thành chuyên viên cao cấp Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

 

            Có thể nói công trình triết học đầu tiên của giáo sư Trần Đức Thảo gây tiếng vang lớn trong dư luận là cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo Bernard và Dorothee Rousset viết trong cuốn Từ điển các nhà triết học (do Nhà xuất bản Đại học Pháp in năm 1984), thì cuốn sách ấy của nhà triết học Việt Nam là “một tác phẩm gây “sửng sốt” mà tính táo bạo trong cách nhìn và sự sáng tỏ trong cách diễn đạt đã nhanh chóng được coi là “kinh điển”… Cuốn sách đóng vai trò quan trọng trong việc đào luyện nhiều nhà triết học trẻ”.

 

            Từ điển các nhà triết học là một công trình đồ sộ dày 2715 trang, khổ lớn, giới thiệu thân thế và sự nghiệp các nhà triết học có tên tuổi trên thế giới từ thời cổ đại đến nay. Có những tên tuổi chỉ được dành cho dăm ba dòng, chữ nhỏ. Nhưng Trần Đức Thảo được giới thiệu tới ba trang.

 

            Năm 1973, Nhà xuất bản xã hội ở Pa-ri in cuốn sách chuyên khảo Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức của giáo sư Trần Đức Thảo, dày 344 trang. Trong lời giới thiệu, nhà xuất bản này cho biết nhà triết học Việt Nam đã để lại dấu ấn trong “cả một thế hệ trí thức Pháp qua những bài giảng của ông ở Trường cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm cũng như qua cuốn sách in năm 1951.

 

            Năm 1978, Nhà xuất bản Goldolat ở Hung-ga-ri dịch và in cuốn Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức của giáo sư Thảo và đề nghị ông viết một cuốn sách khác về triết học. Một nhà xuất bản ở Mỹ, cách đây không lâu, đã dịch và in cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Giới triết học Đức mời giáo sư Thảo sang trao đổi ý kiến về Hegel, về vấn đề con người. Một số tác phẩm của giáo sư Thảo cũng được dịch sang tiếng Nhật Bản, tiếng Tây Ban Nha hoặc được in lại ở Anh, Đức…

 

            Cuối năm 1988, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh in cuốn sách chưa phải là cuối cùng của giáo sư: cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”, đề cập nhiều vấn đề triết học hiện đại trên quan điểm Mác-xít.

 

            Đến với chủ nghĩa Mác từ những năm trẻ trung sôi nổi nhất, và rồi, trong những năm khó khăn của đời mình, vẫn không vì thế quay ra “đốt cháy” những gì mà mình đã từng “tôn thờ” thời trẻ, trái lại, vẫn đào sâu, nghiền ngẫm toàn bộ các tác phẩm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên trì đấu tranh bảo vệ các nguyên lý mác-xít. Sự nghiệp khoa học ấy, nhân cách ấy rất đáng để cho mọi người suy ngẫm.

 

            Còn về đời tư, thì có thể nói vắn tắt, ông là một con người kín đáo, trầm tư, giản dị và thanh bạch.

 

Hàm Châu

Báo Nhân dân Chủ nhật, số 19 (404), 9-5-1993

 Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục"