Trần Đức Thảo,
nhà triết học giàu lòng yêu nước

Phạm Thạch Hoàng
 

Trần Đức Thảo sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917 tại Bắc Ninh, mất 24 tháng 4 năm 1993 tại Paris là một triết gia Việt Nam lỗi lạc được thế giới ca ngợi và nghiên cứu. Ở trong nước, thời gian trong vòng chục năm lại đây, nhiều người tìm hiểu và nghiên cứu tư tưởng triết học của ông, tuy nhiên chỉ mới qua một số công trình tiêu biểu viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch, vì phần lớn các công trình của Trần Đức Thảo được viết bằng tiếng Pháp, được công bố ở nước ngoài.

Có dịp tiếp cận một số công trình của giáo sư, ngoài những tư tưởng triết học xuất chúng, toát lên hình ảnh một con người yêu nước, hết lòng vì sự nghiệp phục vụ đất nước, gắn triết học với thực tiễn của đời sống đất nước, nhân dân, cách mạng, sống một cuộc đời tư thanh bạch, giản dị không màng đến những nhu cầu vật chất và hạnh phúc riêng tư, đã chịu không ít thiệt thòi do bối cảnh lịch sử. Nhà triết học ấy, mỗi lần nhắc đến, trong chúng ta không ít niềm thán phục pha lẫn xót xa nuối tiếc.

Ngay năm 1945, sau khi chúng ta vừa giành được chính quyền, thiết lập nền dân chủ nhân dân ít lâu thì ở Pháp, Trần Đức Thảo đã bày tỏ quan điểm rõ ràng phản đối chính sách thực dân của Pháp ngay trên đất Pháp. Vì lòng yêu nước mình mà ông đã gặp phải những rắc rối. Trong tiểu sử tự thuật, giáo sư Trần Đức Thảo có kể lại câu chuyện "Một bài báo đăng trên tờ Le monde đã thuật lại cuộc họp báo của tôi, bài báo đó đã nhắc lại một câu hỏi của một nhà báo đã hỏi tôi: "Những người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?". Tôi đã trả lời "phải nổ súng". Vì lời đối đáp này, tôi đã bị trả giá là bị bắt giam giữ tại nhà tù Prison del la santé từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 năm 1945 (3 tháng), với lí do "xâm phạm an ninh nước Pháp trong những lãnh thổ có chủ quyền của Pháp". Tuy nhiên, Trần Đức Thảo đã được bạn bè và dư luận tiến bộ ủng hộ và đòi trả tự do cho ông. Sau khi ra tù, Trần Đức Thảo có đến gặp Emille Bré hier, là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho mình. Vị giáo sư này lại là người ủng hộ chính sách thực dân của chính phủ Pháp, đã cúi gằm mặt, rồi vung tay chỉ ra cửa và thét: "Nếu ông không yêu nước Pháp thì ông đi đi, về nước của ông…" ấy vậy nhưng về sau này khi Trần Đức Thảo trở nên nổi tiếng, GS Emille Bré hier đã có lúc thốt lên đầy thán phục về ông: "Ôi, một con người tuyệt diệu, hãy chào anh ta bằng ngã mũ và cúi đầu"

Ba tháng trong tù, ông đã tận dụng khoảng thời gian đó để ngẫm nghĩ nhiều điều về triết học, về tương lai, về đất nước, về cách mạng. Sau khi ra tù, ông liên tiếp viết bài cho các báo Pháp bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Đông Dương kháng chiến.

Theo Gs thuật lại, cuối năm 1946 (hay đầu năm 1947), bài báo đăng trên tạp chí Les Temps Modernes đả kích những vu khống chống lại mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương của người theo phái Trostky Claude Lefort. Năm 1947: Bài đăng trên Tạp chí La Pensée (Tư tưởng) đả kích sự xâm lược thuộc địa với Việt Nam. Cùng trong dòng suy nghĩ ấy, không chỉ ủng hộ đất nước, chống sự xâm lược nhân dân trong nước, cuối năm 1948 đầu năm 1949, ông đã kí vào bản tuyên ngôn của các nhà trí thức (công bố trên báo L' Humanité, nhật báo của Đảng cộng sản Pháp) phản kháng lại những đàn áp do Titô tiến hành đối với người Nam Tư. Vì lòng yêu nước như một số nhân sĩ trí thức sống ở nước ngoài lúc bấy giờ và muốn gắn triết học với cơ sở xã hội hiện thực, nhân chuyến Bác Hồ sang thăm Pháp (1946), ông đã báo cáo với Bác về tình hình Việt kiều ở Pháp và bày tỏ nguyện vọng được về nước tham gia cách mạng, sau khi khi học xong bằng tiến sĩ. Đúng như ông đã hứa, tháng 8 năm 1951 sau khi viết xong cuốn "Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng", dày 368 trang được nhà xuất bản Minh Tân in ở Paris, thì mấy tháng sau bằng số tiền nhuận bút, ông rời Pháp về nước theo hành trình Pari - Luânđôn - Praha - Matxcova - Bắc Kinh về khu cách mạng Tân Trào. Về nước, ông được Đảng và Chính phủ giao nhiều công việc ông đều hết lòng phục vụ với một tinh thần bình thản lãnh nhận nhiệm vụ và thực thi nhiệm vụ được giao.

Có một câu chuyện khác được nhà văn Đỗ Chu kể lại trong cuốn "Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo"(1) rằng, vào những năm máy bay Mỹ đang ném bom oanh tạc miền Bắc, nhân dân Hà Nội đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu, cũng vào thời điểm đó, ở Mỹ (bang Washington), một hội nghị lớn của những nhà triết học nổi tiếng thế giới được tổ chức. Người ta mời ông tham dự để bàn về những vấn đề triết học rất "xa xăm" của nhân loại. Trần Đức Thảo đã từ chối bằng việc đạp xe đến bưu điện Bờ Hồ, đánh một bức điện bằng tiếng Anh với nội dung: "Kính gửi Ngài Tổng thống Mỹ Washington D.C. Tôi không thể đến dự Hội nghị ở một đất nước mà từ đó người ta đã ra lệnh cho các phi cơ đến ném bom lên đầu nhân dân tôi. Kí tên Trần Đức Thảo".

Đối với một nhà Triết học, ngòi bút của họ là vũ khí, sức mạnh tinh thần sẽ trở thành một sức mạnh vật chất lan tỏa và đầy hiệu ứng khi bản thân nó là một thứ tinh thần lành mạnh, sâu sắc và tiến bộ. Trần Đức Thảo xét ở một góc độ nào đó, nói như Jean Paul Jonary (làm việc ở toà báo Révolution, đã từng biên tập nhiều tác phẩm của Trần Đức Thảo và đăng trên báo này) thì ông là "nhà triết học chiến đấu". Vì "chiến đấu" đòi độc lập tự do cho dân tộc đã dẫn ông từ Hiện tượng học của Husserl(2) đến chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội như chính giáo sư tự nhận. Vì yêu đất nước, ông đã trở về, từ chối những cơ hội thành danh, bỏ lại trời Tây hoa lệ trong sự nuối tiếc của bè bạn thế giới. Vì yêu đất nước, yêu nhân dân, suy nghĩ sâu xa về sự nghiệp phát triển con người, Trần Đức Thảo đã viết nên nhiều công trình triết học đầy tính lý luận và thực tiễn.

Giáo sư đã vĩnh biệt chúng ta đã hơn một giáp của đời người. Giờ thì nhà triết học giàu lòng yêu nước và lỗi lạc của chúng ta đã nằm yên nghỉ ở hàng mộ thứ nhất, khu A nghĩa Trang Văn Điển. Một con người ra đi từ đất Mẹ, thành danh ở trời Tây, mất ở trời Tây, nay đã được trở về nằm yên nghĩ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ dấu yêu, quê hương mà ông từng yêu mến, bảo vệ bằng tư tưởng và ngòi bút và dâng hiến những dòng tư tưởng, đã cho thế giới biết người Việt Nam ta đâu phải không có nhà Triết học. Thì đấy, Trần Đức Thảo là một nhà triết học tiêu biểu của trí tuệ Việt Nam./.
 

ThS. Phạm Thạch Hoàng
_____________
1. Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HN, 2006 do Phạm Thành Hưng và Trần Ngọc Hà (đồng chủ biên).
2. Edmund Husserl (1859 - 1938) nhà triết học người Đức, người sáng lập ra Hiện tượng học, coi đó là một khoa học kết hợp chặt chẽ và một lí thuyết về tri thức dựa trên cơ sở các khoa học khác.

*Bài đã đăng trên tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, HN, số tháng 7 năm 2006

 

Trở vế trang chủ Trần Đức Thảo 

 

Lên trang viet-studies ngày 20-8-10