Tập san Đại học Sư phạm

Số 5 – Tháng 1-2-3 – 1956

 

 

NỘI DUNG XÃ HỘI “TRUYỆN KIỀU”

 

Trần Đức Thảo 

 

 

Tính chất, tác dụng chống phong kiến là giá trị nhân đạo của Truyện Kiều. Nhưng tính chất và tác dụng đó bắt nguồn từ đâu, thực hiện lập trường nào và đạt được mức độ nào? Giải quyết vấn đề này là quy định thái độ thông cảm, nhận định phần đóng góp thực sự của thơ Nguyễn Du trong công cuộc đấu tranh của chúng ta bây giờ.

 

Tính chất và tác dụng chống phong kiến căn cứ vào nội dung xã hội được diễn tả. Nội dung xã hội không phải chỉ là những sự việc được kể, nhưng là nội dung mâu thuẫn, ý nghĩa của những sự việc ấy đối với cuộc đấu tranh giai cấp đương thời, ý nghĩa đó thể hiện trong cách trình bày của tác giả, trong nghệ thuật văn chương.

 

Đây là điểm căn bản định nghĩa tính chất sáng tạo trong Truyện Kiều. Sở dĩ Nguyễn Du, tuy chỉ kể lại những sự việc đã có trong cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, mà lại tạo ra được một trước tác hoàn toàn mới, đó không phải chỉ là do nghệ thuật thi văn, nhưng căn bản là do nội dung xã hội, rất lù mờ và lệch lạc trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà được nổi bật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vai trò nàng Kiều trong cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân là vai trò một cô gái tài sắc rất mực, nhưng tính tình khá tầm thường, thậm chí đôi khi lại có những cử chỉ sỗ sàng. Do đấy nội dung mâu thuẫn giữa tàimệnh rất là nông nổi, không bộc lộ thực chất bất công, vô nhân đạo của chế độ xã hội đương thời. Trái lại trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Kiều là một điển hình lý tưởng, đủ đức lẫn tài, giữ được phẩm giá cao quý, tinh thần trong sạch trong những hoàn cảnh hết sức nhục nhã. Đây, mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế được diễn tả một cách thấm thía, làm cho chúng ta cảm thấy những mâu thuẫn thực tại chia xé xã hội phong kiến suy đồi, những mâu thuẫn ấy không thể nào giải quyết một cách khác hơn là bằng mộc cuộc khởi nghĩa của nông dân. Những sự việc nói chung thì đã được kể trong Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng chỉ có trong Nguyễn Du nó mới mang được một ý nghĩa sâu sắc. Đó là nội dung chân chính mà Nguyễn Du đã sáng tạo, phản ánh thực tại tiến hoá của xã hội Việt Nam đời Lê mạt - Nguyễn sơ. Cảm hứng chủ đạo của thi sĩ là nhằm nội dung ấy, mà cũng chính do đấy mà đạt được một hình thức văn nghệ tuyệt diệu. Giá trị chân lý, tính chất và tác dụng chống phong kiến của Truyện Kiều xuất phát từ nội dung cùng với hình thức phản ánh thực chất của xã hội phong kiến trong quá trình đấu tranh và tiến hoá của nó. Vấn đề lập trường và mức độ chống phong kiến là vấn đề lập trường và mức độ phản ánh thực tế khách quan ấy.

 

 

I - Tài, Mệnh và Tình

 

Gia đình viên ngoại họ Vương thuộc về thành phần trung gian trong xã hội phong kiến. Kiều đã được luyện tập trong mọi nghề phong lưu: thi, hoạ, ca, nhạc. Nhưng phương thức sinh hoạt còn giản dị: ngày hội Đạp Thanh, ba chị em “bộ hành chơi xuân”, trong khi bọn giàu có thì “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Thậm chí phụ nữ trong nhà còn có phần tham gia lao động, và hôm bọn sai nha đến cướp phá thì chúng đã làm “Rụng rời khung cửi, tan tành gói may”. Tuy nhiên, trước ngày sa sút, không ai trong gia đình phải sản xuất để sinh sống, vậy họ Vương chắc cũng có ruộng phát canh, nhưng phần này không thể có nhiều, vì đến lúc có việc lễ quan, thì không thấy đặt vấn đề bán ruộng và sau đấy cả nhà lại tìm cách sinh nhai trong nghề thủ công: “Thuê may bán viết, kiếm ăn lần hồi”. Chúng ta có thể nhận định: Kiều xuất thân ở tầng lớp tiểu phong kiến, có thể là vào hạng dưới.

 

Đối với những tầng lớp trung gian dưới chế độ phong kiến suy đồi, từ thương nhân, chủ thủ công đến thừa lại, tiểu địa chủ [1], mâu thuẫn giữa tài mệnh xuất phát từ kinh nghiệm thực tế xã hội. Họ có phương tiện để rèn luyện cá nhân, xây dựng tài năng, nhưng lại không được sử dụng cái tài năng ấy một cách xứng đáng, vì bị bọn quý tộc, quan liêu đàn áp, có khi biến cái tài năng ấy thành một cái tai vạ. Ví dụ như một trong những lý do cản trở sự phát triển của những nghề thủ công, là những chủ thợ giỏi thường phải giấu nghề và trốn tránh để khỏi bị bắt đi làm cho nhà nước phong kiến với một chế độ bán nô lệ. Tiểu phong kiến thì là một tầng lớp trong giai cấp phong kiến, tức là trong giai cấp thống trị nói chung, nhưng bản thân họ lại không ở cương vị thống trị. Đứng về mặt ngôi thứ trong toàn bộ xã hội, họ cũng chỉ là một thành phần trung gian. Và họ cũng bị những thành phần thống trị, quý tộc quan liêu, đàn áp: bằng chứng chính là những nhà nho bất mãn với thời thế đã đứng ra lãnh đạo những phong trào nông dân khởi nghĩa (Nguyễn Tuyển, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Nhạc, v.v…). Mâu thuẫn giữa tiểu phong kiến và phong kiến thống trị là mâu thuẫn nội bộ trong giai cấp phong kiến, đồng thời cũng là nơi phản ánh toàn bộ mâu thuẫn của xã hội phong kiến, nơi phân hoá giai cấp phong kiến. Cái bạc mệnh của những phần tử tiểu phong kiến bị đàn áp bắt nguồn từ hoàn cảnh giai cấp. Đối với họ, nó xuất hiện như là một quy luật chung.

 

Ở những tầng lớp trung đại phong kiến, cũng có những trường hợp thất bại, nhưng thân phận chung thì tất nhiên vẫn là sung sướng. Ví dụ như nếu Kiều sinh trưởng trong một gia đình phú quý thì cũng có thể là nàng bị mắc nạn, nhưng đó lại chỉ có thể coi là một ngoại lệ, vì đã ở thành phần thống trị thì “lời bạc mệnh” không phải là “lời chung” cho phận hồng nhan. Hoạn thư, con nhà đại phong kiến, đã thấy rõ điểm này:

 

“Ví chăng có số giàu sang

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”.

 

Nhưng vì gia tư họ Vương là “thường thường bậc trung”, chỉ một buổi quấy lộn của bọn sai nha là đủ để làm tan nát, tài hoa của Kiều đã có điều kiện để xây dựng, nhưng lại sẽ làm một mồi hấp dẫn cho bọn thống trị dầy vò và biến thành một công cụ hưởng lạc cho chúng. Cái bạc mệnh này không phải là trường hợp cá biệt, mà là điển hình cho cả một số thành phần quan trọng trong xã hội phong kiến: “Làm gương cho khách hồng quân thử soi”. Tư tưởng tài mệnh tương đố phản ánh trong chủ quan cá nhân tình trạng thực tế của những tầng lớp trung gian bị bọn thống trị đe doạ, đàn áp; người nào có phần đặc sắc thì bị lợi dụng một cách vô nhân đạo:

 

“Anh hoa phát tiết ra ngoài,

Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa”.

 

Đây còn là phần giới hạn hẹp hòi của mâu thuẫn giữa tài mệnh. Nhưng đồng thời nó lại có một ý nghĩa rộng rãi hơn. Vì chính cái số phận bội bạc của những thành phần trung gian chỉ là phản ánh trong phạm vi cục bộ mâu thuẫn chung giữa nhân dân, người sáng tạo ra mọi giá trị chân chính trong lịch sử, và giai cấp thống trị kìm hãm và đàn áp công trình sáng tạo ấy. Cuộc đấu tranh giữa nhân dân và giai cấp thống trị có tính cách cụ thể, trực tiếp và quyết liệt, chứ không phải chỉ là mâu thuẫn xa xôi giữa tài mệnh. Nhưng sở dĩ những phần tử trung gian có năng lực đạt được tài hoa, tài hoa này cũng có giái trị thực sự, đó là vì họ còn gốc rễ trong quần chúng, được ảnh hưởng của quần chúng, mà cũng vì thế mà họ lại vấp phải chế độ áp bức của bọn thống trị. Vậy tư tưởng tài mệnh tương đố, với giới hạn của nó, cũng có phần ý nghĩa phổ cập. Trực tiếp thì nó xuất phát từ hoàn cảnh của những thành phần trung gian, nhưng nó không đóng khung trong những thành phần ấy, vì đồng thời nó cũng phản ánh gián tiếp trình trạng chung của nhân dân, vậy phần nào cũng được quần chúng thông cảm. Tiếng đàn của Kiều gợi sầu, vì nó bộc lộ tâm trạng của tầng lớp tiểu phong kiến bị đe doạ, nhưng đồng thời nó cũng nhắc lại những nỗi gian khổ của nhân dân bị áp bức bóc lột, và nó là một tiếng kêu phản đối, trong một phạm vi nhất định, chế độ phong kiến thống trị. Phạm vi này mới là phạm vi tài hoa cá nhân, oán trách bạc mệnh, nhưng vì nội dung mối sầu cũng còn có ý nghĩa phổ cập, tiếng đàn đã đạt được một giá trị nghệ thuật sâu sắc, làm cho thiên hạ cảm thấy một cách thấm thía bản chất bất nhân, bầu không khí nghẹn thở của chế độ xã hội đương thời:

“Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”.

 

*

* *

 

Nghệ thuật than phiền chỉ là một hình thức phản đối tiêu cực. Nhưng được gặp tình ái, Kiều lại bộc lộ một tinh thần đấu tranh mạnh mẽ. Đây là phần căn bản lành mạnh của nàng, đi song song với những mâu thuẫn vấn vít trong tư tưởng tài mệnh tương đố. Nhưng để nhận định rõ tính chất đấu tranh, giá trị chân chính của mối luyến ái của Kiều với Kim Trọng, cũng cần phải xét nội dung giai cấp của nó.

 

Kim Trọng thuộc rõ ràng về thành phần phong kiến thống trị. Sau buổi hội Đạp Thanh, ba chị em họ Vương thì giản dị “thơ thẩn dan tay ra về”, mà chàng thì cưỡi “ngựa câu dòn”, “sau lưng theo một vài thằng con con”, quần áo sang trọng làm chói lọi cả một vùng chung quanh:

 

“Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”

Đức tính của chàng xuất phát từ cương vị giai cấp: 

“Họ Kim, tên Trọng, vốn nhà trâm anh.

Nền phú hậu, bậc tài danh,

Văn chương nết đất, thông minh tính trời”.

 

Chúng ta hiểu rõ: “bậc” là cấp bậc ngôi thứ, quy định cái “tài danh” được công nhận trong xã hội phong kiến. Chữ “đất” trong ý thức chủ quan nhằm chỗ đặt mồ mả, nhưng thực ra thì muốn chọn được chỗ tốt, cũng phải có sẵn nhiều ruộng đất. Cái linh quyền của đất mồ mả tượng trưng cho thực quyền phong kiến chiếm đoạt ruộng đất. Mà cũng vì thế những “nhà trâm anh” mới có phương tiện thực tế để rèn luyện cái “nết văn chương”. Còn “tính trời” là cái truyền thống thống trị, do đấy con cái nhà quan từ thuở nhỏ đã thấm nhuần cái lý tính của chế độ phong kiến, tức là cái trí “thông minh” của giai cấp phong kiến. Đó là những điều kiện cơ bản đã tạo nên một anh chàng

 

“Phong tư tài mạo tuyệt vời,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”.

 

Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên, Kiều tự nhiên đã xiêu lòng. Cần phải nhận rõ: khách quan thì tầng lớp tiểu phong kiến có xu hướng vươn lên thành phần thống trị, nhưng trong trường hợp này, đấy lại không phải là động cơ chủ quan trong ý thức nàng Kiều. Trái lại, Kiều đã rất e ngại trước sự chênh lệch giữa nàng và Kim Trọng:

 

“Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang.

Chẳng sân ngọc bội, thời phường kim môn.

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”

 

Trong tư tưởng của Kiều, cương vị giai cấp của Kim Trọng chỉ là một cản trở cho tình yêu. Động cơ chủ quan của nàng là cảm xúc thuần tuý, trong sạch:

 

“Lặng nghe lời nói như ru,

Chiều xuân dễ khiến, nét thu ngại ngùng”.

 

Nhu cầu thiết tha của Kiều là một đời sống đa tình, thoả mãn những đòi hỏi của tài hoa. Nhưng với thành phần giai cấp của nàng, với cả cái giáo dục phong kiến, với những tiêu chuẩn nhận xét của thời đại, yêu cầu tình cảm của nàng chỉ có thể hình dung trong một điển hình lý tưởng của thành phần thống trị - “chẳng sân ngọc bội, thời phường kim môn”-, và nàng đã cảm thấy Kim Trọng như là người lý tưởng. Tuy nhiên, trong cái hình ảnh lý tưởng ấy, Kiều chỉ nhắm cái hình thức lý tưởng thuần túy, đáp lại yêu cầu tình cảm của nàng. Còn cái tính chất thống trị của con người lý tưởng đó, thì Kiều lại thấy rõ rằng đấy là một mối đe doạ cho tương lai:

 

“Trông người lại ngắm đến ta,

Một dày, một mỏng, biết là có nên?”

 

Cảm tưởng này phản ánh đúng đắn hoàn cảnh giai cấp của Kiều. Yêu cầu tình cảm của những thành phần trung gian trong xã hội phong kiến xuất phát từ tài năng cá nhân, tài năng ấy đòi hỏi một tập thể thích hợp, thông cảm với nó và giúp nó phát triển. Nhưng tài năng chỉ có thể xuất hiện nhờ công trình lao động rèn luyện và xây dựng nó lên, công trình này, xét tới cùng, là bắt nguồn từ quần chúng nhân dân, người sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật căn bản. Cụ thể thì tiếng đàn của Kiều cũng là xuất phát từ những bài nhạc thông thường: “Khúc nhà tay lựa nên chương”. Tức là con người tài hoa, đa tình đa cảm của Kiều có gốc rễ trong quần chúng, và cũng vì thế mà đến bây giờ chúng ta còn thông cảm, và cho yêu cầu tình cảm của nàng là tiêu biểu cho quyền sống của con người dưới chế độ phong kiến. Nhưng đối tượng tình cảm trong ý thức của Kiều chỉ có thể quan niệm theo lý tưởng phong kiến, tức là trong một điển hình phong kiến thống trị lý tưởng hoá. Kiều đã đặt đối tượng tình cảm của mình trong con người thống trị lý tưởng của Kim Trọng. Nhưng chính đây là nguồn gốc mâu thuẫn: vì trong thực tế xã hội, chính thành phần phong kiến thống trị lại luôn luôn đàn áp những phần tử trung gian, như gia đình họ Vương. Kiều đã cảm thấy cái mâu thuẫn ấy, và dù Kim Trọng có lấy cá tính anh hùng mà chống chọi với quy luật xã hội – “Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều” -, thành phần giai cấp của chàng sẽ không cho phép chàng thực hiện hạnh phúc với người yêu: vì một tên quan lại hối lộ, Kiều sẽ phải bán mình chuộc cha. Đó là nội dung mâu thuẫn giữa tình mệnh: những thành phần trung gian đặt lý do tồn tại của mình trong những điển hình thống trị lý tưởng hoá, nhưng quy luật của chế độ thống trị lại là đàn áp họ một cách dã man.

 

Tuy nhiên Kiều không đầu hàng hoàn cảnh xã hội, và cuộc luyến ái của nàng với Kim Trọng là một cuộc đấu tranh cương quyết. Một hành động đặc biệt táo bạo đối với phong tục đương thời, là hôm đi thăm Kim Trọng, và chiều đến đã trở về nhà, thấy cha mẹ còn giở tiệc hoa, Kiều lại hấp tấp chạy tìm người yêu:

 

“Cửa ngoài vừa rủ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.

 

Đây không phải chỉ là phá bỏ lễ giáo phong kiến để thoả mãn tình cảm. Đây là một hành động đấu tranh chống những nguy cơ ngấm ngầm đe doạ tình duyên, nguy cơ ấy xuất phát từ hoàn cảnh giai cấp, mà nàng đã cảm thấy với tư tưởng bạc mệnh. Nàng cố gắng tranh thủ từng giờ từng phút, vì một lúc gặp được người yêu là một thắng lợi chống số phận:

 

“Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.

 

Kiều không còn đếm xỉa gì đến lễ giáo, vì vấn đề lớn quá, không còn thì giờ mà chú ý đến hình thức: cái số phận đe doạ tương lai, trước kia chỉ là một cảm tưởng trong mơ mộng chủ quan, bây giờ đã bắt đầu bộc lộ thực chất của nó với cái tình trạng chênh lệch đẳng cấp: “Một dày, một mỏng, biết là có nên”. Hành động của Kiều, tranh thủ thời gian với số phận, xét tới cùng là một hành động đấu tranh chống những quan hệ xã hội cản trở tình duyên, chống chế độ xã hội phong kiến.  

Nhưng nếu thế thì vì sao nàng lại không đi đến cùng, không để cho luyến ái thoả mãn cái đòi hỏi tự nhiên của nó? Phải chăng nàng đã bị ngăn cản do đạo đức phong kiến, thành kiến xã hội về lễ nghi kết hôn? 

Một điểm đáng chú ý là trong cả đoạn can Kim Trọng đừng “Ra tuồng trên bộc, trong dâu”, Kiều chỉ nói qua loa một câu về đạo trinh tiết – “Đạo tòng phu lấy chữ trinh là đầu”. Mà câu này Kiều cũng chỉ áp dụng vào mình, chứ còn đối với Kim Trọng thì nàng cũng thấy rõ rằng không có vấn đề luân lý: “Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh”. Sự thực là Kiều đã quan niệm vấn đề hoàn toàn trong phạm vi tình ái. Động cơ của Kiều không phải là thành kiến lễ giáo – mà đã chạy tìm người yêu ban đêm thì còn thành kiến gì? - động cơ của Kiều chỉ là lo lắng về tư tưởng của Kim Trọng, sợ mất tư thế đối với chàng:

 

“Ra tuồng trên bộc, trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi?

… Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?”

 

Nhưng nếu thực tình yêu nhau, thì về điểm ấy có gì mà phải thẹn với nhau, nhất là lại thẹn về sau? Trước thì có thể rụt rè, nhưng sau thì còn gì nữa mà thẹn? Mà trong suốt buổi gặp gỡ, và ngay đến lúc cuối cùng, “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, thì Kiều cũng không có vẻ thẹn thùng, trái lại rất là tự chủ, tự chủ đến nỗi mà chỉ sợ thẹn về sau. Mà cũng không phải là sợ thẹn với cha mẹ hay với thiên hạ, mà chỉ là sợ “thẹn cùng chàng”.

 

Chính đây là chỗ mà chúng ta nắm được thâm tâm của Kiều. Kiều chưa hoàn toàn tin tưởng ở Kim Trọng. Đành rằng chàng cũng đã chứng minh khá đầy đủ cái “tấm tình si”, nhưng sự chênh lệch xã hội không cho phép Kiều tin tưởng vô điều kiện. Vì cương vị kém một cách rõ ràng, Kiều đã cảm thấy rằng quá một mức nào đấy thì mình cũng có thể bị khinh rẻ:

 

“Trong khi chắp cánh liền cành,

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên!”

 

Trong cùng một thành phần xã hội, hoặc nếu Kim Trọng lại ở một địa vị thấp hơn, với tình ái nồng nàn giữa đôi bên, với tài hoa có một không hai của Kiều, thì không có lý do gì mà phải sợ rằng người yêu được thoả mãn rồi thì sẽ chán và bỏ rơi. Thiếu gì lý lẽ để giữ thanh tân, mà vừa mới cùng nhau “Tóc tơ căn vặn tấc lòng, Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, mà đã thốt ra những lời chua chát:

 

“Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”.

 

Nhưng sở dĩ Kiều đã phải lo xa và nói thẳng như thế, là vi hai bên đây thì “một dày, một mỏng”, bên mỏng lại là phần nàng, vậy tuy có yêu nhau một cách đằm thắm, nhưng “lòng rẻ rúng” vẫn là một khả năng tiềm tàng trong con người ở thành phần thống trị. Vì thế mà trước anh chàng giàu sang kia, Kiều đã tự thấy mình ở cương vị nhân dân, và bảo vệ cái tư thế của con nhà thường dân, “Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong”. Đấy cũng là một hình thức đấu tranh giai cấp, nhờ thế mà Kiều đã giữ được phẩm giá cao quý:

 

“Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể, thêm vì mười phân”.

 

*

* *

 

Đến đây là hết đời sống của Kiều trong gia đình, bề ngoài là hạnh phúc, bề trong thì đầy mâu thuẫn và đe doạ. Nội dung mâu thuẫn này đã được phác qua theo hướng đấu tranh đúng đắn. Kiều đã cảm thấy tính chất bất nhân của chế độ xã hội đương thời, đã tỏ thái độ đối lập bằng nghệ thuật đoạn trường, đã bạo dạn xây dựng hạnh phúc ngoài lễ giáo phong kiến, đồng thời vẫn giữ được tư thế trước thành phần thống trị. Nhưng nội dung đấu tranh còn nằm trong khuôn khổ giai cấp phong kiến nói chung. Nó chỉ phản ánh một cách rất là gián tiếp cuộc đấu tranh của nhân dân chống chế độ áp bức bóc lột.

 

Khuôn khổ giai cấp phong kiến sẽ bị vỡ lở trong quá trình phát triển mâu thuẫn giữa tiểu phong kiến và phong kiến thống trị. Chế độ tham quan ô lại sẽ làm tan nát gia đình họ Vương, liệt Kiều xuống hạ tầng xã hội: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. 

Đây là quá trình phân hoá giai cấp phong kiến, bước đầu tan rã xã hội phong kiến. Trong quá trình này, kinh tế hàng hoá đã đóng một vai trò lịch sử quyết định. Sức mạnh của đồng tiền lôi cuốn mọi sự vật trong một luồng giao dịch rộng rãi, phá vỡ cơ sở địa phương chủ nghĩa của chế độ phong kiến, giải tán hệ thống ngôi thứ và luân lý phong kiến. Nguyễn Du đã diễn tả tác dụng phá huỷ ấy một cách sâu sắc, với những lời lẽ cay nghiệt: 

“Trong tay đã sẵn đồng tiền,

Dẫu lòng đổi trắng, thay đen khó gì!”

 

Nhưng chính cái tác dụng phá hủy đó lại nằm trong vai trò tiến bộ của kinh tế hàng hoá trong lịch sử. Phải chăng Nguyễn Du đã đứng trên lập trường “thuần phong kiến” mà chống thương nghiệp một cách triệt để, chống chế độ tham quan ô lại vì nó là một hình thức cấu kết giữa phong kiến và lái buôn, mơ mộng trở lại một đời phong kiến nguyên thủy lý tưởng hoá? Phải chăng vì tư tưởng Nguyễn Du căn bản là phản động, và chỉ vì một sự gặp gỡ nhất thời mà Truyện Kiều lại có những đoạn có tác dụng chống phong kiến?

 

II - Tác hại của đồng tiền trong chế độ phong kiến suy đồi

 

Kinh tế hàng hoá là một lực lượng tiến bộ trong xã hội phong kiến, đồng thời cũng là một phương thức bóc lột nặng nề. Giai cấp thương nhân một mặt tăng cường cơ sở nhân dân chống chế độ phong kiến thống trị, xây dựng những yếu tố tiền tư bản chủ nghĩa, nhưng một mặt khác thì nó lại cấu kết với giai cấp thống trị, tăng cường chế độ tham quan ô lại. Nguyễn Du, nói chung, không thấy phần tích cực của kinh tế hàng hoá, và chỉ chú trọng lên án lòng tham vô đáy của bọn sai nha, của những phường “buôn thịt bán người”. Về phần này, nhiều câu phản kháng của Truyện Kiều phù hợp với lòng căm thù của nhân dân. Nhưng cũng phải nhận rằng Nguyễn Du chưa phải là đã đứng trên lập trường một giai cấp tiến bộ trong nhân dân mà đấu tranh. Thực tế thì Nguyễn Du đã coi giai cấp thương nhân với tất cả những thiên kiến và lòng khinh miệt của con người phong kiến, và tuy có kết án cái tập quán hối lộ của bọn quan lại, nhưng vẫn coi trọng giai cấp phong kiến, vẫn bảo vệ lý tưởng phong kiến. Như Kiều sau khi đã phải bán mình lễ quan, vẫn còn mong một thân phận “tiểu tinh” trong một gia đình phong kiến, và đến lúc thấy Mã Giám sinh ra tuồng dở dang, nàng cũng không có cách gì khinh bỉ hơn là nhận định rằng đấy là một hạng con buôn:

 

“Khác màu kẻ quý, người thanh,

Ngắm ra cho kỹ như hình con buôn”.

 

Chúng ta có thể dứt khoát: lập trường Nguyễn Du căn bản là phong kiến, và việc tố cáo tác hại của đồng tiền là thực hiện trên lập trường phong kiến. Nhưng phải chăng đó là lập trường phong kiến phản động nhất, “thuần phong kiến” đả phá bọn phong kiến quan liêu vì chúng cấu kết với thương nhân? Trong suốt Truyện Kiều chúng ta không thấy đoạn nào tỏ lòng ao ước trở lại một chế độ phong kiến “thuần” hơn là chế độ quan liêu, tức là chế độ quý tộc lãnh chúa. Mà thực ra thì đến đời phong kiến suy đồi, cũng không còn mâu thuẫn dáng kể giữa quý tộc và quan liêu. Chính bọn quý tộc cũng không ngần ngại gì mà cấu kết với bọn lái buôn - cụ thể như “họ Hoạn danh gia” với họ Thúc.

 

Thực ra trong câu chuyện thì thành phần nàng Kiều là thành phần tiểu phong kiến. Nội dung suy vong của gia đình họ Vương là mâu thuẫn giữa tiểu phong kiến và phong kiến thống trị, bọn này dựa vào những phần tử lái buôn để đàn áp bọn kia, và ngược lại một số con buôn lại lợi dụng chế độ quan liêu để làm giàu với những thủ đoạn ty tiện, “buôn thịt, bán người”. Những phần tử tiểu phong kiến phá sản oán ghét những bọn tham quan ô lại đã đàn áp họ, đồng thời họ cũng oán ghét những hạng lái buôn dùng thủ đoạn để tiếp tục áp bức bóc lột họ. Hai mối thù ấy thống nhất trong cùng một lòng căm giận tác hại của đồng tiền, trong cùng một tư tưởng nhân đạo đòi bảo vệ quyền sống của con người chống bọn quan lại hối lộ và bọn con buôn đầu cơ. Tuy nhiên, họ chỉ có thể quan niệm cái quyền sống ấy trong hệ thống tư tưởng thống trị. Nhưng vì trong thực tế khách quan, họ bị đàn áp và truất ra khỏi giai cấp phong kiến, đẩy về với quần chúng nhân dân, thái độ phản kháng của họ có phần nội dung chính đáng, phù hợp với ý nguyện của quần chúng.

 

Chúng ta thấy rõ: lập trường tư tưởng đây là lập trường tiểu phong kiến phá sản. Thành phần tiểu phong kiến không có gì là thuần tuý, nó rất phức tạp, nói chung thì chưa tách rời nhân dân như thành phần phong kiến thống trị. Trong quá trình phá sản, nó là tầng lớp biện chứng của giai cấp phong kiến, trong ấy giai cấp phong kiến tự phân hoá, tự nó phá huỷ nó, phản ánh phong trào nhân dân đương lên. Trên lập trường tiểu phong kiến phá sản, Nguyễn Du không thoát khỏi hệ thống tư tưởng phong kiến nói chung, nhưng đồng thời lại lên tiếng chống chế độ phong kiến thống trị. Đó là tư tưởng phong kiến tự nó phủ định nó, và nhiều lời kết án của thi sĩ cũng là lời kết án của nhân dân:

 

“Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

 

Thái độ Nguyễn Du phê phán tác hại của đồng tiền có phần hẹp hòi và lệch lạc, nhưng đồng thời cũng có hướng đấu tranh đúng đắn, dựa vào nhân dân mà chống chế độ thống trị, và do đấy cũng có nội dung chân lý sâu sắc. Vì đành rằng trong điều kiện lịch sử của xã hội phong kiến, tác dụng tiến bộ của đồng tiền nặng hơn là tác hại của nó, tức là nói chung thì kinh tế hàng hoá đã có vai trò tiến bộ, nhưng cái vai trò tiến bộ ấy vẫn chỉ là tương đối, mà cái tác hại lại là căn bản. Thực chất của đồng tiền là làm xáo lộn hết cả mọi giá trị của đời sống, làm cho đời người không còn là của mình mà biến thành một vật ngoài mình, một món hàng để mua bán. Đó là tính chất tha hoá [2] mà Các Mác đã vạch ra lúc lên án chủ nghĩa tư bản, hình thái hoàn thành của kinh tế hàng hoá.

 

Trong cuốn Kinh tế chính trị học và triết học, viết năm 1844, Các Mác đã dẫn một đoạn văn của Sếc-spia diễn tả bản chất tai hại của đồng tiền: 

 “Vàng? Vàng quý, lóng lánh, mầu vàng? Đây là đủ để làm cho đen hoá trắng, xấu hoá đẹp, trái hoá phải, thô hoá quý, già hoá trẻ, hèn hoá dũng. Gì đây, thần thánh? Chính cái này nó lôi cuốn người thầy tu xa bàn thờ của các vị. Cái tên nô lệ vàng này thắt chặt và cởi mở những dây thiêng liêng, nó giáng phúc những kẻ đã bị nguyền rủa, nó làm cho bệnh hủi được sùng bái, nó đề cao bọn kẻ cắp, cấp cho chúng những chức tước, hiển vinh, uy thế ở giữa Thượng viện. Chính nó làm cho bà già goá chồng lại kiếm được chồng mới, cái bà già đầy vết lở ghê tởm kia, nó lại làm thơm nức xuân xanh. Hỡi cục đất khốn nạn, con đĩ chung của loài người, mày gây loạn giữa các dân tộc! … Thần hữu hình, mày gắn chặt những tính đối lập, và bắt nó hôn nhau. Mày nói hết mọi thứ tiếng, với bất kỳ mục đích gì! Mày là hòn đá thử các lương tâm! Biết rằng người, người nô lệ của mày, đương nổi dậy, mày gây chia rẽ, để cho các súc vật làm chủ thế giới?” (Timon of Athens)

 Các Mác bình luận như sau đây:

 

“Sếc-spia làm nổi bật hai đặc tính của đồng tiền:

 1) - Nó là thần thánh hữu hình, làm mọi tính chất trong nhân loại và tự nhiên biến thành tính đối lập. Nó làm lẫn lộn và đảo ngược tất cả mọi vật và mọi việc. Nó làm kết thân những tính đối lập.

 2) - Nó là con đĩ phổ cập, nó làm mối cho tất cả mọi người.

Sự đảo ngược và lẫn lộn của mọi tính chất trong nhân loại và tự nhiên, sự kết thân những tính đối lập – cái thần quyền - của đồng tiền nằm trong bản tính của nó là cái thực chất của loài người bị tha hoá, biến thành một vật ngoài con người và mang ra bán. Nó là quyền lực bị tha hoá của loài người”. (Kinh tế chính trị và triết học) 

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã diễn tả thực chất của đồng tiền, đúng như Các Mác định nghĩa. 

Trong cả đoạn kể lại việc tụng kiện làm hại gia đình họ Vương, chúng ta thấy nổi bật tác dụng “đổi trắng, thay đen” của đồng tiền. Oan biến thành tội, tội lại trở ra oan, đúng theo số tiền đòi và nộp: “Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong”. Trong quá trình đảo lộn ấy, tình thương yêu bảo đảm sự thống nhất trong gia đình bị lộn ngược thành cái công cụ để chia sẻ gia đình: nếu Kiều không hy sinh, thì cả nhà sẽ bị hoàn toàn tiêu tán, vậy chính vì thương nhà nên Kiều phải bỏ nhà, mà cũng vì thương nhà nên Vương ông mới để cho nàng bỏ nhà: “Thà rằng liều một thân con, Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây”. Cái số phận đây không chỉ có đứng ngoài mà cưỡng bách: nó xen vào ý thức chủ quan, đảo lộn nội dung tư tưởng, lấy một bề lẽ phải mà bắt người ta công nhận, nó là cái ngoài mình mà đau đớn phải nhận là của mình, mình đã bị tha hoá:

 

“Phải lời ông cũng êm tai,

Nhìn nhau giọt ngắn, giọt dài ngổn ngang”.

 

Sở dĩ đồng tiền có năng lực làm lộn ngược hết cả ý nghĩa của đời sống, chính là vì mọi giá trị nhân bản đã bị tha hoá, biến thành những vật ngoài người ta, những món hàng ở thị trường. Đó là nội dung được diễn tả một cách đặc biệt sâu sắc trong vai trò những phường “buôn thịt, bán người”. Mã Giám sinh cân nhắc tài sắc của Kiều như con vật bán ở chợ, “cò kè bớt một, thêm hai”, rồi mua được về thì tính toán vốn lãi:

 

“Về đây nước trước bẻ hoa,

Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.

Hẳn ba trăm lạng kém đâu,

Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời.

… Mập mờ đánh lận con đen,

Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi?”

 

Cần phải nhận rõ: quá trình tha hoá thủ tiêu hết chân lý và đạo đức, nhưng không phải là nó đã bỏ qua một cách máy móc những đức tính của người ta, mà trái lại nó thu tập những đức tính ấy, đảo lộn những đức tính ấy thành những món hàng, mà lại lấy cái đó làm “chân lý”. Ví dụ như Tú bà lúc hiểu rằng vì Mã Giám sinh “Buồn mình trước đã tần mần thử chơi”, mà “Mầu hồ đã mất đi rồi”, thì quát mắng, trách Kiều đã không biết giữ trinh! Trong miệng một con chủ nhà đĩ, câu này cũng là một sự lạ, nhưng chính đấy là chỗ nổi bật thực chất của kinh tế hàng hoá. Vì toàn thể con người nàng Kiều biến thành một món hàng, trong món hàng ấy phải tính không những là cái trinh của cơ thể, mà cả cái đức tính của tuổi trẻ. Thấy phần cơ thể không còn nữa, Tú bà quật về phần đạo đức; câu mắng là đúng với “chân lý” của chủ nghĩa tiền tệ:

 

“Cớ sao chịu tốt một bề,

Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!”

 

Tố cáo bản chất tai hại của đồng tiền, hiện thực phê phán của Nguyễn Du nhất trí với lòng căm thù tự phát của quần chúng. Tuy nhiên trong điều kiện lịch sử của xã hội bấy giờ, tác hại của kinh tế hàng hoá, dù là căn bản, nhưng vẫn phải coi là phụ đối với tác dụng tiến bộ đương thời của nó. Nhưng ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã hết vai trò tiến bộ trên thế giới, trong những khu vực mà đồng tiền còn thống trị, quá trình tha hoá đã đạt những mức ghê gớm. Dưới chế độ Mỹ - Diệm ở miền Nam, tập hợp bọn đế quốc, phong kiến và mại bản phản động nhất trong cùng một chủ nghĩa sùng bái đồng tiền, nghề “buôn thịt, bán người”, buôn bán nhân tâm không còn là nghề riêng của một vài phường chuyên môn: nó đã trở thành nghề chuyên môn của toàn thể tập đoàn thống trị, nó là mục đích trắng trợn của toàn bộ tổ chức thống trị.

 

Dưới chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta, trong một giai đoạn nhất định, trong một phạm vi nhất định, nhờ sự lãnh đạo của giai cấp và Đảng công nhân, giai cấp tư sản dân tộc góp phần tích cực, cần thiết và chính đáng trong công cuộc đấu tranh và kiến thiết, kinh tế hàng hoá còn giữ được tác dụng tiến bộ. Nhưng tác dụng này, tương đối và hữu hạn, không thay đổi cái thực chất tha hoá của đồng tiền. Lẽ cố nhiền tác dụng tha hoá đây chỉ còn là một yếu tố phụ thuộc, vì giai cấp lãnh đạo trong xã hội là giai cấp công nhân, theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, hướng tiến triển của toàn bộ xã hội là hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng còn phải thủ tiêu quan hệ hàng hoá ở cơ sở kinh tế mới thủ tiêu được tính chất tha hoá trong đời sống thực tế. Và lúc xét đến những giai đoạn vươn lên của kinh tế hàng hoá trong lịch sử thế giới, đặc biệt là ở Âu Tây, xây dựng kinh tế tư bản làm cơ sở đấu tranh chống chế độ phong kiến thống trị, chúng ta vẫn nhắc lại những thủ đoạn dã man bóc lột nhân dân Tây Âu và cướp phá nhân dân thế giới, nhờ những thủ đoạn ấy mà bọn lái buôn đầu cơ và cướp bể đã tích lũy được vào thế kỷ thứ XV-XVI, cái vốn tư bản đầu tiên ở Âu Tây. Như Các Mác đã nhấn mạnh trong cuốn Tư bản luận: “Tư bản ra đời nhây nhớt những máu và bùn từ đầu đến chân”.

 

Ở Đông Phương, kinh tế hàng hoá lại phát triển kém, trước cuộc xâm lăng của bọn thực dân thì không đạt được mức độ cần thiết để chuyển lên chủ nghĩa tư bản, vậy giai cấp thương nhân có tính chất yếu ớt, không có tinh thần cách mạng cương quyết như giai cấp tư sản Âu Tây trong giai đoạn đương lên của nó. Sức mạnh của đồng tiền đã có tác dụng tiến bộ, giải phóng cá nhân một phần nào khỏi cái khuôn khổ hẹp hòi của lễ giáo phong kiến. Nhưng thực tế thì tác dụng ấy rất là hạn chế, vì chính bọn lái buôn còn mong chui vào giai cấp phong kiến để leo lên địa vị thống trị. Tính chất bất lực của bọn phú thương phong kiến hoá, đó là nội dung của đoạn Thúc sinh, Hoạn thư.

 

III - Kiều tìm lối thoát trong thành phần phú thương

 

Gia đình họ Thúc thuộc về thành phần phú thương – “Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Chuy” -, nhưng đến đời con thì đã kết hôn với một nhà đại phong kiến, “Thiên quan chủng tế”, “họ Hoạn danh gia”. Trong hoàn cảnh ấy, việc Kiều hoàn lương không phải là dễ. Kiều đã thấy rõ những trở ngại và đặt điều kiện với Thúc sinh:

 

“Thương sao cho vẹn thì thương,

Tính sao cho trọn mọi đường, thì vâng”.

 

Sở dĩ Thúc sinh, lợi dụng lúc cha đi vắng, đã cả gan tự ý đưa nàng về nhà, là vì lễ giáo phong kiến đã mất uy thế rất nhiều trong giai cấp thương nhân. Những quan hệ mua bán hàng hoá gây một hình thức tự do cá nhân mà Thúc sinh đã phát triển một cách bừa bãi: “Trăm nghìn đổ một trận cười như không!”. Vì vậy mà đến lúc Thúc ông về nhà thấy một cô dâu bất ngờ, “Phong lôi nổi trận bời bời”, Thúc sinh đã có thái độ kiên quyết:

 

“Lượng trên quyết chẳng thương tình,

Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!”

 

Trên kia đã nhận định rằng Nguyễn Du nói chung không thấy vai trò tiến bộ của đồng tiền. Nhưng riêng đây thì thi sĩ rõ ràng thông cảm với con người bướng bỉnh, tán thành cái tinh thần tự do xây dựng trên cơ sở thương nghiệp. Nhưng thực tế thì với tình trạng phong kiến hoá của họ Thúc, cái tinh thần ấy không thể nào bền bỉ. Trước những thủ đoạn nham hiểm của người vợ quý tộc, Thúc sinh sẽ tỏ thái độ nhu nhược khác hẳn với những “Lời sắt đá tri tri” mà anh ta đã dám dùng với bố.

 

Trong suốt đoạn này, tính chất giai cấp của tâm lý cá nhân được bộc lộ một cách đặc biệt rõ rệt. Tâm trạng và tính tình của mỗi vai trò chỉ là hình thức chủ quan phản ánh quan hệ giai cấp khách quan trong xã hội.

 

Sở dĩ Thúc sinh sợ vợ, không phải là vì bản thân có tính nhu nhược - bằng chứng là anh ta không nhu nhược đối với cha -, mà cũng không phải vì lễ giáo – trong chế độ đa thê thì vợ cả cũng phải phục tùng chồng, và việc lấy lẽ cũng là thông thường. Rõ ràng rằng cái mà Thúc sinh sợ, là cương vị chính trị và xã hội của họ Hoạn. Mà vì chính anh ta cũng muốn leo lên cái cương vị ấy, anh ta lại càng nhu nhược. Ví dụ như hôm gặp Kiều lần cuối cùng ở Quan Âm các, chùa nhà của Hoạn thư, anh ta giải thích rằng đã phải chịu nhục với vợ cả vì chưa có con. Thực ra nếu chỉ muốn có con thì cũng có thể có với Kiều, chứ không bắt buộc phải bám lấy họ Hoạn. Nhưng đứa con mà Thúc sinh muốn, lại là đứa con của một nhà quý tộc. Nghĩa là đời anh ta thì còn phải mang tiếng là lái buôn, nhưng đến đời con thì họ Thúc sẽ chuyển lên thành phần đại phong kiến. Đấy là lý do làm tiêu hết ý chí phản kháng:

 

“Quản chi lên thác xuống ghềnh,

Cũng toan sống thác với tình cho xong.

Tông đường chút chửa cam lòng,

Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai”.

 

Về phần Hoạn thư thì nhất định lòng ghen không phải là do “chút dạ đàn bà, Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Vì cái ghen thường tình là ghen vì yêu, vì muốn. Nhưng rõ ràng rằng Hoạn thư không yêu, trái lại khinh chồng, không thiết gì tranh thủ lòng yêu của chồng, đồng thời cũng rất khinh người vợ lẽ. Cả vấn đề đối với nó là vấn đề ngôi thứ. Ví thử như Thúc sinh xin phép nó trước khi lấy Kiều, thì chắc nó cũng để cho làm, để giữ cương vị người trên. Nhưng việc cưới trộm ở Lâm Chuy đã phạm đến trật tự xã hội phong kiến:

 

“Ví bằng thú thật cùng ta,

Cũng dong kẻ dưới, mới là lượng trên.

… Lại còn bưng bít giấu quanh,

Làm chi những thói trẻ ranh nực cười”.

 

Lòng ghen của Hoạn thư xuất phát từ lòng tự cao, tự đại của con nhà đại phong kiến, từ lòng khinh miệt anh chồng con buôn. Mục đích của nó không phải là gạt người vợ lẽ để lấy lại tình yêu của chồng. Mục đích của nó là lập lại trật tự phong kiến, làm cho Thúc sinh hiểu rằng đã muốn leo lên thành phần thống trị, thì cũng không còn quyền yêu một người thường dân như Kiều, vì đối với bọn thống trị, phận sự của nhân dân chỉ là hầu hạ chúng:

 

“Làm ra con ở, chúa nhà, đôi nơi!”

 

Cũng như tính ghen, tính ác của Hoạn thư có nội dung giai cấp rõ rệt. Chính cái “mưu cao” mà nó bàn với mẹ nó, là một thủ đoạn giặc cướp đúng theo bản chất của chế độ áp bức phong kiến:

 

“Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,

Hãy đem dây xích buộc chân nàng về”.

 

Bọn “gia nhân” này chính là “một bọn côn quang”, nhờ chúng mà họ Hoạn tự đặt mình trên hết luật pháp, đi bắt người lương thiện về làm nô tỳ - “Hoa nô truyền dậy đổi tên, Buồng the dậy ép vào phiên thị tỳ”. Đó là tập quán áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến, thực chất cướp bóc của chế độ phong kiến từ đời lãnh chúa quý tộc.

 

Nhưng đến lúc kinh tế hàng hoá phát triển, nhân dân đã có cơ sở để xây dựng một số tự do nhân quyền. Bọn phong kiến bắt buộc phải công nhận một hình thức pháp lý nào đấy, đồng thời dùng đạo đức giả mạo để mê hoặc nhân tâm. Cấu kết với lái buôn, chúng lại lấy thái độ cao thượng để bóc lột họ. Cụ thể như “họ Hoạn danh gia” mà nhận họ Thúc làm rể, thì tất nhiên đã thu được một số tiền không nhỏ, vậy Hoạn thư cũng khó lòng mà ra mặt sinh sự với chồng. Mà đã lấy một anh con buôn thì lại càng phải giữ tiếng, không có lợi gì mà làm vỡ một cấu chuyện “Xấu chàng mà có ai khen chi mình”. Vì thế mà nó “ngoảnh mặt làm thinh”, rồi dùng âm mưu thâm độc để “Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Tính ác nham hiểm của Hoạn thư đã đạt một mức quái gở. Nhưng cái quái gở ấy lại rất hiện thực, nó là cái quái gở của bọn phong kiến thống trị cấu kểt với lái buôn, nhưng đồng thời vẫn khinh miệt họ, làm ra vẻ cao thượng mà thực tế thì vẫn dùng những thủ đoạn áp bức tàn nhẫn. Trong con người “quỷ quái tinh ma” của Hoạn thư, Nguyễn Du đã xây dựng một điển hình hiện thực phong kiến thống trị trong thời đại suy đồi:

 

“Chước đâu, có chước lạ đời!

Người đâu mà lại có người tinh ma!

… Bề ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm, giết người không dao”.

Tuy nhiên, phản ứng của Kiều vẫn còn yếu ớt. Nàng cũng chỉ biết tăng cường nghệ thuật than phiền – “Bốn dây như khóc như than, Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng” -, cuối cùng thì “Rắp đem mệnh bạc, xin nhờ cửa Không”.   

Lòng từ bi của đạo Phật là một công cụ mê hoặc nhân dân, đồng thời cũng có tác dụng dàn xếp những việc tranh chấp giữa mọi phần tử bóc lột. Việc Kiều đi tu là một giải pháp dung hoà. Kiều thực tế đã bị liệt vào thân phận nô tỳ, nhưng về mặt tinh thần thì chưa tách rời giai cấp thống trị. Và tài hoa của nàng lại làm cho bọn thống trị phải trọng, thông cảm với nàng, tức là coi nàng như xứng đáng ở cùng một giai cấp với chúng:

“Rằng: Tài nên trọng, mà tình nên thương,

Ví chăng có số giàu sang,

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!”

 

Vì thế mà Kiều đã được đi tụng kinh ở vườn sau nhà họ Hoạn. Nhưng cách dàn xếp này cũng không ổn, vì thực tế thì Kiều vẫn chỉ là một hạng nô tỳ trong tay Hoạn thư, vẫn bị đe doạ ghê gớm. Hôm nó bắt được nàng tâm sự với Thúc sinh, nàng đã thấy rõ: “Miệng hùm, nọc rắn ở đâu chốn này!”.

 

Kiều chạy trốn lại tìm chỗ ẩn trong một nhà chùa. Nhưng đến lúc Giác Duyên biết câu chuyện của nàng, cái uy thế của họ Hoạn lại bắt bà sư phải đuổi nàng đi, vứt nàng vào tay bợm già: nhà chùa bộc lộ thực chất của nó là một tổ chức trong tay bọn thống trị và phục vụ chúng.

 

Trở về thanh lâu, Kiều không còn có thể mong chờ gì ở chế độ thống trị. Nàng đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn: kinh nghiệm lý tưởng phong kiến với Kim Trọng, kinh nghiệm lãng mạn tự do với Thúc sinh, kinh nghiệm tôn giáo. Hết cả những đường lối mà chế độ phong kiến đề ra hoặc ra vẻ dung túng, đều đưa đến chỗ tai hoạ. Kiều lại được một thời gian lao động chân tay - “Dãi dầu tóc rối, da chì quản bao”. Đó là một điều kiện tốt để đi vào con đường duy nhất còn lại: con đường nhân dân đấu tranh.

 

IV - Kiều tìm đường giải phóng trong phong trào nông dân khởi nghĩa

 

Việc kết duyên giữa Kiều và Từ Hải có một ý nghĩa chính trị rõ rệt. Nó là một việc kết nạp trong một phong trào khởi nghĩa. Đã hết hy vọng ở chế độ đương thời, Kiều, được gặp anh hùng, tỏ ngay thái độ dứt khoát. Vấn đề bây giờ không phải chỉ là vấn đề cá nhân, thoát khỏi lầu xanh, như ngày kết bạn với Thúc sinh. Kiều đặt rõ ràng tương lai của mình trong tương lai của xã hội: phải đánh đổ triều đình, đua lên một triểu mới, mở hy vọng cho những người bị áp bức bóc lột như nàng:

“Thưa rằng: Lượng cả bao dong,

Tấn Dương được tháy mây rồng có phen.

Rộng thương cỏ nội, hoa hèn,

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”.

 

Từ Hải thoả lòng vì thấy mình được hiểu đến thâm tâm. Tình yêu xuất phát từ ý thức về một mục đích chung, nó là tình yêu giữa những người đồng tâm đồng ý:

 

“Nghe lời vừa ý, gật đầu,

Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người?

… Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung, nghìn tứ, cũng là có nhau”. 

Tất nhiên, đời phong kiến, quan hệ lý tưởng giữa người với người chỉ có thể đạt tới mức ân nghĩa cá nhân, cũng như quan nhiệm tiến bộ về xã hội không thoát khỏi phạm vi quân chủ. Kiều đặt hy vọng ở Từ Hải, chỉ mong thay thế triều này bằng một triều khác, và Từ Hải kết nghĩa với Kiều, cũng nhằm một đời phú quý với nàng. Nhưng dưới cái hình thức phong kiến ấy, nội dung tư tưởng vẫn có cơ sở chính nghĩa. Vấn đề hưởng phú quý lúc bấy giờ là phụ. Điểm chính là Kiều đã đứng về phe nhân dân chống chế độ thống trị. Bằng chứng là hôm Từ Hải cưỡi ngựa lên đường, nàng đã không ngần ngại gì trước những sự nguy hiểm của cuộc khởi nghĩa mà tha thiết xin theo: 

“Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi”.

 

Nhưng Từ Hải không muốn để cho Kiều thấy mình ở những hoàn cảnh khó khăn. Từ Hải muốn hình ảnh của mình trước con mắt người yêu hoàn toàn là hình ảnh lý tưởng của một vị anh hùng chiến thắng:

 

“Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”.

 

Không được trải qua kinh nghiệm đấu tranh, Kiều không có điều kiện để chuyển lên một lập trường thực sự tiến bộ. Vì thế mà sau khi được báo ân báo oán cá nhân, Kiều quên căm thù, “thật dạ, tin người”, mà nghe Hồ Tôn Hiến, khuyên Từ Hải đầu hàng.

 

Từ Hải là một điển hình anh hùng nhân dân đời phong kiến. Trong giới hạn hệ thống tư tưởng thống trị, Từ Hải chưa thể đấu tranh vì nhân dân, với ý thức phục vụ nhân dân. Tư tưởng Từ Hải là chủ nghĩa anh hùng cá nhân, ý chí cương quyền lãng mạn - “Giang hồ quen thú vẫy vùng, Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Nhưng cái cá tính anh hùng ấy lại gắn liền với khiếu công lý, và thực tế thì Từ Hải đã đứng hẳn về phe nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân:

 

“Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”

 

Về phần giai cấp xuất thân, Nguyễn Du đã cố ý không cho điểm gì cụ thể. Thực ra sức mạnh của Từ Hải là ở cơ sở quần chúng. Từ Hải đại diện cho quần chúng nhân dân, với tư tưởng duy tâm lãng mạn, đồng thời với ý chí chính nghĩa của phong trào nhân dân thời phong kiến. Quân đội Từ Hải là quân đội khởi nghĩa, có căm thù chân chính, quen bênh lẽ phải, phạt những kẻ gian ác. Việc báo ân báo oán cho Kiều rõ ràng theo một thủ tục bắt nguồn từ tác phong tự phát của quần chúng khởi nghĩa. Trước khi gửi quân đi tầm nã những tên đã làm hại đến Kiều, Từ Hải tập trung binh tướng, giải thích rõ ràng những lý do đấu tranh: “Thệ sư kể hết mọi lời, Lòng lòng cũng giận, người người chấp uy”. Rồi sau khi bọn phạm nhân bị bắt, việc xử tội cũng được thực hiện trước mặt toàn quân: “Ba quân đông mặt pháp trường, Thanh thiên, bạch nhật, rõ ràng cho coi”. Xét tới cùng, thì như thế cũng là một hình thức “phát động quần chúng”, gây căm thù và ý thức chính nghĩa, sau đấy quân đội Từ Hải lại càng hăng hái chiến đấu:

 

“Thừa cơ trúc chẻ, ngói tan,

Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài.

… Đòi cơn gió quét, mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm toà cõi nam”.

 

Đời phong kiến không đi xa hơn chủ nghĩa anh hùng cá nhân, nhưng trong phong trào quần chúng, cái chủ nghĩa cá nhân ấy lại là hình thức đại diện cho lực lượng của nhân dân, chủ yếu là nông dân đấu tranh. Với cá tính anh hùng, Từ Hải cũng xưng bá, xưng vương - “Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương”. Nhưng trong lúc còn chiến đấu chống triều đình, thái độ ngang tàng của Từ Hải tiêu biểu cho phản ứng của nhân dân chống “Những phường giá áo, túi cơm”, chống bọn quan liêu “vào luồn ra cúi”. Trước đề nghị đầu hàng của Hồ Tôn Hiến, tư tưởng kiêu hãnh của Từ Hải biểu hiện tinh thần chiến đấu anh dũng của nông dân vùng dậy:

 

“Chọc trời, quấy nước mặc dầu.

Dọc ngang, nào biết trên đầu có ai!”

 

Nhưng vì ý chí giải phóng của nhân dân đã phải thông qua tư tưởng lãng mạn anh hùng cá nhân chủ nghĩa, không thoát khỏi hình thức tư tưởng phong kiến nói chung. Từ Hải đã nghe lời khuyên dụ khéo léo của Kiều. Từ Hải nhất định không thèm thuồng gì những chức tước của triều đình - “Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?” -, nhưng Kiều đã khiêu khích lòng nhân từ cá nhân anh hùng, lợi dụng những thành kiến mà giai cấp thống trị đã gây ra để xuyên tạc và bôi nhọ những phong trào khởi nghĩa của nông dân:

 

“Ngẫm từ dấy việc binh đao,

Đống xưong Vô định đã cao bằng đầu.

Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”.

 

Từ Hải đã bị quyến rũ vì còn vướng vít với những hình thức duy tâm của tư tưởng phong kiến thống trị. Nhưng căn bản Từ Hải vẫn tiêu biểu cho phong trào nhân dân, và sau khi hy sinh anh dũng, còn đứng giữa chiến trường, tượng trưng cho lực lượng bất khuất của quần chúng:

 

“Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!

Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời!”

 

Kiều thì buổi đầu có đứng về phe nhân dân. Nhưng vì không được tham gia đấu tranh, nàng cũng không thay đổi lập trường căn bản. Trong việc báo oán, nàng đã có thái độ giai cấp rõ rệt: tha cho Hoạn thư, đại biểu của thành phần thống trị, chém bọn tay sai. Dưới một hình thức khảng khái - “Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”, Kiều đã bộc lộ tư tưởng nể nang, rụt rè của con người tiểu phong kiến đối với những tầng lớp trên. Với lập trường như thế, một khi được thoả mãn cá nhân, Kiều tất nhiên đã hết căm thù, hết thông cảm với cuộc đấu tranh của quần chúng. Sống trong phong trào khởi nghĩa, Kiều chỉ thấy bản thân mình yếu ớt, không thấy lực lượng hùng cường của nhân dân đương lên:

 

“Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân”.

 

Vì thế mà trước thủ đoạn mua chuộc của Hồ Tôn Hiến “Lại riêng một lễ với nàng” -, Kiều đã hoàn toàn quên cái ý chí lớn lao ngày mới gặp Từ Hải - “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”, Kiều đã trở lại với cái tham vọng hèn hạ của bọn tiểu phong kiến ao ước đi làm quan:

 

“Bằng nay chịu tiếng vương thần,

Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì?”

 

Nhưng cái tham vọng này lại vấp phải quy luật mâu thuẫn nội bộ trong giai cấp phong kiến, mâu thuẫn giữa những mơ mộng phú quý hiển vinh của tầng lớp tiểu phong kiến và những thủ đoạn đàn áp tàn nhẫn của bọn phong kiến thống trị:

 

“Ngỡ là phú quý, phụ vinh.

Ai ngờ một phút tan tành thịt xương”.

 

Chính mâu thuẫn ấy là nội dung thực tế của số phận bội bạc mà Kiều đã cảm thấy một cách mơ màng từ thuở nhỏ. Với thái độ đểu cáng của Hồ Tôn Hiến - “Bắt nàng thị yến dưới màn” -, vừa sau khi lợi dụng nàng để giết Từ Hải, đời bạc mệnh của Kiều bộc trần cái bí quyết của nó; bằng nghệ thuật đoạn trường, Kiều đã chỉ vào mặt tên đầu sỏ quan liêu:

 

“Một cung gió tủi, mưa sầu,

Bốn dây giỏ máu năm đầu ngón tay!

… Hỏi rằng: Này khúc ở đâu?

Nghe ra muôn oán, nghìn sầu lắm thay!

Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này,

Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.

Cung cầm lựa những ngày xưa,

Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!”

 

Với việc gieo mình xuống sông Tiền Đường, đời nàng Kiều đã kết thúc. Đoạn tái hồi Kim Trọng, theo thực chất của nó, là một đoạn thần thoại, giả sử rằng Kiều, sau khi chết, còn sống lại trong một thiên đường phong kiến lý tưởng. Đó là một cách lợi dụng hình ảnh của nàng để xây dựng một nhân sinh quan duy tâm, lấy danh nghĩa đạo đức mà phủ nhận hết giá trị thực tế của đời sống, lấy chữ tâm mà thủ tiêu mâu thuẫn giữa tàimệnh, biện chính cái mệnh, bác bỏ cái tài, trút hết những tội ác của chế độ phong kiến vào trách nhiệm cá nhân của những nạn nhân của chế độ ấy:

 

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

 

Lý luận tôn giáo và triết học của Nguyễn Du hoàn toàn đối lập với nội dung chân chính của Truyện Kiều. Mâu thuẫn giữa lý tính phong kiến và cảm hứng phản phong trong con người nghệ sĩ phản ánh mâu thuẫn sâu sắc trong chế độ phong kiến suy đồi giữa giai cấp thống trị và nhân dân đấu tranh.

 

Nguyễn Du xuất thân ở thành phần quý tộc, nhưng trải qua nhiều nỗi gian truân, đã phải lưu lạc, ẩn dật lâu năm trong dân gian, sống đời sống một anh nhà nho nghèo. Bản thân Nguyễn Du trong những năm ấy là một hạng quý tộc thất bại, nhưng kinh nghiệm đời sống, xét đến nội dung và thực chất, là kinh nghiệm tiểu phong kiến phá sản. Vì trong quá trình phân hoá giai cấp phong kiến ở thời đại suy đồi, thành phần phá sản nói chung là thành phần tiểu phong kiến, vậy những phần tử phong kiến khác, lúc phá sản, cũng phải đồng hoá với thành phần này. Theo nội dung thực tế khách quan, đời sống của họ là đời sống tiểu phong kiến phá sản, thực chất kinh nghiệm của họ là kinh nghiệm tiểu phong kiến phá sản.

 

Vì thế mà trừ đoạn tái hồi Kim Trọng, trong ấy tư tưởng phong kiến thống trị lại thắng thế một cách rõ rệt, kinh nghiệm xã hội biểu hiện trong Truyện Kiều, lập trường tư tưởng Truyện Kiều, nói chung, là kinh nghiệm, lập trường tiểu phong kiến phá sản. Trên lập trường ấy, mâu thuẫn phát triển giữa tư tưởng phong kiến thống trị và ảnh hưởng của phong trào nhân dân mà những phần tử tiểu phong kiến bắt buộc phải tiếp thu trong quá trình phá sản của họ.

 

Ảnh hưởng nhân dân đây gồm hai hướng chính: hướng thương nhân, tự do chủ nghĩa, và hướng nông dân và dân nghèo thành thị, công bình chủ nghĩa.

 

Nguyễn Du, trên lập trường phong kiến nói chung, khinh và ghét giai cấp thương nhân, nhưng nhờ kinh nghiệm tiếp xúc với nhân dân, lại thông cảm với những xu hướng giải phóng cá nhân xuất hiện trên cơ sở kinh tế hàng hoá. Ví dụ như chuyện luyến ái giữa Kiều và Kim Trọng nằm rõ ràng trong bầu không khí thành thị, vì chỉ có ở thành thị hay gần thành thị thì mới có những di tích tài hoa và nổi tiếng như mả Đạm Tiên, những học sinh giàu có từ xa đến học, những “nhà Ngô Việt thương gia”. Nguyễn Du khi tán thành những hành động tự do của Kiều đi tìm Kim Trọng, đã chịu ảnh hưởng của những đòi hỏi mở rộng phong hoá, do đời sống thành thị gây ra. Rõ hơn nữa là việc tranh chấp giữa hai cha con họ Thúc, trong ấy Nguyễn Du đã đứng hẳn về bên Thúc sinh, chê trách Thúc ông, người thương nhân lạc hậu:

 

“Dâu con trong đạo gia đình,

Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong!”

 

Giai cấp thương nhân Đông phương yếu ớt và phức tạp, dễ phong kiến hoá, không phải là lực lượng chính trong nhân dân. Trong thời đại phong kiến suy đồi ở bên ta, nó không đi xa hơn mức phát triển của giai cấp thương nhân Âu Tây vào thế kỷ thứ XIV, đầu XV. Yêu cầu tự do cá nhân của nó chỉ có một tầm quan trọng rất tương đối. Yêu cầu chủ yếu của phong trào nhân dân là yêu cầu của quần chúng cơ bản, nông dân và dân nghèo thành thị: nó là yêu cầu công lý. Công lý đây không phải chỉ là cái pháp lý hình thức mà bọn quan liêu lợi dụng để cấu kết với bọn lái buôn. Nó là cái quyền sinh sống căn bản của nhân dân. Chính tinh thần công lý chính nghĩa của quần chúng nhân dân đã ảnh hưởng sâu sắc đến Truyện Kiều, gây cảm hứng cho những lời sắt đá lên án những nỗi bất công của xã hội phong kiến, biểu dương người anh hùng khởi nghĩa.

 

Trong lúc gia đình họ Vương còn đương “Êm đềm trướng rủ màn che”, bọn sai nha kéo đến một cách bất ngờ như một cơn bão giữa một bầu trời xanh. Nhưng đối với nhân dân lao động, đấy lại là một hiện tượng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Những nét điển hình mà Nguyễn Du vạch ra chính là những nét đã được tích luỹ trong kinh nghiệm xương máu lâu dài của quần chúng, mà cũng vì thế bức tranh của thi sĩ đạt được một giá trị hiện thực chân chính, có tác dụng đấu tranh chống phong kiến:

 

“Người nách thước, kẻ tay đao,

Đầu trâu, mặt ngựa, ào ào như sôi,

Già giang một lão một trai,

Một dây vô lại buộc hai thâm tình.

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời khung cửi, tan tành gói may”.

 

Kẻ thù chính của nhân dân là chế độ phong kiến thống trị, nhưng đồng thời trong phong trào quần chúng cũng có cuộc đấu tranh của những thành phần cơ bản chống những hạng con buôn đầu cơ, đấu tranh nội bộ hạn chế những thủ đoạn bóc lột của họ, và đấu tranh cương quyết chống những phần tử làm tay sai cho bọn thống trị. Đặc biệt cái nghề “buôn thịt, bán người” là một nghề tay sai điển hình - “Về đây, nước trước bẻ hoa, Vương tôn, quý khách ắt là đua nhau” - nó là một nghề kết hợp chặt chẽ những thủ đoạn tàn bạo của chế độ phong kiến với tác hại của đồng tiền, dùng bạo lực mà biến người ta thành một món hàng có ý thức. Mà cái số phận bạc bội của Kiều ở lầu xanh cũng chỉ là phản ánh một hiện tượng thường xuyên trong quần chúng lao động luôn luôn phải bán vợ, bán con để trả nợ, nộp tô và đóng thuế. Qua tình trạng tha hoá của Kiều, chúng ta thấy xuất hiện cái nội dung kinh nghiệm đau đớn của người lao động bị khủng bố tàn nhẫn, đến nỗi chỉ còn một lối thoát thân, là tự nhận mình chỉ là một số tiền vốn cho người ta khai thác, nhưng trong lúc tự nhận như thế, lại vẫn có thái độ phản kháng:

 

“Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,

Đang tay vùi liễu, giập hoa tơi bời.

… Nhưng tôi có sá chi tôi,

Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?”

 

Đến đoạn biểu dương Từ Hải, ảnh hưởng của nhân dân lại càng rõ rệt, nâng cảm hứng thi sĩ lên mức anh hùng ca. Tuy Nguyễn Du chỉ quan niệm Từ Hải như một anh hùng cá nhân lãng mạn, “quen thú vẫy vùng”, nhưng sức mạnh của câu thơ chỉ có thể bắt nguồn từ những lời ca ngợi tự phát của nhân dân đề cao những người “phi thường” đã đứng dậy lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa:

 

“Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo, túi cơm sá gì!

Nghênh ngang một cõi biên thùy”…

 

Tuy nhiên, vì tư tưởng của Nguyễn Du căn bản vẫn là phong kiến, ảnh hưởng của phong trào nhân dân cũng chỉ có tác dụng hữu hạn. Truyện Kiều có nhiều nét điển hình đi sâu vào thực tế xã hội đương thời, bộc lộ những mâu thuẫn nội tại và biểu hiện nội dung tiến hoá của nó, lấy cái hiện thực khách quan mà kết án chế độ áp bức bóc lột, đề cao những lực lượng hùng mạnh của nhân dân đấu tranh. Nhưng Nguyễn Du không diễn tả được cái hiện thực tíến hoá ấy trong cuộc biến chuyển cách mạng của nó. Tuy mỗi vai trò có một nội dung giai cấp nhất định, tính chất giai cấp của cái nội dung ấy lại không được chỉ định rõ ràng, do đấy nội dung tư tưởng chủ quan luôn luôn mâu thuẫn với nội dung xã hội chân chính. Không những Nguyễn Du đề cao triết lý Nho giáo và Phật giáo, phát triển những tình cảm nhu nhược, những tư tưởng đầu hàng, mà ngay trong những đoạn đấu tranh chân chính, nội dung tiến bộ cũng bị hạn chế. Truyện Kiều có chống chế độ tham quan ô lại, nhưng lại lên án bọn sai nha nhiều hơn là bọn quan trên, chống những phường “buôn thịt, bán người”, nhưng không nói đến những thủ đoạn căn bản bóc lột nhân dân lao động trong công cuộc sản xuất, ca tụng Từ Hải, nhưng không biểu dương những thành phần nhân dân trong quân đội khởi nghĩa.

 

Nhưng với tất cả những giới hạn của thời đại và giai cấp tính của tác giả, Truyện Kiều là áng văn kiệt tác diễn tả sâu sắc nhất, trong truyền thống văn học dân tộc, hiện thực xã hội dưới chế độ phong kiến suy đồi, từ những mâu thuẫn nội bộ trong giai cấp thống trị đến cuộc đấu tranh anh dũng của quần chúng nhân dân.

 

Về phần lý luận, Truyện Kiều biện hộ chế độ thống trị, nhưng trong cảm hứng thi văn, Nguyễn Du lại chuyển sang phe nhân dân, phản ứng thực tế xã hội đương thời với những nét thối nát và những lực lượng tiến bộ của nó, đề cao những giá trị nhân đạo chân chính: tự do, công lý, chính nghĩa. Mà vì Truyện Kiều là một trước tác văn nghệ, không phải là một cuốn sách lý luận, phần tiến bộ phải được coi là phần chủ yếu, vì chính đấy là phần có giá trị thi văn, phần mà chúng ta thông cảm và thưởng thức.

 

 

TĐT

Tập san Đại học Sư phạm

Số 5 – Tháng 1-2-3 – 1956, Hà Nội

 

 


 

[1] Thành phần công thương có tính chất đối lập với phong kiến nói chung, trong ấy có tiểu phong kiến, nhưng đặc biệt đối với tầng lớp này, cũng không thể hoàn toàn cách biệt. Vì những người công thương có vốn khá thì cũng mua ruộng đất. Một mặt khác, kinh tế tiểu phong kiến liên quan chặt chẽ với kinh tế hàng hoá. Họ Vương cũng có quan hệ với “thằng bán tơ” thì mới bị tên này “xưng xuất”

[2] Entausserung, Entfremdung. Tiếng Pháp là: aliénation.

 

           

 

Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục 

30-5-07