NGƯỜI LỮ HÀNH VẤT VẢ

 

Nguyễn Đình Thi

 

            Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 tại Từ Sơn, Hà Bắc vừa từ trần tại Pari ngày 24-4-1993 trong đợt đi công tác ở nước ngoài vì bệnh nặng. Tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942), được đánh giá là một trong những nhà triết học hàng đầu của thế kỷ. Các công trình khoa học Phương pháp hiện tượng học của Husserl (1942), Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1952), Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức (1973), Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người” (1988)… của Giáo sư đã được xuất bản ở một số nước và được đánh giá cao.

 

           Khoảng năm 1952, trong một dịp về khu căn cứ Việt Bắc, buổi sáng ấy, tôi tìm đến cơ quan Mặt trận Liên - Việt. Lội qua dòng suối, tôi thấy dưới bóng những cây mai rừng, bên chiếc bàn tre, anh Dương Bạch Mai đang ngồi nói chuyện với một khách lạ đeo kính trắng. Tôi vẫn nghe Dương Bạch Mai bị cầm tù tại Pháp, từ sau ngày kháng chiến toàn quốc. Vậy mà anh đã vượt về đây! Tôi đến chào, anh Mai cười ha hả kéo tôi ngồi xuống và bảo: “Đây, tôi giới thiệu hai nhà với nhau, một nhà triết học, một nhà thơ!”. Người khách lạ ấy là Trần Đức Thảo, cũng mới từ Pháp về nước.

 

            Tôi đã được biết anh Trần Đức Thảo là thạc sĩ triết học trường cao đẳng sư phạm Pari, nhà trường nổi tiếng là một cái nôi đào tạo những nhà tư tưởng và những chính khách cho nước Pháp. Với học vị ấy, con đường danh vọng đã rộng mở cho anh, trong lĩnh vực dạy đại học ở Pháp và các nước Âu, Mỹ. Vậy mà anh đã bỏ tất cả, để về rừng núi Việt Bắc, tham gia kháng chiến. Điều đó làm cho tôi tự nhiên quý anh ngay.

 

            Năm đó Trần Đức Thảo trạc ba lăm, ba sáu tuổi, gương mặt vuông hơi bầu bĩnh có một vẻ hồn nhiên, đôi mắt cận thị sau kính nhìn như luôn hơi ngạc nhiên. Tôi hỏi anh về tồn tại luận của nhà văn Pháp Xac-tơ-rơ (J.P.Satre), sau này ở ta hay gọi là chủ nghĩa hiện sinh. Anh Thảo kể qua cho tôi nghe cuộc tranh luận của anh với Satre, từ cuộc tranh luận đó, anh đã viết cuốn sách Hiện tượng luận và duy vật biện chứng.

 

            Mấy năm sau, những ngày về Hà Nội, tôi được biết anh Trần Đức Thảo làm trưởng khoa trường Đại học của ta. Tôi thầm nghĩ: như vậy phải quá.

 

            Sau vụ báo “Nhân văn”, Trần Đức Thảo thôi giảng dạy ở trường đại học. Tôi nghe nói anh về làm chuyên viên cao cấp ở Bộ Giáo dục và cộng tác với Nhà xuất bản Sự thật trong việc dịch và hiệu đính bản dịch những tác phẩm của C.Mác, từ nguyên bản tiếng Đức.

 

            Những năm 60, tôi thấy anh Thảo vất vả nhiều, và anh còn gặp nỗi buồn trong đời riêng. Mấy năm ấy, tôi có dịp làm việc với anh trong công chuyện dịch và giới thiệu văn học Việt Nam sang Pháp. Những lần gặp nhau, anh thường nói chuyện về các trường phái triết học thịnh hành ở Phương Tây thời bấy giờ, anh có thái độ rất quyết liệt với chủ nghĩa cấu trúc, với các khuynh hướng thổi phồng và tuyệt đối hoá những luận điểm của Phơ-rớt (Freud). Nghe anh, tôi thấy việc anh thôi giảng dạy cũng không phải là chuyện gì lớn lắm, công việc chính anh cần làm là viết tác phẩm triết học.

 

            Rồi Hà Nội bước vào những ngày tháng bom đạn ác liệt. Trần Đức Thảo vẫn lụi hụi sống một mình trong căn hộ của anh ở Kim Liên. Mỗi lần gặp anh, tôi thấy nhà triết học uyên bác ấy vẫn luôn như ngơ ngác trong các việc đời. Sức khoẻ anh sút giảm, anh phàn nàn vì đau gan, vì quá thiếu sách báo tư liệu về những phát hiện khoa học mới trên thế giới. Hình như sau những lời phàn nàn ấy đang có những hồi còi báo động, anh tìm tôi, đưa một tập bản thảo đánh máy bằng tiếng Pháp, hẹn sẽ gặp lại để trao đổi ý kiến.

 

            Tôi đã đọc những trang đánh máy ấy, cũng giữa những hồi còi báo động, những tiếng máy bay rít, tiếng súng gầm rung chuyển Hà Nội không kể ngày đêm. Trần Đức Thảo viết về cử chỉ trỏ tay ở đứa bé, và nhận xét: khi đứa bé biết trỏ tay là nó bắt đầu tự phân biệt nó với thế giới bên ngoài. Tôi thầm nghĩ: một điều tưởng như hiển nhiên trước mắt, nhưng từ bao lâu đã có mấy ai nhận ra! Tôi thấy Trần Đức Thảo đã vượt qua sự tranh cãi với các học thuyết muốn hạ thấp và phủ nhận phần ánh sáng trong con người. Trên con đường mà triết học Mác đã mở ra, anh tự suy nghĩ, quan sát và đi tới những phát hiện riêng của anh, để tìm hiểu sự hình thành ý thức từ ở đứa bé còn chưa biết nói.

 

            Ít lâu sau, Trần Đức Thảo lại đưa tôi đọc một bản thảo mới nữa, một công trình dày dặn, phân tích và lý giải sự hình thành của tiếng nói con người trong xã hội nguyên thuỷ. Tôi vui nhất là được thấy, ngay trong những ngày chiến đấu một mất một còn của đất nước, sống khó khăn thiếu thốn trăm bề, người lữ hành vất vả ấy đã tìm thấy cái hướng công việc của anh trên con đường không giới hạn của sự hiểu biết, anh đang bước khó nhọc và không nản. Hình như qua khu vực này, khu vực khác, anh đang muốn đi tới một cái nhìn bao quát và cốt lõi về sự hình thành con người.

 

            Rồi những công trình của Trần Đức Thảo được in trên tạp chí Tư duy (La Pensée), một tạp chí khoa học và triết học hàng đầu ở Pháp. Sau đó, tác phẩm của anh được xuất bản ở Pari, và dịch sang Đức, sang Nga. Sau ngày giải phóng miền Nam, khoảng năm 1980, tôi gặp anh ở Mát-xcơ-va, anh vừa đi làm việc với Viện Triết học CHDC Đức và Liên Xô. Lần này thấy anh khoẻ hơn và vui.

 

            Khi Trần Đức Thảo vào ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi có đến thăm anh một buổi, trong căn phòng của anh ở khách sạn Bến Nghé. Căn phòng của nhà triết học bề bộn, trên bàn, trên giường, dưới sàn, chỉ những sách và tạp chí. Tôi mừng thầm, nay anh có điều kiện hơn, tiếp xúc với khoa học thế giới.

 

            Rồi nghe anh sang công tác ở Pháp. Tôi nghĩ đây là dịp anh gặp nhiều bạn cũ, nay đã thành những học giả danh tiếng, để trao đổi, so đọ những sự nhìn nhận. Và cũng là dịp anh có điều kiện thu nhận, đánh giá những phát hiện mới trong các ngành hiểu biết về con người, để dùng cho công trình mà anh đang theo đuổi. Bỗng nghe tin anh mất ở Pari, một người bạn cho tôi biết anh đang viết mấy chương đầu của tác phẩm có lẽ là kết tinh sự tìm kiếm của anh suốt bao năm.

 

            Người lữ hành đã một mình đi xa mãi.

 

            Tôi thầm mong có một ngày, nắm tro của anh được đem về gửi nơi đất quê hương anh hằng lặng lẽ yêu dấu không rời.

 

Nguyễn Đình Thi

(Báo Đoàn kết, tháng 7/1993)

 

Xin cám ơn Lã Thị Hải Yến đã chép lại bài này

 

Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục