Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo,
đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản,
mà ông là người sáng lập:
Những nghiên cứu về biện chứng học
Logic của cái hiện tại sống động

Tiến sỹ Cù Huy Chử

Luật sư Cù Huy Song Hà

 

Phần 5[1]

Về chương 3 của tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động[2]

Trong chương 3, La dialectique logique comme dynamique générale de la temporalisation (Logic biện chứng như là sự vận động tổng quát của khoảnh khắc), Trần Đức Thảo đã phát triển những nhận định của Husserl về cái hiện tại sống động - những nhận định còn trong giới hạn của logic hình thức. Logic hình thức này đã cấu thành nên tính chủ quan của cái tôi siêm nghiệm. Trần Đức Thảo đã chuyển hóa logic hình thức thành logic biện chứng - một logic tổng quát của sự vật hiện tượng trong trong sự vận động và chuyển biến khánh quan và chủ quan của nó.

Trần Đức Thảo chỉ rõ: “Aristotle đã định nghĩa thời gian như là các con số của sự vận động kế tiếp trước và sau, được xác định bởi cái đồng hồ, và được biểu hiện như cái giới hạn để phân tách cái quá khứ ra khỏi cái tương lai, đồng thời nối chúng lại một cách thụ động bởi sự tiếp giáp đơn giản này, theo cách mà cái thời khắc này vẫn bất động trong một sự khẩn trương chỉ xảy ra một lần của nó. Theo Aristotle, cái thời hiện tại là cái quá khứ đi đến tương lai và dừng lại ở một điểm. Ở đó cái thời hiện tại được hiểu như là một cái trừu tượng bất động, không có cái quá khứ nhập vào.

Tóm lại, logic hình thức, trung thành với lý lẽ của hiểu biết thông thường, chú trọng tới cái khoảnh khắc hiện hữu tức thời là bất biến trong chính nó, theo cách là sự vận động chỉ được hoàn thành như là sự thoáng qua của một thời khắc của ngay bây giờ để đến với thời khắc kế tiếp. Như Achille, thế mà cuối cùng không vượt qua được con rùa, hoặc là mũi tên bay đi rồi thì vẫn còn lại sự bất động. Thật dễ tính toán ra thời điểm nào Achille sẽ vượt qua con rùa, hay là quỹ đạo của mũi tên, nhưng khó hiểu được những vận động này như là những vận động hiện hành. Bởi vì logic hình thức giả định trong những nguyên tắc bất biến của nó đối với những sự vật ở ngay chính bản thân của chúng trong mỗi thời khắc, lại độc lập với sự vận động kế tiếp của chúng từ thời khắc này đến thời khắc khác. Và từ đó dẫn đến kết quả là người ta không thấy lý do tại sao thời gian chỉ là một sự kết nối của những thời khắc bất động trong mỗi một của chúng, tất cả những bất động này có thể tự thân vận động và trải qua từ cái này đến cái khác”.[3]

Sau khi phê phán Aristotle, Trần Đức Thảo cũng đã phân tích về sự tiến bộ và sự hạn chế của quan niệm về thời gian trong hiện tượng luận của Husserl. Husserl đã đưa ra bằng chứng cho cái biện chứng của khoảnh khắc trong bản thân khoảnh khắc đó. Theo Husserl, thời gian thực không phải là thời gian được phân định bởi cái đồng hồ như Aristotle từng tuyên bố trong định nghĩa nổi tiếng của ông: “thời gian là sự đo lường chuyển động, diễn ra từ thời điểm trước đến thời điểm sau”, một định nghĩa mà cho đến tận Husserl vẫn chưa từng bị thách thức. Khái niệm thời gian của Aristotle đã tạo nên khái niệm khoảnh khắc, một khoảnh khắc bất động, và sự vận động một lần nữa trở nên khó hiểu, vì sự vận động không thể được hình thành bằng các khoảnh khắc bất động. Ngược lại, đối với Husserl: “Cái Hiện tại đang vận động (hay là, cái Hiện tại Sống động), là cái Hiện tại của khoảnh khắc đang chuyển động, đã từng đang chuyển động trong quá khứ, và sẽ tiếp tục chuyển động trong tương lai. Cái hiện tại, cái tiếp tục của quá khứ, và cái đường chân trời sống động của tương lai, cả ba cái này được phác thảo trong cái phóng chiếu vào tương lai, diễn ra một cách chủ ý ‘vào cùng một thời điểm’, cái ‘một thời điểm’ luôn vận động”.

Theo Trần Đức Thảo, với thời gian mang tính hiện tượng học, thì thời gian không còn được coi là chiều thứ tư của không gian, và do đó chúng ta có thể xây dựng lại lịch sử một cách hiệu quả, trong đó lịch sử được coi như là một phép đo lường về nhân tính với tất cả sự phong phú của các quan hệ thực, thay vì coi lịch sử như là sự trừu tượng hóa các quan hệ nhân quả tuyến tính.[4]

Có điều kỳ diệu là, ngay từ năm 1956, trong các bài giảng về tư tưởng triết học trước Mác[5], Trần Đức Thảo đã nêu ra những ví dụ về bài toán cổ điển Asin-con rùa và bài toán mũi tên bay, và ông đã lấy những ví dụ ấy để phân tích cái giới hạn của logic hình thức. Như thế là ngay từ thời gian đó, Trần Đức Thảo đã bắt đầu tư duy về cái gọi là logic của cái hiện tại sống động. Tư duy về thời gian hiện tượng học mà ông tiếp nhận và phản bác đã được hình thành từ những năm 1950. 

Trần Đức Thảo phủ định những mặt hạn chế, đồng thời giữ lại mặt hợp lý trong quan niệm về thời gian hiện tượng học của Husserl. Trên cơ sở đó, Trần Đức Thảo đã  xây dựng một lý thuyết đầy tính sáng tạo về cái hiện tại sống động: thời gian luôn bao gồm quá khứ đi đến hiện tại, và từ hiện tại sẽ đi vào thời gian tương lai. Như vậy dòng chảy thời gian là khác hoàn toàn quan niệm của cả Aristotle và Husserl. Sự vật chuyển từ hiện tại đến quá khứ có vẻ như đúng với tự thân sự vận động, nhưng thật ra là không đúng. Trên thực tế, quan điểm về cái hiện tại sống động của Husserl là một tiến bộ vượt bậc so với Aristotle, nó mang tính hiện thực đầy đủ hơn. Cái thời hiện tại theo Husserl là khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc và các khoảnh khắc ấy có mối liên hệ biện chứng để đổ về tương lai như một tất yếu. Nhưng quan điểm của Husserl vẫn mang tính duy tâm, bởi vì cái khoảnh khắc ấy được trừu tượng hóa đặt ngoài thời gian và không gian của sự vận động của hiện thực.

Trần Đức Thảo đã cải tạo quan niệm của Husserl bằng cách trả lại cái thời hiện tại cho sự vận động của sự vật, của thế giới, bằng cách nêu định nghĩa: cái thời hiện tại sống động ấy là khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc, cứ như thế mãi mãi. Để làm rõ lý thuyết ấy, ông đã xây dựng cái hình ảnh của khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc trong sự vận động của các hiện tượng trong thế giới mà ông gọi là hoàn cảnh M. Trong hoàn cảnh M ấy thì cái quá khứ vận động đến cái hiện tại được ông gọi là S, các S vận động chuyển từ quá khứ đến hiện tại để rồi từ hiện tại đi đến tương lai tạo ra dòng chảy mà ông gọi là R.

Để phân tích về cái hiện tại sống động, Trần Đức Thảo đã đặt nó trong dòng chảy của thời gian. Tại một vị trí hiện tại của thời điểm quan sát, điểm hiện tại ấy đã mang nhiều di tích của quá khứ, nên vị trí quan sát đó ở trong một tình thế nhất định của điểm thời gian đó. Vì thời gian thì không mang tính cố định, nên cái hiện tại cũng vậy. Cái hiện tại sống động là  một chuỗi hiện tại kế tiếp nhau trôi vào quá khứ, nên cái hiện tại sống động đó cũng mỗi lúc mỗi khác. Khi cái hiện tại sống động trôi đi như vậy, nó chịu tác động của nhiều yếu tố bên trong cũng như bên ngoài nó, và cả tác động của nhịp điệu nhanh hay chậm của thời gian[6]. Tất cả các tác động như thế làm cho thực tại có sự chuyển biến, sự thay đổi.[7]

Với sự vận động thực của nó, cái thời gian đi vào hiện tại, trong cái hiện tại ấy đã giải thích sự vận động, và từ trong cái hiện tại đổ về tương lai, khoảnh khắc của sự vận động ấy không những bao gồm cái hiện tại đi về phía tương lai, mà còn bao gồm trong nó cái quá khứ, nhập vào cái hiện tại, tạo ra sức mạnh vật chất cho cái hiện tại để tạo ra một dòng chảy liên tục. 

Theo Trần Đức Thảo, logic hình thức không thể thấy hết các khía cạnh khác nhau của sự thay đổi, còn logic biện chứng thì thấy rõ những sắc thái của sự thay đổi ấy. Logic biện chứng đặt sự vật hiện tượng vào trong sự vận động của thời gian, hay nói cách khác là trong dòng chảy của thời gian, đó chính là sự vận động của khoảnh khắc. Sự vận động này có thể tạo ra sự tiến bộ, nhưng cũng có thể tạo ra sự thoái bộ.

Như vậy, khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc đi từ quá khứ đến hiện tại lại tiếp tục bởi một khoảnh khắc mới, mang trong nó cái khoảnh khắc của quá khứ để từ hiện tại đi đến tương lai. Ở đây ta thấy cái quá khứ không bị chôn vùi đi trong cái hiện tại mà được giữ lại những yếu tố hợp lý để đi tới tương lai.

Tác giả Trần Trí Vũ đã cho ta biết: “Trần Đức Thảo mỗi khi nói về cái logic hình thức và biện chứng thì thường nhắc đi nhắc lại câu này: hiện tượng tồn đọng di tích của dĩ vãng trong vũ trụ thì nó cũng có thể thấy trong con người. Bởi trong con người, bên cạnh tiến trình thời gian hóa của sự sống vật chất, đồng thời còn có một mạch sống tinh thần chủ quan là ký ức nhớ nhung, tình cảm, quyến luyến, tin thờ, đam mê, sùng bái... trong con người, trong xã hội. Quy luật hiện tại sống động thể hiện mạnh hơn, lâu bền hơn trong môi trường phi vật chất. Một ký ức có thể tồn tại lâu hơn một bia đá. Có thể phá bia đá, nhưng khó có thể xóa một ký ức”.[8]

Trần Đức Thảo đã đứng trên quan điểm duy vật biện chứng, luôn luôn nhìn thấy sự thống nhất của quá khứ, hiện tại và tương lai trong mỗi sự vật. Ví dụ, một đứa bé người trở thành một thanh niên rồi từ một thanh niên trở thành một người đứng tuổi, thì những giá trị sự sống của thời thơ ấu luôn luôn được giữ lại để phát triển thành những giá trị của thời trưởng thành, và cứ như thế, khi nó trở thành người trưởng thành đứng tuổi, thì những giá trị của thời thơ ấu không bị chôn vùi đi trong quá trình phát triển. Quan điểm này rất quan trọng, bởi vì một sự vật, một hiện tượng trong quá trình phát triển luôn luôn giữ lại những giá trị tinh túy của thời quá khứ. Nếu một sự vật trong quá trình phát triển không hồi đáp lại những giá trị của thời quá khứ thì trước hay sau sự vật ấy tự nó sẽ sụp đổ.

Nói một cách khái quát thì lịch sử nhân loại luôn luôn tuân theo logic của cái hiện tại sống động. Mỗi cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng nhân loại dù phát triển đến đâu thì cũng luôn luôn giữ lại những giá trị quá khứ của thời khởi nguyên, trên cơ sở những giá trị ấy để phát triển những giá trị mới của thời đại mới tạo ra. Chính vì vậy mà con người mãi mãi tiến bộ để theo thời gian trôi từ quá khứ đến hiện tại, đến tương lai.

Khi nói rằng quan niệm của Trần Đức Thảo về cái khoảnh khắc mang tính hiện thực thì cần hiểu trong từng khoảnh khắc của khoảnh khắc thống nhất cái quá khứ trong hiện tại, và cái hiện tại ấy đổ về tương lai. Quan điểm về thời gian của Trần Đức Thảo mang tính duy vật, vì mỗi khoảnh khắc được tạo thành bởi chính sự phát triển của sự vận động của sự vật; đồng thời, quan điểm ấy cũng mang tính biện chứng, bởi từng khoảnh khắc không phải là một cái gì cố định mang tính hư vô như là cái tiền định, mà cái khoảnh khắc hiện tại chính là quá trình phủ định của phủ định liên tục xảy ra trong lịch sử, nếu truy nguyên thì đến tận vô cùng của lịch sử phát triển của vũ trụ.

Trần Đức Thảo đã từng nói với tôi: Người ta không thể sống ngoài thời gian, nhưng cần phải hiểu thời gian không chỉ là cái ta đã có, mà thời gian là cái lịch sử đã tích lũy và trải nghiệm, đến lượt ta tiếp nhận nó để phát huy trong sự sống, sự trải nghiệm và sự sáng tạo của ta. Một xã hội cũng vậy, nó không chỉ tồn tại với thời gian hiện hữu, mà nó phải tồn tại, bắt buộc phải tồn tại với thời gian của quá khứ đã tạo ra dòng chảy ngầm cho cái hiện tại đi tới tương lai. Ví dụ, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của ta, thì cái thời gian của Bà Trưng, Bà Triệu, của Trần Hưng Đạo, Quang Trung… luôn luôn không biến thành hư vô mà trở thành cái hiện hữu của thực tại. Cái thời gian ấy chảy ngầm và mãnh liệt trong tâm tư, tâm hồn của mỗi nhân cách Việt Nam đi về phía tương lai. Chính những cái ấy là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng, dân chủ, văn minh mà người Việt Nam thời hiện đại mong ước.

Có thể nói, lý thuyết về cái hiện tại sống động là một sáng tạo lớn, độc đáo của Trần Đức Thảo, đã phản ánh đúng hiện thực của sự vận động của thế giới khách quan, đồng thời xây dựng quan điểm đúng đắn về thời gian, về cái khoảnh khắc của khoảnh khắc để con người có thái độ khách quan đối với lịch sử, đối với chính mình. Từ đó con người có thể sử dụng cái quá khứ bền vững nhằm xúc tiến giải quyết những vấn đề hiện tại đặt ra, luôn luôn có xu hướng tiến bộ, vì hạnh phúc, vì sự phát triển tự do của con người. Ví dụ, hai dân tộc Pháp và Đức hận thù đến hàng mấy thế kỷ, nhưng khi đã giác ngộ về nỗi đau khổ của chiến tranh, của hận thù, thì họ đã xích lại gần nhau để tạo ra mối quan hệ bình đẳng, tạo lập cột trụ hòa bình cho cộng đồng, cho hiện tại. Cũng vậy, mỗi một con người trong quá trình tiến bộ hướng về tương lai, thì luôn luôn giữ lại ký ức của chính sự sống của mình và giữ lại những ký ức của dân tộc, của nhân loại để hướng về một sự sống đầy tính sáng tạo bền vững.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người như thế. Ông đã luôn luôn nhớ lại những ký ức của thời Khổng Tử, những ký ức của thời hình thành các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, những ký ức của các nhà cách mạng như Karl Marx, Tôn Trung Sơn, những ký ức của các anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…, vì các vị ấy là những bậc anh hùng của một dân tộc anh hùng. Những ký ức ấy tạo ra sức mạnh của dòng chảy ngầm trong đời sống tinh thần của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã từng nói, đại ý, nếu Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca, Chúa Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên còn sống lại cho đến ngày nay thì các vị ấy sẽ cùng ngồi với nhau để bàn bạc xây dựng chủ nghĩa xã hội, và Hồ Chí Minh nguyện làm học trò nhỏ của các vị ấy. Tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh được ghi lại trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, lần đầu tiên được công bố trong tác phẩm trên, do một nhà xuất bản ở Thượng Hải (Trung Quốc) xuất bản năm 1949.

Nói rộng ra thì tất cả vĩ nhân của thế giới, sở dĩ trở thành vĩ nhân, bởi trong họ có cả một dòng chảy của quá khứ mãnh liệt, hội nhập vào hiện tại để tạo ra các khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc trong cái hiện tại sống động, để góp phần tạo ra lịch sử hiện thực cho dân tộc và cho nhân loại. Cái ấy chính là kết quả tất yếu của sự phủ định của phủ định trong lịch sử loài người.

Tóm lại, thời gian của Aristotle là thời gian siêu hình. Nó đứng ngoài giới hạn cụ thể của những sự vật cụ thể của sự vận động cụ thể, chỉ đưa ra cái khái quát của sự vận động từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai không bị ràng buộc bởi những quan hệ vật chất cụ thể mang tính hiện thực. Thời gian hiện tượng học của Husserl đã khắc phục một phần những giới hạn của quan niệm thời gian của Aristotle, đồng thời phản ánh cái quan hệ hiện thực cụ thể, sống động của các khoảnh khắc; tuy nhiên, thời gian hiện tượng học này vẫn mang tính duy tâm, bởi những khoảnh khắc ấy không được giới hạn trong quan hệ hiện thực mang tính vật chất.

Trần Đức Thảo đã phân tích mặt chế của quan niệm về thời gian hiện tượng học của Husserl như sau: “Đã chỉ có trong bước đầu của thế kỷ XX, mà sự phát triển của phương pháp hiện tượng luận đã cho phép Husserl, trong giai đoạn thứ ba của hoạt động sáng tạo của ông, tiếp cận với vấn đề cái tạm thời trong thời Hiện tại sống động, và ở bên kia những khó khăn luận lý của Aristotle, đưa ra bằng chứng hiển nhiên cho cái biện chứng của thời khắc trong chính bản thân thời khắc.

Thật đúng là sự cân nhắc của Husserl về thời Hiện tại sống động đã được hạn chế theo phạm vi của tính chất chủ quan của vốn sống thuần túy như thế ấy. Tuy nhiên, chúng ta có thể giữ lại bản chất cho cái nội dung của nó, với những sự phát triển và hình thành cần thiết, để xây dựng một nền logic biện chứng như là động lực tổng quát của sự vận động của khoảnh khắc, nói khác đi là một nền logic chung của tồn tại trong sự vận động của nó và trong sự vươn lên khách quan và chủ quan của nó.

Một nền logic học như thế sẽ mở ra con đường dẫn đến nhiệm vụ mà Husserl đã để lại trong cuốn Krisis (Phê phán) cho hậu thế để soạn ra một quan niệm thực phổ biến cho những khoa học chính xác, lịch sử xã hội và nhân văn, điều này sẽ cho phép đến được với một sự hiểu biết có hiệu quả thuần lý của vấn đề con người và của những giá trị trong cái phức tạp biện chứng, toàn cảnh của lịch sử nhân loại”.[9]

Khắc phục yếu tố duy tâm trong thời gian hiện tượng học của Husserl, Trần Đức Thảo đã đưa ra quan niệm về thời gian mang tính sáng tạo độc đáo. Trần Đức Thảo khẳng định: thời gian trong cái hiện tại sống động luôn vận động theo ba phương hướng trong mối quan hệ biện chứng bền vững, đó là phương hướng theo chiều dài của sự cuốn chảy của thời gian, phương hướng theo độ sâu của sự kết tụ được duy trì, và phương hướng theo cùng sự xảy ra của những mối liên hệ với hiện trạng của thế giới. Ví dụ như sự phát triển của các phương thức sản xuất kế tiếp lẫn nhau, luôn luôn có xu hướng tiến bộ, thay thế cho cái lỗi thời, đó là sự phát triển theo chiều dài của sự cuốn chảy của thời gian. Bên cạnh đó, những mặt tích cực của phương thức sản xuất đã lỗi thời vẫn được duy trì trong phương thức sản xuất mới, chẳng hạn, những cách thức sản xuất công nghiệp của chủ nghĩa tư bản được duy trì trong cách thức sản xuất của chủ nghĩa xã hội, đó là phương hướng theo độ sâu của sự kết tụ được duy trì. Ngoài ra, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở các thời điểm khác nhau luôn luôn thâm nhập vào trong các phương thức sản xuất của xã hội tương dung, để tạo ra tiến bộ về văn hóa nói chung, đó chính là phương hướng theo cùng sự xảy ra của những mối liên hệ với hiện trạng của thế giới.

Với quan điểm của Trần Đức Thảo, cái bế tắc trong quan niệm về thời gian trong suốt 3000 năm của lịch sử triết học đã được khắc phục, được giải phóng. Mỗi khoảnh khắc của khoảnh khắc luôn luôn thống nhất trong đó cái biện chứng của quá khứ với hiện tại để tạo ra sự sống động của khoảnh khắc hiện tại đổ về phía tương lai, tạo ra một dòng chảy lịch sử mang tính tổng quát của tự nhiên, của xã hội, của cá nhân-nhân cách cụ thể. Truy nguyên đến tận cùng thì mỗi cái sống động của khoảnh khắc trong mỗi khoảnh khắc đều có cội nguồn từ sự sống động của quá khứ, của hiện tại, của tương lai trong sự vận động của vũ trụ. Sự bền vững của con người và của lịch sử loài người được quyết định bởi sự sống động của khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc. Ở đó dòng chảy thời gian thống nhất với dòng chảy không gian của tồn tại vật chất của thế giới.

TP. Hồ Chí Minh, 30/10/2011


 

[1] Chúng tôi tặng bài viết này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An.

[2] Để hoàn thành bài viết này, chúng tôi đã tham khảo các tài liệu của Daniel J. Herman và Trần Tri Vũ.

[3] Trần Đức Thảo, Cái lôgic của thời hiện tại sống động. Bản dịch của Bùi Anh & Cù Huy Chử. Di cảo được lưu giữ tại thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[4] Xem: Daniel J. Herman, bài giới thiệu cho bản dịch tiếng Anh, Dialetical Logic as the General Logic of Temporalization. Nguồn: A-T. Tymieniecka (ed.), Analecta Husserliana, Vol. XLVI, pp. 147-154, Kluwer Academic Publishers, 1995. Địa chỉ truy cập: www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_DJHerman.htm.   

[5] Xem: Trần Đức Thảo, Lịch sử tư tưởng trước Mác, NXB Khoa học xã hội, 1995.

[6] Có sự khác biệt trong nhịp điệu của thời gian giữa thời gian vật lý, thời gian sinh học, thời gian tâm lý, thời gian văn hóa v.v…

[7] Xem Trần Tri Vũ, Trần Đức Thảo - Vận động thời gian. Nguồn: vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=22173

[8] Xem Trần Tri Vũ, đã dẫn, chú thích (7).

[9]  Trần Đức Thảo, đã dẫn, chú thích (3).

 

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 31-10-11